Sau khi rời xa cõi tạm để lại rất nhiều tiếc nuối cho người yêu thích văn chương, mới đây NXB Trẻ đã cho ra mắt 3 tập sách gồm những bút ký, nhàn đàm, thơ ca đặc sắc của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường như một cơ hội để nhớ đến ông.
Du hành xuyên qua thời gian
Có thể nói trong gia tài sáng tác đồ sộ, bút ký vẫn là thể loại chiếm đa số của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Những tác phẩm thuộc thể loại này của ông không chỉ đơn thuần ghi lại cảm xúc vào đúng thời điểm cảm hứng bộc phát, mà còn là sự tổng hòa của tri thức và quá trình nghiên cứu suốt bao nhiêu năm, hòa quyện cùng chất văn thơ mộng, ngôn ngữ bay bổng. Nếu như học giả – nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc đánh giá Nguyễn Tuân “viết tùy bút như một công trình khoa học”, thì với nhà văn đến từ xứ Huế, ông còn thêm vào tính khoa học ấy yếu tố văn chương có phần lãng mạn và đầy tận hiến.
Khi viết về Trịnh Công Sơn, ông gọi bạn mình là “Hoàng tử bé với cây đàn lyre”. Vậy viết về ông, đâu là cụm từ sẽ thích hợp nhất? Với một chân dung đặc biệt như thế, hậu thế không dám phán xét hay gán cho ông bất cứ tên nào, mà thay vào đó chỉ dám hèn mọn dùng chính cái tên “con dế rong chơi” mà ông từng gọi mình một lần nào đó. Ông cũng bật mí với người Vân Kiều, đã từ rất lâu họ luôn tin rằng khi người ta ngủ, linh hồn sẽ thoát khỏi thân thể từ cái chấm giữa trán, hóa làm con dế phiêu du giữa bốn phương trời. Những gì kỳ lạ mà nó nhìn thấy dọc đường đi đều sẽ gửi về trở thành giấc mơ. Còn khi linh hồn rong chơi không thức dậy nữa, cái chết sẽ đến.
Hoàng Phủ Ngọc Tường từng kể một lần trong lúc nằm mộng, ông đã được gặp Platon và Heraclite sống trong hang đá, cửa hang có một con cáo vô cùng khôn ngoan đang nằm canh chừng. Và ông e rằng đêm ấy mình đã dạo chơi trên những dòng suối Hy Lạp cạn khô. Thế nhưng đối với người đọc, cuộc tao ngộ ấy như điềm báo cho những trăn trở về vũ trụ này, cũng như hành trình đi lại từ đầu về chốn khởi thủy của bản thân ông. Chú dế đã góp phần mình vào cơn mộng ấy giờ thấu lẽ đời, để rồi “say mê dõi theo cuộc biến ảo của xuân hạ thu đông qua bộ lịch vĩnh hằng của Tự nhiên viết trên cây cỏ”.
Theo Carl Jung, một trong những thứ có nhiều ảnh hưởng đến quá trình hình thành tính cách con người chính là tiềm thức văn hóa tồn tại sâu thẳm. Gắn bó với Huế cả cuộc đời mình, cộng với “ơn gọi” trong giấc mơ của “con dế rong chơi”, cả hai sớm neo đời ông với việc mổ xẻ cũng như phân tích tính cách Huế, bản sắc Huế, văn hóa Huế, chân dung Huế và tất cả những gì liên quan đến Huế. Một trong rất nhiều chủ thể xuất hiện nhiều nhất trong các bút ký đó là thiên nhiên. Bởi ông từng viết: “Có lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò nào đó, thực quan trọng, trong sự tổng hợp nên cái mà người ta có thể gọi là “bản sắc Huế”.
Khao khát giải phóng tâm linh
Cũng vì điều đó mà bút ký của ông đong đầy quan sát và những gợi tả vô cùng sinh động. Trong đó, tác giả như đang đứng nhìn từ khoảng cách xa, từ đó hấp thụ và tái tạo lại những gì mình thấy đúng như cái cách mà Márai Sándor đã từng định nghĩa về người nghệ sĩ trong Bốn mùa, Trời và đất. Nhà văn người Hungary viết: “Người nghệ sĩ lớn có ảo ảnh về thế giới, nhưng sau đó thể hiện cái ảo ảnh ấy một cách trung thực và khách quan như người vẽ chính của một văn phòng kiến trúc. Cũng chính vì thế mà ông khác với một tay thợ vẽ không có một ảo ảnh nào về thế giới, nhưng vẫn cứ vạch đường nét và phết màu lên để thành ảo ảnh”.
Cái ảo ảnh ấy của Hoàng Phủ Ngọc Tường là những buông lơi vô cùng gợi nhớ, mang theo mong muốn giải phóng tâm linh để biết con người cũng là một phần của tự nhiên này. Đó là lý do mà những tiếng động đến từ vườn đêm như có linh hồn, hay là vì sao khu vườn An Hiên cây trái quanh năm lại luôn mang đến cảm giác yên bình… Trong những bài này, thiên nhiên không chỉ có hương có sắc, mà còn có chiều kích khác đó là thời gian, khi những ký ức có dịp trở lại.
Đó là chốn “Tuyệt tình cốc” với những “hoàng tử bé” nằm trong tinh cầu giờ đã khép chặt vì những biến động của thời thế. Đó cũng là những ký ức về Huế đêm khuya với người lang thang như những flâneur bước qua phố vắng, khi chính nơi đây rồi sẽ như một “vệ tinh” đồng dạng với Pháp… Đó cũng sẽ là những gì còn lại, mất đi, và rồi trở lại như một vòng nối của dòng thời gian, biểu hiện qua nhiều di tích, phế tích vẫn còn sót lại. Nhà văn/học giả người Đức W.G.Sebald từng có cuốn sách Vành đai sao Thổ ghi lại suy nghĩ của mình trên chuyến hành trình dọc ngang miền bắc nước Anh. Tại đó khi gặp những phế tích xưa, Sebald đã nhìn những công trình này như các đối tượng có nhiều chiều sâu, và là giao điểm của những trầm tích lịch sử.
Trong Ngọn núi ảo ảnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã đi theo một đoàn hành hương đến với Bạch Mã để thấy hàng chục nền nhà giờ đã tiêu điều, gần như câm bặt về mặt lai lịch giống hệt Sebald. Ông cũng nhìn thấy những dấu tích xưa của nhiều chân dung, nơi Tạ Quang Bửu hay Hoàng Đạo Thúy đã có những bước đầu tiên đóng góp công sức cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc qua hội hướng đạo… Như một nhà sử học, ông lặng nhìn sông Hương như một thực thể hoàn toàn sống động và gắn nó với những chuyện thần tiên. Đó cũng sẽ là câu chuyện về sức sống của khu rừng tùng ở thung lũng A Sao, của thành Hóa Châu qua bao tháng năm vẫn còn ở đó… Ký ức về những nơi đó luôn luôn tồn tại, chờ ai đó đến để được “sống lại”.
Dẫu đã đi xa nhưng có thể tin rằng những trang viết của “chú dế rong chơi” Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ mãi còn đó. Con người có thể vô danh trong dòng lịch sử, nhưng những từ ngữ như có cánh hồng bay bổng sẽ là hương thơm đổ xuống dòng sông chứa đầy con chữ, để rồi mai đây sẽ lại có người tiếp tục ngẩn ngơ “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.
Hoàng Phủ Ngọc Tường (1937-2023) là một trong những nhà văn chuyên về bút ký. Ông từng là Tổng thư ký, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Bình Trị Thiên cũ, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt. Ông từng giành được một số giải thưởng cũng như tặng thưởng, như của Hội Nhà văn VN cho Rất nhiều ánh lửa (1980-1981) và Miền gái đẹp (2001). Ông cũng nhận được Giải A Giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô (1998-2003)… Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng nhà nước về văn hóa nghệ thuật.
TUẤN DUY
(nguồn: vanvn.vn)
Bài viết liên quan: