Ngày Xuân nhớ thơ chúc Tết năm Thìn của Bác Hồ

Bác Hồ đã đi xa, nhưng trong lòng mỗi người dân Việt Nam không bao giờ vắng hình bóng Người. Trong những ngày mùa Xuân Giáp Thìn 2024 ấm áp, tràn đầy hạnh phúc này, chúng ta cùng điểm lại hai bài thơ Mừng Xuân năm Thìn, trong đó, những tư tưởng, tình cảm của Người thể hiện cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Văn Tá, Trưởng ban bảo vệ khu phố Đống Đa, ngày 12/2/1964. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Bác Hồ chúc Tết năm Nhâm Thìn 1952

Bài thơ Bác Hồ chúc Tết năm Nhâm Thìn 1952, là khi quân dân ta đang hăng hái ra sức thi đua ái quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đúng đêm giao thừa, nhân dân cả nước vui mừng được nghe Bác đọc bài “Thơ chúc Tết”:

“Xuân này, xuân năm Nhâm Thìn

Kháng chiến vừa 6 năm

Trường kỳ và gian khổ

Chắc thắng trăm phần trăm

Chiến sĩ thi giết giặc

Đồng bào thi tăng gia

Năm mới thi đua mới

Thắng lợi ắt về ta

Mấy câu thành thật nôm na

Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”.

Những vần thơ giản dị mà đầy ý nghĩa ấy như đang truyền đến toàn dân sức sống, lòng tin và niềm vui của mùa Xuân. Lúc này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân cả nước đã trải qua được 6 năm gian khổ và đã thu được nhiều thắng lợi to lớn. Với hai chiến dịch Hòa Bình (mùa Xuân), Tây Bắc (mùa Đông), quân ta áp đảo quân Pháp, giữ vững và phát triển mạnh thế chủ động chiến lược. Bác Hồ với vai trò một vị tổng chỉ huy tối cao đã thấy trước cuộc chiến sẽ trăm phần trăm thắng lợi. Bác đã hô hào, động viên đồng bào và chiến sĩ hãy tích cực thi đua nhiều hơn nữa, mỗi người làm tròn nhiệm vụ của mình để góp phần vẻ vang trong cuộc đại thắng của dân tộc.

Năm 1952 là năm khởi đầu cho giai đoạn chuyển tiếp chiến lược, chuẩn bị cho công cuộc “tổng tiến công” trên khắp các mặt trận. Toàn quân và toàn dân dốc sức tổng lực hướng về tiền tuyến, mở chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954 chấn động địa cầu, đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước Việt Nam, mở ra phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới.

Bác Hồ chúc Tết năm Giáp Thìn 1964

Bài thơ ra đời trong bối cảnh cả 2 miền Nam – Bắc đều giành được những thắng lợi to lớn: Miền Nam anh dũng chiến đấu cho độc lập, tự do. Miền Bắc ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, hết lòng chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau vòng quay tuần hoàn của 12 con giáp, Xuân Giáp Thìn (năm 1964) là thời điểm năm thứ tư của thời kỳ miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Cách mạng nước ta có nhiệm vụ vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa phải chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Kêu gọi chiến đấu và sản xuất để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, Người có bài thơ gửi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, nội dung nêu lên sự toàn vẹn của đất nước, không thể chia cắt. Giữa những ngày gian khó nhưng niềm tin tất thắng vẫn tỏa sáng trong thơ chúc Tết của Bác, nỗi vui mừng về ngày sum họp được Người nói đến không phải không có cơ sở thực tế.

“Bắc Nam như cội với cành

Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng

Rồi đây thống nhất thành công

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà

Mấy lời thân ái nôm na

Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”.

Vui Xuân, nhưng Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng để thực hiện thành công cuộc kháng chiến cứu nước, thống nhất nước nhà. Bắc Nam sum họp, ấy là ước nguyện của cả dân tộc.

Giá trị vĩnh cửu trong thơ chúc Tết của Bác Hồ

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác đã viết: “Từ ngày đất nước ta có Cụ Hồ làm chủ tịch, dân tộc Việt Nam có thêm một phong tục mới mỗi lần Xuân đến. Đó là giao thừa đón nghe lời Bác đọc thơ Xuân”.

Và dân tộc Việt Nam cũng có thể coi 22 bài thơ chúc Tết của Bác có một giá trị bất hủ, bởi đó chính là một biên niên sử của cách mạng Việt Nam. Chúng ta có thể tìm thấy ở đó những bài học chiến lược, những lời tiên đoán diệu kỳ của Bác.

Trong bài “Việt Nam mãi mãi có Người”, một nhà báo nước ngoài nhận xét: “Tình yêu của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu xa vô tận và chúng ta có thể cảm thấy điều đó ở từng người Việt Nam”. Mối liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước và đồng bào của mình là một mối liên hệ đặc biệt. Đó chính là niềm tin tưởng sắt đá, lòng biết ơn vô hạn, là sự kính trọng, nhưng trên tất cả, đó là tình yêu của nhân dân với Bác.

Một nhà văn nước ngoài đã viết: “Cụ Hồ Chí Minh đã trở thành bất diệt trong ý thức của hàng triệu người. Lần đầu tiên trên thế giới, người ta được thấy một vị Chủ tịch của một Đảng cộng sản đã kết hợp chặt chẽ văn chương với chính trị, thơ ca và những con số”.

Và hôm nay, cả dân tộc Việt Nam vẫn đang vững vàng, tự tin đi trên con đường mà Bác đã vạch đường, chỉ lối, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học Bác để chúng ta thêm tự hào về một con người cao đẹp – không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

Tờ World Daily của Anh, số ra ngày 20.9.1969, đăng bài viết dưới tiêu đề “Di sản của Hồ Chí Minh”, nhấn mạnh: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại. Cuộc đời và các tác phẩm của Người sống mãi để thôi thúc những thế hệ tiếp nối và những thế hệ chưa chào đời. Nhà lãnh đạo Việt Nam vĩ đại này đã để lại một di sản tinh thần thôi thúc ý chí mọi người và thúc đẩy những hành động lớn lao trong sự nghiệp tự do và chủ nghĩa cộng sản trong các nhà cách mạng trên toàn thế giới”.

HÀ LÊ- Báo Biên Phòng

Trích nguồn: Vanvn.vn