Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy cấm bàn đúng sai!
(Bảo Sinh)
Hắn đang buồn nẫu nĩ, mà thằng anh gần nhà thì lại cứ dạy khôn: “Có được đứa vợ đần như mày là may lắm đấy em ạ. Đừng mơ tưởng những con sắc sảo khôn ranh làm gì. Thử nhìn xã hội xem, những đứa sắc sảo giỏi làm ăn một tí, thì y như rằng bồ bịch như mỏ khoét, nhẹ ra thì cũng suốt ngày chửi chồng. Vợ đần, mày mới có cơ hội làm chủ gia đình, làm thằng đàn ông đích thực, sướng thế còn gì?”. Hắn cãi: “Sướng gì! Anh nhìn em có giống thằng đàn ông không? Lúc nào cũng tong tả, chẳng việc gì dám giao cho nó. Mà có giao thì rồi cũng phải đi làm lại!”. Thế vợ nó đần đến mức nào mà cứ phải đàm luận sưng sỉa thế? Nói ra thật nẫu ruột. Lúc tìm hiểu, ai cũng xúm vào khen ngoan thế, thật thà thế, nết na thế. Chả ai chịu nói thẳng là đần thế, ngố thế để cho nó kịp sửa, còn hắn thì cũng kịp giật mình. Thành thử lúc cưới, hắn vô cùng mãn nguyện và yên tâm, thậm chí có đôi chút tự hào. Làm cho vợ cũng phát huy cao độ cứ ngoan, cứ thật, cứ nết triền miên cho đến tận bây giờ. Thôi, cũng chả phải tả cái mặt thỗn thộn của nó làm gì, cho thêm đoạn trường. Chỉ cần đơn cử một số cảnh huống thế này.
Một buổi trưa, hắn lôi được hai thằng anh là chỗ thân tình về nhà, để khoe một bình rượu ngâm. Sau khi xếp cho hai tửu khách an tọa vững chãi vào bộ xa lông xong, hắn gọi vợ ra bảo pha trà. Còn mình thì huỳnh huỵch chạy lên gác, để bê bình rượu xuống. Vợ chắc đang giặt, hai tay còn ướt nhoèn, chạy ra chào khách và lôi bộ ấm chén đi pha. Khi hắn lễ mễ vác được chiếc bình thủy tinh loại mười lít, trong lõng bõng rượu và chục con tắc kè xuống nhà thì vợ đã pha trà xong, đặt trịnh trọng trên bàn rồi. Hỉ hả, hắn bày cốc và rót nước, nước trà chẳng chịu chảy mạnh, cứ ri rỉ. Hắn ghếch vòi ấm lên nghé mắt nhìn, theo thói quen định ghé mồm thổi. Chợt nhớ ra là đang có khách, nên vội dừng ngay, mà chỉ mở nắp ấm ra kiểm tra. Ối giời, trà ngập đến gần nắp. Hắn trợn mắt lên quát vợ: “Pha trà kiểu gì thế này?”. Vợ, lúc đó đang đứng gãi lưng ở cửa, buôn chuyện với bà hàng xóm, quay lại, mắt đầy ngạc nhiên: “Cái gì?”. “Cô pha trà thế này cho trâu uống à?” Vợ te tưởi chạy lại, nhòm vào chiếc ấm trên tay chồng rồi giảng giải: “Mọi khi anh uống một mình, em cho một vốc. Thấy có hai anh đến chơi, em cho ba vốc!”. Thấy mắt hắn quắc lên, một thằng anh vội vàng: “Ôi! Bọn anh toàn dân nghiện trà, càng đặc càng ngon. Chú rót đi!”. Hắn bực, chẳng thèm rót nữa, ấn kịch chiếc ấm xuống khay. Làm cho một thằng anh lại phải vội vớ chiếc ấm, cố gắng rót dòng nước ri rỉ và đặc quánh vào mấy chiếc cốc. Chợt nhớ ra một việc, hắn vội lôi con vợ ra cửa, móc ví lấy ra tờ một trăm rồi sai: “Sang bà béo mua một suất lòng ba người ăn. Nhớ lấy mắm tôm và nhiều rau sống!”. Con vợ vừa lút cút đi khỏi cửa khoảng dăm bước, hắn bỗng gọi giật giọng: “Này! Không lấy gan. Bảo bà ấy bù bằng dạ dày. Nhớ chưa?”. Con vợ dài giọng: “Rồi. Còn gì dặn nốt đi!”. Hắn dặn nốt: “Nhanh cái chân lên!”. Ý tưởng mới làm hắn hết bực, lại hỉ hả quay về chỗ hai thằng anh bảo, con vợ em đảm nhất phường đấy. Chỉ nhà em mới có trà siêu đặc thôi, hai anh cứ thưởng thức vô tư để em biểu diễn đĩa sa lát. Nhanh nhẹn, hắn mở tủ lạnh lấy mấy quả dưa chuột và cà chua. Nhoắng một cái đã xong đĩa sa lát. Vợ vẫn chưa về. Đang nóng lòng muốn khoe rượu, hắn đưa quan điểm: “Thôi, anh em mình cứ thử chút rượu đã nhỉ? Lòng về nhậu sau!”. Một thằng anh tỏ vẻ khách khí: “Anh em mình thưởng rượu là chính. Chú cứ bày vẽ làm cô ấy vất vả!”. “Có vợ ở nhà, tội gì không sai hả anh?” Rồi ba con ma men tương lai cũng quyết định dẹp văn hóa trà đạo, để chăm chút đến văn hóa tửu đạo.
Đến tuần rượu thứ ba thứ tư gì đấy, các tửu khách đã gần say, vợ mới lò dò về. Chân đã chả chịu nhanh thì thôi, tay lại trống không, chả thấy gói bọc gì cả. Con vợ móc túi lấy ra tờ tiền đặt trước mặt chồng, chả nói chả rằng, định quay đi. Hắn sững sờ nhìn tờ tiền rồi hốc mồm hỏi: ‘‘Sao không mua?”. Giọng vợ tỉnh khô: “Ra muộn, hết lòng!”. Hắn sừng sộ: “Hết lòng thì phải mua cái khác, chứ về không thế à?”. Con vợ ngạc nhiên: “Thế lúc đi, anh chả dặn gì cả?”. Hắn ngứa mồm lắm, muốn chửi lắm, nhưng làm thế quá bằng đuổi khách. Nên chỉ đau đớn làu bàu, vớ lấy tờ tiền vùng đi ra ngoài. Hai thằng anh túm lại chả kịp. Đấy, cứ bảo là con vợ nó đần, đần đâu mà đần, tinh ý và chu đáo ra phết. Thấy chồng đi, nó vội tranh thủ tạo dáng một phu nhân, xông vào bộ xa lông ngồi chỗm chệ tiếp hai ông ma men hộ chồng. Vẫn còn một hạn chế nhỏ là nó chưa biết ẩm tửu. Chứ bổ sung thêm yếu tố này, chắc chắn nó phải được phong lên hàng đệ nhất phu nhân. Chả kém gì chồng, vừa đon đả giục hai bác xơi rượu suông cho say khướt, nó vừa ỏn ẻn: “Đã lâu lắm em có đi chợ đâu. Chả dặn, em biết mua cái gì?”. Một thằng anh ngạc nhiên hỏi: “Thế hàng ngày đứa nào đi chợ?” “Nhà em, trước em cũng đi chợ, nhưng mua cái gì về anh ấy cũng chê đắt, chê không ngon!”. Hai thằng anh nhìn nhau, ánh mắt đầy kinh hãi. Rồi thì hắn cũng xồng xộc về, với một bọc giò chả tổng hợp. Con vợ thấy chồng về, vội vàng đứng dậy nhường chỗ và cũng biết te tái đi lấy hai cái đĩa, rồi còn hớn hở: “Để em pha nước chấm.” Hắn lạnh mặt chẳng thèm nói. Con vợ xông vào bếp, rồi lại xông ra, chĩa vào mặt chồng một chiếc bát con, trong đựng đến một phần hai thể tích bột gia vị: “Thế này đủ chưa anh?”. Hắn cầm vội chiếc bát gắt: “Đủ rồi, đủ rồi, thôi lên nhà!”. Con vợ không được tham gia tiếp chương trình đảm đang, mặt xịu xuống, đi mất. Rồi hắn cũng phải tự tay pha một bát nước chấm thật chuẩn, với chanh, ớt, tỏi, cả một chút đường cho thanh thanh.
Tiếp nữa là một điển tích thế này. Cũng phải vất vả lắm, hắn mới mua được một cái nhà ở trong một ngách sâu hoẳm, của một ngõ sâu hoắm. Nhà thì cũng tàm tạm, ba mươi mét vuông mặt bằng, ba tầng hẳn hoi. Chỉ mỗi cái khổ là nước sinh hoạt, mùa đông còn đỡ, mùa hè thì đến nhục. Có đường nước mới rồi đấy. Nhưng chúng chỉ chạy theo ngõ, chưa chịu tỏe vào các ngách. Thành thử nhà hắn vẫn phải dùng đường nước cũ. Cứ ri rỉ, đến hè thì tịt hẳn. Bà con trong ngách kêu ca kiến nghị. Phường không đủ thẩm quyền làm hệ thống nước mới, liền làm một vòi công cộng ở ngay mặt ngõ, giao cho các hộ trong ngách tự điều phối mà sử dụng. Thế là nhà nào nhà nấy cũng phải vội sắm ngay một chiếc máy bơm, vài chục mét ống nước, vài chục mét dây điện. Rồi họp bàn chíu chít, lên lịch chia giờ bơm nước cho từng hộ. Cũng phải cãi nhau chí chóe vài trận mới đi đến ổn định. Sự công bằng và tiện lợi cũng được thể hiện rõ: trong giờ hành chính thì nước khỏe và thời gian dài. Ngoài giờ hành chính thì nước yếu và thời gian ngắn. Bởi vậy, đến mùa hè hắn vẫn thường phải tranh thủ trốn việc cơ quan để về nhà bơm nước. Chỉ thế thôi, nhưng cũng phải mưu phết đấy. Cứ đầu giờ làm việc là hắn lại ôm một chồng tài liệu hoặc bản vẽ, lượn lờ trước mặt sếp. Rồi gióng giả với các đồng nghiệp, cố tình để sếp nghe được là phải đi gặp đối tác nọ, xuống công trình kia, giải quyết việc gấp này, xử lí việc gấp khác. Sau đó, nếu thấy sếp không có biểu hiện nhòm ngó gì đến mình, mới chuồn mất hút. Nhưng cũng không tránh khỏi rủi ro, nhiều khi sếp lại nổi hứng chợt nhớ đến công việc của hắn, cho gọi. Thì hắn lại đang ngồi chôm hổm ở ngõ để canh máy bơm rồi. Sếp cáu nhặng, đã mấy lần dọa cắt thi đua và đuổi đi giám sát thi công. Làm cho hắn lại phải khốn khổ giở tài lấp liếm và nịnh nọt. Thật là khổ đủ đường.
Thế nhưng còn con vợ, suốt ngày chỉ may với mó ở nhà, sao không giao việc bơm nước cho nó, mà phải vất vả thế. Không được. Không thể giao cái công việc có ý nghĩa sống còn, và giàu tính nhạy cảm như thế cho nó được. Có hai nguyên nhân thế này. Một là nó thuộc dòng phụ nữ đài các, chẳng biết gì về kĩ thuật cả, lại động đến điện đóm thì càng nguy hiểm. Hai nữa, nó vốn dĩ có lòng nhân hậu rất bao la, ham làm từ thiện. Ngõ nhà hắn thì lưu manh nghèo khó thường hay ghé thăm lắm. Lại toàn là bọn dễ tính cả, chẳng biết từ chối thứ gì. Nên mỗi khi bơm nước, các chủ bơm cứ phải ngồi mà canh máy bơm, không thì mất toi ngay. Hắn vẫn còn nhớ như in một lần, vừa huýt sáo vừa mơ màng, canh cho dòng nước sinh hoạt mát lành, đang bị công nghệ hiện đại cưỡng bức chạy hối hả lên trên bể. Thì có một anh bạn chí thân chí thiết mò đến chơi. Hắn vội gọi vợ ra thay mình canh máy bơm, để về nhà tiếp khách. Trong lúc đang tiếp khách, hắn chợt có cảm giác bất an. Không còn thấy tiếng i… i… của máy bơm, tiếng nước chảy trên bể hình như cũng lặng. Hay là tuột dây điện? Sao không thấy vợ về cắm lại nhỉ? Hắn vội xin phép khách ra kiểm tra. Ra đến chỗ vòi nước thì vợ cũng chả thấy, máy bơm cũng chả thấy. Cứ như cả hai thứ tài sản quý giá nhất của đời hắn đã bị giời nuốt chửng. Hắn gào lên. Con vợ từ trong một nhà hàng xóm gần đấy lao ra, trên tay vẫn còn nguyên một đứa trẻ con. Dây điện và ống nước còn nằm cong queo vật vã ở ngõ, mà giọng con vợ vẫn ngây thơ: “Em thỉnh thoảng chạy ra nhìn suốt. Cứ tưởng anh cất máy bơm về rồi.” Thấy hắn to tiếng, mấy bà con trong ngõ xúm đến bàn tán. Một con mụ rỗi mồm còn dài giọng: “Thôi, chắc là đứa nào nghèo quá, nó lấy tạm để kiếm bữa ăn. Vợ chồng mày giàu, mua cái khác.” Chả nhẽ lại chửi nhau, khách thấy vậy nghĩ mình cũng có một phần lỗi, liền bảo: “Bên anh vẫn còn một cái máy không dùng, chú sang lấy về dùng tạm!”. Thế cho nên tại sao cứ bảo hắn chưa già mà đã có triệu chứng viêm vỏ não.
Nhưng thế vẫn chưa ăn thua gì so với cú nốc ao mà con vợ vừa tương cho hắn vào năm ngoái. Trong quan hệ với họ hàng hay quan hệ làm ăn, hắn vẫn có tiếng là chu đáo và sòng phẳng. Thế mà chỉ vì con vợ, hắn bị mất hết cả danh dự lẫn uy tín. Đầu đuôi là như thế này. Để tăng thu nhập, hắn vẫn tham gia chạy vật liệu cho mấy thằng bạn có công trình tư nhân. Ông chú ruột lại đang mở đại lí xi măng. Hắn vẫn thường xuyên lấy xi măng của chú và thanh toán theo phương thức gối đầu. Nhưng một đợt, đúng là do phía khách hàng chậm trả, nên hắn phải nợ ông chú đến mấy đơn hàng, tổng số khoảng mấy chục triệu. Bà thím đã mấy lần sang nhà gióng giả nhắc nhở việc đọng vốn làm ăn. Hắn cứ phải khéo léo khất nợ và trình bày nguyên nhân do phía khách hàng. Việc này con vợ ở nhà hóng hớt biết cả. Bình thường trong công việc làm ăn, chả bao giờ hắn dám cho con vợ biết. Nhất là chuyện tiền nong thì không bao giờ dám đưa nó. Nhưng dở thế, đúng thời gian hắn đang chết dấp chết dí ở dưới cảng, để giải phóng một lô hàng cho cơ quan thì thằng bạn lại gọi trả tiền xi măng. Hắn không thể về ngay được, mà để lưu chỗ thằng bạn thì nguy hiểm lắm. Bọn làm ăn này lúc nào chả đói vốn. Nhoằng một cái có việc, nó lại tiêu mất thì dở, có mà lại đợi hết hơi. Cực chẳng đã, hắn vội gọi cho vợ, chỉ thị đến ngay nhà thằng bạn để nhận tiền. Thằng bạn lại cẩn thận giải trình cho con vợ từng món một. Nên nó cũng biết ngay là tiền hàng của ông chú chồng.
Cùng lúc đó, ở dưới cảng, hắn đang não nề với công việc thì bỗng dưng lộc lại đến. Thằng bạn thân ở cảng, thiết kế được một quả phụ tùng ô tô thanh lí, giá rất bèo, mà lại có khách hàng miền Nam đang đợi. Chỉ cần mua xong, làm thủ tục sang tay là có ngay mấy xọi. Nó thiếu vốn nên rủ hắn tham gia. Món này thì hắn cũng đã chiến mấy lần nên cũng thạo. Thậm chí khách miền Nam cũng là chỗ hắn quen. Chợt nhớ đến món tiền xi măng, hắn đồng ý ngay. Bất chấp đêm tối, hắn phi vội về nhà. Sấp sấp ngửa ngửa, sáng hôm sau cầm tiền phi đi ngay, chả kịp dặn dò gì con vợ. Việc mua hàng thanh lí diễn ra thuận lợi do uy tín của thằng bạn cao. Nhưng khi khách hàng miền Nam đến kiểm tra, thì lại thấy vênh một vài thông số kĩ thuật về đời xe. Họ không dám quyết ngay, tuy vẫn hứa là sẽ mua, nhưng phải đưa mẫu vào Nam để xin ý kiến bọn kĩ thuật. Thành thử việc mua bán bị chậm lại. Hắn chẳng lo nhiều, hàng này tung ra thị trường trôi ngay. Song cả hắn và thằng bạn đều muốn ăn dày. Nên khi xong việc của cơ quan ở dưới cảng, hắn kệ cho thằng bạn giải quyết lô hàng, còn mình thì về nhà đi làm bình thường và cũng chẳng để tâm đến món tiền xi măng.
Đúng lúc đó thì mẹ cho gọi vợ hắn sang nhà để chuẩn bị cho một cái giỗ. Cô con dâu, sang nhà bố mẹ chồng, chẳng biết thể hiện giá trị của mình bằng cách gì, liền khoe ngay thành tích đi nhận tiền hộ chồng. Bố hắn nghe được chuyện đó cũng thấy mừng cho thằng em trai. Vừa lúc ông chú cũng mò đến hỏi chuyện giỗ chạp. Bố thông báo ngay. Ông chú hơi ngạc nhiên, nhưng nghĩ chắc là do hắn còn bận chưa mang sang trả được. Nên ông gọi điện về nhà, bảo vợ lên hẳn cơ quan hắn lấy tiền cho chủ động, vì cũng đang lúc bị thúc vốn thật. Bà thím tức tốc đến cơ quan tìm hắn. Hắn chẳng biết việc gì xảy ra, nên thản nhiên trình bày: “Chúng nó đã trả đâu. Cháu vẫn đang thúc, chắc chỉ tuần nữa thôi. Lúc nào có, cháu sang gửi ngay!” Bà thím không được nghe trực tiếp việc con vợ hắn đi nhận tiền. Thành ra cũng không thắc mắc vội, mà lại phi về nhà bố mẹ hắn, để truy hỏi con vợ cho tường tận. Trước mặt cả nhà, con vợ cứ thành thật mà kể, thậm chí giọng còn đầy vẻ tự hào. Nó còn tiếc là không nhớ có bao nhiêu tờ tiền gì, đếm hai lần mà vẫn quên. Lúc này bà thím mới sưng sỉa với ông anh chồng, kết tội hắn là gian giảo, là chiếm dụng vốn, là đủ thứ. Con vợ lúc này mới ngớ ra là mình đang mắc tội lẻo mép, mặt thưỡn ra chẳng biết làm thế nào, chỉ còn biết cầu cứu mẹ chồng. Mẹ hắn lại phải ra sức an ủi cô con dâu tội nghiệp, có cái tật thật như đếm tiền và nhanh mồm lẻo mép. Bố hắn thấy con em dâu sưng sỉa, nói nọ nói kia, cảm giác như nó đang chửi mình, chứ không phải chửi thằng con giai. Tức lắm, vội gọi điện cho hắn, quát loạn, bắt phải về ngay giải quyết việc trên. Lúc này hắn mới ngã ngửa là bị con vợ làm lộ chuyện. Nhưng việc đã rồi, có tức cũng chả được việc gì, quan trọng là giải quyết hậu quả. Hắn vội bịa ngay ra vài lí do lòe sếp, rồi phi vội xuống cảng. Chẳng dám nói thật, chỉ bảo đang cần tiền trả nợ, muốn thằng bạn bán lô hàng ra thị trường cho nhanh. Thằng bạn lại không chịu, vì nếu bán cho khách ở đây thì lãi chẳng bõ nhờn mồm, đồng thời còn uy tín lâu dài với khách miền Nam thì thế nào. Trong khi lô hàng thì lại không thể xé lẻ ra được, còn hóa đơn giấy tờ nữa chứ. Mà thời gian cũng chỉ cần khoảng một tuần nữa chứ lâu la gì. Hắn đã phải năn nỉ cũng không xong. Hai bên thành ra to tiếng. Kết quả chẳng đi đến đâu, lại mất cả tình bạn bè. Miếng ăn đến mồm thử hỏi đứa nào chịu nhè? Mà vốn của nó thì ba phần, hắn chỉ có một. Chán chả muốn về nhà nhìn mặt vợ. Hắn ngoi ngóp ở dưới cảng đúng một tuần để đợi giải quyết cho xong lô hàng. Khi thanh toán tiền cho hắn, thằng bạn kẻ cả: “Ở đất cảng này, chữ tín luôn được giữ hàng đầu”. Khi trả tiền cho ông chú, hắn đang định tìm lời tạ lỗi, ông chú vội huơ huơ tay như ra điều thôi biết rồi, đừng nói nữa, khiến hắn cảm thấy tủi phận ghê gớm.
*
* *
Cứ nghĩ đến con vợ là hắn lại thở dài chán sống. Hắn quyết định phải trừng trị vợ một cách văn minh nhất. Hắn sang gặp mẹ: “Con phải đi xa một thời gian. Chứ ở nhà, con sợ không giữ được mình, có khi gia đình lại tan nát. Mẹ để mắt đến hai mẹ con nó hộ con.” Chẳng hiểu sao mẹ không phản đối, mà lại đồng ý ngay: “Ừ, mày cứ đi một thời gian cho nguôi. Mọi việc ở nhà tao sẽ để mắt.” Hắn gửi lại cơ quan mỗi tháng nửa lương cho vợ, rồi xin sếp một chân giám sát công trình ở một tỉnh vùng Đông Bắc. Rồi hắn cương quyết ở lì trên đó không về thăm nhà, cũng không liên lạc gì với vợ, chỉ định kì gọi điện cho mẹ để nắm tình hình. Lần nào mẹ cũng bảo: “Cứ yên tâm làm việc. Vợ con mày vẫn bình thường.” Rồi mẹ cũng chẳng nói gì thêm. Chắc là mẹ giấu thôi, thiếu hắn, con vợ chắc sẽ phải khốn khổ.
Nhưng chỉ được khoảng sáu tháng thì chính hắn lại cảm thấy trống vắng vô cùng. Hắn nhớ nhà, nhớ con, và dở thế, hắn nhớ cả vợ. Tính sĩ diện và nỗi uất ức khiến hắn cố kìm nén. Nhưng chỉ đến tháng thứ mười thì hắn không thể chịu nổi. Bây giờ thì hắn không còn ý thức trả thù vợ nữa, cảm giác không yên tâm lẫn nhớ nhung bứt rứt choán hết tâm trí hắn. Hắn liền sắp xếp về thăm nhà.
Hắn về đến nhà vào một buổi chiều. Vừa bước vào trong nhà, hắn đã sửng sốt, nhà cửa rất tinh tươm. Tường phòng khách trước mốc xanh mốc đỏ, nay được sơn bả mới tinh. Vợ không có nhà, chỉ có thằng con. Mới có gần một năm, mà trông nó chững chạc hẳn, chạy ra đỡ đồ cho hắn, lại còn biết quan tâm: “Bố đi đường có mệt không? Bố vào đi tắm đi. Mẹ mới thay bình nóng lạnh, cái trước hỏng rồi.” Hắn lại một lần nữa sửng sốt, liền hỏi: “Mẹ mày đâu?”. “Mẹ đi bán hàng, tối mới về.” Lần này thì hắn không sửng sốt được nữa, mà là hốt hoảng: “Mẹ mày bán hàng gì? Ở đâu?”. “Mẹ bán quần áo cho bà trẻ ở trên chợ.” Hắn không hỏi nữa vì mải nghĩ bán thế không sợ bị lừa à. Tắm xong, vợ vẫn chưa về, hắn liền lấy mấy món quà sang nhà bố mẹ. Gặp hắn, bây giờ mẹ mới nói rõ chuyện về vợ con và công việc làm ăn của nó thời gian vừa rồi…
Thì ra, khi hắn vừa đi được khoảng nửa tháng, mẹ lôi con vợ lên chợ, giao cho bà dì kèm cặp học cách bán hàng. Nó đần, nhưng lại chăm, có thể ngồi lì cả ngày không chán. Bà dì là loại thích nhởn, thấy cô cháu dâu chăm ngồi trông hàng, yên tâm lượn suốt. Cái mặt thộn của nó xem ra lại là một lợi thế. Khách hàng nhìn mặt nó, cảm giác sẽ không bị bắt chẹt, nên hay vào xem hàng và mua. Cách bán hàng đần độn của nó, thế quái nào cũng lại là một phương thức bán hàng hiệu quả. Bà dì dặn: “Cái quần này, mày cứ nói hai trăm nghìn, ai trả trăm rưởi thì bán.” Khách đến hỏi giá, nó nói hai trăm nghìn, người ta đang trả dần từ một trăm nghìn lên. Đáng ra như mọi người thì chỉ giảm mười nghìn một thôi. Đằng này nó nói tuột luôn xuống trăm rưởi, đúng như lời dặn của bà dì, và dứt khoát không cho khách kì kèo thêm nữa. Nhiều khi nó còn nói thật: “Dì em dặn như thế, không thể bớt được!”. Khách bị thuyết phục, nó là con bán thuê, chắc là thật thà nên yên tâm mua hàng. Mang tiếng là lên chợ để cho dì kèm cặp, nhưng dì lượn như cù, kèm gì. Nhưng chẳng cần, vì đã có các chị tiểu thương cùng ngành nghề xung quanh quan tâm giúp đỡ rồi. Mà được cái chị nào thì cũng đều sắc sảo cả, sắc đến mức lúc nào cũng chỉ muốn cứa nhau, chẳng chị nào coi chị nào ra gì. Bỗng nhiên xuất hiện một con đần, thế là chị nào cũng muốn lôi kéo nó làm đồng minh. Để thêm vây thêm cánh cho những cuộc chiến giá trị, chẳng bao giờ có hồi kết của các chị. Mà với tính cách thật thà dễ bảo của nó, ai làm chị chả được, nó bái làm sư tỉ tất. Trong khi đó, nhu cầu khoe khoang và than thở của các chị lại rất nhiều, cứ rỗi mồm là lại biến nó thành thùng rác, chứa đủ các thể loại, từ bon chen làm ăn đến chuyện chồng con và bồ bịch. Sức chịu đựng của nó thì lại cực tốt, luôn háo hức lắng nghe và đồng tình tuốt tuột. Rồi thì cũng rất nhanh hết đề tài khoe khoang hay than thở về bản thân, thế là lần lượt: chị này lôi chị kia ra để cực lực phê phán, chị kia lôi chị này ra để kịch liệt lên án. Mà có lẽ chủ đề này thì chẳng bao giờ cạn vốn. Tóm lại là các chị rất hăm hở nói xấu nhau, moi móc cả những việc chẳng biết là có thật hay không. Nhưng cứ phải chăm nghe thì mới hiểu, hóa ra chị nào cũng điêu với gian cả. Thế là chuyện điêu của chị này hay chuyện gian của chị kia, vô tình trở thành những bài học rất hữu ích, cho hành trình thâm nhập và thâu tóm thị trường của nó. Trí thông minh chắc chưa cải thiện được nhiều, nhưng có lẽ việc mua bán thì đã tương đối thành thạo. Thôi, thế cũng là một bước chuyển mình rồi, với những điều kiện và bản lĩnh mới có, thì cũng có thể mạnh dạn xếp nó vào hàng ngũ các tiểu tiểu thương.
Mà chưa hết đâu, lên chợ, nó còn lòi ra một sở trường nữa, có thể nói là năng khiếu bẩm sinh cũng được ấy chứ, đó chính là năng khiếu… đòi nợ. Cụ thể là như thế này, do bà dì cũng có giao buôn một số mối, nên công đoạn đòi nợ là một yêu cầu thường xuyên và khá vất vả. Những lúc dì bận, nó thỉnh thoảng vẫn phải giúp dì. Mới đầu đến bà dì cũng chỉ nghĩ sai nó đi cho có việc, được thì được chẳng được thì thôi. Ai chả biết loại hình công việc này thì với người khôn ranh còn khó, nói gì đến nó. Nhưng nào có ai tính được chữ ngờ. Hóa ra cái mặt đần của nó lại là một thuận lợi. Bởi thế này, nhiều khi khách hàng có phải là không có tiền trả đâu, nhưng bà dì lắm khi chao chát quá, làm chúng tức, cứ dây dưa. Còn khi nó đến nhà người ta, trưng cái mặt thộn đầy chất tội nghiệp ra, thì ai cũng lại muốn làm người đàng hoàng, đơn giản thế thôi. Còn nữa, chẳng biết có phải là được một chuyên gia nào truyền thụ không mà với những trường hợp khó đòi nó chọn toàn những lúc nhà người ta chuẩn bị ăn cơm là mò đến. Không giục giã hay năn nỉ, nhưng thấy nhà người ta có cái gì nó cũng hỏi, cũng khen, ao ước hết thứ nọ đến thứ kia. Cũng có thể là nó khen thật, ao ước thật, chứ chẳng bài vở gì đâu. Vì thực tế, nhà cũng đã sắm được những thứ đồ dùng giá trị và sành điệu như thế đâu. Song có lẽ chỉ cần thế thôi, cũng đã đủ để con nợ vội trả tiền, tống cổ nó đi cho nhanh. Thì đằng nào trước hay sau gì cũng phải trả, có quỵt được đâu. Mà cứ để cái cảnh một con đần ngồi săm soi tài sản nhà mình thế này thì nẫu ruột lắm. Ngồi tiếp chuyện nó, riêng chỉ để trả lời mua cái này ở đâu, dùng như thế nào, tiện lợi ra làm sao đã mỏi hết cả mồm. Lại còn phải ăn nữa chứ, nó ám quẻ thế nuốt sao nổi.
Nghe dì ca ngợi, mẹ liền tạm ứng ngay cho nó một ít vốn, để buôn riêng. Bà dì tạo điều kiện, các sư tỉ xúm vào giúp. Thành thử ra bây giờ, mẹ con nó sống còn vung vinh hơn cả lúc hắn ở nhà. Con vợ còn nhắn với mẹ: “Tiền lương của anh ấy gửi lại cơ quan, mấy tháng vừa rồi con bận, chả lên lấy được. Nếu anh ấy về, mẹ bảo anh ấy nhớ lên mà lĩnh. Khỏi phí!”.
Hắn ngồi nghe mẹ kể thế nỗi ấm ức cứ từ từ dâng lên tận cổ. Rồi hắn chợt hiểu hóa ra mỗi con người đều có thế mạnh riêng của mình, nhiều khi điểm yếu ở chỗ này bỗng thành điểm mạnh ở chỗ khác, ông trời chẳng cho hết và lấy hết của ai điều gì. Bỗng nhiên hắn có cảm giác mất mát một cái gì đó rất lớn. Nhưng mất gì nhỉ?
Trên đường về, hắn quyết định qua chỗ thằng anh gần nhà chơi.
Kể chuyện về con vợ xong, hắn xoay ra hỏi: “Thế là may hay xui hả anh?”
Nguồn: NGUYỄN MẠNH HÙNG http://vannghequandoi.com.vn
Bài viết liên quan: