Những bài học từ nước Nga – Bút ký của Lê Thanh Minh

Nghệ thuật là gì? Câu hỏi này tốn không biết bao nhiêu thời gian, bút mực của các nhà nghiên cứu nghệ thuật và những người yêu mến nó. Bài này tôi không có ý định trả lời câu hỏi đó. Mà có muốn cũng không phải chỉ vài ba dòng là làm được.

Nhà văn – họa sĩ Lê Thanh Minh

Đến với nghệ thuật có nhiều con đường. Nhưng tuyệt nhiên không có con đường nào dễ dàng. Mỗi con đường đều có những đặc điểm riêng biệt, những thuộc tính làm nản lòng bất kỳ ai nhăm nhe bước vào. Nếu đủ bản lĩnh, hy vọng bạn đi đủ xa khiến bạn hài lòng. Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn sẽ đi đến tận cùng của con đường nghệ thuật. Con đường này là vô tận. Chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Trong hành trình có nhiều trở ngại, nhiều lý do để bạn không đi tiếp hoặc không thể đi tiếp mà rẽ ngang. Nhiều trường hợp sẽ dừng lại. Dừng lại mãi mãi. Tôi không nêu ví dụ. Nếu để ý xung quanh và quan sát kỹ lòng mình bạn sẽ nhận ra điều tôi nói.

Nghệ thuật, nói cho dễ hiểu một chút, không phải là cuộc đua maraton. Càng không phải là cuộc thi sắc đẹp xem ai hơn ai. Vì đơn giản bạn không thi với ai ngoài chính bản thân mình…

***

Tôi đang sải bước trên con đường chớm thu. Lá trên những hàng cây hai bên đường đang đua nhau ngả sang sắc vàng. Màu vàng đến theo từng bước chân. Xôn xao dưới nắng. Sinh viên Học viện Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc mang tên I. Repin đang lục tục tề tựu về trường sau kỳ thực tập Hè.

Chợt Seriogia gọi tôi.

– Cậu đấy à?

– Chào cậu? Mới ở quê lên à?

– Giúp tớ một tay. – chỉ vào đống tranh thực tập để ngổn ngang bảo tôi – Mình chỉ kịp ghé qua nhà có hai hôm rồi xuống chỗ thực tập. Cậu thế nào? Ổn không?

– Cảm ơn cậu. Bình thường.

– Bình thường là tốt rồi.

Cả hai chúng tôi nhìn nhau cười.

Tôi có lý do riêng để không theo các bạn đi thực tập mà đăng ký “tự thực tập”. Nhìn đống tranh của Sergey tôi thầm ghen tị. Dễ có đến gần trăm bức. Trong khi cả kỳ tôi chỉ vẽ được vài bức. Xấu hổ quá. Tôi bảo với bạn là bình thường, nhưng thật ra không bình thường. Tôi đã sử dụng quỹ thời gian hè của mình tản mát, không hợp lý. Phần lớn thời gian của tôi không phải dành cho việc vẽ vời mà dành cho người con gái (sau này là vợ tôi), cho tình yêu của mình. Trước khi gặp em tôi cứ ngỡ tình yêu hội họa của tôi là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Nhưng từ khi quen đến khi cưới em làm vợ tôi mới biết mình nhầm. Đành rằng hai thứ tình yêu không giống nhau…

***

Ngày đầu tiên tôi chính thức trở thành sinh viên của trường Repin. Cảm giác khó tả lắm. Tôi, không chỉ vui mà còn tự hào. Cuối cùng sau bao nỗ lực mơ ước của tôi cũng thành hiện thực. Nhìn bậc cầu thang bằng đá mòn vẹt bởi không biết bao nhiêu dấu chân của các họa sĩ đã từng theo học ở đây, tôi dừng lại vài phút, không phải một lần, cảm khái, bâng khuâng. Mặc dù vô tri, vô giác nhưng nó cũng nói với tôi nhiều điều về quá khứ của ngôi trường cổ, danh giá vào bậc nhất của nước Nga và thế giới.

Trong xưởng vẽ mọi sinh viên Nga đã tìm xong chỗ và bắt đầu vẽ. Mặc dù đúng giờ, nhưng so với họ tôi đến muộn. Sau này tôi mới biết. Ngày đầu tiên bầy mẫu bao giờ mọi người cũng đến sớm chọn chỗ. Các ngày tiếp theo có thể đúng giờ hoặc muộn một chút.

Im lặng.

Mọi sinh viên chăm chú quan sát, phác những nét đầu tiên lên tấm toan trắng ngà. Chỉ nghe thấy tiếng bút lông lạo xạo trên mặt vải.

Tranh của Lê Thanh Minh

Tôi nhanh chóng tìm được chỗ còn trống đặt giá vẽ của mình. Với sự háo hức, hăm hở vì hưng phấn, tôi bóp màu ra Palette. Bằng sự tự tin vốn có, không thèm nhìn các bạn cùng học, tôi vung bút như múa trên mặt toan. Sau một para (khoảng 45 phút) tôi và các bạn ra ngoài hành lang nghỉ ngơi, hút thuốc. Mấy cô bạn Nga té ra cũng rít thuốc. Thứ thuốc Belamor khét mù.

Giờ nghỉ nhanh chóng qua đi. Chúng tôi lại bắt tay vào tiếp tục công việc của mình. Tôi lùi ra xa ngắm nghía cái tranh của mình với vẻ hài lòng, mãn nguyện. Nó là bức tranh ưng ý nhất, vẽ liền một hơi của tôi tính đến thời điểm hiện tại. Chưa đến giờ giải lao tôi đã mở cửa bước ra hành lang, bình tĩnh châm thuốc. Thì ra các bạn tôi không thực sự giỏi như tôi hình dung ở nhà. Tôi cũng không hiểu tại sao thời gian dành cho cái tĩnh vật này những một tháng, trong khi tôi chưa đến một buổi đã vẽ xong?!

Giờ giải lao. Mọi người túa ra hành lang tranh thủ đốt thuốc.

Giờ giải lao tiếp theo. Để ý thấy tôi không vẽ tiếp mà đứng ngoài hành lang suốt từ lúc bước ra giữa giờ đến tận bây giờ. Cô bạn Nga có mái tóc màu vàng rơm xoã ngang vai với chiếc xược tím trên đầu (mãi lâu sau tôi mới biết tên cô là Giênhia) tiến lại hỏi.

– Bạn có sao không?

– Không, không sao.

– Thế sao bạn không vẽ?

– Tôi vẽ xong rồi.

Nhìn tôi giây lâu để chắc chắn là tôi không đùa cô bảo:

– Minh ơi, (tôi không biết tại sao cô biết tên tôi ngay từ buổi đầu tiên) nếu xong rồi bạn lấy toan vẽ cái khác.

Tôi giật mình. Té ra thời gian một tháng không phải để vẽ một cái tranh.

– Vậy trong một tháng mình phải vẽ bao nhiêu cái?

– Tuỳ người. Tuỳ năng lực. Không nhất thiết. Điều chủ yếu là thời gian. Mình là sinh viên học vẽ, thời gian đừng bỏ phí. Mình vẽ cho mình, nên tận dụng. Chứ có phải vẽ khoán, vẽ cho người khác hoặc thầy giáo xem đâu….

– Tôi thấy chả còn gì để có thể vẽ tiếp. – Tôi thành thật nói với Giênhia.

– Bạn bình tĩnh. Đừng vẽ vội nếu bạn thấy không còn gì. Hãy chú ý quan sát những người xung quanh bạn. Xem cách họ thể hiện, cách họ miêu tả và rồi bạn sẽ hiểu ra một cái gì đấy…

– Cảm ơn bạn.

Té ra mọi chuyện không đơn giản như tôi nghĩ, các bạn ấy còn giỏi hơn cả sự hình dung của tôi. Và tôi chợt hiểu, bất kỳ ai trong số họ cũng là thầy của mình. Tôi bỗng nhớ tới câu ngạn ngữ Việt: “Học thày không tày học bạn”. Quả là chí lý.

Bài học rút ra sau chuyện này là:

Hãy tận dụng thời gian. Nó trôi đi nhanh lắm. Mỗi một sớm mai thức dậy, thời gian lại vơi đi một ít. Người ta chỉ có thể kiếm thêm của cải, tích lũy thêm kinh nghiệm chứ làm gì có ai có thể kiếm thêm thời gian cho mình.

Nghệ thuật không bao gồm chữ “xong”. Nó không phải là “cái gì” mà nó là một quá trình vận hành. Cái nọ, nối tiếp cái kia, như những con sóng nối tiếp nhau xô bờ ngoài biển lớn.

Học là để cho mình. Trang bị cho mình sự hiểu biết, trang bị kỹ năng “nghề” để mình đủ sức theo đuổi niềm đam mê. Nó không phải là cái để bạn mang ra khoe. Càng không phải cái để bạn mang đi so sánh hơn thiệt.

Khi hiểu ra điều này bạn sẽ rất khác. Các tác phẩm bạn dựng sẽ mang tầm vóc của sự hiểu biết và trên tất cả, nó sẽ thuyết phục được người xem bằng chính chiều sâu nội tâm của bạn. Nghệ thuật đích thực tự nó chinh phục, tự nó nói với người xem mà không cần bất kỳ lời giải thích nào.

***

Tối khuya. Ở quê tôi tầm này mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ. Nhưng nơi tôi đang theo học trời vẫn sáng. Đang mùa đêm trắng. Mặt trời đã khuất sau đường chân trời từ lâu nhưng vẫn đủ sáng để đọc được báo. Tôi ra bếp nấu mì. Không hiểu sao từ dạo sang đây tôi nhiễm phải thói ăn đêm. Có một người đàn ông luống tuổi cứ thập thà, thập thò nơi cửa bếp quan sát tôi. Các bạn Nga không có thói quen này. Tôi định bê nồi mì về phòng thì ông ta lên tiếng:

– Anh bạn trẻ, nếu không phiền, làm ơn xem giúp tôi cái tranh.

Tôi ngạc nhiên. Nhìn bức tranh lộ dần ra sau khi ông ta cởi bỏ tấm vải mộc bọc bên ngoài, tôi bảo:

– Không sao đâu, chỉ có điều tôi sẽ không giúp được gì cho ông vì tôi mới học hết năm thứ nhất.

– Tôi biết, không sao. Chỉ cần là sinh viên của trường này là được.

– Vậy thì được. Nhưng ông cần tôi xem giúp cái gì?

– Anh cứ nhận xét, đánh giá vô tư, đừng giữ kẽ. Tôi sẵn sàng lắng nghe. Anh thấy cái tranh thế nào?

Ông ta nói xong chắp hai tay trước bụng yên lặng nhìn tôi như chờ đợi. Tôi nghe rõ sự hồi hộp trong hơi thở gấp gáp của ông.

– Nhìn tranh tôi thấy hình như ông không phải người Nga.

– Đúng, anh bạn tinh lắm.

– Vì đơn giản tranh của ông cũng sặc sỡ, xanh đỏ như các họa sĩ quê tôi.

– Vậy à?!

– Ông là nghiên cứu sinh à?

Sở dĩ tôi hỏi vậy là vì ông đã luống tuổi, hơn nữa tranh lại xanh đỏ không giống cách mà các họa sĩ theo học ở trường này thể hiện.

– Không. Anh bạn trẻ ạ. Tôi chỉ là thí sinh chuẩn bị thi vào trường này thôi.

– Sao? Ông không đùa tôi đấy chứ?

– Sao nào, anh thấy tôi trông có giống như đang đùa không.

– Sao bây giờ ông mới đi thi?

– Anh thắc mắc cũng đúng. Tôi thi lần này là lần thứ 6. Cứ mỗi lần thi trượt tôi về quê ôn luyện, 5 năm sau mới dám quay lại. Lại trượt, lại 5 năm sau nữa… Tính cả lần này là 30 năm rồi đấy…

Tôi nghe rõ tiếng ông thở dài.

– Nếu ngay cả lần này mà không đỗ, tôi sẽ về quê và không quay lại nữa. Có lẽ tôi quá già để theo đuổi ước mơ của mình. Cũng có thể đây không phải là chỗ dành cho tôi.

– Ông đừng buồn. Có nhiều người thành họa sĩ mà không qua trường lớp nào. Ông nên vẽ nhiều tranh, tham gia các triển lãm lớn nhỏ. Cái tên của ông sẽ trở nên quen thuộc dễ bề xin vào Hội Mỹ thuật…

– Xin lỗi anh bạn trẻ. Cái tôi cần là được học, được trở thành sinh viên của trường Repin chứ không phải cần cái bằng để xin vào Hội Mỹ thuật, càng không phải để lên lương, để thăng quan tiến chức. Không phải tự khoe. Những thứ quan trọng với người khác tôi có đủ rồi. Không giấu gì anh bạn, tôi không những là hội viên Hội Hoạ sĩ Liên-xô mà còn là viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Liên-xô. Không chỉ vậy tôi còn là viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Mỹ thuật Ý, Pháp và Tây Ban Nha. Đương kim Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Litva…

Tôi giật mình nhìn ông kinh hãi. Nhẽ đâu thế. Nhẽ đâu một người như ông lại cần cái “bằng” sinh viên bé xíu như chúng tôi. Tôi không hiểu. Và tôi chắc những người đồng hương làm văn nghệ quê tôi lại càng không hiểu. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đương nhiên chuyện này làm tôi phải nghĩ và nhớ mãi. Ông quả thật là con người đặc biệt, không dễ gặp. Và quả nhiên sau lần ấy chúng tôi không gặp lại nhau nữa. Ông vẫn không đỗ. Chắc ông ra về ngậm ngùi trong nỗi buồn để tuột mất giấc mơ của đời mình…

Họa sĩ Lê Thanh Minh vẽ tranh

Có những ước mơ lớn lao. Và cũng có những ước mơ nhỏ nhoi như ước mơ của ông già nọ. Khi đạt được ước mơ. Dù lớn hay nhỏ cũng làm con người ta lâng lâng trong hạnh phúc. Không phải là ông nên tôi không thể hình dung được nỗi thất vọng của ông thế nào khi mơ ước làm sinh viên trường Repin không thành. Mỗi khi gặp khó khăn trong công việc tôi lại nhớ đến ông như một tấm gương về sự hồn nhiên, trong sáng, kiên trì theo đuổi mơ ước của mình. Giản dị mà vĩ đại. Uyên bác mà khiêm nhường. Nó như tiếp thêm cho tôi nghị lực để bước tiếp trên con đường nghệ thuật còn nhiều chông gai, gian khó.

Hà Nội đang vào thu. Những cơn mưa trái mùa như vắt nước xuống thành phố. Chắc ở nước Nga xa xôi kia lá bắt đầu ngả vàng sang đỏ. Những chiếc lá quẩn vào chân khách qua đường như thuở nào vương bận dưới chân tôi. Yêu nước Nga và nhớ nước Nga nhiều lắm. Nhớ những gương mặt một thời thân quen. Nhớ những con đường ngập nắng leng keng tiếng tầu điện. Nhớ những đêm mặt trời mải chơi quên ngủ. Nhớ những cánh Hải âu dập dờn trên sóng biếc nơi cửa biển. Và nhớ những cây cầu mở hàng đêm. Nhớ cả đại lộ Nevsky, nơi tôi từng ngồi vẽ chân dung cho khách qua đường.

Nước Nga ơi, xin cảm ơn người!

Và trên tất cả, nước Nga là những gì tôi đang có hôm nay…

Nguồn: vanvn.vn