Thơ trước hết là tiếng lòng của cá nhân. Nhưng tôi nghĩ không một nhà thơ nào hoặc người cầm bút nào lại chỉ muốn khép lòng như thế. Không có con chim nào lại không tha thiết với trời xanh. Vì vậy tôi muốn nói với những ai muốn thơ mình có thể là tiếng nói của nhiều người, thậm chí là của dân tộc mình. Vẻ đẹp của thơ trong trường hợp này là vẻ đẹp mang đầy đủ phẩm hạnh của một dân tộc.
Thơ mang tính xã hội, mặc dù thơ do một người mẹ sinh ra. Nhưng người mẹ không thể một mình sinh ra, với thơ, không có sinh sản vô tính. Người mẹ đó có phẩm chất đặc biệt, tài năng! Rasun Gamzatov, tài năng là một điều bí ẩn đến nỗi khi con người đã biết tất cả về trái đất, về quá khứ và tương lai của nó, khi con người đã biết tất cả về mặt trời và các vì sao, về ngọn lửa và đóa hoa, khi con người thậm chí đã biết tất cả về Con người, thì điều cuối cùng mà con người biết sẽ vẫn là tài năng là gì, nó xuất hiện từ đâu, nó ẩn náu tại nơi nào, vì sao nó có ở người này mà không có ở người kia.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhà thơ, biểu tượng của vẻ đẹp tâm hồn, tài năng, nhiều người ngưỡng mộ, thờ phụng, mơ tới. Vợ của nhiều nhà thơ trước và sau năm 1945, được sinh ra trong những gia đình gia giáo, giàu có và học thức. Sau này, một số nhà thơ rơi vào hoàn cảnh éo le, một tay các bà xoay chuyển hết, khó khăn gian khổ là thế, không một lời kêu ca. Tôi luôn luôn thấy bên các tượng đài thơ, thấp thoáng tượng đài những người vợ ấy. Nhiều nhà thơ thấy mình vô tích sự, trong việc mưu sinh, cơm áo. Tú Xương chẳng đã ca ngợi vợ mình: Nuôi cả năm con với một chồng, đó sao? Bây giờ nhiều cô tìm người yêu, trước hết tránh xa những chàng mộng mơ, thơ thẩn! Cuộc sống hiện đại họ cần nhiều thứ khác hơn, nhiều thú vui hơn, thời gian ngày càng hạn hẹp. Thật may, đó chỉ là một số ít người, tức thời.
Nhưng ta sẽ bỏ qua những chuyện tương tự để nói về những người không may trời bắt làm thơ! Con người muốn sống, họ phải lao động. Do đó, có hai mối quan hệ: Tự nhiên và xã hội. Tôi nghĩ, người bố, với muôn vàn niềm vui và đau khổ của kiếp người do hai mối quan hệ trên tương tác sinh ra, đủ loại trạng thái, buồn, vui, đau khổ, giận hờn, hoan hỉ, ngọt ngào, cô đơn, cay đắng…hạnh phúc. Thơ ra đời là sự kết hợp giữa tâm hồn người mẹ, nhà thơ và người bố, cuộc đời. Con người vẫn cần sự cảm thông, một sự sẻ chia, một chỗ dựa tinh thần. Thơ có mặt, nhà thơ trời bắt và tự nguyện, có mặt. Trên con đường, một mình nhà thơ, cô đơn, hun hút tận cùng, không ai chia sẻ hay gánh đỡ được. Nhà thơ là cái túi chứa đựng nỗi buồn đau nhiều hơn niềm vui sướng. Họ gánh hết nỗi buồn đau, tinh chế sự sẻ chia và trở lại với con người. Con người bào chế nối buồn thành niềm vui cho mình. Có lẽ đó là hình ảnh cao đẹp nhất của thơ và của nhà thơ.
Không biết có phải vì thế, hơn ai hết, thơ được sự quan tâm, chờ đón của rất nhiều người. Nhà thơ cũng muốn chia sẻ với nhiều người. Vô hình chung, nhà thơ đã có lúc làm dâu trăm họ. Ca dao Việt Nam đã nói rất hay: Thân em như giếng giữa đàng/ Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân. Trước đây, tôi cứ tưởng dân gian giành riêng sự thông cảm với người phụ nữ và nhắc nhở ai đó một chút. Tôi không nghĩ, dân gian đang nói với các nhà thơ! Nhưng, sự sống chẳng bao giờ chán nản, nói như Xuân Diệu hay cây đời mãi mãi xanh tươi nói như Goethe. Đời sống ngấm vào nhà thơ, qua các giác quan, qua sự trải nghiệm, họ chắt lọc cái mới, cái lạ, cái đẹp. Những vẻ đẹp của riêng mình. Vẻ đẹp đó có chia sẻ được với ai không, những cái mới, cái lạ, cái đẹp không từ trên trời rơi xuống, nó sinh sống cùng ta, mỗi nhà thơ nhìn thấy. theo cách của mình.
Ai không thấy lá vàng? Ai không biết mùa thu? Ai không đã từng thấy hoặc đang đau khổ? Thế mà chỉ một Nguyễn Thị Ánh Huỳnh biết kết hợp lại tất cả các yếu tố đó trong một câu thơ đầy ám ảnh: “Thương lá vàng làm con ở mùa thu”. Chỉ tám chữ thôi, sự ám ảnh không nằm ở riêng bất kỳ chữ nào, các chữ ánh lên cộng hưởng tạo ra điểm thơ chói sáng. Nguyên liệu của thơ chính là cuộc sống buồn, vui quanh ta trong tương tác với dân tộc và thời đại, tác động vào tình cảm con người làm nó biển đổi. Đó là những chi tiết đời sống thực được phủ lên một lớp voan lấp lánh, trung thực, chọn lọc, đủ sức lôi kéo hướng mọi người đến với cái đẹp. Người đọc biết gỡ tấm voan ấy, phía trong toàn là tình cảm buồn, vui của con người mà cuộc sống nguyên chất mang lại. Thơ như một loại tân dược mà người sử dụng, tâm hồn đẹp hơn, tình người lấp lánh hơn, hướng về cái thiện. Tôi bỗng nhớ, cuộc sống không cần tô hồng cũng không được bôi đen. Cuộc sống vốn rất đẹp, đẹp trong những cặp mắt biết nhìn (Phạm Văn Đồng). Cuộc sống luôn luôn vận động, phát triển, luôn luôn mới. Thơ và nhà thơ cũng phải luôn luôn vận động, phát triển và luôn luôn mới. Đi tìm cái đẹp trong vận động hỗn loạn như thế khó hơn nhiều. Vận động với vận tốc cao tự nó còn sinh ra gia tốc như hôm nay lại càng khó.
Trên con đường lặng lẽ một mình nhà thơ sáng tạo ra muôn ngàn vẻ đẹp. Các nhà thơ là những người có công xây dựng nên quê hương của thơ, nằm cheo leo trên giọt nước mắt và nụ cười. Nhưng nụ cười hơn hớn bị đuổi khỏi làng thơ. Chỉ có những giọt nước mắt đớn đau thơ mới cần có mặt. “Xẻ thịt da mà khóc bụi trần tình” (H. T. K). Thơ từ nỗi đau, xoa dịu nỗi đau, làm lành các vết sẹo. Đến lượt nhà thơ, có người chia sẻ nỗi cô đơn, nhà thơ thật sự thấy hạnh phúc. Nhà thơ không thể dấu mình được qua trang viết, qua thơ. Nó là bản sao của các nhà thơ. Người đọc biêt được tâm tư, tình cảm, con người nhà thơ, nhân cách, dân tộc và thời đại nhà thơ sinh sống. Nhà thơ nào sống đẹp, trong sáng dễ bắt gặp cái mới, cái lạ và cái đẹp hơn. Đó là lý do buộc các nhà thơ tu dưỡng đạo đức, kiến thức và các phẩm chất khác còn kỳ công hơn người thường để luôn luôn đứng ở hàng đầu, thậm chí còn dẫn dắt phát triển.
Sứ mệnh cao cả, đường đi gian khổ, khó khăn, nhà thơ dễ mềm lòng vì quá nhạy cảm. Nhà thơ Xuân Quỳnh có lần viết thư cho nhà thơ Thạch Quỳ: Người ta chưa vui thì mình đã cười, người ta chưa buồn thì mình đã khóc. Hình như đó là cả một gia tài của nhà thơ? Trực giác của nhà thơ thường mạnh hơn người bình thường, nhưng tâm hồn không phải lúc nào cũng đủ cứng rắn. Nhà thơ giàu tình cảm, vừa rất cần thiết, vừa bất lợi, tùy người sử dụng. Tôi nói thế bởi vì tình yêu duy nhất đẹp mới có thể là tình yêu lớn. Đó là tình yêu con người và thiên nhiên bỏng cháy. Tình yêu lớn là cơ sở để có nhà thơ lớn.
Đã qua rồi cái thời có nhà thơ sống buông thả, lập dị, nghệ sỹ được thêu dệt lên thành giai thoại. Xã hội ngày càng công nghiệp, công chúng và nhà thơ cũng là con đẻ của xã hội ấy. Nhà thơ nào biết tôn trọng tình yêu con người như là duy nhất để thờ thường bao giờ cũng có khả năng đi xa hơn. Thơ mềm mại mà cần ý chí nhiều lắm. Nhà thơ giống như diễn viên xiếc, vừa mềm dẻo vừa mạnh mẽ. Tâm hồn nhà thơ luôn luôn mở, vốn mong manh dẽ vỡ, cần được bảo vệ mà người bảo vệ, trước hết chính là nhà thơ. Một cô bé lần đầu nhìn thấy hoa. Một cụ già từng trải, ung dung, tự tại. Cặp mắt nhà thơ trong và sáng lắm… Thực tiễn đòi hỏi tâm hồn nhà thơ vẫn mong manh, dễ vỡ nhưng không vỡ bao giờ! Nhưng, những con suối ồn ào ít có khả năng ra đến biển. Có nhiều con đường đi tìm vẻ đẹp, mỗi nhà thơ sẽ đi tìm theo cách của riêng mình. Cha ông ta nói: “Thế gian có bát vạn nghề/ Con phượng thì múa con nghê thì chầu”. Tôi nghĩ nghề với nhà thơ chính là cách đi tìm…thơ. Mỗi người thợ săn có cách riêng để bắt thú và mỗi con thú sẽ có cách riêng biến ảo tránh người thợ săn. Hình như có quy luật, ai tìm ra vẻ đẹp đúng quy luật được nhiều người chia sẻ hơn.
Tôi đã thấy ở khu rừng nguyên sinh, có những cây nở toàn hoa tự mình vươn cao lên như muốn cho bất kỳ ai cũng nhìn thấy. Có những bông hoa lặng lẽ nở một mình bên suối vắng, dường như không để cho ai. Tôi cũng đã thấy những cây lá đỏ hay trắng trong những khu du lịch ở Seoul. Thật ra nó cũng là cây bình thường chỉ phô vẻ đẹp riêng mình giữa bao la màu xanh quá quen mắt. Cái đẹp phong phú, thơ phong phú, nhà thơ cũng phong phú và đặc biệt không ai giống ai, càng cá tính càng tốt. Lối đi của nhà thơ là lối đi chỉ dành cho một người. Thơ bao giờ cũng đòi hỏi sự khác biệt. Cái khó của nhà thơ đến sau là cái khó của người cắm hoa khi trên bàn đã có một lọ hoa nhiều màu sắc. Cái khó của nhà thơ đi trước lại chính là ngôn ngữ mới do đời sống mới sinh ra, đặc biệt khi lịch sử chuyển giai đoạn. Nhà thơ đến sau thua nhà thơ đến trước về tuổi tự nhiên nhưng lại hơn nhà thơ đến trước về tuổi xã hội! Ví như nhà thơ nay hơn cụ Nguyễn Du đến gần hai thế kỷ. Trong hai thế kỷ đó con người đã đi xa biết bao nhiêu mà dù cụ thiên tài cũng không có được! Nhà thơ đến sau được hưởng nhiều thành quả sáng tạo mà nhà thơ đến trước chưa có. Khái niệm kinh nghiệm không tồn tại với thơ! Vì thơ đồng nghĩa với sáng tạo.
Để đi đến vẻ đẹp độc đáo chỉ có thơ mới có và cũng như thế thơ mới có quyền tồn tại. Vì vậy mà nhà thơ tìm mọi cách để thể hiện cái đẹp mang màu sắc riêng. Cuộc cách mạng thơ liên tục xuất hiện từ ngay trong mỗi nhà thơ. Có lẽ không ở đâu ở công việc nào mà tính đột phá cách mạng lại ghê gớm như thơ. Không chấp nhận con đường mòn có sẵn, không đi tập thể, tự mình đi tìm đến cái đẹp riêng như thơ. Thơ vốn như tồn tại sẵn trong tự nhiên, trong từng trạng thái tình cảm của con người và xã hội. Đó là những bài thơ thứ nhất, khi như cố tình che khuất, khi như nằm trắng trượt, vẫn đầy thách thức với bất kỳ nhà thơ nào. Bài thơ của nhà thơ, thật ra chỉ là bài thơ thứ hai. Giữa bài thơ thứ nhất và bài thơ thứ hai còn một khoảng cách. Với nhà thơ tài năng thì khoảng cách đó ngắn. Ai chạm đến cái đẹp lịch sử thì thơ có tính lịch sử. Ai chạm đến cái đẹp vĩnh viễn thì thơ có tính chất vĩnh viễn.
Tôi thấy có hai cách đổi mới trên con đường các nhà thơ đi tìm cái mới, cái lạ, cái đẹp. Đó là đổi mới trong nội dung và cách tân trong hình thức thể hiện. Trong hai cách đó những ai đi tìm đổi mới nội dung thường hay đến đích hơn, bởi một lẽ đơn giản, hình thức thể hiện đã được quy định từ trong cảm xúc và nội dung. Nội dung mới của thơ chính là phản ánh sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng mạnh mẽ của đời sống hiện thực tác động đến tâm tư, tình cảm của con người, tạo ra những tình cảm mới thích ứng để phát triển. Nhưng chính cuộc sống lại thách thức các nhà thơ về cách nhìn, cách tiếp cận đúng, theo hướng vận động của đời sống hay của lịch sử. Đó cũng là quá trình sàng lọc khắt khe đối với các nhà thơ. Cửa nhà thơ tồn tại theo lịch sử quá hẹp.
Không có nhà thơ nào lại định sẵn cho mình khi viết bài thơ lại phải câu nệ thể loại. Thơ tự nó sinh ra thể loại, thể loại không sinh ra thơ. Nếu thể loại sinh ra thơ, thơ đã bị nhốt trong lồng. Thơ không bao giờ bị nhốt. Thơ tự do tìm lấy người mình yêu, tuyệt nhiên không yêu cầu và chấp nhận người mai mối. Thơ là cây thông Nguyễn Công Trứ, đôi chim nhạn của Tản Đà. Thơ sinh sống trong vương quốc tự do. Hình thức thơ, phụ thuộc vào cảm xúc, nội dung thơ và bị nó quy định. Bây giờ mới thấy thương các nhà thơ xưa dễ đến ngót cả ngàn năm niêm luật, gò bó, ngạt thở, thơ Đường. Nó là cái lồng chỉ được phép nhốt 56 chữ theo quy định, yêu cầu khắt khe từ trước. Cái lồng, ngược, vô lý đó không phá vỡ được mà nguyên nhân chính là cuộc sống phát triển quá chậm chạp. Đó cũng là lý do, tư duy con người ít được biến đổi.
Đã có một số nhà thơ suốt đời đi tìm sự cách tân hình thức thể hiện. Tôi thấy hình ảnh người thợ thủ công tỉ mẩn, khéo tay, nắn nót trước sản phẩm của mình. Nhà thơ Bích Khê (1916 – 1946), một trong những người đi đầu trong việc cách tân thơ. Nhưng những bài thơ hay nhất của ông như Tranh lõa thể hay Ngũ hành sơn…theo tôi cuối cùng cũng bị chính cảm xúc và nội dung của bài thơ dắt dẫn ông. Nhô lên núm vú đồi/ sữa trăng nhi nhỉ giọt, tả ánh trăng mà thấy đến thế, thật có một không hai! Trái lại hình như Nguyễn Bính (1918 – 1966) lại không hề quan tâm cách tân hình thức thể hiện. Ông cứ trung thành với tự nhiên và truyền thống. Ấy thế mà nhiều bài thơ, nhiều câu thơ của ông hoan liệt vô cùng. “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…” Hình như ta mất mát một cái gì đó, lòng ta chất nặng một nỗi niềm trước bước đi tất yếu của thời gian. Nhiều ý kiến cho Nguyễn Bính là nhà thơ đồng quê. Tôi vẫn thích xem ông là Nhà Quê, với điều kiện chữ Nhà Quê phải viết hoa. Nhưng Nguyễn Bính phong phú hơn nhiều. “Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi”, thì không nhiều nhà thơ Nhà Quê viết được.
Khi đã đạt được thơ rồi thì nó cứ trẻ mãi, đẹp mãi không bao giờ già. “Áo em trắng quá nhìn không ra” (Hàn Mạc Tử ), “Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm” (Huy Cận), “Một mảnh tình riêng ta với ta” (Bà Huyện Thanh Quan)… Không biết các nhà thơ hay tìm tòi ngôn ngữ diễn đạt rối rắm trên con đường mải mê tìm cái mới, cái lạ, cái đẹp, nghĩ gì, khi nhiều câu thơ hay lại là những câu thơ giản dị đến không ngờ? Có người nói thơ hay như cô gái vừa đẹp vừa thông minh. Ấy thế mà ta thường gặp các cô gái như một nửa câu thơ…
Tôi đọc một số người, sự phá thể, phá cách, thử nghiệm ngôn ngữ mới do người viết quá chủ tâm từ trước nên ít hay được. Thiếu cảm xúc là thiếu đi chất keo gắn kết làm cho thơ thiếu đi cái hổn hển, cái lụa là, cái man mác màu sắc hay mùi hương cũng đồng nghĩa bài thơ trở nên vô cảm, lì lợm. Cảm xúc phải đưa nhà thơ đến trạng thái lên đồng, nhà thơ rơi dần vào vô thức. Muốn có cảm xúc như thế, nhà thơ phải là người có tâm hồn đặc biệt nhân văn. Tâm hồn ấy bộc lộ tình cách phong phú, độc đáo, giàu tưởng tượng, đầy liên tưởng, đầy ẩn dụ và duy nhất không giống ai. Có lẽ vì thế mà khi xưa nhà thơ Chế Lan Viên cho rắng, thi sỹ không phải là Người, nó là Người mơ, Người say, Người điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ…Nhưng dù có cảm xúc và tính cách đặc biệt thì vẫn chưa có thể có thơ hay. Tiềm năng ấy chỉ có thể được phát lộ mãnh liệt khi chủ nhân của nó có tài năng. Nhưng tài năng không phải là cái nhà thơ rèn luyện hay học tập được. Tài năng thuộc phạm trù cấu tạo bên trong, thuộc về trời đất. Trong ba yếu tố tôi vừa nói, yếu tố tài năng là quyết định tài thơ. Có tài năng thì cảm xúc hay tính cách đặc biệt mới chuyển từ trạng thái tiềm năng thành hiện thực. Đó là báo hiệu có thể có bài thơ hay.
Điều kỳ lạ đã xẩy ra, tập thơ Chữ cái lại được giải thưởng! Thơ đâu phải hàng thủ công, nhà thơ đâu phải thợ thủ công. Thơ hồn nhiên trong veo như mắt trẻ con, đáng yêu như búp bê. Thơ là rượu cất lên từ những buồn đau mà đẹp của đời sống. Thơ là tiếng hót không kìm được của họa mi khi trăng lên. Thơ là tiếng đàn violon cao vút mà gần gũi con người. Thơ là dải cầu vồng ủ những ước mơ và hi vọng của con người. Thơ có cái cao sang của cỏ. Thơ hay không câu nệ công chúng. Đừng, xin đừng làm mất vẻ tự nhiên đi, khi trong tim chưa chất chứa đủ đầy để tự nó phải bật ra thành tiếng nói trong trẻo thì bạn ơi, hãy đợi! Khoa học có thể tạo ra con người từ ống nghiệm, nhưng đứa trẻ không thể ra đời dưới chín tháng mười ngày! Đừng vội gì hết, số lượng tuy cũng cần nhưng với thơ dường như ít ý nghĩa.
Bà huyện Thanh Quan thì mãi mãi là nhà thơ ít số lượng nhất. Ấy thế mà chỉ ba bốn bài thơ đường luật của bà (Nếu tính chữ chỉ có khoảng 224 chữ!) làm cho thành phố nào cũng lấy làm hãnh diện khi lấy tên bà đặt cho đường phố. Cố nhà thơ Chế Lan Viên cũng có lần nói, thơ dân chủ nhất, người có một câu cũng như người có một bài, một tập! Ngay cả tên nhà thơ có khi cũng không quá quan trọng vì đơn giản, thơ đến trước tên nhà thơ đến sau. Người ta đã từng hỏi đường về quê người sáng tác Truyện Kiêu chứ không nhớ Nguyến Du. TTKH vẫn mãi là một ẩn số, chỉ vài bài thơ mà bao nhiêu năm, bao nhiêu công trình nghiên cứu hướng một mục tiêu: TTKH là ai? Người ta còn phải tìm vì Hai sắc hoa ti gôn kêu gọi. Thơ là hồn người nên nó chỉ sống được trong môi trường hồn người mà thôi. Mọi áp đặt đều không thể đối với thơ. Con đường thơ đến với hồn người được xuất phát từ hồn người chứ không phải từ thơ. Nhưng thơ cũng không vì thế mà bị động đợi chờ, thơ sẽ đi đàng hoàng đến, không nịnh mị người đọc. Vì thơ biết vòng đời của thơ không phụ thuộc vào các nhà thơ.
Chưa bao giờ nhà thơ nói riêng, con người nói chung lại khổ sở như bây giờ! Cải khổ thân yêu của sự phát triển. Cái mới xuất hiện và cũ đi nhanh chóng. Cuốn sách bị lạc hậu khi đang viết! Câu thơ hay cũng khó lòng tồn tại lâu, hoặc được nhiều thế hệ chia sẻ. Nhà thơ như ca sỹ đứng hát giữa cánh đồng đầy gió! Các thế hệ độc giả không cùng nhận thức, không cùng niềm vui, nỗi buồn. Bởi lẽ họ là sản phẩm của sự phát triển mạnh mẽ trong từng giai đoạn lịch sử. Cách mạng khoa học công nghệ phát triển vũ bão hơn theo thời gian, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phá vỡ bất kỳ cái lồng nào nhốt nó. Công nghệ thông tin đang làm cho trái đất dần biến thành trái bưởi mà khi bé nhà thơ thường dùng để đá banh! Khái niệm mốt cũng chỉ tồn tại theo ngày tháng. Sản phẩm trí tuệ khoa học ứng dụng ngay, khi nghiên cứu vừa cho kết quả. Hai xu hướng kinh tế không biên giới và văn hoá dân tộc đang cùng chứng minh hàng ngày trên thế giới.
Bây giờ làm sao có được những giờ, những ngày cả nhà quây quần bên bếp lửa mùa đông để nghe bà kể chuyện. Cái ăn không quá thiếu, cái chơi mở ra ngan ngát, ít có thời gian để…buồn. Nhưng lại có nhiều bế tắc ngay trong mỗi con người. Ít có thời gian để bình phẩm một câu thơ hay. Ít có sự lôi kéo lặng lẽ của vẻ đẹp mang tính tự nhiên, không marketting. Trong sự thay đổi chóng mặt đó, các thế hệ tiếp nhận rất khác nhau, thơ may lắm tồn tại trong cùng một thế hệ. Câu thơ hay cũng bị chìm đi nhanh chóng trước ngách nhỏ thời gian mà mỗi người có được. Ngày nay trong kinh tế người ta dùng chiến lược sản xuất hàng hóa rẻ tiền, chóng hỏng. Thơ thì lại lao động thủ công, thơ không sản xuất hàng loạt được, thơ không công nghiệp được. Thơ không cần đến thể lực, công nghệ hay trình độ quản lý… Thơ chỉ dựa vào thơ thôi.
Mới hôm qua còn nông dân sáng đã là thị dân. Đêm qua đi ngủ còn xoa chân vào cái chổi, sáng đã đi giày cao gót rồi. Chưa bao giờ người ta chuộng chiều cao và tốc độ bằng lúc này. Nhà cao tầng, thành phố chọc trời, con người du lịch mặt trăng. Sữa để tăng chiều cao. Tàu cao tốc ở mặt đất. Máy bay siêu âm ở tầng cao. Một sự kiện xẩy ra bất kỳ nơi nào trên trái đất con người biết ngay tức thì. Thời gian trong kinh tế thị trường toàn cầu hoá bay vun vút. Cuộc cạnh tranh kinh tế mang tính toàn cầu, đã đẩy các nước nghèo nếu không tự vượt lên, tìm cách thích nghi thì chìm đắm. Nhưng những nước giàu cũng rơi vào cái khó của người trên cao, cuộc khủng hoảng tiềm ẩn và xẩy ra bất kỳ lúc nào mà có thể không bắt đầu từ nước mình.
Thơ có giúp gì không cho những chiến sỹ trên trận chiến kinh tế, hai bên cùng thắng hôm nay? Các chiến sỹ đó, chính là công chúng thơ, có cần thơ không. Rất cần, cần hơn bao giờ hết. Nhưng là thơ đáp ứng yêu cầu tình cảm của họ! Tất cả những sự thay đổi và đòi hỏi đều làm cho các nhà thơ, cho mọi người chóng mặt và lạc hậu là không tránh khỏi. Không chỉ nhà thơ mà cả các nhà lý luận phê bình và bạn đọc phải liên tục tự thay đổi mình, trước hết là tư duy, nếu muốn nhận thức đúng, nguyên liệu trung gian và những bài thơ của thời mình sống. Từ đó chấp nhận thay đổi cả nội dung và hình thức thể hiện phù hợp với nhu cầu, đòi hỏi mới của công chúng. Một lát thôi bỗng như tất cả bị mất ngôn ngữ!
Vậy thơ của thời kinh tế thị trường toàn cầu hoá sẽ ra sao? Liệu thơ có thể đứng yên không, hoặc thay đổi chậm? Hai khả năng đó tức là đi thụt lùi. Trong điều kiện mới ấy các nhà thơ trẻ có nhiều lợi thế nếu xem xét về mặt lý thuyết. Nhưng mấy chục năm qua, chủ yếu thơ của những người trẻ tuổi lại đột phá ở hình thức và một số nội dung không căn bản. Nhà thơ bao hàm năng khiếu, nếu chỉ cậy vào năng khiếu cuộc sống bỏ xa ngay.
“Không có sách chúng tôi làm ra sách” (Hữu Thỉnh), câu thơ hình như có ý nhắc nhở sự chủ động nhất định với mọi người, với thơ càng cần thiết. Nếu không, cuộc sống phong phú hơn mà hình như thơ lại nghèo đi. Một số người cho rằng cái gì trước đây không thích hợp, không viết thì bây giờ cứ thế mà viết. Cuộc đời có gì thì thơ có cái đó. Thơ sex như một sự bù trừ lớn nhất. Sex cũng không sao, nhưng thơ thì phải đẹp. Đẹp để chia sẻ với con người căng thẳng trong cuộc sống hiện tại. Không hiểu từ đâu và vì sao một số người trẻ tuổi làm thơ lại rất buồn? Cuộc đời có buồn không, dường như nó trườn qua cái buồn đau mà đến với cái đẹp. Dù như thế nào cuộc đời vẫn là một sự phát triển biện chứng.
Khi văn hoá dân tộc đã đứng vào vị trí quan trọng nhất của sự phát triển ở tất cả các nước thì ở ta không phải nhà thơ nào cũng tôn trọng đúng mức. Ngày càng có nhiều con đường trên thế giới đi rất dễ lạc, thế mà la bàn của các nhà thơ hình như ít có hoặc la bàn cũ quá. La bàn đó được cấu tạo từ văn hóa dân tộc. Nền móng nhà thơ phải được đúc bằng văn hóa dân tộc. Nội dung đã có nhiều thay đổi, hình thức cũng cần thay đổi tương ứng. Thơ vần điệu đã sắp hoàn thành sứ mệnh lịch sử và thơ nhạc điệu đang mở ra cơ hội, vượt thoát để thơ phát triển và hội nhập. Đôi cánh hiện đại và dân tộc sẽ chở thơ bay cao, bay xa. Những ngọn khói lam chiều đang mất dần trong sự phát triển. Những nhận thức ấu trĩ cũng góp phần hạn chế sự phát triển vượt thoát của thơ.
Chưa bao giờ thực tiễn lại đòi hỏi trình độ nhiều mặt, sự chín chắn, tầm tư duy của nhà thơ như lúc này, khi thế giới đã toàn cầu hoá. Năng khiếu và kiến thức, vốn sống và trải nghiệm, tư duy và phương pháp, cơ sở của tác phẩm thăng hoa chứ không phải sự dung tục làm người ta nổi tiếng! Hơn ai hết, nhà thơ trước hết phải là nhà văn hóa. Thiếu điều này, dấu hiệu cho thấy họ đã đi ngược với lịch sử. Đó là những báo hiệu một bộ phận thơ Việt Nam còn quá nặng nề và đang có lúc mất hướng, có vẻ xa rời vì không nhận thức đầy đủ cuộc sống mới, phức tạp mới. Cuộc sống đó trong bốn ngàn năm vừa xuất hiện gần ba mươi năm…
VƯƠNG CƯỜNG
trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: