Câu chuyện của bố (Tản văn của Linh Chi)

Đầu xuân mưa phùn nhỏ, đường xá vẫn chưa đông, song đã thấy hơi ấm của mùa xuân tràn qua trên từng con ngõ. Có lẽ những nụ hoa nho nhỏ trên ban công, những chồi non trên cành phượng vĩ hay cánh tay trần của nàng thiếu nữ qua đường làm cho người ta thấy như mùa xuân tới. Gã quyết định dành chút thư thái đầu năm tới vãn cảnh chùa, nhìn từ xa thấy chữ “Tùy duyên” và “Phương tiện” trên hai cánh cánh cổng phụ, trong lòng gã chợt văng vẳng câu kệ viết đã lâu lâu


“Ngưỡng vọng Tây Thiên 
Vạn sự tùy duyên 
Chúng sinh giáo độ 
Phật pháp vô biên.”


Trong chùa, nhốn nháo bao nhiêu người. Họ mang hương, mang hoa, mang gà, mang xôi, lại có người mang cả chân giò, lợn sữa lên cúng cửa chùa. Không khí bên trong sặc mùi khói hương, mùi người, mùi nhừa nhựa giọng của mấy bà khấn thuê, mùi tiền phát ra từ mồm mấy bà buôn đang xin xỏ thần phật tạo ra. Lò thiêu góc sân đang cháy bùng bùng như hỏa diệm sơn do người ta đốt vàng mã. Gã ngán ngẩm tha thẩn đi ra bên ngoài, qua hẳn chỗ hai ông hộ pháp ngáo ộp tay cầm đầy tiền lẻ một quãng xa mới có cảm giác thoải mái đôi chút. Thấy có hai bố con nhà nọ vừa đi tới, chú bé một tay cầm chiếc ô tô đồ chơi, tay kia nắm chặt tay bố, gã chợt thấy lại hình ảnh của mình mấy chục năm về trước, cũng một ngày như thế, được bố đưa cùng đi thắp hương trên chùa. Câu chuyện mà bố kể ngày ấy đến giờ gã vẫn còn nhớ.


“Ngôi chùa trên núi kia vô cùng linh thiêng, Phật tử các nơi đến cúng rất đông. Năm ấy đêm trước ngày rằm tháng riêng, sư trụ trì bỗng nằm mơ thấy đức Phật giáng thế. Ngài nói với sư trụ trì rằng
– Nội nhật ngày mai, sẽ có một Phật tử thí chủ mang tới cúng dường một lễ vô cùng lớn, kính thỉnh toàn tự tăng ni tảo tịnh thiền môn, cung nghênh thánh giá. 
Trụ trì kính cẩn trả lời
– A-di-đà-phật. Bản tự tăng chúng kính tôn pháp chỉ. 
Tỉnh dậy, sư trụ trì vẫn thấy phảng phất hương sen, Phật quang như vẫn còn hiển hiện. Biết rằng đức Phật đã giá lâm, ngài bèn gọi tăng ni trong chùa tới, nói rõ về những điều đức Phật đã nói với ngài trong giấc mơ. Mọi người cảm thấy thật lạ song đều lập tức bắt tay quét dọn sạch sẽ, chuẩn bị cẩn thận. Sư trụ trì cắt cử người đón từ các ngả dưới chân núi để lập tức thông tri về nhà chùa để đón tiếp cho thật chu đáo. 
Ngày rằm tháng riêng, Phật tử và khách thập phương đến chùa rất đông. Có nhiều người mang cúng chùa lễ rất hậu, phần lớn đều đến để xin được đức Phật phù hộ cho sức khỏe, tiền bạc, để làm ăn được khấm khá. Nhà chùa vốn dĩ thấy vậy đã nhiều nên không lấy làm lạ, đều lấy lễ mà tiếp đãi vô cùng trân trọng. Các sư lo việc khánh tiết, lễ tân đối với những thí chủ cúng dường hậu hơn có phần trọng thị mà đối với khách thập phương vãng lai lễ nhẹ thì có phần nhạt ý sơ tình. Tăng chúng cả ngày mệt nhoài, cho đến nửa đêm đều không thấy có gì điều gì khác lạ so với mọi khi. Họ đều nghĩ, có lẽ sư trụ trì nghĩ nhiều đến đức Phật nên ngài mới hiện lên mà nói như thế. Khách thập phương cũng giống như mọi năm, đâu có thấy ai mang tới lễ lớn như trong giấc mộng mà trụ trì đã thấy. Sư trụ trì cũng cảm thấy có phần hoang mang, chẳng nhẽ mình đã làm gì không đúng mà thí chủ kia không đến như lời Phật dậy. 
Ngài vẫn mặc nguyên cả tăng bào, ngồi dưới Phật đài thiếp đi. Chợt lại thấy đức Phật hiện lên quở trách: 
– Hôm nay, có thí chủ thành tâm tới cúng dường lớn vậy, mà sao tăng chúng nhà chùa lại tiếp đãi người ta sơ suất đến như thế? 
Sư trụ trì cảm thấy rất khổ tâm, hỏi lại đức Phật: 
– A-di-đà-phật. Tăng ni bản tự cả ngày đều rất cố gắng tiếp đãi Phật tử thập phương. Cho dù lễ lớn hay bé thì đếu dĩ lễ đãi ngộ, nào dám sơ suất. Dám mong đức Phật điểm trí huệ đăng cho biết thí chủ mà ngài nhắc đến là ai để chúng con được giác ngộ. 
Đức Phật bèn nói
– Buổi chiều tối, có người đàn bà nghèo khổ, ăn mặc rách rưới, một chân đi dép, một chân để trần, mang một nải chuối bị vặt mất một quả, một nắm hương bị rút mất một nửa, sấp ngửa vội vã tới cúng chùa. Khi thí chủ tới thắp hương lên bàn thờ Phật, chư tăng không ai để ý, khi thí chủ ấy lễ xong ra đi cũng không ai đoái hoài tới, có phải vậy chăng? 
Sư trụ trì ngẫm nghĩ nhớ lại, quả thực lúc ban chiều có một người đàn bà ăn mặc lam lũ, quần xắn ống thấp ống cao, mang một nải chuối và một bó hương tới cúng chùa. Nải chuối ấy giờ đã bị để xuống dưới bàn nên ngài nhìn rõ lắm, quả thực là đã bị vặt mất một quả. Ngài cảm thấy vô cùng hoang mang nên hỏi lại: 
– A-di-đà-phật. Phật ngôn hữu lý, hôm nay quả thực có một thí chủ như thế quang lâm. Thời điểm thí chủ tới, tăng chúng có thể đã tiếp đãi không được chu đáo, mong đức Phật điểm hóa. 
Đức Phật nói tiếp
– Thí chủ ấy quê vùng biên viễn xa xôi, phu quân tòng binh tử trận ở vậy đã lâu, nay mẫu tử cũng vì việc quân mà thất tán. Thí chủ ấy bán cả tài sản lớn nhất là một đàn gà mới đủ tiền lộ phí tới chùa. Tới được đây chỉ còn đủ tiền mua một nải chuối và một bó hương, đành nằm ngủ dưới gốc cây nơi chân núi chờ rạng ngày tới chùa lễ Phật. Do lúc đêm mệt quá thiếp đi, có thằng kẻ cắp tới vặt mất một quả chuối nên bần thần cả ngày không dám tới chùa, cứ vòng đi vòng lại dưới chân núi. Người đông quá, bị rơi mất cả mấy que nhang trong bó nhang đang cầm trên tay, lại do chen lên chen xuống mệt mỏi cả ngày mà lạc mất một chiếc dép thành ra khi lên cúng chùa chỉ còn một chiếc. Song người ấy tâm trí trong sáng mà lòng thành mộ đạo cùng đức tin vô cùng lớn lao. Cái lễ ấy phỏng ai cũng có được? Phật môn có được Phật tử như thế quang lâm, có phải là rạng danh thiền môn, dương danh Phật pháp hay không? Tăng vụ quý tự, do thấy người ta ăn mặc lam lũ mà không nhòm ngó tới có phải quá ư sơ suất hay không? 
Sư trù trì nghe lời đức Phật giảng giải, toát hết cả mồ hôi tỉnh giấc chiêm bao, vội vàng gọi tăng nhân trong chùa bảo đi tìm người đàn bà kia nhưng không gặp được nữa.”

 
Cõi Phật coi trọng niềm tin và lòng thành, tiền tài nãi thân ngoại chi vật, đâu cứ phải lễ vật trọng hậu mà đã được coi là thành tín nơi thiền môn, cốt yếu là ở tấm lòng người ta vậy.

Linh Chi