Hình tượng rồng của Việt Nam qua các triều đại

Dưới thời quân chủ ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, rồng được suy tôn là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy. Tuy nhiên biểu tượng rồng mỗi thời lại khác nhau.

Con rồng trên kim ấn Hoàng đế chi bảo của triều Nguyễn vừa hồi hương. Ảnh: Tường Minh

Rồng thời Đông Sơn đến hậu Lê

Con rồng từng xuất hiện trong tín ngưỡng của người Việt thời kỳ đầu. Người Việt cổ có tục xăm mình, trong đó phổ biến nhất là hình rồng. Theo ghi chép trong “Sơn Hải kinh”, một cuốn sách cổ của Trung Quốc tổng hợp về địa lý, thần thoại và các sinh vật huyền bí, người Việt cổ xăm rồng lên đùi để “tránh bị rồng hãm hại”. Mãi đến thời vua Trần Anh Tông (1293-1314), tục xăm mình này mới chấm dứt.

Tượng đầu rồng bằng đất nung trang trí đầu nóc mái, thời Lý, thế kỷ XI – XII, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Thông, nguyên Giám đốc Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, tác giả sách “Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí”, hình tượng rồng hiện diện trong văn hóa Việt Nam từ rất sớm.

Trên các hiện vật bằng đồng của văn minh Đông Sơn, như thạp đồng Đào Thịnh, qua đồng Núi Voi, rìu lưỡi xéo Đông Sơn, khóa thắt lưng Ninh Bình… đã xuất hiện các hình rồng cách điệu từ hình tượng cá sấu.

Rồng Việt xuất hiện và được miêu tả rõ nét nhất, bắt đầu từ thời nhà Lý, bắt đầu với cuộc đất được vua Lý Công Uẩn chọn để dời đô đến có tư thế như rồng bay (Thăng Long), là một phần Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Theo nhận định chung của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Thông cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khác, rồng thời nhà Lý là một con “rồng văn học” và rồng của Phật giáo với thân dài như rắn, thường nhẵn, lưng có vây, thân cong uốn lượn hình sin mềm mại, thuôn dần về phía đuôi, tạo cảm giác rồng dài.

Nắp hộp, gốm men lục, trang trí rồng mây thời Lý, thế kỷ XI, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Rồng thời Lý có bốn chân, mỗi chân có ba móng vuốt sắc nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, miệng há rộng với hai chiếc răng nhỏ nghịch viên ngọc quý. Từ mũi phát ra ngọn lửa. Trên trán rồng có hoa văn giống chữ “S”, tượng trưng cho sấm sét và mưa.

Rồng thời Trần. Ảnh: Từ Ân

Hình tượng rồng thời Trần có nhiều thay đổi so với thời Lý. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, vì thời Trần chúng ta luôn phải chiến đấu với giặc ngoại xâm từ phương Bắc cũng như phương Nam. Nên rồng thời Trần là “rồng con nhà võ” với việc đầu rồng có thêm sừng và tay, đỉnh lửa ngắn hơn.

Trong khi thân rồng tròn trịa, cứng cáp, nhỏ dần về phía đuôi, hơi uốn lượn, lưng tựa như yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều hình dạng, lúc thì thẳng và nhọn, lúc thì hình xoắn ốc. Các vảy cũng rất đa dạng, có khi là những nụ hoa hình bán nguyệt, có khi chỉ là những đường cong duyên dáng.

Ngói ống tạo hình rồng, men lục thời Lê sơ, thế kỷ XV, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Rồng thời Lê (gồm Lê sơ, Lê trung hưng và hậu Lê) lại khác hoàn toàn với rồng thời Lý và Trần.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là con rồng tượng trưng cho quyền lực phong kiến với thân rồng có xu hướng ngắn lại, tư thế phong phú và đa dạng.

Rồng thời Lê sơ, thế kỷ 15, trang trí trên hũ gốm hoa lam tại Bảo tàng Kyoto, Nhật Bản. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Đầu rồng to, bờm lưng to, mào lửa đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là chiếc mũi to. Thân rồng được uốn cong thành hai đoạn lớn, chân có năm móng vuốt sắc nhọn, xoắn vặn dữ tợn.

Hình tượng Rồng thời Mạc kế thừa rồng truyền thống Lý, Trần, và cả rồng thời Lê sơ.

Đặc điểm chung của rồng thời Mạc là thân mập, uốn lượn đều đặn, bờm kéo dài uốn theo xuống nửa lưng, mây đao lửa điểm xuyết trên thân, sóng cuộn dưới bụng, chân ngắn, lông khuỷu sợi đơn uốn xoắn.

Đầu rồng có sừng hai chạc, hai mắt lồi, mũi sư tử, mồm thú nhô ra phía trước, các chân rồng thường chạm bốn móng.

 

Tượng đầu rồng thời Mạc: Ảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam

Rồng triều Nguyễn

Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, rồng triều Nguyễn có nhiều điểm khác biệt với các triều trước khi thân rồng không dài, uốn lượn với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng như sừng hươu, các nhánh bên hướng về phía sau.

Mắt rồng to, mũi giống sư tử hay sư tử, miệng há rộng để lộ những chiếc răng nanh dũng mãnh. Vây trên lưng rồng có tia, thân quấn hoa văn hình lửa hoặc mây, phân bố đều về chiều dài và chiều dài. Bộ râu rồng uốn cong dưới mắt và nhô ra đối xứng hai bên.

Rồng triều Nguyễn ở sân Nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại nội Huế. Ảnh: Từ Ân

Rồng triều Nguyễn qua bức bích họa “Cửu Long ẩn vân” ở chùa Diệu Đế, thành phố Huế. Ảnh: Từ Ân

Mặc dù vậy, những thiết chế xã hội thời Nguyễn cũng có quy tắc để biểu tượng của đế vương không được dùng một cách bừa bãi. Đó là quy định, vốn có từ thời Minh bên Tàu, cũng như từ thời vua Lê, chúa Trịnh, rằng rồng 5 móng là biểu tượng của vua, còn quan lại, thường dân chỉ được sử dụng hình ảnh rồng có 4 hoặc 3 móng.

Triều Nguyễn còn biến chuyển hình ảnh con rồng thành các con giao, con cù, một cách dân dã hóa con rồng truyền thống, để chia sẻ hình tượng con rồng với thần dân của mình.

Vậy nên con rồng Nguyễn trong cung đình Huế và con rồng Nguyễn trong những kiến trúc dân gian ở Huế không phải là phiên bản của nhau. Ðiều này có thể nhìn thấy khi so sánh các chi tiết như đầu, sừng, vảy, móng và đuôi.

Và điều thú vị là chính các con rồng đã được dân dã hóa này đôi lúc lại sống động hơn, giàu tính biểu cảm hơn những con rồng uy nghi ở chốn cung đình.

Mặt khác, rồng triều Nguyễn ngoài được thể hiện theo lối tả chân, còn có những cách điệu rồng như cúc hóa long, trúc hóa long… vốn là những hóa thân của con rồng Huế theo xu thế đơn giản hóa, nhưng khiến cho hình ảnh con rồng trở nên uyển chuyển hơn, sống động hơn.

Rồng trên long bào của Hoàng thái tử triều Nguyễn. Ảnh: Từ Ân

“Nhìn chung, con rồng của mỹ thuật Nguyễn có sự kế thừa và phát triển từ những thế hệ rồng Việt trước đó, nhưng vẫn có những điểm tương đồng với con rồng

Trung Hoa thời Thanh (1644 – 1911). Ðiều đó không có gì lạ vì văn hóa Nguyễn chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hoá Trung Hoa.

Tuy nhiên, rồng thời Nguyễn vẫn là sản phẩm do những nghệ nhân người Việt dưới thời Nguyễn tạo ra nên nó xứng đáng là một bộ phận tổ thành của mỹ thuật Việt, văn hóa Việt”, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn nhận định.

TƯỜNG MINH- Báo Lao Động

Trích nguồn: Vanvn.vn