Walter Scott – tiểu thuyết gia viết văn trừ nợ

Walter Scott là nhà văn, nhà thơ, nhà kể chuyện bẩm sinh, bậc thầy của nghệ thuật đối thoại. Ông là một trong những tên tuổi vĩ đại của thể loại tiểu thuyết lịch sử. Trong di sản của Scott, có đến 27 cuốn tiểu thuyết lịch sử, phần lớn đề cập đến con người và đất nước Scotland.

Nhà văn, nhà thơ Walter Scott

 

Tác phẩm của ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những sáng tác của James Fenimore Cooper, Alexandre Dumas và Aleksandr Pushkin.

Walter Scott sinh ngày 15.8.1771 tại Edinburgh trong một gia đình có bố là Chưởng lý tòa án còn mẹ là con gái của một giáo sư Y khoa. Do bệnh tật, ông bị liệt chân phải từ nhỏ. Scott có tới 11 anh chị em, sáu người trong số họ đã chết ngay từ thời thơ ấu. Tuy nhiên, ngoại trừ cái chân bị liệt, Scott là một người đàn ông khá cao lớn và mạnh khỏe.

Scott đặc biệt say mê truyện cổ và thơ ca dân gian vùng Border (một khu vực gần biên giới Anh và Scotland). Ông dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm và khám phá những giá trị văn hóa, văn học của vùng đất này. Scott trải qua thời thơ ấu ở Sandy-Know, nơi đó, bà nội nhà văn đã kể cho ông nghe truyền thuyết về những anh hùng hiệp sĩ của dân tộc ngày xa xưa.

Lên tám tuổi, nhà văn tương lai trở lại Edinburgh, hoàn thành bậc học phổ thông và tốt nghiệp Đại học Edinburgh, khoa Luật (1783-86) và Nghệ thuật (1789-92). Năm 1786, Scott tập sự tại tòa án. Năm 1792, ông chính thức trở thành luật sư. Năm 1799, ông được cử làm chánh án hạt Selkirk. Sau cuộc tình không đi đến hôn nhân với Williamina Belsches, ông kết hôn với Margaret Charlotte Charpentier. Họ có 5 người con.

Tranh vẽ gia đình Walter Scott. (Ảnh: muohio)

Minstrelsy of the Scottish Border (1802-03) – tác phẩm đầu tiên được xuất bản của ông là một tuyển tập sưu tầm thơ ca dân gian Scotland. Nhưng phải đến năm 1805, khi tập thơ The Lay of the Last Minstrel (Tiếng ca của người hát rong cuối cùng) ra đời, tên tuổi của ông mới được biết đến trên thi đàn. Nhưng ít ai biết rằng nhà thơ đã đốt bản thảo tuyển tập này khi một người bạn tỏ vẻ không thích. Năm 1802, khi bị ngựa đá và phải nằm 3 ngày trên giường, ông viết lại và quyết định cho xuất bản. The Lay of the Last Minstrel nhanh chóng giành được thành công vang dội, biến ông thành một tác giả lớn của Scotland lúc bấy giờ.

Tiếp sau The Lay of the Last Minstrel  Marmion (1808) – một trường ca lãng mạn lịch sử bằng thể thơ bốn chữ về cuộc tình giữa Marmion và quý cô giàu có Clare, Lady in the Lake (1810) và Rokeby (1813). Tập thơ lớn cuối cùng của Scott The Lord of the Isles xuất bản năm 1815. Sau đó, cùng Byron, Wordsworth và Coleridge, Scott bị Thomas Love Peacock (1785-1866) nhạo báng trong bài tiểu luận “The Four Ages of Poetry” (Bốn thời đại thi ca): “Trong khi các nhà lịch sử và triết học chạy đua tìm kiếm tri thức thì các nhà thơ đang đầm mình vào đống rác của sự ngu xuẩn đã cũ nát, đào bới tro tàn của quá khứ đã chết để nhặt nhạnh những thứ vô giá trị, chỉ đủ sức ru ngủ trẻ con lúc bấy giờ”.

Một số đoạn thơ trong tập The Lady of the Lake đã được James Sanderson (1769-1841) phổ nhạc, trở thành quân nhạc truyền thống của Scotland trong những dịp đón chào tổng thống Mỹ.

Năm 1806, Scott trở thành thư ký tại Tòa án hình sự Edinburgh. Công việc hành chính chỉ lấy đi của nhà thơ nửa ngày, thời gian còn lại ông hoàn toàn rảnh rỗi. Để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, Scott hợp tác cùng người bạn là James Ballantyne mở một cơ sở in ấn và xuất bản tư nhân. Những năm 1810, cơ sở của ông gặp khó khăn về tài chính, nhà thơ đã phải lao động cật lực. Nhưng rủi ro không buông tha cho ông.

Năm 1826, công việc kinh doanh thất bại, ông chấp nhận trả cả khoản nợ của Ballantyne – tổng cộng khoảng 130.000 bảng (nếu so với bây giờ số tiền này phải lên tới hàng triệu bảng). Ông quyết định viết văn trừ nợ. Trong nhật ký của mình, Scott viết: “Tôi trở thành một thứ máy viết. Vì vậy, khớp chân đầu gối, đặc biệt là khớp trái trở nên cứng đơ và đau nhức nhối mỗi khi đứng lên ngồi xuống. Nhưng tôi hầu như không hề kêu ca gì. Tôi nhận thấy bản thân mình thật dẻo dai và bền bỉ”.

Để đảm bảo “năng suất”, nhà văn sử dụng một chiếc bàn viết to, hai mặt và triển khai cùng một lúc hai cuốn sách. Mặc dù, được bán ra với giá rất cao, tác phẩm của Scott vẫn thu hút được một lượng lớn không chỉ tầng lớp quý tộc mà cả độc giả bình dân. Người ta cũng không thấy có sự phàn nàn gì về giá cả các ấn phẩm của ông. Giai thoại còn kể lại rằng, khi ốm đến gần chết, nhà soạn nhạc Beethoven (1770-1827) đã quẳng một cuốn tiểu thuyết của Scott ra xa và kêu lên: “Sao, ông bạn này viết vì tiền ư?”.

Từ 1810, Scott cho xuất bản một số tiểu thuyết nhưng không ký tên thật mà lấy bút danh Jebediah Cleisbotham hoặc “tác giả của Waverley”. Ivanhoe – câu chuyện tình yêu giữa chàng Ivanhoe và tiểu thư Rowena – là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Cuốn sách được xuất bản năm 1819.

Năm 1826, vợ nhà văn qua đời, bản thân ông bị một trận đau tim dữ dội năm 1830. Năm sau, ông sang Italy. Tại đây, ông viết thêm được một truyện ngắn và một tiểu thuyết. Năm 1932, nhà văn trở về Anh và qua đời ngày 21.9. Sau khi chết, nhờ lợi nhuận thu được từ các cuốn sách, cuối cùng khoản nợ của ông cũng được thanh toán xong xuôi.

HÀ LINH

Theo kirjasto/ VnExpress

Trích nguồn: Vanvn.vn