Thầy ơi, thầy có nhận ra con nữa không? (Tản văn Trác Diễm)

Những ngày cuối thu cảnh vật dường như cũng muốn chiều lòng “tuýp” người lãng mạn. Lá vàng không còn trút từng đợt mạnh mẽ như khi đương mùa mà thay vào đó không gian trở nên chùng chình hơn, chậm rãi hơn, và dĩ nhiên rất thi vị. Điều này dễ khiến cho tâm hồn người đi lạc lắm. Mùa êm ái nhất là vào đêm, khi những loài hoa “dạ hương” cứ kích thích, miên man. Chúng thâu tóm, dẫn dắt chúng ta chạm đến vùng sâu thẳm. Vùng sâu thẳm của ký ức…

Có thể nhiều người sẽ không ưa những cung đường sũng nước, bởi những vũng tù động sẽ dễ khiến cho chân họ bị trượt ngã, lá vàng bệt dính xung quanh và cũng là nơi trú ngụ của loài muỗi vằn. Tiết trời mùa này rất đỏng đảnh, chợt mưa chợt nắng, chuyện hắt xì sổ mũi làm thân ta uể oải, khó chịu vô cùng. Tuy nhiên hãy bỏ qua những chi tiết vặt vãnh ấy đi, chúng không đáng để bận lòng, chúng ta hãy hướng nội tâm vào thực tại tuyệt đẹp này.

                   Nhà văn Trác Diễm ở Quảng Bình

Kia, những cụm hoa sữa chảy dài từ trên cao xuống tạo thành màn mưa trắng, ở đâu “tra tấn cực hình” thì tôi không biết nhưng ở thành phố này mỗi cung đường chỉ trồng đôi, ba cây xa thưa nhau đủ để lan hương êm ái nhẹ nhàng cho một thành phố bình yên bên bờ biển. Cuộc sống ngày càng bê tông hóa khiến con người luôn mong muốn tìm về nơi thiên nhiên hoang dã, và tôi chợt thấy “ cảm thương” cho nhiều nhóm người đang háo hức tận hưởng vẻ đẹp ban sơ của đám “lau nhỏ” mọc lan tràn quanh công viên. Đám “ lau nhỏ” vào mùa, rập rờn như bầy sâu róm trắng cúi rạp đầu về một phía khi làn gió biển ràn rạt thổi qua. Lau nhỏ thị thành khiến tôi nhớ da diết đến miền quê tôi sinh sống. Nơi ấy họ hàng cỏ lau chen nhau mọc lấn át hết cả đất canh tác của người. Những bờ lau rậm rạp, cao ngút đầu, lau bời bời trắng xóa, khi ấy xóm nhỏ chúng tôi như sống trong những thung mây. Lau lách càng thi nhau trổ cờ, thì nụ cười dân quê lại càng thêm tươi. Bờ sông sẽ không còn lo sụt lở, khoai sắn mọc tốt xanh đồng, một năm không bão lũ.

Trong thước phim hoài niệm ấy tôi không quên được con đò nhỏ neo đậu dưới bóng tre cong vít cần câu bên bến nước. Quê tôi gọi đó là “Ngọn Rào”. Ngọn Rào bắt nguồn từ phía rừng Bồng Lai đổ về, chảy quanh co qua các làng mạc rồi nhập vào phần trung lưu của sông Son, chảy ra sông Gianh và cuối cùng đi ra biển. Con đò nhỏ của “thầy Vấn”, cả xóm gọi chú ấy như thế dù chú chưa hề đứng  lớp một ngày nào. Danh xưng ấy có lẽ bắt nguồn từ đám trẻ chăn bò. Bãi bồi trải dài ven sông có những khoanh cỏ xanh rì, trâu bò của xóm toàn được dắt ra đây chăn thả. Mỗi lần đám trẻ tụ tập là “thầy Vấn” neo đò lại rồi lên bờ, câu đầu tiên thầy Vấn hỏi là: Mấy đứa đã thuộc bài chưa để thầy kiểm tra?! Khi ấy, cả bọn lại lao nhao đáp “Dạ rồi ạ”.

“Ừ tốt, ai không thuộc bài thì phải chịu trách nhiệm “giữ bò” cho mấy đứa đã học thuộc nghe chưa? Nào đọc to lên… “Bài vè về các loài chim” xem nào!

Vè vẽ vè ve

Nghe vè tôi kể

Tôi xin kể lể

Về các loài chim

Xin cứ lặng im

Để nghe tôi đọc

Đen khu đỏ trôốc

Là con Làng chài

Con kêu có oai

Là con Tù tị

Con hay mần đị

 Là con Bồ câu

Con kêu rầu rầu

Là con Gõ kiến

Con hay biến liến

 Là con Bò chao

Con hay ngán ngao

Là con Bìm bịp

Con hay đuổi kịp

Là con Chòi choi”

“Tốt… tốt lắm, tất cả đều đã học thuộc, thế còn bài toán đã giải ra chưa? Đây là bài toán đố các bạn lớn hơn còn các bạn nhỏ thì không tính nhé. Đề toán “rất thơ” nên dễ nhớ đúng không?

“Yêu nhau cau sáu bổ ba

Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười

Cả thương cả ghét 72 người

Hỏi có mấy người ghét thương?”

“Đúng rồi, thằng Hân giỏi, con Chòe giỏi, đáp án của thằng Tỵ cũng đúng rồi đó. Còn lại mấy đứa mau đi giữ bò nhanh lên, bò ăn no thì “tời” lại rồi về đây ăn sắn nướng nhé!”

Cứ thế, những nét chữ đầu tiên, bài tập đọc đầu tiên, những bài toán đố đều được thầy Vấn miệt mài giảng giải lên tấm ván cũ đen nhánh bụi than. Thi thoảng thầy hơ chiếc bi đông đựng nước chè xanh bên bếp lửa rồi khề khà nhấp từng ngụm, có những câu chuyện thầy Vấn kể ngày này qua ngày nọ nhưng lần nào nghe cũng hấp dẫn như lần đầu vậy. Dưới sông nghe có tiếng ai gọi đò thì thầy lại xuống bến chở. Có lần tôi nhìn chiếc bi đông nhôm đám trắng đám xanh loang lỗ, có vài chỗ đã bị móp méo. “Nó quá cũ rồi sao thầy không sắm cái mới?” Thầy nhìn tôi cười, nét cười có chút phảng phất buồn “Cái gì còn dùng được thì cứ dùng con ạ”. Dứt câu, thầy trầm ngâm hướng mắt về một nơi xa xăm lắm, tôi không biết ở đó có gì, là nơi nào, mãi sau này lớn lên tôi mới biết đó là “ hướng chiến trường” Nơi lưu giữ tuổi trẻ của thầy, một phần xương máu và muôn vàn ký ức không bao giờ quên.

Lâu rồi tôi không về thăm thầy, tháng 11 những cơn gió “ lập đông” đủ khiến lòng người se lạnh, không biết thầy Vấn có còn đội chiếc mủ len xanh tôi đan tặng hay không? Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Tôi nhớ khi ấy, trên con đò nhỏ, một ngày mưa to gió lớn, thầy chở tôi qua sông. “Trong tất cả những đứa thầy thấy gương mặt con sáng nhất đó, vào Đại học rồi ráng học cho tốt nhé!” Tôi bùi ngùi nhìn dáng thầy trên con đò nhỏ, manh áo mưa ngắn củn chỉ che đủ tấm lưng, thầy giơ tay vẫy chào tôi. Nước mắt thầy hay nước mưa tôi cũng không biết nữa, khi tôi chạy xuống đưa chiếc mủ len xanh cho thầy. Con đi thầy nhé, 4 năm sẽ rất nhanh thôi!

Từ những nét chữ đầu tiên trên tấm ván cũ, 24 ký tự ấy, hằng đêm tôi sắp đặt từng mảng ký ức, bện kết từng sợi nơ ron cảm xúc, như mây, như tơ…để xuất bản những cuốn sách của riêng mình. Tôi thấy có lỗi, nói đúng ra là hối hận khi chưa một lần nào mang sách về thăm và “ khoe” thầy. Giờ có muộn quá không, thầy còn nhớ hay đã quên? Tôi chênh vênh bước đi trên những phiến đá rêu phong, còn phiến nào của tháng năm mùa cũ? Dòng sông không còn dềnh dào như khi xưa, bây giờ lòng sông vắng, có chỗ cạn trơ đáy, có chỗ động thành vũng nhỏ, có chỗ nước xiết khơi dòng vẫn âm thầm chảy trôi ra biển. Bãi bồi ven sông, xanh mướt ngô khoai bây giờ là sân bãi bóng chuyền, nhà văn hóa thôn, và là chỗ để dựng rạp cưới hỏi công cộng. Nhà thầy có còn ở dưới xóm mít? Tôi bước đi trong tâm trạng của một kẻ lãng du sáng tác, một cô sinh viên rồi bé dần cho đến khi trở thành một cô bé  tiểu học.Tất cả đã vỡ òa, khi hàng chè tàu vẫn còn đó, nếp nhà vẫn nguyên sơ, khói bếp cuộn lên trong làn mưa thu lất phất. Thầy tôi đó, bên bếp lửa đã được nhóm lên từ sớm, than củi đượm nồng làm bừng sáng gương mặt thầy, từ khóe mắt ánh lên một sự ấm áp khó diễn tả.

“Thầy ơi, thầy có nhận ra con nữa không?” Tôi nắm chặt bàn tay khô và nhăn nheo của thầy, không kìm được sự xúc động mãnh liệt. Thầy vẫn đội chiếc mủ len xanh năm nào… nhưng thầy không còn nhớ tôi là ai nữa rồi. Thấy tôi khóc, thầy chạm tay lên đầu tôi “Đừng chối”! (Đó là một phương ngữ của dân quê tôi hay dùng để an ủi một ai đó). Tôi đưa cho thầy những cuốn sách của tôi cùng một số thứ tôi mua từ thành phố, và không hiểu sao trong túi quà ấy, tôi lại sắm thêm cả một chiếc áo mưa, một gói thuốc mà khi xưa thầy hay hút khi ngồi chờ khách dưới bến. Có lẽ hoài niệm chính là thứ khiến cho lòng người yếu mềm nhất, chân thật nhất và trở nên im lặng nhiều hơn trước những xô bồ của cuộc sống thường nhật.

Rời nhà thầy, tôi không về tắt trên cây cầu mới bắc qua sông, mà tôi muốn đi qua dòng sông như khi xưa. Bờ sông lau trắng bời bời, con cò trắng đi tìm ăn lẻ bạn, con bói cá bay vụt qua nhanh, con gõ kiến lộc cộc trên thân gỗ mục…

“Vè vẽ vè ve… nghe vè tôi kể…” Bài hát đồng dao năm nào văng vẳng bên tai…

Khương Hà, ngày 7.11.2023

TRÁC DIỄM

(Trích nguồn: Vanvn.vn)