Mùi Tết vương dấu chân xa – Tản văn của Đặng Tường Vy

Mỗi độ xuân về, người con xa xứ không tránh khỏi rưng rức, chạnh lòng. Nỗi nhớ trong lòng người tha hương rất lạ: sâu lắng, dịu dàng, chôn kín. Như gái đôi mươi thầm thương trộm nhớ một ai đó, âm thầm, mãnh liệt, nồng nàn,  tha thiết.

Cố tìm chút hương quê nhà trên đất khách. Nhắc đến mùi Tết, lòng chùng hẳn. Nỗi buồn lên men. Cuộc sống trời Âu không có chuyện “phú quý sinh lễ nghĩa.” Không quà cáp biếu xén. Một ngày như mọi ngày, bình đẳng, tự do. Người phương Tây, không có chuyện đưa ông Công, ông Táo, chầu trời tâu bẩm. Chỉ có người Việt tha hương còn giữ phong tục tập quán. Vẫn tiễn đưa các ngài một đoạn (mặc dù trái múi giờ với Việt Nam). Gắng giữ phong tục của quê hương trên đất khách. Như giữ quê hương trong lòng cho chính mình.

Tờ lịch cuối cùng kết thúc. Mùi Tết dần lan tỏa, quyện bay trong lòng. Nhớ khói hương Tổ tiên ông bà. Nhớ nấm mộ xanh đầy cỏ, chờ con cháu đến thắp hương, tưởng niệm. Nhớ mùi bánh chưng nấu trong đêm, tiếng than tí tách, mùi khói mùi bánh quyện vào nhau. Sự kết hợp vô tình tạo thành mùi đặc trưng của Tết. Mùi thịt kho trứng, mùi bánh mứt ngày Tết, dù đi xa vạn dặm, dám chắc rằng khó ai có thể quên. Với bát canh khổ qua, lòng tin cái khổ nó sẽ qua đi. Chỉ những món đơn giản này thôi, đủ làm thắt lòng người đi xa. Chưa nói đến khói hương và câu đối ngày Tết, “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.

Đặng Tường Vy tác giả bài viết

Những hình ảnh xưa cũ gợi nhớ trong lòng người tha hương, mỗi khi Tết đến Xuân về rất đặc trưng. Nhớ lắm hình ảnh, người thân bên chiếc lư đồng, lau chùi sáng bóng sáng choang. Với sự tỉ mỉ, chỉn chu từng chút một, trang trọng đặt lên bàn thờ ngày Tết. Từng quả cây trái tươi ngon, bánh, mứt, được tuyển chọn với tất cả tấm lòng thành kính. Thêm vài cành mai, đào, tô điểm sắc xuân rực rỡ, là không thể thiếu cho cái Tết của người Việt. Xuân về khắp nẻo, xuân đầy trong tim. Nhà nhà tràn ngập sắc xuân ngày Tết. Lòng rộn rã, hân hoan, chờ đón một năm mới. Với niềm tin yêu, vạn sự cát tường, thuận buồm xuôi gió.

Bồi hồi đếm ngược từng giây, chờ đợi thời khắc giao thừa. Thắp hương Ông bà, đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu xuân. Biết bao phong tục tập quán, ăn sâu vào lòng mỗi người. Dành ba ngày Tết, nghỉ ngơi, ăn ngon mặc đẹp, thăm hỏi người thân bạn bè, du lịch thư giãn. Người người quần là áo lượt, dành tất cả những lời chúc tốt lành nhất trao nhau. Cầu mong người thân, bạn bè có nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng.

Trở về thực tại nơi xứ người, trên chuyến tàu đi làm mỗi sáng. Trong cái lạnh dưới 0 độ C, ta khác nào lão nghiện, thở khói phì phà trong sương giăng. Đôi khi hứng bông tuyết rơi, lại nhớ cánh mai vàng bay trong nắng Sài Gòn ngày Tết. Nhìn xuống đôi bàn tay, bất giác hỏi: “nhớ ai mà tay nhuộm tím?” Rét run co trong túi áo. Tự nắm chặt lấy lòng bàn tay, như giữ điều bí mật gì đó. Mọi thứ trên cơ thể, giờ đây điều trở thành điều bí mật. Ngoại trừ đôi mắt. Đi bất cứ đâu? Làm gì? Giao tiếp với ai? Đôi mắt vẫn là cửa sổ tâm hồn. Đôi mắt là một phần quan trọng trong cuộc sống, nó nói lên tất cả.

Bôn ba xứ người, vật chuyện áo cơm. Cất nỗi nhớ trong tim. Cố gắng thành xứ mệnh tha hương. Không có cái rét nào, đáng sợ bằng cái rét trong lòng, hiu quạnh, chơi vơi, lạnh lẽo. Trong khi đó mùi Tết lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước ở quê nhà. Bước chân người tha hương còn xa ngai ngái. Lòng đau đáu hướng về quê hương cội nguồn. Như tiếc một thứ gì đó vừa đánh rơi,… vô cùng quý giá!

ĐẶNG TƯỜNG VY

(Trích nguồn: Vanvn.vn)