- Đi, lẹ, rời khỏi xứ này. Đi kiếm chỗ dung chứa thân mày! – Ba hắn giựt nắp giỏ, thả con rắn xuống. Nó lủi nhanh, chỉ kịp thấy chót đuôi nhọn đỏ.
Nhọn lĩu mũi kim nung đe dọa, hệt ánh mắt ba, mũi kim kề mắt hắn. Cây mận trước nhà ba trồng từ lúc hắn lọt lòng đã bị đốt trụi. Cùng ngón tay cái, kiểu thề độc. Máu còn bầm đen tường nhà.
Thì hắn đi.
***
Mảnh nắng cuối cùng tan sạch trơn. Đêm ôm lấy con đường vào xóm, vốn âm u bóng đủ thứ cây. Chiều đi vội, bóng tối sấn sổ chờ sẵn. Làm như không gian biết chào khách lạ. Đèn đã nhen, biến mỗi căn nhà thành những cái hang. Đêm là ngọn núi đen sẫm hùng vĩ.
Hay những ánh đèn chống đỡ đêm. Ngoài hàng ba ngôi nhà sát mép đường, trên bộ vạc tre ọp ẹp lún những đít quần còn hăng hăng mùi sình khô, ánh đèn sáng rưới mỡ lên những dĩa mồi và chai rượu đế. Nút lá chuối quăng xuống đất, chịu dày vò của hàm răng chó mực, rách bấy bá mà còn ẩm mùi men. Xứ này nổi tiếng rượu ngon, loại đế uống lai rai mỗi đêm cũng đủ khiến nơi khác ứa nước miếng thèm.
- Làm một ly hông chú em? – Ông già như bôi son khắp mặt, giọng nhừa nhựa thiệt thà thẳng tay cầm ly rượu mời.
Khách lạ tới từ lúc nào, mâm nhậu không quan tâm lắm. Họ điềm nhiên uống, như hắn là cơn gió ghé chơi hay lũ bồ hong thấy ánh sáng bu vào, hơi phiền chút rồi cũng sẽ đi. Riêng ông già, sống bôn ba kiếp gừng cay đã đâm đủ lứa chồi mới, thấu trong ánh mắt ứa bụi kia dự định nán lại lâu. Mái đầu vị khách lấm chấm bạc dù gương mặt măng non (dưới ánh đèn thì ửng lên vàng như nắng), có lẽ ám khói hay sương giá của những chiều lang thang đầm lâu, những sớm rong ruổi vò nhàu. Thì mời một ly bắt đầu câu chuyện, coi như kết tình, biết đâu có duyên chòm xóm.
- Rượu gạo thiệt, hổng pha cồn. Uống tốt máu huyết. – Một ông chú đế thêm, khề khà nhấn vô vấn đề của khách, có lẽ máu xấu nên nhiều tóc bạc. Người khác thấy lời sỗ sàng, thúc cùi chỏ vô hông bạn. Ly rượu bị tiếng á làm sóng sánh, như chờ có vậy, giọt men nhảy khỏi ly ùm vào miệng con mực đang há miệng chờ sẵn.
Khách lắc đầu lần hai. Mắt hắn hơi sụp, không rõ vì buồn ngủ hay âu lo sợ mọi người phật ý. Có hề chi – ông già đáp bằng cái vỗ đùi kêu đét.
- Khá! – Ông cười ha hả – Thôi, con Lục đâu chạy vô nhà đem hủ rượu rắn hổ ra cho ông nội!
Ý là, ông già đoán khách tới vì thứ rượu rắn nức tiếng. Rượu để bán và mời khách. Người ở đây chỉ uống trong những dịp quan trọng, bởi nó ngon và bổ quá, phàm thứ vì quá mức cũng khiến người ta hư. Rượu đế dịu dàng hơn, có thể làm người ta vờn nhau chút, xấu tính chút, nhưng ở mức chịu được.
Lần này, không biết vì ngại từ chối hay đúng như ông già đoán, khách liếm môi bước vô mâm. Rút giò lên, hắn tế nhị chà chà hai bàn chân vô nhau cho đỡ bụi, rồi mới thu giò ngồi xếp bằng chờ nhận ly rượu rắn. Con Lục, mặt nhăn nhó vì bị sai khi đang chơi búp bê, lăng xăng ôm bình rượu ra đặt cạch xuống mâm. Nó te te trở vô nhà, lo con búp bê vai bệnh nhân không chờ được sẽ lăn ra chết.
- Con gái con đứa đi đứng đùng đùng… – Ông già hít hà xoay xoay hủ rượu, như xoay đứa cháu đích tôn sợ nó mất cọng lông nào – Bể một cái he, tao đập mày què giò!
Khách rõ thêm độ quý của bình rượu. Ánh đèn phủ vàng, không biết được màu thật của thứ rượu ngâm rắn hổ và những lá thuốc vườn. Khi ông già xoay, vô tình đôi mắt rắn quay về phía hắn, như ngoái đầu nhìn khách mới. Hắn chột dạ, hơi ngả người về sau. Con rắn y như còn sống, y như sẽ nhảy sổ ra cắm răng nanh vô da thịt hắn, lưỡi dao tử thần bén ngọt lia qua cuống tim.
- Hết mồi rồi ông Bảy ơi! – Ai đó nói.
Hắn nhìn xuống mâm. Còn kha khá, đâu đã hết. Gỏi xoài khô rắn, một tô canh mận dồn thịt bầm, dĩa heo quay óng mỡ được chiên vàng rộm bởi ánh đèn. Hắn nhìn lâu ở dĩa mận cắt sẵn, đón chừng để tráng miệng chơi. Ai ngờ, một bàn tay vươn ra, lượm một miếng mận, chấm thẳng vô chén nước tương dầm ớt, quăng vô miệng, nhuồm nhoàm nhai. Ra là có cách ăn thay rau như vậy, chắc đang mùa mận chín.
- Thằng Ba, bây ra vườn bắt vài con dơi nấu cháo đậu xanh cho khách ăn ấm bụng coi! – Ông già vỗ vai người ngồi kế, không quên rót vào ly người đàn ông tên Ba đầy rượu rắn, sau ly khách. Rồi ông rót một vòng cho mọi người, ly ông đón rượu cuối cùng.
Dô một tiếng, những cái ly như bầy bò cụng đầu vào nhau côm cốp. Hắn ực rượu, nghe cuống họng vụn từng sợi. Có bàn tay men xộc vào, xé ra. Cũng chính bàn tay ấy đan lại. Vị cay đầm, hậu ngọt, có chút đắng cuối lưỡi. Nhiệm màu. Nó nằm giữa cảm giác đau đớn và sung sướng, như giữa khoảnh khắc lưỡi vừa bị cắt đứt và mọc lại.
Chú Ba cũng ực. Mọi người ực. Ông già ực. Chú Ba chống tay di chuyển ra ngoài, xỏ dép, xăm xăm bước ra vườn. Sợ khách ngại, ông già giải thích:
- Đang mùa trái cây, dơi về kiếm ăn dữ lắm. Tui vây lưới đêm nào cũng bắt mấy chục con. Nó ra mé vườn xíu là có hà.
Như họa lời ông, tiếng chú Ba vọng lại, như gió chuyển mình. Đã bắt được dơi rồi sao.
Chú chạy vô, một tay xách mấy con dơi đang giẫy giụa, một tay tự quấn mình bằng sợi dây dài đen thui. Khi ánh đèn chạm tới, mọi người ồ lên, là rắn. Con rắn óng vảy, bị bàn tay gọng kìm bóp chặt ở đầu, cố sức siết cánh tay nên nhìn nhầm thành sợi dây quấn. Khách hơi hãi khi nhận ra có máu trên tay chú Ba.
- Vô mánh ông già ơi, bắt được rắn hổ, hết sẩy hết sẩy! – Chú cười lớn, miệng ngoác ra, cái độ tươi tương phản đậm với gương mặt túa mồ hôi nhợt nhạt.
Khách đã định bước xuống, nhưng ông già nhanh hơn. Ông rướn sải chân, cùng lúc móc từ túi áo bà ba bịch ni lông gói mấy viên đen đen, lấy một viên, vươn tay nhét vào cái miệng còn rạng rỡ của người bị rắn cắn. Chú Ba ực một cái, tỉnh queo. Gương mặt chuyển màu sơn, xanh đã hồng dần lại. Mồ hôi ráo đi. Máu chảy nhiều, nhưng đỏ và lỏng.
- Đem ra sau kêu sắp nhỏ nấu cháo nhen bây. Nè nè, cầm bịch thuốc theo, phòng hờ rắn cắn. Gì chứ con gái tao tệ hơn vợ thằng Đậu. Được thì bây làm tiếp nó luôn nhe Ba. – Ông già đút gói thuốc vô túi áo người bắt rắn, xoay sang khách như biết ý, tiếp lời lẹ làng – Thuốc trị rắn cắn, rắn độc nào cũng trị được, khỏi lo!
Hắn liếm bờ môi khô, đôi mắt thư giãn trở lại. Vậy là xóm này đúng như lời đồn.
***
Nhận mớ củi từ hắn, Kim vẫn giữ nguyên vẻ mặt tráng gương, lạnh và xuyên thấu. Cô hầu như không cười. Ở lại xóm được một tuần, hắn chưa thấy môi cô hé ra. Ông già nói cô bị câm.
- Nếu chưa tìm được chỗ thì ở tạm nhà nào trong xóm cũng được. Thích thì ở nhà tui. – Ông già khề khà, trong bữa tiệc, vỗ vỗ lưng khách thân tình như đã biết lâu năm. – Ngặt nỗi nhà có con gái câm với đứa cháu hơi lì, chú em không ngại thì… vô tư!
Hắn đâu có ngại gì. Thích là đằng khác. Kim có vẻ gì thu hút lắm, dù không mặn mà nhưng duyên, càng lạnh lùng càng khiến người ta muốn làm thân. Nhất là câu chuyện úp mở về cô, nghe như thần thoại. Hiếm có của thời đại này, khi ánh đèn săn mồi săm soi mọi ngóc ngách bí ẩn. Ma cỏ nếu ăn thịt được hẳn người ta cũng đua nhau bắt về.
Chồng Kim chết vì rắn cắn. Sinh nghề tử nghiệp, nhưng người ta có ý xầm xì do Kim. Chứ xóm có Bách Xà Đan, loại thuốc thần kì trị mọi độc rắn, xui xẻo kiểu gì anh ta bị cắn ngay cái ngày nhà hết thuốc, còn thầy lang đi vắng. Có người đồn thấy Kim hiện hình mình xà uốn khúc, quấn chết anh chồng. Họ thêu dệt cô là rắn tinh.
- Chú em nghe chuyện rồi hả? – Ông già thở dài, cầm vạt khăn rằn lau sơ mặt như sợ tiếng thở còn vương lại, ngó ra màn mưa lâm thâm tìm điểm tựa – Chắc tại nó không chịu uống rượu Ngũ Xà, nên người trong xóm còn để bụng. À, tui chưa nói ha, nó cũng như chú, hổng phải người ở đây!
Kim là con gái nuôi của ông già. Chồng Kim mồ côi, qua ở rể bên này cho tiện. Ông đã mấy lần hối cô uống rượu, nhưng cô cứ lắc đầu. Rượu Ngũ Xà ngâm từ năm loại rắn độc cùng lá thuốc bí truyền, trị đủ thứ bệnh. Biết đâu trời thương trị luôn bệnh câm của cô. Người xóm này có câu: mỗi ngày một ly Ngũ Xà, sống khỏe khỏi cần thuốc. Còn một câu khác tương tự: ai uống một ly Ngũ Xà, phương xa cũng coi như người nhà.
- Đó, rượu đây, chú em làm một ly cho ấm người! – Ông già rót từ trong bình sành đã được chiết đầy rượu Ngũ Xà ra ly, chớ không lôi cả hủ như các loại rắn khác. Chắc ông còn muốn giữ giới hạn với khách.
- Uống đi chú em! – Ông già hối – Chân cẳng còn đau hả? Rượu này trị đau nhức bá cháy à nhen. Quất vô, người què cũng đi được.
Hắn ngần ngừ. Mà mưa lạnh quá. Cái chân hét lên những cơn đau như giòi đục từ bên trong. Hôm bữa đi đứng không coi, hắn té trẹo chân. Kim phía sau màn nhìn ra, ánh mắt hơi thăm dò. Tức khí, hắn ực một cái. Rượu này không cay xé mà ngọt đầm, đặc cái đắng ghiền, chẳng hiểu sao có vị chi béo nhẹ. Hơi khó chịu, nhưng lạ kì. Hắn nghe hơi nóng chảy khắp người, như những bầy kiến vừa bò vừa cắn, tới chân cơn đau giảm hẳn. Rượu là người xiếc rắn, thổi điệu kèn mê hoặc ru ngủ con rắn độc mang tên nỗi đau.
- Thấy chưa, thấy chưa! – Ông già bật cười ha hả, dọng tay lên bàn những tiếng kình kình. – Người nhà, người nhà! Uống một ly coi như người nhà!
Liếc thấy Kim nhếch nhẹ môi cười, hắn bàng hoàng. Vậy ra cô có để ý tới hắn chút đỉnh. Khoái trá, hắn cũng bật cười. Ông già càng cao hứng, hắng giọng lên một câu hò lanh lảnh, âm thanh như cột trụ ngăn tiếng mưa lấn vào ngôi nhà vững chãi:
- Hò ơ ơ… Chứ con rắn thập thò em ơi đừng sợ vội… Phải còn coi nó độc hay không… Hò ơ ơ… Chứ con rắn thập thò cũng đừng sợ vội… Nọc con người còn độc hơn mười lần nọc rắn em ơi…
Hắn giụi giụi mắt, lắc lắc đầu nhìn cho kĩ lần nữa. Khi men xộc lên, hắn thấy một bên chân ông già teo lại như chân con nít. Và lúc con Lục chạy qua, hai mắt nó biến mất, còn trơ hai cái hố thăm thẳm. Chắc rượu quá nặng rồi.
***
Nước mắt đủ nhiều cũng khiến người ta đuối, nói chi mưa. Mưa dầm dề mấy ngày, sắp biến xóm này thành sông. Hắn không thể đi ra ngoài tìm việc, ngồi bó chân trong nhà. Lâu lâu phụ việc vặt. Không có gì làm lại ngồi uống rượu với ông già.
- Chú em không kiếm được việc theo tui, tui truyền nghề bắt rắn cho! – Ông già bữa nay chỉ uống rượu đế, chưa đụng đến cái chai đen tuyền có phủ vải đỏ kế bên, nhỏ chỉ bằng nửa chai nước mắm.
Hắn từ chối. Phần vì sợ rắn cắn, phần vì không thích giết hại. Nghề rắn hiểm họa rình rập, biết có chuyện lúc nào. Nội trong xóm này, xứ bắt rắn bậc thầy, cũng có chục người bỏ mạng do ỷ y, không uống thuốc kịp. Có đứa non gan bị rắn cắn hoảng quá tự chặt tay mình, sống tật nguyền.
- Không ưng thì học làm khô. Hay học ngâm rượu, bán được giá lắm à nhe!
Hắn cũng lắc đầu. Làm khô rắn cũng phải mổ, cũng phải giết hại một loài. Hắn sợ những đôi mắt lạnh giương lên nhìn và tiếng trườn bò âm thầm trong giấc ngủ. Ở đây sống nhờ rắn, nghĩa là đâu đâu cũng có nó ẩn mình. Hắn tin dị đoan, chụp lấy mảnh phao duy nhất, chưa bắt giết chắc rắn chừa hắn ra. Từ ngày uống ly Ngũ Xà, hắn nhìn khắp nơi toàn là dáng hình uốn éo động đậy. Thi thoảng, khi đang cầm đũa ăn cơm, hắn giật mình tưởng mấy con rắn nhỏ đang quấn cây đũa chứ không phải tay mình.
- Chuyện đó chắc do lòng chú em còn buồn nhiều thứ. Người ta nói tâm hư sinh bệnh, bụng dạ chưa an, tai mắt dễ nghe dễ thấy điều hông hay. – Ông già nghe hắn kể, chép miệng như chia sẻ chuyện của mình. – Hay chú em khoái nghề thuốc không, tui dẫn qua nhà thầy lang? Gì chứ xóm này nhờ ơn thầy lắm, làm nghề thuốc không lo đói, lại coi như làm việc thiện…
- Ông không rầy vì con coi nghề bắt rắn sát sanh sao? – Hắn cụng nhẹ ly rượu với ông, bối rối nhìn nước men hắt ra ướt ngón tay mình. Mùi mưa bọc lấy mùi rượu, khiến hắn tưởng như rượu rót từ trời.
- Ai chẳng biết điều đó, có gì đâu chú! – Ông già nhún vai, khoát tay làm một đường cánh cung – Xứ này sống nhờ rắn, không bắt rắn thì không đủ sống. Biết nghề mình sát sanh, tụi tui dặn nhau bắt đủ ăn, đủ bán, không truy lùng đuổi tận. Không hốt ổ trứng, không bắt rắn non. Mấy đợt người ta tới đặt khô, đặt rắn nhiều, tụi tui từ chối hết. Rượu vì vậy cũng hiếm. Chớ bắt vô tội vạ khác nào con rắn tự cắn đuôi mình ha, chú em!
Rồi như chợt nhớ ra điều quan trọng, ông già kéo ghế lại gần, thì thào:
- Quên kể chú em nghe một chuyện… Để coi, dạo này mưa dầm, cỏ Ngũ Sắc tươi tốt, đúng dịp rồi…
Chuyện kể xưa rồi, xứ này là xác một con rắn khổng lồ chết mà thành. Độc nó ngấm vô đất, cây cối mọc không nổi. Cho tới khi rắn nghe mùi độc kiếm tới bầy bầy, hút độc mà sống, mà đẻ. Nhờ đó đất lành trở lại. Cây cối mới mọc lên, con người mới có chỗ sống.
- Ông cố tui kể, do vậy mà xứ này nhiều rắn lạ. Những loài nơi khác không độc, nơi này vẫn độc như thường. – Ông già trợn đôi mắt, chỉ lên vách nhà, chỗ con thằn lằn đang rình bắt mỗi – Kìa, loài đó cũng có độc. Ít thôi. Nhưng cỡ chục con cùng cắn thì cũng hiểm à nha!
Như có chiếc lưỡi rắn liếm dọc sống lưng, hai vai hắn xô lệch, da gà nổi từng đám. Để trấn tĩnh hắn, ông già đặt lên bàn bịch Bách Xà Đan vừa mới mua thêm, đầy nhóc. Ông đứng dậy, cẩn trọng cầm chai rượu đen có phủ vải đỏ, giơ cho hắn coi.
- Chú em có dám nhìn kì tích không?
- Dám là sao, ông nói rõ hơn đi.
Ông lấy vải phủ ra, mở nút gỗ, mùi rượu váng vất làm hắn đau buốt hai mắt. Rượu bốc men như có khói. Ông già rót ra ly, thứ rượu sánh đen, mùi nồng đắng và tanh.
- Như hồi nãy tui kể, giờ đất này cây cối hết độc rồi. Còn sót duy nhất cỏ Ngũ Sắc có độc, ba năm nở bông một lần. Năm nay vừa hay đúng ba năm.
Hắn xoay cả người về phía đám cỏ ông già nói, ngạc nhiên chỉ thấy những mảng xanh rì. Làm gì có cái bông nào.
- Cỏ Ngũ Sắc bông hệt như lá, về hình dáng và kích thước, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Mắt rắn mới thấy được màu bông chuyển năm màu lung linh. Cả bãi cỏ ngoài kia thực tế là vườn bông rực rỡ.
- Ý ông là… – Hắn ái ngại liếc nhìn ly rượu còn bốc khói đen trên bàn.
- Chú em nhạy đó. Phải rồi, có thể mượn mắt rắn bằng loại rượu đặc biệt: rượu nọc rắn. Ngâm bằng nọc độc những con mạnh nhất, cho người uống khoảnh khắc ngắm nhìn kì tích trần đời.
Hắn vẫn chưa hiểu lắm, ý ông già là…
- Sao, chú em có dám thử không? Xóm này ai cũng đã ngắm qua bông Ngũ Sắc. Nói cho dễ nghe thì, bằng cách này, chú em sẽ hiểu hơn về dân trong xóm. Người ta có câu gì ta, nhập gia tùy tục hả?
- Kim cũng đã ngắm rồi sao ông? – Hắn nói ra điều đầu tiên xuất hiện trong đầu.
- Rồi. Tui ép nó. Chớ Ngũ Xà không uống, Nọc Rắn cũng không, nó khó mà hòa nhập nổi. – Ông già cầm ly rượu ám khí đen lên mời mọc. – Chú em uống chớ?
- Còn Lục?
- À, con nhỏ chưa đủ tuổi. – Ông già không giấu vẻ thất vọng vương dày gương mặt. Ông biết người đối diện đang tìm cách từ chối. Cũng không sao. Tửu bất khả ép.
- Coi như chú em vuột một cơ hội ngắm kì tích trần đời. Vuột luôn cơ hội hiểu tâm tình con gái nhà tui. Biết thì nên biết cho tới, biết nửa chừng có khi thành sai. – Ông già cười khanh khách, ực gọn ly rượu vào, cổ họng cộm lên như nuốt cơm nguội trị hóc xương cá – Khà… Không sao! Đời còn dài, rượu đâu có thiếu, khi nào cần chú em…
Ông lão ngưng ở đó. Đôi mắt ông dại đi, đồng tử thu hẹp thành một khe dọc, như mắt rắn. Hắn co quắp người vì cơn lạnh bốn phía ập tới. Miệng ông già cười mãn nguyện, ngắm nhìn bãi cỏ xanh mê mẩn.
Còn hắn, hắn chẳng thấy gì, chỉ xanh một màu miên man trong màn mưa lâm thâm. Có tiếng động, hắn quay phắt, tưởng rắn. Là con Lục, nó nhìn trộm, bị phát hiện đã rúc vô buồng. Hai mắt kịp chạm nhau. Hai con người duy nhất của xóm này mắt chưa một lần hóa rắn.
***
- Con bị đuổi đi… – Đêm thức trắng, giấc mơ nhung nhúc rắn, hắn nghĩ ông già nói đúng. Điều hắn giấu trong lòng có lẽ nên nói ra. Ông có quyền được biết.
- Vì tội gì? – Ông già hôm nay không lai rai, sau ly Ngũ Xà cho khỏe xương cốt chỉ là ấm trà quạu pha đặc.
- Con ăn cắp… – Hắn gãi gãi đầu, hệt đứa trẻ thú nhận đã ăn vụng.
- Nhiều không?
- Mấy con gà… Một lần là heo con…
- Chỉ nhiêu đó hả? – Ông già tự rót cho cả ông và hắn.
- Còn một tội không thành nữa… – Hắn ấp úng, đôi mắt nhìn ông chờ đợi.
Ông già đứng dậy, hất khăn rằn lên vai, dõng dạc:
- Thôi, chuyện cũ bỏ qua. Ai cũng có quyền làm lại. – ông già cười tươi rói – nay làm nồi lẩu rắn xả xui, bắt đầu con người mới mai còn qua thầy lang học việc!
Ý ông nhắc mấy con rắn trung mới đặt lợp dưới sông. Hắn thấy tin mừng, hồ hởi xung phong làm thịt rắn. Ông lắc đầu:
- Thôi, độc rắn trung yếu mà say như rượu, chú em lạng quạng bị cắn cũng mệt, giữ tỉnh táo còn ra mắt thầy.
Hắn rùng mình, quên mắt xứ này rắn nào cũng độc. Những con rắn trung sọc đen trắng vô hại nơi khác cũng là hiểm họa xóm này. Nhà nào có con nít người ta đều coi kĩ trước sau, tối ngủ giường cao ráo ém mùng đàng hoàng phòng rắn bò vô. Mà xóm này ít trẻ con, quanh đi quẩn lại hắn mới thấy mình ên con Lục là trẻ nhất. Hèn chi nó lủi thủi chơi ên trong nhà với mấy con búp bê hoài, ít thấy đi đâu với bạn bè.
- Nếu chú em muốn phụ thì theo con Lục ra vườn bẻ mấy trái mướp, ít sả với cải trời, mồng tơi vô ăn lẩu! – Ông già vỗ vỗ vai hắn – Con Lục đâu, ra ông ngoại biểu!
- Dạaa! – Con nhỏ dạ ran, hình như đã nghe, líu ríu cắp nách cái rổ chạy ra.
Không chờ hắn, nó le te chạy trước.
- Ê ê, đứng lại đó! – Ông già quát, ngoắc con nhỏ – Bước lẹ vô đây ực thuốc rồi mới đi! Tính trốn he.
Con Lục mặt mày chầm dầm, ôm cái rổ trước ngực như cái lồng bảo vệ trái tim, bước như đang giậm chân. Ông già rót một ly Ngũ Xà đưa cho nó. Mặt Lục nhăn tít lại như đất lún, nuốt trọng ly rượu rắn. Nó há miệng, thè lưỡi khè khè như ăn phải ớt, sẵn để ông ngoại kiểm tra coi đã uống thiệt chưa.
- Con nhỏ mắt yếu, nhờ rượu này mới tỏ. Bữa nào quên cho uống là quáng gà, khỏi thấy đường sá chi luôn. – Ông già phân trần với hắn lý do bắt con nít uống rượu. – Mà dạo này già, tui hay quên, nó kiếm cớ né hoài…
- Hay ông để con nhắc Lục uống cho. – Hắn xung phong. Dù sao cũng là một cách làm thân với con gái Kim.
- Được quá chớ! Giao nó cho cậu! – Ông già ngoác miệng cười.
Quay lại Lục đã lủi đi mất dạng, nhanh như con rắn nhỏ. Hắn lẹ lẹ sấn bước, í ới gọi.
***
Xác người đã lạnh, da tím lại và đầy những vết bầm. Khuôn mặt biến dạng vì co giật. Thầy lang, tuổi ngoài bốn mươi, lắc đầu chia buồn cùng người nhà.
- Tui đã nói rồi, đi đâu cũng phải thủ sẵn Bách Xà Đan. Rắn mọi nơi, đâu biết đụng mặt khi nào.
Thầy đưa thêm thuốc cho người nhà. Thầy chỉ vào xác con rắn hổ mây bị đập dẹp đầu nằm dài dưới chân:
- Đem nó về làm thịt cúng ông nhà đi!
Lúc đó thầy mới hay có khách. Thầy cười với ông già, hơi khựng lại khi thấy hắn. Gõ gõ ngón tay dài với những móng ám đen nhựa thuốc, thầy nhăn trái suy nghĩ rồi à lên:
- À, người định học nghề thuốc đây hả ông Bảy?
Ông già gật, đẩy hắn về phía trước. Hắn lóng ngóng đặt rổ trái cây vô tay thầy lang. Ngoái nhìn lại đã không thấy ông già đâu. Chỉ thấy xác người vừa được khiêng ra, tay va phải hắn buông sõng soài như một con rắn thả mình đu cây. Hắn muốn ói nhưng kìm lại. Nhìn hắn như học sinh mới đi học ngày đầu phải xa vòng tay mẹ.
- Vô đây vô đây! – Thầy xoay người đi trước.
Căn nhà lá nhỏ ngập tràn cỏ cây khô. Mùi thảo dược bốc lên khiến đầu hắn nhưng nhức. Hắn e dè lách chân đi qua những mâm xác rắn, có lẽ cũng dùng làm thuốc.
- Tôi… tôi phải học gì đầu tiên? – Hắn ấp úng, thấy tay chân dư thừa nên giữ sát rạt bên người.
- Siêu độ vong hồn! – Thầy lang cười, sắp mớ trái cây hắn đem tới ra mâm. – Coi tui làm thôi, từ từ học theo.
Bưng mâm cúng và bó nhang, thầy đi trước, hắn theo sau như cái bóng. Hai người đi thẳng ra hè. Hắn trợn mắt nhìn, sau nhà thầy là một nghĩa trang. Khoảng vườn rộng đầy những nấm mộ đất tròn, không bia, hắn biết đây là gì.
- Mới có một đứa được đưa tới. – Thầy lang chỉ vào cái hủ tròn đặt giữa tấm chiếu trải sẵn. Thầy đặt mâm trái cây cạnh đó, cắm nhang và đốt.
- Tôi… tôi làm gì? – Hắn nhích lại gần thầy lang, cảm giác không khí đặc quánh và lạnh như lưỡi dao khiến hắn thoáng run.
- Chỉ cần quỳ cạnh tui và cầu nguyện cho đứa trẻ thôi. – Thầy lang quỳ xuống.
Hắn làm theo. Thầy bắt đầu bài khấn, ê a như đang hát.
***
Hắn chạy bằng mạng sống, như có bầy rắn độc đuổi theo. Về tới nhà, hắn chạm mặt ông già đầu tiên. Ông giờ đoán sơ lược tình hình, qua gương mặt xanh mét của hắn.
- Chú em biết được gì rồi?
Hắn định nói, nhưng khựng lại. Hắn nhìn ông già nghi ngờ, hay ông cùng phe với gã thầy lang hắc ám kia.
- Nói đi! – Ông già gắt.
Hắn run run kể lại. Sau khi cúng xong, thầy lang hạ hủ sành chứa thi hài đứa trẻ xấu số xuống huyệt và lấp đất. Hắn cũng phụ. Trở vô nhà, hắn thấy la liệt những mảnh giấy treo ngày chôn của những đứa con nít. Và trên bàn, một xấp dày hóa đơn đập vô mắt hắn.
- Gã thầy lang đó mua xác con nít! Chắc chắn để làm phép tà giáo chi đó.
- Bởi vậy người ta nói, biết một nửa coi như chưa biết gì! – Ông già cười lanh lảnh, bầy gà gần đó tưởng trời nổi sấm ù chạy biến.
- Ý ông là? – Hắn ngơ ngác.
Ông già ngoắc ngón trỏ gọi hắn vô nhà. Rót cho hắn ly trà ấm, ông kể phần hắn chưa rõ. Ở đây ai mà không biết thầy lang mua lại xác trẻ con không thân thích hay những bào thai về để cầu siêu và an táng. Cũng chính dân xóm góp tiền phụ thầy việc đó mà.
- Không phải làm bùa ngải hại người gì sao? – Hắn hỏi lại, như chưa tin vào tai mình.
- Bậy bạ! Thầy lang một đời trong sạch, chỉ biết làm thuốc! – Ông già lắc đầu. – Mai chú em qua xin lỗi thầy cho đàng hoàng tử tế. Giờ trễ rồi, vô tắm rửa ăn cơm.
Hắn vẫn ngồi yên, lắc lắc đầu. Suy nghĩ như hai bầy rắn quấn lấy nhau, giờ thì tứ chi hắn cũng liên tưởng tới rắn. Không biết liệu hắn ở lại đây có phải là quyết định đúng.
***
- Quay lại rồi hả? – Thầy lang nói khi nghe tiếng bước chân, không ngẩng lên. Thầy đang bận tay nghiền thuốc.
- Tui xin lỗi… – Hắn ngượng ngùng, những ngón tay cứ nắm rồi co.
Thầy lắc đầu, vai run, hình như cười. Thấy kêu hắn phụ cắt lá thuốc và da rắn. Thầy dạy hắn bài thuốc đầu tiên, trị phỏng da.
Hắn ở lại học với thầy, thái độ kiên nhẫn như cũ. Được một tuần, thầy kêu hắn ngủ lại nhà để tiện mai làm thuốc sớm. Hắn gật đầu.
Đêm. Hắn chưa ngủ được. Tiếng cú vọng từ nghĩa địa nghe như tiếng ai cười. Hắn xoay người về phía thầy lang, cố hít thở đều. Hình như thầy chưa ngủ. Bây giờ mấy giờ rồi, hắn ước chừng sắp nửa đêm.
Đúng nửa đêm, thầy lang dậy sửa soạn. Hắn tròn xoe mắt, lồm cồm đứng lên theo.
- Sao thầy nói mai?
- Qua 11h là ngày mới rồi – thầy cười với hắn, thật hiền – hôm nay là ngày trọng đại, ta sẽ dạy chú bài thuốc mạnh nhất của ta, Bách Xà Đan.
Cái tên đó là nhát búa mổ vào chân, hắn lảo đảo, chống tay vào vách giữ thế đứng. Nhanh đến vậy sao, chỉ một tuần.
- Dạo gần đây ta thấy không được khỏe nên muốn truyền nghề nhanh một chút. Chú biết đó, xứ này thiếu thầy thuốc một ngày đâu có được. Lỡ ta có bề gì…
Hắn lắc đầu, đôi mắt cương quyết ngăn thầy nói điều gở. Thầy cười, gật đầu, bước tới rút thanh cài cửa, nhấc tấm cửa đan bằng lá dừa nước qua một bên. Mùi đất ẩm ngai ngái xộc vào tựa đứa trẻ tò mò. Hắn rợn người, đêm khuya đi hái thuốc liệu có chuyện gì thì sao…
- Xa không thầy?
- Ngay đây thôi. – Thầy chỉ về trước, hắn chỉ thấy màn đêm thăm thẳm.
***
Những cơn mưa đã ngừng, ông già đi bắt rắn trở lại. Hắn xin nghỉ một ngày, ở nhà ngồi thừ người, nhìn ra bãi cỏ ngũ sắc. Hắn thấy chúng đâu khác chi cỏ thường. Nếu có đôi mắt rắn, hắn sẽ nhìn mọi chuyện khác đi chăng.
Hắn vò đầu, những sợi bạc lả tả rụng. Giá suy nghĩ cũng rụng theo thì khỏe. Hắn phải làm gì tiếp theo bây giờ. Không phải lúc nào, không phải chuyện gì cũng rạch ròi đen trắng. Những thứ mập mờ trên lằn ranh mang hơi thở cơn say chuếnh choáng khiến người ta hoài nghi chính mình.
Lục đi ngang, thấy hắn thẫn thờ nên đứng lại ngó. Ngoắc con nhỏ, hắn vỗ vỗ ghế kêu nó ngồi xuống.
- Lục, sao con thích chơi trò búp bê thầy thuốc bệnh nhân?
- Thầy thuốc cứu người, như anh hùng vậy đó chú. – Con nhỏ thiệt tình kể, dạo này nó thân với hắn hơn.
- Là con ngưỡng mộ thầy lang? – Hắn cố không nghiến răng.
Con nhỏ gật đầu. Hắn tưởng chỗ mình ngồi vừa sụp xuống hố sâu không đáy. Dưới hố, bầy rắn nhung nhúc nhe nanh chờ. Lục chỉ mê anh hùng cứu người thôi sao. Hắn phải làm gì đó. Làm gì đây. Hắn muốn được con nhỏ ngưỡng mộ. Hắn cười, nhọc nhằn, thì tương lai sẽ được. Làm thầy lang rồi Lục sẽ mê mẩn thôi.
- Kim, làm sao biết việc mình làm là đúng hay sai? – Hắn đi tìm Kim hỏi.
Kim lắc đầu, tỏ ý đang bận ướp thịt rắn. Nhưng rồi cô dừng tay, quay sang nhìn hắn thật lâu. Cô chỉ vào ngực bên phải, múa những động tác thủ ngữ. Hắn không hiểu lắm, đoán mò ý cô là, hãy nghe theo trái tim.
Phải, trái tim. Trái tim đỏ máu dồn dập. Thứ gì được trái tim đáp lại, máu được truyền khắp khiến mình nóng lên, khiến mình rạo rực. Thứ gì khiến trái tim mình gào thét, khao khát, khiến trái tim mình chòi đạp. Thứ đó hẳn là đúng đắn.
Phải rồi, hắn sẽ làm theo trái tim.
***
Sau bữa cơm tối, hắn và ông già lại ngồi lai rai xị đế. Đương lúc khề khà, ông già chợt nhớ cái việc nhờ vả của mình.
- Bữa nay con Lục uống thuốc chưa chú em?
- Rồi ông ơi. – Hắn cụng ly, làm như sực nhớ ra điều chi vội nói – Nhắc tới Lục mới nhớ! Lát xin phép ông con dẫn Lục qua nhà thầy lang phụ thầy làm thuốc!
Ông già thoải mái gật đầu. Hắn mừng thầm.
***
- Chờ chú ở đây, đừng đi đâu! – Hắn để con Lục ở trong chòi canh ruộng cùng mấy con búp bê của nó. Để cho chắc ăn, hắn dằn lại cho con nhỏ mấy viên Bách Xà Đan.
Tiếng chuông đã rung lên mấy bận. Hắn xấn bước vô bóng tối, xé màn đêm để đi. Ít nhất con Lục đã an toàn ở nơi chỉ có hắn biết. Hắn không thể để ai động vô con nhỏ.
Nhà thầy lang đằng kia. Hắn không gõ cửa hay gọi thầy mà đi vòng ra sau nhà. Đúng như hắn đoán, thầy lang ở đó, cặm cụi cuốc đất tìm vị thuốc.
- Ông không thể ngừng việc đó lại được sao? – Hắn đột ngột lên tiếng.
- Không thể, mọi người cần thuốc. – Thầy không ngạc nhiên, tiếp tục đào bới.
- Kể cả đó là việc vô đạo đức? – Hắn rít lên.
- Cứu người thì vô đạo đức ở đâu? – Thầy lang nhanh tay hơn, khi tiếng chuông rung càng dồn dập.
Tiếng báo hiệu của những nhà sắp cạn Bạch Xà Đan. Muốn bào chế kịp, thầy phải chuẩn bị ngay bây giờ. Chậm một chút, thiếu thuốc là thêm người chết.
Thầy cứ đào, cần mẩn như con rắn xây đắp cái hang của mình. Tiếng xẻng chạm hủ sàng vang lên, thầy vội quăng xẻng, dùng tay đào. Chiếc hủ sành bê bết đất hiện ra. Hắn xộc tới, giựt lấy, quăng sang một bên.
- Tui ra lệnh cho thầy, ngừng lại đi! – Hắn gầm lên, nhe nanh như con rắn hổ đe dọa đối thủ. Nếu là rắn, hắn chẳng ngại ngần phóng đến cắm phập răng kết liễu hành động kia lại.
- Không thể… Trời ơi… Trời ơi! – Thầy lang rú lên – Tiếng chuông đã rung, họ cần thuốc! nhanh lên nhanh lên…
Hắn xô thầy té nhào. Việc đó không thay đổi được tình thế. Thầy bò trên đất, vươn tay chụp lấy cây xẻng. Thầy chuyển hướng một chút, tiếp tục đào bới.
Cắn chặt môi, hắn nghe máu tanh chảy xuống cổ họng. Máu như rượu, đốt cả người hắn nóng phừng. Con người ngu ngốc kia không chịu dừng lại. Vô vọng. Hắn đâu thể trơ mắt nhìn.
Dứt khoát, hắn vào nhà, lấy một cây xẻng khác. Thầy lang không màng đến hắn, bận rộn nhập vai con chuột chũi chăm chỉ.
Hắn bước tới, vung xẻng, nhắm vào ót thầy. Hự một tiếng, thầy lang giẫy giụa. Hắn nện thêm nhiều nhát, như đập một con rắn.
Xong việc, hắn quăng cây xẻng đỏ lòm, quay lại chòi lá tìm Lục. Hắn muốn báo cho con nhỏ chiến thắng. Giờ đây mối nguy của những đứa trẻ xóm này đã được diệt trừ.
KẾT
Lục không ra chào tạm biệt vị anh hùng mới được cả xóm phong tặng. Con nhỏ núp trong buồng, đợi tiếng đám đông tan dần. Nó quờ tay tìm mấy con búp bê, ôm chặt vô lòng. Mỗi khi nghe tiếng bước chân, tưởng là người đàn ông đó, nó quíu người lại, cuộn tròn như rắn trong ổ. Tới khi nhận ra tiếng mẹ, nó mới thả lỏng những cơ bắp căng cứng, mỏi nhừ. Thoát xác rắn trở về làm người.
Người đàn ông vạch trần thầy lang bào chế Bách Xà Đan từ xương trẻ con, coi như có công lớn. Dân trong xóm đâu có ngờ, những thi hài trong nghĩa trang sau nhà thầy được dùng làm thuốc. Dù thứ thuốc đó quý giá, điều này vẫn không thể chấp nhận nổi. Xóm phong ông ta làm anh hùng. Anh hùng chính nghĩa diệt trừ cái xấu.
Nhưng anh hùng không thể ở một chỗ. Anh hùng cần lên đường để cứu giúp những xóm làng khác. Thời nay, cái ác hiện hữu khắp nơi. Anh hùng thì hiếm hoi. Một anh hùng có nghĩa vụ bôn ba, đem công lý đến cho những vùng đất đang ngập tràn bóng tối. Mọi người chuẩn bị đồ đạc cho ông ta, tiễn ông sang xóm khác.
- Dối trá! – Lục hét lên, cố nhoài khỏi vòng tay mẹ.
Kim cố giữ con gái, vuốt vuốt lồng ngực mong nó trấn tĩnh. Bàn tay mẹ trở nên xa lạ, nó càng chống trả. Nó hóa điên như con rắn bị dồn vào đường cùng. Con rắn mù, nhe nanh chực cắn bất cứ thứ gì tới gần.
Tiếng ồn thoát ra ngoài. Những tiếng giậm chân thô bạo bước vào. Những bàn tay thô bạo xốc nó lên, tựa dây trói nghiến, đem nó ra ngoài. Lục biết ngoài kia có ông ngoại và những người đứng đầu xóm đang chờ sẵn. Họ sẽ lột sạch đồ nó, cho một con rắn trắng bò lên người nó. Con rắn sẽ quấn lấy chân, chui vào từ bên dưới. Nếu khi con rắn chui ra không chuyển màu, Lục đủ điều kiện.
Nhớ đến đứa trẻ không chịu nổi đau mà chết, Lục cố choài đạp. Những bàn tay càng siết chặt nó. Nó khó thở, ngáp ngáp lấy hơi. Không thể nào. Vô ích. Đừng làm vậy Đừng thả rắn ra. Đừng.
Nó nằm đó, ôm lấy háng, với cơn đau chẻ đôi người đã dịu phần nào. Ông ngoại thất vọng hét lên, những người trong xóm khóc. Nó nghe tiếng họ nức nở, như trái tim họ bể nát. Hẳn ông đã thấy con rắn chuyển màu.
Lục thều thào, vươn tay tìm một bàn tay. Chạm những ngón nhăn nheo của người già, nó an tâm, kể lại. Bữa đó, nó mừng vì người đàn ông không cho nó uống ly rượu cay xè. Mắt nó mờ đi, chỉ biết theo ông ta. Nó đã chờ trong bóng tối, một lúc lâu. Khi ông ta quay lại, ông ta đè nó ra, như rắn hổ ngấu nghiến gà con. Ông ta phết mực lên người nó. Thứ mực sẽ làm con rắn đổi màu.
- Nó không hợp rồi, phải làm sao? – Ai đó run rẩy hỏi.
– Tìm đứa trẻ khác thử lại nghi thức. – Ông ngoại Lục đấm mạnh tay xuống đất. Vậy là ông đang quỳ bên cạnh nó ư. – Phải tìm được thầy lang đời tiếp theo!
Tiếng xôn xao như bầy ong bể tổ, tiếng những bước chân ồn ào như giày xéo cả cánh đồng bắt ổ rắn lớn. Tiếng ai đó rời đi. Lục níu tay ông thật chặt.
***
- Xóm này mang ơn cô!
Kim không biết phải làm gì, cô sụp xuống vái lạy những người đang vái lạy mình.
- Thôi thôi, để yên cho nó học. – Ông già xua xua tay, những người ấy nghe theo, rời đi.
- Con làm được chứ? – Ông già hỏi, khi chỉ còn hai cha con.
Kim gật đầu. Không được cũng phải được. Cô là hy vọng duy nhất của xóm. Mai cô sẽ dọn đồ qua nhà thầy lang. Tục lệ đã truyền, người kế nhiệm chỉ có thể là trẻ con hợp nghi thức, hoặc người xứ khác tới.
Mỗi ngày, số người chết vì rắn cắn trong xóm lại tăng thêm. Bách Xà Đan không còn đủ. Phải nhanh lên.
Kim còn nuôi hy vọng trị đôi mắt cho con. Thiếu rượu Ngũ Xà, ngâm bằng nhiều loại thuốc chỉ thầy lang tìm được, mắt con bé gần như mù. Biết đâu vẫn còn cơ hội, dẫu mong manh. Hoặc Kim làm được thứ thuốc khác nhiệm màu hơn. Hơn cả Bách Xà Đan. Lần này, nguyên liệu là gì đây?
- Uống một ly đi, con! – Ông già đẩy ly rượu ám khói đen về phía Kim. Ly nọc rắn cuối cùng.
Cô lắc đầu, tay đón lấy. Nó không phải cho cô. Cô mang ly rượu tới, bắt Lục uống. Kì diệu, mắt con nhỏ sáng ra, đồng tử co thành dải hẹp. Như mắt rắn. Nhưng nó chỉ thấy được một thứ: bãi cỏ Ngũ Sắc đang mùa trổ bông.
- Đẹp lắm mẹ! – Lục cuống quýt nói, lên cơn run như bị sốt rét.
Kim ôm lấy con. Nước mắt cô rớt xuống, từng giọt dài ngắn khác nhau, thay cho một lời ru.
Phát Dương
Tin cùng chuyên mục:
Mạch nguồn – Truyện ngắn của Quyên Gavoye
Rừng cây nhảy múa – Truyện ngắn của Dương Thành Phát
Tiến sĩ của Đại học Harvard nghiên cứu về thế giới đồng tính trong văn học Việt Nam
Mị Châu – Truyện ngắn của Ngô Tú Ngân