Lịch sử văn học Việt Nam, và cả lịch sử văn học thế giới đều chứng minh rằng, trong những giai đoạn lịch sử nóng bỏng, sôi động và nhiều biến cố xã hội nhất thường sản sinh ra những thế hệ nhà văn đặc biệt, cùng xuất hiện và cùng làm nên cả một phong trào văn học ghi đậm dấu ấn của một giai đoạn lịch sử.
Không nói đâu xa, ngay tại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, nếu khoảng thời gian 15 năm (1960-1975) đã tạo ra hẳn một dòng văn học nghệ thuật yêu nước, mang chất men nồng của những khúc ca đấu tranh cách mạng trong lòng đô thị, với cả một thế hệ nhà văn hào sảng mà tên tuổi đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng như các nhà thơ: Trần Quang Long, Hữu Đạo, Nhất Chi Mai, Phan Trước Viên, Hoàng Thoại Châu, Huy Giang, Hoài Hương, Phan Viên Hoài, Nguyễn Kim Ngân, Đam San, Triệu Từ Truyền, Trương Chính Tâm, Chinh Văn, Bùi Chí Vinh, Đoàn Khắc Xuyên… Và các nhà văn: Võ Trường Chinh, Hà Thạch Hãn, Biên Hồ, Nguyễn Âu Hồng, Trần Quang Long, Lê Văn Nghĩa, Hàng Chức Nguyên…
Đó là chưa kể đến lớp các nhạc sĩ (Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Nam, Nguyễn Văn Sanh, Miên Đức Thắng, La Hữu Vang, Trần Xuân Tiến, kể cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…) và các họa sĩ (Nguyên Hạo, Trịnh Thanh Tùng, Phạm Mỹ Trinh, Phạm Trường…). Nghĩa là cả một thế hệ văn học nghệ thuật sản sinh từ những biến động lịch sử đặc biệt, trong giai đoạn 1960 -1975 trong lòng Sài Gòn…
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ
Điều này đã được khẳng định qua chính những công trình nghiên cứu quan trọng của giới văn học nghệ thuật và của cả chính quyền TP.HCM, mà việc xuất bản bộ sách giá trị Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh (1900-2000) do sự phối hợp hiệu quả giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và Trung tâm Quốc Học, Chủ biên của công trình này là GS.TS Mai Quốc Liên. Bộ sách là một sự khẳng định mạnh mẽ về sức mạnh sáng tạo của văn học Sài Gòn –TP.HCM, qua các thời kỳ lịch sử.
Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang – Trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ, Đại học KHXH&NV TP.HCM người tham gia biên soạn giai đoạn 1 bộ sách Một thế kỷ văn học yêu nước cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh (1900-2000) thì “Điều thú vị là khái niệm “yêu nước, cách mạng” ở đây mang nghĩa rộng, chẳng hạn yêu tiếng Việt, sử dụng giỏi tiếng Việt cũng là yêu nước cách mạng”. Chính cách hiểu thoáng này đã khiến bộ sách có nhiều gương mặt được ghi nhận, giai đoạn đầu có Trần Chánh Chiếu, nữ sĩ Manh Manh, học giả như Ca Văn Thỉnh, nhà văn như Hồ Biểu Chánh… “
Có thể nói các khuynh hướng văn học Nam bộ giai đoạn đầu thế kỷ 20 đều được ghi nhận và đưa vào tổng tập này”. Có thể tìm thấy ở bộ sách đồ sộ này tác phẩm của những nhân vật nổi tiếng từ lâu ít được nhắc đến như: Cô gái xuân (Đông Hồ), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (Kiều Thanh Quế), Ngồi tù khám lớn (Phan Văn Hùm), Chúng tôi làm quốc sự (Phan Văn Trường), một loạt tác phẩm của Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Đình Kiên, Huỳnh Văn Nghệ…
Nhiều tác phẩm của các tác giả văn học tại miền Nam giai đoạn 1945-1954 cũng là tư liệu cần thiết cho những ai quan tâm. Đó là các tác phẩm như: Hồi ký của Bùi Công Trừng, các tác phẩm của Dương Tử Giang, Lê Vĩnh Hòa, Lý Văn Sâm, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Xuân Miễn, Vũ Bằng, Lưu Quý Kỳ, Nam Quốc Cang…
Công trình là sự tổng kết các sáng tác của nhiều tác giả thuộc nhiều trào lưu yêu nước, từ năm 1900 đến năm 2000. Toàn bộ công trình có 25 quyển sách, khổ lớn 19 X 27 cm, tổng cộng hơn 20.000 trang in với 1.560 tác phẩm thuộc các thể loại: tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, ký sự, thơ, kịch bản, chính luận, phê bình văn học, sân khấu, điện ảnh… của hơn 400 tác giả.
Những nhà thơ, nhà văn yêu nước xuất thân từ phong trào đấu tranh đô thị ở Sài Gòn những năm 1960-1975 được chọn là những tác giả thuộc giai đoạn văn học 1945-1975 ( ở Quyển 5, Phần 2, vì giai đoạn 1945-1975 chia làm hai phần: phần 1: 1945-1954 và phần 2: 1954-1975)(1), vì toàn thể bộ sách đồ sộ gồm 25 quyển sách khổ lớn này được chia theo ba giai đoạn: Giai đoạn 1900-1945; Giai đoạn 1945-1975 (có hai phần: Phần 1: 1945-1954 và phần hai, 1954-1975); và Giai đoạn 1975-2000.
Chỉ qua cách chia giai đoạn của bộ sách giá trị này, về các thế hệ văn học chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng, ở vào những cột mốc lịch sử quan trọng đã có những dòng văn học phản ánh chính giai đoạn lịch sử ấy. Hay nói khác đi, chính mỗi thế hệ nhà văn đã là những đứa con của lịch sử văn học nước nhà, mang hồn cốt và khuôn mặt của từng giaI đoạn lịch sử khác nhau của dân tộc.
Với việc đất nước độc lập thống nhất vào năm 1975, cái mốc lịch sử quan trong ấy đương nhiên cũng đã có những tác động lớn lao đến tâm tình và cách cảm nghĩ của cả một thế hệ thanh niên, dĩ nhiên không thể không làm nảy sinh một thế hệ các nhà văn, nhà thơ trẻ của TP.HCM vào thời điểm ngay sau ngày đất nước thống nhất.
Với thế hệ văn học này, chúng tôi đã từng nhắc đến (2) các nhà thơ: Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Thái Dương, Trương Nam Hương, Lê Thị Kim, Phạm Thị Ngọc Liên, Thanh Nguyên, Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc, Phạm Sĩ Sáu, Lâm Xuân Thi, Đặng Nguyệt Anh, Lê Tú Lệ, Tôn Nữ Thu Thủy, Đoàn Vị Thượng, Bùi Chí Vinh. Còn có thể kể: Hồ Thi Ca, Từ Nguyên Thạch, Cao Xuân Sơn… Và các nhà văn đã định hình văn nghiệp, như Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan…
Sau thế hệ nhà văn trưởng thành từ 1975 này không lâu, là một loạt các nhà văn khác đã xuất hiện và khẳng định tên tuổi về thơ có: Khánh Chi, Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn, Lê Hoàng Anh, Nhật Chiêu, Phan Ngọc Thường Đoan, Phùng Hiệu, Trần Thị Khánh Hội, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Kim Hương, Vũ Xuân Hương, Trần Mai Hường, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Thu Nguyệt, Inrasara, Nguyễn Tam Phù Sa, Trần Hội Nhân, Nguyễn Hải Thảo, Bùi Phan Thảo, Phan Trung Thành, Huệ Triệu, Tô Minh Yến… và đặc biệt là Nguyên Cẩn (Phạm Văn Nga), Trần Xuân An, hai cây bút có sức sáng tạo dồi dào, cả về thơ và văn xuôi; nhất là Phan Hoàng, với việc sáng tạo và phổ biến một thể thơ mới là thơ 1-2-3…
Về văn, có thể kể đến Bích Ngân, Trầm Hương, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Cao Chiến, Nguyễn Thị Châu Giang, Trần Nhã Thuỵ, Tiến Đạt, Gia Bảo…
Và thế hệ 8X tiếp ngay sau đó đã xuất hiện các tên tuổi La Thị Ánh Hường, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Trần Huy Minh Phương, Trần Võ Thành Văn, Tiểu Quyên,..
Rõ ràng, văn học bao giờ cũng là một dòng chảy liên tục. Hết thế hệ này tới thế hệ khác, các nhà văn, nhà thơ của chúng ta nối bước nhau như trong một cuộc chạy đua tiếp sức. Những thành quả mà mỗi người, trong những hoàn cành sống khác nhau, đóng góp được cho văn học, dù ít dù nhiều, đều rất đáng trân trọng.
Thế hệ những nhà thơ, nhà văn trưởng thành sau năm 1975, tại TP.HCM, cho đến nay, sau hơn 40 năm sáng tác đã thực sự xây dựng được cho chính bản thân và cho văn học thành phố những giá trị văn học vững chắc. Các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Bích Ngân, Lê Minh Quốc; các nhà thơ Bùi Chí Vinh, Trương Nam Hương, Phạm Sĩ Sáu, Phạm Thị Ngọc Liên, Tôn Nữ Thu Thủy, Đỗ Trung Quân, Trần Xuân An, Nguyên Cẩn, Phan Hoàng… đã là những tác giả tên tuổi của văn học Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
Tại TP.HCM, từ sau năm 1975 có nhiều cây bút thành danh từ hai cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ sinh sống và sáng tác nhưng trong bài viết này chúng tôi chỉ muốn được nói đến thế hệ các nhà văn trưởng thành từ năm 1975 về sau.
Xin thử nhớ lại tất cả những vui buồn, cái được cái mất của những năm tháng xáo trộn đến cùng cực sau cột mốc 1975, thử nhớ lại cái hào khí đã làm bừng dậy lòng người, nhớ lại cả những khó khăn trong cuộc sống mà mỗi người đã cố vượt qua. Có nhớ lại được tất cả những gì đã có, mới thấy được hết sức sống của một thế hệ thanh niên trong đó có các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ, vào thời điểm sang trang đáng nhớ ấy đang ở vào lứa tuổi hai mươi đã mạnh dạn cầm bút. Có cả những hạnh phúc và những mất mát. Có cả những đón nhận và những rẻ rúng. Và chính vì thế mà có người cầm bút như một biểu lộ ý thức tự giác, nhưng cũng có người đã cầm bút như một cách để tự chứng minh. Lại có cả những người cầm bút sáng tác như để tự động viên mình, và chân thành nhắc nhở bạn bè sống tốt hơn, với cả tấm lòng chơn chất và lãng mạn. Chỉ riêng về những điều đó thôi, đã đủ để chúng ta không thể quên những người cầm bút ở những ngày tháng sau cột mốc 1975 tại TP.HCM.
Bài viết này ngoài ý hướng bày tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ nhà văn trưởng thành sau năm 1975 tại TP.HCM (cho đến nay cũng đã ở vào lứa tuổi trên 60), chúng tôi còn muốn được chia sẻ với các bạn đọc trẻ, nhất là những bạn học sinh, sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Trước hết, là đối với thế hệ nhà văn trưởng thành từ ngay sau ngày Sài Gòn được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Trong các tác phẩm văn học của thế hệ nhà văn này dĩ nhiên là có thể có nhiều xu hướng khác nhau, nhưng bình tâm mà xét có thể thấy những xu hướng đó không phải là dị biệt với những thắc mắc tìm thấy ở các lĩnh vực nghệ thuật khác tại TP.HCM cũng như trên cả nước. Đó là việc đem ý niệm sự thật thay vào sự mô tả sự vật, tìm một lý tưởng nhân bản có thể giúp đưa con người ra khỏi những mâu thuẫn. Đó là sự thăm dò, khám phá đời sống nội tâm, vượt lên trên những thời sự và những xu hướng trói buộc của thời sự. Đó là sự hiến thân cho những khả năng của ngôn ngữ trong việc khám phá và diễn tả sự thật của cuộc sống. Tất cả những yếu tố đó đều có thể tìm thấy trong tác phẩm của các nhà văn trưởng thành trong những năm sau 1975, kể cả với lớp nhà văn trẻ từ đầu thế kỷ 21 tới nay, tại TP.HCM. Từ nhận định mang tính chủ quan đó, chúng tôi cũng muốn cùng bạn đọc suy nghĩ về một vài vấn đề.
Cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật khác, văn chương bao giờ cũng muốn đề nghị với người đọc, những người thưởng ngoạn nói chung một cách suy nghĩ, một lối suy nghĩ nào đó. Tác phẩm văn học, như thế, đòi hỏi người đọc phải cùng với tác giả sáng tạo lại, không ngừng suy nghĩ để cùng tìm ra một giải đáp cho những điều mà văn chương đã đặt ra. Câu trả lời bao giờ cũng ở về phía người đọc hơn là ở về phía các nhà văn. Vì như Saint John Perse đã từng nói: “Nhà văn, tuy chẳng muốn, cũng thấy mình bị ràng buộc vào cuộc biến chuyển của lịch sử. Và trong bi kịch của thời đại, không có sự gì mà nhà văn chẳng quan tâm. Nhà văn (có trách nhiệm) nói rõ cho mọi người về sự ham sống trong thời đại mãnh liệt này…Vả chăng, biết nhường lại cho ai vinh dự được sống thời của chúng ta?”.
Đổi mới và tiếp nhận – Tập tác phẩm lí luận phê bình Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Nxb Văn học 2023.
Trong chừng mực nào đó,chúng tôi muốn khái quát những thực thể văn chương của thế hệ nhà văn trưởng thành sau năm 1975, tại TP.HCM.
Thứ nhất, tác phẩm văn học là nhịp cầu giúp cho con người trưởng thành, và giúp cho chúng ta bước vào thế giới nội tâm để khám phá ra những điều mới mẻ của tâm hồn. Đó cũng có thể chính là con đường dẫn đưa ta trở về lại với chính tâm hồn ta trước mọi biến động của lịch sử xã hội.
Có thể hiểu việc chọn lựa dùng văn học để tiếp cận cuộc sống là quan niệm sống, là sự chọn lựa của các nhà văn… Nhưng thái độ sống ấy, sự chọn lựa cách thế sống ấy đã được các nhà văn TP.HCM thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1975 không hề nói ra với cái vẻ đại ngôn, cao giọng, mà chỉ bày tỏ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Nhờ thế, cái đẹp của một cách thế sống cũng là cái đẹp của tâm hồn, của tác phẩm văn học và của sự an nhiên..
Nếu chịu khó suy ngẫm ta dễ nhận ra đó cũng chính là cách biểu hiện cuộc sống tâm hồn của tuyệt đại đa số chúng ta. Bởi trong nền văn hoá thường tồn (permanence) của dân tộc chúng ta luôn chất chứa vừa đạo lý, vừa tình yêu cuộc sống, niềm tin vào sự tồn tại của những giá trị nhân văn và cả nỗi đam mê các thú vui bình thường của những con người luôn biết dung hợp những lạc thú cuộc đời và lý tưởng hướng thiện. Từ người nông dân chân đất cho đến những kẻ sĩ, các nhà thơ dân tộc, và mọi tầng lớp xã hội hiện nay đều luôn giữ được cho mình cách thế sống ấy.
Cái “bình tâm” ấy thực ra phải kinh qua nỗi đời, phải luôn luôn tự vấn và biết rút ra bài học về thế thái nhân tình mới có thể có được. Đó hoàn toàn không phải là một sự trốn chạy trong tư tưởng, mà chính là một cách “ngộ” về lẽ đời. Và để “ngộ” được điều ấy, tưởng chừng như các nhà văn trưởng thành sau năm 1975, tại TP.HCM, đã phải trải qua những nỗi đời đa đoan.
Chính ở đây ta lại tìm thấy con người thực của các nhà văn dẫu có lúc lắng lòng để lý giải lẽ đời, thì trước sau, đó vẫn là một con người ham sống, muốn lao vào cuộc sống, vào công việc và vào tình yêu với tất cả nỗi đam mê và tấm lòng nóng bỏng, nồng nàn. Thêm một điều nữa để hiểu về thế hệ nhà văn này là cái tâm tình ấy, trong đam mê vẫn có sự tự thức về thời gian. Tôi nói có thêm một điều để hiểu về thế hệ nhà văn trưởng thành sau năm 1975 tại TP.HCM là như vậy. Hiểu theo một góc nhìn tự thân thì đó cũng là để mỗi chúng ta tự quay cái nhìn vào chính bên trong chúng ta, tự hiểu lại mình trong lẽ biến dịch của thời gian. Và ta có thể nói rằng cuộc sống của chúng ta là thời gian vừa mất đi nhưng cũng là thời gian vẫn còn lại. Theo tôi, ý niệm thời gian trong tâm hồn của con người chính là ý niệm của một thứ thời gian nối kết (temps lies). Chính sự trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại ấy đã làm nên tình yêu trong chúng ta. Và đâu phải là tình cờ khi có người cho rằng tình yêu chỉ có thể giữ sức mạnh và vẻ đẹp quyến rũ của nó nếu óc thông minh và trí tưởng tượng có được một sự tự do sáng tạo nào đó thêm vào cho tình yêu. Các nhà văn thuộc thế hệ 1975 đã có được sự sáng tạo đó trong tình yêu, dẫu chưa phải đã luôn luôn cân bằng, dẫu vẫn phải luôn tự vấn.
Thứ hai, nỗi băn khoăn có tính triết học ấy thực ra không phải ai cũng có được, mà phải là người đã kinh qua mọi lẽ thịnh – suy, được – mất, có – không giữa cuộc đời đa đoan lắm nỗi này, rồi lại phải luôn biết tự vấn và biết rút ra cho mình bài học về thế thái nhân tình, bài học về kiếp người thì mới có thể có được một thứ ý thức tự thân này. Không thể giấu được sự rung động nghệ thuật, tôi yêu thích vô cùng cái âm thanh vô thanh của trái tim nghệ thuật ấy. Đây quả là một thứ thẩm mỹ tự thân mà đa số các nhà văn thế hệ 1975 tại TP.HCM đã tâm đắc và đã thể hiện trong tác phẩm. Hiểu theo một góc độ khác, nhà thơ trong một mức độ nào đó phải là “kẻ lấy trộm lửa thiêng” (Le poète est vraiment voleurde feu – Rimbaud).
Đó hoàn toàn không phải là thái độ an phận, dàn hòa trong tư tưởng, mà thực sự là một sự “đốn ngộ” trước nỗi đời. Và để “ngộ” được điều ấy tưởng chừng như các tác giả văn học cùng góp mặt ở thành phố giàu nhân ái, nặng nghĩa tình này đã phải trải qua những nỗi đời dằn thúc không nguôi, phải học được những bài học tưởng như giản dị mà lại vô cùng sâu sắc từ cuộc sống bình thường.
Như một cuộc hôn phối trái ngang, tác phẩm văn học là biểu hiện của con đường ra đi gặp gỡ lối trở về, tâm thức con người nhiều khi cũng vậy. Giữa mong manh và vĩnh cửu nhìn theo một góc độ nào đó không hề là sự đối lập mà đó chính là sự song lập. Tôi nhận thức được điều đó sau nhiều năm theo dõi, tìm đọc và cảm nhận rút ra được cho chính bản thân mình những bài học sâu sắc từ những tác phẩm văn học của lớp nhà văn trưởng thành sau năm 1975 tại TP.HCM. Những tác phẩm của lớp nhà văn trẻ này đã giúp tôi tìm thấy cuộc hành trình của con người đi tìm bản thể. Đi, và đi, dù có thể là không tới, nhưng có hề chi, vì điều quan trọng chính là sự lên đường. Đời người luôn là những buổi lên đường, đời người cũng là những lối trở về. Con đường ấy có thể chìm trong những bình minh sương mù hay những buổi hoang hôn mưa bụi, nhưng không vì thế mà con người không thể không suy ngẫm về những lối đi của lịch sử, xã hội. Bởi đó chính là ý nghĩa của sự hiện diện của chúng ta trong cuộc đời này, trong thế giới này, dẫu rằng đó là một thế giới bất toàn.
Viết về những nhà văn trưởng thành sau năm 1975, tại TP.HCM, tôi muốn được ghi lại những ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, sắc nét, thực sự lôi cuốn tâm hồn tôi về thành quả văn học của một số không nhiều những cây bút mà tôi yêu thích.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Tôi đã từng viết về thơ Nguyễn Nhật Ánh như thế này: “Thơ Nguyễn Nhật Ánh giúp tôi nhận ra một điều có tính chung nhất, thơ thực sự chinh phục được con người khi nhà thơ không phải lặn xuống đáy vô biên để tìm ra cái mới lạ, mà chính là nhà thơ đã biết đi vào cùng kiệt của sự vật hữu hạn để tìm ra cái vô hạn. Trong ý nghĩa đó, thơ chính là khuôn mặt và bề sâu của sự vật mà cuộc đời được phản ảnh, cộng với cái gì mà nhà thơ thêm được vào cuộc đời và sự vật đó. Nói khác đi, từ chính cuộc đời thực đôi khi rất trần trụi này, nhà thơ đã không ngừng đẩy lùi xa hơn các giới hạn của cuộc đời và của đời sống tinh thần. Và, trong một ý nghĩa nào đó, tình yêu chính là chốn nương thân và cũng là cõi trở về…Thơ Nguyễn Nhật Ánh đạt tới sự bình đẳng với cuộc đời trong ý hướng tỏ bày với chính cuộc đời đó…” (3).
Về văn xuôi, Nguyễn Nhật Ánh từ hơn 20 năm nay trở thành một nhà văn có sách bán chạy nhất (best seller) trên khắp đất nước Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có sách bán chạy nhất
Truyện dài đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nxb Măng Non, 1985). Năm 1990 truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995 Nguyễn Nhật Ánh được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lãnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998, Nguyễn Nhật Ánh được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Đến nay Nguyễn Nhật Ánh đã xuất bản trên 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc trẻ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2004, Nguyễn Nhật Ánh ký hợp đồng với Nxb Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 28 tập mang tên Chuyện xứ Langbiang, nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Ngoài ra, với Nguyễn Nhật Ánh tác phẩm văn học được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và dựng thành phim ăn khách là điều giúp tên tuổi nhà văn này được yêu mến không chỉ ở Việt Nam, như các tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Kính vạn hoa, Bong bóng lên trời. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh cũng được dịch ra tiếng nước ngoài và tạo được sự ái mộ ở nhiều nước, như các cuốn Mắt biếc (Dreamy Eyes), Cô gái đến từ hôm qua (The Girl from Yesterday)…
Nhà thơ Phan Hoàng
Phan Hoàng là nhà thơ đã tạo nên rất nhiều dư luận trái chiều, nhưng theo chúng tôi, quan trọng nhất là thơ anh độc đáo. Phan Hoàng luôn tự làm mới chính mình. Hãy đọc trên báo, mới ngay sáng hôm nay thôi, khi tôi đang ngồi viết bài này: “Đối với nhà thơ thì cách viết, bút pháp của anh ta là một nửa việc làm. Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ tìm cho ra bút pháp của mình nghĩa là trở thành nhà thơ” (Rasun Gamzatov). Nhà thơ Phan Hoàng đã định nghĩa mình theo cách ấy. Đi con đường không hề có dấu chân, trên độc đạo anh đã gặp chính mình, một gương mặt thơ lạ hậu hiện đại (Báo Công an Nhân dân, Chủ nhật ngày 27.8.2023).
“Phan Hoàng đã đưa vào tập thơ Chất vấn thói quen của anh những cuộc đời của lịch sử, nhân dân, nghệ thuật và cả của chính mình. Đọc tập thơ anh, sẽ thấy tất cả những điều đó hiện diện và độc giả sẽ gặp bản thể của riêng anh”. (Công an Nhân dân, Chủ nhật 27.8.2023, dẫn lại theo Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia).
Nhà thơ Phan Hoàng người khai sinh thể thơ 1-2-3
Nhưng theo chúng tôi điều đáng nói nhất là Phan Hoàng, đã thực sự sáng tạo khi tạo ra được một thể thơ mới và được đông đảo những cây bút trẻ, phần lớn thuộc thế hệ 7X-9X trên cả nước ủng hộ và sáng tác theo. Hãy nghe nhà văn Cao Chiến kể: “Cách đây vài năm, chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, nhà thơ Phan Hoàng nảy ra ý định tạo một thể thơ mới, gọi nôm na là Thơ 1-2-3. “Mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ nhằm tránh sự dễ dãi trùng lắp tên bài thơ của người đi trước dẫn tới đạo văn. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ. Nghĩa là, Thơ 1-2-3 tương ứng tối đa 11-12-13 chữ trên mỗi câu của mỗi đoạn, với nội dung đi từ hướng ngoại dần vào hướng nội”.
Phan Hoàng nung nấu trong một thời gian đủ dài cho đến chuyến xuất ngoại thăm nước Nga, cùng với một số văn nghệ sĩ trong Liên hiệp các Hội VHNT – TPHCM, mùa thu năm 2018… Trong chuyến đi ấy, Phan Hoàng đã viết một mạch chừng hai chục bài Thơ 1-2-3. (Dẫn lại theo Wikipedia).
Nhà văn Bích Ngân
Cho đến nay, có lẽ dấu ấn lớn nhất mà nhà văn Bích Ngân đạt được là tiểu thuyết Thế giới xô lệch. Được xuất bản vào năm 2009, Thế giới xô lệch đã ngay lập tức tạo được sự yêu mến của bạn đọc và được giới phê bình nghiên cứu văn học đánh giá cao.
Tác phẩm này đã được tái bản đến lần thứ 6 . Thế giới xô lệch đã được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2010 và đoạt giải nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP HCM 5 năm lần 1 (2011-2016).
Tại Hội thảo khoa học quốc gia Thế hệ nhà văn sau 1975, do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 28.4.2016, nhà nghiên cứu Đoàn Thị Ngọc có nhận xét xác đáng về tiểu thuyết Thế giới xô lệch: “Cũng giống với Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, nhân vật Tôi trong Thế giới xô lệch được nhà văn Bích Ngân lấy cảm hứng trong một lần đến thăm viện quân y, trong đó có một trại thương binh là các chàng trai trẻ bị mất đôi chân do bị vướng phải bom mìn…
“Còn nhà phê bình Trần Hoài Anh nhận định: “Cái nhìn hiện thực của Bích Ngân cũng như của số ít ngòi bút thế hệ nhà văn trưởng thành sau 1975 không phải là cái nhìn hiện thực giản đơn, một chiều mà là cái nhìn hiện thực đa chiều, đa diện như nó vốn có. Thế giới xô lệch chính là một cuộc “giải phẫu” khá sâu sắc và tinh tế về tâm thức và tâm cảm của con người Việt Nam thời hậu chiến…
“Với Thế giới xô lệch, Bích Ngân đã nắm bắt được hơi thở của cuộc sống, đã lăn lộn trong vòng xoáy của cuộc sống bằng một tinh thần nhập cuộc và dấn thân”.
… “Với 13 năm là Phó Giám đốc Nxb Văn nghệ rồi Nxb Văn hóa – Văn nghệ, Bích Ngân có điều kiện đọc và góp phần làm “bà đỡ” cho những tác phẩm văn học có giá trị, nhiều hơn hết là tác phẩm của người viết trẻ.
“Ba đợt ra mắt sách, Tủ sách 8X đã lần lượt giới thiệu đến công chúng những gương mặt văn chương của thế hệ mình: Nguyễn Kim Hòa, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Hữu Tài, Tiểu Quyên, Trần Minh Hợp, Trương Thanh Thùy, Vũ Văn Song Toàn, Nguyễn Anh Đào…”.
“Không chỉ có thế, theo tôi cho đến nay, Bích Ngân đã trở thành một cây bút quen thuộc của làng trào phúng, châm biếm với các tập sách như Trăng mật ở đảo, Cái đầu siêu định vị”
… “Tôi đã lầm lũi, vén từng hạt bụi thời gian trên từng trang sách để tìm lại những cây bút viết trào phúng Việt Nam. Quái lạ, tôi không hề thấy một tác giả nữ. Chẳng lẽ, phụ nữ không biết cười, không biết bỡn cợt, không biết hí lộng giang hồ như các đấng tu mi nam tử? Vô lý quá!
“Không riêng gì văn xuôi, mà ngay cả thơ trào phúng cũng thế. Vắng bóng các gương mặt nữ. Họ không có mặt ở sân chơi này…
“Vì thế, với Trăng mật ở đảo, Bích Ngân cũng đã tạo cho mình một dấu ấn riêng.
“Viết trào phúng là một cuộc chơi cần có nội công thâm hậu. Có lúc tuyệt chiêu, có lúc hư chiêu. Vũ Trọng Phụng gặt lấy từng tràng cười sảng khoái của người đọc bằng chữ. Chữ ngộ nghĩnh, so sánh lắt léo, chữ nhảy múa bông phèng cà rỡn. Trong khi đó, Nguyễn Công Hoan lại quyết “ăn thua đủ” ở cái kết rất bất ngờ, thâm hậu. Tôi ngờ rằng Bích Ngân gần với Nguyễn Công Hoan…
“Chính vì thế, cái kết thúc của nó mới thật sự “ra đòn” một cách oanh liệt nhất. Các truyện trào phúng hầu như Bích Ngân đều sử dụng thủ pháp nghệ thuật này. Người đọc “choáng váng” bởi không lường trước những tình huống oái oăm có thể xảy ra. Mà tôi tin rằng, cái kết thúc nào cũng tạo cho người đọc một “ấn tượng” khiến ta phải phì cười, vừa cười vừa đau…
“Với Trăng mật ở đảo và Cái đầu siêu định vị, tôi tin rằng bạn đọc sẽ hài lòng với cuộc “trăng mật” giữa nhà văn trữ tình Bích Ngân với cây viết trào phúng Bích Ngân. Một cuộc xe duyên đã mở ra tín hiệu mới từ một sức viết đang thanh xuân. Và đang sung sức…
“Sự sung sức ấy, đang có, đang hiển hiện như một lẽ tất nhiên của một nhà văn tâm huyết với nghiệp, đau đáu theo từng con chữ. Không chỉ ở văn chương trào phúng, có lúc chị hướng qua sân khấu và đã gặt nhiều thành công thú vị.
“Chẳng hạn năm 2015 cũng là năm nhà văn Bích Ngân “được mùa” sân khấu. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đã trao giải B (không có giải A) cho kịch bản văn học Dòng xoáy nghiệt ngã – kịch bản này được dàn dựng trên sân khấu kịch nói, sân khấu cải lương, sân khấu truyền hình và vở diễn Dòng xoáy đoạt huy chương vàng trong cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 3 năm tổ chức một lần (2012-2015).
“Vở kịch Gương mặt kẻ khác diễn nhiều suất ở Nhà hát kịch nói 5B Võ Văn Tần, TP HCM mà Bích Ngân là tác giả cũng đoạt giải B về vở diễn của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. (Dẫn lại từ Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia)
Nhà văn Bích Ngân là Trưởng Ban điều hành Liên chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, từ tháng 9. 2017 đến nay.
Nhà văn Bích Ngân là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhà văn Bích Ngân là Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhà văn Bích Ngân là cây bút đa năng viết truyện ngắn, truyện hài hước, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu và Thơ.
Nhà văn Trầm Hương
Với nhà văn Trầm Hương “văn chương là sự dấn thân của người cầm bút. Tác phẩm của chị phần lớn được viết từ những chuyến đi nối tiếp nhau để tìm về các giá trị lịch sử, nhân chứng, sự thật”.
“Đi một hành trình rất khác với văn chương, nhà văn Trầm Hương có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn riêng Thị trấn không đèn, Người đẹp Tây Đô, Trong cơn lốc xoáy, Đêm Sài Gòn không ngủ…. Với chị, văn chương là sự dấn thân của người cầm bút. Tác phẩm của chị phần lớn được viết từ những chuyến đi nối tiếp nhau để tìm về các giá trị lịch sử, nhân chứng, sự thật”. (Văn học Sài Gòn, ngày 30.9.2020).
Với gia tài đồ sộ gần 10 tiểu thuyết, bốn tập truyện ngắn, một tập thơ và hàng chục phim tài liệu, nhân vật chính trong các tác phẩm của nhà văn Trầm Hương đa phần là phụ nữ. Trong cơn lốc xoáy, bộ tiểu thuyết mới nhất dày hơn 1.000 trang được nhà văn Trầm Hương viết công phu trong vòng 10 năm. Đó là cuộc gặp gỡ định mệnh giữa nhà văn và bà Jeanne Anna Villarialle, một Việt kiều Mỹ, con gái nuôi ngài giám đốc Tổng thuế ba miền Đông Dương với một người cộng sản đấu tranh cho độc lập dân tộc gắn liền với hiện thực xã hội Nam bộ suốt những năm đầu thế kỷ 20. Người phụ nữ giàu có và quyền lực chấp nhận tai tiếng, dư luận để yêu một Việt Minh thứ thiệt.
Nhà văn Trầm Hương tâm sự “Sự dấn thân của những người phụ nữ trong chiến tranh và hòa bình khiến tôi khâm phục, đồng cảm. Có lẽ vì vậy mà tôi viết nhiều về phụ nữ, giới gần gũi của mình. Khi ngòi bút mang lại sự công bằng cho những số phận bị quên lãng, lòng tôi tràn ngập hạnh phúc. Thực tế cho tôi bài học rằng nếu như khởi đầu trang viết bằng tấm lòng trong sáng, nồng nhiệt nhà văn được cuộc đời đền bù xứng đáng. Tôi có trải nghiệm sâu sắc rằng độc giả không quay lưng trước số phận con người” (Dẫn lại theo Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia).
Theo chúng tôi, với việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, nhất là người phụ nữ phải gánh chịu nhiều đau khổ trong chiến tranh, Trầm Hương thực sự đã tạo dựng dấu ấn văn học rất riêng, đặc thù và độc đáo. Và đó chính là điều khiến rất nhiều người đọc, không chỉ là bạn đọc phụ nữ, yêu mến tác phẩm văn học của Trầm Hương, một phụ nữ và là một cây bút kinh lịch.
***
Điều cuối cùng chúng tôi không thể không bày tỏ với bạn đọc nhất là những bạn đọc trẻ còn thiết tha, gắn bó với văn chương, những cảm nhận chân tình.
Trong điều kiện xã hội biến đổi như hiện nay, khi công nghệ thông tin chi phối mạnh mẽ cuộc sống (nhất là cuộc sống tinh thần, tình cảm) của mọi người, có thể đã có tình trạng khó khăn cho các tác phẩm văn học, nhất là những ấn phẩm thơ. Nếu xem đó là một bước quá độ của xã hội, khi cuộc sống có nhiều chuyển đổi thì cũng không hẳn là sai. Nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường, khi mọi chú tâm đều được đổ dồn vào chuyện lợi nhuận, thì việc sách văn học kén người đọc hay đúng hơn bị thờ ơ tưởng cũng chẳng có gì lạ. Trong tình trạng đó, một độc giả bình thường chịu chấp nhận, và dù muốn dù không, chịu tham gia vào những biến đổi của đời sống mà trong đó xã hội và những giá trị căn bản của xã hội, ít nhiều bị tác động và thay đổi, thì dù một cách có ý thức hay không họ cũng dễ trở nên bàng quan với một địa hạt lẽ ra không thể bàng quan, là địa hạt ngôn ngữ và biểu lộ tình cảm – địa hạt văn chương. Chúng ta chấp nhận điều đó. Nhưng chúng tôi vẫn luôn tin rằng, tại TP.HCM, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ không thờ ơ với văn học. Và hãy xem đó là một niềm vui. Hãy xem đó là một trách nhiệm cao cả được trao gửi vào nghị lực và quyết tâm của các nhà văn hôm nay, tại thành phố nắng gió phương Nam này.
TẦN HOÀI DẠ VŨ
Trích nguồn: Vanvn.vn
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ niệm 01 năm sinh nhật Đường Văn
Đẻ rơi – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh
Giữa mù sương – Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam
Mặt nạ – Truyện ngắn của Đinh Ngọc Lâm