Âm thanh của cuộc sống đời thường (Về truyện ngắn Tầng hai của Phong Điệp)

Từ truyện ngắn đầu tay cho đến nay, Phong Điệp đã là một nhà văn đứng tên nhiều tác phẩm “hay và lạ”. Sáng tác của chị đa dạng về đề tài nhưng ấn tượng nhất là về đời sống đô thị và lập nghiệp của lớp trẻ. Trong số đó, truyện ngắn Tầng hai là một lát cắt trong dòng chảy của đời sống thị thành, của lớp trẻ đang trên hành trình kiếm tìm một cách sống, một con đường lập thân, bắt đầu từ những âm thanh bình dị của cuộc sống đời thường.

Tầng hai của nhà văn Phong Điệp là một truyện ngắn tưởng nhẹ nhàng, bàng bạc nhưng lại lắng đọng, thấm sâu. Ở đây, đâu chỉ là câu chuyện của tầng hai mà của cả tầng một, đâu chỉ là chuyện của ba mẹ con ở tầng trên mà cả chuyện của cô gái trẻ ở tầng dưới. Cách tạo dựng câu chuyện của nhà văn đã kết nối cái nhìn “liên không gian” giữa tầng hai và tầng một, vì thế không tạo ra vách ngăn, khoảng cách giữa chủ nhà và khách trọ. Ngay trước khi làm hợp đồng thuê nhà, cả chủ nhà lẫn người thuê đều nhất trí cao ở chỗ “không thích ồn ào”. Nhà chủ ở tầng hai có ba người: bà mẹ ngoài sáu mươi, anh con trai làm ở xưởng in và chị con dâu là công nhân của một xí nghiệp đóng giầy. Phan, cô gái nhà dưới, làm ở một cơ quan kinh doanh hài lòng với thế giới riêng của mình. Đây là một cô gái có cá tính, giàu trí tưởng tượng nên hay quan sát, thường “âm thầm theo dõi và ngẫm nghĩ nhiều về cuộc sống đang diễn ra hàng ngày trên tầng hai” của những người ngay từ đầu đã dành cho Phan cái nhìn thiện cảm. Và cũng từ lúc đó đã khơi gợi ở cô sự tò mò, muốn tìm hiểu về cuộc sống của họ để tự ngẫm về đường đi nước bước của mình, khởi đầu từ “ngôi nhà hai tầng màu xanh nước biển” mà cô đang trú ngụ.

Các mạch chuyện cứ tự nhiên, bình dị nối tiếp nhau không chỉ tạo ấn tượng bằng thị giác mà bằng cả âm thanh, tiếng động. Không phải ngẫu nhiên tần số các từ chỉ âm thanh, tiếng động xuất hiện khá dày đặc trong truyện. Bởi vậy dù Phan một mình ở dưới nhà nhưng trên tầng hai “mọi âm thanh vọng xuống phòng cô đều rất rành rọt”: từ tiếng nói chuyện của người mẹ với sang phòng vợ chồng người con, đến tiếng thở dài, tiếng khóc, tiếng nói mớ trong đêm. Ngay cả lúc yên ắng nhất trong ngày thì vẫn nghe “âm thanh rí rách” của tiếng vòi nước chảy vào bể ngầm, rồi tiếng xe máy, tiếng nhạc vang lên rộn rã, tiếng phim ti vi léo nhéo, tiếng gõ bát đũa lanh canh…, ngay cả với cô gái thuê nhà cũng có thói quen hễ về đến nhà là “bật tuốt mọi loại có thể tạo được âm thanh”. Ở đây dường như có sự đan xen, giao thoa giữa những đoạn đối thoại ở tầng trên (số nhiều) với độc thoại nội tâm ở tầng dưới (số ít) không chỉ là sự tương phản mà còn là sự tương tác, kích hoạt đến cảm xúc và suy tư của cô gái. Những lời nói ấm áp, dung dị mà vỗ về thương yêu của mẹ chồng với nàng dâu: “đang mang thai mà khóc như thế này là không tốt đâu con ạ. Thôi chồng nó có gì thì bảo ban lấy nhau mà sống. Ai lại khóc lóc như trẻ con thế. Ngủ đi con”, khiến người tầng dưới tự nhủ một thân một mình thì phải tự biết lo cho cuộc sống của bản thân… Rồi khi nghe vọng tiếng trò chuyện thấm đậm tình mẫu tử giữa người mẹ và cô con dâu trong đêm: “Khuya rồi. Ngủ đi mai còn đi làm sớm con ạ,” chủ nhân tầng một lại tự bạch giữa về quê lập nghiệp hay ở lại phố thị, nơi cô có cơ hội làm giầu để thoát khỏi cái nghèo. Tình cảm của đôi vợ chồng trẻ đang chờ đứa con ra đời cùng những chuỗi đối đáp chan chứa sức sống và tình yêu dành cho lứa đôi và tình thương dành cho mẹ cũng khiến cái tôi mẫn cảm của cô đang dần trở về với chính mình.

Có thể nói mọi âm thanh từ tầng hai như khác lạ và mới mẻ hơn khi “có thêm thành viên mới”. Lúc này mọi sinh hoạt của gia đình trên tầng hai như rộn rã, tất bật và náo nhiệt hẳn lên. Có thêm cậu bé mới chào đời, tổ ấm trên tầng hai thêm nồng đượm, đầm ấm tình cốt nhục, ruột rà. Nhân vật Phan tưởng đã quen thuộc những âm thanh trước đây, bây giờ đã làm quen cả với tiếng trẻ khóc và dường như cả những âm thanh tưởng đã quen thuộc từ căn phòng trên ấy, với cô bây giờ cũng khác nhiều. Ngoài tiếng các đồ vật va chạm, tạo nên âm thanh hiện hữu của sinh hoạt hàng ngày còn râm ran “tiếng người”, không chỉ thuần là tiếng của người lớn với nhau mà xen lẫn với tiếng khóc, tiếng u ơ của đứa bé, là âm thanh sống động của gia đình. Những tiếng nói, lời thoại hướng đến nhau thật đời thường, bình dị mà gần gụi, đậm đà hương vị tình thương của các “chính chủ”. Lời người vợ: “tã của con khô chưa anh?; lời của mẹ chồng: “ăn cố bát nữa, lấy sữa cho con nó bú đi con”; và đọng lại là những câu đối thoại không nghiêng về hỏi đáp mà phơi tỏ, bộc lộ niềm vui, hạnh phúc của người con trai, giờ là người bố với bà nội: “Bà xem thằng cún con biết hóng chuyện rồi này. Cái mồm bà xem, nom chẳng giống ai”. Tiếng bà: “Cha bố anh, sao lại chả giống ai. Trông nó có khác gì ngày xưa, hồi tôi đẻ ra anh ấy.” Những ngôn từ giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày đã được thổi vào đó hơi ấm tình mẹ con, vợ chồng, bà cháu khiến câu chữ có sức lan tỏa và đa nghĩa, cho thấy ngôi nhà là biểu tượng của nơi chốn bình an, (chả thế mà khoác áo màu xanh nước biển hiền hòa), là nơi trú ngụ của tâm hồn mang cảm thức sinh thái tinh thần, đem lại mỹ cảm trong tiếp nhận văn bản với người đọc.

Nhưng nghe ngóng cũng không bằng tận mục sở thị, tận mắt chứng kiến. Phan mới chỉ nghe tiếng cưng nựng âu yếm trên tầng hai “cháu bà đang cười này” hay “mặt nhăn lại thế này là sắp đùn rồi” đã rất muốn lên thăm đứa bé, qua đó muốn “tận mắt nhìn ngắm thế giới tầng hai” mà lâu nay chỉ “mặc sức tưởng tượng”. Người ở tầng hai đã vồn vã đón Phan lên thăm “của để dành” của họ. Tại đây, nhân vật có khoảnh khắc nhìn nhận về những con người ở tầng hai cụ thể hơn và ý nghĩa hơn: “hai gian phòng hẹp đặt hai chiếc đệm. Phòng của đôi vợ chồng trẻ có thêm chiếc ti vi nội địa và cái đài Trung quốc vỏ đỏ, hai cửa băng. Tủ quần áo của cả nhà kê sát cửa ra vào. Tất cả chỉ có từng ấy. Vậy mà nó có thể tạo nên những âm thanh mới sống động làm sao… Hóa ra hạnh phúc giản dị hơn những gì cô tâm niệm”. Những người ở tầng hai là những người của đời thường dung dị, chân phương, biết đón nhận hạnh phúc từ những điều nhỏ nhoi, bé mọn nhưng thực sự là của mình với tinh thần an nhiên, tự tại. Nhịp sống của họ diễn ra không hề tẻ nhạt, đơn điệu mà luôn kiến tạo một không gian sống cân bằng, biết điều hòa và nương tựa vào nhau. Thường xuyên “lắng nghe những âm thanh từ tầng hai vọng xuống” và luôn hình dung những “gương mặt thân quen” ở đó, không khỏi cô gái thuê nhà có những lúc “nhớ nhà đến cồn cào”: nhớ người mẹ luôn thức khuya dậy sớm, nhớ người chị hay trêu đùa em gái, nhớ cả những lúc mẹ lo tiền cho mình nộp học, cứ lan man nhớ mới nhân ra “tổ ấm gia đình không gì sánh được, còn trong ký ức bao nhiều buồn vui”.* Nỗi nhớ về mái ấm gia đình cũng khiến cô tự hỏi sao cứ tưởng tượng những gương mặt trên tầng hai mà không mường tượng lại gương mặt những người thân yêu phần nào nhạt nhòa trong tâm trí, “cứ mải mốt kiếm tìm những điều tận đẩu tận đâu”. Mà thực ra dù nhớ hay quên, dù mải việc mưu sinh thì gia đình, ngôi nhà nơi sinh ra và lớn lên, hay ngôi nhà trọ với cô không đơn thuần là nơi chốn đi về mà còn có ý nghĩa trong việc tác động và hình thành nhân cách, trong quá trình tự nhân thức để chủ động và tự tin hướng đến tương lai, vững bước vào đời.

Truyện ngắn Tầng hai, theo tôi đã động chạm đến những vấn đề của cuộc sống đương đại về gia đình, hạnh phúc, về tuổi trẻ và lập nghiệp nhưng không biểu đạt bằng những ngôn từ trừu tượng, thuyết lý khô khan, mòn sáo mà bằng những con chữ dung dị, tinh tế, càng đọc càng cảm thấy như mưa dầm thấm đất. Cốt truyện khá đơn giản nhưng trong các tình huống, chi tiết như có bóng dáng của “kẻ dự phần”, của yếu tố tự truyện tạo sự chân thật và tin cây. Nhân vật có thể đếm trên năm đầu ngón tay nhưng lại mang ý nghĩa thời sự, nhân văn. Các mạch truyện tưởng như lan man nhưng lại xâu chuỗi, liên kết tạo thành ý tưởng truyền cảm hứng tới người đọc. Đoạn kết của truyện ngắn với ba dấu chấm lửng là một cái kết mở, gợi liên tưởng, đồng sáng tạo tùy theo sự tiếp nhận văn bản của mỗi người, không mang tính áp đặt, khép kín. Với Tầng hai, tác giả cho thấy con người trong một môi trường và hoàn cảnh nào đó đã tác động đến nhau một cách tích cực và hiệu quả. Cụ thể ở đây là chủ nhà và người thuê nhà đã xóa khoảng cách, gần gũi nhau trong sự cảm thông và chia sẻ, thực sự có tác động trong sự thức tỉnh tư duy và hành vi của nhân vật. Với những trải nghiệm và chứng kiến, nhân vật trẻ tuổi đã nhận ra niềm vui và hạnh phúc không ở đâu xa mà rất gần, là những âm thanh rất đỗi bình dị của đời sống, là tình người ấm áp đã kết nối, truyền năng lượng đến việc tự chọn “hướng đi và cách sống”, đến những bước ngoặt ý nghĩa trong hành trình của mình.

(PGS.TS. Nguyễn Bích Thu)