Đọc giữa tầng trời- Truyện ngắn của Đỗ Công Tiềm

Tác giả Đỗ Công Tiềm là một nhà giáo đã nghỉ hưu. Truyện ngắn “Đọc giữa tầng trời” là một câu chuyện nội tâm đầy sự giằng xé của nhân vật với lối viết xen kẽ giữa nhân vật chính và phụ. Cách dẫn dắt câu chuyện rất gợi và hấp dẫn người đọc.

Đường văn xin trân trọng giới thiệu tập truyện “ĐỌC GIỮA TẦNG TRỜI” được in trong ấn phẩm Đường văn tập 3 (3/2024) 

Chiếc máy bay Boeing 787 tăng tốc trên đường bay rồi cất cánh lên không trung. Tôi thấy mình như được nhấc bổng lên. Tôi đã bay lên trời. Không phải như trong một giấc mơ. Tôi nhìn qua ô cửa nhỏ. Một khoảng không xanh lơ, trong vắt. Ngồi cạnh tôi bên phải là một ông lão, râu tóc bạc trắng như cước. Ông có khuôn mặt vuông vức. Hai mắt sâu ẩn sau cặp kính dày, gọng đen như sừng. Đôi môi dầy khép chặt nghiêm nghị.

Bên trái tôi là một thiếu phụ ước chừng trên dưới 50 tuổi. Từ bà tỏa ra mùi hương nước hoa rất đắt tiền, thoang thoảng ngan ngát.

Tiếng khóc thét của mấy đứa trẻ khi máy bay cất cánh, đã tắt. Tôi thấy mình đang ngồi ở trạng thái thăng bằng. Tôi nhắm mắt định ngủ lấy một giấc giữa tầng trời. Mười chín đến hai mươi giờ bay cơ mà.

Tôi đang thiu thiu giữa tiếng động cơ nổ đều đều thì choàng mở mắt bởi một thứ ánh sáng xanh dọi vào.

Ông già ngồi cạnh mở láp-tốp. Tôi nhắm mắt lại định ngủ tiếp. Nhưng dường như chưa đầy một phút, mắt tôi lại mở.

Những ngón tay thon gầy của ông đang thoăn thoắt gõ trên bàn phím. Những dòng chữ hiện lên trên màn hình láp tốp. Tôi tò mò ghé mắt đọc.

Giữa tầng trời ngày…

Lại một lần nữa mình xa làng xa quê. Quê hương. Ơi quê hương. Ta đã như một kẻ lạc loài.

Tôi nhìn ông già. Một gương mặt phúc hậu chất phác nom hiền như bụt. Mà sao ông lại là một kẻ lạc loài? Tôi thoáng giật mình. Hình như tôi đã gặp ông ở đâu đó rồi. Tôi ngắm kỹ ông, dụi dụi mắt. Lạ thật! Có vẻ quen quen. Thật là vớ vẩn. Mình chưa hề gặp ông ta bao giờ. Tôi tự trấn an cái ý nghĩ ngẩn ngơ ấy và liếc mắt qua màn hình laptop…

Một tháng mười tám ngày nữa là tròn 59 năm. 59 năm trời, khoảng thời gian ấy đâu có ngắn so với một đời người. Ôi. Ngày ấy. Mưa xuân giăng trắng trời. Hương của hoa xoan hăng hắc, ngan ngát nồng nàn. Mình tròn hai mươi tuổi, đứng trong đội ngũ những trai làng tòng quân. Sân đình chật kín người. Lòng mình se sắt nhìn bóng dáng của mẹ cha. Áo nâu bạc phếch. Gương mặt sạm lại vì nắng mưa. Và mình cũng dõi mắt kiếm tìm một ánh mắt, một cánh tay của một người, trong những cánh tay đang vẫy kia. Sẽ đến. Sẽ không đến. Sẽ đến… trong vô vọng. Đoàn quân nhận lệnh lên đường.

Những ánh mắt tiễn biệt, những cánh tay vẫy chào… Thôi. Tạm biết mẹ cha, các em, bà con dân làng.

Bỗng một bóng người lao đến ôm choàng lấy mình. Hùng! Mình thốt lên. Tay Hùng thúc mạnh vào sườn mình đau điếng. Nó ghé sát miệng vào tai mình. Như quát: “Mày đã làm gì để Liên khóc sưng húp cả mắt? Nói thế nào cũng nhất định không ra đình làng?”. “Tao nhờ mày động viên. Và… Trông nom Liên đấy.” – Mình nói vào tai Hùng vậy. Rồi vội theo đoàn quân lên đường.

Mình đã hoàn thành khóa huấn luyện tân binh ở Mai Sưu – Lục Nam. Đơn vị nhận lệnh. Lên đường vào Nam. Trước ngày hành quân, mình nhận được thư của Hùng “Tao và Liên đã làm lễ cưới. Để hợp thức cái thai trong bụng Liên. Liệu hồn. Hãy sống để trở về.” Thư của Hùng chỉ vẻn vẹn vài dòng vậy.

Thế này là thế nào? Mình, Liên với Hùng. Ba người cùng học với nhau từ lớp 1 trường làng. Nhà nghèo như nhau. Học hết cấp II, đều nghỉ học để đỡ đần gia đình. Gắn bó thân thiết với nhau. Mình biết? Hùng cũng yêu Liên. Nhưng bản tính nhút nhát, chưa dám mở miệng, chỉ giữ kín trong lòng. Mình mạnh bạo thổ lộ với Liên. Được Liên chấp nhận. Cùng nhau hẹn đến tháng 10 tới. Có hạt thóc trong nhà, sẽ thưa chuyện với mẹ cha hai bên. Cùng nhau mơ về một cuộc sống chồng cầy vợ cấy. Nguyện yêu thương nhau cùng sinh con đẻ cái.

Trai thời loạn. Trước ngày nhập ngũ, mình và Liên gặp nhau. Mình đã kiên quyết nói một lời với Liên. Biết là tàn nhẫn với cả hai đấy. Nhưng có thể nào làm khác được. Bởi một ý nghĩ lung nấu trong đầu. Ai đã tránh được mũi tên hòn đạn. Biết đến ngày nào mới có hòa bình? Đến ngày đó liệu còn sống để trở về hay không?

Liên chỉ nói được duy nhất một lời “không”. Trong thút thít.

Trăng xuân trải rộng mênh mang. Gió xuân se se. Liên ngả hẳn người vào lòng mình. Bốn mắt giao nhau. Nụ hôn đầu đời của hai đứa. Dài. Ngọt lịm. Cả hai quấn vào nhau. Dâng hiến cho nhau. Tất cả.

Từ sau tối hôm ấy, cho đến ngày mình lên đường, không gặp được Liên nữa.

Lẽ nào? Lẽ nào? Ruột gan mình như có lửa đốt. Rắp tâm bỏ đơn vị, trốn về nhà. Loanh quanh vào ra. Rồi kịp trấn tĩnh. Hùng và Liên đã nên vợ nên chồng. Ván đã đóng thuyền. Mình gạt phăng được ý định bỏ trốn.

Ôi! Tình yêu của một thế hệ. Một thời. Đã rất xa. Thật lãng mạn, đẹp và cao thượng. Tôi tự thốt lên trong lòng. Còn tình yêu của lớp trẻ chúng tôi ngày nay, là những cuộc hẹn hò, những buổi cafe, là nhà nghỉ…và là những nỗi đau của bậc mẹ cha.

Mình đang về tới làng. Lòng tràn đầy hân hoan. Hùng đón mình với nụ cười cởi mở. Nó tóm chặt tay mình kéo đi, như chạy. Hai đứa như đang bay trên đường làng. Một ngôi nhà nhỏ. Trước nhà là một khoảng sân. Ngôi nhà nép mình dưới tán cây xanh um. Cửa nhà đóng. Hai đứa đứng trước cửa nhà. Hùng nghiêm giọng “Tao và Liên đã hoàn thành thủ tục ly hôn. Liên và con của mày đang ở trong đó. Nó giờ đã lớn lắm rồi. Mày vào với họ đi.”.

Mình nhìn Hùng. Gương mặt sạm nắng gân guốc, hiền khô. Mình hiểu ra. Cái thằng trời đánh không chết này. Mình quỳ xuống dưới chân Hùng. Lạy sống nó. Khi ngẩng lên, không thấy Hùng đâu. Ngôi nhà, khoảng sân, mảnh vườn cũng biến mất. Trước mặt mình chỉ còn là một cánh đồng mọc đầy cỏ dại. Vài cánh cò trắng chấp chới từ xa tít. Mình dáo dác chạy ngược, chạy xuôi. Ngã dúi dụi, lại vùng dậy. Vừa chạy vừa gào lên. Liên ơi! ơi Liên!…

Mình cứ gào. Ngã nháo ngã nhào. Lại vùng dậy mà gào mà thét.

Mình choàng tỉnh. Mở mắt. Chỉ là một cơn chiêm bao…

Một gương mặt lạ hoắc nhìn mình chăm chú. Một giọng ấm nhẹ “Ông đã tỉnh lại”. Mình toan ngồi dậy. Nhưng không được. Dường như toàn thân mình bị quấn băng, cả đầu và mặt nữa. “Đây là đâu?” Mình thều thào. “Ông vẫn còn sốt cao. Đây là nhà của chúng tôi. Ông đã được an toàn.”. Vẫn một giọng xứ Huế trong và ấm. Mình lơ mơ nhận ra có người nâng đầu mình dậy. Một người bón cho từng thìa nước mát, ngọt lịm.

 Những ngày sau, mình lúc tỉnh, lúc mê trong cơn sốt li bì. Toàn thân đau nhức ê ẩm. Những hình ảnh lộn xộn hiện ra trong đầu. Những ánh chớp nhằng nhịt liên hồi. Những tiếng nổ chói tai. Những bóng người ngã xuống, những thân thể  bị hất tung trong tiếng thét, gào…

Những cơn sốt giảm dần, giảm dần rồi cắt hẳn. Mình nhận ra đang nằm trong một căn phòng yên ắng. Không còn tiếng nổ của đạn bom. Không còn mùi khét lẹt của khói đạn. Chỉ có tiếng những bước chân rất nhẹ. Và nồng nồng một mùi thơm đặc trưng của cồn.

Hàng ngày, có tới hai người phụ nữ chăm sóc cơm nước thuốc thang cho mình. Bón cho mình từng thìa cháo, thay băng, rửa vết thương.

Thi thoảng có một người đàn ông đã luống tuổi, dáng người quắc thước bước vào phòng. Không hỏi mình lấy một lời, ông lặng lẽ nhìn mình một lúc rồi quay ra.

Sức khỏe mình hồi phục dần. Chậm. Mình đã nhớ được. Đơn vị mình đã làm chủ được kinh thành Huế. Địch phản công. Mình cùng đồng đội quần nhau với địch dòng dã tới hơn hai mươi ngày. Đánh bật được nhiều đợt tấn công của địch.

Được lệnh rút. Tiểu đội mình nhận nhiệm vụ chặn hậu. Bỗng ánh chớp với tiếng nổ đinh tai. Mắt mình tối xầm lại!

Chắc ông lão là một chiến sỹ đã tham dự cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 tại kinh thành Huế.

Tôi được học và rất yêu thích môn lịch sử. Một trận đánh đi vào lịch sử của dân tộc như một bản anh hùng ca. Những người lính quả cảm ngoan cường đã giữ Huế được 26 ngày. Sau đó vượt vòng vây của địch rút khỏi Kinh thành.

Cuộc tiến công đã đè bẹp, làm lung lay ý chí xâm lược của giặc Mỹ.

Tôi được nghe kể lại. Ông nội tôi cũng là cựu binh của K8. Sư đoàn 324. Từng chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên – Huế. Ngày ông tôi mất, quan tài ông được phủ quân kỳ. Có đội kiêu binh đứng bên linh cữu lúc dân làng làm lễ truy điệu. Tôi luôn tự hào về ông.

Ông lão lại gõ bàn phím.

“Toàn thân ông bị nhiều mảnh đạn găm vào. Rất may là không vào chỗ hiểm. Tôi đã tiểu phẫu gắp được ra. Có một số vết rách khá rộng. Phải khâu lại. Tính mạng ông coi như đã ổn. Ông yên tâm. Hiện giờ Mỹ và quân Chính phủ đã kiểm soát được toàn bộ Kinh thành”. Mình im lặng. Không biết trả lời sao? Và cũng không dám hỏi gì hơn. Chỉ biết lặng lẽ hưởng sự chăm sóc. Như một đứa trẻ đang đói khát bỗng được một bầu sữa đưa vào miệng, là ngậm chặt lấy mà bú. Và rồi ngoan ngoãn, an yên đánh một giấc ngủ trong lòng mẹ.

Dần dà mình biết được. Họ đã tìm thấy mình nằm thoi thóp trong góc một bức tường đổ. Và đã kịp mang mình giấu trong nhà trước khi địch chiếm được trận địa.

Cô gái trực tiếp cứu chữa, chăm sóc mình là bác sỹ, tên Nguyệt Cầm. Người phụ Nguyệt Cầm là mẹ của cô – Tôn Nữ Hạnh Ngân. Người đàn ông thâm trầm, thi thoảng ghé phòng mình là bố của cô – cử nhân văn chương, hiện đang giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa Huế.

Sức khỏe mình ngày một  bình phục. Mình thực sự yên tâm. Gia đình này không có ý định hại mình. Nhưng làm sao mình có thể liên lạc được với người của ta, để trở về đơn vị? Những ai đã nằm lại? Những ai còn sống? Mình nhiều đêm không ngủ được. Gần như thức trắng. Nghĩ tới nghĩ lui vẫn chưa tìm ra lối về. Đành buông xuôi. Chờ. Nước đến đâu, bắc cầu đến đấy vậy.

Một buổi chiều, trước giờ ăn cơm, ông giáo sư và vợ lên phòng. Không khí có vẻ nghiêm trọng.

“Gia đình tôi sẽ sang Mỹ. Chúng tôi không nỡ giao nộp ông cho quân của Chính phủ. Vậy ông cần có sự lựa chọn: Thứ nhất. Nếu ông muốn trở về với phía cách mạng, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện đưa ông tới vùng giải phóng.” Ông ngừng lời một lúc lại tiếp tục. “Còn như… nếu ông không muốn trở về với đồng đội. Chúng tôi cũng sẵn sàng giúp ông… Tôi nghĩ ông nên tìm lấy một công việc gì đó phù hợp, sinh sống như một người dân”.

Nói đến đây ông nhìn thẳng vào mắt mình, giọng chậm lại: “Và điều cuối: Con gái tôi sang bên ấy để học thêm. Nó rất muốn tiếp tục chữa trị cho ông… Nếu ông muốn. Chúng tôi sẽ đưa ông đi cùng. Ông có một tuần lễ để suy nghĩ và quyết định.”

Những đêm dài mất ngủ với những trăn trở dày vò.

Ngày ra đi với lời nguyện thề. “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Đã cùng đồng đội trải qua bao trận đánh đi qua bao chiến dịch, vượt qua bao gian khổ. Người trước ngã xuống. Người sau xông lên.

Còn mẹ cha, các em, bà con họ hàng dân làng. Quê hương. Hai tiếng thân thương với lời ước hẹn. Ngày trở về. Đường trở về với đơn vị, đồng đội đã có người giúp. Còn bỏ đồng đội, lẫn vào trong dân tìm lấy một cuộc sống an yên. Không thể.

Còn lời đề nghị thứ ba…

Từ ngày xa nhà đến giờ mình lại được sống trong không khí của gia đình. Dẫu là khác biệt. Một gia đình với một ông già trầm tư, lặng lẽ, ẩn chứa một tấm lòng rộng lượng bao dung. Một người phụ nữ kiêu sa, đức hạnh, mang đầy đủ chuẩn mực công dung ngôn hạnh. Một cô con gái dịu dàng có học thức hết lòng chữa trị cho mình…

Trở về với đồng đội. Có thể mình không còn đủ sức để cầm súng. Mình sẽ báo cáo trung thực với đơn vị. Cấp trên và anh em đều tin. Nhưng. Vẫn một chữ nhưng giằng co trong lòng.

Những ngày này, mình liên tục soi gương. Đã quen. Không như lần đầu. Gương mặt mình biến dạng dúm dó bởi những vết sẹo chằng chịt một bên má. Mình hốt hoảng. Không còn nhận ra được đây là mình nữa.

Thấm thoắt đã gần bốn tháng, mình là “Tù binh” của gia đình. Đã đến ngày mình phải dứt khoát chọn lấy một lựa chọn.

Buổi tối hôm ấy, trước đủ mặt cả nhà. Mình dứt khoát “Thưa chú, Cô. Cháu… muốn được chữa bệnh ạ.”.

Trán mình rịn mồ hôi. Cũng chẳng hiểu sao mình thay đổi hẳn cách xưng hô.

“Vậy là cậu đã lựa chọn”. Ông Cử Nhân cũng thay đổi cách xưng hô, không gọi mình bằng ông như trước. Bà Tôn Nữ nhìn mình bằng ánh mắt thiện cảm. Còn nữ bác sỹ xinh đẹp đưa mắt nhìn mình bằng một ánh mắt. Ánh mắt ấy mãi mãi không phai trong tâm khảm mình.

Ông lão tắt màn hình. Gương mặt ông chìm vào ưu tư.

Một lúc sau màn hình lại sáng.

Mình cùng gia đình Nguyệt Cầm rời kinh thành Huế vào một buổi chiều hè. Nắng chiều nhợt nhạt phủ lên Kinh Thành đổ nát tan hoang. Lòng người ngao ngán hoang mang.

Mình đặt chân tới đất Mỹ. Thật oái oăm! Ông trời sao khéo trêu ngươi. Mình từng đi đánh Mỹ. Biết bao đồng bào, đồng đội của mình đã ngã xuống bởi bom đạn Mỹ. Còn bao đồng đội đang cầm súng đánh đuổi quân xâm lược.

Vậy mà, thật hổ thẹn! Cái tên do cha mẹ đặt cho mình, đến quê hương bản quán cũng phải vứt bỏ. Đi lấy một tên khác, nơi sinh, quê quán khác. Để sống…

Đành phó mặc cho số phận dẫn dắt. Mình tự an ủi vậy.

Mình là bệnh nhân của Nguyệt Cầm, nàng là bác sỹ riêng của mình.

Mình tiếp tục trải qua những ca phẫu thuật. Lại những cơn đau thể xác. Những cơn đau bây giờ sao có phần êm dịu…

Một buổi sáng, những ngón tay nhỏ nhắn mềm mại của Nguyệt Cầm run run, khẽ khàng tháo từng lớp băng ra khỏi mặt mình. Gương mặt nàng bừng sáng.

Nguyệt Cầm nắm tay mình, kéo đến trước gương. Mắt nàng long lanh, thì thầm “Anh thấy thế nào?”.

Mình giật bắn người, ngỡ ngàng. Trong gương là một gương mặt khác lạ. Những vết sẹo chằng chịt bên má phải đã biến mất. Nước da đen xạm đã được thay thế bởi một làn da trắng, còn mai mái xanh…

Và cùng với một sự ngỡ ngàng, không dám tin vào tai. Từ “anh” được phát ra từ cái miệng nhỏ nhắn của Nguyệt Cầm, đã thay cho từ “ông” trước kia. Mình nhìn Nguyệt Cầm đăm đắm bằng ánh mắt của lòng biết ơn vô hạn. Đối với mình, Nguyệt Cầm không chỉ có bàn tay vàng, mà còn có cả tấm lòng vàng.

Những ngày tháng êm ả trôi.

Mình phải thay đổi để thích nghi. Học ăn, học nói, từ những cử chỉ nhỏ, trong nếp sống hàng ngày.

Mình học ngoại ngữ, cô giáo là Nguyệt Cầm. Học lái xe, chỉ để hàng ngày đưa, đón Nguyệt Cầm, hay đưa ông Cử Nhân, bà Tôn Nữ đi đây đó.

Nệm êm, giường ấm. Thi thoảng mình có những giấc chiêm bao. Mơ về một làng quê. Gặp lại mẹ cha. Gặp bác Lai, bác Cư, chú Chung, bạn cày của bố. Dì Mận, cô Nhung là hàng xóm kề nhà. Những gương mặt xạm nắng mưa. Những buổi chiều quê, những làn khói xanh lơ vấn vương trên nóc bếp. Mùi thơm nức của nồi cơm cười khi tháng năm, tháng mười. Vị bùi bùi thơm thơm của sắn, của khoai thay cho bữa cơm tối trong những ngày giáp hạt…

… Và gặp lại những cuộc hành quân xuyên rừng. Những trận đánh oai hùng. Những ánh mắt đồng đội, đã tắt thở, vẫn nhìn mình trân trối…

Giật mình tỉnh giấc. Nước mắt đầm đìa một bên gối.

Tất cả đã qua rồi. Mình tự nhủ lòng vậy để sống tiếp.

Mình sống trên đất Mỹ. Tận mắt chứng kiến những cuộc đấu tranh của người Mỹ. Một cuộc đấu tranh rộng lớn được gọi là “Ngày hành động”. Báo chí Mỹ đã gọi đó là “Lương tâm người Mỹ nổi giận”. Những cuộc bãi công, biểu tình của công nhân Mỹ. Học sinh sinh viên xuống đường phản đối chiến tranh. Phong trào phản chiến trong binh lính Mỹ. Với tư tưởng: Thà vào tù chứ nhất quyết không sang tham chiến ở Việt Nam. Còn mình thì lặng lẽ đứng ngoài cuộc. Tận hưởng cuộc sống. Với mình là một sự đổi đời.”.

Mình sống. Tận tụy với lòng biết ơn. Và cũng chẳng hiểu sao từ sâu thẳm trong lòng lại nẩy sinh một giấc mơ. Một giấc mơ vọng tưởng. Lòng người kể cũng lạ. Mình cứ sống, cứ ấp ủ, vun sới giấc mơ ấy từng ngày. Điều kỳ diệu đã xảy ra: Nguyệt Cầm yêu mình. Nàng chủ động đến với mình bằng một nụ hôn e ấp nồng cháy. Vậy là giấc mơ mộng tưởng đã thành. Mình vui sướng muốn phát điên.

Một sáng sớm, ông Cử Nhân và bà Tôn Nữ gọi mình lên phòng. Mình đã gọi ông bà là chú, cô, xưng con từ lâu. Ông cử nhân nói rành rọt. “Vợ chồng tôi, cây chỉ có một cành. Chúng tôi biết Nguyệt Cầm có tình cảm với cậu. Chúng tôi cũng biết cậu là người chân thực, sống có nghĩa. Nhưng không rõ ý của cậu thế nào?” Mình chẳng biết nòi gì hơn. Chỉ biết trả lời bằng những giọt nước mắt của sự cảm động.

Mình có vợ. Một người vợ, chắc chắn rất nhiều người đàn ông mơ ước có được.

Rồi Nguyệt Cầm sinh con. Những thiên thần nhỏ bé lần lượt chào đời.

Tháng ngày đẹp êm ả trôi.

Rồi tháng 1/1973. Hiệp định Pa Ri về Việt Nam được ký. Mỹ cuốn cờ, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Rồi 30/4/1975. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam không điều kiện. Trong lòng mình như dậy lên những con sóng ngầm xô bờ, ngổn ngang. Vui, mừng. Tưởng như còn được đứng trong đoàn quân hát vang ca khúc: “Tiến về Sài Gòn ta quét giặc thù…”. Tưởng như nghe rõ được cả những tiếng hò reo của đoàn quân thắng trận từ bên kia nửa địa cầu, vọng về.

Kể từ cái buổi mình cùng những trai làng lên đường với một niềm tin chiến thắng, đến nay đã dư mười năm trời. Vậy mà mình đã lặng lẽ rẽ ngang. Ân hận, day dứt. Vẩn vơ với những lo sợ, hoang mang…

Trong gia đình mới của mình, mỗi người có một tâm trạng khác nhau. Ông bố vợ vẫn là một sự điềm đạm trước mọi biến động. Ông nói “Mọi đau thương, hận thù cũng đã đến hồi kết thúc”. Người mẹ vợ vẫn không giấu nổi nỗi nhớ thương khắc khoải về một xứ Huế của bà. Còn vợ mình thì vẫn mải mê vào những đứa con, vào các ca phẫu thuật ở bệnh viện.

Những gương mặt tạo hóa chưa hoàn thiện, những gương mặt do tai nạn lao động, giao thông… sẽ được bàn tay tấm lòng của em sửa lại. Đó là niềm vui của em. Và với riêng mình em chỉ cần một sự chân thành. Còn mọi cộc lệch em chẳng cần kê.

Thời gian tiếp tục trôi.

Đến giữa thập niên chín mươi của thế kỷ trước, quan hệ Việt Mỹ được bình thường hóa. Một số người Việt sang Mỹ định cư trước và sau 1975, đã lục tục trở về Việt Nam. Ông Cử Nhân và bà Tôn Nữ lần lượt về với miền mây trắng. Nghĩ thấy tội và thương hai ông bà. Những tâm hồn cốt cách thuần Việt. Nỗi lòng đau đáu nhớ về quê hương xứ sở… Lá rụng về cội. Ông bà trước lúc nhắm mắt đều ước muốn được về nằm trong lòng đất nơi cố hương. Vợ chồng mình bàn định, sẽ đáp ứng ước nguyện của ông bà. Chỉ còn chờ cô con út học xong. Có việc làm như các anh, chị của nó. Mình và Nguyệt Cầm sẽ đưa ông bà trở về đất Mẹ.

Ngày ấy đã đến. Con gái út mình đã học xong, có việc làm. Các con của mình là người Mỹ gốc Việt.

Ngày về đã định thì sự cố hy hữu đã xảy ra. Nguyệt Cầm sơ sẩy trượt chân ngã cầu thang. Phải đi viện, tai họa đã giáng xuống. Nguyệt Cầm bị ảnh hưởng cột sống. Phải ngồi xe lăn suốt đời.

Con người ta đâu phải cứ mong muốn làm một việc gì đó là làm được đâu.

Mọi việc chuẩn bị cho chuyến về Việt Nam của vợ chồng mình đành gác lại.

Sau đó là những tháng ngày lặng lẽ êm ả trôi. Mình chăm sóc Nguyệt Cầm, không rời xa nàng lấy một giờ. Phải chi mình được gánh nạn cho nàng.

Rồi bọn trẻ trưởng thành. Như đàn chim đủ lông đủ cánh, lần lượt rời gia đình đi xây lấy tổ ấm riêng.

Trong căn nhà nhỏ thuộc vùng ngoại ô Houston. Mình và Nguyệt Cầm. Hai trái tim trao gửi cho nhau tất cả yêu thương. Ủ ấm nhau nỗi niềm cô quạnh của người xa xứ.

Một ngày đông. Nhiệt độ vùng Texas hầu như không xuống thấp. Hôm ấy có tuyết rơi. Một hiện tượng hiếm có, Nguyệt Cầm trút hơi thở cuối cùng.

Mình đau khổ, rơi tõm vào một nỗi cô đơn. Bóng đêm đặc quánh, bao quanh.

Đã bao nhiêu năm không mảy may, tin tức về mẹ, cha, các em làng xóm… Giận mình quá! Một cánh diều đã lạc vào bão giông.

Gương mặt của ông lão chìm vào khổ đau. Nỗi đau đến tận cùng của một kiếp người.

Tự nhiên, lòng tôi trào dâng một niềm cảm kích. Thương ông lão quá. Tôi còn trẻ, dường như chưa biết nếm mùi vị của khổ đau là gì.

Tôi chỉ biết ăn, học. Đến như sự vất vả của bố mẹ, cũng cứ nghĩ là một lẽ đương nhiên.

Mình quyết về Việt Nam.

Làng đây rồi. Vẫn mái đình rêu phong cổ kính. Cây đa không già hơn được nữa. Chỉ tán lá xòe rộng thêm, rễ buông xuống nhiều hơn. Gốc đa sân đình ngày ấy sao gần gũi mà lại xa lạ đến thế.

Tim mình đập mạnh. Hồi hộp ngỡ ngàng. Con đường đất xưa nối từ đường quốc lộ chạy qua cửa đình về làng được trải nhựa phẳng lỳ. Hai bên đường, nhà cửa mọc lên san sát. Nào quán cơm, quán phở, quán bia nhan nhản… chẳng khác gì thành thị.

Mình ghé vào một quán nước, nhận ra ngay chủ quán là cô Na – trạc tuổi mình. Xưa cùng sinh hoạt một chi đoàn thanh niên. Cô gái xinh xắn hát hay giờ là bà lão, tóc bạc trắng vấn trần gọn ghẽ. Miệng bỏm bẻm nhai trầu. Đôi môi kẻ chỉ đượm nước trầu đỏ tươi.

Vắng khách, mình lân la hỏi chuyện. Bà cụ Na sởi nởi. “À. Ông hỏi thăm gia đình cụ Nhuận à. Cụ ông cụ bà quy tiên lâu rồi. Người con trai cả của hai cụ đi bộ đội, hy sinh. Hai cô con gái của cụ lấy chồng, cũng đều mất cả. Còn ông con út của hai cụ vẫn ở đất cũ, xóm Giếng.

Còn bên ông Hùng, bà Liên cũng đã về trời cả. Hai ông bà ăn ở hiền lành, đức độ, mà sao lại gặp cảnh thật bất công? Sau ngày giải phóng Miền Nam, ông Hùng còn sống trở về. Bà Liên sinh nở đến ba bốn bận, nhưng đều là quái thai. Nghe nói ông Hùng nhiễm chất độc gì màu vàng ấy. Giặc Mỹ nó dải xuống. Cái quân thật là độc ác.” Bà Na chép miệng thở dài. “May ông trời cũng biết thương. Ông bà có được anh con trai, đẻ trước ngày ông Hùng vào chiến trường. Giờ các cháu của hai ông bà học hành, thành đạt cả. Dân làng ai cũng mừng”.

Mình cố kìm nén, cố trấn tĩnh, những muốn ôm lấy bà Na – người làng đầu tiên mình gặp được. Những tin tức về gia đình sau 59 năm trời cách biệt.

“Hoa ơi! Hoa!”. “Dạ!”. “Con đưa ông khách này đến nhà ông Cường giùm bà với”… “Vâng ạ!”. Cường là người em út của mình.

Tim mình đập loạn. Bồi hồi. Đứng như chôn chân trước ngôi nhà khang trang. Ngày mình ra đi là một ngôi nhà mái tranh, vách đất. Mình nhận ngay ra Cường. Ngày mình tòng quân, em mới 8 tuổi đầu, lẽo đẽo theo cha mẹ tiễn mình tới đường cái lớn. Nay đã là một lão nông đang bước tới tuổi 70. Dáng cao gầy khắc khổ. Nó giống bố nhất trong nhà.

Sau vài lời chào hỏi xã giao, Cường đón mời mình vào nhà.

Mình lặng lẽ quan sát nhanh. Bàn thờ gia tiên đặt ở chính giữa. Ngay gian kế bên là bàn thờ… chính mình. Kìm nén cảm xúc. Mình tự giới thiệu là đồng đội của liệt sỹ Tâm. Mình chủ động thắp hương lên bàn thờ Tổ Tiên. Rồi đến trước bàn thờ liệt sỹ Tâm. Mình căng mắt nhìn như dính vào tấm bằng TỔ QUỐC GHI CÔNG. Từng dòng chữ: Liệt sỹ Nguyễn Văn Tâm. Thượng sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Hy sinh ngày 23/2/1968. Những con chữ đang nhảy múa trước mắt mình. Một tấm ảnh đen trắng phóng to, lồng trong khung kính. Gương mặt trẻ trung, mắt mở to, trong sáng, ánh mắt như giận dữ, như khinh bỉ…

Mình trao lại cho Cường bộ quân phục mà Nguyệt Cầm đã thay cho mình, khi mình bị thương. Mình nói dối Cường: “Đồng chí Tâm đã anh dũng ngã xuống trong lúc làm nhiệm vụ cản địch. Chúng tôi chỉ kịp thay cho anh bộ quần áo còn lành lặn…”

Cường úp mặt vào bộ quần áo, hít hà tưởng như muốn ngửi được hơi ấm người thân. Nức nở hồi lâu.

Nhà giờ chỉ có hai vợ chồng Cường. Con gái lớn lấy chồng, cùng nhà chồng vào Nam lập nghiệp. Đứa con trai thứ hai làm nhà trên thị xã, hai vợ chồng kinh doanh hàng tạp hóa. Thằng con út học Đại học xong lấy vợ, cùng làm việc ở Hà Nội.

Ngay tối hôm ấy. Bà con lối xóm nghe tin có đồng đội của liệt sỹ Tâm tìm về, kéo đến chật ních nhà. Những lời hỏi thăm, những gương mặt lạ, quen, những nụ cười và cả những giọt nước mắt. Mắt mình đỏ hoe cảm động giữa tình cảm ruột rà, tình làng nghĩa xóm.

Mình nhập vai là anh em kết nghĩa với liệt sỹ Tâm. Xin được lấy ruột thịt bà con họ hàng của Tâm làm ruột thịt họ hàng của mình. Được lấy quê hương của Tâm làm quê hương của mình. Thế đấy! Giả mà thật. Ôi cái thật cái giả đắng đót trong lòng!

Đứng trước mộ của mẹ cha, mình chỉ biết thầm thốt lên trong lòng “Xin mẹ cha hãy tha cho con tội bất trung, bất hiếu này”.

Đứng trước bàn thờ của Hùng và Liên, mình thành khẩn thắp nén nhang thơm. Cả hai người nhìn mình như giận hờn, như trách móc và cũng như là có phần thương cảm, tha thứ.

Một bữa cơm, một cuộc họp mặt như là có sự sắp đặt của một bàn tay huyền bí. Đông đủ cả, ấm áp, thân tình. Tim mình như bị bóp nghẹn lại, bởi phải che đậy thân phận.

Năm ấy trai làng tòng quân cùng mình có 8 người. Không trở về ba người trong đó có Tâm. Hai bị thương. Giờ chỉ còn sống một. Thịnh, nghễnh ngãng. Nói chuyện với mình câu được câu chăng. Buồn quá!

Xóm làng đã đổi thay. Không còn lấy một bụi chuối, bờ tre. Những dẫy ao đã lấp đầy. Nhà cửa mọc lên. Không còn một mái nhà gianh. Không còn ai khoác lên mình bộ quần áo vá. Chỉ có cái nắng, cái gió của làng quê là vẫn ấm áp, nồng đượm da diết. Và tiếng cười của trẻ nhỏ ríu ran trên đường làng vào mỗi buổi sáng như chẳng hề đổi thay.

Mình cất từng bước trên đường làng. Đường được trải bê tông. Mà sao như đang bước trên đầu những con sóng. Ngước mặt nhìn lên khoảng không cao vời vợi. Trời ơi con biết tìm đâu ra được một đường sám hối bây giờ.  Một chiếc lá rồi nay mai không biết rụng về đâu.

Ông lão gấp láp tốp lại. Trên máy bay, phần nhiều đang chìm vào giấc ngủ. Thi thoảng có bước chân se sẽ của các tiếp viên hàng không, hay của hành khách đi vệ sinh cá nhân.

Ông lão khoanh tay trước ngực. Hai mắt ông khép lại. Trên gương mặt ông như còn vương vất bao nỗi ưu tư.

Còn tôi, hai mắt cứ thao láo giữa một vài tiếng ngáy nhẹ của hàng khách xung quanh. Trong lòng trào dâng bao cảm xúc, bao suy nghĩ lung mung. Không biết làm cách nào để tôi làm quen, để chuyện trò với ông được đây.

Trước hết là muốn được nói một lời xin lỗi. Vì đã lén đọc nhật ký của ông. Và từ đáy lòng muốn được bày tỏ niềm kính trọng ông. Như tôi hằng kính trọng ông nội và những đồng đội của ông tôi. Một thế hệ mà mọi thế hệ người Việt không bao giờ được phép quên ơn.

Những đau thương mất mát của hai dân tộc Việt Mỹ đã được khép lại.

Ngày mới đã mở.

Tôi vinh đự được nhận học bổng của trường UNIVESITY OF MIAMI. Tôi tự hứa với lòng trong những năm tháng học tại Mỹ, tôi sẽ bằng mọi cách gắng tìm gặp ông muốn được chia sẻ cùng ông nỗi niềm sâu kín trong ông. Dẫu biết là có sự cách xa về thế hệ. Có sao đâu, cùng máu mủ đồng bào với nhau mà.

Giá mà tôi có được một điều ước. Tôi ước ngày trở về đất nước, lại được ngồi cạnh ông trên một chuyến bay. Được thưa với ông một lời: “Ông ơi! Ông hãy mở lòng. Quê hương luôn là xứ sở cho ta tìm về!”.

Tôi mới tí tuổi đầu, nói với ông vậy chắc là không phải đạo. Nhưng từ đáy lòng chẳng hiểu sao tôi nghĩ thế.

Đ.C.T