Giữa bối cảnh nhập nhèm của một thị trường viết chữa lành xô bồ, có rất nhiều người quan ngại về khả năng thực sự của phương pháp trị liệu này. Liệu viết có thực sự chữa lành hay không?
1. “Chữa lành” – một xu hướng của văn học thế giới
Xu hướng “chữa lành” trên toàn cầu xuất phát từ sự nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Theo báo cáo của Viện Đo lường và Đánh giá Y tế trên thế giới, cứ 8 người thì có 1 người mắc chứng rối loạn tâm thần, tương đương với 970 triệu người. Tới năm 2020, chỉ sau một năm đại dịch Covid-19 hoành hành, con số này đã tăng lên đáng kể. Tại Việt Nam, trong khoảng một thập kỉ qua, tình trạng tự tử của thanh thiếu niên đã tăng hơn 40%. Những con số đáng báo động ấy là hồi chuông cảnh báo mỗi cá nhân và xã hội cần quan tâm nhiều hơn tới tình trạng sức khỏe tinh thần. Chính vì lẽ đó, trên thị trường hay các phương tiện truyền thông, rất nhiều sản phẩm, văn hóa phẩm phục vụ nhu cầu xoa dịu tâm hồn con người ngày càng phổ biến rộng rãi, trong đó có văn học.
Với phương tiện ngôn từ vốn là chất liệu tự nhiên của mỗi cá nhân, phương pháp viết trị liệu không đòi hỏi cầu kì trong sáng tác, có thể áp dụng được cho mọi đối tượng, nên được quan tâm và ứng dụng nhiều hơn cả. Viết chữa lành là một phương pháp chữa lành cả người sáng tác lẫn người tiếp nhận. Đối với người sáng tác, việc viết về nỗi đau là một cách đối diện, từ đó sẽ có những biến chuyển, đưa đến những nhận thức khác về các giá trị sống đã từng bị chấn thương bóp méo. Đối với người tiếp nhận, nỗi đau “tiêu hóa” bằng sự sẻ chia và đồng cảm. Đồng thời những kinh nghiệm thoát khỏi sang chấn tâm lí của người viết cũng sẽ ảnh hưởng tới người đọc và đồng hành cùng họ trong quá trình tự chữa lành.
Giữa bối cảnh nhập nhèm của một thị trường viết chữa lành xô bồ, có rất nhiều người quan ngại về khả năng thực sự của phương pháp trị liệu này. Liệu viết có thực sự chữa lành hay không? Nhiều người cho rằng chữa lành vốn là chức năng thường trực của văn chương và bản thân hành động viết đã là sự chữa lành đối với người sáng tác. Nhưng nếu thế, tại sao từ cổ chí kim, biết bao nhiêu nhà thơ, nhà văn lẫy lừng vẫn chọn những cách cực đoan nhất để kết thúc cuộc đời mình? Ắt hẳn để văn học có tác dụng chữa lành thực sự, để văn học chữa lành khác với chức năng chữa lành vốn có của văn chương, phải có giới hạn nhất định. Giới hạn này sẽ gắn liền với tâm lí học trị liệu. Trong bài viết Viết có chữa lành được không?, Khải Đơn cho rằng “chữa lành không có nghĩa là tô vẽ nỗi đau cho đậm nét”. Có những bài viết về chấn thương của những nạn nhân bị lạm dụng tình dục đã mô tả chi tiết cảm giác lúc bị bạo hành, bị cưỡng hiếp như thế nào. Những sáng tác ấy không tài nào chữa lành được mà chỉ đưa nạn nhân trở lại với thời khắc của bạo lực, với sự bất lực của bản thân và nỗi căm thù không thể nào xóa bỏ. Ngoài ra, tuy viết chữa lành không đòi hỏi người sáng tác phải có cảm nhận nghệ thuật tinh tế như một nhà văn, nhà thơ thực thụ nhưng việc sử dụng những hình tượng sống sượng, ngôn từ thô kệch sẽ đơn giản hóa nỗi đau, gợi nên cảm giác đau đớn thông thường chứ không đưa ta đến với rung động thẩm mĩ hay những suy tư sâu sắc. Nhìn chung, biết được giới hạn trong việc “viết chữa lành” là cách để người viết không sa đà vào những cảm xúc tiêu cực quanh quẩn. Đồng thời, người đọc cũng có thể đặt ra một giới hạn tiếp nhận để có thể chọn lọc những tác phẩm đem lại cảm giác đồng cảm, chia sẻ hơn là kích phát kí ức đau đớn sống dậy.
Xu hướng chữa lành đang hiện diện trong dòng chảy văn học thế giới. Ở khu vực các nước sử dụng tiếng Anh, có rất nhiều tác phẩm chữa lành đa dạng về thể loại được công bố và được công chúng tiếp nhận. Về tiểu thuyết có We are the light (Chúng ta là ánh sáng) của Matthew Quick, Time of the locust (Thời đại châu chấu) của Morowa Yejide, Y của Marjorie Celona, The why of things (Tại sao mọi sự xảy đến) của Elizabeth Hartley Winthrop, A quiet life (Một đời bình lặng) của Ethan Joella, The life list of Adrian Mandrick (Danh sách cuộc đời của Adrian Mandrick) của Chris White, The map of salt and stars (Bản đồ của muối và sao) của Zeyn Joukhadar… Đa phần các tác phẩm này được dẫn dắt theo hành trình chữa lành, đi từ thời điểm khó khăn nhất của nhân vật, phải vật lộn để sống với sang chấn tâm lí, đến khi nhận thức lại chấn thương và các giá trị sống rồi dịu lòng trở lại.
Còn về thơ, đây là một địa hạt màu mỡ sản sinh rất nhiều tác giả – tác phẩm. Nổi bật trong số các cây bút thơ chữa lành phải kể đến Rupi Kaur. Nữ nhà thơ Canada gốc Ấn này không chỉ sở hữu tập thơ đầu tay Milk and Honey (Sữa và mật) nằm trong danh sách bán chạy nhất của The New York Times, được dịch ra nhiều thứ tiếng và tiêu thụ 3,5 triệu bản trên toàn cầu, mà cô còn được các nhà nghiên cứu văn học quan tâm. Masini đã thực hiện luận án tiến sĩ có tên Rupi Kaur’s Poetry: Trauma and Healing (Thơ ca của Rupi Kaur: Chấn thương và chữa lành) để mổ xẻ về chấn thương, ẩn ức trong thơ của Rupi Kaur, đồng thời cũng làm rõ quá trình chữa lành bằng cách sáng tác của nữ thi sĩ này.
Không dừng lại ở một cái tên lừng danh, thơ chữa lành còn hiện diện đầy rẫy trên mạng xã hội, với những cây bút không chuyên. Có một số cá nhân, tổ chức đã tập hợp những bài thơ hay lại để đưa vào một chuyên mục trên website (chẳng hạn như chuyên mục Poems of Sickness, Illness, and Recovery của Poetry Foundation), hoặc blog. Thậm chí, hệ thống chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của Liên hợp quốc cũng phát động sáng tác thơ chữa lành rồi biên tập lại thành một tác phẩm mang tên Sauti. Có thể thấy, văn học chữa lành đang là mối quan tâm trên toàn cầu.
Ở châu Á, tình hình có một chút khác biệt. Tại Trung Quốc, các sáng tác văn chương chữa lành dường như không quá phát triển. Theo khảo sát từ mạng xã hội zhihu, có thể thấy những tác phẩm chữa lành đúng nghĩa thường là văn học dịch từ tiếng Anh. Điểm đặc biệt nhất của tình hình “chữa lành” tại nước này là sự hình thành một ngách mới trong thể loại tiểu thuyết ngôn tình – chữa lành cứu rỗi. Đa phần các tác phẩm thuộc thể loại này đề cập đến chấn thương tâm lí của nam hoặc nữ chính và quá trình tình yêu chữa lành những tổn thương ấy.
Tuy nhiên, thị trường tản văn chữa lành tại đất nước tỉ dân lại khá sôi động. Các tác phẩm như 999 lá thư gửi cho chính mình của Miêu Công Tử, Đợi đi… vết thương nào rồi cũng lành của Lư Tư Hạo, Ngoảnh lại đã một đời của Bạch Lạc Mai… không chỉ được đón nhận tại Trung Quốc mà còn được phổ biến tại các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Tại Hàn Quốc, tiểu thuyết chữa lành được dự đoán sẽ trở thành một thể loại thịnh hành. Những tác phẩm này thường mang lại cảm giác thư thái, giúp an ủi và tiếp thêm sinh lực cho người đọc. Vì mục tiêu cốt yếu là cảm giác thư giãn nên các tác phẩm tiểu thuyết chữa lành của Hàn Quốc thường không có cốt truyện phức tạp mà tập trung vào các vấn đề như sự đồng cảm, chữa lành, an ủi… Dòng chảy văn học chữa lành Hàn Quốc cũng tràn vào Việt Nam, tiêu biểu có Cửa hàng tiện lợi bất tiện của Kim Ho Yeon.
Dẫu Hàn và Trung có những bước chạy hòa vào xu thế chữa lành chung thế nào, cũng không bì kịp với thị trường chữa lành tại Nhật Bản. Ở xứ sở hoa anh đào, chữa lành có một từ riêng, gọi là “iyashi”. Người Nhật không đợi đến mấy năm gần đây mới nói về chữa lành mà họ đã phổ biến khái niệm này trên truyền thông đại chúng từ những năm 1980. Bởi vì có lịch sử hình thành lâu đời nên văn học Nhật Bản nhanh chóng hình thành một thứ thi pháp chữa lành riêng, tập trung vào việc gợi không gian đầy cảm giác với những đoạn văn miêu tả miên man, không phục vụ cho việc phát triển tình tiết truyện. Những nhà văn nổi tiếng gắn với tiểu thuyết chữa lành Nhật Bản có Murakami Haruki, Yoshimoto Banana, Kurita Yuki, Seo Maiko, Oshima Masumi…
2. Thơ “chữa lành” ở Việt Nam trên mạng xã hội
Khi xu hướng văn học chữa lành tiến vào Việt Nam, các thể nghiệm xuất hiện ở các thể loại có dung lượng ngắn như thơ, tản văn hoặc truyện ngắn. Tại thị trường Việt Nam chưa xuất hiện các tiểu thuyết chữa lành nổi trội.
Thơ chữa lành tại Việt Nam đa phần sinh ra, bước ra từ không gian mạng xã hội. Với những đặc trưng như tính nhanh chóng, tiện lợi, xác suất tiếp cận với đối tượng người đọc mục tiêu cao, mạng xã hội nhanh chóng trở thành mảnh đất màu mỡ để các cây bút trải lòng. Không những thế, mạng xã hội còn tạo được một cộng đồng mà ở đó người ta sáng tác và tiếp nhận lẫn nhau, mang tới sự sẻ chia, đồng cảm, thứ mà tâm lí học trị liệu gọi là liệu pháp trị liệu liên cá nhân. Có nhiều nhà nghiên cứu đề cao liệu pháp này cho rằng, chấn thương tâm lí của một người đa phần đến từ sự gãy đổ liên kết giữa cá nhân với tha nhân. Thế nên việc khôi phục lại sự gắn kết này bằng những lời khuyến khích, khen ngợi, động viên, thông cảm sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình lành thương.
Với đối tượng sử dụng mạng xã hội chủ yếu là Gen Y và Gen Z, đồng thời với đặc trưng của từng loại mạng xã hội mà ở Việt Nam, thơ chữa lành được sáng tác và tiếp nhận sôi nổi nhất trên facebook và instagram. Một số tài khoản được quan tâm nhiều: @apoembeforeyougo, @giakypoem, @alistenerneedsalistenertoo, @poem.from.a.virgin.mind… trên instagram; Châu sa đáy mắt, Linh Pham, Xanh Lam… trên facebook. Trong xu hướng văn học mới này, có những cái tên khá uy tín trên thi đàn và có số lượng tuyển tập tác phẩm được xuất bản, tái bản nhiều lần – Nhược Lạc và Lu.
Nhìn chung, thơ chữa lành là những bài thơ được sáng tác nhằm mục đích chữa lành các vấn đề tâm lí cho người viết thông qua quá trình viết trị liệu, cũng như chữa lành cho người đọc thông qua quá trình đọc trị liệu, kể cả khi người viết lẫn người đọc có chủ đích thực hiện các phương pháp trị liệu này một cách bài bản hay không. Bản thân thơ chữa lành được sáng tác khi người viết có ý thức viết để chữa lành vết thương tâm hồn của cá nhân cũng như người đọc đọc một bài thơ trong sự đồng cảm và khao khát chữa lành chính mình. Việc sáng tác thơ chữa lành có thể đưa người viết tới một nhận thức mới về chấn thương, đồng thời cũng sẽ có cách tiếp nhận khác để chấn thương ấy không còn giày vò tinh thần, tâm trí họ. Nội dung thơ chữa lành xoay quanh nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng luôn bám sát hai giai đoạn cơ bản của quá trình vượt qua sang chấn: (1) đối diện với chấn thương, (2) nhận thức lại và kết nối lại với cuộc sống.
Ở giai đoạn (1) người viết phải đối diện với những chấn thương tâm lí của mình, phơi bày những kí ức khiến họ đau khổ. Điều đầu tiên mà người bệnh cần làm được để khởi động quá trình chữa lành đó chính là đối diện với chấn thương của mình bằng cách thừa nhận rằng bản thân đang đau đớn, đang cảm thấy kiệt quệ với cuộc đời này, ví như mày vẫn sống, nhưng sống còn thua chết/ nay và mai đời mày vẫn giống hệt hôm qua/ từng tế bào trong mày đang thảm thiết xin tha/ mày cứ sống như thế thì thà mày đã chết/ không phải tao không biết/ giá mà tao được quyền giết chính tao/ được biến mất mà không đả động đến kẻ nào/ chứ giờ tao chết sao/ thì họ cũng có cớ để xôn xao bàn tán (thơ Châu sa đáy mắt, đăng facebook ngày 24.11.2023).
Trong thực tế, việc có thể phát ngôn và thừa nhận về tình trạng của mình là một bước tiến lớn trong quá trình trị liệu bởi phần lớn những người bị sang chấn gặp rất nhiều trở ngại để có thể nói lên vấn đề của mình. Đối diện với chấn thương không có nghĩa là bắt người bệnh đứng dưới một sự thật trần trụi hay lôi tuột họ quay lại và sống với những thời khắc gian nan trong quá khứ. Quá trình này chỉ nên nhìn nhận cảm xúc thật sự của mình, nhìn xem những tháng năm qua mình đã đau đớn, chật vật như thế nào và dừng việc cố gắng nói với thế gian rằng mình vẫn đang tốt đẹp. Để viết về những vấn đề kinh khủng nhưng không tạo ra cảm xúc tiêu cực quá nặng nề, người viết có thể sử dụng ẩn dụ, các cách diễn đạt mơ hồ hóa sự kiện để li kiến với nỗi đau, tránh đối diện trực tiếp với chấn thương trần trụi. Những bài thơ này hầu hết tập trung nhìn nhận, đối diện với cảm xúc của chính mình hơn là mô tả nguồn gốc chấn thương.
Kết nối lại với cuộc sống và sự tái hòa nhập với các mối quan hệ xung quanh là một vấn đề quan trọng của quá trình chữa lành. Ở giai đoạn (2) để có thể đạt được mục tiêu nhận thức lại và kết nối lại với cuộc sống, thơ chữa lành phải đơn giản như cuộc sống đời thường. Người viết có thể sử dụng những từ ngữ phổ biến để nói về những vấn đề đơn giản, dung dị của cuộc sống. Bên cạnh đó, lời thơ thường mạch lạc, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, tránh những diễn đạt phức tạp. Trong giai đoạn này, những cảm xúc và biến chuyển thường thấy ở người sáng tác là bắt đầu xuất hiện cảm giác thèm sống sau những đêm dài chán nản vật lộn giữa ranh giới sống – chết. Họ dần chấp nhận tổn thương là một điều đã xảy ra, là một lịch sử trong kiếp người này. Có những người dần khỏe lại và cảm giác dạt dào tình yêu với cuộc sống lại bắt đầu chan chứa. Có người lại thấy bình yên trong những củi gạo mắm muối đời thường kiểu như: đi về rửa bát quét nhà/ tưới cây vo gạo luộc gà nhặt rau/ không ngồi đợi những mai sau/ cũng không nằm nhớ cuộc đau năm nào/ nếu đời là giấc chiêm bao/ cảm ơn đã để em vào ru tôi (thơ Lu, đăng trên instagram ngày 13.6.2022).
Ngoài hai giai đoạn trên, thơ chữa lành tại Việt Nam còn có một nhánh nội dung khá nổi trội là đối thoại với người đọc. Nhìn chung, trong nhóm thơ này, tác giả thường tự xưng là “mình” và thương mến gọi nhóm độc giả mục tiêu của mình là “em”. Điều này sẽ tạo ra sự vỗ về, bảo bọc, che chở do nghĩa của từ “em” thường để dành cho một người nhỏ tuổi hơn hay kém vai vế hơn trong một mối quan hệ. Không những thế, từ “em” còn mang sắc thái nhỏ bé, cần được chăm sóc, quan tâm. Tác giả có xu hướng hướng tới những người đọc nhỏ tuổi, ít kinh nghiệm với những chấn thương, va vấp hơn mình. Đa phần những bài thơ đối thoại với người đọc thường xoay quanh hai vấn đề chính: thứ nhất, người viết thấu hiểu sự đau khổ, khó khăn của người đọc từ đó công nhận nỗ lực sống của họ; thứ hai, người viết khuyên và mong muốn người đọc vượt qua chấn thương, ở lại với cuộc đời lâu hơn. Thông qua những bút pháp riêng, thơ chữa lành mang tính đối thoại tiếp cận tới độc giả, tạo nên sự chia sẻ, thông cảm, giúp người viết kết nối với người đọc. Có thể nói, người viết tạo ra thơ chữa lành với mục đích chữa lành bản thân nhưng đồng thời thông qua quá trình tiếp nhận, những tác phẩm cũng có thể tiếp cận và chữa lành người đọc. Người đọc đồng cảm với vấn đề của người viết. Trong quá trình tương tác đó, người viết và người đọc gắn kết với nhau, hoàn thành mục tiêu cuối cùng trong quá trình chữa lành – kết nối xã hội.
Thơ chữa lành coi trọng việc xây dựng lại mối quan hệ giữa người với người nên đặc điểm hình thức cũng xoay quanh mục tiêu này. Đa phần thơ chữa lành đều có hình thức đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Thơ chữa lành thường được sáng tác bằng các thể quen thuộc như thơ tự do, thơ năm chữ, lục bát… Ngoài ra, ngôn ngữ thơ không triết lí, bác học mà đời thường, đôi khi có thêm phần hồn nhiên, tươi trẻ. Kết hợp với thể thơ đơn giản, ngôn từ bình dị ấy là giọng điệu nhẹ nhàng. Thơ chữa lành luôn nhẹ nhàng, không lên gân gay gắt kể cả khi đề cập đến những vấn đề bi quan, tiêu cực nhất. Chính sự đơn giản, nhẹ nhàng, dịu êm đã tạo nên đặc điểm hình thức rất đỗi đặc trưng cho loại thơ này.
Có thể nói, thơ chữa lành không chỉ là một hiện tượng văn học mới tại Việt Nam mà còn là một nhu cầu bức thiết của hoàn cảnh lịch sử xã hội. Ở thời điểm hiện tại, chấn thương có mặt ở khắp mọi nơi từ gia đình tới nhà trường, từ thế giới thực cho tới mạng xã hội ảo. Chính vì thế, văn học chữa lành xuất hiện để dùng sự ấm áp vỗ về những tâm hồn rạn vỡ. Có thể nói, nếu đặt văn học chữa lành nói chung, thơ chữa lành nói riêng trên mạng xã hội tiếng Việt bên những trào lưu văn học khác, các tác phẩm chữa lành sẽ yếu thế hơn nhiều. Văn học chữa lành có thể chỉ là một xu hướng, hiện tượng lướt ngang đời sống văn học của thế kỉ XXI nhưng cũng có thể sẽ ghi dấu ấn trong lòng người viết lẫn người đọc nhờ những giá trị thiết thực và do đó xứng đáng được quan tâm nhiều hơn.
NGUYỄN TIỂU LINH
Nguồn: vannghequandoi.com.vn
Bài viết liên quan: