Xuân biên phòng ấm lòng dân bản – Ký của Đỗ Xuân Thu

Đồn biên phòng Ba Sơn được thành lập ngày 28.4.1964, tính đến nay vừa tròn 60 năm. Đồn quản lý địa bàn 3 xã là Cao Lâu, Xuất Lễ và Mẫu Sơn thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn với diện tích xấp xỉ 16 ngàn ha. Đây là khu du kích Ba Sơn nổi tiếng thời kháng chiến chống thực dân Pháp nằm ở Đông Bắc của tỉnh.

Nhà văn Đỗ Xuân Thu 

Chúng tôi lên Lạng Sơn vào những ngày giá rét nhất cuối năm Quý Mão. Đợt rét “đại hàn” này đã đem rét đậm rét hại tràn về trước khi Tết đến. Đỉnh núi Mẫu Sơn tuyết phủ trắng xoá. Nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Ti vi liên tục cập nhật tình hình thời tiết. Chỉ huy đồn biên phòng Ba Sơn (Cao Lộc) báo về ở đó cũng từ 4-6 độ C. Buốt cóng. Rét căm căm. Từ Hải Phòng nơi đang 9 độ C, trời mưa phùn gió bấc, ngược dòng người đi chợ Tết, bốn nhà văn chúng tôi (gồm nhà thơ Vũ Trọng Thái, Trần Đức Trí ở Hải Phòng, nhà văn Phạm Thanh Khương ở Hà Nội và tôi, Đỗ Xuân Thu ở Phú Thọ) trên chiếc xe Innova xuyên mưa rét lên biên giới. Lòng tôi háo hức vô cùng. Đây là lần đầu tiên tôi được lãnh đạo, chỉ huy đồn biên phòng mời tham dự chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”. Thế nên, dù mưa rét thế chứ mưa rét nữa chúng tôi vẫn cứ đi. Quần áo ấm nai nịt kỹ vào, giày tất, mũ mão đầy đủ, thêm găng tay, khẩu trang nữa thì chẳng sợ gì rét cả. Càng rét càng có nhiều cái hay, càng khám phá được nhiều chuyện lạ để viết. Nghiệp báo, nghiệp văn này nó vậy.

Theo kế hoạch, đồn biên phòng sẽ cho người đón chúng tôi ở thành phố Lạng Sơn, ngủ nghỉ tại nhà khách đối ngoại Biên phòng của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh này. Sau đó, sớm mai, chúng tôi sẽ có mặt trên đó trước 8 giờ để dự chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”. Khi lên tới thành phố, đại tá, nhà văn Phạm Thanh Khương, nguyên Phó Tổng biên tập báo Biên phòng đề xuất: “Chúng ta phải vào ngay đồn để 3 cùng với anh em, để chứng kiến cuộc sống của bộ đội những ngày giáp Tết các anh ạ. Có như thế tác phẩm, bài viết mới có hơi thở cuộc sống được”. Ba chúng tôi hưởng ứng ngay. Trưởng đoàn, nhà thơ Vũ Trọng Thái liền điện cho đồn trưởng, trung tá Đặng Hùng Cường về đề xuất này. Tiếng Cường vọng lên qua điện thoại: “Không được đâu các bác ơi! Trên này rét lắm, không có chỗ ngủ cho các bác đâu. Các bác cứ ở ngoài đó, sớm mai vào đúng giờ là được”.

Trên xe, chúng tôi lao xao. Anh Thái ra hiệu trật tự để anh đàm phán. Hai người trao đổi với nhau một lúc lâu. Tôi nghe tiếng được tiếng mất. Sau đó anh Thái nói lại với đoàn: “Trên đó các cậu ấy ngại. Chúng ta vào qua đêm sẽ khó cho các cậu ấy. Họ sợ đón tiếp mình không chu đáo được, nhất là về chỗ ngủ. Cường bảo rét khủng khiếp lắm. Sáng sớm qua nước đã đóng băng rồi. Nếu ta vào thì các cậu ấy phải dồn lính lại nhường giường cho đoàn và chúng ta vẫn phải ngủ ghép”. “Ngủ ghép cũng chơi”, Phạm Thanh Khương hăng hái. Chúng tôi cùng phân vân. Có lẽ các chú ấy ngại về cơ sở vật chất của đơn vị không muốn cho chúng tôi thấy những khó khăn chăng? Đã vậy, càng phải đến. Đến để chứng kiến và chia sẻ cùng bộ đội chứ. Cứ cưỡi ngựa xem hoa, viết báo, làm văn ở nhà nghỉ, qua các bản báo cáo thì còn gì là “hơi thở cuộc sống” nữa? Nhất thì đốt lửa sưởi suốt đêm có sao? Như thế càng có thêm nhiều tư liệu, cảm xúc để viết.

Lại tiếp tục “a-lô”. Nói khó mãi, cuối cùng đồn trưởng Đặng Hùng Cường cũng đồng ý. Hơn hai giờ chiều, xe chúng tôi vượt thêm hơn 30km nữa để lên Ba Sơn. Đường càng ngày càng khó đi. Ổ gà, ổ trâu, sạt lở, bùn đất lấm lem. Xe nhoai nhích từng km một. Trời vẫn lun phun mưa càng đổ thêm cái trơn trượt ra đường. Bên ngoài gió núi hun hút thổi. Cây cối ngả nghiêng. Chắc là rất rét đấy. Điện thoại trong xe báo nhiệt độ đang là 6 độ C cơ mà. Hơn hai giờ đồng hồ sau, xe chúng tôi cũng bò được tới đồn. Vừa mở cửa xe ra, cái lạnh cóng ập vào. Bốn chúng tôi xuýt xoa run cầm cập.

Chính trị viên, trung tá Hoàng Trung Hiếu cùng đồn trưởng, trung tá Đặng Hùng Cường tay bắt, mặt mừng chào đón chúng tôi. Hai bên ríu rít hỏi thăm, giới thiệu nhau. Chén trà nóng và sự chân thành, cởi mở của lãnh đạo, chỉ huy đồn đã xua đi cái rét. Với tác phong làm báo đã ngấm vào máu, đại tá Phạm Thanh Khương, nguyên Phó Tổng biên tập báo Biên phòng tác nghiệp ngay. Sổ tay mở ra, bút cầm sẵn. Tôi, nhà thơ Vũ Trọng Thái, nhà thơ Trần Đức Trí thấy vậy cũng bút sách làm theo. Cả chú lái xe của chúng tôi cũng nhập vai phóng viên chọn góc bấm máy. Hai trung tá lãnh đạo, chỉ huy đồn liền “bị” chúng tôi lôi vào cuộc luôn. Câu chuyện quanh bàn trà cứ thế nổ ra. Chúng tôi thay nhau phỏng vấn. Ai cũng háo hức muốn nắm bắt tình hình của đồn. Chính trị viên cùng đồn trưởng thay nhau cung cấp thông tin, cuốn theo chúng tôi lúc nào không hay.

Đồn biên phòng Ba Sơn được thành lập ngày 28.4.1964, tính đến nay vừa tròn 60 năm. Đồn quản lý địa bàn 3 xã là Cao Lâu, Xuất Lễ và Mẫu Sơn thuộc huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn, với diện tích xấp xỉ 16 ngàn ha. Đây là khu du kích Ba Sơn nổi tiếng thời kháng chiến chống thực dân Pháp nằm ở Đông Bắc của tỉnh. Do có sự kiến tạo của tự nhiên từng chùm bộ ba ngọn đồi núi nhô hẳn lên trên dải núi bao quanh khu trung tâm khu vực nên có tên gọi là Ba Sơn. 3 xã này có 25 thôn bản, hơn 2000 hộ với trên 10 ngàn nhân khẩu. Dân tộc ở đây chủ yếu là Tày, Nùng. Riêng xã Mẫu Sơn (điểm du lịch của tỉnh) 100% là người Dao. Xã này có tổng số 92 hộ, hơn 500 nhân khẩu, với 70% số hộ là hộ nghèo. Đây là xã khó khăn nhất địa bàn. Các hộ dân sống biệt lập ở trên cao, mỗi hộ một quả núi. Chỉ có xã Xuất Lễ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Địa hình khu vực này thuộc diện khó khăn hiểm trở nhất tỉnh. Chỉ toàn núi cao, vực sâu. Chưa có đường tuần tra biên giới. Đường kiểm tra cột mốc lại càng gian lao, nguy hiểm hơn. Trời mưa gió thì không thể cơ động được. 57 cột mốc (trong đó có 45 mốc chính và 12 mốc phụ) với chiều dài hơn 41km đường biên (dài nhất tỉnh Lạng Sơn) là do đồn Ba Sơn phụ trách quản lý. Các anh phải tuần tra khép kín biên giới 2 lần một tháng. Xuyên rừng, vượt núi, lội suối, trèo đèo mà đi. Đơn vị có 1 đảng bộ với 3 chi bộ, 42 đảng viên trên tổng số 50 cán bộ, chiến sỹ. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sỹ phải gánh trên vai mình 1km đường biên giới.

Chính trị viên, trung tá Hoàng Trung Hiếu (sinh 1975, quê Tràng Định, Lạng Sơn, là lãnh đạo lâu năm của đồn, cao ráo, phong độ, đẹp trai) phấn khởi nói: “Cũng vui mừng thông tin cho các bác biết, đảng bộ đồn chúng tôi đã đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh xuất sắc”, đồn đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” 3 năm liền các bác ạ. Điều mà trước đây chúng tôi chưa bao giờ làm được. Có gì, đồng chí đồn trưởng sẽ báo cáo cụ thể để các bác mừng cho chúng tôi”. Nhà văn Phạm Thanh Khương trầm trồ: “Để đạt được đơn vị quyết thắng không phải chuyện vừa đâu. Khó lắm. Thế mà các anh “chơi” liền 3 năm là giỏi đấy. Xin chúc mừng”.

Trung tá Đặng Hùng Cường, dáng người vừa phải, rất đẹp trai, sinh 1982, tuổi Nhâm Tuất, quê thành phố Ninh Bình. Anh đã có thâm niên 22 năm quân ngũ (trong đó 17 năm gắn bó với biên phòng Lạng Sơn) hồ hởi tiếp lời chính trị viên Trung Hiếu. Anh cho biết 4 việc làm nổi bật của đồn những năm qua. Trong số này nổi bật là 2 đề tài dự án là mô hình “Luỹ tre biên giới Việt” và “Cây trà hoa vàng ở Mẫu Sơn”, 2 công trình  xây dựng quan trọng là “Đường kiểm tra cột mốc bảo vệ biên giới” và “Xây dựng thế trận lòng dân, quân với dân một ý chí”. Trung tá Hoàng Trung Hiếu xen ngang: “2 đề tài “Luỹ tre biên giới Việt” và “Cây trà hoa vàng Mẫu Sơn” là sáng kiến của chính đồn trưởng đấy. Say sưa lắm. Tâm huyết lắm các bác ạ. Trong chương trình “Hồ Chí Minh – Hành trình và khát vọng” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ở Hà Nội, đồn chúng tôi đã vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khen thưởng, tặng ảnh Bác Hồ. Riêng đồng chí đồn trưởng được tặng logo biểu tượng “điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kia, phần thưởng cao quý đó hiện đang trong tủ kính trưng bày kia, lát nữa mời các nhà văn xem”. Anh chỉ tay lên tủ kính. Tất cả chúng tôi đều hướng cặp mắt lên đó trầm trồ.

Lập tức, chúng tôi xoáy vào hỏi các đề tài, công trình này. Như được khơi đúng mạch nguồn, đồn trưởng, trung tá Đặng Hùng Cường say sưa báo cáo. Anh cho biết điểm xuất phát, nguồn gốc nảy sinh ý tưởng trồng tre biên giới và trồng trà hoa vàng ở Mẫu Sơn. Thứ nhất, về hàng rào biên giới. Bên Trung Quốc, họ có tiềm lực nên đã làm đường và hàng rào kiên cố toàn tuyến. Còn Việt Nam mình điều kiện đâu mà làm được như họ? Tại sao ta không trồng tre, cây tre Việt Nam giữ làng, giữ xóm ngàn đời nay sao không đưa nó ra biên giới để giữ nước? Nó vừa là phên dậu đất nước vừa là sinh kế cho dân. Măng, tre là nguồn bổ sung thu nhập cho dân vừa giữ đất, bảo vệ môi trường, tạo không gian xanh để chống biến đổi khí hậu. Thế nên, ý tưởng này khi đưa ra được lãnh đạo các cấp đồng ý liền. Hơn 9.800 gốc tre đã được bộ đội và nhân dân trồng trong năm qua. Chỉ 3 năm nữa thôi, 12km đường biên đã trồng tre này sẽ xanh ngát và ấm bới dần lên. Những cây số biên giới còn lại sẽ tiếp tục trồng tiếp. Đặng Hùng Cường vui vẻ đọc hai câu thơ của đại tá Ninh Văn Hợp, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn khi ông cảm xúc viết tặng đồn: “Biên cương nước Nam giang sơn giữ vững/ Tre xanh đất Việt hào kiệt huy hoàng”. Chẳng những đại tá Hợp, chỉ huy trưởng có thơ mà cả đại tá Trịnh Hữu Tăng, chính uỷ bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn cũng có cả một bài thơ “Trồng tre biến giới” dài 12 câu, 4 khổ tặng đồn. Bài thơ này đã được các anh phóng to treo trang trọng trong phòng khách của đơn vị. Tôi ngước nhìn và lẩm nhẩm đọc. Công nhận các vị chỉ huy ở đây tâm hồn lãng mạn thật. Đúng gu chúng tôi rồi.

Trung tá Hùng Cường cho biết: Mô hình này đã lan toả ra cả nước. Hiện các tỉnh biên giới đang triển khai trồng tre rào giữ biên cương. Bất chợt trong đầu tôi hiện lên đoạn văn trong tuỳ bút “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới tôi đã thuộc nằm lòng từ ngày còn đi học: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Tre  anh hùng lao động, tre anh hùng chiến đấu”. Nay mai thôi, khắp dải biên cương Tổ quốc sẽ rợp bóng tre xanh. Hay. Một ý tưởng hay quá.

Thứ hai, về cây trà hoa vàng ở Mẫu Sơn. Đây là một xã toàn đồng bào Dao, chỉ có 92 hộ thôi nhưng lại nghèo nhất huyện. Không thể để họ mãi thế này được, trợ cấp mãi cũng không xuể. Phải cho họ cái cần để họ câu chứ không cho họ con cá ăn ngay rồi lại hết như bấy lâu nay được. Nghiên cứu đất đai thổ nhưỡng Mẫu Sơn, đặc tính của cây chè hoa vàng, Hùng Cường thấy có khá nhiều điểm tương đồng. Tham khảo thêm các kỹ sư nông lâm nghiệp, họ đều bảo có thể thích hợp cho cây trà hoa vàng phát triển. Thế là anh bắt tay vào triển khai thực hiện ý tưởng. Gặp gỡ cán bộ xã, tuyển chọn 20 chủ hộ, cho một chuyến xe đi tham quan mô hình trồng trà này ở xã Ái Quốc (huyện Lộc Bình). Sau chuyến tham quan về, cán bộ, nhân dân tin tưởng háo hức lắm. Anh lại làm việc với lãnh đạo huyện để tổ chức lớp tập huấn và làm lễ trao giấy chứng nhận tham gia dự án cho các hộ ngay tại đồn Ba Sơn. Tiếp đó, đồn cử anh em cùng cán bộ huyện về tận Tam Đảo để lấy giống. Hơn 8.800 cây giống (trị giá 250 triệu đồng từ các nhà tài trợ) đã được chuyển về giao cho 88 hộ cùng bộ đội triển khai trồng. Đến nay cây trà phát triển rất tốt. 4 hộ còn lại cũng đã trồng theo các hộ trước. Chỉ ít năm nữa thôi, vùng trà hoa vàng khu du lịch Mẫu Sơn sẽ cho thu hái. Cứ 5-6 trăm ngàn đồng một lạng thì yên tâm quá rồi còn gì. Cán bộ và nhân dân ở đây phấn khởi lắm.

Xem chừng trời sắp tối, tôi sốt sắng chuyển mục: “Thế còn xây dựng đường tuần tra biên giới thế nào anh?”. Trung tá Hùng Cường nói: “Xin báo cáo nhanh mục này để các bác biết. Biên giới Lạng Sơn, nhất là khu vực đồn quản lý rất khó khăn, hiểm trở. Đường tuần tra chưa có. Đường kiểm tra cột mốc cũng rất gian nan. Bí thư tỉnh uỷ đã có thư ngỏ kêu gọi xã hội hoá, tìm nguồn tài trợ để làm đường, trước mắt là đường kiểm tra cột mốc biên giới. Đồn biên phòng Ba Sơn đã vận động các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân thực hiện. Kết quả, những năm qua đã làm được 23 trong số 57 đường kiểm tra cột mốc biên giới trị giá 2,3 tỷ đồng. Trong đó, đường lên cột mốc 1211 là gian khổ nhất. Cột mốc này nằm trên đỉnh núi cao có độ dốc 70-75 độ, gần như dựng đứng. Người trước dẫm lên đầu người sau mà leo. Phải chở nước, cát, đá, xi măng cách đó cả chục cây số vào rồi dùng tời ròng rọc như người ta hái na trên núi đá để kéo từng ít một lên. Sau đó, trộn vữa, ghép kè côt-pha đổ hơn 1500 bậc bê tông. Công trình khởi công tháng 10.2023, sau hơn ba tháng trời ròng rã thi công đến nay đã cơ bản xong. Mai, nếu trời không mưa thì mời các nhà văn lên đó mục sở thị. Phải xe bán tải mới bò lên được, sau đó, leo 1500 bậc bê tông này mới tới được cột mốc. Tha hồ cho các bác trải nghiệm.

Thứ tư, đồn tập trung xây dựng thế trận lòng dân, toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ biên giới. Cán bộ, chiến sỹ đồn về từng thôn bản cùng dân tổ chức sản xuất, chăm lo đời sống. Hướng dẫn bà con các dân tộc xây dựng cuộc sống mới, nông thôn mới. Trong những năm qua, không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp, không có vụ việc tụ tập đông người trái pháp luật. Tình hình buôn lậu qua biên giới, các tai tệ nạn xã hội giảm hẳn. Đến nay hầu như không có. Ba xã trong địa bàn thì Xuất Lễ đã đạt chuẩn nông thôn mới, Cao Lâu đang về đích, Mẫu Sơn đang từng bước xoá đói và giảm nghèo bền vững. Nếp nghĩ cách làm, tập quán canh tác của đồng bào đã có nhiều thay đổi, tiến bộ. Nhân dân rất tin tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng. Phát huy truyền thống khu du kich Ba Sơn năm xưa, các xã đều thi đua nhau phát triển kinh tế, văn hoá. Bộ mặt thôn bản thay đổi từng ngày.

Năm nay, 2024, có nhiều sự kiện chính trị qua trọng: kỷ niệm 65 truyền thống bộ đội biên phòng (3.3.1959-3.3.2024), 35 năm ngày hội biên phòng toàn dân (3.3.1989-3.3.2024), 60 năm ngày thành lập Đồn biên phòng Ba Sơn (28.4.1964-28.4.2024), 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ (7.5.1954-7.5.2024), đồn cùng các xã trong khu vực đang tổ chức các đợt thi đua chào mừng các sự kiện đó. Đồn đã xây dựng bức phù điêu bằng đá trên đó thể hiện hình tượng nổi bật các sự kiện quan trọng của đất nước, trong đó có chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Điện Biên phủ 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975… để kỷ niệm các sự kiện này. Bức phù điêu dài hơn 15m, cao 2,3m, nặng 15 tấn được các nghệ nhân làng đá Ninh Bình đục đẽo tạo hình chở từ trong đó ra, dựng trong khuôn viên của đồn. Tôi thoáng nghĩ đúng là một hình thức giáo dục truyền thống bằng nghệ thuật rất sinh động, đi vào lòng người.

Đang mải nghe câu chuyện về xây dựng bức phù điêu thì một sỹ quan bước vào báo cáo: “Quá giờ ăn tối rồi. Mời thủ trưởng và các bác nghỉ ăn tối ạ!”. Chúng tôi cùng ngẩng lên nhìn. Bên ngoài trời tối om. Mải nghe, mải nói quá nên trời sập tối từ lúc nào không hay. Từ lúc tới đến giờ, chẳng ai kịp quan sát quang cảnh đồn thế nào, bập luôn vào công việc, quên cả đói và rét. Ai cũng cảm thấy vui vô cùng. Nếu cứ ở ngoài phố làm sao có được những tư liệu quý như này? Sáng mai vào buổi lễ, chỉ huy lãnh đạo đồn bận cả, ai còn có thời gian mà cung cấp thông tin cho chúng tôi? Bây giờ thì yên tâm rồi, sớm mai tha hồ ngắm cảnh tiếp cận chiến sỹ bổ sung tư liệu cho bài viết. Đêm nay, hưởng cái rét Ba Sơn, cuộn chăn ấm cùng chiến sỹ, biết đâu lại thêm nhiều ý tưởng mới cho những sáng tác của mình?

Bữa cơm thật ấm cúng. Toàn ban chỉ huy đồn tiếp bốn nhà văn chúng tôi. Đại tá Phạm Thanh Khương được các sỹ quan đồn gọi là thầy rất kính trọng. Thì anh là đại tá biên phòng, nguyên Phó Tổng biên tập báo Biên phòng, lại nguyên là Phó chủ nhiệm khoa Xây dựng Đảng, Học viện Biên phòng nữa nên hầu hết các sỹ quan biên phòng đều biết anh là gì. Như hổ được thả về rừng, Phạm Thanh Khương ríu rít cùng đồng đội. Câu chuyện cứ nổ như ngô rang. Mãi hơn tám giờ tối mới tan bữa. Chúng tôi về phòng nghỉ. Mỗi người một giường chứ không phải ngủ ghép như thông báo. Cũng không phải đốt lửa sưởi qua đêm. Có đủ chăn êm, nệm ấm hẳn hoi. Sau một hành trình dài từ Cửa biển Hải Phòng lên, cuốn ngay vào công việc mệt nhoài, sau chén rượu nồng bữa tối, chúng tôi chìm ngay vào giấc ngủ. Mặc cho ngoài trời 3 độ C chúng tôi vẫn ngáy vô tư. Đêm biên phòng phía Bắc thật yên bình. Ngoài sân, những bóng đèn năng lượng thiếu ánh nắng mặt trời sáng nhập nhoà như ma trơi. Gió vẫn cứ hun hút thổi. Trời không mưa nhưng có vẻ rất mịt mù trong đêm khuya. Chắc là sương bay đang hoá kiếp sang đời tuyết đấy?

Sớm mai thứ dậy, tôi ngỡ ngàng mới biết mình đang ở đồn biên phòng Ba Sơn. Rét cắt ra cắt thịt, buốt thon thót. Đồng hồ báo 4 độ C. Dưới sân đồn, bộ đội đang dựng rạp. Tiếng lợn kêu eng éc. Bộ phận hậu cần đang tất bật chuẩn bị bữa trưa ăn Tết cho buổi lễ. Tôi tranh thủ dạo quanh đồn. Bức phù điêu đây rồi. Hoành tráng thật. Cảnh trên đó được các nghệ nhân, nghệ sỹ thể hiện thật sống động. Giữa sân là tượng Bác Hồ với chiến sỹ biên phòng đặt trên cao. Hai bên là hai khẩu hiệu thể hiện cho hai dự án của đồn đang triển khai. Một bên là “Luỹ tre biên giới Việt”, một bên là “Cây trà hoa vàng Mẫu Sơn”. Sạch đẹp, ngăn nắp, quy củ và rất văn hoá.

Đã thấy đồng bào kéo đến. Đủ các loại sắc màu trang phục, trên các loại phương tiện. Xe máy, xe đạp, ngựa và đi bộ. Dân quân, bộ đội sắc phục oai phong. Người Dao, Tày, Nùng đỏ, chàm rực rỡ. Có người cách đây hơn hai chục cây số. Từ Mẫu Sơn xuống. Từ Xuất Lễ về. Ai cũng hớn hở hân hoan. Mọi người xuýt xoa chào hỏi nhau trong cái rét. Các doanh nghệp, công ty, các nhà tài trợ, lãnh đạo huyện và các tổ chức đoàn thể lần lượt đến. Có đoàn tận Ninh Bình ra. Đoàn từ thành phố Lạng Sơn về. Ô-tô lớn bé nối đuôi nhau hơn chục chiếc. Trong số các nhà tài trợ quà Tết cho đồng bào buổi lễ hôm nay có đoàn của Công ty cổ phần Thương Mại ATC Ninh Bình do chị gái của đồn trưởng Đặng Hùng Cường làm giám đốc. Tôi quan sát thấy khá nhiều gói quà đã được đóng gói chuẩn bị sẵn. Chăn ấm, áo quần, gạo, rượu, bánh kẹo, mứt Tết, lịch Tết…đủ cả. Đoàn nhà văn chúng tôi cũng tặng 2 thùng sách các loại (một cho đồn biên phòng và một cho trường học).

Hơn trăm người ngồi chật kín hội trường. Dòng chữ “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” nổi bật trên phông chính. Sau mấy năm Covid, Tết này đồn mới tổ chức được chương trình này nên ai nấy đều phấn khởi. Sau chương trình văn nghệ, báo cáo tổng kết một năm hoạt động quân dân là chương trình tặng quà. Rất xúc động. Lần lượt các đối tượng lên sân khấu nhận quà trực tiếp từ tay bộ đội biên phòng và các nhà tài trợ. Nhiều người rưng rưng ôm những bao gạo, xách những túi quà Tết. Tôi nhìn họ thấy ấm long mình. Yêu thương quá những sẻ chia ngày Tết.

Cùng với những túi quà tình nghĩa đó, đồng bào còn được tham gia chợ Tết 0 đồng. Các quầy hàng tạp hóa, thực phẩm, quầy thuốc, quầy phụ kiện điện thoại, quầy khám bệnh 0 đồng được bố trí ngay trong doanh trại. Mọi người lại tiếp tục đi chợ Tết này. Rồi thi gói bánh chưng, thi kéo co. Không mưa, trời rét ngọt. Đầy ắp không khí Tết. Tiếng hò reo tưng bừng vang vọng cả núi rừng. Việc gói bánh chưng đã được bộ đội chuẩn bị chu đáo. Một con lợn hơn một tạ được mổ từ 3 giờ sáng để làm cỗ, làm nhân bánh và dành phần lớn chia cho các hộ dân đặc biệt khó khăn. Tiếng eng éc lợn kêu lúc sáng tôi nghe thấy chính là việc này. Mấy trăm gói quà theo bước chân đồng bào toả đi các nơi. Ở nhà, con cháu họ đang trông ngóng, mong chờ Tết. Thì Tết đang về đây thôi.

Nhìn theo bóng đồng bào đi thấp thoáng trên sườn núi và màu áo xanh bộ đội biên phòng đang tất bật chỉnh trang doanh trại chuẩn bị đón Tết, tôi cảm thấy rưng rưng lạ. Ấm áp vô cùng, yêu thương vô cùng. “Chập trùng đỉnh cao mây bay biên giới. Tôi đang đứng đây gìn giữ đất trời bao la…”. Bất chợt câu hát đó vang lên trong đầu tôi và tôi bỗng thấy mình như đang được tái ngũ làm người lính biên phòng như Hùng Cường, Trung Hiếu. Rất oai phong mà gần gũi biết chừng nào. Một chuyến đi thật bổ ích và lý thú. Đúng là “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, Ba Sơn ơi!

ĐỖ XUÂN THU

Trích nguồn: Vanvn.vn