Mùa lúa nương -Tản văn của Bùi Thị Hồng Vân

Tháng Ba về, khi những khóm hoa đơn đua nhau khoe sắc vàng rực rỡ trên khắp các triền đồi, khe suối cũng là lúc mùa làm rẫy trồng lúa nương bắt đầu vào vụ.

Vào mùa trồng lúa nương, xóm nhỏ của tôi vắng hoe chỉ còn lác đác vài cụ già ngồi tựa cửa bởi người lớn, thanh niên lên nương từ lúc ông mặt trời chưa dậy. Những bàn tay cần mẫn, chăm chỉ đảo đất, rẫy cỏ. Tiếng cuốc xẻng va vào đá núi lanh canh, tiếng chim “Bắt cô trói cột” thỉnh thoảng lại vút lên giữa không gian mênh mông, tiếng nói cười của những người đi làm nương hòa quyện vào nhau tạo nên một thứ âm thanh rộn rã xua bớt đi cái vắng vẻ của núi rừng. Chiều chiều, những đụn khói đốt nương bốc lên nghi ngút. Từng sợi khói ngoằn ngoèo bay mãi lên cao rồi tan ra lẫn vào mây trời. Trong không gian mênh mông chỉ còn vương lại chút ngai ngái, nồng nồng của mùi cỏ cháy. Những vạt nương đã được làm sạch, phơi ải, lộ ra màu đất nâu tơi xốp mỡ màng chỉ chờ ngày gieo hạt.

Khi làn mưa xuân nhẹ tênh giăng như tơ trên khắp núi đồi chính là lúc thích hợp nhất để gieo hạt. Chiếc gậy bám đầy bồ hóng đen nhức, được làm từ thân cây móc đã lên nước bóng loáng, được ba tôi lấy xuống từ gác bếp. Cha tỉ mẩn dùng con dao mỏng, sắc lẹm gọt lại đầu gậy cho tới lúc thật ưng ý mới thôi. Mẹ dỡ từ gác bếp xuống mấy cum lúa giống đã phủ đen bồ hóng đem ra vò lấy hạt. Rồi mẹ lụi cụi sàng sảy, nhặt nhạnh cho kỳ hết những hạt thóc lép. Mẹ bảo: “Lúa giống phải chọn thật kỹ thì hạt nảy mầm mới đều.”

Cha chọn ngày thích hợp làm mâm cơm cúng thần đất, thần rừng để làm lễ xuống lúa giống. Cha đi trước, tay cầm gậy móc. Cánh tay rắn chắc, cơ bắp nổi cuồn cuộn của cha nâng lên, hạ xuống đều đều. Những hốc đất nhỏ cách đều nhau dần hiện ra dưới mũi gậy móc của cha. Mẹ và các anh trai tôi theo sau, lom khom tra vào các hốc đất ấy một nhúm lúa giống. Xong xuôi, cha tôi cắm những ông bù nhìn bằng giẻ rách khắp nương để xua lũ chim, lũ chuột đang ngó nghiêng, rình mò nhặt nhạnh những hạt lúa giống nhỏ nhoi ấy. Xung quanh bờ nương mẹ rắc thêm chút vừng, xen thêm vài hạt củ đậu và khoai lang. Củ đậu, khoai lang lớn lên trong lớp mùn rác quanh bờ luôn mọng nước, ngọt lịm, mát lạnh. Chúng là thức quà anh em tôi mong đợi nhất mỗi chiều khi cha mẹ trở về sau một ngày miệt mài trên nương.

Ảnh minh họa Internet

Mươi hôm sau, từ các hốc đất nhỏ ấy, những mầm lúa non lún phún xanh trông như những cây kim mảnh mai đội đất chui lên. Những mầm lúa nhỏ ấy đằm trong sương ẩm và nắng ấm, chẳng mấy chốc sinh sôi, phân nhành, đẻ nhánh, xòe lá, mươn mướt vươn lên. Màu xanh non ấy trải dài trên các khắp triền rừng thấp và phủ kín các thung lũng ven bờ con sông Đà bốn mùa nước trong leo lẻo.

Những ngày làm cỏ lúa, người dân quê tôi lên nương từ lúc ông mặt trời chưa dậy và trở về nhà khi đàn gà đã lên chuồng. Cỏ lúa là công việc vất vả nhất trong năm. Con người phải chạy đua với thời gian, với nắng, với mưa để lúa không bị cỏ dại trùm lên, úp đi. Ngày ngày, đôi bàn tay của cha, của mẹ và anh em tôi vẫn cần mẫn xới đất, nhặt cỏ, vun gốc cho từng khóm lúa. Lúa xanh mướt cứ ngày một ken dày vào nhau còn mồ hôi trên vai áo cha tôi, mẹ tôi và những những người dân quê tôi cứ hết lớp này đến lớp khác đóng thành vệt, thành mảng trắng xóa trên những tấm lưng phơi dưới chang chang nắng hè. Lúa xanh bao nhiêu, vai áo cha mẹ tôi lại bạc đi bấy nhiêu. Những bàn tay sần sùi, thô nháp bởi bới cỏ, vun đất. Những bàn tay phồng rộp, sưng vù, đau rát bởi những con bọ nẹt lúa xanh lét, gai tua tủa, béo mẫm, đung đưa vít cong theo từng nhánh lúa. Tuy vất vả nhưng trong mắt cha mẹ tôi vẫn ánh lên niềm hân hoan, vui mừng khi ngắm nhìn nương lúa sạch cỏ, những khóm lúa mập mạp ngày càng ken kín vào nhau xanh mướt.

Những ngày cuối tuần được nghỉ học, tôi rất thích theo cha mẹ lên nương thăm lúa. Tôi lon ton chạy quanh bờ nương, hết nhìn ngắm sóng lúa xanh rờn cao ngang ngực, lại chui vào các bụi hoa mua ven bờ vặt vài nhành hoa tím đưa lên miệng nhấm nháp. Trưa đến, những ống nứa non vừa đủ độ dẻo được cha chặt xuống, bỏ gạo vào rồi thêm chút nước, nút chặt bằng nắm lá chuối rừng. Trong khi tôi thích thú xoay đều những ống cơm lam trên than hồng thì cha đi hái vài quả mỡ lợn, thứ quả rừng thuộc họ gấc leo vấn vít đầy các lùm cây bụi trong rừng. Quả xanh bóng, to như quả bưởi. Cha tôi dùng dao bửa đôi ra, tách lấy hạt rồi kẹp lại đem nướng. Thứ hạt mỡ lợn nướng trên lửa hồng, chín vàng rộm, dầu chảy xèo xèo, mùi thơm ngầy ngậy, vừa béo, lại vừa bùi. Bữa cơm trưa giữa rừng chỉ đơn giản vậy thôi nhưng mùi vị của nó khiến ta chỉ cần nếm thử một lần cũng khó có thể quên được. Cơm lam thơm mùi nứa non, quyện với cái béo ngậy của hạt mỡ lợn tạo ra một mùi vị rất riêng mà chỉ những người từng ở rừng mới cảm nhận được.

Cuối tháng Chín, nắng nhạt dần, tiết trời chuyển dần sang se se lạnh cũng là lúc những vạt lúa nương bắt đầu đỏ đuôi, trĩu xuống, uốn cong như lưỡi câu. Từng vạt lúa vàng xuộm, rập rờn đung đưa theo gió. Màu của no ấm ánh lên lấp lánh, trải dài dưới nắng chiều. Hương lúa chín thơm dìu dịu lan ra trong không gian. Thấp thoáng xa xa, một vài chú chim sẻ sà xuống vừa mổ mổ những hạt lúa chín vừa khẽ kêu lích rích. Cha tôi tất bật chuẩn bị cho những ngày thu hoạch lúa. Những con dao con lưỡi mỏng, sắc lẹm được cha mang ra mài lại đến sáng bóng, những chiếc đòn gánh bằng thân tre đực gài trên gác bếp được lôi xuống lau sạch bồ hóng. Ông chặt vài cây tre bánh tẻ chẻ những chiếc lạt thật dài để bó lúa.

Lúa nương cây cao, bông dài, hạt to nên người dân quê tôi không cắt cả rạ mà chỉ hái mỗi phần bông đem về. Lúa được bó thành từng bó nhỏ, các bó lúa gộp lại thành từng cum lúa vàng rực. Những chiều thu hanh hao gió, hanh hao nắng, từng cum lúa vàng xuộm kĩu kịt, thơm lừng nhún nhẩy theo từng bước chân cha tôi, anh tôi về nhà. Những cum lúa như những mâm xôi khổng lồ ấy được cha tôi lật ngửa phơi trên các sạp tre ngoài sân, rồi chất đầy trên gác bếp bốn mùa đỏ lửa. Gác bếp càng đầy, lúa càng nhiều, lòng mẹ cha càng vui bởi chúng tôi sẽ đi qua một mùa đông không lạnh, anh em tôi được chuyên tâm học hành mà không lo cái đói bủa vây.

Mẹ tỉ mẩn chọn những bông lúa dài, hạt to và mẩy nhất, tết lại thành từng túm nhỏ, để riêng làm giống cho mùa sau. Cha tôi chọn ngày đẹp trời làm bữa cúng cơm mới. Mẹ ngâm gạo, đồ xôi, giã bánh dâng cúng tổ tiên tạ ơn một mùa lúa bội thu. Ngồi quây quần bên bếp lửa bập bùng, vừa cùng nhau thưởng thức bát cơm nương ngút khói, thơm lựng, trắng ngần, dẻo quánh, Cha tôi và cô bác hàng xóm vừa chuyện trò rôm rả. Khuôn mặt ai cũng thật tươi vui, thật rạng rỡ. Những vết chân chim trên khuôn mặt ba mẹ như giãn ra, mờ đi. Tất cả như quên hết những tháng ngày vất vả đã trải qua và tràn trề hy vọng một mùa lúa mới trời yên gió lặng. Niềm vui của người nông dân nhiều khi cũng thật giản đơn bình dị biết bao.

Năm tháng trôi qua. Giống lúa nương thơm dẻo đậm đà nhưng rất kén đất, đòi hỏi nhiều công chăm sóc bây giờ thưa vắng dần trên đồng đất quê tôi. Thay vào đó là những vườn cam, vườn bưởi trĩu quả. Những ngày đầu đông, trong làn sương mờ lảng bảng, trong cái rét se se bắt đầu loang trong gió, ngắm nhìn những vạt cải xanh rờn trên các triền đồi quê mình, tôi lại tha thiết nhớ về những mùa lúa nương đã đi qua khi còn ấu thơ. Mùa của thương nhớ, mùa của những yêu thương ấm áp luôn lấp lánh trong ký ức của những đứa con xa quê.

Hòa Bình, ngày 28/10/2021

B.T.H.V