Mùa đông nơi em – Bút ký của Cao Xuân Thái

Thời kỳ còn ở thị xã Hà Giang, khi nhiệt độ xuống dưới 5 độ C, tôi đã phải dùng than để chống rét. Than sưởi ấm phải là than gỗ nghiến, cháy đượm, lâu tàn, không có khói. Chậu than đặt giữa nhà, bên cạnh có ống bơ nước để hút thán khí. Ngồi bên chậu than hồng, rất lạ là ai cũng tự nhiên xoè rộng hai bàn tay, để cảm nhận sự râm ran ấm nóng của lửa than đem lại. Qủa thật, nếu không có lửa, thì cả hành tinh này sẽ  hết sức đen tối, khủng khiếp.

Nhà văn Cao Xuân Thái

Nhiều năm công tác ở vùng cao phía Bắc, mùa đông là mùa khắc nghiệt nhất, ngoài giá lạnh, còn là sự khô khát triền miên. Ở Thẩm Mã, Dốc Chín Khoanh, Lán Xì, Phó Bảng…là rét nhất. Nhớ kỷ niệm vào những năm 70 của thế kỷ trước, lần đầu tôi có chuyến công tác lên vùng cao, lại đúng vào giữa tiết Đại hàn. Nằm ở đồn biên phòng Ma Lé, 5 giờ chiều, đất trời đã mờ mịt sương giăng, khoảng cách 3 mét đã không nhìn rõ mặt người. Sương tràn vào tất cả các phòng nghỉ, ẩm ướt, buốt giá. Nửa đêm, có tiếng nói lao xao trước hiên nhà, tôi trở dậy đứng bên người lính trẻ. Cả bầu trời biên giới lúc bấy giờ sáng lên bàng bạc, có cái gì như những vụn giấy màu ngà lả tả trong gió. Tiếng người lính trẻ reo lên, thích thú: Tuyết, tuyết trắng! Chỉ là hiện tượng thiên nhiên mà suốt đêm chúng tôi cứ rạo rực, không ngủ được. Buổi sáng thức dậy, rừng sồi sau nhà, những đỉnh núi dọc phía đường biên, tất cả đều trắng xoá, tất cả trời đất, cỏ cây đều ngập chìm trong tuyết trắng…Nước đóng băng, người lính nuôi quân phải cầm xà beng, búa đinh mò xuống chiếc giếng cạn của đơn vị, đục vỡ từng tảng đem về, đun lên lấy nước để dùng. Rồi trời hửng nắng, tuyết tan. Trên mái nhà, trên đồi cây những mảng tuyết tan chảy, óng ánh như những mảnh thuỷ tinh thật lạ. Nhưng kỳ lạ hơn là sức sống của muôn loài. Cây lê cóc cách, xù xì, lụ khụ như một ông già, nhưng nhìn ngắm kỹ ở mỗi nách lá nụ chồi đã le lói. Cây đào phai cổ thụ, cũng đã e ấp nụ hồng chi chít trên những cành nhánh. Lòng tôi bồi hồi, lại một mùa xuân nữa sắp về.

Nơi em ở và công tác, là điểm trường tiểu học, nằm giữa bản nhỏ người Mông, xung quanh những dãy núi đá vôi xám lạnh trần trụi. Đó là điểm ngã ba của vùng đất cực bắc, có lối rẽ Sà Phìn (Đồng Văn), một hướng lên Mèo Vạc, hướng nữa xuôi về Yên Minh. Dưới thời thuộc Pháp, người dân Lũng Phìn kể rằng. Ngã ba này là trạm trung chuyển thuốc phiện lớn nhất. Nơi đây còn là ngã ba đẫm máu của những tên lái buôn, thổ phỉ khét tiếng, lẫn với lính Pháp tàn ác…Có thể nói đó là ngã ba hỗn loạn, không gian bé như bàn tay mà mọc lên nào là: sòng bạc, quán nhậu, nhà chứa. Cuối năm 1959, đầu những năm 1960, nơi đây còn là sào huyệt của lực lượng thổ phỉ, chúng man rợ đến mức, lấy xác người để làm bia tập bắn, ăn gan người, lấy thịt người rán mỡ…Những câu chuyện tàn khốc như không có thật, bây giờ chỉ còn lại trong trí nhớ của người già kể lại.

Cuối thu trời đất vùng cao đã trở lên giá lạnh. Từ trên đỉnh núi, đỉnh đồi, mùa ngô chín ràn rạt chảy xuống thung lũng một màu vàng rộm, lẫn với màu mây trắng, dày đặc, phủ kín trên các làng bản. Còn bây giờ, sau thu hoạch nó rũ xuống, đồng bào nhổ từng thân ngô xếp lại thành đống lớn, đống nhỏ, tựa hồ như những đụn mối khổng lồ, cây pơ mu thấp thoáng trong sương, trông giống cảnh sắc của một vùng Bắc Âu mà tôi đã từng gặp ở đâu đó.

Sau mùa tàn phai của Cao Nguyên, còn lại là vũ điệu của đá. Phía Vần Chải núi non chất ngất như thể đàn voi chiến lổm ngổm trên lưng chừng trời. Trước mặt là những rừng đá tua tủa, nhọn hoắt, miên man hút tầm mắt. Nương đá gần thì hiện ra với trăm hình vạn dạng, nào là người đàn bà hoá đá chờ chồng, con tinh tinh ôm con trước bụng, rồi bầy hải cẩu quấn lấy nhau mùa hôn phối. Còn có những hình thù mang dáng dấp kiệt tác “Mùa xuân vĩnh cửu” của Gô Ganh…Đá cuồn cuộn, đá trập trùng, đá nhiều đến nỗi, có người đã viết thành thơ: “Một miền đá xám mênh mông/Núi che khuất mặt, cách lòng người thương”…Như thể trên thế gian này, đá lớn, đá nhỏ… Tất cả dồn tụ về đây, mặc sức cho con người nhìn ngắm, tưởng tượng mơ mộng…

Không chỉ rét buốt và băng giá, mùa đông Cao nguyên còn là mùa khô khát triền miên cùng cực. Những năm về trước, khi hệ thống hồ treo chứa nước tự nhiên ở vùng cao chưa được triển khai, mặc dù tỉnh Hà Giang đã đầu tư cho mỗi hộ một bể nước gia đình theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô trên cao nguyên đá này không cải thiện được là bao, do vậy mỗi gia đình phải tự tìm thêm một vài hốc đá, hoặc đào những cái hố chờ nước mưa, họ lấy đất dẻo trét vào những kẽ nứt của đá, tạo thành các bể có hình thù khác nhau để trữ nước mưa dùng trong mùa khô. Có lúc khan hiếm, nước đục như bùn, nước đầy nòng nọc, rêu xanh cũng phải cõng về nhà để lắng lại mà dùng,…Khi biết tôi có chuyến công tác vùng cao, qua điểm trường, em điện xuống nhắn bảo: Anh qua Mậu Duệ nhớ giúp em vài can n¬ớc để dùng, ở trên này rét lắm, mấy tháng nay không có mưa rồi. Khi ghé lại điểm trường, tôi lịch bịch chuyển vài can nước cho em, hình ảnh làm tôi thực sự xúc động là phía sau phòng nghỉ của điểm trường, giành cho giáo viên, xếp hàng dài các thùng phi lớn nhỏ, dưới mái hiên chờ nước mưa, tôi đổ nước vào những thùng phi cạn khô tận đáy, em tíu tít: Quý hoá quá, số nước này em phải dùng được 2 tuần, rồi em buồn buồn: Ở đây, chúng em thiếu nước chừng 6 tháng. Khi thì gửi nhờ các chú lái xe lấy nước từ Mậu Duệ lên, hoặc từ huyện về, có lúc phải mua mấy chục ngàn một khối, hoặc phóng xe máy về huyện tắm gội, giặt giũ. Năm trước hồ treo Tà Lủng, Sủng Máng, Sủng Trà, nguồn đầu tư của nhà nước cho vùng cao đã đi vào khai thác, lấy nước sinh hoạt, tuy đỡ vất vả hơn những cũng mất gần 5 cây số… Đi mãi thành quen, cứ mỗi lần có chuyến công tác lên vùng cao vào mùa khô, tôi lại giúp em vài can nước. Không có lửa than cho em sưởi ấm những mùa đông lạnh giá, thì chút nước nguồn trong xanh chảy ra từ đá núi có giúp được em đỡ khô khát từng ngày… Vả lại mùa đông cao nguyên còn là những câu chuyện dài dài, vui buồn lẫn lộn… mà em đã cảm nhận được suốt năm tháng công tác của mình. Có lần em bảo: Lớp học em phụ trách có từ 5 đến 7 học sinh, mùa đông là mùa khó khăn nhất. Sương mù tràn vào kín cả lớp học, độ 3 mét không nhìn được chữ cô viết trên bảng đen, các em còn mang củi lửa vào lớp để sưởi, bởi vậy lớp học cứ lộn tùng phèo lên, buồn cười lắm… ở Lũng Cẩm, Thài Phìn Tủng không có nước, có lúc người dân Sà Phìn phải về Yên Minh 40 cây số để lấy nước. Thời kỳ Trung tâm huyện Đồng Văn đóng chốt tại Lũng Phìn, nước sinh hoạt phải lấy từ Mèo Vạc sang. Đường ống bằng kẽm dài 24 cây số, đôi khi có sự cố, cả huyện nháo nhác về nước. Lúc này, Uỷ ban huỵên phải huy động những chiếc xe téc chở nước từ sông Nho Quế về phân phối cho từng phòng ban. Có những chuyện lạ, giữa khuya trời đổ mưa, anh em cán bộ í ới gọi nhau đi tắm, xô chậu va nhau xủng xoảng suốt đêm. Giặt giũ thì lần mò tìm nước trong hốc đá. Không ít cô gái “tắm tiên” giữa trưa bị thanh niên trong bản, nấp sau những lùm cây trêu ghẹo. Thỉnh thoảng tiếng kêu thất thanh vọng về, anh em cán bộ ở huyện phải ra tay can thiệp… Cái ý, vùng cao núi đá Đồng Văn khát cả trong mơ, khát cả giữa mùa mưa em cứ nhắc đi nhắc lại để gây ấn tượng cho tôi. Chí ít những năm tháng ở vùng cao cũng đọng lại trong lòng điều gì đó…

Ngỡ rằng chỉ dừng lại ở mỗi chuyến đi vậy thôi. Nếu vừa rồi không có sự bất ngờ mà tôi chưa nghĩ tới. Khi ngang qua điểm trường, tôi lịch bịch chuyển từng can nước cho em, một thầy giáo trẻ, người miền xuôi ra tiếp tôi, thông báo là em vừa chuyển lên điểm trường mới, hình như ở Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Lũng Pù gì đó…Địa bàn này còn cao hơn ở đây, gió thổi xiết quanh năm, khô khát cực điểm, còn đá thì nhiều vô kể. Vậy là em không Hạ Sơn, mà là Thượng Sơn. Ở đây, dù lên núi hay xuống núi thì có ý nghĩa gì, chỉ là hình thức chuyển chỗ ở trên cái cao nguyên đá khổng lồ kỳ dị này. Với tình yêu nỗi nhớ, khát vọng và mơ ước về một cao nguyên khởi sắc trong tương lai. Đất trời Mèo Vạc buốt giá, bốn bề sương giăng. Tôi bồi hồi: Có cách gì để sưởi ấm lòng em những đêm dài lạnh giá…

CAO XUÂN THÁI

Trích nguồn: Vanvn.vn