Nước chảy qua cầu- Truyện kí của Nguyễn Xuân Thủy

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1977, hiện là Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã giành nhiều giải thưởng văn học của Bộ Công an, Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Tạp chí Nhà văn, Giải vàng sách hay…Nguyễn Xuân Thủy là cây bút quen thuộc với nhiều độc giả qua các tác phẩm: Biển xanh màu lá, Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa. Đặc biệt, tiểu thuyết Sát Thủ Online của anh đã được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình dài tập trên sóng VTV3 vào đầu năm nay.

Đường Văn xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc truyện ký NƯỚC CHẢY QUA CẦU của nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Thủy được in trong ấn phẩm số 3 (3/2024).

Ông đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông, nước vẫn thao thiết chảy. Cây cầu này gắn bó với ông biết bao. Hơn 50 năm qua chưa khi nào sông ngừng chảy, chưa khi nào dòng nước thôi xuôi dòng về với biển. Kí ức của ông với vùng đất này vừa sáng rõ, sáng rõ và lấp lánh như dòng sông mỗi buổi mặt trời lên, ánh ban mai ánh xạ trên mặt sông lấp lóa. Nhưng kí ức ấy cũng nhập nhòa chồng xếp những lớp thời gian như thực, như mơ…

Quê ông ở xa lắm, cái vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi như vẫn từng chịu điều tiếng vang xa mãi đến nơi này, thẻo đất giáp ranh giữa Hà Tây cũ và Hòa Bình. Tận Thanh Hóa mà người ta còn biết về cái vùng không làm ăn được gì ấy. Cậu bé Nguyễn Đình Đông lớn lên đã mồ côi cha mẹ, ở với anh trai và chị dâu. Nhập ngũ vào Trung đoàn 24 – Đoàn Tô Vĩnh Diện của Sư đoàn 367. Lúc bấy giờ được vào lực lượng pháo phòng phòng là oai lắm, hiện đại lắm. Ông được phân công huấn luyện trắc thủ ra đa của Khẩu đội. Sau trận đầu chiến đấu bảo vệ Tiểu đoàn Tên lửa tại Quang Mông, Ba Vì ông được kết nạp Đoàn. Nhưng cơ duyên để ông chạm vào vùng đất lửa ấy là năm 1967. Hai đại đội pháo 100 được điều vào Hàm Rồng phối hợp với Trung đoàn 228 bảo vệ cây cầu huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi ấy ông đã là Tiểu đội trưởng. Trung đoàn triển khai 8 khẩu pháo 100 mm cùng phối hợp với các đơn vị pháo phòng không khác bảo vệ Hàm Rồng. Chẳng phải đợi lâu, cuộc đọ sức đã đến. Ngày 3/9/1967 máy bay địch bay vào. Đầu tiên chúng đánh cầu, sau phát hiện hỏa lực chúng quay sang đánh hỏa lực. Trận địa của ông bị tổn thất nặng nề. Thế rồi hôm ấy trận địa dính hai quả tên lửa sơ rai bắn trúng. Ông ngất đi không biết gì nữa, khi tỉnh lại mới thấy đang nằm ở bệnh bệnh xá trung đoàn, lúc ấy mới biết ông đã bị cả khối P12 của ra đa đè lên người.

Đấy là những ngày tháng 4 năm 1967.

Tác giả bài viết Nguyễn Xuân Thủy và hai nhân vật có thật trong truyện ký 

Đại đội 4 của ông kết nghĩa với làng Đông Sơn, cũng kết nghĩa với đội tự vệ Nhà máy phân lân Hàm Rồng. Làng Đông Sơn khi ấy như hậu cứ của các trận địa quanh khu vực. Bà là Trung đội trưởng của Trung đội tự vệ ấy. Bà vốn là công nhân của phân xưởng nghiền, nhưng có khi việc đánh giặc còn giỏi hơn nghiền, từ đào đắp hầm hào công sự đến phối thuộc chiến đấu, khi cần có chị em có thể ngồi vào vị trí pháo thủ chẳng khác gì bộ đội chủ lực. Những năm Mĩ đánh cầu Hàm Rồng, công nhân phân lân cũng sơ tán vào làng Đông Sơn, ở trong các hang đá, ai đến ca làm mới về phân xưởng làm việc. Đội tự vệ của bà còn có nhiệm vụ trực bắn thủy lôi của địch thả trôi theo sông Mã để phá cầu, trực bắn máy bay bổ nhào thả bom phá hủy cầu. Tất cả vì nhiệm vụ bảo vệ cây cầu huyết mạch, cây cầu mà việc giữ vững nó là ý chí của một bên và đánh sập nó là danh dự của một bên.

Năm 1971 ông được bổ nhiệm trung đội trưởng. Dáng vẻ đĩnh đạc, bộ quân phục sơ vin gọn gàng, súng K54 dắt trước bụng, xà cột đeo bên hông. Phong cách bụi bặm đúng chất lính chiến với hàm râu quai nón tua tủa. Anh em trong đơn vị gọi ông là Đông râu. Ông và đồng đội đã chiến đấu bảo vệ cầu như bảo vệ chính mình. Nếu nói về lí tưởng cũng đúng, mà bảo địch vào mình không đánh nó thì cũng đánh mình chết cũng không sai. Một người như thế, mười người như thế, trăm người như thế, nghìn người như thế đã tạo nên sức mạnh. Sức mạnh để chiến thắng. Cuộc đời của ông khi ấy bảo là nhẹ gánh cũng đúng, mà bảo là đơn độc cũng phải. Mẹ mất khi ông còn đang bú trong cái năm 1946 ấy, bố phải đi xin sữa nuôi ông. Đến năm ông 14 tuổi thì bố qua đời nốt. Nhà chỉ còn hai anh em, anh trai ông khi đó đi bộ đội còn một mình ông về ở với bà bác dâu từ đấy. Gia cảnh đã gieo neo như vậy nên khi ông đưa bà về giới thiệu thì phía gia đình ông cũng cảm thấy ái ngại, những tiếng thở dài nén lại để vồn vã tiếp đón bà, người con gái chỉ có một bên tay.

Dưới chân đồi C4 của đơn vị ông là Đại đội tự vệ của Nhà máy phân lân Hàm Rồng, nằm trong khu Lò cao. Gọi là tự vệ nhưng hoàn toàn có thể chiến đấu, thay thế chiến đấu bảo vệ cầu khi có tình huống xảy ra. Toàn bộ hệ thống hầm hào công sự của trận địa là do lực lượng tự vệ làm. Đơn vị phối hợp với lực lượng dân quân đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ chiến đấu. Lực lượng tự vệ cũng là lực lượng cứu viện, hiệp đồng chiến đấu. Ngày ấy ông còn trẻ, ham đá bóng. Cũng đã xuống xưởng phân lân chơi, đá bóng xong thì cũng xuống tắm nhờ nước nóng của nhà máy. Cô Trung đội trưởng tự vệ Vũ Thị Phương nhỏ nhắn mà lanh lợi, đã đôi lần chạm mặt nhau trong những lần diễn tập hiệp đồng, trong những cuộc họp phối hợp triển khai nhiệm vụ, triển khai phương án chiến đấu. Anh Đông râu đã để ý đến cô bé nhỏ như một o du kích của xứ Thanh với đôi mắt sáng lanh lợi như chứa cả bầu trời.

Bà là con gái xứ Thanh. Biết ông để mắt đến mình nhưng bà ít tạo điều kiện cho ông. Bố bà có hai vợ, 18 người con, kinh tế gia đình khá giả nhưng bố bà rất khắt khe trong chuyện nuôi dạy con cái, nhất là con gái. Ông luôn nhắc các con giữ gìn nền nếp gia phong, giữ gìn phẩm tiết. Bởi thế, bà luôn tự dựng lên một rào chắn quanh mình, tự vệ nhà máy và trước hết là tự vệ về tình cảm với chính mình. Không đến nỗi cự tuyệt nhưng luôn phòng tránh những điều không hay xảy đến.

Nhưng một sự cố xảy đến với bà, sự cố không ai có thể tiên lượng trước. Nó không đến từ phía ông mà đến từ phía bom đạn. Trong một trận máy bay Mĩ oanh kích vào trận địa pháo C4 và khu vực lân cận, trong đó có đội tự vệ của bà, bà bị thương, mất một cánh tay. Biết tin lòng dạ ông như lửa đốt, dù vậy thì ông vẫn phải bám trận địa trực chiến. Bà được đưa đi bệnh viện cấp cứu, sau đó là điều trị. Tình hình chiến sự căng thẳng, ông vẫn phải bám trận địa không thể đến với người con gái mình yêu, chỉ có thể gửi quà ra viện thăm bà. Đến khi bố trí được ông mới ra với bà. Nhìn người con gái nhỏ bé chỉ còn một cánh tay nằm trên giường bệnh, hơn cả tình yêu, trong ông trào lên niềm thương cảm. Ông cảm thấy thương hơn, cảm thấy cần có trách nhiệm hơn với người con gái mình thầm thương trộm nhớ.

Bà vừa dè dặt lắng nghe động thái từ phía ông, dè dặt lắng nghe lòng mình. Nhất là khi biết tình cảm của ông dành cho bà, gia đình bà trước đó đã kịch liệt phản đối. Quyết liệt nhất, ra mặt nhất là bố bà. Ông càng gần gũi gia đình, càng hiện diện bố bà càng ghét. Ghét ra mặt. “A! nó cậy nó là sĩ quan, nó đi giày đinh cộp cộp, cộp cộp vào nhà tao, nó là cái gì ở cái nhà này…”. Bố bà kì thị ra mặt ngay từ lần đầu tiên ông ra mắt. Quả tình thì nhìn tướng mạo ông mặt mũi râu ria, trông cũng không được hiền, nhưng cái tâm của ông thì khác, nhiều khi người đời hay phán xét theo cảm quan bề ngoài. Đến lần sau thì lại, “A, nó cậy nó là sĩ quan, nó đeo xà cột lúc lắc, súng lục kề kề dắt đít. Để dọa ai…”. Bức tường thành có vẻ rất khó để công phá. Đến khi bà bị mất một bên tay rồi tình cảm của ông vẫn trước sau như một, thì bố bà lại xoay từ kì thị sang lí sự: “Nó là sĩ quan ngời ngời lấy đâu chả được vợ, làm gì nó phải lấy một đứa què cụt như mày”. Khi thấy ông vẫn không bỏ cuộc, vẫn qua lại chăm sóc bà thì bố bà lại bảo: “Chắc chắn nó lừa dối mày, chứ như nó kiểu gì nó chả có vợ con ở quê rồi”. Ông lại nhẫn nại xin xác nhận độc thân của đơn vị. Bố bà lại bảo: “Nó là chỉ huy đơn vị nó tự xác nhận cho nó, nó xác nhận thế nào mà chả được, đừng có mà lừa tao”. Ông bèn rủ bà lặn lội về quê ông, vừa để bà biết quê hương, vừa là thăm nhà, vừa tiện thể xin xác nhận độc thân của địa phương. Những tưởng cú chốt ấy sẽ thuyết phục được gia đình bà, ai dè khi mang giấy về bố bà lại bảo: “Nó là sĩ quan có ảnh hưởng, nó xin xác nhận kiểu gì mà chả được”. Khi thấy bà cũng một lòng đến với ông thì bố bà mới đánh bài ngửa, nói rõ lòng mình: “Vùng đất quê nó chó ăn đá gà ăn sỏi lấy gì mà sống, mày thì vụng về đường cư xử, về ngoài ấy lạ thung lạ thổ, không biết đường ăn ở nó oánh cho rồi khổ một đời. Nhà nó lại làm nông nghiệp, sức vóc, tay chân mày thế thì làm lụng làm sao…”. Cứ kiểu mèo vờn chuột như vậy suốt mấy năm, mọi việc chẳng đi đến đâu. Ông nản. Cuối cùng ông quyết định chia tay vùng đất lửa Hàm Rồng, đề đạt nguyện vọng xin được vào Nam chiến đấu.

Gần chục năm chiến đấu bảo vệ Hàm Rồng, đã trải qua những thời khắc ác liệt nhiệt, đã chạm đến lằn ranh sinh tử, nhưng giờ đây ông cảm thấy bất lực. Ông phải tạm đầu hàng. Giờ đây, Hàm Rồng đã tạm yên tiếng súng, tin chiến thắng đang dồn dập theo bước chân quân giải phóng tiến vào Nam. Ông quyết định hòa vào đoàn quân ấy. Trong lòng nghĩ, vào chiến trường hi sinh thì thôi, còn không ông sẽ trở lại cưới bà. Nghĩ vậy nhưng ông không nói gì với bà, không hứa hẹn gì, bởi ông nghĩ nếu giao ước gì mà mình vào chiến trường hi sinh thì bà ở nhà chờ đợi sẽ khổ, hẹn ước ấy sẽ là cản trở với bà trong việc tìm hạnh phúc khác. Tháng 4 năm 1975 ông cơ động vào Nam. Bố mẹ đã mất. Lúc này người anh trai cũng đã hi sinh nên ông chẳng còn vướng bận gì nhiều, chẳng còn ai trông đợi. Sự đơn độc khiến ông tủi thân. Bố bà nói cũng đúng, xung quanh ông không phải không có những cô gái để ý, dành cảm tình cho ông, bách hóa tổng hợp có, lương thực thực phẩm có, toàn những công việc sáng giá. Nhưng ông chỉ một lòng với bà mà thôi. Thế mà mọi thứ lại đang ở bên bờ tuyệt vọng khi bố bà như bức tường thành không thể lay chuyển. Ông quyết định tạm lánh đi một thời gian tìm cách xoay chuyển tình hình, những mong ông bố vợ tương lai nghĩ lại.

Cuối năm 1975, sau giải phóng miền Nam ông xin được về phép. Tất nhiên là về lại Thanh Hóa, về lại Hàm Rồng gặp bà. Gặp lại ông bà vui lắm. Ông mượn xe đạp chở bà đi dọc sông Mã, hai người chuyện trò tíu tít, đùa đùa thật thật:

-Anh về làm gì đấy?

-Anh về cưới vợ.

-Anh cưới ai?

-Cưới người ngồi đằng sau đây này.

-Ơ anh cưới em á…

Câu chuyện cứ thế, cứ thế mà vui như mở cờ trong bụng. Mà cưới thật. Nhưng kể cả ông bà quyết định cưới nhau rồi thì bố bà vẫn nhất quyết không đổi ý. Lí do lúc này là: một, ông là bộ đội nay đây mai đó; hai, ông là dân miền ngoài khác biệt khó hòa hợp; ba, bố mẹ ông đã mất, nhà ít anh em, neo đơn không ai nhờ cậy, việc gì rồi cũng sẽ đến tay… Chung quy lại vẫn là bố bà sợ bà khổ, bố bà xót và lo cho cuộc sống của con gái sau này. Mười tám người con, không ai ông lo lắng, chăm chút và cũng quyết liệt như với bà. Không hiểu hoàn toàn là lí tính hay ông còn một niềm tin tâm linh nào khác. Thậm chí gia đình còn khuyên bà kiếm một đứa con để nuôi sau này nhờ chứ đừng xây dựng gia đình. Bố bà có hai vợ, vợ đầu 12 người con, vợ kế 6 người, tổng là 18 người con. Các anh chị mỗi người một quan điểm, cũng có người ủng hộ nhưng không ai làm suy suyển được sự xác quyết của bố bà.

Để đi đến lễ cưới, một mặt ông cũng thuyết phục phía gia đình mình. Việc này nhẹ nhàng hơn. Bà bác dâu nuôi ông thì tỏ ra thông cảm, anh trai ông thì đã mất, chị dâu không ý kiến gì. Ông nghĩ rằng, yêu nhau từ thời chiến tranh, vượt bao gian khó, ngặt nghèo giờ hòa bình rồi lại bỏ nhau, lại chia lìa là làm sao. Dù có khó khăn, dù nhiều khác biệt nhưng quan trọng là quyết tâm đến với nhau, thôi thì lấy nhau giàu ăn khó chịu. Bà vì chiến tranh mà mất đi một cánh tay, bà xứng đáng được hưởng hạnh phúc, ngoài tình yêu ông thực lòng thương bà và nghĩ bà có quyền được hưởng hạnh phúc như những người con gái khác. Ông đến thưa chuyện với gia đình bà, rằng động cơ của chúng con là trong sáng, chúng con đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử đối với đất nước bây giờ chúng con tính chuyện riêng tư của chúng con, đề nghị gia đình xem xét lại. Gia đình không phải lo, cuộc sống riêng của chúng con chúng con đã tính. Thế mà không hiểu sao bố bà vẫn không “xem xét lại”, vẫn giữ nguyên quan điểm lập trường. Điều này ông bà cũng đã tính đến, đã lường trước. Dù buồn nhưng không thỏa hiệp nữa. Ông bà đi đăng kí kết hôn và đặt vấn đề nhờ nhà máy cưới theo nếp sống mới. Bố bà lại lên gặp lãnh đạo nhà máy đề nghị không tổ chức cưới cho con gái. Mọi chuyện bùng nhùng, thuyết phục mãi không xong, tình hình căng thẳng quá, đã có lúc ông tính bỏ về Nam. Ông bà phải thông qua tổ chức công đoàn, nói rằng đây là nguyện vọng, lựa chọn tự nguyện của chúng tôi, phù hợp với pháp luật và chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, nếu công đoàn không giúp đỡ chúng tôi sẽ… tự cưới. Rất may là cuối cùng công đoàn nhà máy đã đứng về phía ông bà. Mọi việc chuẩn bị cho đám cưới đã được triển khai. Đám cưới diễn ra vui vẻ với sự chứng giám của lãnh đạo nhà máy và đại diện đơn vị cũ, của anh em Bộ đội pháo cao xạ C4 và anh chị em công nhân Nhà máy phân lân Hàm Rồng.

Về công việc, trước bà làm ở phân xưởng nghiền, sau khi bị thương mất cánh tay nhà máy tạo điều kiện để bà về làm văn thư đánh máy, kĩ năng đánh máy do người văn thư cũ dạy cho bà. Cưới xong nhà máy tạo điều kiện cho ông bà ở trong căn phòng tập thể mấy mét vuông, như thế cũng đã là hạnh phúc lắm lắm. Mọi thứ dù chật vật nhưng rồi cuối cùng ông bà cũng về được với nhau.

Đó là những ngày cuối năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông về về một mối, Tổ quốc về chung một màu cờ.

Ông khi đó làm trợ lí tham mưu của trung đoàn. Cũng vì lùng xùng, vướng mắc chuyện cưới xin mà ông về đơn vị chậm mất hai tuấn. Ông trình bày lí do và nói hoàn cảnh như vậy để đơn vị thông cảm, nhưng đồng chí chính ủy trung đoàn là người khá cứng nhắc, trước hội nghị đã nói xổ toẹt: Đảng có xui đồng chí lấy vợ cụt tay đâu mà đồng chí kêu khó khăn này nọ. Ông phẫn uất đứng phắt lên phản đối. Ông nói rằng, chính vì ông là đảng viên, được Đảng giáo dục thương yêu đồng chí đồng đội, thương yêu nhân dân nên ông mới hành xử như vậy, vợ ông không có lỗi gì cả, cô ấy bị thương do chiến tranh, trong chiến đấu, và cô ấy có quyền hưởng hạnh phúc. Rằng chính vì được Đảng giáo dục như vậy nên ông mới không bỏ cô ấy, nên ông mới quyết tâm cưới cô ấy làm vợ, mới trước sau giữ tình yêu với cô ấy. Chính ủy trung đoàn bị bẽ mặt, trước hội nghị lúc ấy thì không nói gì nhưng từ đó thù ngầm ông. Năm 1976 bà sinh con gái đầu lòng, cuộc vượt cạn khó khăn, phải mổ vì xương cạn hẹp, thai lại to, những hơn 4 cân. Một phần vì chán nản, thất vọng, một phần vì thương bà một tay khó khăn xoay sở nuôi con, tháng 5 năm 1977 ông đã xin phục viên về chăm sóc bà. Sau này, khi bà sinh con thứ hai cũng vẫn phải can thiệp. Một tay nhưng bà vẫn nuôi con như những phụ nữ khác, vẫn chăm bẵm, thay tã, bón bột cho con ăn. Vẫn băm rau lợn và làm các công việc gia đình.

Ông về với bà. Ông mang từ miền Nam ra được một chiếc xe máy 67, một ít vải vóc để sau may quần áo, tã lót cho các con, và vài thứ tài sản khác. Trong mắt thiên hạ khi ấy là ghê gớm lắm, có của lắm. Bà thấy mấy xấp vải bị ẩm bèn mang ra sân tập thể phơi. Mọi ánh mắt đổ dồn về tấm vải hoa, thèm thuồng, xoi mói. Có lẽ nguồn cơn từ đấy. Kẻ gian biết ông bà có của mang ra từ miền Nam nên đã rình mò chờ cơ hội. Một đêm chúng bỏ thuốc mê, rạch vách thưng vốn là những lớp giấy dầu nẫng sạch vali đựng vải vóc, đồ đạc của cải. Hôm sau ông bà tỉnh dậy thấy căn phòng tan hoang. Bà đi tìm, lên đỉnh núi phía sau nhà ở thì thấy chúng rạch vali lấy hết đồ quý giá, tiền vàng mừng cưới, còn vali và đồ sơ sinh của con ông bà chúng vứt lại. Chiếc xe máy vì quá nặng, và có lẽ cũng vì không biết đi nên bị bỏ lại như một may mắn. Một điều tệ hại là hồ sơ đảng viên của ông cũng bị lấy mất theo vụ trộm không tìm được. Biết là khó nhưng ông vẫn muối mặt tìm vào đơn vị cũ để xin lại. Người thủ trưởng năm xưa vì tư thù vụ ông phản pháo ngay giữa hội nghị đã lấy cớ ông quá 3 tháng không sinh hoạt Đảng, theo điều lệ sẽ gạch tên chứ không được chuyển sinh hoạt về địa phương nữa. Không được cấp lại hồ sơ, từ ấy ông mất Đảng.

Ông trở về bên dòng sông Mã, bên cây cầu Hàm Rồng. Có bà ở bên nhưng mọi thứ chông chênh, cảm thấy một thân phận bên lề. Vợ chồng tính kế mưu sinh, nuôi dạy con cái. Vẫn không gian xưa, những ngọn núi, dòng sông và cây cầu mà sao lòng se buồn.

*

Những tưởng sẽ gắn bó với dòng sông và cây cầu kỉ niệm ấy mãi, nhưng cuộc đời có những xoay vần của nó. Năm 1978, sau khi anh trai ông hi sinh, chị dâu trả con cho nhà chồng để đi bước nữa. Gọi là “nhà chồng” nhưng còn ai khác ngoài ông đâu. Vậy là ông bà phải gánh thêm trách nhiệm nuôi các cháu, mà các cháu thì ở mãi ngoài quê Hà Tây trong khi chú thím ở Thanh Hóa. Thế bà ông bàn với bà hồi hương về quê ông để làm tròn trách nhiệm. Niềm lo lắng của gia đình bà về sự vất vả chờ đón ở cuộc hôn nhân ấy có cơ trở thành sự thật. Những năm tháng sau đó thực sự là thời gian khốn đốn của ông bà, nhất là khi bà kịp sinh thêm hai lần nữa. Bốn người con cùng ba người cháu con của anh trai ông, tất cả chín miệng ăn dưới bàn tay của hai vợ chồng ngoài chế độ thương binh không còn gì khác. Về xã Thủy Sơn Tiên, huyện Chương Mỹ quê ông, hai vợ chồng đánh vật mưu sinh. Cả nhà làm nông, đi chặt mía thuê, mua đi bán lại thứ này thứ nọ, làm bất cứ việc gì kiếm ra tiền. Để có thêm thu nhập, bà bàn với chồng mở một cái quán nhỏ ở khu vực Xuân Mai bán phở buổi tối. Bà hướng dẫn người cháu gái lớn tên Mai, con của anh trai chồng, mỗi ngày mua một con ngỗng to làm thịt để nấu phở, tối đẩy xe lên quán trên đường phía Xuân Mai bán. Những năm tháng ấy ông lại trở bệnh nặng, tai rỉ nước kéo dài do sức ép bom ở Hàm Rồng năm xưa, rồi đau dạ dày, rồi kiệt lị… Thôi thì đủ bệnh. Sau khi gả chồng cho người cháu con anh trai, thu xếp mọi thứ tạm ổn, ông bà lại tính kế về lại Thanh Hóa những mong cuộc sống cải thiện hơn. Để làm được việc đó ông phải xin xác nhận hộ khẩu Xuân Mai mới chuyển được, vì ngày ấy có chính sách ở Chương Mỹ không được di cư. Kể lại thì lâu nhưng thời gian cũng nhanh, người cháu tên Mai ngày ấy năm nay cũng đã sáu mươi, cũng đã có chắt gọi bằng cụ ngoại rồi. Thời gian như nước qua cầu, như nước sông Mã vẫn ngày ngày chảy qua cây cầu mà giờ đây người ta coi nó như một huyền thoại.

Về lại Thanh Hóa, ông bà thuê một kiot nhỏ buôn bán lặt vặt ở chợ Vườn hoa gần khu triển lãm. Nhà thì ở nhờ nhà chị gái bà ở phường Tân Bình 2, phố Phạm Ngọc Trạo. Lúc này vị tân Chủ tịch Phường Hàm Rồng mới nhận chức, có biết ông nên kêu gọi ông về phường làm. Công việc của ông là làm bảo vệ kiêm thủ quỹ. Ấy là năm 1984. Ông về phường làm và ở trong một căn phòng nhỏ ngay tại trụ sở. Sau đó phường động viên cả gia đình ông về, xây cho một căn nhà nhỏ gần UBND phường. Ông làm trong ủy ban phường, bà dựng lán bán thêm nước mắm ở khoảng đất trống ven đường. Năm 1987 ông nghỉ làm tại phường, ông bà lại về ở trong tầng 4, khu tập thể Nhà máy phân lân Hàm Rồng. Ông bà mở quán cơm phở mưu sinh. Đến năm 1997, nhà nước mở đường ở khu vực quán phở, mất quán nên ông bà lại nghỉ. Năm 2005 thì ông bà được phân một ô đất trong khu tập thể, là chỗ ở bây giờ. Quá nửa đời người, cuối cùng ông bà cũng có tấc đất cắm rùi, dù chỉ đủ làm nhà chứ chẳng có tí vườn nào, muốn trồng dù một cây hoa cũng khó.

Chỗ ở thì chật chội nhưng đất đai quanh khu Hàm Rồng thì còn nhiều lắm. Không chạy chợ nữa, không bán phở nữa. Ông bà xoay sang trồng rừng.

Thực hiện nghị quyết 184 của Chính phủ về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ông bà nhận khoán trồng rừng, là những mảng đồi trọc xung quanh Hàm Rồng. Ngày ấy đất đai hoang hóa còn nhiều, sau chiến tranh những ngọn núi khoảng đồi khu vực Hàm Rồng vẫn loang lổ những di vết của bom đạn, bây giờ cần hàn gắn, cần trồng cây xanh hóa. Thung thổ này đã quá quen thuộc với ông bà, nếu không muốn nói là đã gắn bó cả một thời tuổi trẻ, đã ôm trọn tuổi xuân, mồ hôi và cả máu. Một cánh tay bà đã gửi lại nơi này, tuổi trẻ của ông bà đã gửi lại nơi này. Bây giờ với chút sức lực còn lại, thôi thì góp phần trồng cây gây rừng, cũng là mưu sinh nhưng được góp phần cải tạo môi trường trên chiến trường năm xưa cũng là một việc làm ý nghĩa.

Ông bà ngày đêm cày cuốc, trồng từng bầu cây phủ xanh diện tích rừng được nhận. Ba năm, dăm năm, mười năm. Những cây keo dần khép tán, rừng Hàm Rồng đã xanh trở lại. Ông bà khấp khởi chờ đến ngày rừng cho quả ngọt. Nhưng mọi thứ chẳng ai lường trước được. Một ngày, cán bộ kiểm lâm đến gặp gỡ ông bà và các hộ dân trồng rừng, nói rằng thu lại chứng nhận sử dụng đất để làm lại. Các hộ trồng rừng ngoan ngoãn đưa cho cán bộ. Và rồi người ta ra quyết định quy hoạch khu rừng đặc dụng 3 hecta, trong đó có có những mảnh xanh vun vén từ ba bàn tay của ông bà. Cả ông bà và những hộ trồng rừng ở Hàm Rồng cảm thấy như bị lừa khi người ta đĩnh đạc thông báo khu rừng này đã là rừng đặc dụng, mà rừng đặc dụng thì cấm khai thác, chặt phá, ai khai thác là vi phạm pháp luật, sẽ bị truy tố. Từ đó ông bà và những hộ dân trồng rừng chỉ biết nhìn khoảng xanh mênh mông bên bờ sông Mã thở dài. Những khoảng rừng ấy do bàn tay ông bà trồng lên với biết bao kỉ niệm. Những hộ trồng rừng bàn nhau góp mỗi hộ 200 nghìn đồng làm lộ phí cử đại diện mang đơn ra Hà Nội kiến nghị. Đơn trả về tỉnh, tỉnh chuyển thành phố. Lãnh đạo thành phố bảo để từ từ tìm phương án, vì nếu chi trả hết tiền trồng rừng cho dân thì số tiền lên đến hơn một trăm tỉ đồng, thành phố chưa tìm đâu ra nguồn kinh phí lớn như vậy. Như vậy là chính thành phố cũng đang bế tắc trong việc tìm phương án giải quyết ổn thỏa. Sinh kế cuối đời chẳng còn gì, vợ chồng người ta dù trắng tay thì cũng còn 4 bàn tay trắng, đằng này ông bà chỉ có 3 bàn tay. Ba bàn tay của hai thương binh già. Ông là thương binh hạng 3, mất 55% sức khỏe, còn bà là thương binh hạng 2, mất 71% sức khỏe. Bốn người con của ông bà đều là lao động phổ thông, công việc cũng không thực sự ổn định nên cũng không giúp gì nhiều được cho bố mẹ. Bà giờ tuổi cũng đã cao, ở nhà xoay xỏa gói thêm ít nem chua nhặt nhạnh thêm đồng bạc lẻ tiền chợ.

*

Tôi ngồi trò chuyện cùng ông bà trong căn nhà trệt lợp tôn thuộc Khu tập thể Nhà máy phân lân Hàm Long kề cây cầu Hàm Rồng. Những câu chuyện chảy trôi, vừa là chia sẻ, vừa là gợi mở trong một buổi sáng tĩnh lặng. Tĩnh lặng đến nỗi việc nén một tiếng thở dài cũng phải rất nhẹ để người khác không nhận thấy. Không khí này đối nghịch với những năm bom đạn dội xuống nơi đây. Hòa bình yên lặng quá. Yên lặng đến ngộp thở. Mỗi một câu chuyện được ông bà kể ra bằng chất giọng ôn tồn, có phần vô ưu nhưng lại cho tôi cảm giác như một cánh cửa vừa đóng lại, tôi nén thêm một tiếng thở dài cố giữ thái độ trung lập, vờ như bình thản mà thấy chua xót trong lòng. Những sợi râu trên mặt ông giờ đã ngả bạc trên khuôn mặt chau lại nhiều khắc khổ. Nhìn mặt ông, không hiểu sao tôi lại hình dung ra trận địa pháo của ông năm xưa với những cày xới nham nhở và bầm dập những thương tích, những sợi râu như những thân cây xơ xác sau trận bom, mệt mỏi úa tàn. Chiếc quần ông mặc là vải gụ suông của người già thường thấy ở các vùng quê. Căn nhà với những đồ vật giản dị nhưng trước nhà vẫn tung bay một lá cờ thắm đỏ. Kể lại những năm tháng tuổi trẻ, kể lại những cay cực trong đời mình ông vẫn không mảy may oán thán cuộc đời. Tinh thần người lính đã dạy cho ông, oán thán không bao giờ là giải pháp.

Tôi ngỏ ý chụp một vài tấm ảnh kỉ niệm của ông bà, ông dắt bà ra cửa, đứng dưới lá cờ. Tôi đề nghị ông đứng sang phía bên kia cho cân đối, thấy ông lưỡng lự, chụp xong ông lại vòng sang đứng bên phải bà. Lúc này tôi mới nhận ra sự vô tâm của mình. Bà không có tay phải, ông luôn đứng vào phía ấy, như một sự nâng đỡ, bao năm nay ông đã quá quen với điều ấy, bao năm nay ông đã làm cánh tay phải của bà.

Con sông Mã vẫn đêm ngày thao thiết chảy. Dòng sông ấy có Nhà máy phân lân của bà nằm bên bờ, nơi bà đã cống hiến những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ nhất, nơi đã cưu mang, nâng đỡ bà trong những lúc khó khăn, bĩ cực nhất. Nhìn sông trôi thi thoảng bà vẫn giật mình, liệu dưới dòng nước phẳng lặng kia có khi nào lập lờ những bóng thủy lôi phá cầu như thời chiến? Dòng nước ấy đã đã bao ca trực bà ngồi căng mắt quan sát chỉ để phát hiện kịp thời những bất thường có thể mang đến nguy hiểm cho cây cầu. Hàm Rồng đã trở thành một biểu tượng của chiến thắng, biểu tượng cho ý chí và nghị lực của quân và dân không chỉ miền đất Thanh Hóa trong chiến tranh, trong trận chiến giữ vững huyết mạch giao thông Bắc – Nam. Hàm Rồng cũng là chứng nhân cho biết bao câu chuyện về tình quân dân, về sự gắn bó giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ trên một tinh thần chiến tranh nhân dân mà nhiều năm sau chiến tranh người vẫn hội thảo, tổng kết và đúc rút. Hàm Rồng đã chứng kiến một mô hình chiến tranh nhân dân hiệu quả phi thường, nơi hội tụ sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc vì độc lập, tự do. Bên chiến thắng lớn lao là những cuộc đời bé nhỏ. Những hạnh phúc riêng đã gác lại vì nhiệm vụ chung, và trong những đau thương mất mát tình yêu đã nảy nở.

Vào những năm chẵn kỉ niệm chiến thắng Hàm Rồng, người ta vẫn về mít tinh, ghi hình, nhiều nhân chứng lịch sử về thăm lại chiến trường xưa trong cờ giong trống mở. Còn với ông bà, chiến trường xưa cũng là chiến trường nay. Người ta biết và ngợi ca tình yêu của ông bà. Truyền hình Thanh Hóa cũng đã làm một bộ phim về ông bà nhưng đó là bộ phim về một mối tình đẹp trong chiến tranh, và hẳn rồi, để phù hợp nhất thì đó nên là một bộ phim ca nhạc với nhiều khung hình trữ tình lãng mạn. Đằng sau những thước phim ấy, bây giờ tai ông vẫn ù, bây giờ thượng vị ông vẫn đau, bây giờ tiểu đường ông cao. Còn bà vẫn tươi tắn lanh lợi với một bên tay như bao năm nay vẫn thế, ngồi gói từng chiếc nem chua xinh xinh bằng một tay không phải để giải trí mà để mưu sinh, kiếm thêm tiền chữa bệnh cho ông.

Thời gian như nước qua cầu, chẳng bao giờ dừng lại. Tuổi tác xếp chồng lên kí ức với những mảng sáng tối vui buồn. Anh Đông râu trung đội trưởng pháo cao xạ năm xưa nay đã thành ông lão gần bát thập, những sợi râu cứng vẫn vẽ lên gương mặt những đường nét vằn vện, chỉ có điều chúng đã bạc xen những nếp nhăn méo mó khi cười. Tháng năm và tuổi tác, những nỗi buồn thuở ấu thời và cả những nỗi buồn thời chiến trong những riêng chung dường như ông đã cố nhấn sâu xuống sau những đường nét của gương mặt ấy. Và những nỗi niềm thời hậu chiến… Có thể, định mệnh đã gắn ông với mảnh đất này. Có thể ông bà đã lựa chọn nó. Nhưng dù thế nào, ông vẫn có bà ở bên. Ông đã thực hiện được tâm nguyện lớn nhất thời tuổi trẻ của mình, là Phương, cô ấy xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Tôi đã cảm nhận thấy niềm hạnh phúc ấy, trong mắt bà.

Ngoài kia, nước sông Mã vẫn âm thầm thao thiết chảy!