Ghi nhận từ một trại sáng tác “mới”

Được sự giúp đỡ của Nhà sáng tác Tam Đảo (Bộ VH-TT-DL), Công ty Cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các (Hà Nội) đã tổ chức Trại sáng tác “Truyện ngắn Đường Văn 2024”. Đây là hoạt động văn học nằm trong khuôn khổ cuộc thi sáng tác “Truyện ngắn Đường Văn 2023-2024” dự kiến kết thúc vào tháng 10-2024. Trại sáng tác kéo dài từ ngày 4 – 11/1/2024.

Ban tổ chức và các trại viên tại lễ khai mạc Trại sáng tác.

Có 10 nhà văn, phần lớn là những tác giả văn xuôi đã có thành tựu văn học, tham gia trại viết: Hà Phạm Phú, Đinh Ngọc Lâm, Văn Giá, Lê Ngọc Minh, Đoàn Hữu Nam, Phạm Thanh Khương, Bùi Minh Vũ, Phạm Giai Quỳnh, Phan Mai Hương, Linh Chi… Kết thúc Trại sáng tác, Ban tổ chức đã nhận được 12 truyện ngắn: MẶT NẠ HAI CHIỀU và TƯỢNG ĐÀI của nhà văn Đinh Ngọc Lâm; ĐẺ RƠI và VẠ VƯỚNG QUYỀN UY của nhà văn Lê Ngọc Minh; DÂY MÀI LỤI GIỮA SƯƠNG MÙ của nhà văn Đoàn Hữu Nam; KHÚC CA VĨNH CỬU của nhà văn Phạm Giai Quỳnh; QUÁN ÔNG GIÀ của nhà văn Văn Giá; THỢ CÂU SÔNG của nhà văn Phạm Thanh Khương;  HẠT CÀ PHÊ NẶNG NHƯ MỘT LÂU ĐÀI và  ANH BAY NHƯ MỘT TIẾNG CHIÊNG NGÂN của nhà văn Bùi Minh Vũ; LÍNH MỚI và VUA CỜ của nhà văn  Hà Phạm Phú; truyện ngắn MÙA CAM RA TRÁI của nhà văn Phan Mai Hương. Ngoài ra, nhà văn Phạm Thanh Khương sẽ còn tiếp tục hoàn thiện thêm 2 truyện ngắn nữa và sẽ gửi sau.

Về đề tài: Phần lớn các truyện ngắn đều lấy đề tài cuộc sống đương đại, phản ánh muôn mặt cuộc sống đời thường của những người bình thường, thấy rõ mối quan tâm chính yếu của các nhà văn là đời sống hiện tại và trạng thái tinh thần của các nhân vật thuộc tầng lớp dân nghèo, tầng lớp thị dân, của những người có chút ít tư liệu sản xuất và lớp cán bộ cơ sở… thông qua đó mà bắt mạch sức khỏe xã hội, đo lường sự bền vững của nền tảng văn hóa dân tộc, nền văn hóa truyền thống.

Về quy mô trại sáng tác: Có thể nói rằng, đây là một trại sáng tác “hiểm có”, do một ấn phẩm văn chương “xã hội hóa” tổ chức với sự “bảo trợ” của một Công ty văn hóa tư nhân.

Ông Nguyễn Trọng Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các

Phát biểu tại Lễ khai mạc trại sáng tác, ông Nguyễn Trọng Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Thi Nhân Các, tâm sự: “Cho dù phải vật lộn với kinh tế thị trường, phải đem tinh thần lãng mạn bươn trải giữa cả một sa mạc của sự thực dụng; cho dù hụt hơi giữa cả dòng thác lũ của kỉ nguyên số cũng như sự ngoảnh mặt của độc giả với văn học truyền thống, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng giữ lấy sự tinh khiết của linh hồn và sự thánh thiện của văn học, giữ cho ngọn lửa đam mê của văn học không bao giờ tắt. Ai đó có thể mất niềm tin vào văn học, mất niềm tin vào sự tồn tại của tinh thần lãng mạn trong cuộc sống thực dụng này, nhưng chúng tôi thì không. Chúng tôi vẫn tin rằng, sự lãng mạn của linh hồn thể hiện qua văn học nghệ thuật là thứ luôn tồn tại và xứng đáng được tồn tại, bằng tình yêu và sự đam mê, chúng tôi sẽ gìn giữ và bảo vệ nó…”.

Thăm và giao lưu với Trại sáng tác trong thời gian tổ chức, nhiều đồng nghiệp là các nhà văn, nhà nghiên cứu đến từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… cũng nhận xét rằng cách làm văn chương của Công ty Thi Nhân Các và ấn phẩm Đường Văn là mô hình phù hợp với đời sống kinh tế-xã hội hiên nay và hi vọng đây sẽ là một kiểu “Tự lực văn đoàn” trong thời kỳ mới.

Hà Mai Phan

Nguồn: baovannghe.com.vn