Rầm… eng éc… eng éc…
– Thôi chết, chạy mau mấy đứa…Ra coi có ai bị làm sao không, con Đẹt Bông có bị gì không? Thiệt tình, sao không xích nó lại chứ?
Ngoại vừa la vừa chạy vội ra ngõ. Tôi lính quýnh chạy theo kêu to: “Đẹt Bông… Đẹt Bông… cưng đâu rồi?” Thằng Hiển đang tắm, đầu còn xà bông chụp cái quần đùi xỏ đại chạy ra. Hai đứa con ông Năm Phùng đang lồm cồm ngồi dậy xuýt xoa chỗ đầu gối bị trầy. “Con heo nhà ngoại kỳ quá hà, thình lình nó băng ngang lộ làm con té”, “Xin lỗi hai con nha, may quá… may quá… hai đứa không hề gì… để ngoại xích con Đẹt Bông lại. Hiển ơi, Nhân ơi… đi kiếm con Đẹt Bông mau…”.
Nhà văn Ngô Thị Ngọc Diệp ở Bình Phước
Tôi và thằng Hiển vừa kiếm vừa kêu mà không biết con Đẹt Bông trốn chỗ nào, thằng Hiển người ngợm xà bông chảy từ đầu xuống cổ xuống lưng bọt trắng lỗ chỗ, cái lưng bóng nhẫy trơn tuột…
– Em đi tắm tiếp đi, anh và ngoại kiếm cho.
Thằng Hiển không nói không rằng, chạy ngược chạy xuôi gọi Đẹt Bông. Mặt thằng Hiển căng như dây đàn nước mắt rơm rớm. Tội định ghẹo nó mít ướt nhưng nhớ lời má dặn lại thôi. Tụi tôi đi một vòng quanh vườn, bụi rậm nào cũng ghé mắt, miệng liên tục gọi “Đẹt Bông… Đẹt Bông…” mới nghe tiếng ụt ịt của cô nàng đang nép mình trong bụi tầm vông mép ranh. Thằng Hiển vui mừng hét to; “Thấy rồi…” rồi nhào đến ôm con Đẹt Bông, tôi thấy con Đẹt Bông có sao đâu mà thằng Hiển khóc tu tu… vừa nựng vừa sờ nắn khắp người: “Em không sao chứ, đau không, trầy cái lưng nè… mà em đi đâu ra lộ vậy, anh đi tắm có chút xíu thôi mà…”
Ngoại nháy mắt tôi vô nhà trước, mặc kệ thằng Hiển với con Đẹt Bông ngoài vườn. Lát sau thấy thằng Hiển lặc lè ôm con Đẹt Bông vô, đi thẳng ra sàn giếng tắm rửa cho con Đẹt Bông, xích ngay hàng ba cẩn thận rồi mới đi tắm cho mình.
***
Thằng Hiển con dì Ba, em gái má tôi nhà ở thành phố. Nghe má, ngoại, dì Ba nói nó bị bệnh gì đó. Dì Ba cho đi bệnh viện, bác sĩ tư vấn đã nhiều mà không bớt nên quyết định cho nó về quê để chữa bệnh. Năm ngoái cũng tầm này, dì Ba dẫn Hiển về, tôi thấy Hiển bình thường mà sao nói bị bệnh chứ? Nó thua tôi một tuổi mà hơn tôi tới 5 ký. Trông nó béo tốt, trắng trẻo nhưng khó ưa. Tôi rủ chơi trò gì nó cũng chả thèm trả lời, má nó ở chơi 1 tuần rồi về đi làm. Hiển sống với gia đình tôi từ đó. Cuối tuần ba má Hiển dẫn em My lên thăm nó. Tối tối lại điện thoại rôm rả, có vẻ ai ai cũng quan tâm đến Hiển. Ngày nào ngoại, má cũng đều dặn tôi chiều em, thương em, chơi với em vì em có bệnh… “Bệnh gì mà bệnh, mọi người ai cũng cưng quá nên nó mới vậy chứ gì?!” Tôi thầm nghĩ và tỏ vẻ không ưa cậu em họ ít nói.
Thằng Hiển im ỉm cả ngày, hỏi không nói, không tham gia bất kỳ trò gì của tụi tôi. Tôi và mấy đứa bạn chơi bắn bi, cãi nhau ì xèo Hiển vẫn dửng dưng. Vậy mà hôm con Nái Ột chuyển dạ Hiển lại quan tâm. Nó phụ ngoại lau cho từng con heo sữa còn chưa mở mắt. Con Nái Ột đẻ tới 11 con, làn da đàn heo con đỏ hồng, mắt nhắm nghiền xinh thật. Tôi ghé nhìn tý rồi chạy đi tạt lon với thằng Cường thằng Nghĩa. Chiều về thấy thằng Hiển đang cầm bình sữa, ẵm con heo đẹt bé xíu cho bú. 10 con heo trắng tinh hồng hào mập mạp, mỗi con đẹt có bông trên lưng nhưng ốm nhách. Con đẹt không tranh được sữa nên ngoại phải nuôi bộ và thằng Hiển tự nguyện làm vú em. Cái tên Đẹt Bông cũng do thằng Hiển đặt, và nó xin ngoại con Đẹt Bông nuôi luôn. Tới khi đàn heo lớn, phá bầy ngoại bán hết, con Đẹt Bông ngoại giữ lại cho Hiển nuôi như đã hứa.
Ở xóm này nuôi chó mèo thì bình thường, còn nuôi heo làm thú cưng như Hiển hơi lạ. Hiển sợ chó do ngày học lớp Lá bị chó cắn. Đàn chó nhà tôi có 3 con buộc phải gửi nhà cậu Thiện nuôi giúp. Mọi người tròn xoe mắt khi thấy Hiển dẫn con Đẹt Bông đi chơi. Mỗi ngày thằng Hiển tắm cho nó hai bận, con Đẹt Bông tròn lẳn đã hết đẹt hết còi. Nó quý thằng Hiển vô cùng, thấy Hiển là chạy lại dụi dụi vào chân, kêu ịt ịt vài tiếng rồi ghếch đầu lên chân thằng Hiển ngủ khì. Thằng Hiển đi ăn sáng ở quán Bánh Canh dì Ba, cầm theo cái tô inox, sẻ vài muỗng cho Đẹt Bông cùng ăn.
Cả quán ai cũng nhìn và bàn tán con heo mọi lai đẹp và khôn quá. Hiển đi đâu nó cũng lủn tủn chạy theo, thằng Hiển về nó lại về cùng.Thằng Hiển chăm Đẹt Bông như má chăm con, cho ăn cơm, uống sữa, đòi ngoại may áo cho Đẹt Bông, tối cho Đẹt Bông ngủ trong nhà… Con Đẹt Bông da hồng, lông lưng lưa thưa dựng vổng lên mơn mởn. 4 chân ngắn , cái đuôi ngắn tủn ngún ngẩy dễ thương đến lạ. Cái mông mẩy ngoáy bên này ngoáy bên kia khi nó thong dong đi dạo cùng thằng Hiển khiến ai nấy đều thích, hai tai to ve vẩy khi vui, cụp lại cùng ánh mắt rười rượi khi buồn.
Tôi giả vờ đánh thằng Hiển, Đẹt Bông liền nhào vô bênh, dùng cái mõm xinh xinh ủi tôi ra khiến thằng Hiển cười như nắc nẻ và hãnh diện có một cận vệ đáng tin cậy. Hôm Đẹt Bông mắc lỗi, đó là hôm nó lôi cái áo khoác của tôi từ trên ghế xuống lót chỗ nằm, tôi chỉ vào mặt Đẹt Bông la mắng , nó kêu ỉn ỉn rồi trốn tiệt dưới gầm ghế. Hình như nó cũng biết lỗi và không tái phạm nữa . Có hôm nó ủi bay mấy cây bông thọ, thằng Hiển đi học về nhìn cả người nó đầy đất cát, thằng Hiển chỉ vào đám cây ngã rạp nạt mấy tiếng, vậy mà tối đó nó không chịu ăn, chắc hờn cậu chủ! Thằng Hiển nịnh mãi, năn nỉ vuốt ve một hồi nó mới chịu thôi. Đẹt Bông còn biết giữ nhà, chẳng thua chó tý nào đâu nha. Có người lạ đến nó ụt ịt ụt ịt đi kêu ngoại hoặc thằng Hiển hoặc tôi, khi có người nhà lên tiếng chào khách, mời vào nhà nó mới bỏ ra hàng ba nằm chơi… Thật lạ, tôi thấy thằng Hiển nói nhiều, cười nhiều và tham gia các trò chơi với tụi tôi ngày một nhiều hơn.
***
Hôm nay cô chủ nhiệm của Hiển ghé chơi cũng khen: “Em Hiển tiến bộ rất nhiều bác ạ! Em ấy hăng hái phát biểu, hòa đồng cùng các bạn, chơi cùng, học chung nhóm rất hiệu quả… có điều Hiển còn dễ xúc động, còn nóng tính… cần kiên nhẫn thêm một thời gian nữa bác ạ!”
Giọng ngoại chùng hẳn: “Năm nó được 5 tuổi, má nó sinh mổ em bé. Con bé ốm yếu hay bệnh nên cả nhà chú tâm săn sóc hai mẹ con, quên béng thằng nhỏ. Nó đòi mẹ thị bị mắng lớn rồi, làm anh hai rồi mà. Mấy người hàng xóm trêu: “Mày bị ra rìa rồi, ba má chỉ cưng em bé gái xinh đẹp như công chúa thôi”, “Hình như thằng này là con nuôi thì phải, nghe nói lượm ở ngoài Ga Bình Triệu, hèn chi chả giống ai trong nhà…” Vô tình thằng nhỏ bị trầm cảm, tự kỷ hồi nào không hay, khi phát hiện ra, đi viện, đi tư vấn đã nhiều mà không tiến triển, cũng may nó được về đây… Hy vọng thời gian nữa nó sẽ lại hoạt bát, vui tính, nhanh nhẹn như thuở nào!”
Thằng Hiển chào cô giáo xong mang chai dầu dừa ra xức mấy vết trầy trên lưng Đẹt Bông. Bàn tay nó vuốt vuốt, ánh mắt nó nhìn âu yếm yêu thương, miệng nựng nựng: “Em đừng chạy ra đường một mình nghe chưa, may mà xe đạp máng phải, xe máy hay ô tô thì em tiêu đời rồi…” thằng Hiển coi Đẹt Bông là người bạn, đứa em thân thiết từ khi nó cho Đẹt Bông bú bình, còn Đẹt Bông ngỡ thằng Hiển là má của nó chăng?!
Lên lớp Sáu, ba má Hiển đưa nó về lại thành phố vì ba nó đi học ngoài Hà Nội, một mình má nó đi lại chăm lo cho hai anh em nó không xiết, với lại nó cũng đã vui vẻ, học hành tiến bộ. Ban đầu nó không chịu về, rồi chịu về nhưng đòi phải đem Đẹt Bông về cùng… ngoại, má tôi, má nó thuyết phục mãi nó mới chịu nghe lời. Nó còn hạch sách ra điều kiện ngoại và tôi phải thay nó chăm sóc Đẹt Bông, nào là không được mắng, tắm thì phải tắm bằng sữa tắm mỗi ngày, dắt đi dạo mỗi sáng…. Nó còn bắt ngoại phải ngoéo tay thề không được bán và mỗi tháng phải cho nó về ngoại một lần. Tôi biết thừa là nó muốn về để thăm Đẹt Bông, con vật cưng mà nó thương nhứt trên đời.
Vắng thằng Hiển, Đẹt Bông buồn hẳn. Thấy tội, tôi lại ôm ấp, tắm rửa, vuốt ve, dắt đi ăn sáng… nhưng nó vẫn buồn buồn sao đó. Tôi gọi trêu đùa nó chả có phản ứng gì… nằm ì một chỗ… Canh ngày nghỉ, thằng Hiển gọi Video cho tôi và đòi ngắm Đẹt Bông cho đỡ nhớ. Đẹt Bông nghe tiếng thằng Hiển gọi cứ nhìn trước ngoái sau như tìm kiếm. Nhìn qua khung hình thấy thằng Hiển quệt nước mắt, luôn miệng: Đẹt Bông, Đẹt Bông ơi… nhớ anh không? Mà mủi lòng. Tôi dí cái điện thoại vào mặt Đẹt Bông, nhận ra thằng Hiển trong điện thoại, Đẹt Bông hớn hở, ủi ủi mõm vào màn hình, cái đuôi ngắn tủn ngoái tít, miệng không ngớt ịt ịt. Riêng đôi mắt long lanh rạng ngời tỏ vẻ vui sướng lắm. Ngoại ngồi bên cạnh dõi theo, lấy khăn chậm nước mắt nhưng miệng lại cười rất tươi!
NGÔ THỊ NGỌC DIỆP
Trích nguồn: Vanvn.vn
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ niệm 01 năm sinh nhật Đường Văn
Đẻ rơi – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh
Giữa mù sương – Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam
Mặt nạ – Truyện ngắn của Đinh Ngọc Lâm