Khúc ca vĩnh cửu – Truyện ngắn của Phạm Giai Quỳnh

Tác giả Phạm Giai Quỳnh, sinh năm 1997 ở Hoà Bình, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội, chuyên về sáng tác văn xuôi. Một số tác phẩm đã xuất bản: Nhện, Trịnh và Thiên thu (NXB Hội Nhà văn); Sợi chỉ đỏ kết nối (NXB Hội Nhà văn; Trăng trong cõi (NXB Trẻ); Của Thần và của Người (NXB Hội Nhà Văn). Cách viết truyện của chị rất riêng biệt, hấp dẫn và mang chút ma mị rất cuốn hút người đọc.

Đường văn xin trân trọng giới thiệu tập truyện KHÚC CA VĨNH CỬU được in trong ấn phẩm Đường văn tập 3 (3/2024).

 

Nước nhuốm vào vành tai và cổ, cái lạnh lẽo rờn xuống toàn thân khi N. áp mình xuống đất. Cơn mưa to đêm qua đã hồ nền sân thành một hỗn hợp đặc, lạo xạo đá dăm, bùn, côn trùng bò lổm ngổm, cơn mưa gần như làm sống dậy không khí tưởng như đã chết ở nơi đây.

Mưa…

N. nhắm mắt lại, cảm nhận nguồn năng lượng của đất, của những rễ cây ngầm ẩn bò dọc bên dưới, quấn bện vào nhau chẳng lìa rời. Cô chợt ngửi thấy mùi lúa mạch trên những cánh đồng đã mất, mùi cây cối trong rừng khi theo chân bà và mẹ, mùi của những loại hoa được vò trong lòng bàn tay tỏa hương ngan ngát dường như đã thấm đẫm vào cả huyết mạch, mùi của những thảm rêu ẩm ướt, mùi gỗ nỏ trong lò lửa, mùi dìu dịu khi được bà ôm trọn vào lòng, mùi của những xô sữa bò mới vắt thoảng trong các ngõ chợ, mùi của đường phố, mùi của con người… Cô nhớ tất thảy, in chúng sâu vào trong cả trái tim lẫn khối óc. Mường tượng lại quang cảnh nhờ mùi hương, ít nhất cũng xoa dịu được cô của hiện tại.

Tầm mắt lưng lưng với tầm mặt đất, phóng lớn những gì ngay sát đó: một viên sỏi trứng ngỗng màu xanh nhạt hiếm gặp, một ngọn cỏ mới nhú nom lay lắt, một đàn kiến đang tất tả tha mồi về tổ cố gắng tránh những nơi sũng nước. Nhìn ra xa hơn, người ta có thể thấy một cái cây khẳng khiu khô khốc, nó đã chết, phải, nhưng cũng có lẽ nó vẫn còn sống.

N. vô thức nhoẻn miệng cười, nhưng cái cười này khiến cho cô đau điếng bởi sự xót nhức từ khóe miệng đã lâu không được uống một giọt nước sạch tử tế, tất thảy đều là một thứ chất lỏng sền sệt, là súp mà cũng không phải là súp, nó có thể là hỗn hợp của nhiều thứ thức ăn thừa độn lại, ngồn ngộn thảo mộc át đi mùi kinh khủng ban đầu. Trong khi ăn, N. có thể nếm được tên của chúng, có nghệ, hương thảo, húng, nhận ra một điều quen thuộc nào đó có thể khiến cô vui vẻ hơn chút ít. Có lần cô vớt được một cành hương thảo còn nguyên trong bát, có vẻ người nấu đã tiện tay vơ ở đâu đó được một nhánh rồi thả vào ngay. Cô cất nó đi, bằng sự âm thầm, nhét vào trong tay áo như cách mà cô đã giấu những trái việt quất mới hái khi còn bé.

Một cành hương thảo. Cô đã chôn nó ở ngay dưới gốc cây khô cằn kia. Trên những chạc cây vẫn còn vương mùi tử khí, thậm chí mùi tử khí nặng nề đến mức không một sinh vật nào dám bén mảng. Đàn quạ cũng chỉ biết đậu ở trên những chạc cây xa mà nhìn, những cái đầu bé nhỏ nghiêng ngó khiến N. nhớ tới con quạ trắng hay ăn trộm mấy chiếc hoa tai bằng bạc của mình. Con quạ đó sống ở gần nhà cô, thường đứng trên mái nhà – ngay sát ống khói – quan sát cô và mẹ làm vườn hoặc dọn dẹp ở dưới sân, sau đó, khi thấy chủ nhà không để ý, nó sẽ lẻn vào nhà thông qua cửa sổ, cắp một vài món đồ rồi bỏ chạy. Cuối cùng, một ngày N. cũng tìm thấy tổ của nó, với vô vàn các món trang sức chẳng biết tha được từ những đâu, cô để mặc nó, không lấy về. Cánh quạ trắng đơn độc cứ thế chao liệng giữa bầu trời, biến mất, chẳng ai biết nó đã đi đâu.

Hôm qua, lại có một người qua đời, cô gái đó trẻ hơn N., trên đầu có vết sẹo nhỏ do bị dao cạo liếc vào lúc phải cắt tóc. Trông cô lúc nào cũng xinh tươi và rạng rỡ, tên là Lisia, đến từ phương Bắc, tựa như một đóa hoa đồng nội. Họ gặp nhau trong căn phòng xăm, cô đứng ngay sau lưng N., nhăn mặt mỗi khi kim xăm trổ lên da N. những dòng mã rớm máu. Từ bấy họ mất đi danh tính.

N. không nhìn mã số của mình lấy một lần, cũng không cố gắng nhớ, cô che khuất nó dưới ống tay áo dài thượt. Nửa đêm, họ bị lùa tới khu nhà cạnh khu giam giữ dân Digan, ở dãy nhà bên kia hàng rào thép gai, bị ngăn cách thêm bởi một khu trại nhỏ nữa, ở đó là những đứa trẻ lưu lạc, bố mẹ chúng đã qua đời: trên đường bị đưa tới trại, hoặc ở trong lò thiêu.

N. ngước mắt nhìn lên, bầu trời vòi vọi trăng sao rạng tỏa song không thể che lấp được sự u ám rợn người, tiếng cú rúc lên trong đêm từ một nơi xa vắng. Cô khẽ chớp mắt, nguyện cầu cho mẹ và bà được bình an bằng nét mặt phẳng lặng. Những người trong gia đình cô thường không giỏi bộc lộ cảm xúc.

Nằm rúc vào nhau trong những tấm chăn mỏng manh sau khi ăn qua quýt thứ đồ ăn được phát, N. ở ngay bên cạnh Lisia.

“Chị lạnh không?”, Cô bé thẽ thọt hỏi.

N. lắc đầu: “Hhông, chị không lạnh, em bao nhiêu tuổi rồi? Em sống ở đâu”

Lisia chun chiếc mũi nhỏ: “Em năm nay mười lăm tuổi. Nhà em ở xa lắm, chị không biết đâu.”

“Nhưng sao em lại bị đưa vào đây?”

“Em không biết, chỉ biết họ ập đến vào ban đêm, sau đó họ đưa gia đình em đi. Bọn em bị tách ra sau khi xuống tàu, cũng không biết cha mẹ và em trai em đã bị dẫn tới đâu rồi.”

Dẫn tới đâu? N. chớp mắt, bây giờ trong đầu cô cũng đang tràn ngập bởi những câu hỏi. Từ khi bước lên chuyến tàu, chen lẫn trong dòng người xô đẩy; từ khi bị tước mất quần áo, trang sức, vật dụng mang theo; từ khi bị mũi kim xăm thích xuống tay; từ khi… N. đã mường tượng được một tương lai bất trắc. Lisia nghiêng người để có thể nhìn được gương mặt N. nhưng cô cảm thấy mình vẫn chẳng thể nào nhìn rõ được, có một không khí kỳ lạ bao bọc lấy N. tựa như cô đã sống ở trên thế giới này hàng thiên niên kỷ, cô đã đặt những bước chân đầu tiên thuộc về loài người, băng trên cát đá, sa mạc, dẫu thời gian dịch biến, dẫu thân xác héo tàn, rữa nát, linh hồn trôi dạt, luân hồi chẳng dứt, N. vẫn là N. Và ý nghĩ này chợt khiến cho Lisia cảm thấy an lòng hơn dù bản tính của cô không phải là người hay lo lắng, song cô vẫn sợ hãi. Nỗi sợ ấy ẩn sâu trong lòng, chỉ chực bộc phát.

“Em ôm chị được không?”, Lisia hỏi.

“Ừ”, N. đáp một cách khẽ khàng.

Chong chong nhìn lên trần của căn phòng, bên cạnh là tiếng ngáy khe khẽ của những người khác, N. vẫn chẳng thể nào chợp mắt nổi. Cô đang sợ hãi, cô biết, nhưng nếu để hỏi rằng cô đang sợ điều gì thì bản thân cô cũng không trả lời được, đây rõ ràng không phải là nỗi sợ hãi cái chết. N. toan trở mình song lại trông thấy cánh tay Lisia đặt trên bụng, cô gái trẻ đã say giấc nồng mà chẳng cần quan tâm đến thế giới ngoài kia ra sao.

N. mỉm cười, vén mái tóc hung hung lòa xòa trên gương mặt cô. Bên ngoài, trời dần sáng, hừng đông như thể màu máu rồi loãng dần thành màu xanh ngọc nhạt. Bên ngoài, vẫn có những chiếc xe chở từng tốp từng tốp người mới vào trại, và mùi khói khét tỏa ra từ những ống khói quện với cái mùi chua chua của mồ hôi tới từ từng đoàn người đông đúc ấy, không khỏi khiến người khác hoang mang.

Tiếng rú vang lên khiến cho N. giật mình, tỉnh dậy sau vùng ký ức, cô chống hai bàn tay xuống và nhổm dậy. Lau qua quýt bùn bẩn vào quần, cô chong chong nhìn ra bên ngoài hàng rào điện. Đó là một tốp tù nhân nam, khu trại của họ chỉ cách nơi giam giữ những người như cô hai khu là khu của dân Di-gan và khu của đám trẻ. Những người như cô… N. chớp mắt – theo như bác sỹ J.Mengele mà mọi người đều gọi bằng “ngài”, cung kính và sợ hãi gã hơn cả sợ phát đạn bất ngờ từ tên sỹ quan người Đức gốc Séc – thì được coi là “chủng loại hiếm”.

Âm thanh gào rú tắt lịm đi khi tù nhân đang phát cuồng bị báng súng nện vào gáy, trông anh ta rất gầy, gầy tới mức mà nếu như không nổi điên, chắc hẳn ai nấy đều cho rằng đó là một xác chết biết đi. Người đàn ông ngã xuống, gò má nhô cao đập thẳng vào tảng đá bên dưới, mắt trợn lên một cái rồi khép lại, chẳng ai biết anh ta còn sống hay đã chết, điều đó cũng không quan trọng đối với nơi này. Và kẻ giữ súng trong tay, phun ra một câu chửi bậy, lệnh cho hai tù nhân kéo kẻ nằm dưới đấy lên, tiếp tục thúc những người khác đi tiếp. Trong đó có một ánh mắt sáng rực lia về phía N. một người tù, phải, họ thường chạm mắt nhau khi cô mới vào Auschwitz.

Như thể bạn đã gặp anh ta ở đâu đó, cô nói, “ở đâu đó” trong ý tôi tức là tại bất cứ không gian nào, bất cứ thời gian nào, tựa hồ anh ta chỉ mang một khuôn mặt đó, một vóc dạc đó, xuyên suốt trong hành trình làm người của mình. N. nhận định, và đôi khi cô cảm thấy giả thuyết của mình là đúng bởi cô biết rằng, khi một con người sống đủ lâu, đủ tê liệt với thế gian thì cũng có thể giả trang thành một người bình thường.

Kẻ càng bình thường lại càng bất thường, N. bảo với Lisia khi cô mới đi lướt ngang qua người đàn ông kia, và anh ta để lại trong cô một ánh mắt – Ánh mắt sâu thẳm nhưng lạnh toát, tựa như một con thú hoang ẩn nấp trong bóng tối, chỉ chực chờ lao ra vồ lấy con mồi của mình.

Bây giờ anh ta lại nhìn N. bằng ánh mắt đó, cô quay đầu và bước vào trong. Song tới cổng buồng giam, cô lại lẳng lặng ngoảnh nhìn, thấy đoàn tù nhân nọ đã khuất bóng thì mới yên tâm ngồi xuống.

***

Sáng sớm ngày thứ hai sau khi tới Auschwitz, một cô gái trong số họ biến mất. Không phải mất tích mà là biến mất, N. nhấn mạnh, cứ như thể cô ta chưa hề xuất hiện trên chuyến tàu đưa họ tới đây cũng như chưa hề xuất hiện trong dãy những người xếp hàng để xăm mã số ngày hôm qua. Chỉ có khoảng trống để lại nơi ván giường lạnh cứng chứng minh rằng trong số họ đã từng có một người như thế.

N. không để ý tới những chi tiết này quá nhiều, như thể nó không liên quan tới mình. Một vài ngày đầu, họ được phân tới những khu khác nhau để phân loại quần áo, trang sức mà mọi người đã trút bỏ. Ở các bãi trong nhà chất đầy đồ đạc, ngổn ngang từ tiền bạc tới ngọc ngà, những cô gái làm việc tựa các cỗ máy vô hồn dưới sự giám sát của một người phụ nữ với gương mặt dài như rắn, mặc quân phục, đỏm dáng, mái tóc dài óng ả của của cô nàng ánh lên trong ánh nắng mặt trời thảm đạm, ngực áo cài một mảnh khăn mùi xoa mỏng dành để thấm mồ hôi và bùn đất – nếu chúng có thể bắn lên người mình. Cô nàng đứng cách xa đám người đang làm việc một quãng khoảng năm mươi mét, tay chống một chiếc gậy gỗ cán da mà có lẽ để trang trí nhiều hơn là để quản thúc, bên cạnh có một tù nhân khác che ô – nhưng tù nhân này có phần đặc biệt hơn những người mà N. từng thấy, anh ta có tên, được gọi bằng cái tên của mình, thông thạo tiếng Do Thái, tiếng Đức, Digan.

Nhờ ngôn ngữ, anh ta được sống.

Cho tới lúc đó, N. vẫn chưa nhận ra người đàn ông đã nhìn mình vào lúc nhận bữa ăn sáng sớm nay.

Ở cái nơi gần như biệt lập với thế giới bên ngoài và đáng lẽ không nên tồn tại trên đời này vẫn có một số người được nhận ân huệ đặc biệt như vậy, một vài kỹ năng thuở tự do hốt nhiên trở thành tấm vé giữ lại mạng sống. Cô nghiêng đầu nhìn về phía người phụ nữ trẻ trung kia, lại nhớ nhung mái tóc hạt dẻ dày thường bện lại và gài xen kẽ những đóa hoa đồng nội của mình. Cô không đau đớn khi bị đưa vào đây, nhưng đau đớn khi nhìn từng lọn tóc đó rơi dưới đất, bị quét phủi, tống lên xe rác và đổ xuống hố chôn.

Chỉ một thoáng, nếu N. không hoa mắt, cô đã thấy người đàn ông cầm ô nọ đưa ánh nhìn về phía mình.

Tôi sẽ gọi anh ta là B., cô bảo, ít nhất thì tôi sẽ đặt cho anh ta một cái tên, một định nghĩa của riêng mình.

Những măng sét ngọc trai, rồi một vài chiếc nhẫn vàng đính kim cương, dây chuyền và các chuỗi đeo cổ quý giá khác lành lạnh trượt qua tay… Trong đó N. để ý thấy một cái gài áo hình lá nguyệt quế mảnh bằng bạc trơn, mặt trong khắc chữ “đi theo tiếng gọi của trăng”. Cô giật mình, lặng người đi, đó là thứ mà mẹ cô cài lên áo hằng ngày. Nói không ngoa, cho dù bà có quên ăn quên ngủ thì cũng không bao giờ quên cài cành nguyệt quế bạc đó lên áo, nó tựa như một lời chúc, một phước lành, một lá bùa hộ mệnh mà các phù thủy mang theo.

Lịch sử của vô khối người, dù còn sống hay đã chết, đều nằm lại ở nơi này – N. ngẩng cổ lên cho đỡ mỏi, bên ngoài căn phòng rộng, mặt trời rực tỏa trên đỉnh đầu song vẫn chẳng thể xua được đi cái lạnh buốt ngấm trong xương tủy.

***

Lila – một trong những đứa bé thuộc khu giam giữ bên cạnh tựa sát vào hàng rào thép gai, hàng rào thép gai ở đây không có điện, chắc bởi người ta biết rằng họ không thể chạy trốn khỏi nơi này, nhất là trong điều kiện thiếu thốn cả về lương thực lẫn tinh thần. Ngày nào cũng phải ngóng nền trời đóng băng kết thép cũng đủ khiến cho bản thân kiệt quệ, N. nói, thế nhưng khi nhìn thấy đôi mắt đó, đôi mắt thơ trẻ trong vắt ngời sáng, mọi thứ dường như đã dịu lại, tôi lại cảm thấy cuộc sống của mình bừng sáng.

“Em tên là Lila.” – Cô bé chủ động lên tiếng khi N. bước đến gần hàng rào, chìa một ngón tay nhỏ bé về phía cô, nhìn cô bằng ánh mắt hơi rụt rè.

N. chần chừ một lúc rồi nắm lấy ngón tay nhỏ bé ấy, hơi ấm lan sang, hơi ấm từ cơ thể một con người còn sống chảy dọc theo mạch máu làm ánh mắt cô bớt lạnh lùng hơn. N. nhoẻn miệng cười, khóe miệng vẫn đau vì vết trốc lở:

“Tên chị là N.”

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Từ lúc đó, Lila rất hay tìm tới gần hàng rào thép gai và đứng đợi, trong khi những đứa trẻ khác lần lượt biến mất thì nó lại là đứa trẻ trụ lại tới cuối cùng. Giống như cô, bị bỏ lại. Có thể là may mắn, song cũng có thể là bất hạnh, chẳng một ai đoán biết được cả.

Trên cánh tay Lila cũng có một mã xăm, tuy nhiên mã xăm đó rất mờ, chắc hẳn thợ xăm đã run tay, giống như người thợ xăm đã liên tục xin lỗi các cô gái khi máu rớm ra. Lila không có cha mẹ, ý của cô bé là cha mẹ ruột, con bé sống cùng cậu và mợ, cùng với một đứa em gái con ông bác. Căn nhà bé nhỏ đó – căn nhà mà người ta đã đặt cho nó một cái danh là viện Nữ thần từ tâm, chẳng có nghĩa gì cả, họ thích đặt thế thôi – như thể một trại tị nạn, sẵn sàng nhận những đứa trẻ trong họ vào nhà, cho chúng nơi ăn chốn ngủ, bù lại, sáng sớm thì chúng sẽ thức dậy ra đồng hoặc đi chăm đàn dê, vắt sữa dê mang vào chợ bán.

“Mỗi lần mang sữa vào chợ, bà bán bánh mỳ ở đó sẽ cắt cho em một mẩu phomai như một phần tiền công thêm vào.”, Lila chun chun chiếc mũi nhỏ của mình và nhớ lại vị sữa chua nhẹ còn đọng trong ký ức.

Nghĩ tới chuyện có lẽ sau này cô bé sẽ không còn nếm được mùi vị đó nữa, N. bỗng nhiên cảm thấy chạnh lòng, cô nhẹ nhàng nở một nụ cười:

“Thích thật đấy, chị lại không thích phomai dê lắm.”

Lila tinh nghịch nói:

“Thực ra em cũng không thích lắm đâu, nhưng bà ấy cứ nhìn em cho tới khi em ăn hết mẩu phomai, mà em lại không thể tỏ ra rằng mình không thích nó được. Em vừa ăn nhanh vừa cười thật tươi, thành ra điều đó làm bà ấy hiểu nhầm rằng em hảo món đó lắm, lần sau bà ấy lại cho em một mẩu to hơn, to hơn…”

Lila vừa nói vừa huơ đôi tay nhỏ bé gầy guộc, tay áo rộng thùng thình xốc lên làm cho mã xăm lộ ra. N. cố gắng tránh ánh nhìn đập phải nó. Lila nhe răng:

“Thành thử, bà ấy nuôi em tới mức béo trục béo tròn.”

Có tiếng máy bay ù ù vọng qua tai, N. ngẩng đầu lên nhìn bầu trời theo phản xạ, chỉ thấy ngàn dặm trống trải, như thể âm thanh vừa rồi chỉ do cô tưởng tượng ra mà thôi. Đã là năm 44, cái năm tưởng như dài miên viễn không có kết thúc. N. ngồi xổm xuống xòe tay đưa cho Lila một chiếc thứ, ấy chính là ngọn cỏ ba lá mà cô đã ngắt được trong lúc làm việc ở khu phân loại quần áo trang sức, được cô ép cẩn thận dưới ván giường, khô mỏng song lại dẻo dai.

“Tặng em,” N. nói “đây là một món quà may mắn.”

Theo như những gì N. biết, đám SS rất thích cỏ ba lá, một số cô gái tặng nó cho họ để đổi lấy một bữa ăn tử tế hơn hoặc một ngày làm việc không roi đòn. Nhưng N. không làm thế, cô không hái chúng, cô chỉ nhặt những chiếc lá rụng dưới đất, phủi sạch bụi và cất đi, như một lá bùa hộ mệnh của mình, và cũng là lá bùa hộ mệnh của mẹ, bà – hai người thân duy nhất còn sót lại trên thế gian mà cô biết được họ đang sống và khổ sai ở một khu nào đó. Miễn là họ được ở cạnh nhau… Lần đầu tiên N. cầu xin một điều gì đó với thần linh của mình, rằng xin hãy để cho mẹ và bà cô chăm sóc lẫn nhau, cho đến giây phút cuối cùng.

Ở nơi này, được sống tới bình minh là một điều xa xỉ.

“Chị biết hát không?” Lila tò mò hỏi “Em muốn nghe chị hát, bài gì cũng được, hồi xưa dì hay hát cho em nghe. Mà em không hát được một bài nào cả…”

N. vịn vào rào thép, từ từ ngồi xuống đất, xương cốt cô rã rời sau nhiều lần tra tấn và được chữa trị. Lila cũng ngồi xuống theo cô, hai người tựa lưng vào nhau, sưởi ấm cho nhau, cô không muốn khóc nhưng chẳng rõ vì sao nước mắt lại rỏ xuống, cô không đau lòng hay buồn bã, giọt nước mắt đó như thể không thuộc về cô.

N. hắng giọng mấy lần, hít sâu một hơi rồi bắt đầu hát:

“Có ông vua xứ Thulé

Chung tình tới giờ vĩnh quyết

Ái phi trong lúc lâm chung

Nàng dâng chén ngọc tặng ông…”(*)

“Thulé nơi nào ạ?”

“Thulé là một mảnh đất trong truyền thuyết, ở nơi tận cùng của thế giới này, vùng đất thiêng làm ranh giới cho thế giới kế tiếp.”

Lila quay người lại, ngón tay tí hon chạm nhẹ vào vai N: “Chị không đáng sợ. Em nghe mấy kapo truyền tai nhau, họ bảo chị là một thợ dệt bùa chú, biết thắt nút ma thuật, nếu ai đụng vào những nút đó sẽ gặp tai ương. Em thấy nó trẻ con vô cùng!”

Nhận ra được giọng điệu tức tối của Lila, N. bật cười hỏi lại: “Biết đâu điều họ nói là sự thực thì sao?”

Lila đáp:

“Nếu chị có sức mạnh đấy, chắc hẳn chị đã thoát được khỏi đây rồi.”

Thoát khỏi đây… N. sững lại, thực ra cô đã nghĩ tới điều này không dưới đôi lần, thậm chí trong những cơn mơ mòng rất nông, cô cũng luôn tìm cách chạy ra khỏi chốn này, tuy nhiên phía trước chỉ có những hàng rào thép gai lạnh lẽo, những xác người mắc trên hàng xào điện, những xác người chết khô rồi bị kéo vào trong lò thiêu, tro cốt bị đổ xuống cái hồ nước nông được đào ở ngay gần khu phân loại mà cô làm việc. Mỗi lần đẩy xe đi qua chốn đó, cô lại trông thấy hàng vạn linh hồn đang gào thét muốn trồi lên nhưng mặt nước tựa như một tấm màng mỏng, khiến họ chẳng thoát ra được.

***

Người đàn ông mà N. gọi là B. ấy có một cái tên, nhưng anh ta đã không muốn nhắc tới nữa. Mang trên mình nhiều chức năng, anh ta được nhắc tới như một Người Làm Vườn, Thợ Gặt, Người Trồng Táo, Kẻ Lữ Hành, Con Buôn, Kẻ Cầm Ô, Kẻ Khiêng Xác,…Nhưng không ai biết rằng anh ta từng là một trong số những đứa con ưu tú của gia đình, được gọi là Người Anh Cả.

Tôi quên mất cái tên của mình từ lâu rồi, B. nói, tốt hơn hết là không cần đến cái tên này. Tôi đã tính cả, nếu sau này mình còn sống thì sẽ đổi một cái tên khác. Ngồi trên ghế, đối diện với viên sĩ quan đang thẩm vấn mình, B. trả lời mà không cần phải suy nghĩ hay thêm thắt, trong trường hợp này, anh ta không cần phải nói dối.

Người trước mặt vẫn ghi chép, B. ngừng lại một lúc và bảo:

– Anh có thuốc lá chứ?

Viên sĩ quan nhìn B. một chặp, sau đó móc trong hộp thuốc làm bằng vỏ bom trong túi áo ra. Bên trên hộp thuốc đó khắc một cái tên: Tuan.

N. cười:

– Đây không phải là đồ của anh.

Viên sĩ quan gật đầu:

– Phải, tôi được tặng nó khi đánh thuê ở Việt Nam, anh không biết nơi đó nhỉ? Nơi đó đã khắc lại trong tôi nhiều vết thương. Trong một lần tưởng như chết đi vì vết thương nhiễm trùng và lên cơn sốt rét. Anh biết cơn sốt rét chứ? Chúng trở nên tồi tệ hơn khi ta gặp phải ở những vùng ẩm thấp, muỗi trong rừng thì nhiều và sẵn sàng hút cạn máu ta tới no mọng…

N. im lặng lắng nghe.

– Tôi đã được một người bản địa cứu, ấy là một người phụ nữ đã luống tuổi, một người mẹ…

N. nhận lấy điếu thuốc và ngậm vào miệng, viên sĩ quan châm thuốc cho anh. Rít một hơi dài và thở ra một cách sảng khoái, nhẹ nhõm, viên sĩ quan tiếp lời:

– Đây là hộp thuốc do con trai của người phụ nữ đó để lại, không ai tìm thấy xác của anh ta nhưng đồng đội lại tìm thấy được một vài di vật ít ỏi.

– Sau đó thì sao?

– Sau đó… Sau đó tôi bỏ trốn khỏi đất nước ấy, mai danh ẩn tích một thời gian dài, cuối cùng trở về với thân phận khác, vả chăng, có lẽ người ta thừa biết tôi là ai nhưng ai mà quan tâm chứ, trong cái buổi đang cần người như thế này. – Viên sĩ quan bật cười, như thể tự cười bản thân mình.

– Tôi phụ trách việc khiêng xác tù nhân vào lò thiêu, trên người lúc nào cũng ám mùi tử khí. Sau này tôi được chuyển sang một công việc khác, ấy là đưa những người phụ nữ thuộc khu giam đặc biệt tới nơi thí nghiệm. – Sau khi hút xong điếu thuốc, B. tiếp tục nói, viên sĩ quan lại tiếp tục ghi chép.

– Những người phụ nữ ấy là ai? Ý tôi là quốc tịch, chí ít anh sẽ nhớ một hai cái tên.

N. trầm ngâm một lát rồi lắc đầu:

– Tôi không biết, tôi chỉ biết họ là những người bị coi là phù thủy được bắt về từ khắp mọi nơi. Không biết ai nghĩ ra cái cách này, cái cách ép buộc họ phải nói ra những lời tiên tri và dệt lại số mệnh. Tôi không rõ quá trình thí nghiệm ra sao, nhưng chắc chắn rằng không dễ chịu gì, bởi mỗi lần đưa họ trở về buồng giam, họ đều mang vẻ thất thần, ánh mắt vô định, giống như họ ở đó mà không phải ở đó. Trên cánh tay, gáy của họ đều có những vết tiêm tấy sưng lên, đôi chỗ còn sung huyết. Nỗi đau đó tôi có thể đoán, cùng cực tới mức mất hết cảm giác.

– Tiên tri… – Viên sĩ quan ngừng bút – Anh có nhớ phòng giam đó có bao nhiêu người không?

– Khoảng hai mươi người gì đó, tôi không chắc lắm – B. nói – Nhưng tôi nhớ nhất một gương mặt, một cô gái, tôi là người đã đưa tiễn cô ấy vào chặng đường cuối cùng.

***

 Ấy là một gian phòng kín, mặt đất vẫn còn sũng nước và thoang thoảng mùi máu tanh mới được dội qua quýt, N. đã chẳng còn nhớ mình bị đưa vào đây bao nhiêu lần, đối diện với gã bác sỹ nọ bao nhiêu lần. Đầu tiên là những cô gái khác, rồi tới Lisia. Mọi người lần lượt biến mất sau cánh cửa, trở về trong trạng thái mê man, được chữa trị rồi lại bị đưa vào đây lần nữa.

Không biết là may mắn hay bất hạnh mà cô lại là người cuối cùng bị dắt tới đây, trùng hợp thay, người đưa cô tới là B., bây giờ anh ta đã có một thân phận khác hơn, không còn là Người Che Ô, mà thành Kẻ Dắt Tù.

N. chợt cảm thấy buồn cười, nhìn chòng chọc vào mắt anh ta, đôi môi khô nứt vẽ một nụ cười giễu cợt.

Thế nhưng người đàn ông đó không hề xấu hổ hay trốn tránh, phải, so với cái chết thì được sống vẫn tốt hơn, N. hiểu điều ấy và thốt nhiên, cô lại tha thứ cho B., im lặng cụp mắt xuống.

“Xin lỗi…”

Giọng nói rất nhỏ, khe khẽ vang lên, gõ vào khoảng trống giữa hai người chỉ như cánh chuồn chuồn vụng đậu xuống mặt nước. Cô hơi kinh ngạc, vô thức ngẩng đầu như muốn nghe lại lần nữa, thứ ngôn ngữ của quê hương đã đi vắng, thứ ngôn ngữ mà đã lâu rồi cô chưa được nghe, tiếng nói ấy làm cô muốn đối thoại, muốn được nói nhiều hơn.

Song ngược lại với sự mong chờ của người con gái, B. chỉ vồn vã đẩy cánh tay cô, ra hiệu cho cô bước vào trong phòng.

***

Họ tìm thấy xác Lisia lơ lửng trên cây vào sáng sớm, họ nói cô gái trẻ đã tự sát, nhưng chỉ có N. hiểu rằng cô ấy đã phát điên.

Lisia phát bệnh chỉ sau khoảng hai ba ngày từ lúc được đưa vào trong phòng thí nghiệm, hoảng loạn và mơ màng về hết thảy, chỉ biết rúc vào trong góc giường nằm tập thể run lên cầm cập. Thế nhưng chen giữa sự điên cuồng ấy cũng có đôi khi Lisia tỉnh táo trở lại, N. ở bên cô suốt thời gian đó, vừa nhoáng nhận ra người nằm cùng giường với mình hằng đêm, Lisia vồ lấy cô và nhìn cô chằm chằm:

“Xin hãy giết em đi, đấy là cách duy nhất để chấm dứt cơn đau này.”

Dĩ nhiên, Lisia không có sức mạnh siêu nhiên nào cả. Vào một ngày u ám của năm 44, cuối năm, buốt lạnh và tuyết rơi phủ kín khắp Auschwitz, cái màu trắng tưởng như tinh khôi ấy vẫn chẳng thể nào xua tan được mùi tanh hôi và sự nhớp nháp tồn tại ở nơi này, tưởng như chung quanh lò thiêu, chẳng có bông tuyết nào đậu lên nổi, Lisia được phát hiện đang treo mình lủng lẳng trên chạc cây bằng chính chiếc áo khoác mỏng mà lính Đức phân phát cho tù nhân.

Cảm ơn chị, Lisia nhoẻn miệng cười khi trút hơi thở cuối cùng.

“Không một ai biết, không một ai biết.” – N. lẩm bẩm. Cô nhìn người ta gỡ xác của Lisia xuống, miệng mấp máy hát một bài ca thuộc về cánh đồng lúa mỳ trải ra bát ngát, có rừng cây, có vườn rộng thơm mùi hoa trái chín rục. N. hát mãi cho tới khi bật khóc. Lisia đã bị đưa đi.

Ánh mắt của N. như ghim vào cái cây nọ, cơn rùng mình buốt lạnh bò theo sống lưng khiến cô tưởng như mình bị quăng xuống một vùng biển rộng nào đó.

“Ngay ở bên trong cái chết của những gốc cây kia…” – mẹ chỉ vào một súc cây mới đổ chắn ngang lối vào rừng, tiện tay hái những cây nấm trên đó, và bảo – “cũng nuôi dưỡng và nảy sinh những sự sống khác mà cả ta và con không hề nhìn thấy, rất nhiều sinh vật sống nhờ vào cái chết của nó, dần dà, cả chúng ta cũng vậy.”

N. thở dài một hơi, rồi ngừng hơi thở ở đó, mãi tới khi phát sặc vì thiếu không khí, cô gập mình xuống ho. Lúc ngẩng lên chợt thấy Lila đứng ở phía bên kia hàng rào, cô bé tươi cười làm lộ hai cái răng sún, chìa một ngọn cỏ ba lá ra cho cô.

***

Buổi thẩm vấn B. vẫn tiếp tục diễn ra nhưng anh ta không hề cảm thấy khó chịu.

Phải nói sao nhỉ? – B. cố gắng miêu tả cảm giác thoải mái kỳ lạ của mình – Mặc dù căn phòng tôi đang ngồi đây kín mít, xung quanh chỉ toàn màu xám với vuông cửa to bằng lòng bàn tay và anh không biết mình phải đối mặt với bản án ra sao, nhưng ở nơi này tôi được làm một người bình thường, tôi có một cái tên để ghi vào trong biên bản.

Max – Xin hãy nhớ tên tôi, đây là cái tên của tôi, mặc dù nó chẳng đặc biệt gì.

– Sau đó cô gái đó ra sao? – Viên sĩ quan hỏi, vẫn như thủ thỉ tâm tình.

– Cô ấy đã chết, tất nhiên, như bao người khác… – B. cúi xuống, hai bàn tay nắm chặt vào với nhau – Cô ấy không chịu được đến ngày thứ bảy. Anh biết đấy, sự giày vò của những đợt thí nghiệm. Sau đó tôi là một trong hai người khiêng cô ấy tới một trong những lò thiêu còn hoạt động. Anh cũng biết đấy, vào những thời khắc cuối cùng, một số lò thiêu đã ngưng, đám lính cấp cao chạy gần hết nếu còn chạy được. Cho tới cái ngày định mệnh mà quân Liên Xô ập vào, chúng còn chẳng thèm để ý tới tù nhân chúng tôi nữa.

Mặc cho B. nói, viên sĩ quan vẫn nhìn anh ta chằm chằm, điều này khiến giọng của B. ngày càng nhỏ đi, cuối cùng chỉ còn như muỗi vo ve và tắt hẳn. Không khí trong phòng cứng lại, tuy trời lạnh nhưng mồ hôi cứ túa ra trên trán B., chảy ròng ròng xuống mắt, cay xè. Bỗng nhiên anh ta chồm dậy, toàn thân vươn về phía trước, hai mắt long sòng sọc, môi mím chặt, quai hàm bạnh cứng ra, gằn giọng:

– Sao nào? Anh còn gì muốn hỏi nữa sao?

Viên sĩ quan không ngạc nhiên vì điều này, trái ngược, anh tỏ ra rất thản nhiên. Thoạt nhìn, chắc anh ta chẳng lớn hơn B. bao nhiêu tuổi, nhưng cái ánh nhìn ấy khiến B. khó chịu, cứ như bóc trần từng lớp từng lớp trong lời nói của mỗi người, cứ như anh ta chỉ chực chờ và bảo: “Đừng diễn trò nữa, tôi đã biết hết sự thật rồi, tôi chỉ tung hứng với anh thôi.”

– Anh đã giết cô gái đó.

Sự hung hăng của B. bỗng xẹp xuống, rút đi như thủy triều, gương mặt anh ta trở nên đờ đẫn, sau khoảng mươi giây, anh ngồi phịch xuống ghế, ôm đầu mình. B. hiểu vì sao mà viên sĩ quan đoán ra được, anh ta có đủ hồ sơ trong tay.

Có tiếng loẹt xoẹt vang lên, viên sĩ quan châm thêm điếu thuốc nữa, mùi diêm cháy phả vào không khí, viên sĩ quan ném đoạn diêm còn cháy dở xuống đất, lửa bén đến phần thân gỗ, cái mùi quen thuộc thuộc về những buổi chiều nhen lửa làm B. thấy trái tim đương đau thắt của mình như được xoa dịu. Chăm chú nhìn đốm tàn lửa cuối cùng dần tắt, rốt cuộc thì anh cũng ngẩng lên:

– Cô ấy van lơn tôi.

***

Nóng, nóng quá. – N. nghĩ, cô chỉ cảm thấy toàn thân nóng ran, thậm chí còn nóng hơn cả cơn sốt từng suýt lấy đi tính mạng của mình, tựa hồ bị ai đó quăng vào bể lửa. Cô co mình lại, ánh trăng lọt vào biến thành một ngọn đèn mờ ảo chiếu sáng buồng giam trống rỗng. Ở nơi này chỉ còn mình cô.

Cái khát và cơn đói cùng nhau kéo tới, đầu óc tưởng như trắng xóa, gần đây cô đang bị mất đi những giấc mơ, thậm chí là ký ức, nhiều ký ức tuổi thơ dần bị xóa nhòa, bị sai lệch, đôi lúc cô còn quên mất tên của mình. N. mơ hồ nhận ra điều bất thường khi khuôn mặt của tay bác sỹ dí sát tới trán mình, như thể muốn tìm xem con mắt thực sự của cô được giấu ở đâu. Gã đã quan sát rất lâu, đứng sau hàng rào, chỉ quan sát, ghi nhớ những hành động kể cả việc cầu nguyện thông thường của cô. Song khi đối mặt với cái giật tóc khiến đầu giật ngửa lên, N. chỉ cười, không nói ra một từ nào.

Bất chợt, N. thấy trán mình mát lạnh, có một bàn tay nào đó áp lên với mùi hương quen thuộc, là mẹ cô, N. mừng rỡ toan nhổm dậy nhưng mí mắt cô nặng trịch, không thể nào mở nổi. Và rồi, sự an ủi nhẹ nhàng của bà biến mất khiến cho N. cảm thấy đờ đẫn, bấy giờ ngọn lửa trên người cô dịu xuống rồi tắt hẳn. Cô túm lấy ngực áo với trái tim co thắt, vùng dậy thở dốc, đón nhận hàng loạt hình ảnh dội xuống như bom đạn. Nước mắt cứ thế vô thức chảy ra, khô thành từng vệt dài.

Tựa hồ một lối đi tăm tối, bên cạnh cỏ ướt rạp ngả nghiêng bị dẫm nát bởi dấu chân người, chẳng thể tìm thấy được một chút ánh sáng hay con đường nào để đào thoát.

Ngày thứ chín, B. không thúc cô đi như mọi lần nữa, chỉ im lặng nhìn cô bước vào trong tòa nhà xám với căn phòng thí nghiệm nọ. Trừ gã bác sỹ và cô, không một ai biết bên trong xảy ra chuyện gì.

“Tôi sẽ kể cho ông nghe về tương lai, nhưng một mình tôi không thể dệt nên tương lai.”, N. thẳng thừng nói với người đang chuẩn bị dụng cụ, và Mengele ngẩng lên nhìn cô với vẻ kinh ngạc trộn lẫn hoài nghi: “Tương lai của ông, cô bồi thêm một câu.”

“Hãy tới và gặp Quốc Trưởng.”, Gã nói.

N. nhìn gã chằm chặp, thôi kiêng dè:

“Nghe đây, ông sẽ chết vào ngày mà cuộc chiến kết thúc, xác của ông sẽ bị các tù nhân giẫm nát thành bùn. Nhưng có một cách khác để ông được sống.”

“Cô tưởng tôi sẽ tin cô sao?” – Mengele bật cười, cầm ống thuốc trên bàn lên.

“Vì tôi cũng sẽ chết, đấy là tương lai của tôi.”

Mengele ngoảnh đầu lại, hít sâu một hơi, chợt căng thẳng, nhất là khi bị đôi mắt N. nhìn thẳng vào mình chẳng hề nể nang chỉ để chứng tỏ rằng cô không nói dối.

Sau khi chắc chắn rằng gã ta đang lắng nghe, N. mới buông một câu:

“Có một cô bé còn sót lại ở cạnh chỗ của tôi, ông hiểu chứ, chỉ có một cách duy nhất để cứu chính ông mà thôi.”

Ống thuốc trên tay Mengele rơi xuống đất, vỡ tan tành, chất lỏng trong đó trào ra loang dần trên đất, nom như máu tươi.

N. chợt cảm thấy mệt mỏi vô cùng, đến khi được B. đưa về buồng giam, cô lại nhìn về cành cây chết, chợt nảy ra một ý định.

***

“Em sẽ sống”, N. bảo với Lila vào cái ngày cuối cùng mà cô còn được nhìn thấy ánh mặt trời: “đó là tương lai của em”.

“Tương lai của chị cũng vậy”, Lila bảo với nụ cười xinh tươi.

Ta che khuất con mắt thứ ba của con để con thôi nhìn thấy tương lai, mẹ của N. đã nói điều này khi cô còn nhỏ, những gì mà chúng ta mang theo trong dòng máu là một lời nguyền.

Tương lai… N. ngước mắt, hấp háy nhìn vòm trần xám xịt, bây giờ tương lai trước mắt cô chỉ như một khoảng trắng mơ hồ, một khoảng trắng vô thủy vô chung.

Hàng rào thép gai lạnh lẽo.

Từng giọt mưa rơi xuống, phủ nhòe mí mắt của Lila, thấm ướt mái tóc và áo quần, nhưng cô bé không cảm thấy lạnh.

Những gương mặt non nớt và những gương mặt già nua đứng liền kề nhau trong đoàn người được giải cứu, được di tản. Họ đứng đó, vô hồn, giấu hết mọi cảm xúc, bởi nếu không kìm nén thì họ sẽ phát điên bởi nỗi sung sướng sau khi sống sót, được chọn để sống sót.

Không một ai biết họ đã trải qua chuyện gì.

Không ai biết

Không ai…

Lila áp ngọn cỏ ba lá vào ngực mình, ngẩng đầu lên nhìn. Cánh chim lạ liệng nghiêng, nom kỹ ra là một con quạ trắng, một điềm lành.

 

*Chú thích: Trích “Faust”, J.W.Goethe, NXB Văn Học, 2016.

P.G.Q