Thuốc đắng – Truyện ngắn của Phạm Thị Duyên

 Không hiểu sao gần nàng tôi như con mèo hoang được thuần hoá. Nàng đẹp. Đã hẳn nhưng chưa đủ. Ở nàng có một lực hút đến nỗi tôi không thể nổi sung mỗi lần nàng đi về cùng đám đàn ông không có khuôn mặt. Trước kia tôi chưa bao giờ mãn nguyện bởi những tham vọng trong tôi hun hút như một chiếc hang không đáy luôn xuất hiện khối hình quái dị chuyển động, đuổi bắt và giằng co. Nhưng nàng đã lay gọi tôi và trao cho tôi một món quà vô giá.

Là trưởng khoa mắt tại bệnh viện tiếng tăm của thành phố, tiếp xúc với hàng ngàn con mắt, từ đôi măt đỏ ngầu úp chụp, lồi trố, ngờ nghệch cho đến ánh mắt lá dăm tình tứ. Nhưng tuyệt nhiên chỉ có đôi mắt nàng, đôi mắt như tập hợp tất cả mà không lẫn phải của ai, đôi mắt nóng bỏng, biến ảo trước mỗi lần tôi định rút ra định nghĩa.

Nhà văn Phạm Thị Duyên ở Ninh Bình – Hội viên mới Hội Nhà văn VN 2023

Nàng đã dậy, sau tiếng xối nước trong phòng tắm, cởi bỏ chiếc khăn lên thành ghế, rũ mái tóc được cuốn khéo léo trên đỉnh đầu xuống, nàng đi lại rất tự nhiên. Trước dáng vóc thanh tân uyển chuyển với đường nét giới tính hừng hực sức sống của vợ mình, tôi bị ngợp vào trạng thái đê mê nhục cảm. Ngắm mình khoả thân, ấy là thói quen thường nhật của nàng. Đã đành nàng có lý do để kiêu hãnh với vẻ đẹp kỳ ảo vốn có, còn tôi cũng không hiểu từ khi nào, tôi tự gọi thói quen ngắm nàng mỗi sớm là món điểm tâm tinh thần không thể thiếu.

– Em đẹp lắm!

– Đừng lãng mạn thế.

– Em sẽ cưng phụng tình yêu của anh chứ?

– Đừng hỏi em!

Nàng dướn mình, tôi áp môi hôn ướt át làn môi, đôi mắt, nước da mơ màng và cả đôi nhũ hoa cương cao ngang ngạnh hàng trăm hàng nghìn lần không bao giờ đủ. Tôi yêu nàng. Tôi muốn thoát ra khỏi cảm giác bồng bềnh, rạo rực chỉ để nói lên ngôn ngữ tưởng như xáo rỗng mà lại là đỉnh cao của những phút giây tuyệt diệu, toả lan, ngất ngây những kẻ thờ ơ coi đó là buông thả. Không, đó mới chính là yêu, mới chính là nhựa sống. Nó giống những kẻ sống lay lắt khát khao biến hoang mạc thành nơi nghỉ mát lý tưởng, những cô đơn muốn có một con thú con làm bạn tâm tình. Trong cuộc sống tràn ngập tình yêu cần phải có một hạt nhân mới để bảo tồn.

– Anh muốn được làm bố ngay bây giờ, em có hiểu không?

Tôi không giấu nổi sung sướng đang ngấm sâu trong cơ thể, tôi không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Vậy mà, nàng chỉ cười một kiểu cười vô cảm. Cơ thể săn chắc như con thú vồ mồi của tôi nhão ra, mọi háo hức bị tiêu tan như giọt nước hiếm hoi rơi trên cát bỏng.

– Thôi đừng giận, anh làm em mất khoái cảm rồi phải không?

Tôi cố vớt vát song chính mình lại rơi vào một thế giới hoàn toàn xa lạ. Ngột ngạt, bí bách. Đôi môi nhỏ xíu mòng mọng mỗi khi nàng cười nói làm tôi quên đi những lo lắng thường ngày giờ lại im lặng, lầm lì. Lạ thật, tôi không thể hiểu nàng hay nàng cố tình không hiểu tôi.

– Sao em không thích có con?

– Em có… – Nàng xoay người ôm lấy tôi, giọng lấp lửng buồn rầu – Ở tầm tuổi này em mong muốn điều đó hơn anh.

– Vậy thì sao?

Tôi kéo nàng ngồi dậy, tóc nàng xoà xuống che cái nhìn căn vặn của tôi.

– Em không muốn anh bị ràng buộc.

– Tại sao lại là ràng buộc, sáu năm sống chung chẳng lẽ em không hiểu?

Nàng vén lại mái tóc xù bông ra sau lưng cho gọn, giọng bỗng nhũn nhịn.

– Em hơn anh một giáp. Anh thương em, nhưng anh còn mẹ già, còn những người sống quanh anh. Ở thời buổi này người ta dễ dàng chấp nhận hàng rởm, hàng nhập lậu, hơn những kẻ coi thường đạo lý vợ chồng.

– Nhưng sẽ chẳng có gì gắn kết chúng ta hơn những đứa trẻ. Em đừng nghĩ quẩn. Tuổi của em… việc sinh nở…

Đủng đỉnh đứng dậy, nàng điều khiển độ mát từ chiếc điều hoà, màn ảnh chỉ xuống mười tám độ C. Nước hấp hơi ngoài cửa kính đã nhoè. Có thể tôi không đoán định rõ trong nàng ẩn chứa những gì nhưng rõ ràng nàng chỉ muốn tôi là người tình và bắt buộc dừng lại ở đó.

– Em vừa nói gì vậy? Anh chưa nghe rõ!

– Tối qua có một bức điện của Charles. Anh ta nói ba giờ chiều nay hàng sẽ có mặt tại Hải Phòng. Em còn phải lo chuyển hàng. Chuyện con cái để khi khác. Đừng rằn vặt em nữa!

***

Như con mối nhạy cảm với mưa rầm, tôi vùi mặt vào gối không gặng hỏi thêm. Thường thì một tình yêu thái quá cũng đều hẫng hụt và bất hạnh. Hạnh phúc tựa như con mắt chỉ một lần thấy ánh mặt trời. Bao ngấm ngầm ngờ vực len lỏi bấy lâu đã khiến thâm tâm không điều khiển được lí trí của tôi nữa rồi. Cái thời bỏ giếng làng với đầy trò đố kỵ, lang thang vỉa đường xó chợ đánh nhau vỡ đầu mẻ trán ở chợ người hòng giành giật mấy xu tiền mướn để đóng học phí, được chừng nửa năm khi cánh hoa màu tím rơi nhớn nhác trên mê chiếu rách của những kẻ thiu thiu đợi việc thì nàng rà rà con Spacy hất hàm trịch thượng:

– Ê đã kiếm được gì chưa?

Lúc ấy mắt tôi rạng rỡ kể lể:

– Ngồi gà gật từ sáng đến chiều, vài cú bạc giết thời gian, hai vụ ẩu đả ớn trương cả người. Sao, chị cần giúp việc gì ạ?

Nàng nhoẻ miệng cười hách dịch:

– Có việc cho chú em lên da non đấy!

Xem ra bà chị không đùa:

– Việc gì?

– Nhẹ thôi, nếu được việc chị mướn lâu dài.

Tôi lưỡng lự.

– Nhưng phạm pháp em xin kiếu!

Nàng quắc mắt, chẳng hiểu tấm áo blu trắng chấp chới trước mặt hay tôi đã bị thôi miên bởi ánh mắt sắc sảo của nàng, tôi theo nàng mỗi ngày vận chuyển vài chuyến thuốc tây từ một cơ sở nằm heo hút cuối con hẻm gần bãi thải thành phố đến từng địa chỉ đã vạch sẵn. Cơ may bắt đầu mỉm cười với tôi khi nàng kí đơn hầu toà với người chồng hào hoa sền sệt nhân cách sách vở. Ngay sau buổi ấy, nàng tìm đến tôi trong một tâm trạng u uất.

– Có lẽ cần phải đóng xưởng sản xuất thôi.

– Sao vậy chị? – Tôi ngạc nhiên.

– Tôi mệt mỏi quá rồi!

Con người ta dù có tài linh biến đến đâu đôi lúc còn ngây thơ hơn tôi tưởng. Như thân phận con sâu ăn lá trên cây chủ, nàng có tung hoành ngang dọc thì vẫn ở trong vòng kìm toả của một người đã có chồng. Giờ mọi sự đổi khác. Nàng đang đau, một nỗi đau của con ấu trùng trong thời kì lột xác trước khi trở thành con bướm non tơ chưa quen cuộc sống phiêu lưu không có chân trời nên lúc này nàng hoang mang, nàng tìm đến đây để trút xuống đầu tôi cái nhìn khinh bỉ của người chồng đã ném lại trước khi bước khỏi đời nàng. Nàng than vãn sẽ huỷ hoại những gì nàng đã bắt đầu ư? Đó chỉ là sự thức dậy tức thời của lương tâm. Nhưng chính cuộc viếng thăm đột ngột này đã đánh thức ham muốn làm đàn ông trong tôi. Nàng đừng buồn. Tôi tự nguyện che chở, bao bọc giọt nước mắt bất hạnh của đời nàng. Điều đó còn mãnh liệt hơn mọi ước muốn, danh vọng và tiền tài.

– Chị định tuyệt mệnh vì chiếc gương gắn hay sao? Chị thử hình dung, một cái gương được gắn từ hai mảnh vỡ thì muôn đời vẫn chỉ là hai mảnh vỡ. Chuyện vợ chồng chị cũng vậy!

Không ngờ câu nói sến xẩm của tôi lại khiến nàng thôi khóc. Lấy mu bàn tay quệt nước mắt, nàng mắng:

– Chú học cách lay chuyển tâm lý người khác từ cuốn tiểu thuyết đầu đường đấy à? Tôi không phải con bệnh để chú thử nghiệm.

Không chị đừng giận. Tôi đã lỡ lời nhưng tôi đúng với những gì tôi sắp có. Thật sự là như vậy. Song, tôi không nói gì. Tôi ngồi câm lặng.

Khác với thường lệ, nàng dẫn tôi đến căn nhà tồi tàn, cách cơ sở sản xuất áng chừng năm phút đi bộ. Một người đàn ông đeo khẩu trang ngẩng lên nhìn có vẻ không thịnh tình lắm rồi nhanh chóng thọc sâu tay vào chậu bột nhào nặn một cách thành thục. Nàng kiểm duyệt bốn cối bột đã được gột dẻo quẹo, phủi tay, nói với người đàn ông có thân hình ù ì như cối đá.

– Cần nhuyễn hơn mười phút nữa anh ạ!

Căn nhà có đầy đủ trang thiết bị của một cơ sở sản xuất, những bịch bông trắng, bột mầu và vị thuốc. Tôi chui ra ngoài hít thở chút không khí trong lành thanh sạch trước cơn giông. Hai người thương lượng gì đó, một lát, nàng phổ biến công thức pha biến thuốc bằng tâm thái cởi mở:

– Với loại thuốc mầu trắng như Cloxít, B1, C… Nguyên liệu chỉ cần bột gạo tẻ trộn nến hoà với vị đắng hoặc chua. Còn các loại thuốc nhuộm mầu phải thận trọng ở khâu pha chế dung dịch mầu sao cho đúng tỉ lệ. Sau khi xem tất cả các khuôn thô phải tẩm tráng lại một lần vị liệu đặc trưng của thuốc rồi đem lên cán, sấy khô. Những lô hàng này sản ít nhưng xuất lời. Trà trộn vào thị trường mới không bị phát hiện…

Tôi khẽ à lên nho nhỏ chỉ đủ để khẳng định cái lần đi đổ hàng ở Lào Cai bị cảm cúm. Tôi giở vỉ thuốc lấy hai viên Panadol cho vào miệng. Nàng nao núng áp tay lên trán tôi:

– Chú cảm nặng. Đêm nay cứ ngủ ở nhà tôi, tôi ra ngoài hiệu thuốc mua mấy viên thuốc ngoại may ra còn kịp cho kỳ thi chuyển giai đoạn.

Mưa rầm thấm đất, để khoả lấp nỗi cô đơn, nàng dồn hết tình thương cho thằng sinh viên nhiễm nhiên trở thành bác sỹ có hộ khẩu ở thành phố đất chật người đông.

***

Liên miên trong chuỗi ngày đã qua, tôi chợt thấy có cái gì không bình thường trong lối suy nghĩ của nàng. Nàng hay kể về Charles, một anh chàng gà gô mắt xanh mũi đỏ người Đan Mạch. Charles xâm nhập vào gia đình tôi bằng mối làm ăn nhằng nhịt chẳng khác gì cái tổ nhện. Chúng tôi quen nhau trong một dự án chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Charles là một người rất kín kẽ trong vấn đề tài chính. Vậy thì tại sao lại phóng khoáng móc nối với kiểu buôn thúng bán mẹt của vợ chồng tôi. Kể cũng lạ, địa vị của Charles được sùng ái trong mắt vợ tôi lớn dần theo nguồn lợi nhuận bòn rút từ sau chuyến hàng chung cùng gã. Hiển nhiên nàng không nhắc đến chuyện sinh con, không hổn hển mà thờ ơ sau những lần ân ái. Tôi hậm hực dò xét từng cử chỉ của nàng. Nàng không chỉ bóng gió mà còn lên mặt khiêu khích, châm chọc tôi. Tôi cay cú chẳng khác gì con ngựa non háu đá, đá ngay phải con rôbốt.

Cực chẳng đã nàng kéo xềnh xệch tôi từ quán Cây Liễu về nhà, ấn tôi ngồi phịch xuống ghế sopa đệm da báo. Tôi uống hết hai cốc nước chanh, tỉnh hẳn rượu. Nàng ngồi đối diện khoanh tay trước ngực dường như chỉ đợi tôi nói “Em đã về rồi đấy à?” là nàng sẵn sàng xỉa xói vào mặt tôi như người mẹ không thể nhẫn nhục thêm được nữa với đứa con bất hiếu của mình.

Xấu hổ! Nhục nhã! Tôi đã để nàng thấy tôi đã làm những gì trong cái quán chết tiệt kia cơ chứ. Tôi không muốn phản bội nàng, tôi chỉ mượn cớ để chì chiết nàng, buộc nàng phải chịu nỗi khổ tâm như tôi đang bị nàng bỏ rơi. Tôi ghét mọi hành động của tôi lúc nào cũng như cậu bé lên ba trước nàng. Bây giờ, mọi điều thanh minh đều vô nghĩa. Sẽ chẳng còn gì. Đành phải chấp nhận rút lui khỏi cuộc đời nàng.

Nàng cầm tay tôi áp vào má.

– Anh đừng làm em buồn nữa, được không? Charles không phải là người thiếu cẩn trọng đâu. Anh không hiểu em sao. Cơ sở sản xuất thuốc đang có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản, em cần anh.

Đêm đó nước mắt chúng tôi quyện vào nhau, mằn mặn, nồng nàn.

***

Trời tảng sáng, con chim cu gáy bị nhốt trong lồng sắt nhà lão hàng xóm sống cô độc cất lời hát yêu tự do cuối cùng trước khi tạ thế. Hồi tôi mới chuyển về ở hẳn với nàng, lão là người duy nhất thường xuyên sang nhà nhờ tôi khám mắt miễn phí, tính lão bộc tuệch tôi cũng đã quen, có lần lão bảo số tôi đúng là chuột xa chĩnh gạo.

Có thể về pháp lý tôi chưa có một chứng thực nào là chồng của nàng, nhưng nàng là tất cả tình yêu thương của tôi. Tôi không thể để nàng đau khổ rời bỏ tôi giống như con chim phải rời bỏ tổ ấm. Mà nàng lại là con chim bị tổn thương quá nhiều. Trách nhiệm của tôi là che chở cho nàng.

Quay trở vào nhà. Nàng đã rời khỏi bàn trang điểm. Lưỡng lự rất lâu trước mấy chiếc đầm mới, cuối cùng nàng nhấc chiếc đầm thun bó body, xẻ tà. Tôi rít liền hơi điếu xì gà, phê phê theo từng cử chỉ của nàng. Quay ba vòng trước sau, nàng có vẻ hài lòng. Trông nàng thật quyến rũ và quý phái. Một cảm giác mềm mại ấm áp dội về. Tôi muốn ghìm nàng xuống giường nhưng nàng đã kịp nũng nịu giương bộ mặt để tôi thấm lại một lỗi phấn chưa đều.

– Em định đi đâu?

– Em đi Hải Phòng giục một số đại lý thanh toán. Dạo này họ “bây” quá. Tiện xem chuyến này gom đơn hàng mới.

– Anh có ca mổ phẫu thuật lúc hai giờ chiều, không đi cùng em được. Nhưng anh sẽ thu xếp đón em. À, mà em để anh đánh xe ra trước. Cần thiết phôn ngay cho anh.

Nàng quay quả không cho tôi âu yếm.

– Không phải lái xe ra đâu, anh ăn phở đi cho nóng. Xe của Charles đang chờ ở ngoài. Nếu không có gì thay đổi chiều mai em về!

Nàng nhỏ nhẹ cười, phủi bụi trên cổ áo sơ mi cho tôi rồi thanh thản xuống đường.

Nhìn công việc kinh doanh ngày một sa sút của nàng, tôi có cảm giác mình đang tan chảy như một đám mây mỏng tang, vô dụng trước sức nóng của mặt trời. Ngoài bốn mươi tuổi, nàng không còn trẻ nhưng cũng không phải đã đủ sức đối mặt với mọi thất bại. Nàng yêu xưởng sản xuất thuốc của nàng như loài bướm đam mê màu hoa dại. Đêm nằm ôm nàng, được sảng khoái trong hương thơm toát ra từ cơ thể nàng. Ra ngoài xã hội được ngồi trên, đi trước đồng nghiệp. Vậy mà tôi đã không giúp gì được gì cho nàng trong lúc khó khăn lại còn ngờ vực làm khổ nàng. Tôi yêu nàng kiểu gì vậy? Đồ hèn hạ! Tôi không được nghi ngờ sự có mặt của Charles bên cạnh cuộc sống của vợ chồng tôi. Tôi phải quen với cái nhìn khinh bạc của hắn ư?

***

Cùng phường buôn bán, Charles là người đáng tin cậy sau vài vụ lậu hàng trót lọt, chúng tôi tạo thành cái kiềng ba chân vững chãi ở cái mảnh đất lắm người nhiều ma này. Ban đầu còn hoài nghi nhưng thuận theo ý nàng, tôi là người trực tiếp phân phối hàng tới các địa điểm tiêu thụ ở tỉnh lẻ mà tôi đã có mối quen biết từ thời tôi còn là sinh viên khố rách áo ôm và trong những chuyến khám bệnh tình nguyện của bệnh viện. Charles sắm vai người cha đỡ hoàn hảo. Nàng là nhân vật trung gian lo điều tiết những chiếc áo gấm đi đêm được thuận buồm xuôi gió. Tôi phản ứng gay gắt:

– Trong trò chơi này, nghe bạc mệnh lắm

Nàng xua tay:

– Anh khỏi lo, em đủ khôn ngoan để biết mình phải làm gì, ít nhiều, em cũng có thời sánh vai cùng bộ đồng phục trung thành mầu xanh lý tưởng đấy!

Nghe nàng, dòng máu hám lợi trong tôi bùng lên như cơn nước tức bờ. Tôi hung hăng lao vào cuộc giống một võ sỹ vung tấm nhiễu đỏ trước cặp sừng bò tót trong đấu trường Tây Ban Nha. Tôi muốn đổi đời, muốn gột rửa quá khứ nghèo hèn nhơ nhớp bị miệt thị. Những chuyến hàng tung ra, thu về bằng món lợi nhuận kếch xù. Tôi đọc được niềm vui ngời ngợi trong toan tính của nàng:

– Khu Đồng Mô đã có dự án, khoảng mười năm nữa thành phố di cư. Đó là những mảnh đất vàng.

Ngắm chuỗi safia diệu vợi trên cổ. Thật không ngờ nàng lại tinh nhạy với thị trường bất động sản đến thế. Nàng vẽ ra bao nhiêu viễn tưởng đủ làm cái đầu tăm tối của tôi nảy nở một cuộc sống sa hoa. Vợ con áo gấm xênh xang, xe đưa kẻ đón. Còn tôi sẽ là một ông tổng giám đốc lương y. Không, phải là chủ tịch tập đoàn.

Tranh của họa sĩ Thành Chương

Con nước không chảy ngược dòng. Mùa đông thò bước chân băng giá đến mọi ngõ ngách của sự sống. Con bệnh từ khắp ngả đổ về thành phố đông chưa từng thấy, nằm la liệt ở các hành lang bệnh viện. Hầu hết những ca cấp cứu ở A9 trở ra lặng lẽ. Ngẩng lên nhìn mình, mới ở độ tuổi ngoài ba mươi tóc điểm nhiều sợi bạc, sự nghiệp và toan tính đang độ phất lên như diều gặp gió. Tất cả mới cách vạch xuất phát chưa đáng là bao. Vài sợi bạc trên đầu không báo hiệu tôi đã già. Tôi đang ở độ tuổi sung sức. Mục đích cuối cùng của tôi là sự nghiệp. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ hoàn thành luận án tiến sĩ trong sự hỗ trợ đắc lực của Charles. Đỉnh cao danh vọng không còn là huyễn tưởng.

– Anh đang nghĩ gì để người thần ra thế?

Tôi nhìn nàng âu yếm. Xem ra cát bụi miền trung đã lấy đi mùa đông ảo não ở nàng thì phải.

– Em đi chắc vui lắm nhỉ?

Nàng ghì bộ ngực hồi xuân dúi người tôi xuống giường. Tôi mặc kệ cho nàng chuộc lỗi.

– Em đền cho anh cái này thiết thực hơn, anh mặc xem có hợp không?

Đó là chiếc áo da của Đức. Tôi xót xa bởi cái mác giá của nó, nàng trầm trồ:

– Bây giờ anh đã tin chưa, em không ngờ nó lại vừa với anh thế, đường bệ hẳn. Với chiếc áo này, anh sẽ không co dúm người như lúc nãy nữa chứ?

– Vì sao em hoang phí cho anh. Em có biết anh cần gì nhất ở em không?

Nàng không thôi mừng rỡ:

– Biết để làm gì! Em còn một thứ đặc biệt, anh sẽ rất vui!

– Em có mang rồi phải không?

Nàng không bao giờ nói ngay điều người khác cần, buộc họ phải chờ đợi. Nhưng khốn thay cho tôi, tôi mê cả cá tính lấp lửng ấy của nàng.

– Có phải anh sắp được làm bố rồi phải không? Phải không em!?

Cặp lông mi cong của nàng bỗng cụp xuống như một câu trả lời im lặng. Dường như có một chút sợ sệt luồn trong cơ thể nàng rồi bưng bít trở lại. Tôi sung sướng ôm vai nàng đẩy ra cự li vừa đủ để cảm nhận rõ nỗi vui mừng khôn xiết đang nhảy múa trong đôi mắt long lanh.

– Em thích con trai hay con gái?

Nàng xoa đầu tôi ngẫm ngợi:

– Vậy còn anh?

– Anh ấy hả. Một nàng công chúa giống hệt em!

Nàng thở dài:

– Thôi nào! Các cụ thường bảo con gái là con người ta…

– Em lại thế rồi.

Dạo này, nàng có vẻ không tha thiết trong công việc chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Nàng thường tỏ ra cáu bẳn trước nỗi lo lắng của tôi. Tuy vậy, tôi vẫn nhắc nhở:

– Chỉ còn bốn tháng nữa em đến kỳ ở cữ rồi đấy!

– Sao cơ?

Nàng đáp lại bằng một câu hỏi.

– Thứ năm tuần này mình đi đăng ký nhé! Anh muốn mình sẽ không bị mặc cảm khi làm giấy khai sinh cho con.

– Lúc nào anh cũng chỉ luẩn quẩn chuyện nhỏ này thôi sao. Việc thiết thực hơn bây giờ là cuộc gặp đêm nay với Charles ở nhà hàng Bọ Cạp… mà anh mặc quần áo vào đi. Công việc của mình để người khác phải đợi e thất thố lắm!

Ngoan ngoãn, tôi trở nàng tới quán ba lầu với vô số chòi câu cá bao quanh. Nhà hàng Bọ Cạp được xây dựng trên doi đất ngoi ra giữa hồ nhuốm màu nhung huyền ảo. Mỗi chòi con thắp một bóng điện đỏ lừ như mắt cá chày. Tôi phóng nhanh chiếc xe qua những thân dừa trắng loá trồng đối xứng hai bên đường như những chiếc chân tua tủa. Từng đợt sóng va ọp ạp gợi cho khách du ngoạn trên đó có cảm giác đang cưỡi trên mình con bọ cạp khổng lồ. Dẫn vợ chồng tôi lên tầng lầu, lão bồi bàn nhụng nhịnh trong bộ đồ khoang đen đỏ, điềm đạm sai người bầy biện đồ ăn. Charles dang rộng vòng tay hôn phóng khoáng lên trán nàng, không quên hỏi thăm chuyến công tác vừa qua. Ổn định lại chỗ ngồi, nàng ý tứ rót rượu gân hươu ra ly. Charles vỗ vai tôi phấn khởi.

– Việc lo cho chú coi như xong. Ly rượu này mừng thắng lợi chú. Nào cạn!

Tiếng ly chạm vào nhau trong trẻo. Tôi chưa kịp vui mừng thì lại bàng hoàng trước thịnh tình săn đón của Charles. Lẽ ra tôi là người chủ động cảm tạ những gì mà Charles giúp đỡ, nhưng anh ta luôn sắm vai một người đỡ đầu hoàn hảo, hoàn hảo tới mức không lường.

– Tôi có quyền vui mừng làm cha đỡ đầu của đứa bé chứ?

Hắn nhìn dán vào người nàng một cách tinh quái. Nàng lặng cười. Trong đầu tôi bỗng hiện lên những lô thuốc bạc tỷ, những chuyến trợ cấp nhân đạo trá hình, những chuỗi kinh doanh đa cấp và cả kiểu cười nham hiểm ẩn sau cái bắt tay hồ hởi trong các bữa rượu đầy thiện cảm như thế này. Trước mắt nàng, hắn oai vệ và hào phóng. Còn tôi trông hắn giờ đây thật kinh tởm. Giá buổi chiêu đãi này là phòng phẫu thuật thì tôi sẽ thò cái banh, cái kéo vào cái mắt bệnh gà gô của hắn mà khêu từng con giun con sán ra cho nàng xem. Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn phải hùa vào tán tụng.

– Dù thế nào thành phố này luôn là mảnh đất hứa.

Charles tiếp nhanh món ba ba ninh vào bát nàng, cười ha hả.

– Ô kê.

– Tôi nợ anh nhiều lắm, Charles ạ!

– Ô không!

Hắn xua tay ngạo mạn.

– Người Việt Nam có câu: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”.

– Còn câu “Thả con săn sắt bắt con cá rô” không phải là của người Đan Mạch chứ?

Nàng cười đưa đà:

– Thôi thì vì cây dây quấn. Đã là anh em sao còn câu nệ. Thử hỏi lúc chị ngã em đứng phân vân hay sao? Charles đã vịn hẳn tay vào chúng ta rồi còn gì!

– Tuyệt. Tuyệt lắm! Chúng ta là những con cú đi ăn đêm cần phải có những con mắt tinh. Vì vậy, tôi cần các bạn phải trung thành.

– Trong chuyến “tơm” hàng ở Nghệ An em đã bắt được mối mới. Nhưng con mồi này thuộc loại đứng đầu. Đây là lô hàng nó cần làm mẫu – Nàng chìa hoá đơn cho Charles – Nó biết Lào là mục tiêu của chúng ta nên nó chỉ cho mình một nửa số tiền đặt cọc.

– Một thằng khá khôn ngoan. Nó đòi vậy chứ đòi nữa chúng ta cũng phải chấp nhận. Mềm mỏng là cách tốt nhất. Dù sao nó cũng chỉ là con cá quẫy trong chậu nước. – Nói đoạn, hắn thò dĩa xiên trúng giữa cái đầu con cá sộp sốt vàng trên đĩa, không quên nở một nụ cười quái đản.

Nửa đêm, tôi chở nàng trên con zeep lao vun vút vào thành phố tựa chiếc boing chuồn khỏi bầu trời. Gió rét khoá chặt biển người vào từng cái hộp đựng chồng đống lên nhau. Cả thành phố ngủ ngon lành như một con gấu con no sữa. Tối nay, tôi buồn hay tôi ghen. Nhưng tôi không thể chịu được những cử chỉ của nàng dành cho tôi lại san sẻ cho hắn. Bằng một cử chỉ vồ vập, tôi dồn nàng vào cuộc thác loạn mịt mùng.

– Anh buông em ra! Tôi không phải là người đàn bà cam chịu đâu đấy!

– Em không định chuyển hàng qua biên giới đấy chứ?

– Em đầu tư tất cả vốn liếng rồi!

Bàng hoàng trước bước dấn thân táo bạo của nàng. Lòng dạ tôi xót đau như ướp muối. Tôi dằn xuống vai nàng.

– Em có còn coi tôi là chồng nữa không?

– Điều anh quan tâm là cái học vị tiến sĩ chứ đâu phải là em? Biết thân biết phận em chuẩn bị dần.

– Không, em lầm. Em có biết Bộ Y tế đang ráo riết kiểm tra, thanh tra hệ thống nhà thuốc bệnh viện liên tỉnh không? Lão Hoà tránh công an như con gà con lẩn quạ. Vừa ở Lào Cai về tới đây lão hắt ngay cho anh một ngầu nước lạnh: “Cái của gián nhấm, chuột nhằn chán mới đến lượt tôi, tôi xin trả. Chúng tóm được gáy tôi thì cũng sờ được gáy ông đấy!”.

– Anh ngốc lắm bọn “hủi” chặn đông thì lánh sang tây chứ. Ngạn ngữ đã nói: Trên đời này có một điều thất bại hơn cả sự thất bại, đó là sự hèn nhát. Người ta quy phục con trâu ngỗ ngược bằng sợi dây thừng. Mình trót cưỡi trên lưng hổ phải cưỡi cho đến cùng. Anh hiểu chưa?

– Em… em! Anh thật không ngờ… sự nghiệp của anh!

– Em không còn sự lựa chọn nào khác!…

Tôi đã cố gắng bình tĩnh để suy xét xong vẫn không thể hiểu nổi cái gì đã buộc nàng phải cay nghiệt, bất chấp đến vậy. Không biết nên bắt đầu gỡ rắc rối từ đâu. Tôi nổi giận chăng, đay nghiến nàng chăng? Tôi… tôi.

Đổ vật xuống giường với một dự cảm, niềm vui viên mãn về công việc, gia đình vẫn no nê trong tôi từng ngày qua giờ đây bỗng gợn cộm vẻ bất ổn. Tựa hồ mọi thứ đang tuột trôi. Mảng đời thứ hai của tôi là nàng. Nàng không cho tôi nhìn thấy thân phận tôi trong mắt nàng, nhưng hình như Charles muốn dúi tôi vào giữa đống tàn tro đổ vỡ, bất hạnh. Tôi không phải cái xác chết. Tôi không thể để nó trườn qua thân xác tôi dễ dàng. Kiểu cười và cái nhìn bảo mẫu của hắn quen như tôi đã gặp trong quá khứ? Không thể lẫn được, kiểu cười của lão đội trưởng! Không hiểu tiền kiếp tôi có thù oán gì với lão mà kiếp này lão cứ đeo đẳng phá hoại hạnh phúc của tôi. Giá tôi có một tuổi thơ yên bình như bao đứa trẻ khắc, làng quê đừng khắc nghiệt với mẹ con tôi thì lòng thù hận muốn đổi đời trong cuộc sống sau này đâu có điên cuồng đến vậy…

***

Hồi ấy, mẹ được bầu làm phó đội trưởng sản xuất, chịu mọi sai khiến của lão đội trưởng. Mẹ bảo “Làm phó đội trưởng như làm dâu trăm họ”. Một buổi chiều mẹ đang chấm công trên thửa ruộng cánh sào thì vợ gã đội trưởng lăm lăm con dao bầu đánh ghen. Mụ giật tóc vùi mẹ xuống bùn. Mẹ buồn bã xin ra khỏi hợp tác xã. Tôi biết thế nào lão đội trưởng cũng sang gọi cửa. Đêm đó tôi chuẩn bị sẵn cái đòn gánh dưới gầm giường ngóng đợi. Khi ánh trăng đủng đỉnh gợi tình qua khe liếp cũng là lúc có bàn chân rón rén ngoài vách. Mùi hôi gây gây hăng hắc sộc vào mũi làm tôi suýt ói nếu mẹ không giật mình ôm chặt lấy tôi. Đêm nào mẹ tôi cũng khóc, nước mắt ướt đẫm mảnh gối.

– Tươi, Tươi ơi! Mặc cho giọng khàn khàn khơi gợi của lão hổn hển gọi như thúc giục ngoài cửa sổ, mẹ càng thít chặt vòng tay ôm lấy tôi.

– Anh thương Tươi thật lòng!… Có mở cửa không thì bảo?

Tiếng cửa lạch xạch, mẹ bật dậy khỏi giường, lật chiếu tìm con dao tông cùn phòng ma hàng đêm ra mở cửa. Lão lẻn vào nhà, tiếng mẹ rít lên rất khẽ:

– Đồ chó ngựa, cút ngay! Cút ngay khỏi nhà tôi, không tôi chém!

– Tươi không thoát khỏi tôi đâu…

Qua ánh trăng, cảnh tượng nhói vào lòng tôi tê tái. Chộp cái đòn gánh, tôi đuổi theo tới chuồng lợn thì lão mất hút. Đống rơm lồng sồng động đậy, có thể lão còn nấn ná chưa dứt bỏ í đồ. Tôi phang tới tấp cho tới khi lão kêu oai oái bỏ chạy.

Chòng ghẹo mẹ không được, lão phao tin người đàn bà không chồng mà chửa với gã đàn ông đảo ngũ, buộc mẹ phải xin ra khỏi hợp tác xã trong nỗi nhục nhã ê chề, tôi bỗng dưng bị biến thành một đứa con hoang. Bao vết bầm dập trên người tôi là kết quả sau mỗi lần ẩu đả chỉ để khẳng định cha tôi là bộ đội giải phóng chứ không phải tên lính đảo ngũ. Còn mẹ, bao nhiêu uất nghẹn trong cuộc sống, những tai tiếng nhiếc móc của hàng xóm do tôi gây ra là con mắt bà long sòng sọc, túm lấy bất cứ thứ gì gần đấy vút vào người tôi. Lúc ấy tôi chỉ có im thít chịu trận, những trận đòn tơi tả tối mặt tối mũi của mẹ tôi mà tôi chỉ dám khóc vùi khóc lủi. Tôi không giận mẹ, tôi oán hận người đàn ông đang tâm bỏ rơi mẹ con tôi để cho lão đội trưởng kiêm y sĩ duy nhất của làng tối ngày chòng nghẹo. Tôi thù tất cả những đứa trẻ khi tôi còn quá bé thường nhâu nhâu châm chọc như lũ ruồi đào khoét cái mụn. Tôi bướng bỉnh không ai bảo nổi. Tôi còn nhớ những ngày mùa, lương thực đổ đống cao ngất ở sân kho hợp tác xã là tôi cắp cái rổ xề ra ruộng mót dặm củ lạc sót, những bông lúa rơi vãi ngoài cánh đồng. Hì hục cả buổi chiều tôi mót được lưng nón mê khoai thì lũ trẻ thả trâu ở đồi làng giằng lấy.

– Mày ăn trộm khoai của hợp tác xã!

– Bố mày mót, có trả không thì bảo?

Tôi xông tới, thằng to đầu nhất hội là con ông đội trưởng ném ụp nóm khoai xuống bãi phân trâu còn nóng hổi, vạch quần đái. Uất ức, tôi hục đầu vào bụng thằng to đầu làm nó ngã bổ chửng xuống rãnh nước. Mấy thằng đánh hôi đẩy tôi ngã dụi xuống bãi phân trâu, cười khành khạch. Như một hành động tự vệ trong bước đường cùng, những củ lang đầy phân trâu từ tay tôi đập lụp vào bọn chúng. Tôi chỉ dám lẻn về sau chái nhà nhìn mẹ nhẫn nhục tắm rửa, giặt giũ phân trâu vấy be bét khắp người thằng to đầu trong tiếng chửi rủa thậm tệ của mẹ nó. Mẹ gọi tôi căm giận.

– Thắng

– Dạ…

– Lại đây!

– Dạ, con xin lỗi mẹ

– Không phải xin xỏ gì nữa, cởi quần áo ra.

– Con xin lỗi mẹ! Mẹ ơi…

– Cởi ra!

– Con lạy mẹ, con van mẹ, từ nay con không làm mẹ phải khổ nữa…Con xin mẹ đừng đuổi con đi. Con van mẹ…

Những que roi trong tay mẹ quất vào người tôi không chút thương tiếc, lần đó tôi khóc chu chéo, rối rít van xin nhưng biết không lay chuyển nổi, tôi nín lặng. Không còn cảm giác tủi hổ, tôi từ từ cởi quần áo. Đêm xuống, đường làng không còn ai tôi chui ra khỏi bụi tre, bơ vơ ngoài giếng khơi, đứng bất động trên tảng đá nghe ngóng độ nông sâu dưới đáy. Bỗng dưng chiếc áo vá chằng vá đụp khoác lên người tôi. Một cảm giác cay xè lên sống mũi, tôi quay lại. Bà già lưng còng rạp như dấu hỏi dẫn tôi vào ngôi nhà vách đất ở giữa cánh đồng. Người trong làng đồn rằng, trước kia bà là vợ lí trưởng, hồi cải cách ruộng đất bị đuổi ra khỏi làng, sống lầm lũi qua ngày trên quả đồi chôn người chết gọi là gồ sọng. Bà cời bếp lôi ra hai củ khoai nướng to bằng nửa cái ấm tích đưa cho tôi. Tôi ăn ngấu nghiến quên cả bóc vỏ. Khi bụng đã căng căng là mi mắt muốn chụp xuống. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi mê thấy tiếng chó trong làng sủa lúc xa lúc gần, lúc rộ lên inh ỏi, lúc óc ách đơn côi. Tôi nghe thấy tiếng mẹ khóc gọi tên tôi, qua bãi cỏ đắng phất phơ, mẹ thất thần bước lên chỗ tôi đứng, đầu tóc rũ rượi bên thành giếng đã bỏ hoang từ lâu, cỏ dại um tùm soi bóng xuống mặt nước sầu màng rêu, lũ ếch ương lại bắt đầu ì uôm, ì uôm. Vầng ánh sáng tái mét không qua nổi áng mây khổng lồ. Mẹ bất thần lao xuống giếng, vầng trăng khuyết vỡ oà. Trong mơ tôi thét gọi mẹ. Choàng tỉnh. Tôi thấy mẹ ngồi than vãn.

– Chồng với chả con, sao cái thân con nó khổ thế hả bà.

– Người ta nhiếc móc thì cứ bỏ ngoài tai. Mày đánh thằng nhỏ tội thân nó. Quá giận mất khôn. Để nó ở đây, nhà cửa bỏ trống kẻ trộm khuân đi đánh bạc thì lại khổ.

Khi bóng mẹ lủi thủi qua giếng khơi, tôi lại khóc. Tôi hận mẹ lắm, tôi sẽ không tha thứ nếu như người ta không trở hài cốt của bố trong cái tiểu sành phủ lá cờ màu đỏ làm lễ truy điệu ở ngoài sân đình rồi đưa về nghĩa trang liệt sĩ có đài tưởng niệm to và đẹp ở dưới xã.

Chính lão đội trưởng chứ không ai khác trực tiếp vấy bẩn tuổi thơ tôi một mối hận thù. Muốn tiêu diệt lão, không có gì hơn là đánh vào phần hãnh diện nhất đời lão. Đó là đứa con gái nết na đằm thắm như bông súng đào nở giữa giếng đình. Cô không e lệ phòng the như lão đã từng khoe khoang mà liều lĩnh bất chấp mọi ngăn cản của gia đình để chạy theo niềm hạnh phúc đầy rắp tâm tanh bẩn mà tôi dành cho. Tôi cần lão phải thấm ngập nỗi đau như cuộc đời đáng nguyền rủa mà tôi đã phải sống. Kết quả cuộc báo oán đang lớn dần trong bụng Thắm. Chính nó sẽ nghênh chiến cho tới lúc lão tàn hơi… Hôm nhận giấy nhập học, tôi hẹn Thắm ra giếng khơi đầu làng, nói bằng giọng kẻ cả và dạy đời:

– Từ hôm nay ngôi làng này là quá khứ, kể cả ông bố tội nghiệp của em. Anh phải làm lại cuộc đời. Thành phố là cuộc sống của anh. Đừng đợi anh!

Thắm đau đớn giáng trả một cái tát như tôi đã từng vụt đòn càn lên lưng kẻ lừa lọc. Phải đến tận bây giờ tôi mới thấy hết dã tâm đã tàng tích trong bộ mặt “từ mẫu” mà những người bệnh nghèo đặt cho tôi. Như một phản xạ tự nhiên, bất thần tôi sờ tay lên má, hình như vết hằn năm đầu ngón tay của Thắm vẫn còn bỏng rát.

***

Tôi sốc nổi quá chăng? Tôi không dám nhìn lại quãng đời tôi đã qua.

Hẳn như cô đơn là cái áo định mệnh các bà mụ đã vội khoác lên người tôi khi tôi o oe khóc chào đời. Tôi không đủ can đảm chống chọi, tôi đã chạy trốn, nhưng càng chạy trốn, lại càng bị nỗi cô đơn bủa vây. Nàng đã đến, để cho cái đau trong tôi nương náu vào nàng. Giờ đây nàng làm tôi đau…

Khi tỉnh rượu, nắng trái mùa đã gay gắt giữa đỉnh trời. Sau cuộc khục khoặc tối qua, nàng bỏ theo chuyến từ sớm. Rã rời trong ê chề, tôi chắp nhặt những năm tháng đã xa rồi cay đắng nhận ra mình vẫn chỉ là thân rêu nương nhờ cây gỗ quý. Tôi uể oải rời khỏi nơi
ẩn nấp, bất đồ một bàn tay chộp lấy vai, giọng rít qua kẽ răng:

– Sao, nản rồi hả?

Bị bất ngờ, tôi lùi lại.

Vẫn bộ dạng doạ nạt:

– Có nhận ra anh em không?

Sững sờ giây lát, thực tình tôi không hề ngạc nhiên khi gặp hắn, nhưng không hiểu vì sao hắn lại tìm tôi đúng lúc này. Thằng Trạch, lẩn như trạch. Trong một vụ chung đụng gặp công an, hắn ôm hàng chuồn mất tích. Nàng xót xa cho những ngày lả lơi nịnh nọt, chui bờ ngủ bụi, không ngừng vuốt giọng đay đả người vợ tột nghiệp của hắn ngày hai buổi quỳ mọp rũ rượi ở nhà tôi: “Em cắn rơm cắn cỏ lạy chị, thằng khốn nhà em bỏ mẹ con em, theo bồ cũ vào Nam rồi. Chị cho em khất vài độ nữa”. “Chị biết luật rồi đấy, tôi thương chị, liệu ông chủ có thương tôi không?”. Khi vợ Trạch quệt nước mắt ra về. Thôi ngồi vắt vẻo, nàng quay ra giọng khoe khoang: “Em tìm được lái mới rồi đấy. Lần này hắn có chạy đằng trời”. “Em bắt nhà nó à?” tôi hốt hoảng. “Chứ sao!”. “Anh thấy tồi tội thế nào ấy…”. “Không phải lo bò trắng răng, tốt thì bán nhà đi mà trả nợ, không phải em không có tình thương, thư thư để nó tếch vào Nam cùng chồng thì anh tính sao? Em làm già để thúc chồng nó phải mò mặt về”. Y như đoán định, nửa tháng sau, hắn lồng lộn đến nhà tôi, giọng bỗng biến dạng chua chát: “Mày là bác sỹ, đúng không”. Tuy đã tái xám trước câu dạo đầu có vẻ thừa của hắn, tôi vẫn cao ngạo. “Cái mặt tao đây này, mày nhìn cho kỹ đi – Hắn run rẩy chỉ ngón tay chỏ lên mắt phải đỏ ngầu như quả ớt thóc – Lé một mắt. Hãy nhớ lấy”. Hắn không làm cái điều gàn dở như người ta vẫn thắt dây thòng lọng vào cổ, hắn cuỗm vợ con đi đâu không rõ, bây giờ hắn đùng đùng trở về.

– Quên sao được!

– Khá lắm, mày không tưởng tao rữa xác rồi đúng không, ít nhiều tao cũng không phản chủ như mày tưởng đâu. Dù sao mày cũng chỉ là thằng đổ vỏ. Thế giới mà mày đang hưởng thụ không có một chút giá trị nào. Mọi vấn đề của nó là tiền. Rất sòng phẳng phải không? Tao e mày không ý thức được mối quan hệ của mày. Ông đỡ đầu của mày là một người bất khả xâm phạm. Mối quan hệ của bọn mày đơn giản chỉ là một cái kiềng, mày đã để nó lung lay cái giá phải trả quả không đến nỗi nặng nề đấy nhỉ?

– Chốt lại, mày cần gì?

– Tao không lấy kim sỏ mũi, mày bình tĩnh để tao nói hết đã. Hẳn mày đã lú lẫn bởi cái thai mang giống thằng Charles rồi, mày tưởng con vợ mày đi Lào à. Không! chuyến hàng đã bị tóm. Nó bán tất cả, từ ngôi nhà, bay sang Đan Mạch. Điều này mày không ngờ phải không?

– Đồ khốn! Mày, mày, chính mày đã báo cho bọn công an…?

Nhổ nước bọt vào cái khẩy mép kẻ cả, tôi quay đầu con Zeep rồ máy. Hắn lộn nhào lên vỉa hè.

Thằng Trạch đã thực hiện được ý đồ. Tôi như người hoá rồ hoá dại, hai mắt như muốn bốc hoả, đạp phá tất cả đồ đạc mà vợ chồng tôi đã sắm. Cả cái gương dựng bên giường ngủ để tôi ngắm nàng mỗi sớm, hòng lục tìm một thứ gì đó tôi cũng không xác định rõ. Chẳng còn gì ngoài cái phong bì trắng toát dán kín nàng đã để sẵn trên cái két bạc.“Em không còn đường về, ngôi nhà thằng Trạch đã mua lại, anh hãy tự lo cho mình, mong anh tỉnh táo”. Lật đi lật lại mảnh giấy vẫn chỉ vỏn vẹn bằng ấy từ. Vò nát mảnh giấy, hai hàm răng tôi siết vào nhau kèn kẹt như muốn nghiền nát tất cả những lời tục tĩu đã phát sinh. Hạnh phúc, tiền bạc, danh nghiệp ư? Tất cả tan tành trong hư ảo. Cuộc đua chấm hết. Nàng là nạn nhân hay kẻ săn đuổi? Với nàng tình yêu là đồ trang sức cho mục tiêu tài chính? Những năm sống chung tôi lầm tưởng mình đã ngậm một viên thuốc bổ. Ôi chao! Một viên thuốc bọc độc dược. Charles? Cái thai? Người đỡ đầu? Bữa tiệc ở nhà hàng Bọ Cạp? Dối trá! Dối trá! Một lũ đê tiện! Cần phải chạy trốn, chạy trốn khỏi sự sát phạt của luật pháp. Tôi cứ điên loạn lao, lao miết, mặc cho mưa gió đỉnh trời trộn với cái nắng xế chiều tơ tướp rú rít đuổi theo.

Bóng trăng lập loè sau luỹ tre làng run rẩy in bóng một người lén lút. Cái bóng ấy vắt ngang lớp lớp cành gai tre mà lướt đi vật vờ. Thập thò thật lâu ngoài ngõ, vật đầu tiên tôi nhận ra là nong thuốc đón nắng chưa kịp chạy sương. Thằng bé dắt trâu lộc cộc từ phía cổng sau qua bầy gà rúc rích nhặt thóc ở sân bếp. Gióng trâu vào chuồng, nó cởi cái nút xà cạp đổ cua ra vại. Nhanh thoăn thoắt, nó hí hoáy xé cua, nổi lửa. Nếu là ban ngày sẽ nhìn thấy từng cụm khói mầu lam bốc qua mái lạc trắng ngần. Cái đầu húi cua của thằng bé lúi húi bên làn khói côi cút. Tôi giật mình nhìn thấy cái quệt mũi bằng cánh tay của nó sao mà giống hệt tôi hồi thơ ấu. Giữa mịt mùng cô đơn, ánh trăng loang loáng luồn qua tim tôi một miền ký ức nhói đau. Hôm tôi bỏ làng ra đi là ngày mẹ đón Thắm về làm dâu. Trong khi tôi sống phè phỡn trên đống tiền kiếm chác được từ những viên bột gạo trộn nến, đón nhận thành công sau mỗi ca phẫu thuật, thì mẹ phải chịu cảnh mù loà, tăm tối. Trời ơi, bây giờ trắng tay, tôi lại vác mặt về ẩn náu. Tạo hoá sao mà sòng phẳng. Bỗng dưng tôi thèm được uống bát nước lá thuốc mẹ vẫn hái vào sáng sớm tết mùng năm tháng năm, lại thèm được nghe mẹ dỗ dành “Nào con trai của mẹ, thuốc đắng giã tật, con uống đi cho mụn tróc tan biến!”

PHẠM THỊ DUYÊN

Trích nguồn: Vanvn.vn