Tôi là một người tỉ mẩn, hay quan sát. Tôi cũng là một người hoạt ngôn, thích đám đông, thích sự ồn ào phố xá bởi chỉ ở những nơi náo nhiệt ngôn từ mới có ý nghĩa. Những người hoạt ngôn thích ngồi tán gẫu và thích sự bông đùa, thích thể hiện cảm xúc, thích sự niềm nở và luôn tò mò về cuộc sống xung quanh. Vậy mà không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại chọn ăn sáng ở quán Tâm Câm. Vào mỗi buổi sáng tôi có thói quen trước khi đến cơ quan dành ra ba mươi phút ăn sáng ở đó dù người chủ quán hơi kỳ dị nhưng những bát phở do cô ta nấu lại rất ngon.
Quán Tâm Câm nằm ở trục đường chính nơi dòng xe qua lại tấp nập ngày đêm. Quán nhỏ với diện tích chỉ vỏn vẹn kê được mười chiếc bàn ăn cho hai người và chừa một lối đi be bé cho khách. Quán nhỏ nhưng sạch. Chủ quán là một cô gái tầm dưới bốn mươi bị câm và hình như cả bị điếc. Quán lấy tên “Phở Tâm Câm” ghép từ tên của cô chủ quán và đặc điểm nhận dạng của cô ta.
Tâm Câm không cao cũng không thấp, không béo và cũng không gầy. Những đường nét trên khuôn không thực sự hoàn hảo mà chỉ đủ để người đối diện nhận ra được đó là một người phụ nữ lưng chừng đẹp. Ở cô ta luôn toát lên một điều gì đó bí hiểm. Chưa ai được nhìn trực diện cô ta. Tâm Câm luôn giữ một khoảng cách nhất định với những người vào quán.
Tâm Câm đến thuê mặt bằng trong một buổi chiều xâm xẩm tối. Nhoằng một cái quán đã dựng lên. Trước khi người khu phố kịp biết tên của cô chủ quán, Tâm Câm đã dựng xong biển hiệu. Sự ngông cuồng nhưng tĩnh lặng của Tâm Câm khiến người khu phố tò mò nhưng không ai dám hỏi dù nửa câu. Mọi thứ toát ra từ người phụ nữ ấy đều lơ lửng, lơ cỡ khiến cho sự tò mò về Tâm Câm cũng chỉ nửa vời. Tâm Câm lặng lẽ sống, không cảm xúc, không biểu cảm giữa phố xá ồn ào cùng đám khách ăn hàng nhộn nhạo.
Tâm Câm giao tiếp với khách hàng bằng cử chỉ. Khách vào quán phần lớn là khách quen, họ học cách giao tiếp với Tâm Câm mà không cần lời nói. Giơ một ngón nghĩa là phở gà, giơ hai ngón nghĩa là phở bò. Giao tiếp gọn nhẹ. Không có ngôn ngữ sẽ không có mâu thuẫn và không có sự ồn ào, chẳng phải lấy lòng ai và cũng chẳng mất lòng ai, một cách khôn ngoan để tránh mọi va chạm.
Dù là ngày đầu tháng hay giữa tháng, không khí ở quán Tâm Câm luôn trầm mặc như ngày cuối tháng ở trong chùa, nhưng ở quán Tâm Câm sự trầm mặc không toát ra từ mùi hương trầm mà toát lên từ mùi vị thịt hầm. Tâm Câm không bán đắt và món ăn lại ngon nên khách lúc nào cũng đông. Khách vào quán xăm trổ đủ tạng nhưng nhất nhất đều có phần nể sợ cô chủ quán lạnh lùng. Tâm Câm không đanh đá nhưng cũng không dễ gì có thể bắt nạt được cô ta. Người phụ nữ đó tự vạch định một giao ước ngầm với khách vào quán, khách chỉ có thể ăn và uống nhưng không được cất lời. Quán trở thành thánh đường của không gian yên tĩnh.
Âm thanh duy nhất là tiếng lục bục của nồi nước dùng, một thứ âm thanh mơ hồ tựa như ai đó đang đập búa vào bên kia bờ tường. Tiếng lục bục lúc to lúc nhỏ tùy vào độ lửa trong bếp và tùy vào mong muốn của Tâm Câm.
Nhìn khuôn mặt không chút cảm xúc của Tâm Câm cùng thái độ dửng dưng trước sự ồn ã của phố phường, ban đầu tôi thấy có chút thương cảm dành cho người chủ quán. Chắc hẳn cô ta phải rất bất hạnh vì không thể diễn đạt cảm xúc của mình bằng ngôn từ và cũng không thể nghe những lời đồng cảm từ người khác. Nhưng lâu dần chút thương cảm bỗng trở thành thừa thãi và tự nó biến mất. Vả lại không có ngôn ngữ để giao tiếp thì người quen cũng thành lạ. Ba mươi phút ngồi ăn ở quán Tâm Câm trở thành khoảng lặng duy nhất trong ngày của tôi để vừa nhâm nhi vị phở vừa suy ngẫm.
Không giống như lòng thương cảm chợt đến rồi đi, những suy ngẫm ban đầu chỉ vu vơ theo thời gian chúng trở thành câu hỏi khiến tôi phải lưu tâm, thậm chí trở thành sự tò mò muốn có được câu trả lời xác thực. Đôi lần tôi định mang những suy ngẫm của mình hỏi một vài người quen biết nhưng vì không biết bắt đầu từ đâu nên đành im lặng thành ra sau mỗi buổi sáng ngồi thiền trước bát phở và ngắm nhìn khuôn mặt không chút biểu cảm của cô chủ quán, sự tò mò cứ lớn dần và trở thành nỗi ám ảnh giống như một hạt giống đã gieo mầm trong đầu và bây giờ nó đã trở thành một cái cây lớn. Tôi có cảm giác nếu không đánh bật gốc rễ của nó ra khỏi đầu thì một ngày nào đó cái cây sẽ đơm hoa kết trái và làm nảy sinh những cây con khác. Nếu cứ thế thì chẳng mấy chốc đầu tôi sẽ là một khu rừng rậm rạp không lối thoát. Trên thế giới đã có rất nhiều người chết vì lạc lối ở rừng rậm và tôi không muốn mình trở thành nạn nhân của sự ngu ngốc ấy. Nghĩ vậy nên mấy lần tôi cố tình ngồi nán lại rất lâu ở quán Tâm Câm đợi cho người khách cuối cùng ra về để có thể phá vỡ giao ước ngầm của cô ta và nói ra những suy nghĩ của mình. Vậy mà dù đã rất cố gắng nhưng chỉ cần nhìn vào khuôn mặt lỡ cỡ không chút cảm xúc của Tâm Câm thì bao nhiêu ý định dùng ngôn từ để giao tiếp của tôi lại tắt ngúm như ngọn nến thắp trước gió. Sự hèn nhát khiến tôi thấy mình thật thảm thương chẳng khác nào một diễn giả hoạt ngôn đứng trước một diễn đàn vắng không một bóng thính giả. Tôi bỏ ra về và tự an ủi rằng chẳng ai có thể hoạt ngôn trước một kẻ câm và điếc.
Nhưng tôi cũng không thể cứ giữ mãi những mối tò mò ấy trong lòng, chúng khiến tôi cảm thấy nghèn nghẹn ở cuống họng như khi nuốt phải miếng thịt to quá khổ. Mỗi buổi sáng tiếng lục bục phát ra từ nồi nước dùng trong quán phở càng lớn dần và trở thành nỗi ám ảnh. Nó không còn là tiếng lục bục của nước sôi. Hình như có ai đó đang kêu gào ở bên trong chiếc nồi đòi được giải thoát. Tôi bắt đầu nghi ngờ vị ngon ngọt của nước phở mà mỗi sáng Tâm Câm mang phục vụ khách hàng có thực sự là của vị hầm từ xương gà và xương bò hay nó được chiết xuất từ một thứ gì khác?
Để thoát khỏi sự ám ảnh đeo bám, một buổi sáng tôi quyết sẽ không đến quán phở Tâm Câm nữa, tôi sẽ ăn sáng tại nhà. Ăn gì cũng được miễn là không phải đối diện với khuôn mặt không cảm xúc của người chủ quán và tiếng lục bục kêu cứu bật ra từ những nồi nước dùng.
Buổi đầu tiên, để thay đổi với những gì thói quen đã được tôi định hướng cho mình từ nhiều năm qua, tôi chọn món ăn khô. Nhưng chỉ sau vài ba miếng tôi đã nhận ra, món khô không phải là món sở trường của mình. Thà tôi nhịn đói còn hơn là phải ăn những thứ khô cứng đó. Chúng khiến tôi thấy mình chẳng khác gì loài gia cầm chuyên mổ sỏi đá giúp tiêu hóa tốt hơn những thức ăn khác.
Buổi sáng thứ hai, tôi chọn mì ăn liền. Nhưng cũng chỉ sau vài thìa là tôi đành bỏ cuộc vì những váng vàng lều phều gần giống với vị mỡ mà không phải vị mỡ. Chúng nổi lềnh phềnh trên mặt nước dùng giống như những váng dầu trên mặt biển, chúng bám vào răng khiến tôi buồn nôn.
Buổi sáng thứ ba, tôi chọn mua xôi gói sẵn. Nhưng ngay khi mở gói xôi với lèo tèo vài lát hành khô chưng mỡ trông giống như những con dòi đang ngọ nguậy giữa những hạt xôi trắng tinh thơm phức mùi lúa mới khiến tôi rùng mình vội vã hất đi gói xôi còn nóng hổi. Kết thúc một bữa sáng.
Vậy là tôi đã trải qua ba buổi sáng đến cơ quan với chiếc dạ dày kẹp lép lục bục từng hồi.
Buổi sáng thứ tư vào lúc thức giấc, tôi tự nhủ, trốn chạy không giải pháp hữu hiệu cho tình trạng của tôi lúc này. Nếu tôi cứ tiếp tục nhịn ăn sáng, đến một lúc nào đó biết đâu tôi sẽ ngã quỵ giữa đường, lúc đó người ta sẽ nhặt xác tôi, dóc thịt và lấy xương của tôi để nấu nước dùng. Khi đó biết đâu sẽ có một người khác ăn thứ nước dùng đó rồi bị ám ảnh và trở thành nạn nhân như tôi. Tôi sẽ đối mặt với Tâm Câm để tìm ra câu trả lời cho những nghi ngờ, tôi sẽ học cách đối diện với cô ta, một người hoạt ngôn như tôi có thể dễ dàng tìm ra những câu chuyện khơi mở sự cởi mở của Tâm Câm.
Với suy nghĩ đó tôi trở lại quán “Phở Tâm Câm” sau ba ngày vắng mặt.
Tâm Câm đón tôi bằng khuôn mặt lạnh băng sau khi nhìn vào hai ngón tay giơ lên. Theo thói quen, cô ta thêm hành rồi đổ nước dùng mà không rắc ớt. Tôi kéo ghế ngồi vào chỗ quen thuộc, đối diện với cô ta. Những thói quen dần trở lại. Tâm Câm bê bát phở nóng hổi đặt lên bàn và không quên cất đi đĩa ớt, thứ mà tôi bị dị ứng hắt xì hơi mỗi lần ngửi phải. Tâm Câm đã phát hiện ra chứng dị ứng ớt ngay từ ngày đầu khi tôi bước chân vào quán. Trong khi tôi còn lo lau nước mắt, nước mũi thì Tâm Câm đã nhanh chóng bê đĩa ớt cất đi. Sau lần đó, hễ thấy tôi ngồi vào bàn, Tâm Câm sẽ nhanh chóng dọn đĩa ớt ở trên bàn. Hành động đó của cô ta khiến tôi tò mò tại sao một người tế nhị như Tâm Câm lại mang khuôn mặt lạnh lùng không xúc cảm?
Trong lúc gắp sợi bánh phở, tôi ngắm nhìn khuôn mặt lạnh lùng của người chủ quán và lắng nghe tiếng lục bục phát ra từ nồi nước dùng. Bỗng nhiên tôi nghe thấy rất rõ, đó không phải là tiếng lục bục của nước sôi mà là tiếng đập chân vào sàn nhà giãy giụa tựa như đang có một cuộc giằng co. Cổ họng nghẹn ứ, dạ dày nổi từng cục, cảm giác sợ hãi bủa vây, tôi buông đũa, trả tiền và bước ra khỏi quán trước khi tôi kịp chạm môi vào bánh phở. Tâm Câm quan sát từng hành động của tôi một cách dửng dưng. Và cũng một cách dửng dưng cô ta nhận tiền tôi trả cho bát phở chưa kịp ăn.
Giá mà lúc đó Tâm Câm biểu hiện một chút thắc mắc trước thái độ kỳ lạ của tôi thì tôi đã có cơ hội giải thích. Nhưng Tâm Câm chẳng làm gì cả. Sự lạnh lùng trên khuôn mặt của cô ta khiến tôi nghĩ tới sắc diện của tên tội phạm lúc đang phạm tội. Lạnh lùng và tàn nhẫn. Bất chợt một suy nghĩ bật mầm trong đầu, Tâm Câm chắc chắn là một ả tội phạm bỏ trốn. Sự dửng dưng mà cô ta đang thể hiện chính là chiếc vỏ bọc hoàn hảo để không ai tò mò đến thân thế thật của cô ta. Hóa ra từ bấy lâu nay tôi ăn đồ của một ả tội phạm được bao bọc với vẻ bề ngoài bất cần, bất chấp những tò mò của thế giới xung quanh, ả vẫn cứ thản nhiên kinh doanh và có lẽ cũng đang thản nhiên phạm tội ngay trước mắt mà tôi không hề nhận ra. Thật khủng khiếp! Tôi cần phải bỏ chạy khỏi nơi này trước khi cô ta biến tôi thành nạn nhân và hầm tôi cho những người khác thưởng thức.
Trong lúc trả tiền, bất chợt một suy nghĩ khác nảy sinh trong đầu, nếu bây giờ tôi lật chiếc vung của nồi nước dùng, chắc chắn sẽ có một nạn nhân được giải cứu, thân phận thực sự của ả chủ quán sẽ được phơi bày và những ám ảnh của tôi cũng sẽ được giải đáp. Mọi chuyện sẽ kết thúc. Tâm Câm sẽ không còn một cơ hội trốn chạy nào nữa. Và chắc chắn khi đó tôi sẽ được nhìn thấy khuôn mặt thê thảm của cô ta. Khuôn mặt đó sẽ như thế nào nhỉ? Liệu Tâm Câm sẽ có đủ dũng cảm lột bỏ chiếc mặt nạ lạnh lùng bất cần đời và thay vào đó là một khuôn mặt xúc cảm bình thường giống như tất cả mọi người?
Nhưng tôi đã không làm gì cả, chỉ lặng lẽ rút ra đồng năm mươi nghìn để trả cho bát phở bò có giá hai mươi lăm nghìn mà không lấy tiền thừa và vội vàng bước đi.
***
Từ hôm đó đến nay đã một tháng tôi không quay trở lại quán Tâm Câm. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi nhịn ăn sáng một tháng qua. Cơ thể vốn gày còm của tôi nay lại bị hắt hủi nên càng thêm ốm yếu. Từ một người hoạt ngôn tôi trở thành một người kín tiếng và gần như mất khả năng giao tiếp. Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi đều bắt đầu bằng việc ngắm mình trong gương để tìm ra những chùm rễ mới mọc thêm trong đêm. Tôi lo sợ rằng cánh rừng của mình đang trở nên dày đặc và tôi đang mất dần định hướng. Cứ đà phát triển như thế này thì chỉ vài tuần nữa thôi, đầu tôi sẽ là một cánh rừng rậm không khác gì rừng nguyên thủy Amazon và tôi sẽ là một trong những người nguyên thủy còn sót lại trong khu rừng đó. Tôi sẽ chết. Thủ phạm gây ra cái chết cho tôi chính là Tâm Câm. Cô ta khiến tôi phát điên với những suy nghĩ quái gở không lối thoát.
Nhưng tôi đã không chết, chính xác hơn là tôi đã may mắn thoát chết. Tôi nhập viện trong tình trạng suy nhược thể nặng. Bác sĩ xác định tôi bị mắc hội chứng hội chứng hoang tưởng kỳ quái, một dạng tâm thần kết hợp giữa hoang tưởng và khuếch đại. Lối thoát duy nhất ngoài những viên an thần cho phép não bộ nghỉ ngơi là phải phá hủy hết những chiếc rễ đang bám chặt và lan rộng trong đầu của tôi. Tất nhiên sẽ không dễ gì để phá hủy cả một cánh rừng rậm ngay lập tức, bác sĩ nói với tôi, sẽ cần có thời gian để nhổ từng gốc. Điều quan trọng hơn cả là phải tìm ra mạch nguồn tạo nên sự sống cho những chiếc rễ ấy. Chỉ khi tìm được nó, cắt đứt nó thì cánh rừng của tôi mới ngừng sinh sôi. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ cho phép bác sĩ sẽ xâm phạm lãnh thổ riêng tư của tôi bằng sự tò mò trong chiếc vỏ bọc mang danh chuyên môn y tế. Chuyện không thể đối với tôi.
Nhưng tôi cũng không thể sống với những mối nghi ngờ đang đè nặng trong tâm trí, cuối cùng sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định sẽ tự mình tìm ra mạch nguồn nuôi sống cánh rừng đó và sẽ tự mình phá hủy cánh rừng rậm rạp mà không cần sự trợ giúp của ông ta.
Để tìm ra mạch nguồn của những gốc rễ các vấn đề của tôi, tôi cần phải nạp đủ năng lượng cho cơ thể. Và không gì tốt hơn cho tôi lúc này là bát phở bò do chính Tâm Câm nấu, món ăn yêu thích nhất của tôi mặc kệ những nghi ngờ về thứ nước dùng mà cô ta phục vụ cho món ăn. Tôi rời bệnh viện và đến quán của Tâm Câm.
Đứng trước quán, chần chừ một lúc rồi tôi quyết định bước vào. Sáng nay quán tương đối đông khách. Tôi nhận ra dù có hay vắng tôi thì quán Tâm Câm vẫn hoạt động và Tâm Câm vẫn dửng dưng với mọi khách hàng không chỉ riêng với tôi. Sau khi giơ hai ngón tay ra hiệu, tôi ngồi vào chỗ ngồi quen thuộc đối diện với cô ta và chờ bát phở được bê đến. Trong lúc chờ đợi, tôi tập hành động theo lời khuyên của bác sĩ. Tôi sẽ thôi không ngắm nhìn khuôn mặt của Tâm Câm và sẽ tắt nguồn thu âm của đôi tai, sẽ cố gắng để không tò mò về cách hành xử kỳ dị của người chủ quán và chỉ tập trung quan sát những người khách trong quán. Những người khách rõ ràng có quen biết tôi nhưng không hề tỏ ra bận tâm trước sự thay đổi thái độ của tôi. Họ thậm chí còn không thèm ngước mắt lên nhìn tôi sau một tháng vắng mặt mà chỉ bận tâm vào bát phở nghi ngút khói. Trong lúc lơ đễnh nhìn vào khoảng không và tận hưởng bầu không khí trầm mặc của quán, tôi nhận ra quán không tĩnh lặng như tôi vẫn tưởng. Dù không có những âm ngôn thì vẫn có những tiếng động phát ra từ những chiếc miệng đang xì xụp húp bát phở. Tiếng xì xụp mỗi lúc một rõ ràng theo tốc độ vơi đi của món ăn. Tiếng xì xụp ban đầu còn nhỏ khi nước dùng vẫn còn nóng, càng về sau khi nước dùng đã bớt độ nóng thì âm lượng càng tăng.
Quay đầu quan sát, ở phía bên tay trái cùng hàng với tôi là một ông già, hàm răng móm mém của ông đã rụng đi một nửa tạo thành một lỗ thủng ngay trước cửa miệng. Những sợi phở theo lỗ thủng rơi ra treo lủng lẳng trước miệng như những con giun trắng hếu đang cố giãy giụa để thoát khỏi miệng cống. Mặc kệ những cố gắng trốn thoát của chúng, ông già tiếp tục xì xụp húp những ngụm nước dùng. Tiếng xì xụp phát ra từ khe hở của hàm răng đã thiếu đi một nửa nghe giống như những tiếng thút thít khiến tôi giật mình làm rơi đôi đũa. Ông già ngừng ăn, ngước đôi mắt bị khuyết một tròng nhìn tôi. Trong một khoảnh khắc tôi cứ ngỡ ông ta sẽ cất tiếng hỏi chuyện gì đang xảy ra với tôi. Nhưng không hề, khuôn mặt lạnh băng, ông già tiếp tục cúi xuống húp bát phở. Thái độ của ông khiến bất cứ ai trong hoàn cảnh của tôi cũng phải co rúm người sợ hãi. Những tiếng xì xụp lại vang lên đầy ai oán. Trong khoảng không chật hẹp của quán, những người khách vẫn điềm nhiên ăn như không hề nghe thấy những tiếng thút thít. Cơ quan thính giác của tôi bật mở trở lại tất cả các chức năng bẩm sinh. Những tiếng lục bục mà tôi cố tình không nghe trở lại dồn dập cùng với tiếng thút thít mỗi lúc một to. Bây giờ thì tôi có thể chắc chắn, quán Tâm Câm chính là một ổ tội phạm trá hình. Khách vào ăn quán chính là đồng phạm.
Rất nhanh, tôi trả tiền và lao ra khỏi quán.
***
Sau một tuần mất ngủ, đầu óc choáng váng, mỗi ngày trôi qua những nghi ngờ của tôi càng lớn. Vấn đề của tôi không nằm ở sự tò mò của bản thân mà nằm ở thái độ của người chủ quán phở. Cô ta chính là mạch nguồn của mọi vấn đề đang nảy sinh trong cánh rừng của tôi.
Với suy nghĩ này, tôi hạ quyết tâm đến tìm Tâm Câm để giải quyết ngọn ngành những câu hỏi đang ám ảnh trong tâm trí.
Lúc mười giờ sáng, quán đã vắng hết khách. Tâm Câm đang lúi húi dọn hàng. Bình thường Tâm Câm có thói quen đóng cửa hàng trước mười giờ sáng. Người đến ăn quán biết rõ quy tắc đó nên chỉ cần thấy Tâm Câm dọn hàng thì họ sẽ tự khắc rời đi mà không cần một sự giao tiếp nào. Nhưng hôm nay thì tôi sẵn sàng mặc kệ những quy tắc ngầm của cô ta để bước vào quán.
Tâm Câm ngước mắt nhìn tôi. Trong một tíc tắc, tôi nhận ra thoáng ngỡ ngàng trong đôi mắt của người chủ quán. Hóa ra Tâm Câm vẫn còn khả năng giao tiếp bằng mắt.
Không chờ Tâm Câm ra hiệu, tôi điềm nhiên kéo ghế ngồi ở chỗ ngồi quen thuộc như thể tôi đến quán để ăn phở dù quán đã đóng cửa. Rất nhanh Tâm Câm lấy lại vẻ mặt lạnh lùng, bàn tay vẫn thoăn thoát dọn đồ. Mặc kệ việc tôi giơ tay ra hiệu, Tâm Câm vẫn thản nhiên làm những hành động còn dang dở. Sau vài phút bối rối vì không biết bắt đầu từ đâu, cuối cùng tôi đành giả bộ hắng giọng báo hiệu cho cô ta biết sẽ dùng ngôn âm thay cho ngôn ngữ hình thể. Tiếng hắng giọng lần đầu khá bé đối với một người nặng tai như Tâm Câm, tôi làm lại lần hai, lần ba. Tâm Câm vẫn dửng dưng dọn quán. Bây giờ thì tôi không thể kiên trì hơn được nữa. Tâm Câm có thể bị câm và bị điếc nhưng cô ta không mù. Rõ ràng cô ta nhìn thấy tôi và nhận ra những tò mò mà tôi đang muốn hỏi cô ta. Hẳn nhiên cô ta đang đấu trí với tôi.
Sau ba lần hắng giọng không có kết quả, tôi đứng dậy bước đến bên cạnh bếp nơi Tâm Câm đang hầm nồi nước dùng cho ngày mai. Bằng một động tác dứt khoát tôi mở nắp vung trước sự bất ngờ của người chủ quán.
Nồi nước dùng đang sôi lục bục. Khói nóng và mùi thơm gia vị bị dồn nén trong nồi bỗng được giải phóng tỏa lên mặt bỏng rát khiến tôi vội vàng buông rơi nắp vung. Tâm Câm đứng phắt dậy. Trên chiếc bàn thái thịt, chiếc dao phay to bản sáng lạnh được rửa sạch sẽ đặt ngay ngắn cạnh chiếc thớt gỗ nặng trịch bên cạnh chiếc nồi hầm vừa mở nắp, Tâm Câm giương đôi mắt nhìn tôi sắc lạnh. Mặc kệ, tôi tiến gần hơn để nhìn rõ bên trong chiếc nồi.
Ngoài những mẩu xương gà và gia vị nấu phở, nồi nước dùng lõng bõng toàn nước lục bục những tiếng sôi.
“Chết tiệt!”. Tôi lẩm bẩm.
Vừa lúc ngẩng lên tôi bắt gặp ánh nhìn tinh quái và những tiếng khùng khục phát ra từ cuống họng của Tâm Câm. Cô ta hả hê bắt quả tang tôi đang phạm tội.
Sự xấu hổ xâm chiếm cơ thể, một cách thê thảm, tôi lao ra khỏi quán.
***
Vào tuần nằm viện thứ ba, thuốc an thần không còn tác dụng, đầu tôi là một khối trống rỗng, nhưng những ảo giác bắt đầu giảm. Một vài tia sáng dần hiện ra trong cánh rừng rậm rạp, tôi thấy mình đã khỏe hơn và thèm mùi vị của phở. Tôi rời viện.
Theo quán tính, tôi trở lại quán “Phở Tâm Câm”. Quán không có gì thay đổi, vẫn tĩnh lặng và sạch sẽ. Tâm Câm thoăn thoắt hai bàn tay thái thịt bên cạnh hai nồi nước dùng loại đặc chủng nghi ngút khói, mùi nước hầm thơm phức khiến tôi tạm quên đi những mối nghi ngờ và bước vào quán. Theo thói quen tôi giơ hai ngón tay ra hiệu đặt phở trước khi kéo ghế ngồi vào chỗ trống đối diện với cô ta. Trong lúc chờ bát phở được bê lên, tôi ngồi quan sát những người khách đang ăn. Người vội vàng húp xì xụp những thìa to bánh phở. Người nhẩn nha gắp từng sợi. Ông già mắt chột với bộ răng khuyết một nửa không nhai mà hút nguyên sợi bánh. Mỗi người mỗi vẻ, họ ăn trong sự tĩnh lặng của quán. Phía đối diện, Tâm Câm thêm hành, đổ nước dùng rồi bê bát phở sang bàn cho tôi và không quên mang cất đi đĩa ớt. Tất cả diễn ra nhanh chóng như thói quen của cô ta. Cuộc sống vẫn diễn ra theo nhịp điệu do Tâm Câm định ước. Vào lúc trả tiền, tôi rút ra một đồng năm mươi nghìn, Tâm Câm ngước nhìn tôi đưa tay ra hiệu không lấy tiền. Chần chừ một vài giây, tôi đút tiền vào túi rồi bước ra khỏi quán và không quên mỉm cười cảm ơn. Trong lúc liếc nhìn người chủ quán, tôi thoáng nhận ra nụ cười nơi khóe miệng của cô ta và cái mấp máy môi gần giống với cách phát âm của ngôn từ “Cảm ơn!”. Bất ngờ trước sự thay đổi của Tâm Câm, những tò mò trong tôi lại trỗi dậy.
Trả tiền xong, tôi đứng lại khá lâu trước quán quan sát. Những người khách lần lượt rời quán, thái độ hồ hởi hơn trước lúc vào quán. Họ trả tiền rất nhanh trước khi rời đi. Họ hành động điềm nhiên giống như cách mà Tâm Câm đối xử với họ. Với bất cứ ai khi trả tiền, cô ta đều đáp trả bằng nụ cười nơi khóe miệng như cách cô ta vừa làm với tôi. Không ai trong số họ tỏ ra ngạc nhiên trước thái độ của Tâm Câm. Hình như đối với họ quán Tâm Câm của ngày hôm nay chẳng có gì khác so với quán Tâm Câm của ngày hôm qua.
“Chết tiệt!”, tôi khẽ lẩm bẩm. Chẳng nhẽ bấy lâu nay những gì tôi nghĩ về Tâm Câm đều do hội chứng hoang tưởng kỳ quái gây ra? Lẽ nào thái độ kỳ dị của người chủ quán đều do tôi tưởng tượng ra và gán ghép cho cô ta? Tâm Câm ngoài bị câm và bị điếc vẫn là một người bình thường như bao người khác. Lẽ nào người không bình thường chính là tôi?
Một tuần sau khi phát hiện ra thái độ kỳ lạ của Tâm Câm, tôi tái nhập viện trong tình trạng trầm cảm thể cấp. Bác sĩ chủ trị nói rằng trong tình trạng hiện thời của tôi thì phương pháp trị liệu duy nhất mang lại hiệu quả là sốc điện.
Quyết định sốc điện được đưa ra vài giờ sau khi nhập viện. Nhưng sốc điện, bác sĩ nói, sẽ để lại một số hậu quả tạm thời và cũng có thể lâu dài. Nó cũng giống như việc phá hủy một cánh rừng bị bệnh bằng cách thiêu hủy nó. Sẽ có những tàn tro và tôi sẽ cảm thấy rất trơ trụi trong khoảng thời gian khi không còn cánh rừng để nương náu. Sốc điện là ngọn lửa duy nhất giúp tôi đốt cháy cánh rừng, phá hủy mạch nguồn của nó. Tôi sẽ thoát khỏi khu rừng của mình.
***
Hai tháng sau phương pháp trị liệu sốc điện, tôi ra viện. Theo thói quen tôi trở lại quán Tâm Câm. Ngay khi nhìn thấy tôi xuất hiện ở cửa, Tâm Câm mỉm cười chào tôi sau khi hỏi về món ăn mà tôi lựa chọn. Theo thói quen tôi giơ hai ngón tay trước khi ngồi vào chỗ quen thuộc đối diện với Tâm Câm. Sau khi thêm hành, tưới nước dùng, Tâm Câm bê bát phở đặt trên bàn. Trước khi quay đi, cô ta không quên nói chúc tôi ăn ngon miệng. Trong một khoảnh khắc, tôi nhận ra Tâm Câm không câm, bằng chứng là cô ta vừa giao tiếp bằng ngôn âm. Lắng thêm một chút, tôi nhận ra khách vào quán cũng không còn giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể. Tâm Câm cũng không điếc. Những âm thanh lục bục của nồi nước dùng chỉm nghỉm giữa những ồn ào của quán nhỏ. Tiếng xì xụp cũng biến mất sau những tiếng cười nói ồn ĩ của khách vào ăn quán. Quán vẫn sạch nhưng ồn. Tâm Câm nở nụ cười niềm nở trước những lời chào của khách. Sự thay đổi khiến tôi hụt hẫng.
Bây giờ chỉ mình tôi ngồi thiền trong một không gian ồn ã mà lẽ ra một người hoạt ngôn như tôi sẽ rất thích. Nhưng bây giờ sự ồn ã đang làm phiền tôi. Trong đầu tôi thèm sự tĩnh lặng khi xưa cùng những âm thanh lục bục đầy ám ảnh của nồi nước dùng. Mùi vị bát phở của quán Tâm Câm vẫn thơm nhưng hình như đã mất đi vị ngon ngọt chiết ra từ những âm thanh gây tò mò ngày trước. Sự nhạt nhẽo khiến tôi buồn nôn. Những người khách bước vào quán thoáng nhìn tôi bằng ánh mắt đầy tò mò và pha chút thương cảm như nhìn một con vật bị ép phải ăn thứ thức ăn không dành cho giống loài. Sự tò mò khiến tôi càng thêm khó chịu. Nó giống như lưỡi dao xoáy vào vết thương chưa kịp lành sau cú sốc điện. Lẽ ra tôi nên hét thật to vào mặt bọn họ “Hãy dừng sự soi mói của các người!”. Nhưng tôi đã không làm gì cả.
Một cách dửng dưng, tôi bỏ dở bát phở đứng dậy. Vào lúc rút ra đồng năm mươi nghìn để trả tiền cho bát phở, Tâm Câm ngước nhìn tôi. Trong một khoảnh khắc tôi chợt nhận ra khuôn mặt vô cảm của mình trong đôi mắt dò xét của người chủ quán. Cô ta không phải tội phạm, không lừa dối, chính tôi là tên tội phạm, là kẻ bệnh hoạn trong tâm trí của mình.
Tôi bỏ chạy…
Quyên Gavoye
Tin cùng chuyên mục:
Mạch nguồn – Truyện ngắn của Quyên Gavoye
Rừng cây nhảy múa – Truyện ngắn của Dương Thành Phát
Tiến sĩ của Đại học Harvard nghiên cứu về thế giới đồng tính trong văn học Việt Nam
Mị Châu – Truyện ngắn của Ngô Tú Ngân