Đổi mới cách dạy học Ngữ văn theo đặc trưng thể loại

Học sinh cần nắm chắc đặc điểm riêng của từng thể loại, từ đó giúp các em chủ động khi tiếp xúc với những văn bản mới ngoài sách giáo khoa.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.

Cùng thay đổi để thích ứng

Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc đề minh họa các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để các thí sinh, giáo viên các nhà trường, ngành Giáo dục các địa phương nắm bắt. Đây là bước đi cần thiết của Bộ GD&ĐT khi chỉ còn hơn một năm nữa, học sinh sinh năm 2007 học theo chương trình GDPT mới sẽ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào ĐH – CĐ.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, NGƯT Vũ Thị Quỳnh Anh – Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) cho rằng, đề minh họa có cấu trúc hợp lý, khoa học, kiểm tra được nhiều năng lực, phẩm chất của học sinh. Công tác dạy và học Ngữ văn cũng cần phải thay đổi mạnh mẽ để đạt được hiệu quả.

Đối với giáo viên cần phải thay đổi cách dạy từ trang bị kiến thức, dạy học nội dung sang dạy học theo yêu cầu phát triển năng lực (đọc, viết, nói nghe). Mỗi kiểu bài, kiểu câu hỏi lại có những yêu cầu riêng, thầy cô phải nắm chắc những yêu cầu ấy và cho học trò tự luyện tập để rèn luyện kỹ năng.

Ngoài ra, các thầy cô cần dạy Ngữ văn cho học sinh theo đặc trưng thể loại. Khi các em phải nắm được đặc điểm riêng của từng thể loại sẽ như nắm được “chìa khóa” để khai mở nếu tiếp xúc với những văn bản mới ngoài chương trình sách giáo khoa (SGK) mà đề bài đưa ra.

Cả giáo viên và học sinh cần bám sát vào phần yêu cầu cần đạt của chương trình, phần yêu cầu với từng chủ đề trong SGK, phần kiến thức, tri thức ngữ văn. Thầy cô nên khuyến khích sự sáng tạo, dám trình bày ý kiến riêng của học trò trước tập thể.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc đề minh họa các môn thi tốt nghiệp THPT từ 2025, học sinh và thầy cô đều phải thay đổi cách dạy và học để thích ứng.

Cũng theo cô Quỳnh Anh, học sinh cần phải hình thành được khả năng tự học. Nhiều em chủ quan khi học chương trình mới, cho rằng thi văn bản ngoài chương trình nên có thể “chém gió” tùy ý nhưng thực ra không phải là như vậy.

“Khi các em làm một bài kiểm tra Ngữ văn tức là đang làm khoa học. Nó có những yêu cầu khoa học cần được học hỏi, tự nghiên cứu mới có thể làm tốt. Học sinh cần phải nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, tăng cường đọc sách báo để làm giàu vốn ngôn ngữ, tích lũy vốn tri thức văn học cho bản thân” – NGƯT Vũ Thị Quỳnh Anh nêu quan điểm.

Sử dụng ngữ liệu ngoài SGK thế nào?

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn mà không sử dụng ngữ liệu trong SGK cần có một số lưu ý để đảm bảo phát triển năng lực học sinh. Theo NGƯT Vũ Thị Quỳnh Anh, văn bản cần gắn với những thể loại trong khung chương trình GDPT 2018 của Bộ GD&ĐT.

Việc chọn ngữ liệu cần rất công phu, tỉ mỉ và có sự chọn lọc. Ngữ liệu phải đảm bảo tính khoa học, giáo dục và theo chủ đề, dựa trên các năng lực, phẩm chất cần đạt theo khung chương trình, phù hợp với đối tượng tiếp nhận là học sinh THPT.

Tương tự, NGƯT Đỗ Thị Khánh Huệ – giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân, Hà Nam) nhấn mạnh, ngữ liệu phải đảm bảo tính giáo dục, tính thẩm mĩ với ngôn từ trong sáng, chuẩn ngữ pháp; cùng thể loại hoặc phương thức biểu đạt với văn bản đã được học để học sinh vận dụng kiến thức vào tìm hiểu, cảm nhận.

Ngữ liệu cũng cần kiểm tra đủ các kiến thức của các phân môn: Tiếng Việt – Văn và tập làm văn. Nguồn ngữ liệu phải có độ tin cậy cao, tránh nguồn chưa được kiểm chứng. Ngữ liệu phải phát huy được tính sáng tạo của học trò. Các em được bày tỏ quan điểm trước những vấn đề xã hội, phát huy tinh thần của một công dân có trách nhiệm.

Cô Khánh Huệ cho rằng, câu hỏi trong kiểm tra Ngữ văn cần bám vào định dạng theo ma trận đề, bản đặc tả, theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Tăng cường những câu hỏi yêu cầu học sinh giải quyết một tình huống, vấn đề thực tế hoặc dạng câu hỏi thể hiện quan điểm ý kiến cá nhân. Câu hỏi cần mở, không có tính áp đặt.

Hệ thống câu hỏi vẫn phải đủ các mức độ: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Để phát huy tính sáng tạo của học sinh cần hạn chế các câu hỏi kiểm tra lý thuyết, nên thêm các câu hỏi liên hệ và để học trò đưa ra ý kiến, giải pháp và quan điểm, cảm nhận của cá nhân. Câu hỏi trong đề phải mở, chấp nhận nhiều phương án trả lời có thể trái chiều nhưng chỉ cần học sinh lý giải được vì sao chọn đáp án đó. Để các em hứng thú làm bài thì ngữ liệu phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi, gắn với vấn đề thời sự xã hội.

ĐÌNH TUỆ

Báo Giáo Dục Thủ Đô