Bước đầu tiên trên con đường thiên lý

(Bài phát biểu trong lễ trao giải “Truyện ngắn hay Đường Văn 2023-2024”)
Thi Nhân Các, ngày 8/10/2024
Kính thưa các nhà văn, các họa sĩ, đại diện các nhà tài trợ và các vị khách mời có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay.
Một năm không phải là quãng thời gian đủ dài để trồng nên được một cây đại thụ văn học, song lại là khoảng thời gian không ngắn cho cuộc đời một con người, nhất là khi chúng ta còn quá nhiều thứ để lo lắng cho cuộc sống gia đình trong xã hội hiện đại. Hôm nay, niềm đam mê văn học đã kéo chúng ta từ bộn bề cuộc sống về nơi đây để nhìn lại khoảng thời gian một năm chúng ta đã cùng nhau đi qua trên con đường văn. Chúng tôi thực sự xúc động và từ đáy lòng, cảm tạ những người đồng hành cùng mình, các văn nhân và nhà tài trợ đã vì tình yêu văn chương mà giúp đỡ chúng tôi, giúp chúng tôi có thêm niềm tin và động lực để bước đi trên con đường của văn học.
Đường văn xa thăm thẳm
Vượt qua núi qua đèo
Vươn tới vùng mây trắng
Từ thác ghềnh cheo leo.
Khởi đầu bằng cái tên “ĐƯỜNG VĂN”, chúng tôi quyết định sẽ dấn thân trên một con đường chông chênh giữa một bên là bồng bềnh mây trắng của sự lãng mạn, một bên là những gai góc, khô cằn của xã hội kim tiền. Dẫu khó khăn và đầy thị phi, chúng tôi đã đang và sẽ tiếp tục bước đi trên con đường ấy. Dù biết chắc chắn rằng đây hoàn toàn là sự dâng hiến, chưa bao giờ chúng tôi hối hận vì đã bước lên con đường lãng mãn nhưng đầy chông gai này cũng như chưa một phút giây nào, chúng tôi hoài nghi về cái đích Chân – Thiện – Mỹ cao cả tối thượng của văn học.
Ngày 8/10 năm nay là một dấu mốc quan trọng đối với Đường Văn. Chúng ta sẽ tổ chức tổng kết cuộc thi “Truyện ngắn hay Đường Văn 2023-2024” vốn được bắt đầu từ ngày này năm ngoái. Nhân đây, tôi xin phép được chia sẻ đôi lời cảm nhận về cuộc thi ấy.
Tác phẩm văn học là tấm gương phản chiếu xã hội. Hiện trạng xã hội sẽ được phản ánh thông qua lăng kính của nhà văn. Bút pháp nghệ thuật, tư tưởng tình cảm của nhà văn cũng sẽ thay đổi bắt nhịp theo sự biến đổi của đời sống hiện thực xã hội. Chúng tôi thật may mắn là một trong những người đầu tiên được đọc tác phẩm mà các nhà văn gửi tới. Đôi khi, tôi cảm giác rằng tư tưởng của mình sáng bừng lên khi ánh sáng tỏa ra từ ngọn đèn tài năng của các nhà văn soi chiếu cho tôi tới được những góc khuất tâm hồn mà tôi chưa bao giờ được thấy. Tôi đã thấy được những đồng cỏ mênh mang của vùng cao nguyên đầy nắng gió nơi những con người thuần phác với mái tóc khét nắng gió trời và làn da nồng nàn của vùng đất đỏ. Tôi cũng thấy vị mặn mòi của vùng biển xa và tình yêu của con người dành cho nhau giữa bão mưa giông tố. Và, tôi cũng thấy những con người hết sức bình dị giữa cuộc sống đời thường muôn mầu trong một xã hội mà đôi khi đồng tiền trở thành thước đo tiêu chuẩn của mọi giá trị xã hội. Có buồn, có vui, có bâng khuâng và cả nuối tiếc và uất ức, họ đôi khi đã làm cho tâm trí của tôi như đang bồng bềnh trên một con thuyền, khi đi trong yên bình trăng thanh gió mát, khi lại như nhao nhác giữa cuồng phong. Dẫu chỉ là câu chuyện kể nhưng niềm vui ấy trong tôi là có thật. Không một ai chỉ qua một vài giờ cưỡi ngựa xem hoa mà có thể viết được những điều thấm đẫm tình cảm, tràn đầy tính nhân văn; kĩ xảo của ngòi bút có thể vẽ ra thật nhiều sắc màu nhưng không thể tạo ra rung cảm tới con tim của độc giả. Cám ơn các tác giả đã gửi bài cho chúng tôi. Họ đã mang đứa con tinh thần mà họ dứt ruột đẻ ra để gửi vào chỗ chúng tôi, sự tin tưởng của họ là động lực và cũng là áp lực cho chúng tôi khi phải lựa chọn, cân nhắc để chọn ra một vì sao sáng nhất giữa bao nhiêu tinh cầu lấp lánh như thế. Mong các nhà văn hãy tin tưởng vào sự công tâm từ ban giám khảo cuộc thi này. Khi xét giải các giám khảo chỉ chịu một áp lực duy nhất, nhưng cũng là áp lực nặng nề nhất, đó là trách nhiệm của một nhà văn đối với văn học.
Tiếp theo, xin phép báo cáo lại một chút về mô hình vận hành của chúng tôi.
Tôi nhớ rằng ngày này năm ngoái có người lấp lửng hỏi rằng: chả biết liệu sang năm Đường Văn còn sống không. Trong buổi khai mạc trại viết tại Tam Đảo vào đầu tháng 1/2024, nhà thơ Hải Thanh cũng bảo: “Bọn này sắp chết, chết đến nơi rồi” . Tôi biết rằng thâm tâm họ đều lo lắng cho chúng tôi một cách thực sự mà nói ra như thế. Họ hi vọng chúng tôi thực hiện những điều mà từ sâu thẳm tâm hồn một nhà văn, họ vô cùng mong mỏi. Nhưng họ cũng lo cho chúng tôi lắm, vì Đường Văn thì xa mà không ai có thể sống dựa vào việc bán sách chứ đừng nói tới những gì lớn hơn như là lập trại viết hoặc giải thưởng văn học. Nhưng hôm nay ở đây tôi sẽ trả lời: “Có, chắc chắn cây Đường Văn sẽ sống và nảy mầm, những mầm xanh sẽ vươn lên góp vào khu rừng muôn màu của văn học Việt Nam”. Vậy chất dinh dưỡng để nuôi cây lấy từ đâu? Chắc hẳn sẽ có nhiều người mong muốn biết. Xin thưa rằng, nguồn dinh dưỡng ấy chúng tôi có được từ nội lực bản thân và các nhà tài trợ. Tới đây tôi cũng xin theo trend, check var sao kê gửi cho các nhà tài trợ cho rõ ràng và minh bạch.
Do chi tiêu rất tiết kiệm và có kế hoạch, xét về mặt kinh tế, tôi đảm bảo có thể vận hành Đường Văn ít nhất mười năm một cách hoàn toàn thoải mái, không lo lắng ngọn đuốc vì thiếu dầu mà lụi tàn trên con đường hướng tới tri thức và văn hóa.
Nhưng mục tiêu của chúng tôi không chỉ giới hạn trong những gì đang làm hiện nay. Chúng tôi làm Đường Văn vì tình yêu và lòng đam mê đối với văn học và chỉ vì điều đó mà thôi. Với mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho văn học, trong kế hoạch của mình, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện những điều sau đây:
Một là, xét về mức độ lan tỏa của tác phẩm văn học, số lượng sách giấy được in ra hàng năm mặc dù tăng rất nhiều so với trước kia song số lượng người đọc sách giấy vô cùng khiêm tốn. Áp lực cuộc sống làm cho nhịp độ sinh hoạt của con người khẩn trương hơn nhiều, họ không có thời gian để đọc sách giấy nữa song vẫn có nhu cầu bổ sung tri thức qua sách. Chúng tôi sẽ hướng tới việc cung cấp sách trên nền tảng số, giúp người đọc có thêm lựa chọn giữa việc đọc và nghe sách trên những cung đường bận rộn của họ, qua đó giúp nhà văn có thể tiếp cận thêm tới một nhóm các độc giả yêu văn học, giúp lan tỏa giá trị nhân văn ra xã hội.
Hai là, các nhà văn thường chỉ quen với sự lãng mạn và viết lách, ít khi quan tâm tới các khái niệm kinh tế. Xin kể câu chuyện vui mà tôi từng chứng kiến, có người họ hàng hỏi một nhà văn: Cháu làm nghề gì – và được trả lời: Cháu là nhà văn. Người họ hàng lại hỏi lại: Biết rồi, nhưng mà làm nghề gì?” Ô, hóa ra họ cũng khá tinh tường dù không phải không có chút xúc phạm khi cho rằng viết văn không phải là một nghề, bởi nghề nghĩa là phải kiếm ra tiền nuôi sống bản thân, mà khi không đủ nuôi sống bản thân thì khó có thể coi đó là một nghề được. Và hôm nay tôi đưa ra một khái niệm, đó là “Cổ phần hóa văn học”. Chi tiết thực hiện xin phép chưa đưa ra ở đây song tôi hi vọng rằng, biết đâu sau này, chúng tôi có thể giúp các nhà văn biến khả năng viết văn của mình thành cổ phần để họ có thể toàn tâm toàn ý dành thời gian và công sức cho việc kiến tạo sự lãng mạn.
Và tôi sẽ nhắc lại một điều đã từng nhấn mạnh vào ngày này năm ngoái.
“Cho dù phải vật lộn với kinh tế thị trường, phải đem tinh thần lãng mạn bươn chải giữa cả một sa mạc của sự thực dụng, cho dù hụt hơi giữa cả dòng thác lũ của kỉ nguyên số cũng như sự ngoảnh mặt của độc giả với văn học truyền thống, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng giữ lấy sự tinh khiết của linh hồn và sự thánh thiện của văn học, giữ cho ngọn lửa đam mê của văn học không bao giờ tắt mà luôn cháy bỏng trong huyết quản. Ai đó có thể mất niềm tin vào văn học, mất niềm tin vào sự tồn tại của tinh thần lãng mạn trong cuộc sống thực dụng này, nhưng chúng tôi không phải họ. Đến hơi thở cuối cùng, chúng tôi vẫn tin rằng, sự lãng mạn của linh hồn thể hiện qua văn học nghệ thuật là thứ luôn tồn tại và xứng đáng được tồn tại, bằng tình yêu và sự đam mê, chúng tôi sẽ gìn giữ và bảo vệ nó!”
Và cuối cùng, xin phép đọc một khổ thơ trong bài thơ “Đường Văn để” kết thúc bài phát biểu hôm nay
Lưng luôn thẳng, bút không còng thế sự
Tâm mãi ngay, mực cuồn cuộn trong hồn
Dẫu mưa gió giữ chữ ngời ánh thép
Vỉa than đời lấp lánh dưới hoàng hôn
Xin chúc các tác giả đoạt giải, các vị khách mời, các nhà văn tràn đầy sức khỏe và sự sáng tạo.
Trân trọng cảm ơn!
Linh Chi