Bản tráng ca “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” – Henryk Sienkiewicz

Henryk Sienkiewicz (1846 −1916) là nhà văn xuất sắc của Ba Lan và là một trong những văn hào lớn của thế giới. Ông giành được giải Nobel Văn học năm 1905. Nhiều tác phẩm của Henryk Sienkiewicz tràn đầy tinh thần dân tộc, lòng yêu chính nghĩa và công lí, thấm đẫm tình yêu thương con người.

Trong di sản đồ sộ của Henryk Sienkiewicz, tiểu thuyết Trên sa mạc và trong rừng thẳm là tác phẩm viết cho thiếu nhi xuất bản năm 1912, đã nhận được sự nồng nhiệt yêu mến của hàng triệu độc giả Ba Lan và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhà văn Henryk Sienkiewicz (1846 −1916)

Đúng như tên gọi, truyện là một chuyến phiêu lưu dài băng qua sa mạc rồi vào rừng thẳm của hai em nhỏ, cậu bé Stas mười bốn tuổi và cô bé Nell tám tuổi. Hai đứa trẻ, hôm ấy còn rất háo hức để đi gặp những người cha của mình, lại bất ngờ phát hiện bản thân đang ngồi trên lưng đàn lạc đà lao như cơn lốc vào sa mạc ngút ngàn cát và nắng. Stas hiểu ra, em cùng Nell đã bị bắt cóc, và rằng hành trình phía sau này sẽ có vô vàn khó khăn thử thách, từ con người, từ thiên nhiên, từ sự đơn độc. Nell cần em bảo vệ, còn em thì sẵn sàng làm tất cả để đưa Nell về nhà. Bằng lối hành văn tài hoa, trí tưởng tượng vô cùng phong phú, tác giả đã phác họa nên sa mạc Sahara, rừng thẳm, núi đá, hồ nước, các địa điểm thậm chí chưa ai biết tới, với toàn bộ sự bí ẩn, nguy hiểm của chúng, từ đó nổi bật lên lòng quả cảm, bản lĩnh của những cô cậu bé bộ hành.

Nổi bật nhất trong cuốn sách có lẽ là chú bé Stas, một đứa trẻ mới chỉ 14 tuổi thôi nhưng can trường, hiểu biết. Đứa trẻ Ba Lan ấy lớn lên với niềm hãnh diện về dòng máu anh hùng dân tộc, nay được rèn giũa dưới cái khắc nghiệt của sa mạc, hiểm nguy của rừng thẳm, sự dữ tợn của những kẻ bắt cóc, càng thêm phần mạnh mẽ và quyết đoán! Mối đe doạ đến tính mạng của em cùng cô bạn nhỏ- thật may, cũng thật đáng trân trọng- không thể làm em gục ngã, càng không thể khiến em ngừng hy vọng về việc đưa Nell đoàn tụ với gia đình. Tình thương với Nell của Stas sâu sắc và thật cảm động: “ em hiểu rất rõ rằng, giá như không có Nell thì hoặc là em bị giết từ lâu, hoặc là đã trốn thoát từ đời nào rồi. Chính vì cô bé, em đã chịu đựng tất cả”. Stas cũng giúp người đọc tin rằng: chừng nào bản thân còn có khát vọng, còn có người để bảo vệ, còn có nơi để về thì chừng ấy con người còn có thể phát triển nghị lực, chiến thắng được gian khó, hiểm nguy.

Nếu Stas được Henryk Sienkiewicz dành sự ngưỡng mộ về tài năng, tính cách, thì Nell lại được tác giả ưu ái hết mực về nhan sắc và tâm hồn: “ ở cô bé có một thứ gì đó của hoa và của chim”. Cô bé 8 tuổi, trong trắng như một thiên thần với nụ cười sáng bừng có thể làm tan chảy cả những trái tim sứt mẻ, cằn cỗi nhất. Nell có khóc đấy, có sợ hãi đấy, có lần suýt gục ngã, nhưng sau cùng em vẫn mỉm cười, trong trẻo, hồn nhiên, lạc quan. “Đã có anh Stas lo chuyện đó” là một lời khẳng định chắc nịch, một niềm tin tưởng tuyệt đối của Nell với Stas. Và chính em là chỗ dựa tinh thần cho Stas, để hai đứa tiến bước thoát khỏi nguy hiểm.

Lòng yêu thương tinh khiết của em đã cảm phục được mọi người. Nell cho người đọc cảm nhận được về trái tim yêu thương đến quá đỗi dịu dàng là như thế nào. Em yêu thương loài vật, cả người đã gây tổn thương em. Em dịu dàng với mọi nghiệt ngã chĩa vào mình. Nell cũng tiếp thêm cho chúng ta sự lạc quan và tin tưởng. Dù hoàn cảnh bất lợi thậm chí rất cam go, điều cốt yếu là giữ vững lòng tin, con người rồi có thể tìm ra cách vượt qua!

Tiểu thuyết “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” – Henryk Sienkiewicz , người dịch Nguyễn Hữu Dũng

Bên cạnh chân dung nhân vật, sức hấp dẫn của truyện là thiên nhiên uy nghiêm mà rực rỡ song cũng đầy khắc nghiệt tàn nhẫn. Đó là sa mạc Sahara hiện lên với vô vàn màu sắc và hình dáng ki ảo: “bầu trời có vỏ màu ngọc trai”, những cụm mây “đổi thay như đá tản bạch, rồi bỗng nhiên nhuốm màu vàng chói”, “những đám mây kì lạ màu hồng trườn rất thấp, những đám mây hoàn toàn trong suốt, được thêu dệt nên bởi ánh sáng”, “Đôi khi những đám mây lại nhuốm màu xanh lơ” nhưng cũng bất thần nổi giận bằng cơn lốc cát dữ dội: “Trong tiếng gầm thét của cơn bão lốc, nghe thấy những giọng nói kì lạ, khi thì như tiếng than khóc nức nở, khi tựa tiếng cười sằng sặc, khi lại giống như tiếng kêu cứu gào rú”, và tiếng sấm “Ngỡ như từ trời cao những trái núi và những tảng đá đang lăn sầm sập xuống”. Đó là rừng thẳm đa dạng loài thực vật, vô vàn loài chim chóc màu sắc sặc sỡ, tiếng hót “hay như một dàn nhạc”, nhưng cũng thường trực những đôi mắt sắc lạnh của thú ăn thịt to lớn.

Nguy hiểm rình rập, vượt ngoài hiểu biết của hai em: “Sự im lặng sâu  thẳm của đêm bỗng bị rách toạc ra bởi tiếng ngựa hí kinh hoàng, khủng khiếp, đầy đau đớn, hãi hùng và tuyệt vọng trước cái chết”, “ Mùi thịt tươi và mùi máu xốc lên đến tận cây”, “ tiếng rống đứt đoạn đầy giận dữ, sau đó vang lên tiếng xương gãy răng rắc”, “Trong đêm thẳm sáng lên những cặp mắt xanh lét và đỏ dọc của linh cẩu”… Thiên nhiên rộng lớn và tiềm ẩn sức mạnh bao nhiêu, càng tô đậm sự quả cảm của các cô cậu bộ hành nhỏ tuổi bấy nhiêu. Đây có lẽ là hình tượng mà nhà văn muốn khắc họa, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của con người trong sự đối sánh với vạn vật.

Tiểu thuyết Trên sa mạc và trong rừng thẳm tựa như bản tráng ca về khát vọng sống cao đẹp, lòng quả cảm chinh phục hiểm nguy, chiến thắng bất công; đồng thời phác họa nên thiên nhiên hoang dã kì vĩ, bí ẩn. Thiên truyện Trên sa mạc và trong rừng thẳm chắc chắn sẽ còn được nhiều thế hệ độc giả đón đọc và mến yêu!

                                                        PHƯƠNG HỒNG- Sinh viên K22, trường Đại học Hà Nội

Trích nguồn: Vanvn.vn