Vùng đá cổ đầu nguồn sông chảy – Bút ký của Cao Xuân Thái

Bãi đá cổ Xín Mần, không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn, mà chúng còn là điểm di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống của người dân, rất nổi tiếng của tỉnh Hà Giang, được Nhà nước công nhận là di sản cấp quốc gia, thu hút hàng vạn khách du lịch tới khám phá hàng năm…

Nhà văn Cao Xuân Thái

Có lần qua Xín Mần quê hương của mận hậu Nàn Ma và gạo đặc sản Nàng hương nổi tiếng, nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết hai câu thơ: ”Đi thì bản Thuẫn, bản Gia / Về thì đèo Dục, cũng là đèo Thông“. Câu thơ này còn có ý đến Xín Mần thật gian nan, xa xôi, cách trở, sông suối đèo dốc chia cắt… Bởi vậy những năm chưa xa, Xín Mần còn được mệnh danh là “ xứ mù “nghĩ đến Xín Mần là người ta ái ngại.

Qua huyện lỵ Hoàng Su Phì, dòng suối Đỏ cuộn réo, lúc ẩn, lúc hiện dưới rừng thông Mã vĩ ngút ngàn. Bên trái dòng sông Chảy đã trong xanh trở lại sau mưa, bờ đá dựng thăm thẳm, lau lách trắng bạc hoang sơ, thi thoảng bên đường thác nước cao ngất đổ xuống ầm ào, trắng xóa, hơi lạnh từ ruột đá, từ bụi nước phả ra thật dễ chịu. Con sông Chảy thật khác thường, thượng nguồn của nó phát nguyên từ suối Nậm Má – Cao Bồ ( Vị Xuyên), ngược Nậm Ty ( Hoàng Su Phì ) đến cầu Cốc Pài ( Xín Mần ) dài 70 ki lô mét. Đoạn này có tên là sông Cốc. Từ cầu Cốc Pài, con sông chảy qua lòng núi vào địa phận Trung Quốc 56 ki lô mét, dòng nước vòng xuống, đổ vào thủy điện Thác Bà ( Yên Bái ) cho đất nước ta nguồn năng lượng trắng dồi dào…

Địa hình Xín Mần đặt trong khu vực của khối núi thượng nguồn sông Chảy. Đây là khối núi Granit lớn nhất và cổ nhất bắc bộ, nằm ở phía tây thành phố Hà Giang, được cấu tạo cách đây 500 triệu năm. Khối núi rộng đến 2.500 ki lô mét vuông, quả là một kỳ quan thiên nhiên còn ẩn chứa bao điều bí mật…Xín Mần có độ cao trung bình 1.200 mét – 1.600 mét, với dãy Hoàng Văn Thùng (còn có tên là núi Hoàng Văn Đồng, núi Gia Long ) cao trên 2.000 mét so với mặt nước biển. Dãy Chiêu Lầu Thi ( còn có tên là Kiều Liên Ty – chín tầng mây) hẳn chỉ kém Phan Xi Păng chút ít…)

Phố huyện tựa lưng vào dãy núi Nàn Ma cao ngất, những tòa nhà cứ cứ gối đồi, gối núi mà lên cao, nhiều thiết kế trông lạ mắt. Để tạo độ bền vững lâu dài cho những công trình ở đây, có lẽ không gì thay thế được xi măng, sắt thép và ý chí con người.

Tôi lang thang suốt buổi chiều phố huyện, từ khu chợ, đến các ngóc ngách nhà dân, hàng hóa đủ kiểu được bày bán la liệt. Những quán ăn thơm phức gia vị, chủ, khách chân tình cởi mở… Tôi thấy cuộc sống không có sự khác biệt lắm so với những vùng đô thị dưới xuôi.

Đến Xín Mần không thể bỏ qua địa danh Nàn Ma, nơi yên nghỉ của 12 Nghệ sỹ đoàn Văn công Lao – Hà – Yên, Binh đoàn 148 bị thổ phỉ giết hại vô cùng dã man, cái ngày đáng ghi nhớ ấy là đêm 08 .11.1952, đã được ca sỹ Quang Hưng mô tả chi tiết, cảm động về sự hy sinh bất khuất của các Nghệ sỹ chúng ta trong bài viết “ Trên đỉnh Tây Cô Lĩnh “…

Sau khi hoàn thành chương trình biểu diễn, phục vụ chiến sỹ, đồng bào các dân tộc huyện Xín Mần vừa được giải phóng. Các Nghệ sỹ của ta đã nghỉ lại trong một ngôi nhà sàn của đồng bào ở bên đường, để sớm mai hành quân theo đơn vị. Thình lình nửa đêm, một toán thổ phỉ có vũ trang lén lút mò tới bao vây ngôi nhà này. Tuy bị tập kích bất ngờ, vũ khí trong tay quá ít, các Nghệ sỹ của ta vẫn bình tĩnh tổ chức đánh trả quyết liệt bằng tiểu liên và lựu đạn. Hết đạn các đồng chí dùng báng súng quật vỡ đầu nhiều tên… Cuối cùng một toán thổ phỉ khác cũng vào được nơi ở của chiến sỹ ta. Chúng định bắt sống đồng chí Lê Văn Sự, nhưng anh đã kịp rút chốt lựu đạn cho nổ, mấy tên phỉ đã đền mạng và anh Sự cũng hy sinh… Riêng nghệ sỹ chơi phong cầm Lê Văn Chương chúng bắt sống anh, bắt anh mang theo cả cây đàn vào hang để biểu diễn, mua vui cho chúng… Anh Chương đã đập nát cây đàn, thét lên, chửi vào mặt chúng, tên tướng phỉ khát máu rút súng hạ sát anh tại chỗ… Cảm động hơn là hai vợ chồng Nghệ sỹ Nguyễn Thị Hảo – Lê Văn Chương đã ngã xuống một cách oanh liệt. Máu xương của các anh, các chị và đồng đội đã đổ xuống mảnh đất biên cương xa xôi này cho màu xanh và tiếng hát bay xa…

Năm 2002, huyện ủy và nhân dân Xín Mần đã đưa các anh, các chị về nghĩa trang của huyện… Tôi ngắt một chùm hoa rừng thơm ngát, thành kính đặt trước tượng đài ghi công, ánh mắt nhòe đi trong khói hương ngào ngạt, trước những tuổi tên đồng nghiệp mà tôi chưa hề biết mặt nhưng quá đỗi thân thiết. Các anh, các chị đã vĩnh viễn mằm trong lòng đất mẹ, nhưng tiếng hát thì còn mãi, nhắc nhở những người cầm bút chúng tôi về sự hy sinh lớn lao đem lại bình yên cho một vùng biên cương…

Lần này tôi thật may mắn, được bạn bè nhiệt tình hướng dẫn đến thăm bãi đá cổ thuộc xã Nấm Dẩn còn được gọi bằng cái tên “Nà Lai “ cách trung tâm huyện 15 km, là một tập hợp những phiến đá khổng lồ có 7 phiến đá và 2 phíến đá cực lớn,  với những ô vuông, hình chữ nhật, hình tròn, nhiều nét chạm khắc hình thù cổ xưa trông rất lạ mắt, nằm rải rác bên dòng sông Nậm Khoang trong một thung lũng rộng lớn. Đặc biệt của những khối đá này, ngoài nét chạm khắc, còn có 80 hình, 80 lỗ vũm với độ trũng trung bình 5- 6 cm, sâu 1- 2 cm, phân bố chủ yếu ở đầu phía tây của khối đá… các nhà khảo cổ cho rằng với những lỗ vũm được tạo ra bằng cách con người đã dùng đục sắt và búa tác động vào nhứng phiến đá. Niên đại của các hình vẽ có trên 1.000 năn tuổi.

Họa tiết hoa văn rất đa dạng như hình bàn chân người, hay chỉ đơn giản là những vạch đường thẳng song song, hình người với tư thế dơ hai tay, dạng hai chân như đang làm việc, chiến đấu… Nhiều họa tiết trên những phiến đá chưa hề xác định được hình dạng của chúng, những hình tượng này có cách vẽ giống như ở phiến đá bãi đá Sa Pa. Dấu vết phong hóa trên  khối đá lớn, có nhiều ký tự lạ, được các nhà khoa học chứng minh đã sáng tác cách đây hơn 1.000 năm và chưa thể giải mã, cũng như tìm ra chủ nhân của chúng.

Bãi đá cổ Nấm Dẩn có niên đại hàng ngàn năm, nhưng không hiểu tại sao nó không được biết đến nhiều như bãi đá Sa Pa (Lào Cai). Các nhà khoa học nhấn mạnh, bãi đá cổ Xín Mần không hề thua kém, thậm chí chúng còn mang vẻ đẹp lạ, độc đáo nổi trội hơn nhiều bãi đá cổ Sa Pa… Bãi đá cổ Xín Mần là loại hình di tích khảo cổ, có niên đại khoảng 2.000 năm và rất hiếm có ở Việt Nam. Đây có thể là di tích khu mộ của một thủ lĩnh cộng đồng hoặc khu đất thiêng thờ cúng các vị thần linh bản địa… Bãi đá cổ Xín Mần, không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn, mà chúng còn là điểm di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống của người dân, rất nổi tiếng của tỉnh Hà Giang, được Nhà nước công nhận là di sản cấp quốc gia, thu hút hàng vạn khách du lịch tới khám phá hàng năm…

Chiều đã xuống. Tôi đứng ở ban công tầng 3 khách sạn Gia Long bề thế, nhìn mặt trời đang mang đi những tia nắng cuối yếu ớt. Trong cái vẻ bí ẩn không cùng của điệp trùng núi non, trên những bình độ cao vời đã bảng lảng sương lạnh. Lúc này tôi có khoảnh khắc chìm đắm trong cảm nhận thiêng liêng, gần gũi của miền biên viễn xa xăm của tổ quốc. Nơi ấy, tôi đã từng đặt bước chân trên những nẻo đường Xín Mần sỏi đá, ngây ngất trước cảnh sắc thiên nhiên mà vẻ đẹp đã trở thành cổ điển, dẫu chỉ một lần ghé qua nhưng  trong lòng còn bồi hồi thương nhớ mãi…

CAO XUÂN THÁI

Trích nguồn: Vanvn.vn