Hẹn với Cleopatra – kỳ 4

Sau buổi đọc thơ thứ hai của tôi tại Hội chợ sách quốc tế Cairo, tôi hỏi nhà thơ A’zam Obidov rằng anh còn buổi đọc thơ nào khác nữa không. Anh lắc đầu, không thấy ban tổ chức báo với anh buổi đọc thơ tiếp theo, vậy có thể cho rằng anh không đọc thơ nữa.

Cùng đến với Hội chợ sách quốc tế Cairo 2025, nhưng A’zam mới đọc thơ một lần vào tối 25/01/2025 cùng với tôi, hôm sau, tối 26/01 tôi đọc thơ lần thứ hai, nhưng A’zam thì không có trong danh sách đọc thơ. Vậy chẳng lẽ cùng tham gia sự kiện, nhưng có người đọc thơ 2 buổi, có người đọc một buổi thôi ư? Tôi nghĩ bụng vậy nhưng không hỏi lại A’zam. A’zam chỉ còn ngày 27/01 là lưu lại tự do ở Cairo, ngày 28/01 anh đã lên sân bay về nước rồi.

Tôi bàn: “Hay là chúng ta cùng nhau đi thăm Kim tự tháp?” Vừa nghe tôi nói thế, anh đồng ý ngay. Bữa tối ở khách sạn, tôi ăn xong lên phòng nghỉ, dặn A’zam ở lại lâu hơn chút để ra sảnh khách sạn Tolip nơi chúng tôi lưu trú mà gặp đại diện của hãng lữ hành “Pyramids Tour”, hỏi dịch vụ đi tham quan Kim tự tháp Ai Cập.

Tôi lên phòng mình tranh thủ ghi chép được nửa tiếng thì thấy A’zam nhắn rằng giá dịch vụ tham quan 1 ngày tại Kim tự tháp là 60 đô la Mỹ, đã bao gồm xe taxi, hướng dẫn viên và vé vào cửa. Thế thì được quá đi chứ! Tôi nhắn A’zam là đồng ý ngay. Cũng phải nói thêm là giá taxi ở Cairo rất rẻ. Một bạn thơ Tây Ban Nha nói với tôi rằng, ông ấy đi taxi từ khách sạn tới Khu triển lãm quốc tế Ai Cập, hơn 1 giờ lái xe mà chỉ phải trả 1,5 Euro, tương đương khoảng 45 ngàn đồng Việt Nam. Giá rẻ sửng sốt. Đi từ khách sạn lên sân bay Cairo cũng chỉ có giá 1,5 Euro thôi. Thế này thì thật tuyệt. Đến Cairo tha hồ gọi taxi đi chơi mà không lo lủng túi.

9h sáng hôm sau, tôi và bạn thơ người Uzbekistan đã ngồi trên taxi đi Kim tự tháp. Ôi chao, ước mơ lớn của đời tôi là đây, tôi thấy hạnh phúc lặng lẽ chứ không quá choáng ngợp như mình hình dung. Ai ngờ ước mơ lớn của cuộc đời lại đến với tôi một cách đơn giản như thế chứ. Vậy thì lại mơ tiếp đến những điều xa vời khác nữa đi, rồi một ngày lại bỗng nhiên thực hiện được một cách rất đơn giản.

Các lái xe taxi và bus ở Cairo không ngại luồn lách, họ lái xe nhanh vun vút, lắm khi thấy khá nguy hiểm. Cầu mong chúng tôi không bị tai nạn và bỏ mạng tại Cairo! Anh chàng lái taxi dù không biết tiếng Anh, nhưng vẫn chịu khó giao tiếp với chúng tôi bằng Google dịch. Anh ta thỉnh thoảng nói vào điện thoại bằng tiếng Ả Rập cho Google dịch, sau đó chìa chiếc điện thoại cho A’zam đọc những dòng tiếng Anh giới thiệu về di tích bên đường khi xe đi qua.

Tôi thốt lên khi nhìn thấy một công trình kiến trúc theo mô hình kim tự tháp dựng ven đường. Màu đá vàng cát đặc trưng màu kim tự tháp đủ để gợi lên huyền sử bí ẩn của Nền văn minh Ai cập cổ đại. Tôi miên man chìm trong suy tư về các vị Pharaoh, trong lúc A’zam lại nói về nỗi thương cảm, tiếc nuối không vơi của anh khi con mèo Uzbekistan của anh qua đời. Nỗi nhớ tiếc quá lớn, đến nỗi giờ đây anh không còn dám nuôi thêm con mèo nào nữa. Anh làm tôi nhớ con mèo Nga có tên là Quick mà em gái tôi nuôi. Nó thân thương, tinh nghịch và chiếm trọn trái tim cả gia đình. Đến nỗi khi Quick bị bọn săn trộm mèo ở quê tôi sát hại, nó bò về nhà để chết, khiến nỗi ám ảnh ấy theo đuổi chúng tôi mãi, cứ tấy lên trong lòng cơn đau đớn không nguôi, và chúng tôi cũng không vượt qua nỗi đau ấy, không dám nuôi thêm một mèo nào nữa.

Ừ cũng lạ, tại sao đang đi đến Kim tự tháp mà chúng tôi lại nói về cái chết của những con mèo thân yêu? Lát sau thì quay sang chuyện xung đột Ukraine, Nga… Đến Kim tự tháp, tôi lắng nghe những câu hỏi của A’zam với nữ hướng dẫn viên Evette, nghe cô giải đáp. Trong lúc đó tôi lặng ngắm sự kỳ vĩ của Kim tự tháp. Người đời từng quá choáng ngợp trước độ lớn của Kim tự tháp, không hiểu nổi người xưa dùng phương tiện gì mà đưa được những khối đá khổng lồ xếp chồng ngay ngắn lên nhau cao chót vót như vậy, nên cho rằng Kim tự tháp chỉ có thể là công trình của người ngoài hành tinh mà thôi. Nhưng có đến tận nơi, thì tôi mới biết rằng có 3 Kim tự tháp lớn nhất, và 6 Kim tự tháp nhỏ hơn. 3 Kim tự tháp lớn là của 3 vị vua, còn 6 Kim tự tháp nhỏ, đứng khiêm tốn bên cạnh là của 6 nữ hoàng. Thế đó, phụ nữ bao giờ cũng khiêm tốn ở bất cứ tình huống nào, hay những gì thuộc về mình, cho dù họ cũng đường đường đứng đầu vương quốc. Tôi quan sát thấy ở Kim tự tháp của nữ hoàng, các khối đá cũng không được chọn lựa vuông thành sắc cạnh như đá ở Kim tự tháp của vua. Bất giác một tiếng thở dài khó kìm nén vuột ra. Hỡi ơi là đàn bà, luôn chỉ ở vị trí số 2 mà thôi! Nhưng cái chính là đàn bà cũng chẳng cần tranh đấu cho cái vị trí ấy. Rồi lại chỉ làm mồi cho các thế lực lớn mà thôi.

Chỉ có điều, khi lắng nghe Evette trình bày về các Kim tự tháp, tôi thấy buồn, là làm sao các vị Pharaoh lại bị ám ảnh bởi cái chết đến như thế, đến nỗi dùng toàn bộ nguồn lực, sức mạnh và thời gian cả đời của mình chỉ để chuẩn bị cho cái chết? Chỉ bởi cái chết là vĩnh cửu, sự sống hữu hạn ngắn ngủi như một chớp mắt mà thôi? Đúng như cảm giác của A’zam, rằng anh chỉ thấy buồn khi thăm Kim tự tháp, cũng như thăm các di tích lịch sử khác, bởi nó khiến anh hối tiếc đời, chỉ ngắn ngủi như một cái chớp mắt mà thôi. Còn riêng tôi, càng khẳng định lựa chọn của mình, đó là sống, đi, viết và yêu thương, quyết không để vướng vào sự ràng kéo, lẩn quẩn của tranh giành đấu đá với mưu sinh, tiền tài,… Nhìn kim tự tháp lừng lững cùng tuế nguyệt, nhưng bên trong trống rỗng bởi châu báu, các đồ dùng giá trị mà các vị Pharaoh yêu quý, muốn mang cùng mình sang thế giới bên kia, đã bị cướp, trộm lấy mất tự thuở nào, ngay cả xác của các vị cũng chẳng giữ nổi trong Kim tự tháp, vậy thì triết lý “BỐN KHÔNG: Không nghe, không nhìn, không nói, tâm không động” quả là đắc địa!

Kim Tự Tháp biết bao đời nay thu hút con người đến ngắm nghía, chiêm nghiệm. Đó là một kỳ quan, là biểu tượng của sự vĩnh hằng, của những giấc mơ vĩ đại nhưng cũng đầy phù du. Những gì các Pharaoh xây dựng với mong muốn bất tử rồi cũng trở thành trò chơi của thời gian và thói đời. Tôi cứ lặng im đứng đó, đối thoại với lịch sử, với những điều không lời như cát, đá cuội và những tàn tích. Chỉ có đi và ngẫm mà liên tục thức tỉnh sâu sắc về cách con người đối diện với cuộc đời. Và tại sao ta cần có dấu ấn trong dòng chảy lịch sử này, cách nào thông thái hơn?

Tác giả dưới chân một Kim tự tháp

 

Khi Evette hỏi “Các bạn có muốn vào bên trong Kim tự tháp xem không?” thì cả tôi và A’zam đều lắc đầu. Tôi chú ý đến những viên đá cuội nhẵn thín, màu gan gà, nằm rải rác, có rất nhiều dưới chân Kim tự tháp. Chúng cũng rất giá trị và hẳn có linh hồn, nhưng chỉ nằm đó cho người đời dẫm đạp lên. Tôi nhặt một viên đá cuội vừa trong lòng bàn tay, sứt một miếng nhỏ, nhưng hình tròn hoàn hảo, ngắm nghía tự hỏi đá cuội này nằm đây bao nhiêu năm rồi? Khi xưa nó ở đâu, bao nhiêu nước đã trôi qua, bao bàn chân người, chân lạc đà bước qua và dẫm lên? Đá cuội từng chứng kiến những câu chuyện bí mật gì? Và bao giờ sẽ lên tiếng? Đến với Kim tự tháp, thì không chỉ ngắm Kim tự tháp, mà còn cần trò chuyện thêm với 3 nhân vật nữa, đó là đá cuội mà tôi gọi vui là trứng lạc đà, lạc đà và cát. Nguồn cát vô tận này cất giấu điều gì? Tại sao người Ai Cập không xuất khẩu cát?

Bên dưới Kim Tự Tháp, những viên đá cuội, những quả “trứng lạc đà” vẫn lặng lẽ nằm đó, chứng kiến những bí mật lịch sử của Ai Cập cổ đại. Và khi nào đó, trứng sẽ nở ra cho những ai biết lắng nghe đá cuội…

(còn nữa)

Kiều Bích Hậu