Tôi thấy vai trò các thầy dạy văn ở phổ thông rất quan trọng, tạo kiến thức cho cả đời người

Văn học là nhân học, dạy văn là dạy chuyện đời; không bàn chuyện của đời, dạy văn sẽ khó lắm và học văn sẽ chán ghê. Trẻ con không thích học văn là phải xét cho đến văn chứ không phải tại trẻ con bây giờ nghèo tâm hồn.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Học xong phổ thông tôi thi vào đại học y khoa. Tôi chọn ngành y vì lúc nhỏ hay ốm (thật ra chỉ là viêm a-mi-đan) và cũng vì cái câu ca hồi ấy: Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa. Trong thời sinh viên tôi bắt đầu làm thơ, đăng thơ. Khi là bác sĩ ở Bộ y tế, có dịp đi các địa phương, vào vùng chiến sự, tôi viết nhiều hơn. Thơ được in thành tập, rồi vào Hội Nhà văn, bỏ cả nghề bác sĩ đi làm thơ. Bây giờ nhìn lại hóa ra mình đã vào nghề văn chương chuyên nghiệp hơn hai mươi năm rồi.

Nói tôi thích văn từ bao giờ hoặc học văn như thế nào tôi không biết bắt đầu nói từ đâu. Nếu nói về cái chất tâm hồn thì mù mờ lắm và xa xưa nữa. Nhưng ngẫm nghĩ thì thấy chính nó mới là cái bắt đầu của văn chương.

Nhưng chuyện ấy để nói vào dịp khác. Tôi chỉ kể ở đây vài kỉ niệm học văn. Tôi thích môn văn là từ khi vào học trung học đệ nhất cấp (sau gọi là cấp II). Thầy dạy văn tôi lớp đệ nhất ấy là thầy Hoài Việt và thầy Phố. Thầy Phố tôi không được gặp lại. Chỉ nhớ một câu thơ thầy đọc, hình như thơ của thầy: Cánh buồm tốc ngược, gió thổi xuôi. Thầy Phố vốn vui tính, thầy bảo câu thơ ấy hay là ở chữ tốc ngược. Bây giờ tôi thấy câu thơ ấy “hay vừa” thôi, chứ hồi ấy tại tôi nhập tâm, định bụng sau này nếu làm được thơ thì mình cũng tốc ngược như thầy. Còn thầy Hoài Việt sau này viết nghiên cứu, viết văn, viết thơ. Bây giờ thầy sống ở thành phố Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng tôi có được gặp. Thầy Hoài Việt hồi ấy đẹp trai lắm (bây giờ còn đẹp), người cao. Thầy vào lớp, mặc comlet trắng, có giọng đọc ấm. Thầy giảng Lục súc tranh công, lần đầu tôi hiểu lờ mờ văn chương dùng loài vật để nói loài người là như thế nào và dù nói người thì vẫn không tách khỏi những tập tính loài vật.

Cũng năm đó, ngẫu nhiên tôi vớ được cuốn truyện cho trẻ con là Dế mèn phiêu lưu kí. Tôi đọc một lèo hết truyện mà chẳng đọc đến tên tác giả. Có đọc cũng quên, chỉ nhớ chàng Dế Mèn thôi (Sau này tôi mới để ý trẻ con chỉ đọc truyện mà không đọc tên tác giả, còn người lớn, nhất là người lớn là nhà văn thì chỉ đọc tên tác giả mà không hay đọc truyện). Nhờ bài dạy của thầy Hoài Việt về Lục súc… mà tôi biết cách đọc Dế mèn… Đọc một truyện (về Dế) mà biết hai truyện (Dế và người). Thích thú lắm và thấy văn chương có cái gì hơi kì lạ. Sau này tôi có dịp đọc lại Dế Mèn, thấy mình cũng không phát hiện được gì nhiều so với lần đọc đầu tiên năm mười một tuổi. Dun dủi thế nào bây giờ tôi lại được làm việc cùng cơ quan với cái ông đã viết ra quyển Dế mèn đánh dấu vào tâm hồn mình ấy. Lúc họp hành tôi hay ngồi ngắm ông, nghĩ cứ như người trong cổ tích bước ra mà lại cùng ăn trưa, cùng lĩnh phong bì như mình, đời người nghĩ cũng hay.

Thầy Hoài Việt giảng Nhị thập tứ hiếu bắt đầu gợi cho tôi nghĩ tới cái giá trị mà người ta định ra để khen chê con người không phải bất hiếu. Trong bài có ông ăn trộm cam mà lại đáng khen vì ông thương mẹ. Lại có người hiếu với bố mẹ nhưng lại tàn ác với con cái. Lớn lên vào đời, những lời khen chê miệng thế ít làm tôi tin tuyệt đối, có lẽ từ bài giảng của thầy Hoài Việt. Nhưng từ cái cách lập luận ấy, khi học phổ thông cấp ba tôi cũng bị phê bình là hay nói ngược ý chung của tập thể. Còn vào đời, có lúc tôi đã nhận được lòng tốt của những người từng bị coi là chả ra gì. Anh Xuân Diệu có lần nói: “Có trái khoáy như thế nó mới là cuộc đời” – cứ như củng cố cho cái quan niệm hình thành từ thời thơ ấu của tôi. Ôn lại kỉ niệm này tôi chỉ muốn lưu ý cái điều mà nhiều người đã nói: Văn học là nhân học, dạy văn là dạy chuyện đời; không bàn chuyện của đời, dạy văn sẽ khó lắm và học văn sẽ chán ghê. Trẻ con không thích học văn là phải xét cho đến văn chứ không phải tại trẻ con bây giờ nghèo tâm hồn.

Năm đệ lục tôi được học thầy Nguyễn Xuân Huy. Ít năm sau mới biết thấy Huy là tác giả được Hoài Thanh tuyển vào Thi nhân Việt Nam. Thầy Huy vào lớp cứ đứng trên bục giảng, không bao giờ ngồi vào ghế. Cũng không nhìn học trò, thầy nhìn vào góc nhà trên trần và cứ nói như trò chuyện với đấng vô hình nào. Nhờ thầy Huy, tôi biết được cái hay của thơ mới. Thầy đã giảng Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, Sơn tinh thủy tinh của Nguyễn Nhược Pháp. Cũng nhờ thầy, tôi được vỡ lòng về văn xuôi Tự lực văn đoàn với Thừa tự, Gánh hàng hoa, Thế rồi một buổi chiều, Vàng và máu

Lại được biết cả Prosper Mérimée với chuyện trả thù xứ Corse, biết Victo Hugo với Những kẻ khốn nạn. Đoạn trích giảng đến nay vẫn còn lờ mờ trong tôi một buổi chiều thôn quê nước Pháp cái bữa Giăng Vangiăng dẫm chân ăn chặn đồng xu của đứa bé nạo ống khói. Thầy Nguyễn Xuân Huy hay giảng kĩ các chi tiết gọi được thần thái đoạn văn, bài thơ. Nhờ thầy tôi biết được cách đọc và cả cách viết để ra văn. Các chi tiết ấy thường để lại ấn tượng rất sâu. Như trong truyện của P. Mérimée là cái tia khói súng bay lặng lẽ sau vụ giết người giữa rừng vắng. Trong Thừa tự là tiếng quả nhãn rơi ấm ức trên từng bậc cầu thang khi người nhà quê đội mâm nhãn kính biếu bị đẩy xuống. Trong Vang bóng một thời là những giọt nước rỏ xuống mặt đường cát thành những ngôi sao thẫm màu đánh dấu đường về của khách sau khi bọn gánh nước chào nhà sư…

Nhiều bài văn tôi quên rồi nhưng các chi tiết tôi vẫn nhớ và còn giúp tôi ngẫn nghĩ để hiểu những thủ pháp của văn học, rồi tự mình tôi lại biến hóa đi để làm vào thơ của mình. Có những ý thầy Huy giảng sau này tôi nói lại theo cách của mình, được chính tác giả của bài văn thích thú. Hồi anh Xuân Diệu còn sống, tôi đã khoe với anh thầy Nguyễn Xuân Huy giảng bài Đây mùa thu tới hồi 1953 đã tách ra các chi tiết hoa-lá-cành-trăng-sương-gió, anh Diệu ngạc nhiên và thích thú lắm. Tôi thấy lúc còn học phổ thông mà được các thầy phân tích kĩ cái hay từ các chi tiết nhỏ thì ai cũng sẽ thành người yêu văn học. Tôi thấy cái đẹp của văn chương có sức quyến rũ lạ kì. Ai dính vào văn chương rồi, có làm đến chức gì to tát thì cũng trở lại với văn chương. Nhưng tìm ra được cái hay đích thực của văn chương không dễ đâu nên đã có nhiều người ngộ nhận lầm lẫn. Có khi cả đời làm văn, viết bao nhiêu là giấy mà không biết đến chất văn thật sự của văn. Như người đi tu lần mòn bao nhiêu chuỗi tràng hạt mà không giác ngộ được tính Phật. Trong khi có thể ông đồ tể suốt đời sát sinh mà khi buông dao ra thành ngay Bồ tát. Điều quan trọng là có thầy tinh diệu khai tâm cho.

Thầy Nguyễn Xuân Huy ra đề tập làm văn về “nạn nhân mãn và ý kiến của trò”. Hồi đó, 1953, chưa có vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình ở ta, nhưng chắc thế giới người ta đã nói đến nhiều. Đề tập làm văn đó có nằm trong kế hoạch giáo dục dân số hay không tôi không được biết, chỉ biết thầy Huy yêu cầu áp dụng cách dùng chi tiết để nói, không bình luận chay. Tôi nhớ là tôi đã kể lại chuyện mất một buổi đi câu cá thú vị vì cái cần câu thì gác lên bếp, mà ở bếp lại đang giờ làm cơm, đủ các thứ món ăn của mọi gia đình đang đun nấu, rút được cái cần câu ra thì bụi bẩn hết. Thầy Huy khen là tôi đã tả một cái bếp mà thể hiện được nạn nhân mãn và hậu quả của nó là sự nghèo nàn (qua các món ăn) và những trở ngại (như mất buổi đi câu), lúc viết tôi chả nghĩ được như thế, tôi chỉ ta cái bếp thực của gia đình tôi trọ, vốn đông chủ và đều là dân nghèo. Bài ấy tôi được điểm cao nhất lớp. Thầy đọc bài tôi cho cả lớp nghe. Từ đó bọn trong lớp nhìn tôi có vẻ nể. Tôi khoái lắm. Lần sau thầy ra bài tả một vụ đánh nhau. Tôi lại dở võ cũ là bịa ra một cái cớ như cái cớ đi câu của bài trước để tả một vụ học sinh đánh lộn ở Bách thảo, thầy chê là lạnh nhạt lắm, thầy bảo cách tôi làm là lung khởi, không hợp, bài này phải trực khởi. Tôi cũng vận dụng cách dùng chi tiết, tôi viết “những chiếc lá sâu rơi như báo hiệu cảnh sát sắp đến”.

Tôi chắc mẩm sẽ được thầy khen vì tôi đã học mẹo của P. Mérimée khi ông tả vệt khói súng bay lặng lẽ trên đầu nòng súng sau vụ giết người nhằm đối chiếu cái yên tĩnh thanh bình của rừng già với hành động tàn bạo vô lí của con người như lời thầy đã giảng. Chê ghê gớm, thầy bảo: giữa cái lá rơi với cảnh sát chẳng có liên quan gì, phải là tiếng còi thổi hay tiếng mô tô mới báo hiệu cảnh sát chứ. Kì ấy tôi cũng được điểm nhất nhưng là thấp nhất. Bù lại tôi hiểu được một thủ pháp sơ đẳng của nghề văn, sau này có nhiều dịp áp dụng. Học thầy Nguyễn Xuân Huy năm ấy, tôi học được nhiều mẹo của các bài giảng văn, nói kiểu chữ nghĩa là học được cách phân tích bút pháp của từng tác giả. Bây giờ tôi viết bình luận văn chương hoặc đi nói chuyện thơ cũng chỉ là áp dụng những kinh nghiệm học ở lớp đệ lục năm ấy. Với tôi, người không học qua đại học văn khoa, vốn liếng vào nghề văn chỉ là kiến thức của trung học, tôi thấy vai trò các thầy dạy văn ở phổ thông rất quan trọng, tạo kiến thức cho cả đời người.

Sau này lên các lớp trên tôi may mắn được học các thầy vốn là nhà văn hoặc nhà nghiên cứu văn học như Trần Lê Văn, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Uyển Diễm, Đái Xuân Ninh, Đoàn Nồng. Hồi tôi học trung học nhà trường phổ thông còn chuyên biệt kim văn với cổ văn, có thầy riêng cho từng môn. Thầy Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Uyển Diễm chuyên về cổ văn. Thầy Phượng còn chuyên về dạy Truyện Kiều. Mỗi tiết giảng của thầy về Nguyễn Du, cả lớp say mê hơn xem cải lương. Từ niềm say mê các thầy truyền thụ cho từ buổi thiếu thời ấy tôi đã tự mầy mò khám phá ra các điều kì lạ của văn chương, dần dà trở thành người lấy văn chương làm nghề nghiệp cho mình.

VŨ QUẦN PHƯƠNG