Bụi hồng của Miên hơn tuần nay ra hoa nhiều quá. Cô không biết là giống hồng gì. Chị My nói giống như là hồng tỉ muội ở Việt Nam. Những bông hoa nhỏ, trăng trắng hồng hồng tim tím xúm xít thành chùm khiến Miên ngồi nhìn mải mê. Nhiệt độ đang xuống mỗi ngày, sắp tới sẽ là một mùa đông dài và rất lạnh.
Không biết bao giờ Miên mới quên được mùa đông năm ấy, trong căn nhà 3 tầng cũ kỹ hơn 100 tuổi ở vùng Dorchester, Boston (Mỹ). Gió thốc từng cơn xuyên qua lớp vách mỏng manh không có chất chống lạnh. Những ô cửa sổ già nua trở mình nghe như những tiếng rên không dứt từ sáng đến khuya. Tiếng gió rít len qua khe cửa đi thẳng vào tâm trí Miên, ở lại trong cõi lòng lạnh giá của cô.
Miên ôm chặt bé Carrot vào lòng cố gắng truyền hơi ấm nhiều nhất có thể cho con. Cô luôn đặt chiếc nôi nhỏ cạnh giường mình, rất gần. Miên lắng nghe hơi thở của con, nhẹ và thoảng thứ mùi thơm không gì trên đời này có thể sánh được: mùi sữa. Cô thường xuyên hoảng sợ khi nghe con yên lặng. Nỗi hoảng sợ hình như trỗi dậy từ một sự ám ảnh hay sợ hãi mơ hồ nào đó. Cô tức thì bật ngay dậy, cúi sát mặt mình vào mặt con, lắc nhẹ chiếc nôi để xác tín với bản thân rằng con gái cô vẫn ổn. Miên thực sự không nhớ rằng mình có ngủ không trong những ngày tháng đó.
Giáng sinh, 2 mẹ con được ba tặng cây thông nhỏ xíu từ cửa hàng Christmas Tree. Không một trái châu, hộp quà trang trí nào. Chỉ có những ngọn đèn nhỏ li ti chạy vòng quanh, chớp tắt.
14 năm rồi, Miên vẫn chưa quen mùa đông xứ lạ.
***
Ánh nắng cuối ngày xiên qua những tàu lá dừa tựa một chùm pháo bông khổng lồ có lần Miên được coi vào ngày 4.7. Một khoảng trời trắng xanh đỏ được thắp sáng rực rỡ, có một số trái pháo còn nổ ra hình mặt cười khiến Carrot hét lên phấn khích mãi không thôi. Miên rất thích pháo bông. Khi ngẩng đầu dõi theo những chùm sáng bay lên cao rồi rơi xuống, cảm giác vui vẻ như ngày nhỏ nhìn cánh diều chao nghiêng trên nền trời xanh thẳm. Cái gì cao, xa nhiều màu sắc luôn hấp dẫn người ta thì phải? Vậy mới có những cuộc thiên di, những cuộc rời đi.
Hơi thở ẩm ướt từ những con mương, con xẻo xung quanh bám vào gió phả lên mặt Miên mát rượi. Một chiếc xuồng nhỏ nằm như đứa trẻ đang mê ngủ. Có vẻ lâu lắm rồi nó chưa được ra ngoài sông lớn. Mạn xuồng khô cong, cây dầm nằm chỏng chơ cũng khô cong…
Có những thứ, ở thời điểm nào đó mang tính chất sống còn nhưng chỉ một thời gian sau, gần như mất hút. Cái xuồng này từng là phương tiện đi lại của biết bao con người vùng sông nước xứ Miên. Xuồng đưa ba đi vườn đi ruộng; đưa ông nội đi đám giỗ, đi uống trà đánh vài ván cờ tướng với ông Tư, đưa mẹ đi chợ. Những chiều 28, 29 tết, năm nào mấy chị em cũng giành nhau quét sân, phơi lá chuối, lau bàn ghế, nói nhẹ đi khẽ… thiệt ngoan để được mẹ cho đi chợ tết. Ngồi trên mũi xuồng, phóng tầm mắt dõi ra xa mênh mông là nước phù sa ngầu đục, nhìn những chậu vạn thọ rung rinh chùm bông vàng rực rỡ, nghĩ đến sắp được mặc đồ mới, nhà có thật nhiều bánh tét, mứt bí, mứt dừa, bánh bông lan, thịt kho hột vịt… là lòng chộn rộn không yên. Chưa đầy nửa thế kỷ, những cây cầu khỉ bắc qua con mương, con xẻo dọc ngang đã thay bằng cầu kiên cố, những con đường đất thịt sình lầy lồi lõm đã được đổ bê tông, xe chạy thẳng về trước nhà. Chiếc xuồng đi vào quên lãng.
Mặt trời treo mình gần sát đất, Miên nghĩ chỉ cần nhảy lên với tay là có thể chạm vào những sợi nắng yếu ớt đang vẽ loằng ngoằng những đường dọc ngang trên mặt đất lồi lõm. Tự nhiên cô thèm nghe một tiếng chim. Một tiếng chim gấp gáp, yếu ớt gọi chồng, gọi vợ, gọi con vào thời khắc ngày tàn khơi dậy niềm thương không gì diễn tả được. Có lần Miên hỏi chị My, người ta sống một đời, có khi nào cũng chỉ để hoàn tất nốt cái chặng ấu thơ không. Ta tưởng đôi chân mình đi xa lắm, nào ngờ cứ loanh quanh, cũng chỉ vun đắp hoặc sửa chữa những vết thương, nếu có, của chặng đầu đời ấy. Bởi vậy, mỗi lần có sóng gió tình cảm, câu nói chị em Miên nghe nhiều nhất từ mẹ là: “Thương tụi nhỏ mà ráng đi con!”.
Miên ngước mắt lên vòm lá, nghe tiếng mình rơi ra rồi trượt dài đi đâu đó.
– Mẹ, sao quê mình giờ ít nghe tiếng chim hén?
– Ừ, lớp người ta bẫy, lớp bị bắt, lớp sợ nên bay đi, còn đâu nữa con!
– Bay đi đâu mẹ?
– Chắc vô rừng… mẹ cũng không biết. Bữa trước ba lượm được cái tổ chim con rớt từ trên ngọn dừa xuống.
– Mẹ có nuôi cho chúng lớn rồi thả bay đi không?
– Chết hết rồi còn đâu. Chim mẹ không còn, đám con chưa đủ lông đủ cánh đó sống sao hả con?
Miên nghe gió thổi thốc từ sau lưng lạnh ngắt.
Cô giật mình thức dậy, thấy bàn tay mình vẫn còn giữ mép mền kéo qua đầu. Cảm giác lạnh lẽo vẫn còn vương trên da thịt cô. Vệt nắng, cái xuồng, con xẻo nhỏ trước nhà, mẹ đang ngồi lặt mớ rau tập tàng nấu canh tép bằm hệt như cô vừa nói chuyện với mẹ chứ không phải là trong giấc mơ.
4 giờ sáng. Đẩy suy nghĩ vào một góc sâu trong tâm trí, thời gian như duỗi ra vô tận, Miên nghe từng giọt dội vào thẳm sâu trong lòng mình thành một dòng suối thương nhớ cuộn lên mãnh liệt. Miên nhớ mẹ, nhớ quê.
***
Trước nhà Miên có mảnh vườn nho nhỏ, giữa vườn có tượng Đức Mẹ màu trắng. Trừ mùa đông rất lạnh, mở cửa ra chỉ thấy một màu trắng mịt mờ; còn lại, Miên trồng hoa quanh năm. Hoa tulip vào đầu mùa xuân; đến tháng Năm là hoa mẫu đơn rồi đến oải hương, hồng, cẩm tú cầu cuối hè. Tầm tháng Chín, Miên sẽ trồng cúc. Những sáng cuối tuần hoặc bất cứ khi nào rảnh, Miên ngồi đây, cầu nguyện, chăm sóc hoa, uống ly cà phê, ăn mấy củ khoai lang và nghe cải lương.
Miên sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam Bộ. Không cần cất công tìm kiếm, những câu vọng cổ dài trong veo tha thiết phát ra từ radio loang theo sông nước mênh mang ở lại rất sâu trong ký ức của mọi người con xứ Miên. Hồi nhỏ, hễ tới tối thứ Bảy là chị em Miên thích lắm vì cả xóm sẽ đến nhà Miên, bất kể trời mưa hay nắng, coi cải lương qua cái truyền hình nhỏ xíu. 2 hàng ghế đẩu dài đã được kê sẵn. Có người đến, mẹ hay chị My liền đi lấy thêm ghế. Miên nhỏ, háo hức ngồi trước, ngay ngắn trong lòng nội. Lần nào cũng vậy, mắt có ráng mở hết cỡ thì Miên cũng không đợi được đến cảnh mẹ con cô Diệu gặp nhau để hiểu tại sao ai cũng khóc, không đợi được để coi Từ Hải “chết đứng” là ra làm sao…
Sáng nào tỉnh dậy, cô cũng thấy mình đã nằm ngủ ngay ngắn trên giường. Vậy là Miên chạy lon ton đi hỏi phần còn lại như thế nào. Có khi nội kể, có khi nội giả bộ rầy: “Tổ cha mày, mê ngủ mà cứ hỏi hoài, nội không rảnh để kể. Mơi mốt, ráng mà thức chớ con!”.
Mãi đến khi qua Mỹ, tóc trên đầu đã trồi lên một mớ trắng, Miên mới coi lại trọn vẹn những vở cải lương đó qua YouTube, nối lại bao đêm cuối tuần ấu thơ ngắt quãng. Chồng và con gái Miên lúc đầu rất ngạc nhiên khi thấy cô coi cải lương, nhất là bé Carrot. Con ghé mắt nhìn rồi nói: “Họ giống búp bê quá”. Sau những tò mò ban đầu, Carrot không thích nữa. Con bé giải thích: “Cải lương của mẹ buồn. Cái tiếng buồn!”.
Miên cũng không muốn làm phiền 2 cha con. Những sáng làm việc ở nhà như hôm nay, khi Carrot đi học và chồng đi làm, Miên sẽ nghe. Miên nghe nhiều đến nỗi bây giờ, mỗi lần mở lên, cô đã không còn để tâm đến việc diễn viên ca gì nữa. Miên xới đất, bón phân, làm việc hoặc nghĩ về điều gì đó. Lời ca tiếng nhạc bên cạnh cô nghe như tiếng gió xào xạc những trưa hè nằm trong nhà chòi, như cuộn khói lam chiều quấn quýt bay lên khoảnh trời xanh cao cao xa xa, như những chiều tháng Chạp gió chướng về mau mải mặc áo len ngủ không thèm đi học, như tiếng mẹ kêu với qua nhà bác Sáu: “My, Miên ơi, về tắm rửa ăn cơm!”.
Tiếng “dạ” rơi ra từ đâu đó trong Miên không ngăn được. Miên tưởng như mình vừa xuyên không và sống bằng một quãng đời đã qua vừa trở lại. Âm thanh vở cải lương đã tắt từ lúc nào…
***
Thời tiết hôm nay đẹp quá, Miên đi bộ đến trường để cùng về với Carrot. Cô luôn cố gắng hiện diện thật nhiều trong khoảng ấu thơ của con. Từ những sớm mai ngồi chải tóc, từ những chuyến đi Wonderland, đi cắm trại, đi bơi, đi múa ba lê, đi nhà thờ… đến những tối nằm xoa lưng kể cho con nghe về ngoại, về các dì, về Việt Nam… Miên chỉ có một mình Carrot. Miên muốn nuôi con gái như ba mẹ đã nuôi chị em Miên, nuôi bằng thứ tình yêu của một con tằm nhả tơ, bằng thứ tình yêu hoàn toàn không mảy may mong nhận sự hồi đáp.
Miên đếm từng bước chân trên con đường vắng. Bầu trời trong xanh cao vời vợi làm nỗi thương nhà nhớ quê thường trực trong cô trở nên trĩu nặng hơn. Hồi đó, bọn nhóc như Miên, đứa nào được cưng lắm thì ngày đầu tiên vào lớp Một mới được ba hay mẹ hay ông bà đưa đến trường. Còn lại, cứ đến tuổi, đến mùa tựu trường thì tự ôm cặp lơ ngơ tìm lớp, tìm cô. Cô thì không lạ, mà bạn bè cũng nhiều đứa quen. Hết giờ học cũng vậy, đứa nào đứa nấy tự về. Những bước chân lũn cũn trên con đường quê đầy cát, đất. 2 bên đường, cỏ hôi, cỏ may, cỏ đuôi chồn… mọc cao đến thắt lưng.
Những ngày nắng, bọn Miên đi về trong tiếng chim ríu rít trên cây me, cây xoài, cây bưởi trong vườn. Cô luôn nhớ hình ảnh khoảng trời xanh tuyệt đẹp trong mắt mình lúc ấy – khoảng trời Miên luôn mang theo và dưỡng nuôi suốt những năm tháng đời mình. Kể cả trong những thời điểm đen tối nhất, ngột ngạt nhất, đau lòng nhất, cứ nhìn lên khoảng trời xanh trước mắt lại có cảm giác niềm tin vào cuộc sống đang hồi sinh mãnh liệt.
– Có chuyện gì hả em?
– Em cảm thấy mình cần về nhà. Em muốn về nhà.
Tiếng nói từ sâu thẳm bên trong cô rơi ra như có hình có khối, rõ ràng hơn bao giờ hết, như những chiếc lá đang chao nghiêng thư thả nối nhau rơi xuống xung quanh gốc cây ngoài kia. Thì người ta đã nói rằng lá rụng về cội…
***
Sân bay Boston Slogan lúc nào cũng đông người. Từ sân bay này, rất nhiều người sẽ rời nước Mỹ để về lại quê nhà. Họ cũng như Miên, hệt những cánh chim thiên di, hệt những chiếc lá, trở về để kết nối với những yêu thương của mình. Luôn có cái gì đó cột chặt những đứa con với gia đình, với nơi chôn nhau cắt rốn mà cô không thể diễn tả.
– Mẹ đi nha 2 cha con! Ở nhà con phải ngoan, nghe lời ba. Mẹ sẽ sớm về.
– 2 tuần thôi mà mẹ! Mẹ đừng lo! Con lớn rồi. Con chào ông bà ngoại, dì My, dì Mai nha!
– Bình an nha em! 2 cha con sẽ nhớ em nhiều.
– Mẹ cảm ơn 2 cha con.
2 cha con choàng tay ôm Miên. Cô có cảm giác chồng và con nắm một đầu sợi dây, cô nắm một đầu; khi họ vòng tay ôm nhau, 2 đầu dây khóa chặt thành vòng tròn nhỏ. Miên quay lưng, đẩy hành lý của mình đi vào cửa an ninh.
Cô cũng đang giữ một đầu sợi dây. Ba mẹ, chị My, út Mai – mỗi người giữ một đầu. Về thôi, Miên ơi!
TRIỆU VẼ
Báo Phụ Nữ
Bài viết liên quan: