Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của Văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Một trong những giá trị của thơ Hồ Xuân Hương là đã nêu bật được những nỗi bất công mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu đựng và lên tiếng đấu tranh để bênh vực cho quyền lợi của người phụ nữ. Ở góc độ ngôn ngữ mà xét, Hồ Xuân Hương có những sáng tạo độc đáo và thành công đáng kể. Trong phạm vi của một bài viết nhỏ, chúng tôi trình bày về vấn đề thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương.

Tranh sơn dầu chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương của hoạ sỹ Tạ Tâm.

1. Thành ngữ, tục ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương thường sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong thơ. Khảo sát tập Thơ Hồ Xuân Hương do Nguyễn Lộc tuyển chọn và giới thiệu (NXB văn học, 1987), trong số 39 bài thơ, có 15 bài sử dụng thành ngữ, tục ngữ, chiếm 38,4%. Đó là một tỉ lệ đáng kể, cho thấy Hồ Xuân Hương thấy được vai trò, vị trí quan trọng của thành ngữ, tục ngữ trong thơ. Như bài Mời trầu tác giả đã sử dụng đến 2 thành ngữ chỉ trong 1 câu thơ (Câu thứ tư):

Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương mới quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi

Hai thành ngữ xanh như lá, bạc như vôi đã giúp tác giả nói lên bằng hình ảnh lời nhắn nhủ của mình: “Đừng xanh như lá, bạc như vôi”, hãy giữ tấm lòng son, hãy giữ tấm lòng trong trắng, thủy chung giữa cuộc đời đen bạc.

Hoặc như bài Làm lẽ, chỉ 8 câu thơ mà có đến 3 câu dùng thành ngữ:

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếm lấy chồng chung

Năm thì mười họa hay chăng chớ

Một tháng đôi lần có cũng không

Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm

Cầm bằng làm mướn, mướn không công

Thân này ví biết dường này nhỉ

Thà trước thôi đành ở vậy xong

Ba thành ngữ: Năm thì mười họa, Cố đấm ăn xôi, Cầm bằng làm mướn cùng với các câu thơ khác trong bài đã làm cho bài thơ có sức công phá ghê gớm vào chế độ đa thê của xã hội phong kiến, lớn tiếng đòi quyền sống, đòi hạnh phúc lứa đôi cho người phụ nữ.

Hay như trong bài Bánh trôi nước:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Ở đây bảy nổi ba chìm lấy từ thành ngữ gốc ba chìm bảy nổi. Thành ngữ này cùng với các câu thơ trong bài đã dùng cách nói ẩn dụ để khẳng định rằng dù trong cuộc sống có gặp muôn vàn khó khăn gian khổ nhưng người phụ nữ vẫn luôn giữ được tấm lòng trong sạch, phẩm chất cao quý.

Qua việc khảo sát, chúng tôi thấy Hồ Xuân Hương thường vận dụng thành ngữ, tục ngữ vào thơ theo 2 cách:

Cách thứ nhất là đem nguyên văn, nguyên dạng thành ngữ, tục ngữ vào thơ.

Ví dụ: mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo (Đèo Ba Dội), bán lợi mua danh nào những kẻ (Chơi chợ chùa Thầy) hoặc những ví dụ đã nêu ở trên: năm thì mười họa hay chăng chớ, cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm, Đừng xanh như lá, bạc như vôi .v.v…

Cách thứ nhất này không dễ bởi vì nó đòi hỏi tác giả phải có cảm nhận tinh tế về nghĩa của những câu thành ngữ, tục ngữ mà mình định sử dụng để xem nó có phù hợp với ý thơ mà mình định trình bày ở trong câu, trong bài hay không. Không những thế, để sử dụng cách thứ nhất này, nhà thơ cũng phải là người giỏi về khả năng xử lý ngôn từ để có thể ghép những câu thành ngữ, tục ngữ có sẵn những từ ngữ của riêng mình để tạo nên một câu thơ hoàn chỉnh mà không bị cứng nhắc, gượng ép về nghĩa cũng như về vần, về nhịp điệu của câu thơ, của bài thơ.

Hồ Xuân Hương đã vượt qua được những khó khăn đó. Như trong bài Làm lẽ để nói lên sự thiệt thòi, thua thiệt của người phụ nữ trong cuộc sống vợ chồng, Hồ Xuân Hương đã sử dụng các thành ngữ năm thì mười họa, cố đấm ăn xôi…. Những thành ngữ này đều rất quen thuộc với người Việt, nó thường được dùng để nói lên sự trớ trêu, trái khoáy của một điều gì đó. Và Hồ Xuân Hương đã sử dụng các thành ngữ đó rất hợp cảnh, hợp tình. Đó là một trong những thành công của tác giả.

Cách thứ hai là không đem nguyên văn thành ngữ, tục ngữ vào thơ mà chỉ lấy ý của thành ngữ, tục ngữ để đưa vào trong thơ.

Ví dụ Hồ Xuân Hương đã lấy ý của thành ngữ làm mướn không công để chuyển vào câu thơ “Cầm bằng làm mướn, mướn không công” (Làm lẽ), lấy ý của thành ngữ thăm ván bán thuyền để viết câu thơ “ấy ai thăm ván cam lòng vậy” (Tự tình 3).

Với cách này, tác giả thường tạo nên sự ẩn ý một cách kín đáo cho câu thơ, qua đó tạo cho người đọc sự liên tưởng rộng hơn, bởi vì dấu ấn của thành ngữ, tục ngữ thường tồn tại phảng phất trong câu thơ. Vì vậy muốn biết trong câu thơ tác giả sử dụng mô-típ thành ngữ, tục ngữ gì để diễn đạt nội dung thì người đọc phải có một vốn thành ngữ, tục ngữ nào đó để làm cơ sở quy chiếu, so sánh thì mới nhận ra được.

2.Từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương

Trong thơ Hồ Xuân Hương, từ láy xuất hiện nhiều và có giá trị biểu cảm cao. Trong cuốn Tìm hiểu thơ Hồ Xuân Hương (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, 1998), nhà nghiên cứu Lã Nhâm Thìn cho biết ông đã khảo sát 268 câu thơ Hồ Xuân Hương thì có 79 từ láy, chiếm tỉ lệ 29,4% nghĩa là từ láy chiếm gần một phần ba trong tổng số các câu thơ. Đó là một con số đáng kể.

Về mặt cấu tạo mà xét thì từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương rất đa dạng, nhiều kiểu loại.

1) Từ láy hai âm tiết (láy đôi)

– Láy phụ âm đầu:

Ví dụ:+ Da nó xù xì, múi nó dày

Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi

Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt

Mảnh tình san sẻ tí con con

– Láy phần vần:

Ví dụ:+ Con thuyền vô trạo cúi lom khom

Lách khe nước rỉ mó lam nham

Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo

– Láy hoàn toàn:

Ví dụ:+ Con đường vô ngạn tối om om

Cầu trắng phau phau đôi ván ghép

Lâng lâng chẳng bợn chút lòng ai

2) Từ láy ba âm tiết (láy ba)

Ví dụ:+ Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom

Ví gì một tý tẻo tèo teo

Cách dùng từ láy của Hồ Xuân Hương đã đem đến cho người đọc nhiều ấn tượng, nhiều cảm nhận thú vị:

– Tạo ra hình dáng:

Ví dụ:+ Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi

Con thuyền vô trạo cúi lom khom

Kìa đến Thái Thú đứng cheo leo

– Miêu tả hành động:

Dắt díu nhau lên đến cửa chiền

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng

Xin đừng mân mó nhựa ra tay

Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi

– Thể hiện trạng thái, tính chất:

Lâng lâng chẳng bợn chút lòng ai

Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác

Khiến người quân tử hiền nhân ngại ngùng

Đầm đìa lá liễu giọt sương reo

Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt

Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả

Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm

– Diễn tả màu sắc:

Nước trong leo lẻo một dòng thông

+ Con đường vô ngạn tối om om

+ Cầu trắng phau phau đôi ván ghép

– Tạo ra âm thanh:

Giọt nước hữu tình rơi thánh thót

+ Tiếng gà văng vẳng gáy trên nương

+ Sóng dồn mặt nước vỗ long bong

+ Thương chồng nên mới khóc tỉ ti

+ Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?

Đọc kỹ thơ Hồ Xuân Hương, chúng tôi nhận thấy tác giả sử dụng từ láy với số lượng nhiều, nghĩa của từ láy rất phong phú, đa dạng. Có một số trường hợp từ láy được Hồ Xuân Hương dùng với nghĩa lấp lửng phù hợp với tính chất nghịch ngợm, bông đùa trong thơ – một trong những đặc điểm thơ Hồ Xuân Hương, điều này đã làm cho câu thơ mang nhiều tầng nghĩa. Thông qua các từ láy, các đường nét, hình ảnh, tình cảm, tâm trạng…được khắc họa một cách rõ nét, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Có một số từ láy do tác giả tạo ra (hỏm hòm hom, hắt heo, mõm mòm…) còn đa số là những từ láy có trong kho từ láy Tiếng Việt nhưng nhờ đặt đúng ngữ cảnh nên đạt được hiệu quả cao.

Hồ Xuân Hương sử dụng nhiều khuôn vần của từ láy qua đó bộc lộ sư phong phú về nội dung biểu đạt. Như khuôn vần eo thường diễn tả sự nhỏ bé (Vị gì một tý tẻo tèo teo), khuôn vần om thì tăng nghĩa so với hình vị gốc (Con đường vô ngạn tối om om -> om om tăng nghĩa so với om), khuôn vần un thường mang nghĩa tập hợp nhiều sự vật (Hòn đá xanh rì lún phún rêu), khuôn vần ong rạo ra âm thanh của sự vật (Sóng dồn mặt nước vỗ long bong), khuôn vần ì – ạch gợi ra cảm giác âm thanh đang chuyển động (phì phạch trong lòng đã sướng chưa?), khuôn vần ăt-eo gợi ra sự buồn tẻ (Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo).v.v…

Trên đây, chúng tôi đã trình bày những cảm nhận bước đầu về thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương. Có thể nói một trong những nét quyến rũ của thơ Hồ Xuân Hương là khả năng sử dụng thành ngữ, tục ngữ, từ láy một cách độc đáo, vận dụng văn học dân gian vào thơ một cách tự nhiên mà điêu luyện, hấp dẫn, tạo nên tính đa nghĩa và sự phong phú, đa dạng cho ngôn ngữ. Về phương diện này, Hồ Xuân Hương đã có đóng góp lớn vào kho tàng thơ Việt Nam.

ĐOÀN MẠNH TIẾN- Báo Nghệ An

Trích nguồn: Vanvn.vn