em nhìn về anh như một câu hỏi khó/ hoàng hôn chưa bao giờ trả lời em// đừng nhìn bằng câu thơ cũ anh đã cất vào tủ kiếng/ trời chiều kia không có chìa mở ra/ em chỉ cần đọc lên từng sấm chớp// em nhắm mắt nghĩ về em trong đêm tối/ kí ức đứng bên kia một dấu phẩy buồn/ em bước qua mà không biết gì phía sau.
Nhà thơ trẻ Vĩ Hạ – Ký họa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. Vĩ Hạ được nhận Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2022.
KHÔNG TỰA
chiều nào mưa cũng chết trên những đầu ngón tay
cơn khóc tôi không rõ
đi ra ngoài mi mắt hay bay qua biên thùy
tôi chạm tay mình lên trên bậc cửa
để tìm cho ra nhịp kinh giang
dòng nước mềm nghẹn lại không đi tiếp
tôi ngồi hối hận chọn nhầm nơi dung thân
chưa biết sáng mai
tôi thấy mặt ai bên ngoài cửa sổ
thanh tâm tuyền hay nguyễn bắc sơn
cũng không ai trả lời
tôi tìm dấu vết nào bên trong màu khói thuốc
sau những bận tôi không rõ tương lai
thôi đi những chuỗi ngày dài
tóc tách mãi trên thân cây đứng chết
thà tôi chọn đi trong kiếp đời mít ướt
hơn đi trên một bờ đê
con đê tri giác
nơi con sông treo cổ.
thôi đi những chuỗi ngày dài
tóc tách mãi trên thân
cây này đứng chết
ĐẾM TỪNG NGÀY ĐI
im lặng mãi đã im lặng mãi
cái nhìn cửa kính
mỏng dính
hững hờ
không tính toán không kế hoạch phân loại
từng tên gọi muộn
trơ trơ
chớp mắt
tôi ngồi đếm
từng mặt
trời không bốc cháy
mắt trần truồng
đau nhức thức dậy
nhìn quanh
buổi sáng trơ trọi
không về đâu
ước gì mình đếm được từng ánh nắng
rơi vô mắt
như đếm
từng giọt mưa rụng
trên vai
em
hát từng bài ca cầu
trườn dọc sóng lưng
những ký ức cũ
lẩm bẩm bên tai
tiếng mưa
vụng về
thay tôi đếm từng lần muộn
phiền em
hãy để tôi thở dài
CHIỀU MÙA HÈ ĐÃ MUỘN MÀNG KHÉP LẠI
em nhìn về anh như một câu hỏi khó
hoàng hôn chưa bao giờ trả lời em
đừng nhìn bằng câu thơ cũ anh đã cất vào tủ kiếng
trời chiều kia không có chìa mở ra
em chỉ cần đọc lên từng sấm chớp
em nhắm mắt nghĩ về em trong đêm tối
kí ức đứng bên kia một dấu phẩy buồn
em bước qua mà không biết gì phía sau
ngày em thôi trả lời
đêm mưa kia tới
từng giọt lăn.
khỏi tấm lưng anh
ĐỂ LẠI CHO BIỂN
ánh nhìn nào của biển, hãy để lại cho biển.
một tháng hai trầm mặc, em đã bâng khuâng
trước mùa xuân dần say ngủ, mùa hè thay ca
túc trực cho những mong chờ em tìm kiếm
ánh nhìn nào của biển, hãy để lại
cho biển, để em cảm thấy ấm áp
khi đang mặc một đại dương xám như bầu trời
đang nhìn vào tấm lưng anh trần trụi như giông tố
anh đã không thể che lấp
cơn gió của lưng anh lạnh buốt trên môi em
(em đã không biết giữ ấm cho miệng mình.)
giữa những hòn sỏi đang nằm yên, chúng ta
không thể biết khoảng cách của chúng
bàn chân em nhói vì đã giẫm lên chúng
cùng nước, muối, mà không nhìn xuống cơn đau
anh hỏi vì sao em không nhìn, “vì em đã tự khước từ
tìm xem viên sỏi dưới lòng bàn chân nhỏ bé thế nào.”
nhưng ánh nhìn anh vẫn không biết
em có đau không. anh hỏi em có đau không, em trả lời là có
nhưng ánh nhìn anh vẫn không biết em có đau không
ánh trời tàn trên gương mặt anh mặn chát
làm em không biết cách để hét lên,
sự hiện diện của anh không phải
nơi cơn vỡ tung của em được đón lấy
như sóng vỡ bọt trắng chỉ ở biển
không dòng sông nào bao dung
không thể phơi ngực mình để ôm
màu trời xám đã biết nhìn im lặng
cơn sóng đang cứ thôi thúc mình.
những dòng sông quay đi, và em thèm được quên
hình dáng chiếc lưng anh
nơi anh quên mất khi đã tự nhìn lấy
tiếng hét đã âm thầm giết hại sự hiểu biết về chúng ta
em đã im lặng như những dòng sông kia
đã từ bỏ cơn sóng đang trở lại.
em biết rằng ánh nhìn nào của biển
em sẽ để lại cho biển.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều
VẮNG MẶT
hãy thức dậy và đọc xong cuốn sách
cả những lần anh không thấy em có mặt?
giấc mơ rất buồn
em buồn hơn
hãy thôi ước mơ vì sẽ mãi cô đơn
anh còn bảy mươi năm để sống
cuộc sống rất buồn
em buồn hơn
hãy nhảy xuống từ câu chuyện của anh
anh không thể vì chân trời nâng anh lên như quả bóng
chân trời rất buồn
em buồn hơn
Wittgenstein bảo: “Hình dung về một ngôn ngữ
là đang hình dung về một dạng sống.”
kể cả hình dung về im lặng?
Wittgenstein rất buồn
em buồn hơn
vậy giữa em và anh ai sẽ được thức dậy?
em không biết
anh rất buồn
em buồn hơn
Hiện không liên lạc được với người này trên Messenger
MẠNH HẠO NHIÊN
(về L. người đã nghỉ học giữa chừng)
rất nhiều bóng lưng đã nhập vào nhau
trong lời tiễn biệt
cậu để lại hết sao
cả mối tình với người con gái
vuốt vành tai cậu ở quán cà phê hôm trước?
“không, mình sẽ mang theo kỉ niệm
tình yêu cũng vắng mặt, kí ức cũng vắng mặt
mọi thứ như nhau…”
rất nhiều tiếng nói đã nhập vào nhau
khi nhìn cậu, người con gái khàn giọng
quên mất tương lai
nếu cậu đi, thành phố sẽ mất một cuộc đời
và liệu V. sẽ không nhớ cậu?
“không, những gì ở lại
V.đã nhớ hết rồi.”
rất nhiều lời nói
nhập vào buổi chiều
chúng ta có quên gì nữa không?
“có, mình có quên,
quên cậu là người cuối cùng mình gặp
trước khi những gương mặt cậu vật vờ
như thể vô danh
mình không nhớ nổi
bao nhiêu gương mặt rụng sau buổi chiều.”
mình cũng không nhớ nổi
sau gió và mưa
bao nhiêu gương mặt nhập lại
trong những lần cậu không thể nói với mẹ
cậu yêu V.
và bao nhiêu lần thức dậy trong bệnh viện
không ai bên cạnh
rất nhiều chân trời nhập lại
rồi hút vào bóng lưng
chuyến xe buýt buồn chở người hồi hương
hãy bình an về nhà
nhé, hãy thức dậy trong kí ức phía sau.
phải thức dậy
trong kí ức phía sau.
KHẢ ÂM TRẮNG
cơn mục ruỗng trổ trong bình cúc không hồi sinh những màu cánh gián nằm vương vãi dưới bình cúc và những nốt chai sần rờ lên da dẻ câm lặng trước mùa xuân tôi quên thay nước cứ để nước đục dần như tiếng nhạc buồn mới kiếm ra lại đang ngân bên song sắt nhà hàng xóm nhắc đôi mắt bị giam cầm trong sự hiện diện ai đó vắng mặt luẩn quẩn bên tai những giọng ca muộn màng mang theo hạt giống thả vào lỗ thẳm dưới hai vầng thái dương vẫn luân phiên chuyển tắc đến mức tôi đã quên bảy ngàn không trăm bảy sáu ngày đã trôi và bình minh vẫn còn đang đếm ngược trong giọng đọc Ocean Vuong và phần dụ hoặc Gus Dapperton đắp lên trở thành hỗn hợp ngợi ca nhả ra từ tài khoản Spotify đang đếm ngược ngày hết hạn khiến tôi rùng cái rùng mình nhẹ nhõm và những hạt cúc cứ quay quẩn tâm trí tôi như điệu nhạc lệch khỏi lưỡi và chệch nhịp từ những ngón tay người con gái đang ngồi đàn từng nốt như đan lệch mũi kim lỡ chích vào da dẻ mịn màng từ thời còn non sơ như sợi tóc em dài dẳng ghim lên vai áo nhắc anh rằng những rễ cây đàn gỉ anh còn chưa thay đã không còn bám nhạc khiến anh tự hỏi những lần về Huế em có mặc áo dài rồi ngồi chải tóc bên khung cửa em có nhìn dần từng thiếu nữ bước trên hè phố đầu đội nón lá tai đeo dây phone nơi thanh âm không còn chỗ trốn khỏi suy nghĩ về họ đang nghe thứ gì em có bao giờ nghĩ đến điều đó như những mục ruỗng từ từ nhàu nát để đến lúc trở lại tôi vẫn thấy nửa mặt em chớp nhoáng qua con đường với cùng người đàn ông ta từng quen nhắc tôi biết đã là ngày mới đến và giấc ngủ muộn vẫn chưa hát câu nào cho tôi quên đi ngây thơ chưa từng hiện diện trong kí ức như những lúc giăng tơ đan cho tôi giọng hát em màu trắng trong đầu tôi hình như có cảm giác kèm khi biết đôi mắt vẫn còn trinh trắng như tơ lụa như những ký ức rối vò tự bải hoải nhắc tôi mình sẽ nhớ về sự vắng mặt của em như một chàng sinh viên hai mươi tuổi bình thường vẫn quẩn quanh để nhìn thẳng hát ca dù tôi biết sau tất cả rồi cũng bị buộc trở về một trang giấy trắng như chưa từng biết hợp âm cho bài nguyện khúc mới mọc mầm chưa đủ thành một hồn cây ẩn dụ
TUỔI ĐỂ LẠI ĐÊM ĐÔNG
Như những người lạ trôi, dưới đêm thánh đường, năm nay, hai bảy đến ba mươi. Con người. Những con người đã để lại lửa. Những con người đã để lại gió và cát bụi, trên chiếc chuông của chúa, của tạo hóa, và của con người. Những con người để cơn mưa của Người rơi bên ban công.
Những cơn mưa ruồi nhọc nhằng, đêm hai bảy đến ba mươi, lao đi trong đêm tối. Chợ đêm gánh nổi những đêm dài. Tôi nhìn sự bập bùng của những ngón tay sao, loay hoay tìm cho mình giữa trời đêm muốn sáng. Thở. Thờ ơ. Thở. Những tờ ơ lơ. Tơ mơ. Rờ đất, rờ sao, mẹ rờ cái chân chim giẫm nát mặt-đất. Tôi thấy mẹ tôi thờ ơ nhìn, lá ngoài ban công rơi, tình hình mùa đông rơi…
Đêm nay Giáng sinh, nhưng mẹ tôi ngồi nhìn. Mưa, mẹ có lẽ không biết tôi cũng nhìn. Nhìn mẹ, làm thinh. Những ngày này, tôi không thấy, và mẹ không thấy, cơn mưa cuộc đời mẹ để lại, những ngày duỗi thẳng tay trong những cơn mưa ruồi. Mẹ. Mẹ. Mẹ ơi ! Đêm Giáng Sinh nào mẹ cũng chết lặng trong mưa suy nghĩ ư ? Đã bao lâu mẹ không còn nhớ, đèn đường bỏ tuổi trẻ, cô đơn bỏ tuổi trẻ, tình yêu bỏ tuổi trẻ. Mẹ ơi… Mẹ đã chết mấy lần rồi… Đêm nay trời lạnh, hai mươi năm giờ bốn mươi, nhưng tay ngoại lục tuần. Mẹ ơi… Đời con sinh ra là do tuổi buồn của mẹ…
Ba chắc đang nhậu, những cơn rượu mùa đông. Sau mùa đông hành chính. Ba chân chim, tóc gần bạc đầu, đớn đau bức bối còn nào bầu rượu và bạn. Nhưng chưa lần nào tôi có thể ngắm ba. Giữa đêm mùa đông, hơi thì lạnh, ba chắc còn vài lon, nỗi buồn tạm vơi, rồi mai lại về như cũ. Ba chưa từng ủ rũ, nhưng trái tim ba, nụ cười ba, ước mơ ba đã ngủ. Tuổi trẻ để đâu trên phố phường, sau im lặng một cuộc đời nằm đất… Sao im lặng một cuộc đời lầm lỡ, sau im lặng tim vẫn ở bâng khuâng…
Đêm Giáng sinh, hai bảy đến ba mươi. Năm nay tôi tuổi trôi, cha mẹ tôi tuổi buồn. Mai tôi tuổi buồn, cha mẹ tôi tuổi nhớ. Rồi một mai tôi tuổi nhớ, cha mẹ hồn đã trôi theo sông. Những con người, tuổi trẻ trống không. Tôi sẽ sống, và da diết như vậy chứ ?
Ơi ơi ! Đừng như cơn sóng biển tan, ơi ơi đừng như nước mắt ngưng tràn, ơi ơi… Những bài thơ năm nào cũng vậy. Cứ ghi nhớ rồi dần lãng quên. Chậm rãi và lênh đênh. Chậm rãi rồi biến mất. Giữa những quả đất, thời gian chật. Chật những cuộc đời đã để đêm ba mươi, chật những cuộc đời để lại nơi tuổi sóng vỗ. Ôi những cuộc đời của sóng … Nghìn năm trăm ngàn con sóng vỗ, nhưng chưa con sóng nào, chưa dòng sông nào, có một con sóng vỗ hai lần cả…Những ngày thơ nhà… trăng ngà… phố thị và…
Thôi, đêm đông vẫn vậy, mẹ nhìn ban công, cha đi nhậu, và tôi ngồi không. Sau đêm ba mươi, tôi vẫn như vậy, mẹ vẫn như vậy, ba vẫn như vậy. Nhà tôi đều như vậy.
Sau cùng, mùi tuổi, vương đêm đông, đêm Giáng sinh, sau mưa ruồi, sau những bất tận.
Những đêm dài, để dòng sông trôi.
VĨ HẠ
Trích nguồn: Vanvn.vn
Tin cùng chuyên mục:
Mạch nguồn – Truyện ngắn của Quyên Gavoye
Rừng cây nhảy múa – Truyện ngắn của Dương Thành Phát
Tiến sĩ của Đại học Harvard nghiên cứu về thế giới đồng tính trong văn học Việt Nam
Mị Châu – Truyện ngắn của Ngô Tú Ngân