Ta đã quay về Tây Nguyên – Ký của H’Linh Niê

Lá cờ đỏ cắm trước đầu xe Hải Âu phần phật xé gió lao đi. Chỉ dừng ăn, ngủ và chậm lại khi qua những đoạn đường từng bị bom đạn phá. Khó nói được cảm xúc. Dường như ít người  ngủ. Qua cầu Hiền Lương, cả đoàn đập tay vào thành xe, la lên rầm rầm vì phấn khích. Đêm ngủ tại thành phố Đà Nẵng, trong một khu nhà, nói là khách sạn nhưng trống huếch đến lạ, không có điện. Khối đứa thò cổ ngắm ánh đèn chai lập lòe trên đường phố và nghe tiếng rao lắng mãi vẫn không hiểu là gì  “Ho vi lô ”… 

Nhà văn Linh Nga Niêk Đam (H’Linh Niê) ở Đắk Lắk

Như những con chim se sẻ nhỏ chập chững bay rời cánh mẹ, ba chúng tôi, Măng Thị Hội, Thanh Bình và Linh Nga được Đoàn Ca múa Tây Nguyên (nay là Nhà hát Đam San, Gia Lai), đón từ Thất Khê, Lạng Sơn, nơi sơ tán của học sinh Trường dân tộc miền Nam, về Sen Hồ, Bắc Giang tháng 12.1965. Rồi tháng 9.1966, thêm Kim Nhất, khoác lỉnh kỉnh chậu, giỏ, tư trang, đi bộ lên Yên Dũng, học Trung cấp Thanh Nhạc tại trường Âm nhạc Việt Nam, lúc ấy cũng sơ tán tại Yên Dũng, Bắc Giang. Đây là chiến lược bổ sung diễn viên trẻ cho đoàn. Bởi cùng lúc với chúng tôi có 10 học sinh người các dân tộc Tây Nguyên khác nữa, đi sơ tán cùng trường Múa Việt Nam ở Phú Bình, Thái Nguyên, đều do nhạc sỹ Kpă Púi tuyển chọn. Cả một lũ lơ ngơ, như cùng bị lạc tới vùng đồng bằng Bắc bộ, lạ cả từ cách phải chào hỏi mỗi khi gặp bất cứ ai trên đường làng, đến ngôn ngữ (trỗi, trỗi, ăn con củ rồi đi học…)

Ở đó, như mọi sinh viên khác, ngày nối ngày chúng tôi học hát, học đàn dưới những căn nhà nửa nổi nửa chìm, mái lúp xúp trùm sát mặt đất. Mỗi khi có báo động từ xa, các cụ trong làng lại hét “Im đi, đừng đàn hát nữa, máy bay đấy”. Ở đó, chiều chiều chúng tôi thay nhau quét đầy những chiếc thúng lá tre khô (chất đốt thứ hai sau rơm ở đây), vừa giúp gia đình làm sạch vườn, vừa luộc nồi con củ dằn xuống những cái bao tử lép kẹp vì chỉ có bát ngô răng ngựa vàng khè với tô canh su hào trắng lõng bõng màu cà chua đỏ. Ở đó, làng nhiều cây trái xanh mát. Không ít lần đào giao thông hào đói quá, cả lũ mua chịu trái mít chín, chừa mỗi lớp vỏ mỏng đầy gai cho bầy lợn trong chuồng nhà bà chủ, còn hột đem luộc, xơ mít chiều xào, chén tất.

Đầu năm 1970. Đang học giữa năm thứ 4, một mình tôi được lệnh trở lại đoàn để chuẩn bị đi phục vụ chiến trường Tây Nguyên. Rời vùng quê ngan ngát tím hoa xoan, đêm hương lúa thoảng bay vào giấc ngủ, được trở lại Hà Nội, mặc dù ở tận ngoại ô Cầu Giấy, cũng vẫn mái cọ, vách đất quét vôi vàng, vậy mà mừng “hết lớn”. Ba lô, tăng, võng, trang phục, cả mũ tai bèo lẫn thuốc đau bụng, sốt rét, lương khô…các loại vật dụng gọn nhẹ mà thiết yếu như một người lính, chúng tôi đã nhận đủ, với tâm thế hăng hái. Ấy thế mà không rõ vì lý do gì, trong khi một nửa các Đoàn Ca múa miền Nam, Dân ca kịch và một số đơn vị khác lên đường, còn Đoàn ca múa Tây Nguyên ở lại.

Tháng 5.1971, tôi đã trở lên trường nhạc học tiếp, nhưng do quân số của Đoàn Ca múa miền Nam còn ở Hà Nội quá ít, nên lại được gọi về bổ sung để tập, rồi cùng đi phục vụ Đoàn 559 theo đường Trường Sơn. Thời gian 4 tháng. Cũng không phải hành quân bộ mà có xe tải phủ bạt kín chở tới mọi binh trạm. Qua phà Long Đại là bắt đầu những điểm diễn, có thể là ban đêm dưới ánh lửa và đèn măng sông tù mù, có thể ban ngày, dưới những vòm cây lá rậm rạp, trên đường hành quân ra phía trước của bộ đội. Hôm sau chúng tôi cũng đi tiếp. Nhưng nhóm chúng tôi chỉ đến ngang cao nguyên Boloven rồi quay trở lại. Đừng tưởng đi xe là sướng. Mỗi cabin chỉ được thêm một người ngồi, giành cho các chị lớn tuổi. “Nhóc con” như tôi ngồi thùng xe cùng mọi hàng hóa chi viện cho chiến trường.  Cái gọi là đường chỉ là những khoảng trống uốn lượn vòng quanh núi đồi, được Thanh niên xung phong san lấp vừa đủ hai chiếc xe cắm đầy lá ngụy trang ngược chiều tránh nhau, chỉ được đi chậm cho bộ đội, thanh niên xung phong và văn công dễ chào hỏi.

Ngày nào bom đạn cũng cày cho lở loét, nên nhảy như vũ khúc Tây Ban Nha là cái chắc. Có hàng trên xe còn may, vì xe sẽ đằm, đỡ xóc; còn thì chưa kịp ngồi yên chỗ, người và ba lô đã bị ném lăn lóc từ thành xe bên này, qua thành xe bên kia. Đầu hay chân tay đập vào đâu cũng chẳng cần biết. Có lần, xe chúng tôi bị tách đoàn bởi một xe chở hàng chạy phía trước, hơn 10 km, xin đường mãi không cho vượt. Lúc qua được, tài xế xe chở đoàn nhảy xuống hằm hè cà khịa. Trên ca bin xe trước là một chàng trai mặt non choẹt, tái mét, lắp bắp xin lỗi “em mới học lái được 6 tháng, vừa vô nhận hàng tuần này, nên…”. Thôi, cựụ lính xế, trách gì tân binh cho tội nghiệp. Vậy là bắt tay tạm biệt, còn ưu ái dúi cho mấy điều thuốc Tam Đảo nhàu nát.

Trên đường đi, thứ mà các nhạc công của đoàn gìn giữ nhất không phải  tư trang, mà là chiếc đàn Accordion, cây đàn Vionlon, cái kèn T’rom pet…đã được để trên cabin. Còn người thì…mỗi lần đến binh trạm nhìn ai cũng tức cười vì chỉ có hai con mắt, còn từ tóc tai đến quần áo đều nhuộm đồng đều đỏ màu bụi Trường Sơn. Lúc nào cũng vội vàng tắm gội, trang điểm đôi chút (cho bộ đội được nhìn thấy những cô gái xinh đẹp, duyên dáng chứ), rồi là véo von hát, uyển chuyển múa, cười toạc cả mép tấu hài… Cả người xem lẫn người biểu diễn đều rất say sưa.

Khuya nằm trên võng bọc dù kín mít đung đưa giữa rừng (tưởng thích sao?) người đau nhừ, thậm chí muốn khóc. Ấy vậy mà sáng sớm lãnh hai nắm cơm, chút ruốc mặn, mấy bánh lương khô, rồi lại lên đường. Chẳng thấy ai kêu ca gì nhé. Xe cũng từng vượt qua rừng săng lẻ xác xơ sau khi pháo dập. Cũng từng vừa hành quân ban ngày, qua một cung đường trống trải, tản vào giao thông hào tránh máy bay thì bom phía sau nổ. Cũng từng bẻ đọt măng, hái lá rau tàu bay non nấu canh, hoặc anh nuôi không kịp nấu thì trệu trạo nhai lương khô B40… Ấy vậy mà khi quay trở lại Bộ Tư lệnh 559, Hội tụ với cả đoàn, nhóm chúng tôi chẳng ai bị sứt mẻ gì. Bên hai nhóm đi trước, cũng chỉ có ông xã tôi bây giờ và một vài diễn viên bị sốt rét ác tính, vẫn cố chặt cây làm gậy lết theo ra để khỏi bị nằm lại. (Về đến Hà Nội còn phải vô viện chữa cả năm trời).

Nhưng đó chưa phải là câu chuyện tôi muốn kể. Tháng 3.1975. Tin chiến thắng Buôn Ma Thuột dội về khiến người Hà Nội ra đường đâu đâu cũng chỉ toàn thấy những nụ cười hớn hở. Radio tư nhân không có, nên chân loa công cộng nào cũng có đám động tụ tập nghe tin tức. Bài hát  “Tây Nguyên giải phóng” của nhạc sỹ Kpă Púi với tiếng hát Kim Nhớ và “ Đường chúng ta đi” của nhạc sỹ Huy Du do Doãn Tần hát, phát liên tục náo nức suốt đêm ngày trên loa sắt (các bạn tôi giờ đều đã là người thiên cổ).

Đoàn Ca múa Tây Nguyên chỉ có một tháng để chuẩn bị. Lãnh đạo lo chứ cá nhân chúng tôi chẳng có gì nhiều, vì mọi thứ được cấp phát vẫn còn nguyên trong kho đấy. Chương trình biểu diễn vẫn thế, nhưng đội ca cũng phải lên sàn tập múa, bởi có những diễn viên khi ấy không thể theo được. Điều này không phải ai đó muốn trốn tránh, bởi mọi người đều đã mang sự chờ đợi trở về quê hương trong trĩu nặng trái tim, từ thuở mới biết chùi mũi và mặc áo quần đồng phục.

Lá cờ đỏ cắm trước đầu xe Hải Âu phần phật xé gió lao đi. Chỉ dừng ăn, ngủ và chậm lại khi qua những đoạn đường từng bị bom đạn phá. Khó nói được cảm xúc. Dường như ít người  ngủ. Qua cầu Hiền Lương, cả đoàn đập tay vào thành xe, la lên rầm rầm vì phấn khích. Đêm ngủ tại thành phố Đà Nẵng, trong một khu nhà, nói là khách sạn nhưng trống huếch đến lạ, không có điện. Khối đứa thò cổ ngắm ánh đèn chai lập lòe trên đường phố và nghe tiếng rao lắng mãi vẫn không hiểu là gì  “Ho vi lô ”… (A, người ta rao bán hột vịt lộn). Chẳng ảnh hưởng gì đến tâm trạng. Cho đến khi dừng ăn trưa ở thị xã An Khê. Các bạn quê Gia Lai đều khóc. Đinh Yên, nhạc công kèn T’rom pet đứng giữa đường Quốc lộ 19, giơ hai tay lên trời nhảy cẫng và hét tướng “ Quê hương ơi, tui đây rồi”….

Chiều muộn ngày 14.5.1975, xe chúng tôi dừng trước  căn nhà gỗ hai tầng, rợp bóng hoa giấy đỏ của của Ban quân quản tỉnh Đăk Lăk (nếu tôi nhớ không nhầm là khu vực sở GD-ĐT bây giờ). 4h sáng, cả đoàn đã chỉnh tề quân phục, lên xe để tham dự mít tinh mừng Đất nước Thống nhất. Xe chạy rất chậm bởi từ các ngả đường qua Ngã Sáu, hàng đoàn người, biểu ngữ, cờ đỏ trên tay, hân hoan tiến vào sân vận động. Áo dài là các mẹ, các chị ở chợ và vùng ven. Thẳng hàng toàn màu xanh lá cây là bộ đội. Nhiều nhất là áo, khố, váy thổ cẩm đen, đỏ của bà con các buôn. (Sau này tôi mới xác định được từ buôn AKŏ Siêr, buôn AKŏ Dhông, Alê A…)

Chắc chắn khi ấy cả lũ chỉ đứng ngây ra mà nhìn, không có câu nào lọt vô tai. Vì không khí ấy náo nức quá, xúc động quá. Mà bà con thì “chiêm ngưỡng” đầy thán phục mấy chục đứa chúng tôi, vừa đẹp vừa oai trong quân phục trắng ngà, khác hẳn màu cỏ của bộ đội. Cuộc mít tinh kết thúc, bà con còn diễu hành quanh các ngả đường thị xã, rồi mới tỏa về các cổng thị xã, trong cờ hoa rực rỡ và tiếng hoan hô tràn ngập phố phường. Bức ảnh đen trắng của nghệ sỹ Trần Cừ, chụp đoàn người diễu hành mang hình chữ S ở Ngã Sáu Ban Mê, chính là thời điểm đó.

Đêm ấy, chúng tôi diễn buổi đầu tiên ở sân vận động, chưa bao giờ lượng người xem đông đến ngợp như thế. (Diễn ở miền Bắc không được tụ hội đông người, vì sợ máy bay Mỹ ném bom). Giọng hát ai cũng dường như bay bổng hơn, cánh tay nghệ sỹ múa dẻo hơn. Tiết mục nào cũng được vỗ tay để diễn lại. Nhất là bài song ca “Trước ngày hội bắn” của ca sỹ A Dam Đài Son và tôi, khi anh kéo chiếc dù xuống che hai người, chúng tôi không thể rời sân khấu vì tiếng vỗ tay kéo dài. Sướng gì đâu ấy.

Mới có 2 tháng sau khi Buôn Ma Thuột im tiếng súng. Vậy mà thị xã  đã trở lạị hoạt động bình thường. Nếu không có những bức tường đổ đó đây, tưởng chừng chẳng có một sự kiện thật to lớn, vang dội cả thế giới, vừa đi qua phố thị. Từ các tầng của khách sạn Hoàng Gia, bây giờ là trụ sở của Hội VHNT tỉnh Đăk Lăk ( khách sạn cũng trống rỗng như ở Đà Nẵng), chúng tôi ngắm xe máy, xe đạp, ô tô và người nườm nượp, nghe tiếng miền Nam (khác tiếng Nam Bộ lẫn khu 5 ) ríu rít. Chợ  đầy hàng hóa, đủ các loại. Rau củ dưới suối Đốc Học đưa lên xanh mươn mướt ( chỉ chưa có hoa). Thịt bò, thịt nai rẻ hơn thịt heo (?). Ai trong đoàn cũng cố chọn cho mình một món quà thật lạ, thật cần thiết cho người thân ở quê lẫn còn ở miền Bắc ( vì đã biết sẽ đi diễn cả ở Gia Lai – Kon Tum vài tháng nữa. Lạ là không ai mua búp bê nhé. Có lẽ người Tây Nguyên không biết chơi em bé giả?).

Nhớ nhất đêm diễn ở Khuê Ngọc Điền, xe chúng tôi đậu bên suối để tài và phụ rửa xe. Rất nhiều bà con (đàn ông vẫn còn mặc khố), đến sờ vào để biết “cái nhà to biết chạy này chưa thấy bao giờ. Sao tới được đây hè ?”. Họ nghe nói có văn công đến, phải đi từ khi con gà trống đuôi đỏ gáy lần đầu mới tới được điểm diễn. Có người rờ chân tay, thân hình diễn viên, hỏi có thật người Thượng không, sao đẹp trai đẹp gái thế ?? Khu căn cứ ít dân, nên diễn viên chúng tôi cũng chỉ bằng số người xem. Diễn xong Đoàn còn tặng bà con vài cân bột ngọt đã chuẩn bị sẵn. Tình cảm rất quyến luyến. Bởi đồng nghiệp tôi như đã được trở về buôn làng với cha mẹ mình vậy. Giọng nam trầm của ca sỹ Siu Phích dường như đắm đuối hơn trong ca khúc “Trở về Tây Nguyên” của nhạc sỹ Xuân Giao. Rằng “ Ta đã quay về Tây Nguyên, với suối xưa trôi êm đềm. Đêm đêm vang tiếng đàn T’rưng, ngân nga trên khắp làng buôn…”

Đoàn ở lại Buôn Ma Thuột hơn 1 tháng, tỏa đi các huyện. Đến đâu diễn xong cũng được nấu cháo gà cho ăn. Nói rõ đoàn có người nấu ăn khuya tại chỗ ở rồi, bà con vẫn bắt ăn xong mới cho về. Đang giữa mùa mưa, có lần diễn xong xe sa lầy, sáng ra một số diễn viên phải leo lên xe bò vàng dùng chở gỗ, về phố. Lần đầu tiên cả lũ được chiêm ngưỡng hai bên đường rừng đại ngàn hùng vĩ, cổ thụ xanh đến vô tận (các bạn đều tập kết ra Bắc lúc tuổi còn nhỏ. Hoặc như chúng tôi, chưa bao giờ đến Tây Nguyên). Nhớ lúc giao lưu chuyên môn vô cùng thân thiết với các diễn viên mới tuyển của Đoàn Văn công Đăk Lăk (những Y Moan, Mạnh Trí, Mỹ Lệ, Quỳnh Như, Y Blé, Y Dôch, H’Doan, H’Boan…thuở ban đầu ngác ngơ ấy). Nhớ các bạn gái trai Ban Mê mới quen, dễ mến, chân tình, đi xem biểu diễn trong rạp Hòa Lạc ăn mặc lịch sự như đi dự dạ hội…Nhớ mấy bà má ghé vô khách sạn Hoàng Gia cho các con mấy chục đòn bánh tét ăn sáng. Nhớ cả ông cán bộ ban quân quản của phường nhắc nhở “ mấy anh chị không được phơi đồ trên ban công, mất mỹ quan đường phố ”… Sao lại nhớ những điều nhỏ nhặt thế chứ?

Được nghỉ hai ngày, anh hai đang đi cơ sở, chú ruột tôi, lúc đó  làm Giám đốc Đài Phát thanh tỉnh, xin phép Đoàn đưa tôi về quê . Tâm hồn thổn thức. Không chỉ vì ngày lên đường ba Y Ngông đau đáu nhắc ghi vào sổ tên buôn K’Mrơng, tên cô út để tìm….Mà còn vì nỗi buồn 29 năm ba chưa được về quê, nhưng ông bà thì đã bay tới chốn Yang Atâo tự thuở nào, không tìm được phần mộ (theo tập quán bỏ mả của tộc người)…

Cả sự  nghẹn ngào rất vô cớ vì con đường về buôn đất đỏ au mịn màng, rải kín những cánh hoa muồng nho nhỏ như một tấm thảm vàng chào đón. Lần đầu tiên tôi chứng kiến sự sẻ chia của mọi người trong buôn, khi chiếc nia to để trước của nhà dài của cô, cứ đầy mãi lên nào gà, gạo, rau, bắp, chuối….và hàng ché rượu cần mỗi lúc một buộc dài trên sàn trong tiếng ching knah sầm sập. Ôi! Ban Mê quê hương của tôi. Những ngày đầu tiên đâu dễ ai quên.

H’LINH NIÊ

Trích nguồn: Vanvn.vn