Tháng Chạp và ý nghĩa từ nguyên (Linh Chi)

Chỉ còn hơn hai tuần nữa chúng ta sẽ tới ngày tết cổ truyền. Dù vẫn quen gọi là tháng Chạp song không nhiều người hiểu ý nghĩa của từ này, không biết rằng nó được đọc lái âm, bắt nguồn từ chữ “Lạp nguyệt” trong tiếng Hán. Có những điểm thú vị về ngôn ngữ trong tiếng Việt mà muốn tìm hiểu cặn kẽ nguyên uỷ, ta lại phải tìm đến nguồn gốc trong tiếng Hán, và ‘tháng Chạp” là một trong những từ đó.
“Tứ thư – Ngũ Kinh” là bộ sách kinh điển của Nho học, tổng cộng gồm 9 tác phẩm, trong đó “Tứ thư” có: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử; Ngũ kinh bao gồm: Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh Xuân Thu. Riêng phần Kinh lễ, được Khổng Phu Tử dùng để ghi chép lại các lễ nghi của thời trước đó. Trong Kinh lễ có đoạn:
“Lạp – Săn bắn. Dùng những vật săn cúng lên tiên tổ”; Chữ “Lạp” có từ điển lễ này
Thời cổ đại, người dân phần lớn sinh sống bằng trồng trọt và săn bắn, tháng 12 là tháng cuối cùng của năm, là thời điểm lạnh nhất trong năm mà đỉnh điểm là tiết đại hàn. Sau đại hàn, nhiệt độ dần dần ấm lên để chuẩn bị cho mùa xuân, cho một năm mới. Tại miền Bắc của Trung Quốc, người trồng trọt thường gieo hạt vào tháng 12, các hạt mầm này được phủ dưới tuyết, đợi ngày tuyết tan sẽ làm ẩm đất và cây cỏ mọc lên vào đầu mùa xuân. Những người săn bắn cũng thường giết thịt những con vật mà họ săn được và cúng lên tổ tiên của họ để cầu mong được che chở, phù hộ. Thịt những con vật sau khi giết sẽ được muối rồi phơi khô hoặc hun khói để dành ăn trong những ngày tiếp theo. Ở ta hay có món lạp xường chính là đọc lái âm của “lạp trường” trong đó lạp là muối, phơi khô hoặc xông khói; trường là lòng lợn. Cho dù người săn bắn hay trồng trọt thì tháng 12 cũng là tháng quan trọng trong năm và cần phải thành tâm để tế lễ, chữ “Lạp Nguyệt” hay tháng Chạp bắt nguồn từ đó. Ngày tế lễ, người lễ sẽ đội một cái mũ gọi là “Hồ đầu” làm bằng gấm, đóng giả thành Kim Cương lực sĩ để mong đuổi được tà ma dịch bệnh. Những người tham gia tế lễ sẽ gõ trống để cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Ngày 8/12 âm lịch (thường vào tiết đại hàn), các gia đình Trung Quốc có phong tục dùng gạo trắng, đậu đỏ, táo, hạt dẻ và hạt sen nấu một nồi cháo to, gọi là cháo lạp bát. Người phụ nữ nội trợ của gia đình sẽ múc cháo ra mấy bát. Bát đầu tiên dành mang cúng tổ tiên, tiếp đó là bát dâng lên bố mẹ, một bát cho chồng, bát cho con cái và cuối cùng là bát cho bản thân. Khi đưa bát cháo, người phụ nữ sẽ hỏi: Cháo có nóng không? Câu hỏi này mang hàm ý quan tâm săn sóc đến các thành viên trong gia đình. Dịp tết đến, ai cũng đều mong có chốn để về và còn có người quan tâm để hỏi mình rằng: Cháo có nóng không?
Cho dẫu nhỏ nhoi, nhưng bát cháo ấy là cả một sự quan hoài hạnh phúc mà nào phải ai cũng có được.
Linh Chi