Cùng với Tôtem sói của Khương Nhung, Chó ngao Tây Tạng của Vương Chí Quân, Hổ Trung Quốc của Lý Khắc Uy đã làm nên một bộ ba tiểu thuyết về động vật gây chấn động Trung Quốc và thế giới. Lý Khắc Uy dành hơn mười năm để thu thập dữ liệu về hổ hoang dã Trung Quốc. Năm 2001, ông đích thân đến vùng rừng núi Giang Tây, Hồ Nam, Chiết Giang, An Huy và khu bảo tồn tự nhiên hổ Hoa Nam Trung Quốc để phỏng vấn nhiều người, sưu tập nhiều dấu tích, tư liệu và truyền thuyết về hổ Hoa Nam. Từ những tư liệu đó, ông khéo léo lồng ghép các tình tiết gay cấn, phiêu lưu, trinh thám, dữ dội vào kỹ xảo tự sự của tiểu thuyết. Sau bốn năm sáng tác, năm 2006, Hổ Trung Quốc hoàn thành. Bi tráng, chân thực, xúc động và khẩn thiết, tác phẩm lay động lòng người, đánh thức lương tri sinh thái, trách nhiệm sinh thái của độc giả qua thi pháp tiểu thuyết sinh thái độc đáo của nhà văn.
1. Thi pháp sinh thái qua nhan đề, đề tài, cốt truyện
Tác phẩm có nhan đề là Hổ Trung Quốc (Trung Quốc hổ). Nhan đề rất giản đơn, không ẩn dụ, không tượng trưng. Yếu tố chính xuất hiện đầy đủ. Cũng như Tô tem sói (Lang đồ đằng), Chó ngao Tây Tạng (Tạng ngao), nhan đề tác động trực tiếp vào nhận thức người đọc bởi tên các loài động vật quý hiếm: sói, ngao, hổ. Đặc biệt, với định ngữ chỉ địa điểm, cũng là chỉ đặc trưng của loài vật: Tây Tạng và Trung Quốc, hai tác phẩm sau còn gây ấn tượng về độ chính xác, tính cụ thể.
Từ nhan đề, có thể thấy đề tài của tiểu thuyết Hổ Trung Quốc hướng vào chủng loài hổ Trung Quốc – động vật quý hiếm đang trong nguy cơ tuyệt chủng. Bảo vệ hổ Trung Quốc hoang dã là đề tài mà Lý Khắc Uy chọn lựa.
Với đề tài này, Lý Khắc Uy nhấn mạnh ba mức độ liên quan đến hổ Trung Quốc hoang dã. Một là mức độ quý hiếm, hai là mức độ quan trọng, ba là mức độ khó khăn trong bảo vệ (1). Từ đó, nhà văn triển khai đề tài trong một cốt truyện hấp dẫn giàu chất súc tích, ly kỳ, gay cấn.
Câu chuyện Hổ Trung Quốc diễn ra tại khu rừng Bách Sơn Tổ – ngã ba Chiết Giang và Phúc Kiến. Đó là mảnh đất cuối cùng của môi trường sống hoang dã ở phía đông Trung Quốc. Zu Zu – một con hổ hoang dã được cho là đã bị tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện trong Bách Sơn Tổ. Đây có thể là con hổ Hoa Nam – hổ Trung Quốc cuối cùng trên thế giới! Một nhóm khảo sát gồm các chuyên gia quốc tế và trong nước ngay lập tức vào rừng sâu. Với sự hỗ trợ của các lực lượng đặc biệt, họ nỗ lực duy trì sự sống của Zu Zu trong môi trường hoang dã, giúp nó sinh sản để tiếp nối dòng máu hổ Trung Quốc. Trong khi đó, do tranh chấp về quỹ bảo vệ hổ hoang dã, các lực lượng quốc tế cũng ngầm theo dõi những con hổ hiếm hoi này. Họ đã thuê hai kẻ săn thú chuyên nghiệp có tính cách vô cùng tàn nhẫn tìm cách tận diệt những con hổ Trung Quốc. Trận chiến giữa công lý và cái ác, bảo vệ và phá hủy, săn trộm và chống trộm diễn ra vô cùng gay cấn. Kết thúc truyện, bốn con hổ Trung Quốc thông minh, dũng cảm, tình nghĩa bị chết. Chỉ còn một con hổ đực sống sót cất tiếng gầm giữa nền trời đỏ lửa của núi rừng Bách Sơn Tổ. Được mẹ nuôi nấng dạy dỗ thành con hổ dũng mãnh, đứa con của tự nhiên, chúa tể của rừng già. Nhưng trong môi trường ngày một bị phá hoại nghiêm trọng, cái gì đang chờ đợi nó? Lại nữa, nó là một con hổ đực. Làm sao có thể tìm ra một con hổ cái hoang dã như nó để có thể phát triển giống nòi?
Thông qua cốt truyện về hổ, tác giả Lý Khắc Uy còn mang đến cho người đọc nhiều kiến thức liên ngành bổ ích và hấp dẫn; xây dựng hệ thống nhân vật, không gian và thời gian đậm chất sinh thái; triển khai chiến lược tự sự độc đáo làm nổi bật mục đích sinh thái của tác phẩm.
2. Thi pháp sinh thái qua kiến thức liên ngành
Trong cốt truyện bảo vệ hổ Trung Quốc, nhà văn Lý Khắc Uy đã gây hứng thú đặc biệt cho bạn đọc nhờ lượng kiến thức liên ngành phong phú và hấp dẫn. Đó là kiến thức về hổ Trung Quốc, về thế giới động vật, quy luật sinh thái, quy luật bảo vệ sinh thái.
Thông qua cuộc đời của con hổ cái Zu Zu, tác giả đã giới thiệu chi tiết về hổ Trung Quốc nói riêng và loài hổ nói chung. Lai lịch, giá trị, lịch sử và thực trạng tồn tại, đặc điểm… của hổ Trung Quốc, Bengal, Siberi đều được thuyết minh, phân tích một cách khoa học và nghệ thuật. Ngoài ra, đặc điểm và tập tính của hổ và các loài động vật, thực vật khác cũng được Lý Khắc Uy miêu tả kỹ càng. Các loài động vật tồn tại trong rừng già, nương tựa vào mẹ thiên nhiên để sống, nhưng cũng nhờ có sự điều hòa của chúng mà mẹ thiên nhiên giữ được sự trường sinh của mình. Mỗi sinh vật là một mắt xích tạo nên sự cân bằng sinh thái. Chính mối quan hệ này đã gắn kết các loài sinh vật lại với nhau, nếu tách rời thì sự cân bằng sinh thái sẽ bị sụp đổ. Trình bày những kiến thức khoa học nêu trên, Lý Khắc Uy đã “thể hiện một sự am hiểu tinh tường, một tình yêu thiên nhiên lớn lao và một khối lượng kiến thức khổng lồ về các loài động thực vật, đặc biệt là loài hổ Trung Quốc”(2).
Tiểu thuyết Hổ Trung Quốc còn là sự báo động về thảm họa sinh thái. Không chỉ riêng hổ, các chủng loài khác trên hành tinh này cũng đang bị tuyệt diệt với tốc độ rất nhanh. “Theo thống kê của WWF,… gần 1,6 vạn vật chủng động thực vật đang đối mặt với sự tuyệt diệt, so với trạng thái hủy diệt tự nhiên, tốc độ cao gấp 1000 lần. Với tình trạng này, đến năm 2050, 37% vật chủng sẽ biến mất”(3).
Mọi kiến thức về sinh vật học, sinh thái học, những bài học về bảo vệ sinh thái đều được nhà văn Lý Khắc Uy đan lồng một cách tinh tế, khéo léo vào tiến trình phát triển của cốt truyện. Có khi chúng nằm ở lời miêu tả của người kể chuyện, có khi ở lời đối thoại thuộc nhiều ngữ cảnh (giảng giải, phân tích, tranh luận, báo cáo khoa học…), nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật (ôn hòa, giận dữ, vui mừng, buồn lo…); có khi xuất hiện bằng hình ảnh (qua ống kính camera quan sát, DVD lưu trữ dữ liệu… ), bằng văn bản (tài liệu của WWF, IUCN…). Cách thức tự sự này khiến tiểu thuyết Hổ Trung Quốc dung chứa nhiều kiến thức khoa học liên ngành nhưng không gây cảm giác thuyết giảng nặng nề. Ngược lại, tác phẩm mang lại hứng thú rất riêng biệt đối với người đọc. Vì vậy, như những tác phẩm văn học sinh thái thành công khác, Hổ Trung Quốc của Lý Khắc Uy có giá trị nhận thức rất cao.
3. Thi pháp sinh thái qua nhân vật
Hổ Trung Quốc có một thế giới nhân vật phong phú đảm nhiệm chức năng chuyển tải chủ đề, triển khai cốt truyện, trình bày quan điểm sinh thái của nhà văn.
Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là con hổ hoang dã Hoa Nam được đặt tên là Zu Zu. Zu Zu khiến người đọc hiểu hổ, yêu hổ và có ý thức, trách nhiệm bảo vệ hổ. “Nó có đầy đủ sự đẹp đẽ, oai phong, toàn thân thanh nhã, cái đẹp thiên thần, cái đẹp vô cực”. Zu Zu còn rất thông minh. Giống như hiệp sĩ ẩn dật, nó giấu mình trong núi, luôn đề phòng con người, đến nỗi hai mươi năm liền không ai nhìn thấy nó.
Cũng như Zu Zu, Sao Khuê mang vẻ đẹp của dòng dõi chúa tể sơn lâm. Nó to cao lực lưỡng, gân guốc, oai phong đĩnh đạc, “đẹp đến mức làm người ta ngây ngất”, “mê dại”. Sao Khuê dũng cảm và tình nghĩa. Nó chăm sóc, bảo vệ cho bạn tình Zu Zu, âu yếm chở che cho Pao Pao khi nhận ra Pao Pao là con của mình. Meng Meng, Ya Ya và Pao Pao thì ngây thơ, tinh nghịch, đáng yêu. Tất cả chúng “khiến những người nghiên cứu sâu về hổ đều có chung cảm giác, đó là càng hiểu hổ bao nhiêu càng yêu mến chúng bấy nhiêu”. Và qua những gì Lý Khắc Uy miêu tả trong tác phẩm, người đọc sẽ có nhiều thiện cảm với loài hổ.
Lấy Zu Zu làm điểm quy chiếu, có thể chia hệ thống nhân vật con người của Hổ Trung Quốc thành hai tuyến: tuyến nhân vật chính diện (bảo vệ hổ) và tuyến nhân vật phản diện (tiêu diệt hổ).
Qua các nhân vật bảo vệ hổ, tác giả Lý Khắc Uy thể hiện rõ quan điểm sinh thái, quan điểm bảo tồn một cách khoa học. Trong bữa cơm đầu tiên, các quan điểm ấy đã được bộc lộ qua ngôn ngữ và hành động của các nhân vật. Chuyên gia Steven là thành viên của tổ chức Hòa bình xanh, ông chỉ ăn chay, hoàn toàn không ăn thịt. Ông giận dữ khi thấy người ta đánh bắt cá nhỏ, người Trung Quốc ăn thịt chim ưng vì chúng bay đến từ Việt Nam. Chi tiết này là một cách để tác giả gián tiếp đưa ra thuyết bảo vệ động vật, giải phóng động vật của Peter Singer, luân lý học tôn trọng sinh mệnh của Albert Schweitzer (4). Đồng thời, qua đó có thể thấy Lý Khắc Uy nhấn mạnh vấn đề môi trường không phải là của từng địa phương, quốc gia, dân tộc mà là vấn đề toàn cầu.
Bảo vệ và chăm sóc Zu Zu là sứ mệnh, là trách nhiệm của đoàn khảo sát. Họ làm việc với tất cả lòng nhiệt tình và say mê, tinh thần khoa học đầy nghiêm túc và cẩn trọng, lòng yêu thương và trân quý đối với thế giới tự nhiên.
Sau khi phát hiện Zu Zu, kế hoạch bảo vệ nó được gấp rút triển khai. Các tổ chức IUCN, WWF làm việc trực tuyến với Bắc Kinh và khu bảo tồn Bách Sơn Tổ. Các cuộc họp trực tuyến, điện đàm liên tục diễn ra bất kể là ngày hay đêm. Mỗi động thái đối với Zu Zu đều được cân nhắc, phân tích kỹ càng, thận trọng. Thận trọng trong từng hơi thở, từng bước đi, từng suy nghĩ, từng lời nói, từng việc làm. Nhóm khảo sát làm việc không ngơi nghỉ. Họ sống trong rừng, ở trên cây, theo dõi để bảo vệ và chăm sóc Zu Zu mọi lúc, mọi nơi. Quan điểm bảo tồn được tranh cãi gay gắt, và với kiến thức khoa học chuẩn xác, ý kiến của Steven bao giờ cũng đáng tin cậy. Cũng như tiến sĩ Jackson – chuyên gia về động vật họ mèo của IUCN, Steven cho rằng động vật hoang dã phải được sống tự nhiên trong môi trường hoang dã, nuôi nấng, chiều chuộng, che chắn cho chúng cũng là một hình thức ngược đãi chúng: “Cách bảo vệ sinh thái tốt nhất là con người đừng có can dự vào. Bất kỳ sự nhúng tay nào của con người đều chỉ làm hỏng việc. Tôi vô cùng tức giận khi thấy trong vườn động vật người chăm sóc bế hổ con trên tay, như vậy họ sẽ nuôi hổ con để trở thành lợn con” (5). Và để thực hiện quan điểm bảo tồn trên cơ sở tôn trọng tự nhiên này, nhóm khảo sát đã gặp vô vàn khó khăn. Họ gắn bó với rừng, với hổ, cùng buồn vui với công việc và công cuộc của mình. Họ không quản gian nguy, không màng danh lợi, chấp nhận bất hòa, xung khắc để bảo vệ hổ, bảo vệ sinh thái một cách tốt nhất, khoa học nhất.
Đối lập với nhóm khảo sát là nhóm săn trộm hổ. Từ sự thuê mướn, khống chế của các tổ chức đen ở trong nước và quốc tế; với bản chất nghiện giết mãnh thú, chinh phục động vật hoang dã, Bành Đàm đã lôi kéo em trai là Bành Uyên lao vào cuộc săn thú đầy dã man, tàn độc. Bọn chúng cũng sống trong rừng, ở trên cây nhưng với mục đích rình rập để giết hổ. Sao Khuê bị sập bẫy, Meng Meng và Ya Ya bị trúng độc. Ba con hổ hoang dã hùng dũng, mạnh mẽ và đáng yêu lần lượt chết dưới tay chúng. Đằng sau anh em Bành Đàm là một thế lực lớn, âm mưu lớn mang tính quốc tế. Người ta muốn xóa tên hổ Trung Quốc trong danh sách động vật hoang dã quý hiếm. Các nhân vật giấu mặt này là kiểu nhân vật chức năng, chúng giúp người đọc nhận thức được rằng bảo vệ động vật hoang dã nói riêng và bảo vệ sinh thái nói chung là một cuộc chiến đấu đầy cam go và thử thách với muôn hình vạn trạng những trở lực. Nhân loại cần nỗ lực hơn nữa mới có thể thành công.
Trong xây dựng tính cách nhân vật, tác giả cũng lấy thái độ và hành động ứng xử với tự nhiên làm thước đo. Cung Cát dí dỏm và nóng nảy, Steven nghiêm túc và can đảm, Gia Nhi khoan dung và ôn hòa, giáo sư Lâm điềm đạm và cẩn trọng, Bành Đàm xảo quyệt và tàn nhẫn… Tất cả những khác biệt đó đều được bộc lộ qua mối quan hệ với các thành viên trong gia đình hổ Zu Zu và các sinh vật khác. Quan hệ giữa con người và con người chỉ là yếu tố phụ, ngoài công việc bảo vệ hổ và săn giết hổ ra, yếu tố tình cảm, sinh hoạt đời thường chỉ đóng vai trò bổ trợ nhằm tránh sự đơn điệu cho tác phẩm.
4. Thi pháp sinh thái qua không gian và thời gian
Chiếm ưu thế trong không gian nghệ thuật của Hổ Trung Quốc là không gian xanh của núi rừng Bách Sơn Tổ. Đó là một khu rừng rất đẹp, “là một vương quốc thực vật quây quần hội tụ mọi giống mọi loài…” (6). Thông qua các sự kiện, các hoàn cảnh và biến cố cụ thể, thiên nhiên cứ thế chảy tràn trên từng trang viết của Lý Khắc Uy. Thiên nhiên đẹp hoang sơ, hùng vĩ và trữ tình làm cho con người thấy yêu hơn, trân quý hơn thế giới này.
Trong màu xanh tầng tầng lớp lớp của Bách Sơn Tổ, vạn vật chung sống theo quy luật của rừng. Vạn vật và cả con người đều phải tuân thủ quy luật ấy để nhịp sống vẫn chảy đều trong Bách Sơn Tổ. Mỗi động vật đều vận dụng hết tất cả những kỹ năng chiến đấu, mưu lược, sự kiên nhẫn, lòng dũng cảm để chiến thắng và tồn tại. “Sự tàn sát và chống trả xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu”. Tuy nhiên, tất cả những cuộc chiến sinh tồn hợp quy luật ấy vẫn đảm bảo cho sức sống của rừng, sức sống của thế giới tự nhiên. Chỉ có sự tàn phá của con người mới khiến cho tất cả đều bị hủy diệt. “Rừng nguyên sinh không sợ núi lửa động đất, cũng không sợ sét đánh gây cháy, không sợ nham thạch rơi nhưng nó sợ cái cưa, cái rìu bé tí của con người. Chính hai thứ bé tí đó khiến tám mươi phần trăm diện tích rừng trên trái đất biến mất” (7).
Môi trường đô thị trong Hổ Trung Quốc là không gian của tù túng, nhộn nhạo và ô nhiễm. Cả một biển người phải “xài thuốc độc”. “Không khí bẩn, nước bẩn, dụng cụ gia đình, nội thất độc, quần áo mặc chứa metanon quá mức cho phép”. “Vật liệu xây dựng có chất phóng xạ… sữa có chất kháng sinh chống ôi thiu, thịt có chất làm nạc, trứng có vi khuẩn bệnh cúm gia cầm”… “Rau thúc lớn nhanh bằng chất hóa học, trái cây có thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu…” (8). Đi liền với phát triển là ô nhiễm, đó là bi kịch mà người thành phố phải gánh chịu. Dù chỉ chiếm vị trí bên lề của hệ thống không gian trong tiểu thuyết Hổ Trung Quốc, không gian đô thị vẫn đủ để chuyển tải những bức bách về môi trường sống của con người thời hiện đại. Từ đó, người ta càng thấy quý hơn, yêu hơn môi trường tự nhiên trong lành, vô nhiễm.
Từ việc lên án sự tàn phá của con người, rất nhiều lần Lý Khắc Uy miêu tả không gian núi rừng gắn với thời gian quá khứ. Đó có thể là quá khứ tươi đẹp và trù phú của rừng, cũng có thể là quá khứ của tiến trình xâm hại rừng, để đến hôm nay rừng mất dần lãnh thổ, mất dần các cư dân. Đến khi được quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên, chuỗi thức ăn trong diện tích của Bách Sơn Tổ chỉ đủ cho một con hổ. Con hổ Giang Tây – cha của Zu Zu – đã phải đi khỏi Bách Sơn Tổ, nhường mảnh đất quý giá đã chiếm cứ nhiều năm cho vợ và đứa con sắp chào đời. Nó định quay về nơi chôn rau cắt rốn để dung thân. Nhưng vật đổi sao dời, rừng cũ đã bị người ta khai hoang trong khí thế hừng hực của phong trào khoán sản lượng. Ngày 7 tháng 2 năm 1981, trên ngọn núi chính của dãy núi Vũ Di ở rừng Giang Nam, con hổ đực vốn dài ba mét, nặng 230 kilô đã chết đói bên vực núi. Lúc đó, nó chỉ còn 40 kilô. Là chúa tể sơn lâm, dẫu còn da bọc xương nhưng nó vẫn không ngã, nó chết ngồi trên một mỏm đá, “hai mắt mở trừng trừng nhìn xuống những quả đồi trọc lốc, những mảnh đất khô cằn, những con suối trơ sỏi đá, đôi mắt trống rỗng ẩn chứa những ưu tư cho số phận cay đắng của mình” (9).Đến khi Zu Zu lớn lên, biết rằng diện tích Bách Sơn Tổ không đủ nuôi sống cùng lúc hai con hổ, thay vì phải đuổi con đi một cách tàn nhẫn như quy luật nghiệt ngã của loài hổ, hổ mẹ đã cho Zu Zu sống chung trong lãnh địa của mình. Sau đó, có thể vì thương con, muốn nhường lãnh địa cho con nên hổ mẹ bỏ đi tìm vùng đất mới. Nó trúng tên độc trong cuộc mưu sinh vất vả này. Thế mới biết, trời đất mênh mông nhưng chúa sơn lâm không có chỗ dung thân. Chúa tể mất đất, môi trường sống bị cướp đoạt và tàn phá, động vật hoang dã rơi vào bi kịch mất nơi chốn khiến chúng phải chết trong đói khát, căm hận và đớn đau.
Tác giả Lý Khắc Uy nhiều lần đối sánh giữa không gian trong hiện tại và quá khứ khiến người đọc nhận thức được nỗi mất mát mà chính con người gây ra cho thế giới tự nhiên. Và để nhấn mạnh vai trò của hổ đối với sinh thái, Lý Khắc Uy đã gắn sự mất mát của hổ với sự mất mát của rừng. Hổ và rừng có mối quan hệ mật thiết với nhau, dựa vào nhau để cùng tồn tại. Loài hổ tuyệt diệt cũng có nghĩa là rừng cũng sẽ bị diệt vong. Mất hổ là mất rừng, mất cân bằng sinh thái. Những bài học kinh nghiệm về việc bảo vệ sinh thái luôn được nhắc đến nhằm cảnh báo mọi người phải thận trọng để không mắc sai lầm. Vì vậy, thời gian quá khứ trong Hổ Trung Quốc còn gắn với kinh nghiệm, nói đến thất bại hôm qua để tránh thất bại cho hôm nay. Và, nếu bảo tồn phi khoa học, “đem cái tâm tốt để làm một việc xấu” thì trong nay mai, hổ hoang dã cũng không còn. Các chiều thời gian trong tác phẩm đan xen vào nhau, gắn với những bằng chứng cụ thể, những bài học đắt giá đã tăng sức thuyết phục cho lý lẽ bảo vệ sinh thái của các nhân vật.
Như vậy, không gian và thời gian trong Hổ Trung Quốc không chỉ là bối cảnh, là điều kiện tồn tại của nhân vật và sự kiện mà còn là phương tiện nghệ thuật chuyển tải tư tưởng sinh thái của nhà văn.
5. Thi pháp sinh thái qua chiến lược tự sự
Hổ Trung Quốc của Lý Khắc Uy chứa đựng rất nhiều kiến thức khoa học liên ngành, phơi bày nguồn gốc của nguy cơ sinh thái, thể hiện quan điểm sinh thái, trách nhiệm sinh thái. Tuy nhiên, tác phẩm không gây cảm giác thuyết giáo nặng nề, khô khan mà ngược lại, đầy sức hấp dẫn, cuốn hút từ trang đầu đến trang cuối nhờ chiến lược tự sự độc đáo của nhà văn.
Hổ Trung Quốc có kết cấu cốt truyện đa tuyến. Ngoài tuyến truyện chính về cuộc đời con hổ Zu Zu và công việc bảo vệ của nhóm khảo sát còn có các tuyến truyện phụ liên quan đến những kẻ giết hổ thuê là anh em Bành Đàm, truyện về tên tội phạm hãm hiếp và giết người Vệ Tiểu Hải đang bị truy nã lẩn trốn trong Bách Sơn Tổ, về số phận của con Hổ Trung Quốc già nua được nuôi trong vườn nhà của tiến sĩ động vật học Jackson ở Thụy Sĩ… Các tuyến truyện vừa tồn tại độc lập với dụng ý mở rộng phạm vi phản ánh của tác phẩm, vừa liên kết với nhau ở một vài chi tiết, tình tiết nhằm gia tăng kịch tính cho câu chuyện. Chất sinh thái đan quyện với chất trinh thám, chất hình sự, phiêu lưu; việc tìm kiếm để săn sóc hổ song hành cùng việc tìm kiếm để giết hổ; rồi phóng hỏa đốt nhà, giết người diệt khẩu, yêu thương hờn giận, ân đền oán trả giữa người và người, người và thú… đan cài trong nhau kéo người đọc vào một cuộc chơi trốn tìm đầy căng thẳng, lắm bất ngờ và ly kỳ.
Được tự sự từ ngôi thứ ba, điểm nhìn “thượng đế” bao quát toàn truyện. Tuy nhiên, đặc trưng của truyện là phải vào rừng sâu, quan sát hổ ở cự ly gần nhất. Vì vậy, điểm nhìn tự sự còn được bố trí linh hoạt từ nhiều chiều để tăng sức thuyết phục. Ở rất nhiều chỗ, tác giả trao điểm nhìn cho nhóm khảo sát, Bành Đàm hoặc ống kính camera, đầu dò và monitor để có thể tường thuật cuộc chiến liên hoàn đầy khốc liệt giữa các loài động vật, hoặc nhìn tận vào trong hang hổ để theo dõi mọi động tĩnh của nó. Sự di chuyển và phối hợp nhiều điểm nhìn đã khiến câu chuyện sinh thái trở nên sống động, thật hơn, thuyết phục hơn.
Phương thức dẫn chuyện thực hư tương sinh (thực hư sinh ra nhau), sự biến (biến hóa khôn lường), nhất khẩu nhất túng (khi buông khi bắt), ba lãng khởi phục (sóng cuộn lên xuống), hoành vân đoạn lĩnh (mây chắn ngang núi)… của thi pháp tiểu thuyết chương hồi được Lý Khắc Uy kế thừa đắc dụng. Khi dồn nén, khi kéo giãn; đánh đố, giải đố; hy vọng, thất vọng; hoài nghi, tin tưởng… những phạm trù đối lập đó liên tục nối tiếp nhau, hòa trộn trong nhau tạo nên những làn sóng sự kiện ào ạt trong tác phẩm. Việc Lưu Thổ Hoàn và Cung Cát phát hiện hổ hoang dã đã gây chấn động thế giới. Chương trình nghị sự về bảo vệ hổ Trung Quốc của IUCN và WWF lập tức được tiến hành ở Thụy Sĩ. Chuyên gia Steven được cử đi Trung Quốc ngay. Nhóm khảo sát được thành lập và bắt tay vào tìm kiếm hổ. Bành Đàm và Bành Uyên cũng lập tức vào rừng để tìm giết hổ. Sau mười ngày tìm kiếm, nhóm khảo sát chẳng thấy dấu vết gì của hổ Hoa Nam, “một cái lông hổ tử tế cũng không”. Thất vọng, Steven hoài nghi tính xác thực của bức ảnh con hổ do Cung Cát chụp. Cung Cát nổi giận, phát khùng. Gia Nhi giận dữ với Cung Cát. Mọi người buồn bã xuống núi. Gặp một dòng suối trong vắt, họ dừng lại rửa ráy. Gia Nhi đi ra xa, cởi áo lội xuống tắm. Cung Cát đi theo, đưa máy ảnh lên định kiếm một bức ảnh thiếu nữ khỏa thân. Anh lùi vào bụi cỏ lấy tầm ngắm. Và… anh chạm mặt một con hổ. Con hổ lao ra dòng suối. Gia Nhi kêu lên. Mọi ánh mắt dồn về phía cô. Tất cả mọi người đều nhìn thấy con hổ bơi ngang qua cô… Nhóm khảo sát đặt camera để quan sát Zu Zu. Zu Zu ở mãi trong hang, chỉ nghe tiếng kêu thoát ra. Rất không bình thường, nhất định có chuyện! Có thể nó bị thương hoặc trúng độc! Tin dữ lan đi, làm chấn động cả Khánh Nguyên, Lệ Thủy, Hàng Châu, thậm chí cả Bắc Kinh. Máy bay trực thăng, xe cấp cứu, bác sĩ giỏi sẵn sàng đợi lệnh. Nhóm khảo sát vào núi ngay trong đêm, kéo theo hàng chục người, cõng theo các loại vật dụng cần thiết nhất: cáng, thuốc men, súng bắn thuốc mê… Bên ngoài núi, ba cấp văn phòng đều có trực ban ngồi đợi điện thoại… Trong hang, Zu Zu lăn lộn bất an, không ăn không ngủ. Mọi người rất đỗi lo lắng. Steven thòng đầu dò nối với một cái monitor vào. Nhìn vào màn hình, mọi người thấy vết nôn. Hay là Zu Zu bị bệnh SARS, cúm gà? Màn hình chiếu đến sinh thực khí và đo được nhiệt độ của Zu Zu. Rất nóng. Mọi người kinh ngạc đưa mắt nhìn nhau. Zu Zu động dục! Bất ngờ! Vì Zu Zu đã gần như qua tuổi sinh đẻ.
Theo dõi diễn tiến của truyện, chúng ta sẽ thấy làn sóng sự kiện cứ nối nhau trào dâng, lắng dịu, rồi lại trào dâng, lắng dịu. Kịch tính của truyện được đẩy lên cao độ, dồn nén cao độ để rồi bung tỏa trong tiếng thở phào nhẹ nhõm hoặc tiếng hò reo vui mừng. Quan sát kỹ các phân đoạn, ta sẽ thấy dù ở tình huống mang tính chất hài kịch, bi kịch hay chính kịch, tác giả cũng đều đan lồng vào đó những yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên. Chính bất ngờ và ngẫu nhiên đã làm tăng kịch tính, tăng độ hấp dẫn cho toàn truyện.
Thời hiện tại chiếm ưu thế và là thời gian bảo vệ hổ. Nhịp điệu thời gian rất gấp gáp, khẩn trương. Vì một con hổ hoang dã, điện đàm được nối với khắp nơi. Họp hành, hội ý, tranh luận, thuyết phục, phản bác, chờ đợi, kiếm tìm, âu lo, giận dữ, vui mừng, đau đớn… nối tiếp nhau, đan cài vào nhau khiến thời gian của tác phẩm rất giàu kịch tính. Thủ pháp kéo giãn và dồn nén thời gian tâm lý có khi được sử dụng để đặc tả tâm trạng căng thẳng của các nhân vật trong công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung cao độ. Sau khi đưa ba con hổ đực ở vườn bách thú đến để giao phối với Zu Zu thất bại. Cơ hội nối dõi cho hổ Trung Quốc gần như không còn. Nhóm khảo sát cho bôi nước tiểu của Zu Zu lên cây cối của rừng núi trong ba tỉnh giáp ranh, cầu mong phép màu sẽ đưa một con hổ đực hoang dã nào đó còn sót lại đến với Zu Zu. Thời hạn thụ thai của Zu Zu sắp hết. Một cơn bão lớn ập đến, mưa to gió lớn, mùi của Zu Zu sẽ bị tan biến. Nhưng rồi Sao Khuê xuất hiện, nó đến theo mùi tình yêu của Zu Zu vẫy gọi. Mừng! Nhưng cần phải điều tra lai lịch của nó. Theo Steven, phải là trăm phần trăm gien hổ Trung Quốc mới cho phép giao phối. Đội truy kích bám theo nó. Phân hổ, dấu chân, lông hổ nhanh chóng được đưa về Hàng Châu xét nghiệm. Kết quả cho thấy có khả năng nó là giống hổ Bengal. Còn ba tiếng… hai tiếng nữa là con hổ sẽ đến đích. Đội cảnh sát vũ trang bắn chặn được lệnh sẵn sàng bắn thuốc mê, không cho nó gặp Zu Zu. Nếu bị gây mê, nó có thể chết vì quá liều. Mọi quyết định phải đưa ra nhanh chóng, nếu không, “nhất thất túc thiên cổ hận”. Căng thẳng. Nặng nề. Steven quyết định bắn. Cung Cát đập bàn phản đối. Steven ném điện thoại, tuyên bố rút khỏi hội nghị, từ bỏ nhiệm vụ và sứ mệnh tại Trung Quốc, cắt mọi viện trợ của quỹ bảo vệ hổ Trung Quốc. Ngay lúc đó Triệu Sinh gọi điện về, máy hồng ngoại đã chụp được cận cảnh con hổ. Ảnh được chiếu lên. Chữ “vương” trên trán rất rõ. Đích xác nó là hổ Hoa Nam – trăm phần trăm là hổ Trung Quốc! Steven “sướng như điên”, Gia Nhi “giàn giụa nước mắt”, giáo sư Lâm “hai tay run run”. Kết quả ADN vừa gởi về, trùng với kết luận của nhóm khảo sát. Mọi mâu thuẫn được cởi bỏ, căng thẳng được giải tỏa. Xen lẫn trong trường đoạn này là việc Bành Đàm phát hiện con hổ đực. Hai anh em nó lên kế hoạch tấn công con hổ. Vì vậy, sự việc lại chồng lớp phức tạp, càng phức tạp thì lại càng cuốn hút. Cao trào trước vừa hạ nhiệt, cao trào sau lại nối tiếp. Thời gian căng thẳng, nhân vật căng thẳng, cuốn người đọc chìm trong sức ép của thời gian và sự kiện.
Các sự kiện khác trong tác phẩm cũng đều có cấu trúc truyện kể theo lối cuộn sóng như thế khiến Hổ Trung Quốc có sức hấp dẫn đặc biệt. Và để tăng cường sự kết nối giữa các sự kiện, Lý Khắc Uy thường sử dụng phương thức dự thuật bằng một câu văn đủ để kích thích trí tò mò của người đọc. “Mấy tháng sau, Meng Meng và Ya Ya gặp kết cục bi thảm, mọi người nhìn lại mới thấy cứu được Pao Pao mới may mắn làm sao” (10). Câu văn này đủ để hé lộ kết cục của Meng Meng và Ya Ya, khơi gợi trí tò mò của người đọc về quá trình dẫn đến kết cục đó. Dự thuật có công năng như là một bước gối sóng. Cơn sóng trước chưa lùi hết, làn sóng sau đã dồn tới chuẩn bị cho một cơn sóng kế tiếp mạnh hơn sẽ vỗ vào bờ. Từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phương thức dẫn chuyện, người đọc luôn bị cuốn hút, cùng hồi hộp, buồn vui và đặc biệt là cùng cảm thấy có trách nhiệm với hổ, với môi trường sinh thái như các nhân vật hết mình vì hổ trong truyện. Qua đó, có thể thấy tài năng của tác giả Lý Khắc Uy trong nghệ thuật kể chuyện, bố trí tình tiết, dẫn dắt sự kiện.
Để câu chuyện bảo vệ hổ Trung Quốc không rơi vào đơn điệu, Lý Khắc Uy đã khéo léo đan cài những chi tiết bi hài với liều lượng vừa phải, đủ để người đọc bật cười hoặc rơi nước mắt vì các chú hổ Trung Quốc. Ưu thế của ngôn ngữ tự sự với lời kể, lời tả, lời bình luận đặc sắc qua những câu văn hoặc dí dỏm, duyên dáng; hoặc tình cảm, xúc động đã mang đến những cảm xúc chân thật cho người đọc.
Zu Zu kén phò mã là hoạt cảnh giàu tính hoạt kê nhất trong tác phẩm. “Bà chúa Bách Sơn Tổ chọn chú rể! Ghê chưa?”. Công tác tuyển chọn tiến hành ngay trong đêm, “chọn như chọn phi công, phải thân thể khỏe mạnh, đầu óc thông minh, tâm lý bình thường, không có tật sẹo. Thẩm tra lý lịch còn ngặt nghèo hơn, không có quan hệ nước ngoài, lý lịch năm đời trong sạch (phải là trăm phần trăm dòng máu Trung Quốc)” (11). Chọn được ba con hổ làm ứng viên. Ba con hổ có tên là Viên Viên, Tinh Tinh, Ling Ling. “Nghe cứ như các thiếu gia trong Đại Quan viên!”. Mỗi con có một chăm sóc viên theo cùng. “Nghe nói mấy con hổ ăn uống đều có quy định nghiêm ngặt, ăn gà phải rút xương (sợ các cậu ấm hóc!), thịt bò phải lọc sạch gân (sợ khó tiêu), mỗi ngày thêm đủ loại vitamin, dầu cá, bánh canxi…” (12). Đến khi lâm trận, cả ba chăm sóc viên đều không muốn hổ của mình “lĩnh ấn tiên phong” vào động phòng hoa chúc. Họ đùn đẩy nhau, đưa ra hàng loạt lý do để thoái thác. “Viên Viên gan nhiễm mỡ hơi cao”. Tinh Tinh “bị thần kinh suy nhược, phải uống thuốc an thần mới ngủ được, lại còn hay có ác mộng, có khi còn mộng du”. Ling Ling thì “hơi sợ bóng đêm, nó chỉ thích ở phòng điều hòa 18 đến 20 độ và xem tivi,… không xem phim bạo lực và khiêu dâm…, thích phim hoạt hình Nhật Bản…”. Khi nhóm khảo sát chọn Ling Ling cho giao phối, chăm sóc viên của nó “khóc mếu chạy theo, rõ ràng tin mừng mà cứ như nhà có tang”. Ling Ling không dám bước ra khỏi lồng. Tinh Tinh được đưa vào thay. Nó hiên ngang bước đến chỗ có mùi của Zu Zu. Mọi người mừng rỡ, hồi hộp. “Gia Nhi nắm tay Steven đến rịn mồ hôi khiến Cung Cát tức muốn nổ đom đóm mắt”. Nhưng tình thế lại bất ngờ. Tinh Tinh hờ hững bỏ đi như một quan hoạn. Một con lợn con vô tình chạy ngang qua, Tinh Tinh vờn chặn một hồi, con lợn sợ hãi một lát rồi quay lại tấn công. Tinh Tinh co cẳng chạy. “Một màn hài kịch xuất sắc, con lợn bé tí đuổi con hổ to đùng chạy chí chết”. Zu Zu bước đến. Nó cọ xát, cưa cẩm Tinh Tinh. Chú rể run lẩy bẩy. Zu Zu không chịu nổi, “cho nó một cái tát lăn cu chiêng”. Viên Viên được đưa vào, vừa bị cô dâu Zu Zu vờn một đòn là đã chạy tọt vào rừng.
Qua trường đoạn kén rể của Zu Zu, chúng ta có thể nhận thấy tác giả khéo tạo nên chất hài hước với sự phối hợp của các yếu tố nghệ thuật như tình huống hài, nhân vật hài, hành động hài, ngôn ngữ hài… Đặc biệt, bằng lối miêu tả kết hợp với thành phần chêm xen, bình luận đậm chất giễu nhại, mỉa mai và châm biếm, ngôn ngữ tự sự của tác phẩm đầy sống động, có sức lôi cuốn rất mạnh. Mục đích của trường đoạn này là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhân giống thuần chủng cho hổ Trung Quốc và phê phán lối nuôi nhốt động vật hoang dã phi khoa học, phản tự nhiên, làm mất đi bản tính vốn có của chúng. Thông điệp đó được truyền tải qua màn hài kịch cầu hôn khiến kiến thức sinh thái đến với độc giả trở nên sống động hơn, mềm mại hơn, dễ dàng hơn, thú vị hơn.
Lắm tiếng cười và cũng đầy nước mắt, tác phẩm có rất nhiều chi tiết xúc động liên quan đến tình cảm của người và của hổ. Khi Sao Khuê bị mắc bẫy của Bành Đàm, cả nhóm khảo sát tuyệt vọng đứng nhìn nó kiệt sức thở hồng hộc và cất lên những tiếng rên rỉ đau đớn. Cung Cát “toàn thân run bần bật”, Gia Nhi nức nở, Steven và mọi người đều khóc. Đầu tiên là Sao Khuê bị trọng thương, tiếp theo là các con của nó trúng độc. Zu Zu về đến hang, không thấy hai con hổ con xinh xắn Meng Meng và Ya Ya lon ton chạy ra đón. Nó gầm lên gọi con về, tất cả vắng lặng. Nó đi đến gốc cây lãnh sa. “Tìm thấy rồi! Nhưng cũng vĩnh viễn mất rồi!… Meng Meng và Ya Ya đã chết cứng… Zu Zu đứng lặng như tượng đá, tựa như không thể chấp nhận được sự thật tàn nhẫn… Nó ngẩng đầu nhìn làn sương mù, cặp mắt đầy đau thương và bi phẫn, nước mắt chực trào ra”. Khó có thể nói hết nỗi đau thương của hổ mẹ Zu Zu. Tất cả như chết lặng, đông cứng cùng nỗi mất mát của nó. Gia Nhi nước mắt như mưa, khóc không thành tiếng, vò đầu bứt tóc. Steven “bật lên tiếng khóc nức nở”. “Nhìn ông khóc đau đớn, không ai cầm được nước mắt”. Zu Zu đem xác hai con về hang. Nó không ăn không uống, ngày đêm túc trực bên con. Chín ngày trôi qua, nó có thể chết vì đói hoặc nhiễm bệnh. Nhóm khảo sát đưa Pao Pao đến, hy vọng Zu Zu sẽ đón nhận đứa con mà họ nuôi nấng giúp nó suốt ba tháng. Liệu Zu Zu có nhận ra Pao Pao không, có chấp nhận nó không? Khả năng Zu Zu vồ chết Pao Pao là rất lớn. Súng bắn thuốc mê, cáng thương, bác sĩ, dịch truyền chực sẵn… Nhưng rồi Zu Zu liếm và xoa đầu Pao Pao, Pao Pao lăn vào lòng mẹ. “Nhóm khảo sát, các nhân viên, bác sĩ, quân nhân và cảnh sát, ai cũng kín đáo quệt nước mắt”. Quá kinh sợ con người, Zu Zu mang Pao Pao đi biệt tích. Vậy mà nó lại xuất hiện đúng lúc Steven bị cơn lũ bùn cuốn trôi, nhận chìm. Khi nhóm khảo sát chạy đến, Steven thương tích đầy mình, bên cạnh ông là thi thể Zu Zu gầy guộc xác xơ. Họ đào huyệt và chôn Zu Zu dưới một khóm hoa, để con hổ Trung Quốc hoang dã ngủ yên giữa núi rừng. Từ nay, chúa tể rừng xanh không còn bị con người quấy nhiễu nữa. “Trước khi rời đi, bốn người nước mắt lưng tròng đứng thành hàng cúi đầu chào vĩnh biệt và chúc Zu Zu yên nghỉ” (13). Họ dìu nhau xuống núi. Bỗng có tiếng hổ gầm. Họ quay lại nhìn. Một con hổ cao to đang đứng trên tảng đá lưng chừng ngọn núi chính của Bách Sơn Tổ. Pao Pao! Nó đứng hiên ngang, vạm vỡ, đẹp đẽ và cực kỳ hoang dã. Nó nhìn họ gầm lên, âm thanh đầy tự tin và uy nghiêm. Trong tiếng hổ gầm, nhóm khảo sát như hóa dại, họ cười trong nước mắt, đi giật lùi xuống núi.
Cả hổ và người đều rơi quá nhiều nước mắt. Đối với những chúa tể rừng xanh, cuộc sống nghĩa là phải vượt qua nhiều cạm bẫy, trải qua nhiều mất mát, đau thương. Zu Zu mất cha, mất mẹ, mất chồng, mất con đều do sự độc ác của con người. Nhưng bản thân nó lại chết vì cứu người. Nhóm khảo sát huy động sự hỗ trợ của toàn xã hội để hổ Trung Quốc không bị tuyệt diệt và còn có thể sinh con đẻ cái. Nhưng kết quả của những nỗ lực của họ là gì? Vẫn chỉ còn lại một con hổ Trung Quốc hoang dã – một con hổ đực. Tương lai của hổ Trung Quốc sẽ thế nào trong điều kiện sống ẩn chứa vô vàn hiểm họa? Tác phẩm để lại trong lòng người đọc những day dứt khó quên.
Nếu như ở phần đầu tác phẩm, Lý Khắc Uy đưa người đọc đến với Hổ Trung Quốc bằng nhận thức lý tính, thì ở phần cuối, với văn phong giàu cảm xúc, tác phẩm đã lay động tâm can, đánh thức tình yêu, sự nuối tiếc và xót xa đối với hổ bằng tình cảm chân thực.
Nhìn trong tổng thể của nghệ thuật tiểu thuyết, có thể thấy Lý Khắc Uy rất chắc tay trong việc tổ chức chiến lược tự sự. Nhờ vậy, Hổ Trung Quốc hấp dẫn người đọc không chỉ ở “cái được kể” mà còn ở “cách kể”.
Dương Chí Quân – tác giả của Chó ngao Tây Tạng – từng nhận định: “Chỉ cần đọc những tiếng thở dài của Hổ Trung Quốc đã đủ khiến con người không khỏi kinh ngạc, không khỏi đau thương” (14). Đúng vậy, tiểu thuyết Hổ Trung Quốc của Lý Khắc Uy là một tác phẩm có khả năng làm chấn động tâm can người đọc. Với tinh thần sáng tác nghiêm túc, khoa học và đầy sáng tạo, xét về cả phương diện nội dung lẫn nghệ thuật, nhà văn đã thể hiện nét đặc sắc riêng về thi pháp sinh thái của mình trong dòng “văn học xanh”. Trước thực trạng suy thoái của môi trường tự nhiên nói chung và sự nguy cấp của loài hổ nói riêng, Hổ Trung Quốc được đón nhận nồng nhiệt và đánh giá rất cao. Chủ tịch Hội quốc tế ứng cứu Hổ Trung Quốc Quan Li đã nói thay nhiều độc giả: “Tôi vô cùng vui mừng khi cuối cùng đã có một cuốn tiểu thuyết về Hổ Trung Quốc được xuất bản ở Trung Quốc. Hổ Trung Quốc là vua của các loài thú, là loài thượng đẳng, lại là tổ tiên của tất các các á chủng hổ, quý hơn gấu trúc, và cảnh ngộ còn nguy cấp hơn gấu trúc!” (15). Tuy nhiên, không phải vì những thành công và hiệu ứng xã hội của tác phẩm mà có thể bỏ qua điểm chưa đạt của ngòi bút Lý Khắc Uy. Có đến năm lần tác giả sử dụng những câu văn cực đoan mang tính chê bai, chì chiết con người trong sự đối sánh với những điều tốt đẹp của loài hổ như: “Đôi hổ Trung Quốc này khôn ngoan và khoan dung đến thế đó… cầu xin đừng bao giờ để chúng sa đọa thành con người” (16). Cách diễn đạt này khiến cho tư tưởng chỉnh thể sinh thái của Hổ Trung Quốc có lúc bị tư tưởng sinh vật trung tâm, tự nhiên trung tâm lấn lướt, làm giảm giá trị của con người. Đó là điểm đáng tiếc của tác phẩm.
NGUYỄN THỊ TỊNH THY – Tạp chí Văn Nghệ Đà Nẵng
Trích nguồn: Vanvn.vn
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ niệm 01 năm sinh nhật Đường Văn
Đẻ rơi – Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh
Giữa mù sương – Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam
Mặt nạ – Truyện ngắn của Đinh Ngọc Lâm