Nhà văn Phong Điệp với truyện ngắn Tầng hai

Lời Tòa Soạn: Nhà văn Phong Điệp (6/6/1976); quê Giao Thủy, Nam Định. Là cựu học sinh chuyên văn trường THPH chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định, khóa 1991- 1994.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp đại học luật Hà Nội, Phong Điệp làm phóng viên, biên tập viên tại báo Văn Nghệ (Hội nhà văn Việt Nam). Năm 2010, Phong Điệp làm Trưởng ban Văn nghệ Trẻ, trực thuộc báo Văn Nghệ, Năm 2014, Phong Điệp chuyển đến làm việc tại báo Nhân Dân. Phong Điệp lập trang web Phongdiep.net từ tháng 6- 2006; là một trong những nhà văn Việt Nam đầu tiên lập website cá nhân về văn chương.

Từ năm 2010 đến nay bà là thành viên Hội đồng Giám khảo Quốc gia cuộc thi Viết Thư Quốc Tế UPU tại Việt Nam. Bà là thành viên Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện nhiệm kỳ 2023-2025. Hiện tại, Phong Điệp đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Phong Điệp đã xuất bản 28 tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Một số truyện được dịch và xuất bản tại Nga, Trung Quốc, Mỹ. Nhà văn Phong Điệp đoạt nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có các giải thưởng uy tín từ Báo Văn Nghệ (hội nhà văn Việt Nam); tạp chí Văn Nghệ Quân Đội;

Về quan niệm sáng tác, nhà văn Phong Điệp nói: “Tôi luôn tâm niệm rằng sáng tạo là một hành trình bền bỉ và không có chỗ cho sự lười biếng hay tự mãn… Nó đòi hỏi người viết phải lao động thực sự. Trong quá trình sáng tạo, tôi luôn chú trọng việc “nạp nhiên liệu” từ thực tế, từ sách vở. Về đời sống đô thị, tôi đã đắm mình vào không gian đô thị từ bé đến lớn, tưởng có thể hiểu chân tơ kẽ tóc chăng? Nhưng không hề! Đô thị ngồn ngộn chất liệu và cũng ẩn chứa vô vàn điều bí ẩn, thách thức người viết khám phá”.

Khi biết truyện ngắn TẦNG HAI của nhà văn Phong Điệp được chọn đưa vào chương trình giảng dạy trong sách Ngữ Văn lớp 11- bộ sách Cánh Diều, tòa soạn Tác Phẩm Mới đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với nhà văn Phong Điệp. Sau đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn.

Câu hỏi phỏng vấn

1. Ngôi nhà hai tầng màu xanh nước biển nằm quay lưng ra công viên có phải là một ẩn dụ trong dụng ý của tác giả? (cô giáo Nguyễn Mai Anh, giáo viên Văn trường PTTH Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình)

Ngôi nhà màu xanh nước biển nằm quay lưng ra công viên là một ngôi nhà đã cũ. Tuy nhiên do nhiều năm chưa được tu sửa lại nên nhà ngày càng xuống cấp, mầu tường ngày càng bị xỉn do ngấm nước mưa, chân nhà có rêu và các bụi dương xỉ mọc lúp xúp. Nhưng trong cảm xúc của tôi khi viết truyện ngắn Tầng hai, tôi luôn hình dung ra ngôi nhà ấy trong hình hài mầu xanh nước biển, hiền hòa, êm đềm, mang lại cho nhân vật cảm giác bình yên mỗi khi quay trở về sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi và đầy áp lực.

2. Cốt truyện đơn giản, số lượng nhân vật có hạn, vậy điều nhà văn cho rằng sức hấp dẫn của tác phẩm ở yếu tố nào (cô giáo Nguyễn Mai Anh, giáo viên Văn trường PTTH Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình)

Tôi nghĩ rằng chính những điều giản dị, mộc mạc trong đời sống này khi nhà văn biết cách khai thác, đào sâu suy nghĩ, có lối thể hiện gần gũi và truyền tải được cảm xúc thông qua từng câu chữ, chi tiết đặc sắc, có tính phát hiện thì tác phẩm sẽ tạo được sức hấp dẫn với người đọc. Bởi lẽ người đọc sẽ có thể tìm thấy bóng dáng của mình ở đó, xúc động về những điều nhỏ bé, bình dị đã từng xuất hiện trong cuộc sống của mình nay được thể hiện dưới góc nhìn văn chương, nay mang đến những cảm nhận mới mẻ và ý nghĩa. Thí dụ một chi tiết nhỏ thôi: đó là rất có thể bạn từng có một người mẹ “thường dậy sớm quạt bếp lò, nấu ấm nước nóng cho cha cô pha trà rồi làm bữa ăn sáng cho cả nhà. Khuôn mặt mẹ vì vậy mới sớm ra đã lấm tấm mồ hôi” (trích truyện ngắn Tầng hai) nhưng rồi chúng ta vô tâm không để ý. Chỉ khi đi sống xa nhà, không được mẹ chăm sóc, không hàng ngày nhìn thấy mẹ thì chúng ta mới sực nhận ra rằng những điều nhỏ bé, bình dị ấy có ý nghĩa với mình biết chừng nào.

3. Xin nhà văn Phong Điệp nói về cảm hứng chủ đạo khi sáng tác truyện Tầng Hai – Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Văn, trường PTTH Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình

Cảm hứng khi tôi bắt tay viết truyện ngắn Tầng hai là muốn đưa ra một góc nhìn về người trẻ mưu sinh ở các đô thị. Các đô thị trung tâm hiện nay như những thỏi nam châm khổng lồ hút lao động từ các địa phương tìm đến, trong đó người trẻ chiếm một tỷ lệ lớn. Để có thể mưu sinh trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ấy, người trẻ phải chịu áp lực rất lớn để có thể tồn tại và khẳng định chỗ đứng của mình nếu như không bị muốn văng ra ngoài lề. Vậy nên tôi muốn làm những cuộc “giải mã”, khám phá thật sâu những vỉa tầng trong đời sống đô thị nói chung và câu chuyện người trẻ mưu sinh nơi đô thị nói riêng. Tầng hai là một trong nhiều tác phẩm của tôi về đề tài này.

4. Với truyện Tầng Hai nên lý giải như thế nào về góc nhìn tâm lý người trẻ khi bắt đầu ra đời xây dựng sự nghiệp của riêng mình? (Phạm Thị Minh Hòa, giáo viên Văn, trường PTTH Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình)

Tâm lý của người trẻ khi bắt đầu ra đời xây dựng sự nghiệp của riêng mình rất đa dạng và phức tạp. Nhưng từ sao sát và trải nghiệm của chính bản thân mình tôi nhận thấy rằng người trẻ rất khao khát được cống hiến, được khẳng định bản thân. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để mong tìm được chỗ đứng cho mình nơi đô thị, họ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách. Đã có những người nản lòng, vấp ngã, thất bại. Đã có những người chấp nhận mọi cách kể cả sự tiêu cực để tồn tại. Đó là một cuộc đấu sức và đấu trí mệt mỏi mà nếu không kiên cường, quyết tâm cũng như có sự lựa chọn đúng đắn thì rất dễ thất bại và nhận về những sự mất mát, tổn thương.

5. Xin nhà văn Phong Điệp hãy nói về phong cách ngôn ngữ trong truyện ngắn Tầng Hai? Phong cách ngôn ngữ ấy có phải là chủ đạo trong tổng thể sự nghiệp sáng tác của nhà văn? (Nguyễn Kim Thủy giáo viên Văn, trường PTTH Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình)

Phong cách ngôn ngữ trong truyện ngắn Tầng hai thể hiện tương đối nhất quán phong cách văn chương của tôi. Đi sâu, khám phá đời sống này, tái hiện cuộc sống bằng những lát cắt ấn tượng, ngôn ngữ diễn đạt gắn với đời thường, giản dị, có sự chắt lọc và tinh tế. Đó là điều tôi muốn thể hiện trong các tác phẩm của mình.

6. Trong quá trình xây dựng kết cấu cho truyện ngắn Tầng Hai, nhà văn có khó khăn gì, thuận lợi gì? (Phạm Thanh Nga, giáo viên Văn, trường PTTH Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình)

Với nội dung muốn truyền tải trong truyện ngắn Tầng hai tôi làm công việc của một người kể chuyện giấu mặt, quan sát mọi diễn biến, nắm bắt những khoảng khắc và cảm xúc của từng nhân vật. Do đó tôi không đặt ra một bố cục cứng nhắc mà nương theo mạch suy tư của nhân vật, đan cài giữa quá khứ hiện tại để góp phần làm nổi rõ hơn thông điệp mà tác phẩm muốn hướng đến.

7. Nhân vật trong truyện ngắn Tầng Hai có phải là những nhân vật mà nhà văn đã gặp trực tiếp ngoài đời thật không (Mai Thúy Ninh giáo viên Văn, trường PTTH Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình)

Các nhân vật trong tác phẩm đều được gợi cảm hứng từ những nhân vật có thực ngoài đời. Tôi viết truyện ngắn này trong những ngày ở trọ tại nhà bác Thác, ngôi nhà nằm trong con ngõ nhỏ cuối phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Người phụ nữ ấy mang lại cho tôi sự ấm áp và tin cậy, nhất là trong thời điểm mình vừa trải qua những khủng hoảng lớn về tinh thần. Ngày nghỉ, tôi thường nằm bẹp trong căn phòng nhỏ ở tầng một, rộng hơn 10 m2, không cửa sổ vì ngay sát đó là công viên Thống Nhất. Phía trên tầng 2 là bác Thác và vợ chồng cậu con trai.

Bác Thác vốn là thanh niên xung phong. Hòa bình lập lại, người phụ nữ ấy tìm được hạnh phúc muộn mằn với một người lính Trường Sơn và sinh hạ được một cậu con trai. Nhưng rồi tuổi cao cùng bệnh tật chiến tranh, người đàn ông ấy đã rời cõi dương thế. Bác Thác ngơ ngác ở lại với đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Mẹ con đùm bọc nhau sống qua ngày. Cậu con trai làm công nhân nhà in, lấy vợ là công nhân nhà máy giày Thượng Đình. Hết ca làm ở xưởng in, cậu con trai tranh thủ dựng xe máy đầu ngõ, kiếm thêm vài cuốc xe ôm.

Có căn nhà 2 tầng, bác Thác thu xếp tầng 1 cho thuê để có đồng ra đồng vào. Vì nhà ở trên con phố Nguyễn Đình Chiểu, dù tít sâu trong ngõ, nhưng cũng có nhiều người đến hỏi thuê. Tiền thì cần, nhưng người phụ nữ ấy quyết chọn người ở chung nhà “phải hợp”, chứ ồn ào, xô bồ, thành phần phức tạp, trả cao đến mấy bác cũng không nhận. Khi gặp tôi, bác chẳng hỏi gì nhiều, chỉ nhỏ nhẹ: “Cháu cứ dọn về đây ở với mẹ con bác”. Và rồi người phụ nữ ấy suốt ngày nhắc con “nói khẽ đừng làm ồn chị”. Nấu được gì ngon bác cũng mời tôi ăn cùng. Và tác phẩm Tầng hai đã được ra đời từ những ngày tháng đáng nhớ ấy của tôi.

8. Theo nhà văn Phong Điệp, truyện Tầng Hai có những tín hiệu thẩm mĩ nào quan trọng nhất? nhà văn muốn gửi tới người đọc những thông điệp gì cho những người trẻ tuổi, trước ngưỡng cửa vào đời? (Lê Thùy Nhung, giáo viên Văn, trường PTTH Chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình)

Tôi mong độc giả, các thầy cô giáo và các em học sinh đón nhận truyện ngắn này của tôi với những cách tiếp cận khác nhau, phát hiện và tìm kiếm những “tín hiệu thẩm mỹ” mà mọi người thấy thích thú và tâm đắc.

Còn về thông điệp tôi muốn gửi gắm đến những bạn trẻ tuổi trước ngưỡng cửa vào đời như tôi đã viết trong truyện ngắn Tầng hai đó là tìm kiếm ý nghĩa đích thực của hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi người. Hạnh phúc không xa vời trừu tượng để rồi chúng ta cứ mải mê tìm kiếm tận đẩu tận đâu, hay là cách chúng ta cứ lao đi kiếm tiền, bất chấp mọi giá. Hạnh phúc có khi chỉ là những điều bé nhỏ, giản dị, giúp nâng đỡ, an ủi, động viên, tiếp theo nghị lực cho chúng ta bước tiếp. Vậy nên hãy biết trân trọng giá trị của gia đình, luôn biết quan tâm, yêu thương và sống có trách nhiệm đối với nhau.

9. Truyện ngắn TẦNG HAI được nhà văn viết trong bao lâu? Chân dung nhân vật Tôi có phải là chính bản thân nhà văn? (Nguyễn Thùy Tiên, giáo viên Văn trường Chuyên Lê Tất Thành, Kon Tum)

Vì tứ truyện đã có trong đầu, chất liệu cũng đã có sẵn từ những trải nghiệm của bản thân nên tôi bắt tay viết truyện ngắn Tầng hai khá nhanh. Tôi nhớ không nhầm thì chỉ chừng hai ngày tôi đã hoàn thành tác phẩm này. Và bạn cũng rất tinh khi đặt câu hỏi “nhân vật Tôi có phải là chính bản thân nhà văn” hay không. Quả đúng là tôi đã gửi gắm cảm xúc, suy nghĩ và cả những chi tiết đời thực của mình vào nhân vật Tôi, như chi tiết “Cô đi suốt ngày và chỉ trở về cái hộp chật hẹp của mình sau khi vô tuyến đã chuyển sang chương trình bản tin thời sự cuối ngày. Cô se sẽ tắt máy từ ngoài ngõ rồi mới dám dắt xe vào nhà. Luôn lo lắng rằng mình có thể gây ra cho họ những phiền toái nhất là vào lúc đêm khuya nên cô thận trọng mở vòi nước, xòe tay đỡ cho dòng nước khỏi tạo nên những âm thanh quá chói gắt”. Còn nhiều những chi tiết khác được sử dụng “nguyên liệu” từ chính người viết do đó nhân vật Tôi cũng có thể coi là một “hình bóng” của tác giả.