ĐẺ RƠI Truyện ngắn dự thi của Lê Ngọc Minh

Nhà văn Lê Ngọc Minh quê ở Quảng Thọ, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa, anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, hội viên Hội VHNT Thanh Hóa. Được đào tạo bài bản ở Liên Xô (nay là nước Nga), về nước anh công tác ở Cục Điện ảnh Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam. Anh cũng xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn, truyện vừa và các tập chuyên luận. Là một nhà văn có sức sáng tạo không ngừng, bút lực dồi dào, viết nhiều thể loại văn học xuất hiện thường xuyên trên các báo văn nghệ, văn nghệ quân đội và các diễn đàn VHNT khác.

Đường Văn xin trân trọng giới thiệu tập truyện của NV Lê Ngọc Minh đã được in trong ấn phẩm Đường Văn tập 3 (3/ 2024).

1. Con dâu ở Hà Nội sắp “nằm ổ”, bà giáo Tâm, vợ ông chủ tịch thành phố tỉnh lỵ Tam Sơn, vội ra chăm nuôi và dự định thời hạn ở đó khoảng nửa tháng đến ba tuần. Cô con gái có họ tên hơi dài, Hoàng Vũ Tâm Tình nhận việc tự lái chiếc BMW biển trắng, số đẹp có đến ba con 8 ở cuối đưa bà đi và nói sẽ biếu chị dâu một khoản tiền đủ chi phí thời gian làm sản phụ.

Trước xuất phát một hôm, cô này nói với chồng, là một doanh nhân trẻ rằng: “Em phải tự thân chinh mới có thể yên tâm được!”. Rồi cô giảng giải thêm, việc cô đi cùng mẹ ra thăm sản phụ là muốn trực tiếp uốn nắn cho người anh ruột, tính khí cực đoan, phải khẩn trương tiến hóa trước thời cuộc. Anh chồng yêu vợ cười tít, nói một câu vừa như răn dạy, vừa như xiểm nịnh: “ Anh Nhân nhà mình là người không dễ bị thuyết phục đâu nhưng trong trường hợp này, chắc chắn sẽ răm rắp nghe theo lời cô em gái giỏi giang mà thay đổi tư duy trước khi làm bố trẻ con đấy. Chúc vị đại sứ thiện chí thành công rực rỡ!”.

Cô vợ cười tóa, giọng có hơi huếnh lên: “ Khó như giải quyết hòa bình cho xung đột Nga- U cờ ren, nếu mà Liên hiệp quốc giao cho em, em cũng dàn xếp ổn thỏa trong bốn tám tiếng, chứ cách sống cua bò ngang cả ngày của anh  Nhân, em coi việc thuyết phục là cái đinh. Và còn việc này nữa anh ạ, cái bà chị dâu, người nhỏ như hạt mít nhà mình, tuổi lại đã quá ba mươi, không biết rồi có đẻ được không ấy chứ?”. Anh chồng tuy gật gù nhưng cũng dùng từ “phỉ phui” trước khi nói câu chiều vợ: “Anh chờ tin khải hoàn!”…

Riêng bà giáo Tâm thì lại rất không muốn con gái đi cùng. Bởi, tính cách của con trai, con gái bà xung khắc nhau chả khác gì nước với lửa. Nhưng cha mẹ sinh con, trời sinh tính, đã cơn cớ thế rồi còn biết làm sao? Bà giáo còn không muốn cô Hoàng Vũ Tâm Tình đi cùng vì đã ngay từ buổi đầu, khi con trai bà đưa con dâu tương lai về ra mắt, cô này đã thể hiện thái độ bài bác, ngăn trở đến mức ác khẩu.

Thế nên dù ngồi xe sang, di chuyển bằng tay lái lụa của con gái mà suốt cả chặng đường hơn trăm cây số về Hà Nội, bà giáo cứ thấp tha, thấp thỏm trong lòng.

2. Ngày Nhân đưa cô Lụa về giới thiệu với gia đình ông bà là người yêu của anh thì cô Tâm Tình, kéo mẹ và anh trai ra sau nhà, chê bẻo chê bèo, rằng cô này xấu xí, dáng quê mùa một cục, người bé tí hin và mỏng như lá lúa thế kia thì lấy đâu ra phúc phần con cái? Chê chán rồi cô chất vấn anh trai: “Tuyết Hạnh, bạn em, hoa khôi trường chuyên của tỉnh, doanh nhân trẻ thành đạt, con gái rượu cụ giám đốc sở Tài chính, mê anh đến muốn chết đi được, thế mà… Ôi giời! Chán anh quá! Anh không còn người để yêu hay sao mà đi nạp cái cô này? ”. Nhân cười, nói vô tư như không: “Tán mãi mới được đấy, cô em gái xinh đẹp, khó tính của anh ạ!”. “Anh ngu ngơ đến mông muội mất rồi!”. “Ngược lại, phải là mắt thần thiên nhãn mới phát hiện ra khối vàng ròng này đấy! Cứ hãy đợi đấy nha!”. Tâm Tình thì vẫn cứ giọng chì chiết khinh bạc, chia phượng rẽ loan đến mức, Nhân phải gắt lên: “ Thôi! Dừng ở đây nhé! Người tử tế không ai lại đi nói xấu sau lưng người khác!”. Rồi anh hái một bông hồng đẹp nhất vườn xin phép bà Tâm vào tặng người yêu của mình.

Thái độ đó của con trai khiến bà Tâm phải tự mở một cuộc “ điều tra sự vụ”.

Tranh minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi

Bà đã tìm đến quê của Lụa. Hóa ra đây là một vùng đất học, một làng cổ, từ thời xa xưa đã có đến mười tám vị đỗ đại khoa, còn hiện tại thì bình quân, cứ bốn người dân trong làng  có một người là cử nhân trở lên. Bà còn được biết thêm một chuyện hi hữu, cô Lụa chính là con một gia đình nông dân nghèo được vào thẳng đại học, nhờ đạt giải cao thi học sinh giỏi quốc gia mà báo chí đã đưa tin.  Theo đó, cô học trò lớp 12, Lê Thị Lụa đang làm đồng với mẹ, bỏ dở công việc, rửa ráy chân tay, ngồi sau xe máy của cô giáo chủ nhiệm lên thành phố thi học sinh giỏi môn Sử, cấp tỉnh. Lụa đạt giải nhất, được thưởng một cái xe đạp; sau đó cô đi thi tiếp môn Sử, học sinh giỏi cấp quốc gia được giải nhì, thế là được tuyển thẳng vào một trường đại học danh tiếng ở thủ đô.

Bà Tâm còn gặp cả bố mẹ của Lụa nữa, họ cởi mở hiếu khách, trò chuyện thì lễ độ và chân thành. Bà còn thấy Lụa, tuy dáng người thấp bé nhưng vẻ mặt luôn tươi tắn, nói chuyện tự tin, có duyên chứ không phải thứ “ mỏng lá lúa” như lời chê bai của con gái bà.

Sau đó, bà gặp riêng con trai, “khảo” xem, vì sao mà phải “tán mãi mới được” cô Lụa.

Nhân cứ như người nửa đùa nửa thật “khai” ra bằng hết với mẹ. Song, trước khi bắt đầu câu chuyện, anh đưa ra yêu cầu cam kết: “Biết mẹ có lòng đại từ đại bi và thấu cảm, con sẽ báo cáo hết nhưng mẹ chỉ được để bụng thôi, chứ nếu mà cho cái Tâm Tình biết, nó phá hỏng chúng con mất! Mẹ hứa thệ hải minh sơn đi ạ!”.

Bà Tâm hứa.

Nhân kể: Khi anh làm nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ ba thì được thầy chủ nhiệm khoa Sử cho đứng lớp đại học năm thứ nhất dưới quyền chỉ đạo học thuật của ông.

Nói là “dưới quyền chỉ đạo học thuật” nhưng thực ra thì vị giáo sư này đã giao toàn quyền định đoạt khi đứng lớp, kiêm cả chủ nhiệm cho nghiên cứu sinh Hoàng Vũ  Nhân và  anh phải chịu trách nhiệm về chương trình đào tạo cho lớp năm thứ nhất đúng tiến độ, đạt chất lượng như truyền thống của khoa.

Trong lớp Sử ấy, nữ sinh Lê Thị Lụa đã gây chú ý cho thầy giáo  chủ nhiệm lớp bằng một tiểu luận được viết khá thuyết phục về mối quan hệ giữa nhân vật lịch sử và nhân vật huyền sử.

Là người đang nghiên cứu về phương pháp dạy sử trong nhà trường phổ thông, nghiên cứu sinh Hoàng Vũ  Nhân đã quan tâm ngay đến  Lụa, vì một trong những hướng nghiên cứu của anh là, làm sao giáo viên dạy Sử phải tạo ra được hấp lực thu hút, cảm thức hiếu kỳ của học trò trong giờ học môn này. Anh đã có một dẫn chứng được thầy hướng dẫn ủng hộ động viên, đó là câu chuyện trả gươm của vua Lê Thái Tổ ở hồ Lục Thủy, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến mười năm, chống xâm lược Minh, khôi phục lại nền độc lập, thoát khỏi cuộc Bắc thuộc lần thứ hai mà Đại Việt đã bị giặc đồng hóa hơn hai mươi năm. Với câu chuyện cổ tích này, là người Việt Nam, ai cũng biết. Hiện tại, còn đó tên gọi Hồ Gươm ( hoặc hồ Hoàn Kiếm ), còn đó Tháp Rùa, còn đó là đền thờ Lê Thái Tổ với bức tượng tạc Ngài rất thần thái đế vương. Nhưng tại sao, không có một cuốn chính sử nào ghi lại sự tích Thái Tổ trả gươm cho thần Rùa Vàng (Kim Quy)?

Đây là nhiệm vụ của những nhà truyền tải văn hóa Sử, cụ thể nhất là nhiệm vụ và năng lực của những người thầy dạy môn Sử?

Bằng cách đặt vấn đề nghiên cứu như vậy nên thầy giáo chủ nhiệm kiêm đứng lớp Hoàng Vũ  Tâm đã không những đồng cảm với các tiểu luận của sinh viên Lê Thị Lụa mà còn có ý định khai thác cách đặt vấn đề mới mẻ này làm ví dụ, đưa vào Tài liệu tham khảo cho luận án của mình.

Sinh viên Lê Thị Lụa có sự tự tin một cách hồn nhiên. Một lần vừa nghe thầy Nhân góp ý cho một tiểu luận xong, cô liền hỏi: “Thầy ơi, bài này, sửa gọn lại như ý thầy gửi đăng báo có được không ạ? Em thấy với mặt bằng làng nhàng như hiện nay, bài này có thể  được đăng đấy ạ!”.

Hơi bị giật mình, thầy giáo trẻ hỏi: “Sao Lụa lại dám khẳng định, mặt bằng hiện nay làng nhàng?”. “Dạ, em xin lỗi! Không những làng nhàng mà còn nhạt nữa thầy ạ!”. “Lụa nói đúng đấy! Tôi nghĩ, bài này sẽ đăng được, để tôi nhờ thầy chủ nhiệm khoa giới thiệu Lụa với một báo tờ báo mà họ hay mời thầy viết bài!”. Lụa liền cười bảo: “Thưa thầy! Nhờ giới thiệu như thế, hóa ra ngay từ đầu đã phải cần ô dù che đỡ? Hay thầy cứ để em gửi qua bưu điện, được đăng hay không thì cũng là một cuộc tự thử sức và tự thử dây thần kinh chút ạ!”. “Tùy bạn thôi, nhưng theo tôi, mới vào đời, có người giới thiệu thì đỡ phải đi vòng!”.

Lụa không trả lời câu của thầy giáo trẻ mà hỏi sang chuyện khác.

Thế rồi sau đó nửa tháng, thầy Nhân thấy bài của cô học trò được đăng kín hai trang trên một tờ báo lớn…

Cô đã biếu thầy bằng hai quả dừa mà cô nói mang từ quê ra và hứa khi nào có nhuận bút sẽ mời thầy đi “liên hoan”… cà phê.

Thầy giáo trẻ Hoàng Vũ Tâm đã theo đuổi cô học trò của mình từ đấy nhưng cứ sợ nói ra không đúng lúc thì xôi hỏng bỏng không mà cũng tan luôn cả tình thầy trò.

Song, cái thứ tình không nói ra được thì hành khổ lắm.

Chàng đã tâm sự với cô em gái đang yêu và sắp cưới. Cô em “ời” một tiếng rồi bảo, anh làm sử lại lấy vợ cũng làm sử thì không khéo trở thành người của thời đại Trọng Thủy lừa Mỵ Châu chiếm lẫy nỏ thần mất thôi. Nhưng mà tùy anh, nếu thích thì cứ yêu đi! Đã yêu người ta thì phải lấy, em nói trước, cô này không tương xứng với anh, hình thức kém lắm, con cái sau này xấu xí, chúng nó oán anh đấy!”.

Vì câu nói đó mà Nhân đâm ghét em gái. Anh thề sẽ không bao giờ tâm sự riêng tư gì với cô nữa.

Cho đến ngày chàng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nàng đón ở cửa hội trường khánh tiết tặng một vòng nguyệt quế cùng với lời chúc: “Viva thầy  tiến sĩ Hoàng Vũ  Nhân”.

Cứ tưởng “tình trong như đã” nhưng mấy lần chàng ngỏ ý mời Lụa về nhà mình chơi, nơi anh có bà mẹ là nhà giáo yêu môn sử như yêu chồng con thì nàng đều từ chối.

Khi tiến sĩ  Nhân tỏ tình đến lần thứ hai bằng một thư dài hơn cả cái tiểu luận được đăng báo của Lụa thì cũng chỉ nhận được mẩu tin cũng rất ngắn: “Cảm ơn thầy, em sẽ đọc!”.

Sự tha thiết đắm say của Nhân đang lúc chùng xuống như cái võng ải quá tải thì chàng đọc được một bài thơ mà người ta giới thiệu là của thi sĩ trẻ người Philippines rất tài hoa và bài thơ đã được giải thưởng quốc tế. Chàng không nhắn tin qua điện thoại di động mà viết nắn nót trên tấm thiệp toàn bộ bài thơ: “Năm sáu năm trời còng lưng làm lụng không công/ Trong khu vườn của cha người con gái/ Đến năm thứ ba, anh mới được chạm tới/ Ba ngón tay người con gái anh thương/ Mất bảy năm trời mới được làm lễ cưới/ Giờ, con cháu họ có cả một đàn”.

Nhận được tấm thiệp thơ của thầy  Nhân, trò Lụa “ ngâm” đến năm  ngày rồi mới hẹn chàng một cuộc gặp để đối thoại về bài thơ mà nàng dùng chữ bỏ lững để trong ngoặc: “Bài thơ này rất  hay, rất đụng vào thần kinh xã hội”.

Đúng hẹn, hai người gặp nhau ở một quán giải khát cạnh Hồ Tây. Nàng chủ động gọi món uống nước dừa, thứ mà hồi còn là học trò của thầy, mỗi lần về quê nàng thường mang mấy quả  ra tặng.

Thấy sự đãi đằng phảng phất ký ức hồi quang của nàng, người đang yêu  mừng lắm.  Mừng đến mức “mất tự chủ” nên thầy Nhân bất ngờ ôm hôn trò Lụa. Cô đã đáp lại. Đáp thêm bằng những nụ hôn tiếp cháy bỏng hơn. Nhân chợt “ngộ” ra rằng, chẳng có lời tỏ tình nào kết quả bằng nụ hôn đắm say, đúng lúc.

Bữa đó, bên bờ Hồ Tây thơ mộng, Lụa và Nhân đã thành cặp đôi yêu nhau.

Hai người đi hết bốn vòng chiều dài đường Thanh Niên và ngay ngày hôm sau, Nhân đưa Lụa về “nội” để thưa với phụ huynh và bị “ăn” quả bài xích đắng đót để đời của cô em gái Tâm Tình.

3. Trước đây mỗi lần ra thăm vợ chồng con trai, bà Tâm thường đi cùng chồng, và chưa bao giờ ngủ lại qua đêm ở căn phòng thuê lại, chỉ có 16m2 của họ. Nay, xác định phải ở đây chí ít là nửa tháng, bà mới thấy rõ cái sự chật chội của không gian nhỏ hẹp mà vợ chồng con trai bà đang sống, mặc dù cái gọi là căn hộ đó được sắp xếp khá gọn gàng, mọi thứ chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ làm việc, bếp núc đều thuận mắt.

Còn con gái bà thì, sau khi quét cái nhìn “tổng quan” các vật thể hiện hữu trong không gian sống của gia đình người anh trai, liền cau có nhìn chủ hộ, nói bằng giọng chì chiết: “Anh là tiến sĩ, là giảng viên cao cấp đại học, là nhà sử học mà anh chịu ăn ở thế này à? Anh không thương cái thân anh thì cũng phải thương lấy vợ con anh chứ? Chị Lụa là một nhà báo Trung ương nổi tiếng, có lần về sở em công tác, cả ban giám đốc phải dừng họp để tiếp chị ấy đấy! Anh Nhân, em thử hỏi anh, khách khứa đến thăm chị mẹ con ấy, rồi bố mẹ vợ anh ở quê ra thăm cháu ngoại thì sẽ ngồi vào đâu trong cái tổ khỉ tí hon, tối mò tối mụ này?”.

Thấy con gái toàn nói ra thứ giọng phụ bần, bà giáo Tâm vội ngăn lại nhưng con trai bà thì chỉ nhìn em gái, mặt mày đang đầy vẻ quyền uy, giáo huấn, bằng ánh mắt an nhiên tự tại.

Rồi anh chàng mim mỉm cười hiền lành như nụ cười của Đức Phật, nói với cô Tâm Tình: “Cảm ơn những lời góp ý thẳng thắn của đồng chí em! Hình như đồng chí em vẫn còn chưa nói hết các chỉ thị quan trọng với anh  Nhân, đúng không?”.

Đồng chí em lại quét mắt nhìn quanh căn phòng rồi đứng tựa lưng vào một bên cạnh cánh cửa chính, đáp: “Em hết rồi! Sao anh khách sáo thế? Gọi em gái là đồng chí! Sắp làm bố rồi, anh cần phải nói năng nghiêm túc đi!”.

Nhân vẫn giữ nụ cười tủm tỉm, thong thả nói tiếp: “Với đồng chí em là quan chức trưởng phòng cấp sở, “phương diện quốc gia” hẳn hoi, thì dù là anh trai, công dân Hoàng Vũ  Nhân này vẫn phải giữ phép! Anh linh cảm thấy, hình như đồng chí em đang còn muốn nói thêm một ý lớn nữa. Có phải là đồng chí em muốn cháu nội đích tôn của ông chủ tịch thành phố Tam Sơn cần có “của ăn của để” là một căn hộ, ba bốn phòng trong chung cư cao cấp chứ không phải là cái tổ khỉ 16m2 này được, đúng thế không?”.

Bà giáo Tâm ngăn con trai: “Anh cả trong nhà đùa không phải lúc với em gái rồi đấy! Bây giờ, Tâm Tình đưa mẹ đi chợ mua thức ăn kẻo muộn rồi”. Nhân liền đáp: “Ấy không! Đâu có đó rồi mẹ ơi! Con đã dặn Lụa mua các thứ rồi”. Bà Tâm: “Lụa sắp sinh, sao con bắt nó vất vả thế?”. Nhân: “Con ngăn suốt nhưng bà bầu cứ đinh ninh một hai rằng, vận động cho nó dễ đẻ. Vả lại cô ấy đi ô tô, thích tự lái”.

Tâm Tình liền ngồi xuống ghế, ngạc nhiên hỏi: “Anh đã mua ô tô? Trả góp à?”. “ Mua trọn gói! Xe Camry nhé!”. “Đời bao nhiêu?”. “1990, tám mươi triệu, hiện đại nội thất là vừa tròn trăm”. “Ôi chồi! Mua thứ ô tô, đời đã hơn ba mươi tuổi”. “Nồi đồng cối đá đấy, hôm nọ anh phi đi điền dã trên dinh thự vua Mèo ở Mèo Vạc, năm ngày ngon ơ, xăng tốn cho mỗi cây số chỉ… vài ba giọt- Nhân bỗng dừng nói  reo lên – Ơi, về rồi đấy!”

Nhân vừa đứng lên đi ra thì cũng là lúc cửa bị đẩy vào. Anh hớn hở đưa tay chào kiểu nhà binh: “Chim gặp bác chào mào!”. Bà bầu đang tay xách nách mang liền cười đáp lại: “Chào … ào bác!”

Cách nghênh đón nhau của cặp vợ chồng trẻ khiến bà giáo Tâm bật cười thốt lên: “Lúc nào cũng đùa như trẻ con ấy!”.

Lụa khuôn phép chào mẹ chồng và em chồng.

Bà Tâm và Nhân  xúm lại, giúp Lụa dọn các thứ đồ ăn ra bàn.

Tâm Tình chăm chú nhìn cảnh người chị dâu, dáng nhỏ thó mà bụng bầu thì to quá cỡ bỗng lắc đầu ngao ngán.

Động thái ấy bị Nhân phát hiện, anh không phật lòng thay vợ mà nói trêu với em gái: “Tâm Tình đang hồi quang lại ngày cô mang bầu các nhóc để thấu cảm với bà bầu nhà anh đúng không?”.

Tâm Tình gắt lên: “Anh đừng có mà bịa linh tinh!”.

Nhân vẫn cười cười nói giọng trêu, khích: “Hay cô muốn vợ chồng tui phải thức tỉnh ngay, không được hấp lì thêm nữa, không nên sống kiểu làm cua bò ngang cả ngày thêm nữa. Thời đại một túp lều tranh hai trái tim vàng đã thành thời quá vãng của xác ướp Ai Cập tiền sử rồi!”.

“Em bảo anh đừng đùa dai nữa mà! Cho em bó tay chấm com, bó- tay- chấm- côm… ôm……!”.

Và, bằng thái độ cố nén sự giận giữ, Tâm Tình lấy ra ba tập tiền toàn những tờ màu xanh mệnh giá 500 ngàn đồng, đặt lên mặt cái bàn nước nhỏ xíu, nói thêm: “Cái này, vợ chồng em đã chuẩn bị từ nhà, nó gồm ba món, mỗi món 50 triệu, món thứ nhất là tiền ăn và tiêu vặt của mẹ trong khoảng thời gian cụ tá túc chăm nuôi con dâu sản phụ; món thứ hai là ủng hộ bà đẻ trong cuộc vượt cạn, chắc chắn là không mấy dễ dàng và món thứ ba là tiền sữa bỉm cho trẻ sơ sinh. Đến ngày đầy tháng cháu, vợ chồng em và cả các cụ bố mẹ chồng em sẽ ra mừng cháu và anh chị. Bây giờ em phải về vì nhiều công việc đang bận! Trước khi về, em chúc chị Lụa mẹ tròn con vuông và…- Cô Tình dừng lại , rồi khẽ thở dài nói tiếp- Em biết là rất khó đàm phán, rất khó thuyết phục anh Nhân nhưng em vẫn tha thiết xin anh phải thay đổi tư duy đi, chị Lụa cũng cần và rất cần phải tác động quyết liệt để ông tiến sĩ “ tai không nghe chuyện ngoài song cửa” nhà mình thay đổi tư duy thật gấp đi ạ!- Tâm Tình lại dừng nhìn xoáy vào Nhân và quật chưởng cuối cùng vào anh trai- À hôm rồi, em gặp chị Tuyết Hạnh đấy! Chắc anh vẫn chưa quên doanh nhân trăm triệu đô la đầu tiên của Tam Sơn quê ta, Đỗ Trần Tuyết Hạnh chứ! Chị ấy tha thiết hỏi thăm anh, nghe anh hoàn cảnh lắm chị ấy cứ thở dài não ruột, đến gỗ đá cũng phải rịn mồ hôi buồn…”.

Tiến sĩ Hoàng Vũ Nhân liền giơ tay ngăn, nói bằng giọng nghiêm khắc: “Đồng chí trưởng phòng, sở Xây dựng, Hoàng Vũ Tâm Tình hãy dừng ngay cái giọng chọc ngoáy vào thần kinh người khác đi nhé! Đây là nhà tui! Đây là không gian tĩnh dưỡng của bà bầu sắp sinh! Là nơi kiến tạo tương lai của con trai chúng tui

Tâm Tình biết mình đã quá lời vội làm vẻ thanh minh: “Em  xin lỗi, em chỉ  muốn nói là…”.

Nhân vẫn căng thẳng, chặn: “Anh bảo cô thôi, là thôi!”

Nhà báo Lê Thị Lụa từ đầu đến giờ chỉ ngồi im liền nhỏ nhẹ lên tiếng: “Tâm Tình ơi! Chị rất cảm ơn sự thẳng thắn của cô. Cô cũng nên bỏ qua cái tính hay đùa của anh Nhân nhà mình. Lần sau, nếu anh ấy có nói đùa thì cô chỉ cần lấy một câu đùa, đáp lại anh ấy thôi chứ đừng phải bực mình, khó chịu gì cả. Cảm ơn cô đã thấu cảm với điều kiện hoàn cảnh sống của anh chị. Thực ra, anh chị tuy có khó khăn nhưng chưa đến mức hoàn cảnh gì đâu. Chỗ ở thì chị thấy cũng ổn, vẫn có chỗ để mẹ ra thăm nghỉ ngơi. Anh chị tính rồi, khi cháu cứng cáp chút sẽ đưa cháu về ngoại cho thoáng đãng, không bị chứng cớm nắng. Khi có bà nội ở đây thì bà ngoại chưa ra vội, vả lại, chị là người có sức, thích công việc vặt nên tự thân sẽ cố gắng để bà nội, bà ngoại đỡ vất vả tí nào, hay tí đó…”

Như vẫn còn bức xúc trong lòng, Tâm Tình bỗng hỏi ngắt ngang: “Chị mà có sức á? Vâng thì sức nhưng còn tương lai của cháu, nó sẽ lớn lên trong cái tổ tò vò hơn mười mét vuông này á?”.

Nhân đáp ngay: “Anh bảo rồi! Mười sáu mét vuông chứ không phải là mười mét vuông như cô nhìn gà hóa cuốc đâu nhé. Tuy chẳng rộng rãi gì nhưng không phải là hẹp cho tương lai ba người đâu nhé! Thầy anh là giáo sư viện sĩ hẳn hoi nhưng đã từng ở căn hộ 13m2, hai mươi bốn năm, và đẻ ra hai phó giáo sư, tiến sĩ và một thạc sĩ được học bổng của Ha- vớt ( Harvard), Hoa Kỳ đấy!”.

Tâm Tình: “Vầng… ầng, anh Nhân nói gì cũng đúng ạ! Em đã bó tay chấm côm với anh rồi mà! – Nhìn sang bà giáo Tâm, cô nói- Mẹ ở đây nghỉ ngơi hoặc đi phố sắm đồ nhé, con phải về Tam Sơn có công việc đột xuất đây! Em xin chào ông anh bó tay chấm côm và chị Lụa, nhà báo Trung ương  nổi tiếng ạ!”.

Tâm Tình đứng lên đang mở cửa đi ra thì Nhân cầm cả ba tập tiền đi theo, trả lại. Bà Tâm liền sậm mặt, ngăn: “Không phải trả lúc này! Anh Nhân không cần thì tôi sẽ mang về hoàn vào chỗ mang đến! Các anh chị cũng còn phải nể mặt tôi nữa chứ!”.

Nhân đành phải dừng lại, anh nhìn vẻ mặt buồn bã của mẹ, thấy hối lỗi vô cùng. Anh xin lỗi bà Tâm rồi đặt ba tập tiền vào chỗ cũ!

Khi ra ngoài phố, Tâm Tình chẳng về quê ngay vì việc “đột xuất” gì cả  mà cô tìm đến một spa ở gần Hồ Tây tắm bùn chế độ nước suối khoáng nóng được cất từ xứ Tuyên về.

Ở đó, cô gọi phôn cho anh chồng, ta thán về chuyện vợ chồng người anh trai hấp lì “không thể giác ngộ, không thể cải tạo được!” và cô đã bó tay chấm côm . Cô cũng không quên khen anh chồng có giác quan tiên lượng tốt từ hôm qua, đạt cỡ: “Nhân bảo như thần bảo!”.

Anh chồng rất lo lắng, rằng vợ yêu đang rất tâm tư như vậy lái xe chạy đường trường sợ không an toàn nên sẽ tự thân lên thủ đô trực tiếp đón vợ về Tam Sơn. Anh nói và làm ngay, gọi lái xe chở mình đi Hà Nội bằng một con Land Criuser địa hình 5.0, dự định lúc về, anh sẽ làm xế cho vợ yêu, còn cậu lái xe của anh thì lái hộ chiếc BMW mà  cô vợ đã chở bà nhạc lúc đi.

Trong lúc đợi phu quân doanh nhân từ Tam Sơn ra đón, Tâm Tình nẩy ra một ý chơi trội với anh trai. Cô liên hệ với một bệnh viện tư nhân, đặt phòng đẻ, phòng sản phụ hậu sanh và sẽ quay lại chung cư có 16m2 của anh trai, đưa chị dâu của cô đến đó nghỉ ngơi, chuẩn bị vượt cạn…

4. Cơm trưa xong, sau khi thấy chồng đưa mẹ chồng đi phố, nhà báo Lê Thị Lụa có gọi phôn cho Tâm Tình để giải tỏa cuộc đối thoại căng thẳng đến mức phải bó tay chấm côm không đáng có giữa chồng và em chồng nhưng điện thoại di động phía cô ấy để chế độ bận, gọi tiếp thêm mấy lần nữa vẫn bận và bận.

Tuy đã vài lần đạt giải thưởng báo chí ngành, báo chí toàn quốc và hiện đang là trưởng ban biên tập Văn hóa văn nghệ của một tờ báo cấp bộ nhưng nhà báo Lê Thị Lụa chưa bao giờ dám nghĩ rằng, mình là “ nhà báo Trung ương nổi tiếng” như cách cô em chồng đã nâng bi, mặc dù đó là sự nâng bi với thứ giọng đai miệng của người nói, khiến cho từ “vâng” vốn là từ vựng lịch lãm, tử tế xưa nay trở thành từ “vầng” và còn bị nát ra thành hai mảnh “ vầng” và “…  ầng!”.

Nhìn ba tập tiền vẫn để trên bàn, nhà báo Lê Thị Lụa hình dung lại vẻ mặt giọng nói cong cớn của cô em chồng rồi bỗng bật cười nhớ đến câu đã được nghe nhiều lần ở quê: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng!”

Thực tình mà nói, nếu nhìn một cách đo đếm sòng phẳng và vụ thực thì mọi thứ đang có của vợ chồng cặp tiến sĩ- nhà báo Nhân- Lụa, chẳng đáng gì cả so với cơ ngơi vật chất và mức độ mau mắn phúc phần con cái rất hoàn hảo của vợ chồng cô Tâm Tình.

Có thể nói ngay rằng, họ thua xa, thua rất xa…

Thua, nhưng họ cũng không khi nào cố gắng kiểu ma ra tông để rút ngắn khoảng cách, hay rốt ráo tìm cơ hội để có cuộc sống phồn thịnh như cô ấy.

Cũng đã vài lần, cứ như một sự ngẫu nhiên nào đấy, tiến sĩ Hoàng Vũ Nhân lại tự cười ví vợ chồng anh là một cặp đôi hoàn cảnh, rồi hỉ hả ứng khẩu đọc thành vè, vận theo một bài phú hoạt kê đã lưu truyền trong giới văn nghệ sĩ đã có từ thời bao cấp: Chà chà! Tiến sĩ như ta sang thật là sang/ Nhà báo như ta của đà đáng của/ Chung cư thuê, mười sáu mét/  Vẫn kê đủ hai bàn/ Sổ tiết kiệm ba năm/ Vốn- lãi dư trăm triệu/ Có ô tô mác ngoại/ Vi vu khắp đất trời/ Tính thừa rồi tính thiếu/ Có hoàn cảnh gì đâu/ Và, nghĩ trước nghỉ sau? Ta có đâu hoàn cảnh…?.

Cô vợ nhà báo bụng bầu, tay ôm bụng, tay chống mép bàn đứng lên, chép miệng nói: “Lạc quan hơi bị lâu đấy nha! Đến thế nào mới không hoàn cảnh nữa?”. Anh chồng vội cải chính: “Rất hoàn cảnh nhưng đó là so với vợ chồng nhà cái Tình, chứ em nghĩ mà xem, trong khóa nghiên cứu sinh cùng anh, hai thằng còn chưa xin được việc, một thằng bỏ nghề đi làm thợ lắp camera an ninh đấy! Tính ra mềnh còn may mắn chán!”.

Cô vợ liền cởi mở đồng tình: “Công nhận! Khóa em cũng chỉ được mấy đứa làm đúng nghề đào tạo, còn thì rẽ ngang, rẽ tắt cả lũ! Nhưng nói gì thì nói, so gì thì so, chúng mình vẫn là một cặp đôi hoàn cảnh. Nghĩ theo hướng tích cực một chút thì là cặp đôi đang vượt hoàn cảnh. Nhà iem lập ngôn như thế đã đúng chưa ngài tiến sĩ thích đùa?”. “ Quá chuẩn!”- Anh chồng nói thế rồi sà đến ngồi cạnh vợ. Cả hai liền cùng cười  tít hết cả mắt, rồi bốn bàn tay ấp chồng, chồng ấp lên nhau, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nhắc lại bốn từ cặp đôi hoàn cảnh và sáu từ cặp đôi đang vượt hoàn cảnh thật to như cách zdô của đám dân nhậu hét lấy đà lên cấp độ phưỡn phê bia rượu.

Thế nên, đã không ít lần trong các bữa ăn, dù là ăn tươi hay “ăn  cho xong bữa để còn công việc”, hai người thường luôn gắp mời nhau món ăn rồi cười trêu bằng câu:“Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon!”. Hoặc: “Nhà iem mời sếp thử món cơm gạo hẩm rang với dưa khú ạ”. “Hàn sĩ Hoàng Vũ Nhân ta đây xin mời nương nương Tây Vuông Lụa, à nhầm nhầm, Tây Vương Mẫu dùng món này thay cho dưa khú cùng là cà thâm ạ!”…

Rồi sau đó, họ tiếp tục vẻ hồn nhiên như những đứa trẻ đang vào tuổi lớn, cùng một lúc đều đưa ngón tay cái lên like một cách tâm đắc, bao hàm cả hai phạm trù: Lời chúc tụng trang trọng, và lời lịch lãm đáp từ, chồng giành cho vợ, vợ vâng lời chồng.

5. Tuy được con trai dùng chiếc Camry, đời 1990 đi phố để “sắm mấy thứ linh tinhsong chủ định của bà giáo Tâm là đi mua đồ dùng cần thiết cho con dâu sắp sinh.

Đến phố lớn, khu trung tâm mua sắm, hễ cứ thấy bà Tâm định mua gì thì anh con trai liền bảo mẹ: “Thứ này, chúng con đã sắm từ tháng trước rồi ạ!”.

Không được như ý, sau vài lần thở dài bất mãn với sự vô duyên của mình, bà giáo bảo Nhân chở bà đến một  người quen, là bác sĩ làm ở bệnh viện sản để “đặt vấn đề” sinh nở cho con dâu. Bà tính thế nhưng không nói rõ ra, sợ lại bị con trai ngăn.

Xe chạy qua ba ngã tư thì Nhân có phôn. Vừa nhìn màn hình anh đã bấm di động nói luôn: “Bà bầu có chỉ đạo gì thế ta?”. Tiếng vang trong máy: “Không phải bà bầu đâu, chị Kim đây!” . “Ôi ôi, em Nhân xin lỗi bác sĩ chung cư!”. “Vợ đẻ rồi đấy! Đẻ rơi, con trai ba cân ba, chúc mừng bố trẻ nhé! Nghe mẹ trẻ sản phụ báo cáo này!”. Liền đó, vang lên tiếng của Lụa: “Em sinh rồi! Đẻ rơi nhưng kịp ới chị Kim lên cắt rốn. Hoàn hảo mọi sự rồi! Anh báo để bố mẹ và mọi người chung vui nhé!”. Vang lên trong tiếng bác sĩ Kim lẫn tiếng khóc của trẻ sơ sinh: “Vừa đẻ nói thế thôi, không sau này bị váng tai đấy!”

Tiến sĩ Nhân nói như hét vào máy: “Cảm ơn em, cảm ơn con trai, anh được làm bố rồi!”

Tắt máy, Nhân rơm rớm nước mắt nhìn mẹ, nói: “Con chúc mừng bà nội”.

Bà Tâm vui lắm! Bà ân cần nói lời mừng con trai rồi gọi phôn cho chồng báo tin vui.

Thấy con trai phóng xe hơi nhanh bà phải che máy, ra hiệu và nói nhỏ: “ Cẩn thận nhìn đường, đi con !”

Ngọc Minh