Âm vang lễ hội đập trống của tộc người Ma Coong – Ký của Nguyễn Khắc Thuần

Mỗi độ xuân về, mừng đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, người Ma Coong khắp chín núi, mười khe của vùng cao Thượng Hóa (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lại nô nức cùng quây quần bên nhau vui Lễ hội đập trống. Lễ hội được tổ chức năm một lần vào đêm 16 tháng giêng âm lịch – đêm trăng tròn đầu tiên trong năm và được xem là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của tộc người Ma Coong để tưởng nhớ công lao già bản đã tìm đất lành lập bản cho người Ma Coong, cầu cho mưa thuận gió hòa, nương rẫy tốt tươi, dân bản khỏe mạnh, lũ con trai con gái đến tuổi là nên vợ, nên chồng. Đây là nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của tộc người Ma Coong trên giải Trường Sơn đã được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hoá cấp quốc gia (QĐ số 2968/QĐ BVHTTDL ngày 29.8.2019).

Huyền tích lễ hội.

Lễ hội được khởi nguồn từ truyền thuyết: Ngày xửa, ngày xưa bản làng người Ma Coong đang yên đang lành bỗng nhiên xuất hiện một con ác khỉ bộ lông màu vàng, đêm đêm xông vào nương rẫy của bà con vừa ăn vừa phá nát rẫy lúa, rẫy ngô, khoai sắn. Từ khi xuất hiện ác quỷ đêm đêm phá phách, dân bản không còn hạt lúa, củ khoai. Cái đói triền miên, dịch bệnh hoành hành. Người Ma Coong tìm nhiều kế sách đuổi khỉ ác nhưng không thành. Đêm trước ngày rằm tháng giêng năm ấy già bản nằm mơ thấy Giàng (thần trời) hiện về. Giàng mách bảo:

– Muốn đuổi khỉ ác con hãy cùng dân bản làm một cái trống to, tiếng vọng xa đại ngàn, đêm trăng sáng nhất khi khỉ ác vào nương phá mùa màng mang ra mà đánh liên hồi, liên tục. Nghe tiếng trống khỉ ác phải cao chạy xa bay, đầu không dám ngoảnh lại.

Vâng lời Giàng, ngày hôm sau già bản tập hợp đàn ông trong bản khẩn trương hoàn thành một chiếc trống thật to, thật đẹp, âm thanh vang vọng khắp chín núi mười khe của đại ngàn Trường Sơn.

Đêm 16 âm lịch tháng ấy, chờ cho khi trăng sáng nhất, khi khỉ ác vùa lẻn xuống rẫy, già bản và các trai tráng trong bản thay nhau mang trống ra đánh liên hồi, liên tục. Người không đánh trống thì gõ chiêng, mõ, thổi kèn Roa, kèn Cha pi, sáo Kền… Những âm thanh náo nhiệt vang động cả đại ngàn, ác khỉ hốt hoảng quay đầu chạy thục mạng về rừng sâu và từ đó biệt tăm khỏi vùng đất này không bao giờ trở lại.

Hạt lúa trên rẫy lại sây bông, củ khoai, củ sắn trên nương lại mẫy củ, cuộc sống ấm no lại trở về cùng dân bản.

Và cũng từ đó, để đền đáp công ơn của Giàng, tưởng nhớ già bản tiên tổ của người Ma Coong đã có công tổ chức cho dân bản đuổi ác khỉ hung dữ mang lại bình yên cho bản làng, người Ma Coong đã chọn đêm đầu tiên trăng tròn trong năm mới mở hội đập trống.

Đêm hội đập trống của người Mà Coong. Các chàng trai Ma Coong thi nhau đánh cho trống mau thủng

Độc đáo lễ hội đập trống

Tộc người Ma Coong còn gọi là Bru-Vân Kiều sống rải rác ở 19 bản trên đỉnh núi Trường Sơn vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Phong Nha – Kẻ Bàng và CHDC ND Lào. Dẫu ăn hạt của chín núi, uống nước của trăm khe, nhưng người Ma Coong vẫn xem đất tổ của mình là bản Ca Roong (xã Thượng Hóa, Bố Trạch, Quảng Bình). Vì thế nên Lễ hội đập trống năm một lần được tổ chức nơi đất tổ người Ma Coong là bản Ca Roong theo một luật tục chặt chẽ được mọi người đồng thuận chung tay, góp sức, góp của, góp công thực hiện.

Ngày 16 tháng giêng hàng năm là ngày dân bản Ca Roong dậy khi sao Mai chưa mọc. Theo phân công của già bản đàn ông thì lo phần chuẩn bị cho lễ hội, đàn bà thì chuẩn bị thức ăn, rượu để đón tiếp bà con từ 17 bản xa và cả bà con Ma Koong từ bên kia biên giới về dự lễ hội.

Đã thành phong tục trước ngày diễn ra lễ hội bà con trong bản tự giác mang đến nhà già bản đóng góp vật phẩm để dâng lễ. Ai có gì góp nấy, chủ yếu là thực phẩm, không câu nệ người nhiều, người ít chỉ yêu cầu thành tâm và vật phẩm phải tươi, ngon. Nhà nhà thi nhau cất rượu Hiêng để làm lễ cúng và đãi khách. Rượu Hiêng ủ từ nếp rẫy với men lá rừng, có màu trắng như sữa, hương thơm dịu, vị cay nồng.

Việc chuẩn bị mâm cúng lễ được người nhà của già bản chuẩn bị hết sức chu đáo từ chiều. Mâm cúng Giàng gồm có rượu Hiêng, thịt gà đầy đủ ngũ tạng nấu với chồi cây mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, thân cây đoác, một ít lúa gạo. Cá đề cúng Giàng được bắt từ khúc suối cấm của con suối A Ky chảy từ bản Rào Bụt, đến bản Nồm. Đây là khúc suối bị nghiêm cấm đánh bắt cá để lấy cá cúng Giàng, ai vi phạm dân bản sẽ phạt rất nặng. Người đàn ông nào khỏe mạnh, giỏi làm rẫy nương, giữ được gia đình hòa thuận, xóm làng ấm êm mới được bản giao nhiệm vụ thả lưới bắt cá về cúng Giàng.

Trên khoảnh sân rộng rợp bóng cây cổ thụ, dân bản Ca Roong dựng một dãy 19 nếp nhà tre, nứa lá nho nhỏ được trang trí xinh xắn. Gian chính là nơi làm lễ treo chiếc trống. Trống của người Ma Coong không giống trống người Kinh, tang trống được làm từ cây Chi Cúp – một loại cây thân gỗ, ruột rỗng, sống hàng trăm năm trong rừng sâu nên tang rất bền có thể làm từ lễ hội này đến lễ hội khác. Mặt trống được bịt từ da một con trâu to, khỏe. Trống lễ được chằng bằng những sợi dây mây rừng xâu chéo với nhau rồi lấy những chiếc nêm tre nêm chặt lại kéo cho mặt trống căng ra có hình kỳ dị trông như một quả cầu gai. Âm thanh của tiếng trống là hiện thân của tâm linh như tiếng lòng của người Ma Coong giữa đại ngàn Trường Sơn không bao giờ bị khuất phục bởi bão tố, mưa sa, kẻ thù, thú dữ. Vì thế khi căng da trống dân bản làm hết sức tỷ mỹ, công phu sao cho tiếng trống giòn mà vang xa.

Khi mặt trăng nhô lên sau đỉnh núi, 18 mâm cỗ của 18 bản làng tộc người Ma Coong rải rác trên đại ngàn Trường Sơn được bưng lên, trang trọng đặt trong các nếp nhà hành lễ vừa dựng.

Ngửa đầu lên trời thấy trăng tròn là lúc vào giờ khai lễ.

Già làng đọc văn khấn mời Giàng về: “Chúng con mời Giàng rừng, giàng núi, Giàng suối, Giàng cây về vui cùng dân bản.

Giàng cho chúng con hạt lúa sây bông, củ khoa củ sắn to như bắp chân.

Giàng cho người già, con trẻ sức khỏe khỏe như con voi rừng. Con gái, con trai có chồng, có vợ, con cái sum suê tươi tốt như măng rừng”.

Đọc xong văn cúng già bản đem lúa, gạo trên mâm cỗ vãi ra bốn phía và nói lời cầu mong hạt nảy mần, cho lúa về đầy bồ.

Sau lễ cúng Giàng già bản phát lệnh:

– Vui lên! Giàng ơi!

Đó là lúc dân bản cùng nhau ùa vào, khách tham dự lễ cũng ùa vào tranh nhau lấy dùi đập lên mặt trống. Một vùng đại ngàn Trường Sơn âm vang tiếng trống.

Những ché rượu cần, những vò rượu Hiêng, những mâm cỗ có thịt gà, cá các loại đọt mây, đọt đoác… được bày biện quanh đống lửa, những người không đánh trống, bất phân già, trẻ, trai, gái quây quần vừa múa hát vừa uống rượu vừa thưởng thức những sản vật của bản làng.

Lũ trai trẻ giành nhau dùi trống trổ tài đánh thật nhanh, thật khỏe để mặt trống nhanh thủng. Người Ma Coong cho rằng: dùi trống là “dương”, mặt trống là “âm”, dùi trống là “trời”, mặt trống là “đất”. Trống thủng là lúc âm dương, trời đất hòa hợp làm một, con trai, con gái được đến cùng nhau. Vì thế, trống phải được đánh thủng trước khi trời sáng, càng sớm càng tốt để nam nữ có nhiều thời gian bên nhau. Theo luật tục của người Ma Coong sau Mai mọc là lúccon trai, con gái phải chia tay nhau về với rẫy với nương.

Tình yêu nam nữ đã trở thành động lực để các chàng trai Ma Coong dồn hết sức lực vào dùi trống, thi nhau cùng đánh liên hồi, vùa đánh vừa la hét um sùm:

– Roa Lữ! Giàng ơi! (vui quá, sướng quá ông trời ơi!)

Và khi một âm thanh mong đợi được vang lên: Pụp, Pụp… báo hiệu trống đã thủng, dùi trống đã găm sâu vào mặt trống. Cả lễ hội như vỡ òa, tất thảy mọi người cùng đứng dậy hô to:

– Roa Lữ! Giàng ơi!

Chỉ chờ có vậy! những đôi trai gái lâu nay đã thầm yêu trộm nhớ ríu ran dắt tay nhau ra bờ suối, rừng sâu tâm tình, trao gửi yêu thương.

Nhiều cặp sau lễ hội đập trống đã chọn ngày lành, tháng tốt để bố mẹ đến đặt lễ trầu cau nên duyên vợ chồng.

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái (Trường Đại học Huế) người nhiều năm đã nghiên cứu về tộc người Ma Coong cho biết:

– Trải qua nhiều biến động của lịch sử, lễ hội đập trống của người Ma Coong vẫn giữ gìn được nhiều giá trị văn hóa độc đáo mà ẩn sâu bên trong là tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cầu mong sự hài hòa âm dương trong cuộc sống.

Khi sao Mai chênh chênh đầu đỉnh núi, nàng rạng Đông giơ những ngón tay hồng gỡ dần các vì sao ấy là lúc lễ hội đập trống của người Ma Coong kết thúc.

Nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Phong Nha Kẻ Bàng – điểm du lịch hấp dẫn của cả nước và bạn bè quốc tế, Bản Ca Roong đêm hội đập trống của người Ma Coong những năm gần đây đã trở thành điểm đến của du khách thập phương.

NGUYỄN KHẮC THUẦN- Tạp chí Nhật Lệ

Trich nguồn: Vanvn.vn