Vladimir Vladimirovitr Nabokov là một tên tuổi lớn của nền khoa học và văn học thế giới. Là người Nga mang quốc tịch Mĩ, ông sáng tác bằng cả hai thứ tiếng: Nga và Anh. Nabokov vừa là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, vừa là nhà côn trùng học nổi tiếng.
Nhà văn Vladimir Nabokov (1899-1977)
Tuy nhiên, Nabokov được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực văn chương. Với tư cách nhà văn, nhà thơ, Nabokov đã để lại nhiều tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển của thế giới, trong đó phải kể đến các tiểu thuyết Lolita, Lửa nhạt, tập thơ Hai con đường, hồi kí Hãy nói đi, kí ức… Các tác phẩm của ông không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có sức phổ biến và tầm ảnh hưởng to lớn đối với nền văn học nghệ thuật và đông đảo công chúng bạn đọc ở Nga, Mĩ và nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, cho đến năm 2020, bạn đọc đã có thể tìm đọc hầu hết tiểu thuyết của Nabokov (Mashenka, Tiếng cười trong bóng tối, Phòng thủ Luzhin, Pnin, Những thứ trong suốt, Lolita) và cả các tập truyện ngắn của ông (Mĩ nhân Nga, Mây, hồ, tháp, Thanh âm).
Trước khi rời khỏi nước Nga (1919), Nabokov đã viết văn và làm thơ. Các tập thơ của ông như Thơ, Hai con đường (in chung) đã có được chỗ đứng tích cực. Thế nhưng, từ khi chuyển sang Đức sinh sống, đối tượng độc giả của ông đã hạn chế: chỉ còn là những người Nga nhập cư, thay vì độc giả Nga đông đảo như trước kia. Điều này dường như đã được nhà văn ý thức rất rõ. Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông nói: “Viết khi sống ở nước ngoài – đó là sự sáng tạo trong chân không. Hầu như không có người xuất bản, hầu như không có người đọc. Sự im lặng vây lấy nhà văn lưu vong ấy.”(1)
Dù vậy, ở nước Đức (chủ yếu từ năm 1926 – 1937), nhà văn vẫn chỉ sáng tác bằng tiếng Nga, cho đối tượng độc giả người Nga ít ỏi. Các sáng tác của ông đều được đánh giá cao về giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Thời gian này, ông viết 8 tiểu thuyết tiếng Nga, trong đó tác phẩm đầu tay Mashenka được đánh giá cao hơn cả. Nội dung tác phẩm là những tâm sự của một người đàn ông Nga lưu vong ở Berlin, sống ở xa nước Nga nhưng lúc nào cũng nhớ về tổ quốc và người bạn gái thiếu thời của mình. Những tác phẩm bằng tiếng Nga đã giúp nhà văn bày tỏ tình cảm đối với đất nước Nga thân yêu. Dù biết viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ ít bạn đọc nhưng nhà văn vẫn trung thành với tiếng Nga, vẫn nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước thông qua tình yêu ngôn ngữ ấy. Với Nabokov, “phương tiện của nhà văn – ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ta, không đơn thuần là phương tiện biểu hiện, mà còn là hình thức của tư duy, sắc thái của cảm giác”(2). Đây dường như là điểm bất biến của những nhà văn Nga hải ngoại. Nhìn lại các nhà văn Nga lưu vong, chúng ta đều thấy rõ điều này: Bunin sống ở Pháp nhưng chỉ viết truyện ngắn và làm thơ bằng tiếng Nga, Solzhenitsyn tạo ra một pháo đài Nga khép kín để không bị văn hóa Mĩ thâm nhập dù sống ngay trung tâm nước Mĩ, Brodsky tự “giam cầm mình” trong cái “cũi” là tiếng Nga (chữ dùng của Hoàng Ngọc Tuấn). Nabokov thời gian đầu cũng vậy. Tiếng Nga, thứ tiếng ông coi là đẹp đẽ nhất, đã được ông nâng niu, trân trọng. Sau này, trải qua nhiều biến cố, suy nghĩ của nhà văn đã thay đổi. Tuy sáng tác bằng một ngôn ngữ khác nhưng tình yêu nước Nga trong ông không bao giờ mất đi. Điều này thể hiện ở chất Nga, ở những hình tượng nhân vật, thiên nhiên… đặc biệt mà ông xây dựng.
Hình ảnh nước Nga trong các tác phẩm của Nabokov và cách bày tỏ tình cảm với nước Nga của ông không giống ở các nhà văn khác như Bunin, Kuprin, Solzhenitsyn… Trong các tác phẩm của ông không có các thành phố, làng mạc được gọi tên Nga, không có những nhân vật đặc trưng kiểu mugic Nga hay phụ nữ Nga nông thôn hoặc quý tộc, cũng không thấy miêu tả những sự kiện mang tính chất trọng đại hoặc những biến cố lịch sử chấn động cả đất nước (chẳng hạn như Cách mạng tháng Mười, nội chiến, chiến tranh vệ quốc…). Nước Nga nơi tác phẩm của ông hiện ra trong bóng dáng của một thời thơ ấu hồn nhiên đã mất, đó là thời mà “mỗi lời khẩn cầu, mỗi một câu hỏi được ném lên trời thì lập tức sẽ nhận được câu trả lời đầy ngạc nhiên và quý báu”. Thế nên, trong tác phẩm của Nabokov chúng ta rất hay bắt gặp nỗi đau, sự trăn trở tìm lại “thiên đường thơ ấu bị đánh mất”. Motif “thiên đường thơ ấu bị đánh mất” là một motif rất quen thuộc trong các tác phẩm của Dostoyevsky, motif này người đọc sẽ tìm thấy khi đọc Lolita và một số tác phẩm khác của Nabokov. Chính Nabokov đã khẳng định motif này khi nói: “Huyền thoại Nga của thời thơ ấu của tôi – Nabokov nói về quê hương của mình, đã trở thành huyền thoại trong tác phẩm của tôi.”(3) Bản thân Nabokov luôn tự nhắc nhớ mình là người Nga, ông tự giới thiệu: “Tôi là nhà văn Mĩ, sinh ở nước Nga, học văn học Pháp ở Anh trước khi chuyển về Đức ở 15 năm… Đầu tôi nói chuyện bằng tiếng Anh, tim tôi – bằng tiếng Nga, tai tôi – bằng tiếng Pháp.” Điều đó càng góp phần khẳng định, dù sáng tác hay không sáng tác bằng tiếng Nga, Nabokov vẫn luôn biết cách bày tỏ phẩm chất Nga của mình. Hay nói cách khác, chất Nga đã trở thành căn cốt tự nhiên của ông.
Sau này, dù khát khao được trở lại nước Nga (ước mong này Nabokov đã rất nhiều lần thổ lộ với bạn bè và những phóng viên đến thăm), khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, buộc phải sang Mĩ, buộc phải sáng tác bằng tiếng Anh thay cho tiếng Nga mẹ đẻ, nhà văn đã rất đau khổ. Khi nữ thi sĩ Bella Akhmadulina đến thăm Nabokov (lúc này ông đang ở Thụy Sĩ), nhà văn đã tâm sự: “Tôi tiếc là đã không ở lại nước Nga.” Lúc ấy vợ ông có phân trần là do hoàn cảnh, nhưng ông đã nói: “Ai biết được, có lẽ nếu ở lại tôi đã trở thành một tác giả hoàn toàn khác, có thể còn hay hơn nhiều” (theo B.Akhmadulina). Ông tâm sự: “Năm 1940 tôi quyết định chuyển sang viết bằng tiếng Anh, và điều tai hại là ở chỗ, trước đó trong vòng hơn 15 năm trời tôi viết bằng tiếng Nga, từng để lại dấu ấn riêng lên các công cụ và trợ thủ của mình. Khi chuyển sang một ngôn ngữ khác, vô hình trung tôi phải từ bỏ thứ tiếng của Avvakum, Pushkin, Tolstoy – hay là của Ivanova, Nina và các ấn phẩm bằng tiếng Nga, không phải là một thứ ngôn ngữ chung chung, mà là thứ ngôn ngữ đã ăn vào máu thịt”; “Tấn bi kịch của riêng tôi, một tấn bi kịch không thể, đúng ra là không nên, để bất cứ ai phải lưu tâm, đó là tôi đã từ bỏ ngôn ngữ tự nhiên của tôi, thành ngữ tự nhiên của tôi, tiếng Nga đẹp đẽ, phong phú và thuần thục vô hạn của tôi, để đổi lấy thứ ngôn ngữ hạng hai là tiếng Anh” (Lời mở đầu cuốn Hãy nói đi, kí ức). Những day dứt ấy cho thấy tình yêu với ngôn ngữ Nga, nước Nga của nhà văn luôn thường trực, dù bề ngoài có thể bị che khuất.
Nói về sự lựa chọn chuyển sang sáng tác bằng tiếng Anh của Nabokov, nhà nghiên cứu Hoàng Phong Tuấn đã khẳng định, đó là con đường đi đúng đắn, nó giúp ông tỏa sáng và giúp ông đưa được văn chương của mình đến với thế giới và đặc biệt đến với người dân Nga quê hương ông nhanh hơn, sớm hơn. Giả sử, Nabokov cứ mãi như nhân vật Sebastian Knight (trong tác phẩm The Real Life of Sebastian Knight – Cuộc đời thực của Sebastian Knight) của chính ông – một nhà văn Anh lưu vong trên đất Nga, vì yêu tiếng mẹ đẻ nên chỉ sáng tác bằng tiếng Anh, đến cuối đời những tác phẩm ấy không ai đọc được, không ai biết và chìm vào quên lãng – thì sẽ không ai biết đến tên tuổi ông, sẽ không ai biết tác phẩm của ông, văn tài của ông. Vậy là, nhờ chuyển sang viết tiếng Anh, con đường đến với độc giả Nga của ông thực sự được mở ra. Hãy quay trở lại với thời kì sáng tác bằng tiếng Nga của tác giả. Tuy những tác phẩm văn học viết bằng tiếng Nga của ông đều được đánh giá cao, nhưng đấy là sau này, khi ông đã nổi danh với Lolita và các tác phẩm văn học tiếng Anh khác, các nhà nghiên cứu mới tìm về lại kho tàng sáng tác của ông. Tại thời điểm những tác phẩm văn học viết bằng tiếng Nga ra đời, ông có rất ít độc giả, số lượng sách xuất bản ở Berlin và Paris cũng rất ít, số tiền ông kiếm được từ những cuốn sách đó cũng rất khiêm tốn. Bởi thế, ông phải làm gia sư, phải dạy tennis, phải làm diễn viên hậu cảnh cho những cuốn phim hạng bét. Phân tích của Hoàng Phong Tuấn không phải là không có cơ sở, khi nhà nghiên cứu này dẫn chứng thêm trường hợp của nhà thơ Nga Do Thái đoạt giải Nobel văn học năm 1987 là Joseph Brodsy.
Sự nghiệp sáng tác của Nabokov chia làm hai giai đoạn chính: giai đoạn tiểu thuyết Nga và giai đoạn tiểu thuyết Anh. Khi còn ở châu Âu (cụ thể là ở Đức) – nơi cộng đồng người Nga khá nhiều, nhà văn chỉ sáng tác bằng tiếng Nga. Nhưng khi đã sang Mĩ, nơi hầu như không có người đọc tiếng Nga, nhà văn buộc phải sáng tác bằng thứ ngôn ngữ mà ông coi là “ngôn ngữ hạng hai” (chữ dùng của Nabokov) – tiếng Anh. Tuy nhiên, vì tình yêu với nước mẹ Nga, ngôn ngữ Nga, nền văn học cổ điển Nga, những tác phẩm quan trọng nhất của đời mình như Lolita, Hãy nói đi, kí ức ông đều tự dịch sang tiếng Nga (năm 1954, nhà văn đã dịch cuốn Speak, memory (Hãy nói đi, kí ức) sang tiếng Nga (ðĩ ð); bản dịch cuốn Lolita sang tiếng Nga được Nhà xuất bản Phaedra ấn hành ở New York năm 1967, Nhà xuất bản Tin tức ấn hành ở Liên Xô năm 1989 (sau thời kì Cải tổ 1986 – 1991). Có thể nói, việc Nabokov chuyển ngữ sang tiếng mẹ đẻ những tác phẩm quan trọng nhất của mình cho thấy ý thức cao độ trong việc bảo vệ bản quyền của nhà văn. Hơn nữa, việc một nhà văn tự dịch tác phẩm của mình sang ngôn ngữ khác sẽ đảm bảo sự chính xác cũng như chất văn chương nghệ thuật của tác phẩm đó. Một lí do khác rất quan trọng, đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra, đó là: Nabokov khi tự dịch tác phẩm của ông từ tiếng Anh sang tiếng Nga đã làm công việc sáng tạo lần thứ hai. Tức là, ông không chỉ chuyển ngữ đơn thuần mà còn chủ động viết lại những chi tiết của tác phẩm sao cho phù hợp với đặc điểm tiếp nhận, khả năng đón đọc, truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Vì thế, các nhà nghiên cứu coi bản dịch đó của nhà văn là một tác phẩm nguyên bản thực sự. Xuất bản Lolita tiếng Nga bằng bản dịch của mình, Nabokov theo đuổi một mục tiêu rất đơn giản: cuốn sách tiếng Anh tốt nhất của ông (hoặc là, như nhà văn tự nhận xét, một trong những cuốn sách tiếng Anh tốt nhất của ông) cũng phải được dịch chính xác sang ngôn ngữ mẹ đẻ của ông – tiếng Nga. “Tác giả bị tra tấn và độc giả bị lừa dối – đó là những hậu quả tất yếu của bản dịch khi cố đạt được tính nghệ thuật. Mục tiêu duy nhất và sự biện minh cho bản dịch – là có thể truyền đạt chính xác nhất thông tin, đạt được đến điều này có khi chỉ có thể có được trong phần chú thích, chú giải được thêm vào ở cuối sách” (Irina Lvovna Galinskaia), Nabokov nhận định như vậy. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Playboy năm 1964, ông nói: “Có lần tôi từng nghĩ trong đầu, vào giây phút tôi nhìn thấy những gáy sách sặc sỡ của các bản dịch Lolita sang những ngôn ngữ mà tôi không biết: tiếng Nhật, tiếng Phần Lan và tiếng Arap, rằng trong cuốn sách đó có thể có 15 hoặc 20 lỗi không thể tránh khỏi, nếu tập hợp chúng lại với nhau, có thể sẽ dày hơn những chi tiết được yêu thích trong đó. (…) Và rồi tôi hình dung tôi sẽ là một ai đó khác. Tôi cũng hình dung một ai đó trong tương lai cũng sẽ mang đến một Lolita tiếng Nga. Tôi thiết lập kính viễn vọng bên trong mình để nhìn vào một điểm trong tương lai xa và thấy rằng, mỗi đoạn với không thiếu những cái bẫy, có thể sẽ khiến tác phẩm lâm vào cảnh què quặt của một bản dịch sai. Trong tay một người thợ dịch tồi, Lolita tiếng Nga sẽ hoàn toàn biến dạng, trở thành một bản kể mang tính chất hồi tưởng thô tục và sai lệch. Và vì vậy tôi đã quyết định chính tôi sẽ dịch tác phẩm này. Bây giờ tôi đã dịch được khoảng 60 trang rồi.” Có thể nói, với cách làm này, Nabokov lại một lần nữa cho thấy tình yêu với nước Nga, ngôn ngữ Nga và khao khát được sáng tạo bằng ngôn ngữ trái tim của mình.
Nabokov rời nước Nga từ khi mới 20 tuổi và từ đó cho đến khi trút hơi thở cuối cùng nhà văn chưa một lần trở lại quê hương. Sau quãng thời gian đầu sáng tác bằng tiếng Nga mẹ đẻ, nhà văn đã chuyển sang sáng tác bằng tiếng Anh. Nhiều người từ đó đã không còn coi ông là một nhà văn Nga nữa, bởi Nabokov khác hoàn toàn những nhà văn Nga lưu vong khác: kiên trì trong thành quách tiếng Nga và những đề tài về nước Nga xưa cũ, nước Nga ở thời điểm họ rời tổ quốc. Nabokov tìm đến một thế giới mới, bắt nhịp cuộc sống hiện tại của thế giới ấy và viết về nó. Không được sống thực sự với ngôn ngữ và cuộc sống Nga đương thời, ông sáng tạo văn chương cho thế kỉ mà ông đang sống, trong đó có nước Nga thân yêu. Sáng tác văn chương của ông lúc này là cho nước Nga, một nước Nga hiện đại trong thế kỉ mới. Dù vậy, đọc văn Nabokov, trong những tác phẩm được coi là “Tây nhất”, người ta vẫn không thể phủ nhận chất Nga trong đó: nữ tính vĩnh hằng, người “điên” kể chuyện, thiên đường trẻ thơ bị đánh cắp… Tất cả là điểm quan trọng khiến cho những tác phẩm của Nabokov vẫn là những tác phẩm rất Nga, đưa ông trở về với đất nước và độc giả của mình.
ĐỖ THỊ HƯỜNG- Văn Nghệ Quân Đội
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: