- Con có tin vào luân hồi không? – Bà đã hỏi như vậy.
Khi đó, nắng hấp hối cuối ngày. Những nụ nắng thoi thóp rụng qua kính cửa sổ càng bợt bạt thêm, rã cánh voan trên tấm mền đắp kín thân người đàn bà rực sáng. Sức lực bà lấy từ đâu, vỉa quặng cuối được châm lửa, phừng lên. Những cặn lời lấp bấp bị tống ra, nhường chỗ cho thứ ngôn ngữ minh triết kì lạ. những câu cuối cùng, cháy ngọt và thơm lừng gỗ. Như cả một khu rừng đang cháy chỉ để soi sáng đường đi của một người đàn bà. Con đường tự phát sáng, tỏa hương cắt qua mọi trăn trở sót lại của kiếp này.
Sa tưởng khoảnh khắc Dejavu ghé chơi, khi nắng lần nữa chưa kịp nở, bởi cơn mưa xâm chiếm tuổi chiều. Cũng không gian ấy, bệnh viện trắng xóa và nồng mùi thuốc khử trùng. Có nâng cấp hơn, phòng chỉ một giường, tivi và điều hòa, nhà vệ sinh riêng. Chiếc giường thì nhỏ đi, người nằm trên giường cũng nhỏ. Nhưng như nắng, Dejavu mà, bé con thều thào hơi sương. Sương tan, như thể nước làm mềm viên đá chặn cửa nguồn, áp lực nước bung lên thành lũ. Sa chết điếng biết những lời nào sẽ được nói ra.
- Mẹ có tin vào luân hồi không? – Con bé đã hỏi, như thể mẹ Sa nằm trong chính nó, thử thách dải lụa lòng tin bung chỉ, sờn mòn của cô.
Sa không thể xé rách chính mình khi cô còn muốn dùng tấm thân băng bó cho nụ cười con bé. Cô không thể không nói có. Điều đó, như với mẹ, con bé mỉm cười. Chỉ hức một tiếng thật nhẹ. Có điều lần này nó không ra đi một cách tự nhiên.
Liều thuốc an tử giúp con bé cởi bỏ sự đau đớn, như cách người ta kích trái từ bông. Con bé đã van xin nhiều lần, khi răng ê buốt sau nhiều giờ liền cắn vào vật cản. Con bé cười, yếu ớt, đùa rằng có khi tự cắn lưỡi sẽ đỡ đau hơn. Giữ lưỡi làm gì, nó đâu cần hát nữa. Nó chỉ muốn thoát khỏi cơn đau dày vò, cơn đau của những cú thúc từ mọi phía. Đủ cả sáu chiều. Cả tinh thần – những cái lắc đầu và ánh mắt thương hại. Cả sự thất vọng nơi mắt ba.
Như liều thuốc kích trái, con bé sẽ nở bung cánh, có điều ở một thế giới khác. Ở kiếp sau. Sa nắm tay nó và nói như thế. Cô không cần thuyết phục, nó buộc phải tin. Để con đường sang nơi khác có chút ánh sáng ấm áp dẫn lối.
Lúc đó, Sa đã nghĩ đến mẹ. Cô mong bà đến, ôm lấy con bé, dẫn đường cho nó. Nhưng biết đâu bà đã đầu thai trước rồi. Bà luôn vội vàng, đôi lần bỏ lại cô tuột lại phía sau trong những chuyến vào rừng. Bà tiến vào luân hồi, không kịp để lại cho cô lời nhắn gửi nào, cả trong lần giỗ đầu. Đi nhanh, ngọt ngào như từng cầu nguyện. Quá nhanh. Chẳng biết để có thể gặp lại nhau một lần nữa giữa cuộc đời, hay để cắt đứt với nhau vĩnh viễn.
Khác với mẹ Sa, con gái cô kén chọn hơn trong khâu chọn lựa loại cây. Nó muốn một loại nở bông quanh năm, sức sống tốt, không phải cây gỗ như bà. Nó nói rằng, bông tặng mẹ, để mỗi khi mẹ buồn sẽ mỉm cười. Bông tặng mẹ, ở mỗi giờ, mỗi ngày tập luyện. Không phải chỉ sau những buổi diễn. “Thật bất công khi người ta chỉ tặng bông cho nghệ sĩ vào giây phút ngắn ngủi trên sân khấu. Đó chỉ là một lát cắt, đâu phải cả cuộc đời” – Con bé bướng bỉnh đã nói như vậy.
***
- Con bé sẽ giúp em. Nó muốn gặp em mà. – Chồng Sa nói, giữa tuần cô loay hoay không thoát nổi công việc để đến rừng gặp “bông của con”. – Em biết tính nó mà, nó muốn là phải làm được bằng mọi giá.
Sa cười, ờ, cái tính đó bắt nguồn từ anh mà. Nước thì từ sông chảy vào kênh, rạch cũng như nhau thôi. Con bé cũng di truyền từ cô sự nhẫn nhịn. Giá mà nó đừng. Đừng im lặng lâu đến vậy.
Tới ngày giỗ thứ hai của con bé, nhanh thật. Như mong muốn của nó, khi cây bông trồng trên mộ đã tươi tốt, Sa chiết lấy một nhánh, đem về trồng nơi khu rừng quê cô. Cây của mẹ cũng nằm trong khu rừng ấy. Cây của biết bao thế hệ cũng nằm trong đó. Họ có một cái cây nơi mộ, khi mất đi và được chọn theo tên hoặc nguyện vọng, rồi sẽ chiết hoặc lấy hạt từ đó đem vào rừng trồng.
Cũng không biết “bông của con” có sống nổi trong rừng không. Rừng đâu phải chỗ cho những loại cây mỏng manh, hay như mẹ cô hay nói, phù phiếm. Những cái cây giao phó mạng sống cho rừng, không thể hiểu nổi. Sao có thể. Một bản gốc nơi mộ được chăm sóc kỹ càng, một bản nhân nơi rừng mặc kệ gió mưa. Nhưng vì nguyện vọng của con, Sa đành chịu. Mỗi lần muốn tới tưới chút nước, tỉa bớt cỏ dại, cô lại từ bỏ khi nghĩ ở đâu đó đôi mắt con đang dõi theo cô. Và lắc đầu với đôi môi mỉm cười trầm lặng.
Anh cũng lắc đầu, bác sĩ lắc đầu, quản lý lắc đầu. Cái chân bị trật của Sa bật công tắc lắc đầu của mọi người. Đầu họ đưa từ điểm này qua điểm kia, kèm theo tiếng thở dài, như con lắc thôi miên tâm lý. Họ cố giấu phiền não, như cái đồng hồ cố giấu tiếng tíc tắc của mình trong những âm thanh huyên náo, để cô yên tâm. Làm sao có thể.
Anh cười gượng, cố phân trần ý anh không phải vậy. Con bé sẽ muốn mẹ đến thăm, nó sẽ giúp Sa có thời gian. Nhưng cái chân băng bó của cô không phải trò của con bé đâu. Mặc dù điều đó khiến các buổi tập dừng lại, buỗi diễn tạm hoãn, mọi hoạt động khác ì lại theo. Cô có thời gian nghỉ ngơi, dư dả quá mức cần, không chỉ một ngày mà đến thăm con bé mỗi ngày cũng được.
- Em tự bắt xe đi được, anh cứ lo công việc đi. – Sa nói, nghĩ rằng mình cần tươi vui lên chút – Anh phải làm việc cho hai người mà. Em sẽ thay anh nói chuyện với con bé cả ngày luôn.
Sa lên xe, tài xế nổ máy đợi sẵn, có vẻ nóng lòng rời đi hơn cả cô. Sa mở cửa xe, nói vói ra:
- Anh tranh thủ ghé thăm con nhen. Nó hết giận anh rồi.
Có thật đã hết chưa. Cô tự quyết định vậy. Làm gì có dấu hiệu nào để biết. Bé con, nếu còn ở đó, nếu con đồng ý hay không, hãy cho mẹ dấu hiệu đi. Cô lẩm bẩm.
Nhưng không có dấu hiệu nào cả.
Mà làm sao biết đâu mới là dấu hiệu. Ngay cả sự thật, sờ sờ trước mặt, người ta còn gạt bỏ đó thôi.
***
Đường vào rừng không còn nhiều thử thách. Trước kia như đi trong cổ tích, đoạn đường dài dằng dặc u tối với những hiểm họa rập rình. Lúc nào Sa cũng là bé con chuyện cổ, lo lắng về sói hay những phù thủy, quái vật nhảy xổ ra. Thi thoảng có thấy thợ săn, thật thụ, không như lời kể, thậm thụt nơi lùm bụi chờ bắn gà rừng và thỏ. Cô từng hỏi bà, rồi mẹ, sao họ không săn sói, hổ hay quái vật. Bà nói họ yếu hơn những loài đó (Sa đã nghĩ thầm: ra thợ săn ngoài đời chỉ thích ăn hiếp kẻ yếu). Còn mẹ nói họ đã săn hết rồi (Sa đã nghĩ thầm: ai đã ăn hết sói, hổ và quái vật, chúng có ngon không).
Những căn nhà sát nhau, thi thoảng có homestay hay nông trại khiến mảng xanh giãn ra được chút. Mùi con người làm bí ẩn sáng tỏ, âm u lùi lại, rừng thu nhỏ dần. Hay tại vì Sa đã lớn lên. Hiểu biết làm nỗi sợ, và cả mộng mơ, teo tóp. Nhường chỗ cho những nỗi sợ khác, và mong muốn của đời. Ngay chỗ này, năm ngoái là bìa rừng. Năm nay hóa thành thảm cỏ, nhiều chỗ trơ ra như vết thẹo sau bỏng nặng. Những cái cây đã đi đâu. Đó là những cái cây từ mộ người nào.
Bà Sa từng nói, rừng có cách cân bằng của nó. Cũng chính bà thở dài, bà quên tính đến con người. Con người không thuộc về rừng. Họ đập bể cán cân. Vậy những cái cây mang tên họ, nhân từ mộ họ có thuộc về rừng không. Bà nói có. Sau đó lại nói không. Mẹ nói cuộc đời có cách cân bằng của nó. Nên mẹ vẫn chọn một cái cây để Sa đặt vào rừng.
Truyền thống đó giờ là vậy. Ở quê Sa, cái xóm nhỏ nằm cạnh rừng, người ta tin rằng những cư dân đầu tiên là cây tinh hóa thành. Thế nên khi chết đi, họ sẽ luân hồi trong kiếp cây. Sau này những phép thuật lụi tàn, họ mượn nhờ bằng cách khác. Truyền thống từ đó ra đời: mỗi người khi chết đi sẽ có một cái cây nơi mộ, từ đó nhân ra đem vào rừng.
Sa đã hỏi bà, vậy cái cây nào trong rừng cũng có tên người ư. Bà nói có thể. Đã trải qua nhiều đời lắm rồi, chắc một nửa rừng là từ xóm mình. Mẹ nói không, nhiều người chết chẳng có mộ, nên cũng không có cây. Vài người xấu số hơn, cái cây trên mộ chết đi ngay trước khi kịp nhân giống. Tức là họ chết hai lần. Họ chẳng thể trở về rừng nữa.
Nhưng trở về làm gì chứ. Sa chỉ muốn đi. Cô chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chọn một cái cây, cho sau này. Không cần thiết. Nếu được cô muốn hỏa táng. Tro cốt rắc xuống biển, hay đâu đó thật xa. Trong gió cũng được. Linh hồn cô sẽ nhảy múa trong gió, như bây giờ vẫn vậy thì mai sau vẫn vậy. Rừng chỉ trói buộc cô. Rừng dửng dưng. Rừng là một lời nguyền.
Không biết bằng cách nào, rừng vẫn gọi Sa. Con gái cô tin vào truyền thuyết, dù nó chỉ nghe bà ngoại nhắc đôi lần. Bà ít khi vào thành phố thăm gia đình cô. Cũng có lúc bà trốn biệt ở thành phố, thành loài gấu ngủ đông rúc trong phòng bệnh, nhưng đã quá yếu để có thể kể chuyện. Mẹ và con gái, hai người nối tiếp nhau, bỏ cô ở giữa. Hai người cân bằng nhau. Vậy cô là cán cân ư.
“Có bà và con trong rừng, mẹ vào rừng như trở về nhà. Có biết bao người cùng quê mình nữa”. Con bé rạng rỡ trong phút cuối. Quê mình ư, con bé đẻ trong thành phố mà. Nhà sao, nhà phải là nơi an toàn để trở về. Đâu phải nơi lưu giữ những hình ảnh đáng sợ.
Một con sói ngấu nghiến cô bé quàng khăn đỏ. Cô bé bỏ khăn, trở thành chú bé chăn cừu dối trá. Cô bé rời đi, thành Pinocchio muốn làm người để che giấu cái mũi thật thà. Cô bé lớn lên, muốn trở thành thợ săn. Hoặc một mụ phù thủy, để trả thù. Mà chẳng kịp, sói chết trước rồi.
Trong rừng cây này, cái cây nào mang tên sói.
Thật may, “bông của con” vẫn đang trổ thơm ngát. Loài bông mãi mà Sa không thuộc tên nổi. Nó chưa có tên Việt, chỉ có tên viết bằng ngôn ngữ cổ của những tộc người đi rừng. Sa gọi nó bằng tên con gái. Cho Nhan. Không có nghĩa trong tiếng Việt, nhưng ở quê cô, nó có nghĩa là “gặp lại một lần nữa”. Đánh dấu lần duy nhất cô nhượng bộ mẹ, mặc kệ sự phản đối của chồng. Cái tên đó do bà đặt. Như đã đặt tên cô.
Thu Sa. Chẳng phải mùa thu rơi rụng chi đâu. Ở quê cô nó có nghĩa là “nhớ đường trở về nhà”.
***
- Em đi cẩn thận. – Anh nhìn Sa ái ngại – Hay anh thuê vệ sĩ cho em?
- Thôi anh. Em đâu nổi tiếng tới mức đó. Dưới quê giờ người ta còn không nhớ em là ai. – Sa thản nhiên cười.
- Nhưng đâu phải tự nhiên người ta đồn “khu rừng nhảy múa”… Anh thấy không yên tâm. – Anh có vẻ áy náy.
- Cả xóm em ở trong rừng. Cả mẹ em và bé con. Nếu thật sự có chuyện linh hồn như mấy lời đồn đại, em càng yên tâm vì được người thân hiện về bảo vệ chớ. – Cô cố tạo một nụ cười thật tươi.
Lẽ ra cô định nói, nếu không yên tâm thì đi cùng em, nhưng thôi. Cất lời vào, khóa kĩ. Anh bận mà.
“Khu rừng nhảy múa”, thật hoang đường. Lần đầu nghe nói đến, cô tưởng ai đó bịa ra để châm chọc cô. Có liên quan gì giữa một nghệ sĩ múa – tạm gọi là đang lên như báo chí ra rả, và một khu rừng tùy ý chuyển động đây. Có gì giữa người dành nhiều giờ liền để thổi hồn vào động tác và một khu rừng tự nhiên múa may uyển chuyển. Rồi Sa cũng chú ý. Thôi được, những lời đồn, tôi đang lắng nghe đây. Người ta nói có người vào rừng thấy những cái cây đang múa. Tức là có động tác đàng hoàng, chứ không phải chỉ là cành lá rung lắc. Vài người còn khẳng định, những cái cây rứt rễ khỏi đất, chạy nhảy như có chân. Chưa ai nói người thấy là ai. Ôi những lời đồn.
Sa coi đó chỉ là lời cảnh báo của tự nhiên. Dễ giải thích mà. Người ta đốn cây lấy gỗ và làm thuốc liên tục, rừng không phục hồi kịp nên cảnh vật đổi dời mỗi ngày. Điều đó khiến người ta tưởng nhầm là những cái cây biết đổi chỗ. Còn những động tác múa thì sao, sẽ có người ương ngạnh hỏi. Cũng dễ hiểu thôi, rừng trống khiến gió dễ lùa qua, cây cối chuyển động mạnh hơn trước. Những khoảng thưa còn khiến dây leo và thân thảo mọc nhanh, chúng chỉ cần chút gió đã thướt tha tựa lụa. Thêm những lời xầm xì về tục lệ chôn người trong rừng – nhầm lẫn từ truyền thống của xóm cô, làm mọi chuyện tăng thêm ma mị.
Được rồi, Sa phải thừa nhận rằng cô ước những lời đồn là thật. Nếu có linh hồn nhập vào khiến khu rừng nhảy múa, cô sẽ còn cơ hội gặp lại bé con. Cô có nhiều điều muốn hỏi. Về sự im lặng của con. Về những gì con biết.
Về những gì Sa đã thấy. Bé con ơi, con của mẹ, đó có phải là con không? Hay một hiện tượng song trùng.
Gần đây, Sa bắt gặp bé gái trạc tuổi con mình trong trung tâm mua sắm. Cả cách ăn mặc và tóc tai cũng giống. Nhìn từ phía sau, tưởng rằng đó chính là con. Nhưng khi quay lại, gương mặt khác chút. Có thể ai đó sẽ nhằm hai đứa là chị em. Chúng là bản nhân của nhau, như cái cây nơi mộ và cái cây trong rừng. Con bé ấy nhìn yếu ớt, xanh lét như vừa dậy khỏi giấc ngủ sâu. Như con đã tái sinh vào thân xác ấy. Nhanh lắm, tựa ảo ảnh ban mai giấc mộng chưa kịp tan, con bé đã khuất mất rồi.
Đó có phải là dấu hiệu không.
Và đây có phải là dấu hiệu không. Sa không tìm được chỗ trồng “bông của con”. Mùi hương quẩn quanh, rất gần, tìm thì chẳng thấy. Như thể con đang nghịch ngợm chạy vòng quanh, mang theo mùi nước hoa dịu mát. Ngòn ngọt.
Nếu đây là dấu hiệu, hãy nhảy múa đi, khu rừng hỡi.
Khu rừng lặng im, không trả lời. Gió tắt lịm. Không một chuyển động vi tế nào.
Mặc kệ một người đàn bà đứng giữa rừng cây, trong mùi bông mới nở, như một cái cây. Với hai hàng nhựa sống chảy khỏi hai vết cứa nơi mặt.
***
Sương nhiều như thể mưa bụi. Dày như tấm màn sân khấu che đi người nghệ sĩ. Sa đứng đó, không có đôi giày múa, tự cộng mình với một chiếc nạng. Chân cô đau trầm trọng hơn, nhìn cô như cây tầm gửi bám vào thân nạng.
Cô chỉ nhớ có vậy. Không. Màn sương mờ kí ức đã sáng dần một chút. Thật lạ, không gian tăm tối hiện rõ, để lộ khu rừng mờ sương. Sương trong sương à. Mùi “bông của con” ngọt như sữa, nồng nhức mũi. Mùi đậm như những mũi kim ghim vào da thịt, chảy thẳng vào máu.
Tuyệt nhiên mất dấu cây. “Bông của con” đã thành vô hình, chỉ còn mùi thơm. Sa cứ đi loanh quanh. Cô nghe tiếng cười khúc khích. Giống tiếng con bé lắm.
- Chuyện gì xảy ra sau đó? – Bác sĩ ngưng ghi chép, đưa tay nâng gọng kính nhìn Sa thăm dò. Cô đoán câu trả lời sẽ quyết định số phận mình, cô là phạm nhân chờ sức khỏe kết án.
- Tôi rơi vào ảo giác… – Sa cố gắng nhớ, lờ đi cơn đau.
Cô cứ đi theo mùi hương. Rừng bỗng nhiên phình ra, mở rộng. Chân cô trôi. Những cái cây hóa thành người lúc nào không hay. Không, đây không phải khu rừng. Sương trở thành những bức tường trắng. Nhiều người quá. Sao cô lại ở trung tâm thương mại. Ai đứng đằng kia. Ai đang cười. Tiếng cười khúc khích giống bé con quá.
Không phải là bé con. Một cô bé giông giống, cô từng bắt gặp một lần và ngờ đó là dấu hiệu. Con bé đang cười. Nó chỉ vào mình. Rồi chỉ vào cô. Sa chạy đến. Cô bị đông cứng. Không phải. Cô bị chặn lại. Có một tấm kính trong suốt cản đường. Tấm kính đục dần, như sương. Tấm kính được sương tráng bạc. Nó bắt đầu soi cô. Nhưng cũng không phải cô. Có thứ gì đó, to lớn hơn. Khổng lồ, nhiều chân.
- Một con cua… – Sa lẩm bẩm.
- Chà… – Vị bác sĩ tâm lý vuốt vuốt trán như muốn ủi phẳng nếp nhăn giữa chân mày. – Trong trường hợp này, tôi nghĩ cô nên đi chụp não.
- Vì con cua là cung Cự giải, tiếng anh là Cancer, đồng nghĩa với ung thư ư? – Sa cười nhẹ. Cô tự cười trò chơi chữ tầm phào của mình. Con cua trong ngôn ngữ xứ cô có một nghĩa khác, là “tự nhận biết”. Nhận biết cái gì đây.
- Không. Việc cô đột ngột ngất xỉu và liên tục nhìn thấy ảo giác có lẽ liên quan đến chấn thương não bộ… – Vị bác sĩ chầm chậm nói.
Sương lại tới. Nó nuốt chửng bác sĩ. Nuốt căn phòng. Nuốt không gian. Nó cách ly Sa.
Nó nuốt cả đôi mắt cô. Mọi thứ tối sầm như cánh cửa hy vọng đã từ chối tấm vé cô mua được từ chợ đen.
Sa ngất xỉu, một lần nữa.
***
Anh tới để chào tạm biệt, giữa những kẽ nứt của giấc mơ. Sa cố lắp ráp lại mọi thứ. Cô cảm nhận đôi mắt mình chuyển động rất nhanh, trong một chu kì Rem. Anh luôn tới giữa những chu kì đó, cúi đầu cam chịu. Sa không thể đọc gì trong mắt anh. Là sám hối à. Hay là hả hê. Cũng có thể là giải thoát.
- Em biết rồi phải không.
Sa chầm chậm gật đầu, trong giấc mộng ấy.
- Lẽ ra anh phải rời đi sớm hơn. Cô gái bên kia đã sinh con rồi. Nó cũng đủ điều kiện như con bé.
Cụm từ “đủ điều kiện như con bé” nghe thật mỉa mai. Con bé nào ở đây. Cứ như thể một cái cây được nhân ra để thí nghiệm và dùng làm kho dự trữ. Một cái cây đã héo, một cái cây mới được tạo ra chờ lớn.
- Anh đi đi, thật nhanh trước khi tôi siết cổ anh. – Sa không ngờ mình có thể nói được như vậy. Trong mơ mà, cứ tha hồ.
- Em có điều gì muốn nói không? – Anh liếm đôi môi khô khốc. Sa muốn cắn vào đó, xé nát nó. Đôi môi tuôn những lời mù sương.
- Đứa bé đó không phải là con gái đúng không? – Chẳng cần mô tả hay gọi đích danh, anh sẽ biết đó là đứa bé nào. Chỉ có một đứa bé duy nhất quan trọng.
- Em vẫn tinh ý như mọi khi… – Anh giật mình khi mắt Sa trợn lên – Nó là con trai. Mẹ anh nói giả gái sẽ bảo vệ nó khỏi ma quỷ.
Sa bật cười khanh khách. Anh vội vã chạy đi. Anh trốn vào màn sương mất biệt. Vậy ư. Ngay cả cách ăn mặc mà anh cố nhân ra cho con bé, và sắp tới là một đứa trẻ nào khác, cũng chỉ là lớp vỏ che đậy ư. Ôi con ơi, con có hay những váy đầm người đàn ông con thân thương gọi là ba dày công chọn lựa, mỉa may làm sao, chẳng qua là sự sao chép từ đứa trẻ gốc. Từ một giới tính giả để bảo vệ cái mà họ cho là quý giá.
Không gian nứt ra, và xoay chiều. Như một khối rubik, Sa sắp xếp nó lại lần nữa. Bà đã đến gặp cô, mẹ của anh. Người mẹ chồng thật sự, quyền uy và là bản gốc của anh. Không phải người đàn bà hiền lành, thoáng sợ sệt và xa cách anh bỏ tiền ra mướn về giả làm mẹ mình, anh nói dối rằng mình giống ba hơn…
- Coi như tôi bồi thường cho cô một số tiền. – Bà không cảm xúc, những thớ cơ hóa gỗ. Sa rất muốn cào vào đó để xem đường vân bên trong. – Đủ để cô xạ trị, và biết đâu đó, tìm một thằng đàn ông khác.
Hình như lúc ấy Sa cũng cười. Cười trước bí mật được tẩy trang lộ ra vẻ mặt thô ráp sần sùi. Họ dám làm vậy ư. Họ coi bé con chỉ là nguồn dự trữ cho cháu họ ư. Một bình chứa nội tạng di động. Khốn nạn. Đó mà là con người sao. Đó có thể là con người sao. Hỡi phù thủy, hỡi chó sói, hãy ra đây mà chiêm ngưỡng. Hãy học hỏi cách sống man rợ này.
Trong khoảng khắc đó, Sa đã hiểu vì sao người ta hóa sói. Trong khu rừng đó, cô độc là ánh trăng. Dối trá là vết cắn. Giận dữ là sự thúc giục. Trời ơi, Sa thông cảm cho con sói ấy. Cũng chính là kết án bản thân mình. Có thể sao. Giữa hận thù và tha thứ. Nhưng thay đổi được gì đâu. Không thay đổi được đứa trẻ bên trong cô, đã ngưng lớn từ lúc bị con sói ngấu nghiến. Giờ thì cô phổng phao, đột ngột trưởng thành. Hóa sói. Cô định sẽ làm gì.
Sa gầm lên, giương móng vuốt. Cô tìm kiếm mạch nhựa trên gương mặt người đàn bà. Bà ta rú lên như gặp chó sói. Phải, sói đây. Hãy đấu với nhau nào. Tiếng cười của cô thật xa lạ, như vọng từ cõi khác về. Những móng tay đầy máu. Ồ, là máu sao. Không phải nhựa à. Cũng đúng. Bà ta không bao giờ xứng đáng được vào rừng. Không bao giờ xứng đáng được trồng một cái cây trên mộ. Chất độc từ máu huyết của bà sẽ khiến những cái cây chết rụi.
Sa tin rằng chính chất độc đó đã tạo nên anh. Để từ anh kết liễu một rừng cây khác. Đứa trẻ ấy chẳng qua chỉ là cái cây đầu tiên.
***
Người ta đưa Sa vào đây từ điểm nào của giấc mơ nhỉ. Không khó để cô trốn đi. Một điều dưỡng là fan của cô, người đã giúp cô thoát ra ngoài. Sa đi về phía cách rừng. Cô muốn tìm cái gương ấy, muốn hỏi con cua trong đó, nó muốn cô biết điều gì.
Sương từ tâm trí chảy ra che phủ đường đi. Sương bò đến đâu, linh hồn những cái cây đã bị đốn hạ mọc trở lại. Bãi cỏ ghẻ lở trở về là bìa rừng nguyên thủy. Sương cuốn cô đi như đẩy chiếc thuyền lá nhỏ. Mùi hương dẫn đường ngòn ngọt. “Bông của con” vẫn còn nở à.
Khu rừng hòa vào sương. Những cái cây đang ngân nga. Chúng đang hát. Đủ các loại giọng hòa nhau. Sa biết bài hát này. Một khúc dân ca quê cô. Bà cô từng ước có ngày được thấy cô nhảy múa, lúc lớn lên, khi đã là một nghệ sĩ thật thụ. Mẹ không kịp đến buổi diễn lớn nhất cô từng có. Bé con, ôi lúc đó có phải con đang trốn trong WC để rửa mặt bằng sự nhẫn nhịn.
Có bà ở đây. Có mẹ và bé con nữa. Giọng họ ngâm nga trong rừng cây. Sa cúi đầu, làm một động tác chào điệu nghệ. Cô nhón chân lên, vươn tay ra, bắt đầu múa. Cô xoay tròn như cánh chò rơi. Ôi bộ quần áo như dây trói. Cô vẫn múa trong lúc cởi bỏ nó. Cởi bỏ cả những suy nghĩ.
Lần lượt, những cái cây rứt rễ. Cành lá chúng vươn ra, chuyển động nhịp nhàng. Chúng xoay quanh Sa, cùng múa. Vòng tròn cây bỗng nhiên rẽ ra, nhường chỗ cho một cái cây đầy vết chém bước tới. Cái cây rùng mình hóa thành con sói khổng lồ. Con sói đến bên cô, quỳ dưới chân cô. Cô không hoảng sợ, cô không cảm thấy gì. Cô nhẹ quá. Như đang bay lên. Cô bước lên đám lông xù xì của con sói, nhón chân tiếp tục điệu nhảy.
Bông nở ra từ tóc. Lá mọc ra từ tay. Hai bàn chân đâm rễ. Sa vẫn xoay và múa. Cô không thể ngừng cuộc trình diễn này lại. Cô xoay tròn xoay tròn. Nhịp hát càng lúc càng nhanh. Những cái cây xoay tròn. Cả khu rừng cùng nhảy múa.
Và khi sương mù tan, như tấm màn được kéo, rừng cây ngừng lại. Chúng cắm rễ vào mặt đất. Con sói ư ử nhìn cô lần cuối, trở về dạng hình một cái cây, lùi lại vị trí ban đầu. Sa cũng chọn cho mình một chỗ. Người cô nặng trĩu. Đây rồi, cạnh dây leo “bông của con”. Sa vui mừng khôn xiết. Giọng mẹ và bé con cùng cất lên:
- Sa có tin vào luân hồi không?
- Điều đó có quan trọng không? Ngay lúc này đây, Sa trở về hòa làm một với rừng. Sa sống trong kiếp này, ngay lúc này đây. – Sa bật cười.
Cô cắm rễ, hóa thành một cái cây.
Dương Thành Phát
Tin cùng chuyên mục:
Mạch nguồn – Truyện ngắn của Quyên Gavoye
Rừng cây nhảy múa – Truyện ngắn của Dương Thành Phát
Tiến sĩ của Đại học Harvard nghiên cứu về thế giới đồng tính trong văn học Việt Nam
Mị Châu – Truyện ngắn của Ngô Tú Ngân