Người lái đò – truyện ngắn của Nguyễn Thị Loan

Chiều tháng sáu oi ả, cái nắng như đổ lửa xuống con đường làng quanh co. Mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng áo, tôi vẫn kiên nhẫn lần theo những chỉ dẫn rời rạc để tìm về căn nhà sâu trong ngõ hẻm. Ba mươi năm… một quãng thời gian dài đằng đẵng. Liệu Thầy còn nhớ tôi không?

Cuối cùng, ngôi nhà mái ngói cũ kỹ cũng hiện ra trước mắt. Cánh cổng gỗ khép hờ như chờ đợi. Tôi khẽ khàng đẩy cửa bước vào. Khu vườn nhỏ im ắng, vài khóm hoa dại lay nhẹ trong gió. Bóng dáng một người đàn ông gầy gò đang chăm chút mấy chậu cây cảnh. Dáng vẻ bình dị ấy, đôi mắt hiền từ ấy… là Thầy!

Thời gian đã phủ lên mái tóc Thầy một màu sương trắng, hằn sâu những nếp nhăn trên vầng trán. Nhưng ánh mắt Thầy vẫn vậy, ấm áp và bao dung. Khi tôi cất tiếng gọi khẽ khàng, Thầy từ từ quay lại. Ánh mắt Thầy thoáng chút ngỡ ngàng, rồi bừng lên một niềm vui khó tả khi nhận ra cô học trò nhỏ ngày nào.

“Là… là con sao?” Giọng Thầy khàn khàn, pha lẫn sự xúc động.

Có lẽ, trong bao nhiêu thế hệ học trò, tôi là một trong những người để lại cho Thầy nhiều ấn tượng nhất. Và với tôi, Thầy là cả một bầu trời ký ức, là người đã gieo vào tâm hồn non nớt của tôi những cảm xúc sâu sắc.

Tuổi thơ tôi gắn liền với mái trường nghèo nơi thôn dã. Thầy, người thầy giáo làng ấy, đã mất đi một cánh tay trong chiến tranh. Vậy mà chưa bao giờ Thầy đòi hỏi bất kỳ sự ưu tiên nào. Ngày ngày, Thầy vẫn miệt mài lên lớp, truyền đạt con chữ, sống một cuộc sống giản dị đến lạ thường. Dường như, tất cả những gì Thầy có đều dành trọn cho sự nghiệp trồng người. Thầy yêu lũ trẻ chúng tôi, yêu mảnh đất cằn cỗi này và những người dân lao động lam lũ. Có lẽ, chính vì vậy mà tôi đã may mắn được Thầy dìu dắt từ những năm tháng học trò.

 

Tôi vẫn nhớ như in cái buổi đầu tiên Thầy bước vào lớp. Bộ quân phục bạc màu, dáng người cao gầy, đôi mắt hiền hậu và giọng nói ấm áp như rót mật vào tai. Thầy dạy môn Văn, và cũng là người chủ nhiệm tận tâm của lớp tôi. Chúng tôi say mê những giờ giảng văn của Thầy, mê cả những nét chữ thanh thoát Thầy viết trên bảng đen. Nó đẹp đến nỗi, dù đã hết giờ, chúng tôi vẫn chẳng nỡ xóa đi. Đó là những hình ảnh về Thầy mà ký ức non nớt của tôi vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên.

Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm dưới mái trường có Thầy. Bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, bao nhiêu dấu ấn sâu đậm đều in dấu hình bóng Thầy. Có lẽ, suốt cuộc đời này, tôi không bao giờ quên được cái buổi sáng mùa đông năm ấy, khi tôi vụng về đưa cho Thầy lá đơn xin thôi học. Vừa trao lá đơn, tôi đã sợ hãi ôm sách vở chạy vội ra khỏi lớp. Tiếng Thầy gọi với theo, nhưng tôi không dám ngoảnh lại.

Tôi nhớ Thầy đã tìm đến nhà tôi hôm ấy. Con đê dài hun hút, trải dài như chính con đường đời gập ghềnh. Trời chợt nắng, chợt râm. Lúc nắng gắt, Thầy kéo tay tôi, giọng lo lắng: “Đi nhanh lên con, kẻo nắng vỡ đầu.” Lúc trời dịu mát, thấy tôi bước chậm, Thầy lại giục: “Đang mát trời, đi nhanh lên kẻo lại nắng.” Bấy giờ, tôi ngơ ngác tự hỏi: Sao nắng hay râm, Thầy đều vội vã như vậy?

Về đến nhà, mẹ tôi vừa thấy Thầy đã hiểu ra mọi chuyện. Khuôn mặt mẹ khắc khổ, giọng nghẹn ngào: “Cảnh nhà nó khó khăn quá Thầy ạ. Bố nó mất sớm, tôi thì ốm đau liên miên, lại còn hai đứa em nhỏ dại. Thật lòng tôi không muốn cho con bé nghỉ học, nhưng… nhưng túng thiếu quá…” Mẹ tôi không nói hết câu, nước mắt đã lăn dài trên gò má gầy gò.

Thầy lặng lẽ lắng nghe, rồi nhẹ nhàng động viên mẹ: “Cái khó khăn này chỉ là tạm thời thôi chị ạ. Tương lai của con bé mới là quan trọng. Em nó học giỏi, có triển vọng lắm. Tôi xin phép được giúp đỡ một chút, mỗi tháng vài đồng để em nó có thể tiếp tục đến trường.”

 

Nghe Thầy nói, mẹ tôi rưng rưng nước mắt, nỗi khổ tâm bao ngày dường như vỡ òa: “Tôi đội ơn Thầy lắm… nhưng không dám phiền Thầy thêm. Thôi thì rau cháo qua ngày, tôi sẽ cố gắng động viên con bé.”

Lòng tôi nghẹn lại. Đến tận bây giờ, những lời nói của Thầy và mẹ vẫn văng vẳng bên tai. Chính sự quan tâm, động viên của Thầy và sự tần tảo sớm hôm của mẹ đã trở thành điểm tựa vững chắc, là động lực giúp tôi vươn lên trong học tập và cuộc sống. Thầy không chỉ trao cho tôi kiến thức mà còn dạy tôi cách sống, cách làm người. Thầy thường nói: “Đừng bao giờ ỷ lại, hãy sống trung thực và hãy luôn là chính mình.” Thầy còn bảo: “Xã hội này muôn màu muôn vẻ. Có người vất vả kiếm từng bữa ăn, có người miệt mài học hành, cũng có kẻ rong chơi chẳng biết đến ngày mai. Vậy các em học được gì hôm nay? Các em chọn con đường nào cho tương lai?” Và hôm nay, tôi tự hào vì đã bước tiếp trên con đường mà Thầy đã đi, con đường sáng nhất, con đường đẹp nhất trong mọi con đường.

Niềm tin của Thầy đã truyền sang tôi, một cô học trò nghèo với bao ước mơ, hoài bão. Những lời dạy dỗ của Thầy đã theo tôi suốt những năm tháng trưởng thành. Lũ học trò chúng tôi vẫn nhắc đến Thầy như một huyền thoại, một người lái đò thầm lặng, tận tụy đưa hết chuyến đò này đến chuyến đò khác sang sông. Thầy say mê với công việc đến nỗi quên cả tuổi tác, quên cả bản thân mình.

Chiều hè dần tắt nắng, tôi hồi hộp ngồi bên Thầy. Bao nhiêu năm xa cách, thầy trò gặp lại mừng mừng tủi tủi. Nhìn Thầy, tôi không kìm được nước mắt. Thời gian đã in dấu lên gương mặt Thầy bao nhiêu vất vả. Mái tóc bạc trắng, vầng trán nhăn nheo, đôi bàn tay gầy guộc như cọng rơm khô. Thầy vẫn sống một mình trong căn nhà vắng lặng. “Bao nhiêu năm qua, Thầy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục biết bao nhiêu, vậy mà Thầy vẫn sống nghèo khó như thế này sao?” Câu hỏi của tôi có lẽ thật ngớ ngẩn. Thầy xoa đầu tôi, nụ cười hiền hậu: “Sự thành đạt của các em là tài sản quý giá nhất của Thầy, là niềm vui lớn nhất của Thầy rồi.”

 

Thầy tôi là thế đấy. Bộ quân phục cũ vẫn được Thầy gấp gọn gàng trên ngăn tủ, những trang giáo án đã ố vàng vẫn nằm ngay ngắn trên giá sách. Đó là tài sản, là kỷ niệm của một người lính, của một người Thầy.

Tôi ngồi nghe Thầy kể lại những câu chuyện thời chiến, cảm giác thân thương như những giờ ra chơi ngày nào. Thời gian bên Thầy trôi đi thật nhanh, trời đã nhá nhem tối. Tôi chào Thầy ra về, hẹn một ngày gần nhất sẽ trở lại thăm Thầy. Tiếng Thầy vẫn ấm áp như xưa: “Đi nhanh kẻo tối con ạ.”

Lần này, tôi không còn ngơ ngác như ngày bé nữa. Giờ đây, tôi đã hiểu hết ý nghĩa sâu xa trong câu nói của Thầy. Thời gian trôi đi rất nhanh, mọi thứ đều có thể thay đổi bất ngờ. Vì vậy, chúng ta cần phải tận dụng mọi cơ hội, khai thác và phát huy nó một cách hiệu quả để đạt được mục tiêu, phát triển bản thân và vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Tôi lớn lên bằng dòng sữa ngọt ngào của mẹ và bằng những tri thức mà các thầy cô đã truyền dạy. Tôi đã và đang tiếp bước trên con đường mà Thầy đã đi. Trên bục giảng, tôi sẽ truyền đạt cho thế hệ trẻ những khát vọng, những nhiệt huyết cháy bỏng. Người giáo viên là những người âm thầm mà vĩ đại. Nghề giáo viên thật cao quý, và người giáo viên nhân dân chính là bông hoa thơm ngát nhất trong vườn hoa Việt Nam.

Nguyễn Thị Loan

Đánh giá bài viết 1 Star (Chưa có bình chọn nào)
Loading...