Duyên nợ Phù sinh -Truyện ngắn của Tạ Thị Thanh Hải

Nhà Văn Tạ Thị Thanh Hải- Sinh năm 1980, tại Yên Mỹ – Hưng Yên. Chị là Giáo viên trường THCS Yên Phú – Yên Mỹ- Hưng Yên- Hội viên Hội VHNT tỉnh Hưng Yên. Chị từng có nhiều truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ công an, Nhân dân cuối tuần, Thời nay, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Sông Lam. Dòng văn của chị rất da , đầy cảm xúc và đậm chất nhân văn.
Đường Văn xin trân trọng giới thiệu tập truyện DUYÊN NỢ PHÙ SINH được in trong ấn phẩm số 3/2024.

1. Hoàng hôn hắt mấy tia nắng cuối ngày đỏ ối như màu máu xuống những bậc thềm xám ngắt. Tấm biển phòng cấp cứu gắn đèn led lấp loáng lòe nhòe những gương mặt căng thẳng lo âu. Một người đàn ông tóc bạc phơ lật đật đi tới, ánh mắt thất thần như ám tối cả dãy hành lang hun hút gió, giọng lạc đi: “Làm thế nào bây giờ, anh Tấn? Tại sao lại như vậy? Tại sao?”. Tấn ngồi phịch xuống ghế, hai tay anh thõng thượt như thể những sợi gân bỗng chốc tan roãng ra, rệu rã, bất lực. Bên cạnh anh, tiếng gào khóc gọi mẹ của cô con gái nhỏ lọt thỏm giữa những lời than vãn, trách móc, hối thúc, riết róng của người đàn bà luống tuổi: “Anh phải làm gì đi chứ. Con gái tôi không thể chết được. Nó ra nông nỗi này là vì anh. Vì anh bất tài vô dụng. Vì anh…Vì anh…Loan ơi! Tỉnh dậy về với mẹ đi con…”

Trong tình thế bấn loạn này, anh cũng chẳng còn đủ lý trí để kiểm điểm xem mình có bất tài vô dụng thật không. Nhưng đúng là anh bất lực. Một bác sĩ chuyên khoa đông y thì có thể làm được gì trong tình thế nguy cấp này. Chỉ có ánh mắt khẩn thiết van lơn và mấy lời nhờ vả hụt hơi đuổi theo những bước chân thoăn thoắt đẩy chiếc băng ca vào phòng cấp cứu. Loan nằm đó, mái tóc hoe vàng xoã xượi trên tấm ga trắng toát. Rối tinh. Xơ xác.

Vừa trưa nay, lúc Loan đi ra cửa, lướt ngang qua vệt nắng xiên chéo từ giàn hoa giấy, mái tóc cô ấy ánh lên một màu vàng ma mị. Nhìn chiếc váy đen cổ rộng lộ cả bờ vai nõn nà của vợ, cảm giác bất an chợt gợn lên trong anh. Anh xách giúp vợ chiếc va ly đặt vào cốp xe rồi đi ra mở cổng. Xe nổ máy, anh hấp tấp tiến lại bên hông xe, thấy bóng mình méo mó ngắn chũn trên tấm kính phản quang của chiếc Mercedes đen bóng. Anh gõ gõ vào thành xe, Loan hạ kính xuống nhưng vẫn mải mê nghe điện thoại. Đợi vợ “dạ vâng” xong cuộc thoại, anh cúi xuống sát cửa kính, giọng e dè như hụt hơi: “Em đi cẩn thận nhé!” Cô ấy nhếch cười: “Có phải lần đầu tiên em đi công tác đâu. Lịch làm việc là ba hôm, nhưng cũng có thể kéo dài hơn vì đây là dự án mới. Ở nhà anh nhớ để ý mấy con hoàng yến kẻo nó chết khát. Cả chậu cây kim tiền nữa, anh nhớ pha ấm trà đặc, để ngấm qua đêm rồi hãy tưới”. Chiếc xe lừ đừ tiến ra cổng, lướt qua mấy quán trà đá, qua những ánh mắt nửa ngưỡng mộ nửa soi mói ghen tị của đám người nhiều chuyện rồi hoà vào dòng xe trên đại lộ.

2.Anh và hai cô con gái rất hiếm khi xuất hiện trong những lời dặn dò của Loan trước mỗi đợt công tác xa. Đã từ lâu, anh quen với sự vô tâm ấy của vợ. Từ ngày công ty mở rộng chi nhánh vào miền Trung rồi miền Nam, những chuyến đi của cô ấy dày đặc hơn. Vừa buổi sáng, Loan còn ngủ nướng ở nhà, trưa đã có mặt dưới Hải Phòng và đêm thì gọi video lắc lư chuếnh choáng từ một khách sạn sang trọng ở Thủ Đức. Thi thoảng mẹ vợ anh mang qua cho cháu ngoại ít quà bánh, lại ngấm nguýt xuýt xoa: “Sao anh để con bé gầy thế? Mẹ nó đã phải bươn chải như vậy, anh có mỗi việc chăm con cũng không xong.”Anh chỉ biết gượng cười.

Mấy năm nay, anh chấp nhận lui về làm hậu phương cho vợ mình. Công việc của một bác sĩ đông y chẳng mấy bận rộn ngoài một tuần hai buổi trực đêm. Hai cô con gái nhỏ một tay anh chăm bẵm. Công việc nội ngoại cũng chỉ mình anh lo liệu. Nhà ngoại ở gần, bố mẹ vợ anh không có con trai, hai cậu em đồng hao thì một cậu ở tận Quảng Bình, cậu út đang nghiên cứu sinh bên Pháp đã đưa cả vợ con sang cùng. Thôi thì “dâu hiền nên gái, rể hiền nên trai”, anh cũng chẳng bao giờ so đo cắn đắn điều gì dẫu mỗi lần sang bên đó vẫn có cảm giác tay chân luýnh quýnh trước ánh mắt xét nét của mẹ vợ. Nhà nội thì ở cách thành phố hơn trăm cây số, là tiệm thuốc bắc nhỏ xíu ở một thị trấn quạnh hiu lọt thỏm giữa điệp trùng núi đồi. Vài tháng, có khi nửa năm anh mới đáo về thăm bố, mỗi lần về lại thấy lưng bố như còng thêm một chút, mắt thì mờ đục hơn nhưng vẫn thuộc làu vị trí của từng hộc thuốc màu nâu cánh gián mòn nhẵn; còn em Sa thì vẫn chơ vơ như hạt cơm nguội, cả ngày cặm cụi khom lưng dán mặt bên những mẹt lá thuốc và đám rễ cây khô quắt. Căn nhà nhỏ lúc nào cũng thoang thoảng mùi trầm, khói hương vấn vít trên tấm di ảnh của mẹ. Mẹ anh mất ngay sau khi sinh em Sa, lúc ấy anh mới chỉ là cậu học trò lớp sáu còn ngơ ngác với những hủ tục ma chay.

Suốt bao nhiêu năm nay, lần nào về quê anh cũng nghe bố xuýt xoa tự hào kể với mọi người về cậu con trai giỏi giang thành đạt đã lập nghiệp nơi thành phố, về cô con dâu là gái phố nhưng cũng thuộc được khá nhiều tên thuốc, anh biết đó là các nguyên liệu trong những thang thuốc bổ mà bố vẫn cẩn thận gói ghém gửi biếu ông bà thông gia. Trước khi đi, anh tần ngần đứng nơi bậu cửa như muốn hít căng lồng ngực thâu lượm mùi nhang trầm và vị hăng hắc nồng ấm của hàng trăm thứ cỏ cây đã được em Sa phơi khô, muốn tạc vào lòng những lời rỉ rả dặn dò của bố.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

3. Hồi Loan còn là văn thư trường tiểu học, đồng lương eo hẹp nhưng giờ giấc dư dả nên tranh thủ làm trà chanh giao cho mấy quán nước trên phố để có thêm khoản tiền cho con học thêm lớp Anh văn buổi tối. Một chiều đi làm về sớm, anh bắt gặp vợ đang hí húi pha a-xít chanh với đường hoá học vào cái thùng nhựa lưng lửng nước màu vàng nhạt lập lờ những lát quất rồi thoăn thoắt rót vào những hộp nhựa mỏng dính in hình hoa lá, anh trừng mắt: “Em có biết mấy thứ này rất độc hại không? Nó sẽ bào mòn dạ dày của người uống. Em đừng vì cái lợi dăm ba đồng lẻ mà làm việc thất đức ấy”. Loan chẳng buồn ngẩng lên để thấy những tia giận dữ bật ra từ ánh mắt anh. “Dào ôi, ngoài kia người ta cũng làm đầy ra. Anh có sức lo cho cả thiên hạ không? Anh cứ lo cho vợ con anh trước đã”. Anh bực mình giằng lấy thùng nước đổ ào xuống cống. Sau một thoáng ngỡ ngàng, Loan gào lên bảo anh là đồ gàn dở bất tài. Anh cố ghìm bàn tay mình nỗi giận dữ và cả sự tự ái. Cốc chén vỡ loảng xoảng. Loan đùng đùng lấy xe phóng về nhà mẹ đẻ. Hai đứa con gái lần đầu thấy cảnh đổ vỡ sợ rúm người lại. Đứa nhỏ vốn mắc chứng hẹp van tim, khóc thổn thức đến lả người đi. Anh gọi xe hộc tốc đưa con vào bệnh viện, gọi điện thoại cho vợ, cho mẹ vợ chỉ thấy “máy bận”. Sáng sớm hôm sau, anh tranh thủ về nhà lấy thêm ít đồ dùng cho con. Vừa về đến cửa đã thấy vợ nằm vật vã trên giường, miệng nồng nặc hơi men. Bình thường ngửi mùi bia cô ấy còn kinh, thế mà lần này cả gan uống hẳn rượu. Nhìn đôi mắt thâm quầng của vợ, một chút giận dỗi xen lẫn cả sự xót xa chợt cồn lên trong anh. Anh pha một cốc nước chanh ấm, lẳng lặng đặt lên chiếc bàn cạnh đầu giường rồi cầm cái ba lô của con bước nhanh ra cửa. Trong nhà có tiếng làu bàu, rồi tiếng ly vỡ. Anh lên xe phóng đi như chạy trốn khỏi sự căng thẳng bức bối, bải hoải rã rời.

Rồi một vận may bất ngờ đến với Loan, với cả gia đình anh. Một cặp vợ chồng già tìm đến tiệm thuốc của bố anh, chỉ với hai chục thang thuốc lá mà bà vợ đã bớt hẳn những cơn tức ngực khó thở của bệnh hen suyễn và tình trạng đau nhức của bệnh viêm đa khớp, còn ông chồng thì cải thiện được những chỉ số nguy hiểm của đường huyết và chứng mất ngủ. Thật đúng là có duyên gặp thầy gặp thuốc. Họ coi bố mẹ anh như ân nhân, nhận là anh em kết nghĩa. Ông bà ấy có cậu con trai duy nhất đang là giám đốc một công ty bất động sản. Thế là chỉ qua vài lần gặp gỡ, Loan bỏ công việc văn thư trường học để đến làm trợ lý cho giám đốc Minh.

Từ ngày thay đổi công việc, Loan bận rộn hơn nhưng lúc nào cũng có vẻ tràn đầy năng lượng, vui tươi và hào phóng chứ không cáu kỉnh bẳn gắt như trước. Thi thoảng, Loan có kể với anh về những dự án, nhắc đến vị bí thư nọ chủ tịch kia; anh muốn xen ngang bằng một câu khuyên bảo thì Loan lại gạt đi. Nhiều buổi tối, ba bố con anh chờ bên mâm cơm nguội ngắt, Loan về muộn, chuếnh choáng say, hát véo von từ cổng vào. Sự xuất hiện của những vật dụng đắt tiền tỉ lệ nghịch với sự có mặt của cô ấy ở nhà. Cũng vài lần anh khuyên vợ sắp xếp công việc sao cho hợp lý để dành thời gian quan tâm đến con. Con gái bao giờ cũng cần mẹ hơn, nhất là cô con gái lớn học cấp 2, tâm sinh lý thay đổi, hay giận dỗi cáu gắt vô cớ, đi học về là đóng cửa im ỉm, cả ngày bố con chỉ giao tiếp với nhau qua câu chào buổi sáng và câu mời cơm buổi tối. Anh vừa mở lời thì Loan chặn luôn: “Đã gọi là cơ hội thì chẳng bao giờ trở lại lần thứ hai. Bây giờ mới là thời của em, anh đừng cản”. Chỉ hơn ba năm mà cô ấy chuyển cả nhà từ gian phòng tập thể lụp xụp trong con ngõ sâu tun hút tới căn nhà hai tầng khang trang nằm ngay sát trục đường lớn, xa bệnh viện của anh hơn nhưng gần nhà ông bà ngoại và trường học của hai cô con gái. Căn nhà rộng thênh và lấp lánh tiện nghi, càng rộng hơn vào những chiều cuối tuần. Và ánh mắt trong veo của hai cô con gái chẳng biết tự bao giờ đã nhuốm màu hoang hoải đợi chờ…

Đôi ba lần vợ chồng Minh đến nhà anh chơi, lúc ngà ngà chén chú chén anh, Minh vỗ vai anh bồm bộp rồi như thể vô tình vỗ cả vào đùi Loan giả lả nói cười: “Chị Loan có phước mới lấy được anh Tấn đấy nhé!” Mắt Loan long lanh, má ửng hồng, chẳng biết vì ly vang ngoại Minh vừa rót hay vì cử chỉ thân thiện quá mức của bàn tay vạm vỡ kia. Minh kém anh hai tuổi nhưng trông phong trần từng trải. Ban đầu, anh có chút ngần ngại e dè trước cách nói năng hào sảng cởi mở của Minh nhưng rồi lại tự trấn an mình: chẳng nên hoài nghi về những điều tốt đẹp, dù đôi khi những dự cảm mơ hồ cũng khiến anh thoáng chút hoang mang.

4. Tối hôm trước, Loan bảo với anh rằng sẽ đi công tác ở Lào Cai. Công ty sắp mở thêm một chi nhánh ở đó. Lúc vợ đi rồi, anh mở định vị, lại thấy cô ấy đang di chuyển trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Chẳng phải vì anh ích kỉ nhỏ nhen đến mức muốn theo dõi vợ, mà khi Loan mua cho anh chiếc điện thoại đời mới, cô con gái lớn đã nhón lấy và tự cài định vị. Nó bảo: “Bố con mình nên biết mẹ di chuyển bao lâu nữa thì về đến nhà”. Anh chỉ cười xoà, nghĩ rằng chắc con mong mẹ quá nên có kiểu quản lý rất trẻ con ấy. Anh nhìn chằm chằm vào cái chấm tròn đỏ đang di chuyển trên cao tốc, không hiểu sao ruột gan cứ rộn rạo như lửa đốt. Hay dự án ở Quảng Ninh khúc mắc gì đó mà Loan phải thay đổi lịch trình gấp? Anh cố nghĩ như vậy nhưng có cái gì đó cứ nghèn nghẹn, lại như hoang hoải rôm rốp vỡ, anh toan nhấn máy gọi cho Minh, nghĩ thế nào lại thôi…

Giờ thì cô ấy nằm kia, bất động giữa đám dây dợ loằng ngoằng. Lúc nãy, cô y tá đã nhanh tay cắt đi mái tóc vàng hoe loăn xoăn bết máu của Loan để sơ cứu. Bác sĩ vẫy anh lại, giọng gấp đanh: “Giờ phải đưa cô ấy lên phòng mổ gấp. Xương sọ có một vết nứt. Một cục máu tụ trong não. May mà kịp thời gặp được một chiếc xe cấp cứu từ hướng Hải Phòng lên. Anh lên phòng hành chính làm thủ tục đi, và bảo người nhà chuẩn bị có thể sẽ phải truyền máu…”

Vừa từ phòng hành chính ra, anh thấy một chiếc băng ca hối hả xuôi xuống khu nhà xác của bệnh viện. Nhìn đôi chân thò ra lấp ló từ tấm vải trắng, sống lưng anh đột nhiên lạnh toát. Đôi giày màu nâu sậm, lướt qua ánh đèn led đỏ chói, trông nó thẫm lại như màu máu. Anh bất chợt nhìn xuống đôi giày của mình, chân bỗng nhiên run lẩy bẩy, ngực như có phiến đá đè lên, cố hít một hơi thật sâu mà tim cứ nghẹn lại. Cách đây hai tuần, sinh nhật anh, Loan mang về một đôi giày da màu nâu sậm và hỉ hả: “Giày xịn đấy, anh đi thử xem có êm không?”. Là đôi giày ấy?! Anh lật đật chạy theo níu tay vị bác sĩ già nói như hụt hơi:

-Có phải kia là cậu Minh? Cậu ấy … ra sao rồi hả bác sĩ?

– Đúng rồi, là giám đốc Công ty bất động sản Trần Minh, cậu ấy mất rồi. Giập toàn bộ phần ngực, làm sao mà sống nổi. Bệnh viện chỉ muốn làm giám định theo yêu cầu của công ty để hoàn tất các thủ tục bảo hiểm. Nhưng gia đình thì lại yêu cầu làm pháp y. Khổ quá…

Tai anh bỗng ù đi. Anh lảo đảo rơi người xuống băng ghế. Thở dốc. Đờ đẫn. Cách đây mấy hôm, buối tối Minh ghé qua nhà anh để lấy chục thang thuốc mà bố anh gửi xuống biếu bố mẹ cậu ấy. Lúc đi ra hiên đổ bã chè vào gốc cây hoa giấy, chẳng hiểu sao anh cứ nhìn hút vào đôi giày của cậu ta để ở cửa. Cảm giác hoài nghi xen lẫn sự tự ái cứ lấn bấn trong anh. Anh vào nhà, lật đật pha chè, tay run run đổ ập cả vốc chè vào ấm, cầm chiếc bình siêu tốc vừa ngắt, hơi nước bốc lên mù mịt khiến cặp kính của anh nhoà đi. Minh và Loan vẫn chúi đầu vào chiếc Ipad, chỉ trỏ bàn bạc. Anh đẩy chén trà nóng về phía Minh, cậu ta đón lấy nó vừa nhấm nháp vừa hào hứng kể về khu resort mới hoàn thiện ở Hạ Long và dự án sắp tới ở Lào Cai cùng vai trò đắc lực của “trợ lý Loan”. Bàn tay của Minh đặt ngang thành ghế, về phía vợ anh, hai người họ gần nhau đến mức anh tưởng như Loan tựa đầu vào vai cậu ấy. Anh đáp lời Minh sường sượng, lơ đãng nhìn ra phía cửa. Đôi giày màu nâu sậm, dưới ánh đèn vàng ệch chợt thẫm lại một màu nhưng nhức, ma mị. Vị trà trong miệng anh đắng ngăn ngắt, se se nơi đầu lưỡi…

5.Điện thoại của anh rung lên khe khẽ. Cậu em đồng hao gửi cho anh đường link bài viết mới nhất trên trang tin tức giao thông, là một đoạn camera hành trình ghi lại vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Chiếc xe Mercedes đen bóng va chạm với một chiếc xe tải đi cùng chiều đang chạy với tốc độ khủng khiếp. Chiếc xe con bị hất văng, va vào ta-luy đường rồi lại bắn sang dải phân cách, bẹp rúm hết phần đầu. Dưới phần bình luận lại có một đoạn video khác quay cận cảnh chiếc xe con: một người đàn ông kẹt cứng ở ghế lái, đầu ngoẹo xuống, máu rỉ ra ở miệng; bên cạnh,  người phụ nữ mặc váy đen cổ rộng, mái tóc vàng xoã xượi thấm máu. Phía bên kia đường, một chiếc xe cấp cứu vừa dừng lại, hú còi inh ỏi…

Tay anh run lên bần bật khi chạm vào màn hình điện thoại zoom hết cỡ để nhìn rõ biển số của chiếc xe con ấy. Cái đuôi “77” mà Loan vẫn đắc ý gọi đó là “thần tài lớn” bỗng như một thanh nứa cứa vào ruột gan anh. Giờ thì anh hiểu cảm giác bất lực đau đớn đến thế nào, anh càng thấm thía nỗi đau mà bố anh từng trải qua. Trong tâm trí anh lại dội về tiếng khóc ồ ồ ngàn ngạt của bố lúc mẹ anh mềm oặt tái xanh như tàu lá, bên cạnh là đứa em gái đỏ hỏn khóc oe oé. Khi bà lang Khán lập cập chạy ra cổng, gọi ời ời mấy người hàng xóm cách nhà anh cả trăm mét, bố anh run run đờ đẫn bế em Sa đặt lên tấm nệm mủn nhẽo nơi góc nhà, đứng trân trân nhìn vợ mình rồi bất thần vùng chạy ra sân quỳ sụp xuống vật vã gào lên ai oán, mắt vằn những tia đau đớn dữ dội, tay vung lên loạn xạ. Những mẹt thuốc văng tứ tung. Một cơn gió ập tới xô vạt lá thuốc khô quắt dạt về góc sân, trơ lại đám rễ cây quấn rối vào nhau. Những vị thuốc quý ấy bố đã lặn lội vượt rừng sâu đèo cao hái về, bàn tay khô ráp ám khói đã tỉ mẩn gói những thang thuốc chuẩn từng vị để giúp bao người dịu đi những cơn đau vật vã, thoát khỏi những căn bệnh quái ác. Vậy mà chính bàn tay ấy không thể níu nổi hơi thở mỏng như sương của người vợ hiền lành ở lại với mình. Tiếng khóc của em Sa như bào vào lòng bố con anh. Giá như hôm ấy bố không sang xã bên ăn cỗ với mấy người sơn tràng. Giá như bố về kịp để đưa mẹ đi xuống trạm y tế. Giá như…

6.Ở đời, ai chẳng từng đôi ba lần ước “giá như”. Với người này, đó là điều ước xót xa đắng đót nhất khi bị đẩy đến tận cùng của tuyệt vọng và hối tiếc; với người khác đó lại là niềm khấp khởi hi vọng về những điều tốt đẹp. Khi bố mẹ Minh tấm tắc xuýt xoa: “Giá như biết được tiệm thuốc của anh sớm hơn…”; bố anh đã thủng thẳng: “Vạn sự tuỳ duyên. Ở đời, chuyện gì xảy ra cũng đều có duyên cớ. Sự gặp gỡ nhau ở kiếp này có khi là mối duyên nợ từ kiếp trước…”.

Loan và Minh là duyên nợ từ kiếp nào? Là mối lương duyên tốt đẹp ở kiếp này để cả hai cùng phơi phới thành đạt, sự nghiệp thăng tiến, làm đâu trúng đó; hay đó là duyên nợ phù sinh nghiệt ngã, một người ra đi trong đau đớn còn một người cũng đang đối mặt với ranh giới sống chết mong manh?! Họ có thanh thản không hay vẫn đau đáu nuối tiếc trung vận phát lộ với những dự án nghìn tỉ, nuối tiếc cao to vạm vỡ hào sảng thành đạt và mắt đẹp miệng tươi khéo léo dịu dàng?! Mối lương duyên nào dẫn họ tới chuyến đi chẳng thuận cung đường để rồi tất cả sụp đổ trong niềm tiếc nuối và hoài nghi dằng dặc…

7.Sau một thời gian dài điều trị Loan mới được về nhà. Bác sĩ khuyên anh thi thoảng nên đưa vợ đến những nơi thoáng đãng để tinh thần cô ấy được phục hồi dần. Mẹ vợ anh bảo: đi biển là tốt nhất. Suốt dọc đường, Loan chỉ ngủ ngặt ngoẹo như một đứa trẻ. Nhưng khi anh vừa bế vợ xuống đặt vào xe lăn, nhìn thấy bãi biển thì bất chợt cô ấy rú lên, ánh mắt thất thần hoang dại. Anh ngỡ ngàng hiểu rằng kí ức kinh hoàng về chuyến đi biển định mệnh ấy đã hoá thành vết thương nhức nhối trong tiềm thức của Loan. Anh đưa vợ trở về ngay trong đêm và không bao giờ để cô ấy nhìn thấy cảnh biển thêm một lần nào nữa…

Anh đón Sa xuống ở nhà mình. Em gái anh cần mẫn chăm sóc chị dâu. Loan may mắn thoát khỏi bàn tay của tử thần nhưng bị chấn thương hai đốt sống cổ và vết nứt ở sọ não khiến cô ấy bơ phờ như một đám cỏ hoang, ánh mắt khi thì đờ đẫn vô hồn lúc lại quắc lên man dại. Dáng người mảnh mai kiêu sa trước kia giờ béo tròn phục phịch, giọng nói lanh lảnh khi xưa giờ thay bằng những âm thanh ú ớ méo mó, có lúc rú rít kinh hoàng khiến hai đứa con gái hoảng sợ. Mỗi lúc phải uống những chén thuốc bắc đắng nghét, Loan lại nhổ phì phì ướt cả tóc và mặt Sa. Những thang thuốc ấy bố anh đã lui mụi sao khô gói ghém cẩn thận gửi xuống đều đặn. Chỉ mỗi khi nhìn vào bức tranh lớn treo ở phòng khách vẽ những đoá cúc quỳ mỏng manh vàng mượt, ánh mắt Loan mới ấm áp lên đôi chút. Còn với anh, màu vàng rờn rợn của vạt nắng loá lên từ mái tóc loăn xoăn của Loan và mấy lời dặn dò kĩ lưỡng mà vô tâm trước khi cô ấy lái xe ra khỏi nhà trong chuyến viễn du cuối cùng ấy từ lâu đã ghim vào lòng anh nỗi cay đắng xa xót…

Chiều phố núi buồn thê lương. Buồn như ánh mắt vời vợi của em Sa suốt gần ba mươi năm qua. Buồn như tiếng thở dài cố nén của ông bố quê mùa cô quạnh. Nhưng chỉ về nơi ngằm ngặp nỗi buồn này anh mới thấy lòng mình được lắng lại. Cách vài tuần, thu xếp được lịch trực và học thêm của các con, anh lại đưa cả nhà về đây. Em Sa cặm cụi đẩy chiếc xe lăn đưa chị dâu ra đầu dốc, nhìn lên những đồi chè xanh mượt. Đến khi ráng chiều vàng vọt khuất dần sau triền đồi xanh thẫm, hai chị em mới lọc cọc trở về, bên hông xe giắt theo một bó cúc quỳ. Rặng cúc quỳ vàng nhưng nhức dọc con đường dẫn lên vạt mộ của dòng họ chênh vênh nơi sườn đồi, màu vàng ma mị của buổi chiều đưa tang mẹ ám ảnh anh suốt bao năm nay, sắc vàng như ám cả vào nước da mai mái và cặp mắt hiền lành ngơ ngác đến tội nghiệp của Sa.

8.Bố đưa cho anh thố thuốc đặc sánh rồi quay đi thở dài: “Nợ nần gì từ kiếp trước thì kiếp này phải trả thôi. Trả nợ trong vô thức thế này âu cũng bớt đau…”. Còn anh, kiếp trước liệu có nợ nần nhân thế điều gì không, sao kiếp này cứ ngập chìm trong những dự cảm hoang mang bất an như thế? Đứng trước ranh giới mong manh rạn nứt và linh cảm về những điều bất thường mà vẫn cố tự bao biện. Vì nhu nhược. Vì nhỏ nhen. Hay vì bất lực nghĩ mình chỉ là một hạt bụi mong manh lơ lửng giữa cuộn xoáy tính toan vị kỉ? Giá như anh có đủ can đảm để nói ra những điều vẫn băn khoăn hoài nghi. Giá như anh có đủ dũng khí để bứt mình khỏi những hào nhoáng phù vân…

Bao nhiêu nỗi ân hận ngàn ngạt như ráng chiều phố núi nhoè nhoẹt tan dần vào mênh mang sương giăng. Bao nhiêu dằn vặt xót xa cùng nỗi bất lực hoang hoải cũng tan dần trong ánh mắt vời vợi của em Sa và tiếng cười nói e dè khẽ khàng mà trong vắt của hai cô con gái…