Chị em tôi quê ờ Huế. Đó là quê nội, còn quê ngoại thì xa hơn chút nữa, ra đến Quảng Trị. Rồi theo cơn binh lửa dắt díu nhau vào Nam học hành , làm việc định cư luôn ở xứ sở hai mùa mưa nắng hiền hòa. Cách núi ngăn sông một dạo quê hương lối về xa xôi mù mịt. Một lần trở lại Huế, hai lần trở lại Huế…
Nhà văn Ngô Thị Ý Nhi
Ừ, thì Huế vẩn là Huế đó, có lạ lùng chi mô. Nhưng đôi lúc lặng người đi, nhìn xa xa chút nữa, Quảng Trị đâu rồi? Ngoài nớ chắc mô còn chi nữa. Chiến tranh chà qua xát lại. Đổ nát hoang tàn. Một người bạn đã bảo tôi rằng buồn lắm. Anh đã từng đi qua những gạch ngói ngổn ngang, những tường thành ám đen mùi khói súng nhưng chưa bao giờ thấy buồn như đi qua con đường đó. Cây dại và chuối hoang mọc ken đầy. Những buồng chuối vàng lặng thầm chín rục, lặng thầm rơi rụng không người hái. Hoang vu… Tôi không biết thời điểm nào con đường nào anh đã đi qua. Chỉ nghe và biết như thế về thành phố nhỏ, lòng chợt cồn lên một nỗi tê dại xót xa. Thành phố với những con đường nhỏ loanh quanh mà bàn chân một đứa bé lên năm lên sáu như tôi không thể nào qua hết. Tôi sống với ngoại ở đó, những ngày thơ dại, trong căn nhà cổ hình chữ L rộng thênh thang với khu vườn xanh mát bóng cây. Cây xoài , cây nhãn , cây mãng cầu, cây mít… Những cây ngoại trồng trừ cây ổi cho những chùm quả ruột đỏ au, cây mít thi thoảng được đôi ba trái xẻ ra cả nhà chia nhau khen tấm tắc. Những cây còn lại chỉ làm mỗi việc xòe tán lá xanh che mát một khoảng sân vườn. Mà hoàn thành nhiệm vụ đó cũng cả một sự kiên trì bền bỉ.
Trời khi nắng thì nắng chang chang gió nam Lào quạt lửa, khi mưa thì mưa tầm tả dầm dề. Đất thì khô cằn lổn ngổn đá sỏi chen nhau. Tôi hết chạy khắp sân trước lại lùng sục vườn sau. Vườn có mấy bụi nhài ngoại trồng bên cửa sổ sáng sáng hé những nụ hoa trắng nõn thơm thơm. Rồi cũng mít, cũng nhãn và thêm cây khế nữa, khế chua. Ở cuối góc vườn là cái giếng. Là giếng “nhà mình” nhưng được rào chia hai phần không đều nhau. Hai phần ba miệng giếng lọt trong vườn. Một phần ba còn lại cũng thuộc đất vườn nhà mình nhưng lại trổ một lối nhỏ thông với ngõ sau để bà con bên ngoài đến gánh nước. Bởi người ta đồn nhau nước giếng này trong veo mà ngọt lắm. Con bé năm tuổi như tôi vẫn tì cằm vào thành giếng ngó xuống dõi theo những chiếc gàu thả xuống kéo lên. Tiếng gàu chạm lanh canh, tiếng nói cười rôm rã làm xao động một góc vườn tĩnh lặng. Trên thành giếng có con số 1959 được khắc và sơn màu đỏ chói. Ông ngoại bảo đó là năm xây cái giếng này. Chiến tranh đi qua, tất cả tan tành. Nhưng lạ lùng thay, giữa những ngổn ngang đổ nát đó con số 1959 vẫn còn trên thành giếng vỡ. Người ta kể với gia đình tôi rằng chị Hòa, một người làm cũ của ông bà ngoại, lâu lâu đi chợ lại tìm về chốn cũ, ghé bên giếng, lột nón lá ra, ngồi khóc. Hình ảnh đó đã chạm vào những vỡ nát lòng tôi, chạm vào nơi sâu thẳm nhất…
Rồi thì cũng có một ngày mấy chị em kéo nhau về quê ngoại, trên chuyến xe đò cũ kỷ già nua. Cũng đã nhiều đổi thay nhưng sao đâu đó vẫn gặp lại điều gì rất cũ. Giọng bolero trầm đục buồn buồn, cái lon sữa bò hoen rĩ trước mặt người ăn xin. Cũng thúng mủng, cũng đòn gánh và nón lá. Những chiếc nón lá dãi dầu, tấm áo bạc mồ hôi. Và Quảng Trị, cái chất giọng Quảng Trị thì còn lẫn vào đâu được. Qua cầu Mỹ Chánh trên con đường hai bên cát trắng, cát trắng chói chang. Đâu có xa xôi gì một hành trình chừng sáu mươi cây số. Ừ, đâu có xa xôi gì. Sao mình không về? Sao không về?
Quảng Trị đây rồi. Cảm giác đầu tiên của tôi là một cái gì thật bất ngờ ôm choàng lấy mình, thân thiết và da diết đến trào nước mắt. Cũng mặt đất đó, cũng bầu trời đó, cũng ngọn gió đó, gợn mây đó. Như một vòng tay ôm. Đó là vòng tay thiết tha của bà mẹ tảo tần xăng xái, tất bật lo toan trọn vẹn trong ngoài. Tôi nhìn quanh. Nhà cửa đã bắt đầu mọc lên, đường xá đã ngay hàng thẳng lối. Mấy cây bàng con con mới tập tành xòe một chút bóng râm. Thành phố hồi sinh sau bao đổ nát. Tôi tìm thấy con đường Trần Hưng Đạo và bước chân như bị cuốn hút đi. Trên cầu Ga đi về, bên phải sẽ là ty Công Chánh của ông ngoại, bên trái là bệnh viện nơi mẹ làm việc. Vừa đi vừa nhìn quanh quất nhưng đâu còn gì của ngày xưa. Chỉ còn ngôi trường Bồ Đề sừng sững đập vào mắt tôi dấu tích của tháng ngày binh lửa. Những bức tường loang lỗ đạn bom ám đen màu khói súng. Cả một thành phố tội nghiệp chợt hiện ra. Tôi vẫn nhớ, vẫn nhớ con đường và ngôi nhà của ngoại, tường quét vôi vàng, khung cửa nâu. Những ngày mưa tôi áp mặt mình vào song cửa ngó mãi ra đường. Những chiếc xe GMC chở lính lũ lượt chạy qua. Những chiếc xe đội mưa, phủ bạt và không bạt, nòng súng chỉa lên trời. Họ đi về đâu, về đâu không biết nữa. Đó là một hình ảnh buồn, trong trái tim non nớt của tôi. Thành phố với tiếng đại bác lâu lâu vọng về. Lâu dần thành ra quen thuộc…
Tôi đi quanh quất nhìn trước nhìn sau. Nhà cửa chưa nhiều lắm, phần lớn tập trung dọc hai bên đường. Chịu, không thể nào xác định được vị trí nhà ngoại ngày xưa. Căn nhà số 135 Trần Hưng Đạo cũng nằm ngoài mặt đường có giàn hoa ti-gôn đỏ chỉ còn trong ký ức. Cái giếng… may ra thì còn cái giếng. Nhưng cái giếng tôi cũng không thể tìm ra.
Vài năm sau chúng tôi trở lại trên một chuyến xe tiện nghi hơn để thấy thành phố nhiều đổi thay hơn. Nhà cửa bắt đầu san sát nhau, phố xá bắt đầu tấp nập, hàng quán vui vẻ tiếng cười. Thằng em vốn năng động và tháo vát đã hỏi gần hỏi xa đi đúng trọng tâm tìm ra cái giếng. Chúng tôi gặp lại nó, cái giếng của chị em tôi. Nhưng nó không còn là cái giếng vỡ mà chị Hòa một dạo ghé qua lột nón lá ngồi khóc nữa. Thành giếng được tô tròn vành vạnh và con số 1959 được sơn màu đỏ chót, màu của ông ngoại ngày xưa. Chỉ có điều nó không còn chiếm hữu một góc vườn thênh thang ngó trời ngó đất, mà lui về nép vào một góc trong căn nhà nhỏ. Đất thành phố mà, mấy ai còn để trống. Chúng tôi nhìn ngắm nó, chạm bàn tay vào nó, hỏi han vị chủ nhà. Anh cho biết đã về đây dựng nhà lập nghiệp. Anh kể với mẹ tôi rằng khi đào bới mảnh đất này anh có nhặt được một cái nhẫn. Và anh cũng thực lòng thú nhận rằng hồi đó cơ cực quá anh đã bán mất rồi. Vâng, ngày đó thì có cái gì người ta cũng bán. Nếu tôi có nó tôi cũng đâu giữ được nó. Tôi cũng bán ăn. Ai cũng đói mà. Chúng tôi từ giã rồi rủ nhau đi quanh quất mấy con hẻm sau nhà. Những ngôi nhà cấp bốn xinh xinh, những vuông sân, những mảnh vườn nho nhỏ. Những cây mít, cây nhãn gầy guộc mang một dáng dấp rất riêng. Chị em tôi đi loanh quanh trong vòm trời thơ ấu của mình.
Vậy là từ đó lâu lâu chị em tôi lại rủ nhau “về thăm cái giếng”. Cuộc sống cứ mải miết trôi, thành phố không ngừng phát triển. Mảnh đất nhỏ cũng lắm đổi thay, mấy lần đổi chủ. Con phố khác xưa số nhà cũng đổi tới đổi lui. Mỗi lần về lại tìm tòi lại hỏi han đi tìm một thành giếng cũ. Lần gần đây nhất lại một vị chủ nhà mới. Mảnh đất xưa giờ đã xẻ lô mở quán ăn, lập cửa hàng kinh doanh mua bán. Đất mặt tiền mà. Gặp anh bộ đội phục viên, anh cho biết gia đình anh chỉ thuê lại chỗ này. Thấy mẹ tôi đầu tóc bạc trắng anh không ngần ngại xin ôm mẹ một cái; “Mẹ, con là bộ đội Trường Sơn, dọc ngang khắp cả. Chỉ tiếc một điều là đi về thì không còn mẹ.” Từ vòng ôm đó khoảng cách thu lại rất gần. Chuyện chiến tranh, chuyện hòa bình, chuyện nhịp sống thành phố từng ngày thay đổi.
Rồi cũng đến lúc từ giã anh chủ nhà mà sự vồn vã có trên mức bình thường một chút. Ra đi không ai bảo ai nhưng cả mấy chị em đều thấy thiếu một cái gì. Cái giếng, đúng là cái giếng. Lần này trở về không còn gặp được nó. Nó vẫn còn đó nhưng nhà cửa sau bao lần sửa đi xây lại, tấc đất tấc vàng, lần này nó ẩn mình sâu hơn chút nữa. Nó nằm… trong phòng ngủ của gia đình. Chủ nhà nhiệt tình lắm nhưng cả đoàn ai cũng ngại. Thôi thì biết nó còn đó để nhủ lòng rằng mình đang đứng trên mảnh đất của ngày xưa, con đường này cũng ngày xưa, thành phố này cũng ngày xưa…
Điểm tâm ở Đông Hà. Vào quán, món xôi gà được dọn ra. Chúng tôi mở to mắt ngó. Một “đọi” xôi, mỗi người một đọi. Mới sáng ra ăn làm sao hết. Từ tốn, nhẫn nha từng thìa một, vừa ăn vừa thương cái xứ “ăn chắc mặc bền”. Cuối cùng thì cũng xong, thanh toán luôn cả dĩa dưa môn quen thuộc ăn kèm nữa. Dưa môn, mẹ tôi cũng là dân dưa môn. Tôi nhìn bàn tay mẹ, những đồng tiền chắt chiu nuôi đàn con khôn lớn. Đồng tiền khi đã vào tay mẹ thì vấn đề đặt lên hàng đầu là đảm bảo việc học hành cho mấy đứa con. Tôi chợt nhớ đến ông chủ nhà bộ đội Trường Sơn và tấm bằng đỏ anh lôi ra từ cốp xe. Con gái anh đó. Giỏi lắm. Tốt nghiệp Đại Học rồi được nhận vào làm việc cho một công ty lớn lắm. “Mình cực mà. Chỉ có học mới thiệt đổi đời”. Khi ra về, chị bán nước trước nhà nháy mắt bảo tôi rằng hồi chiến tranh anh bị thương nặng lắm chết đi sống lại nên bây giờ đầu óc… đôi lúc không được bình thường. Tôi mỉm cười ngước nhìn trời xanh. Thái độ vồ vập nhiệt tình của anh cũng có cao hơn mức bình thường một chút nhưng “chỉ có học mới thiệt đổi đời” thì đâu có bất thường.
Những con đường thênh thang dọc ngang bốn phương tám hướng trải dài trước mắt. Cam Lộ, Lao Bảo, Khe Sanh, A Sao, A Lưới… những cái tên quen thuộc của một thời khói lửa ngút trời. Tôi lại nhớ về thành phố nhỏ. Ô cửa sổ với những chấn song tôi áp mặt vào mở to đôi mắt nhìn hoài nhìn hoài trời mưa. Những chiếc xe GMC chở đầy lính đội mưa đi về đâu không biết.
Quê tôi là Quảng Trị
Mệnh danh tuyến địa đầu
Hai câu thơ học trò của một người bạn in trong nội san trường tôi. Tôi nghĩ đến anh, người bạn cùng trang lứa. Tuổi trẻ chúng tôi, nghe tiếng bom dội vào từng trang sách. Chiến tranh kéo dài thêm chút nữa, rồi cũng đến lượt anh cầm súng. Giày saut, áo trận, bốn vùng chiến thuật bước chân anh về đâu? Và mảnh đất này, nơi chảo lửa chiến tranh, nơi địa đầu giới tuyến. Biết đâu…
Giờ thì anh đã mất, ở một nơi xa xôi lắm. Đã có bao giờ anh trở lại Đông Hà – Quãng Trị, nơi mà chiến tranh đã bứt lìa anh, đẩy anh đi biền biệt. Anh có như tôi bây giờ trở về đặt chân lên mảnh đất này, con đường này, nhìn lên bầu trời này mà chớp mắt, chớp mắt… Tôi bước xuống xe bên vệ đường trong một chặng dừng chân. Một bà cụ ngồi dưới gốc cây bày bán mít. Quả mít chừng của vườn nhà mới chín được cẩn thận cắt xẻ từng miếng. Mủ trái cây ứa ra trên những múi vàng ươm. Lưng hơi còng xuống, cái nón lá cũ kỷ đội đầu, bà cầm một tàu lá chuối nhỏ phất qua phất lại. Những quả mít hiếm hoi trong khu vườn nhỏ. Sau lưng nhà ngoại cũng có những khu vườn như thế, những ngôi nhà như thế. Và con bé trạc tuổi tôi, tên Vĩnh, thi thoảng cũng được mẹ xẻ cho một quả mít đem ra bên cột điện lề đường bày bán. Nó chỉ lớn hơn tôi vài tuổi nhưng trông già dặn lắm. Nách theo một đứa em, nó đuổi ruồi bằng một túm lá sầu đâu phe phẩy. Tôi chạy ra chạy vô đứng bên này đường thèm thuồng nhìn nó. Tôi muốn được như nó, muốn có một đứa em để ẳm bồng, muốn có một thứ gì đó để bán mua mời mọc. Ở trong Huế mẹ cũng sanh liền cho tôi mấy đứa em chớ. Nhưng tôi không ở với mẹ. Ông bà ngoại “bắt” tôi về nuôi vì mẹ là con gái út lấy chồng xa, nhà cửa vắng vẻ quá. Và cứ thế tôi vô ra một mình trong ngôi nhà cổ, trong sự thèm thuồng tưởng chừng như vô lý của tuổi thơ.
Tôi bắt chước nó, tha thẩn hái những dái mít non còn lấm tấm phủ cám. Một cái rổ con con, mấy mảnh lá chuối tươi, tôi cũng bày hàng bên chiếc cột trước hiên nhà. Tay cầm túm lá nhãn quơ qua quơ lại với một con búp-bê đặt kế bên, tôi chào mời những khách hàng tưởng tượng, đếm tới đếm lui những đồng tiền lá mít của mình. Cuối cùng con Vĩnh cũng bán xong trái mít của nó. Nó cắp rổ bế em về. Ngỏ nhà nó phải đi ngang qua nhà mụ Cường. Nó chẳng sợ mụ Cường. Cứ nhìn khuôn mặt tỉnh bơ của nó thì biết. Tôi không phải là nó. Khuôn mặt già nua nhăn nhúm của mụ Cường không bao giờ tôi dám nhìn thẳng. Thoáng thấy mụ là tôi chạy trốn. Từ nhỏ mỗi khi quấy khóc không ngoan là mệ ngoại lại đem mụ Cường ra dọa. Tôi sợ căn nhà bí ẩn của mụ. Căn nhà có cái chồ lúa luôn luôn đóng cửa mà người ta bảo tôi rằng đó là nơi mụ nhốt những đứa con nít lọt vào tay mụ. Tôi không dám ra khỏi nhà một mình. Chỉ dám mở hé chiếc cổng sắt thò đầu ngóng ông ngoại đi làm về từ ty Công Chánh phía trên ga, hoạc ngoái về phía Sải chờ mệ đi chợ về. Nhưng tôi lại rất thích căn nhà bên phải, cách nhà ngoại một con hẻm nhỏ. Cửa nẻo luôn mở, nhà này xay bột để bán. Bột gì tôi không biết chỉ nghe mùi chua chua. Tiếng cối xay đều đều nhịp cùng tiếng hát. Đôi lúc hứng lên, hát tới hát lui một câu duy nhất “Đêm nay trăng sáng quá em ơi / Sao tim anh lạnh lẽo như cà-rem ở trong lò”.Đó là anh Nuôi, người xay bột. Tôi chỉ thoáng thấy cái lưng trần đẫm mồ hôi của anh, còn khuôn mặt anh, tôi không hề nhớ. Khuôn viên nhỏ bé của tôi quanh đi quẩn lại chỉ có thế.
Nhưng khi những cơn mưa dai dẳng của miền Trung muốn dứt mà chưa dứt hẳn. nắng vàng chỉ mới hé những sợi run rẩy cuối vườn thì căn nhà cổ như ấm hẳn lên. Trong giỏ đi chợ của ngoại đã có một hai thứ hàng Tết. Bắt đầu là măng khô, nấm mèo, miến, nếp, đậu xanh… Tiếp theo là hương vị của mứt. Ngoại làm đủ thứ. Mứt gừng, bí đao, thơm, me… Mà có cả me dầm, bánh in nữa. Thế mới thích chớ. Tôi vui lắm, lùng sục sân trước vườn sau, chạy nhảy quanh nhà líu lo ca hát “Đêm nay trăng sáng quá em ơi…”.Ông ngoại nghe được cấm tôi không được hát. Nhưng tôi vui quá mà. Rồi gia đình các cậu về ăn Tết. Cả ba mẹ cũng đem các em về nữa. Dĩ nhiên cái giếng là nơi chứng kiến tất cả sự rộn rịp đó. Mâm thau, xửng bánh, tam sự… được đem ra thay nhau chùi rửa. Người vô kẻ ra nói cười rôm rả. Những chiếc gàu kéo lên kéo xuống chạm vào thành giếng lanh canh. Cây khế xòa xuống, lấm tấm hoa. Bầu trời cao hơn, trong hơn và chim về nhiều hơn.
Tôi chỉ chờ con Vĩnh xuất hiện bên thành giếng là chạy vội ra hăm hở: “Tau cũng có em”.Chỉ cần có thế. Niềm vui vỡ òa trong tôi. Có em thì hạnh phúc quá đi chớ. Tôi đâu còn phải chơi lủi thủi một mình. “Giả đò” mua bán, “giả đò” nấu ăn… Hai cái khăn mặt nhét vào lưng quần, một trước, một sau làm vạt áo dài, tôi le te dắt theo đứa em đi tới đi lui góc sân nơi mấy chậu thược dược ông mới chở về “giả đò” đi chợ Tết. Rồi dẫn em ra giếng nghiêm mặt dặn dò em không được ra đây một mình, không được nhón chân nhìn xuống giếng. Mà quả tình bây giờ tôi cũng không nhớ lúc đó hai chị em cao hơn thành giếng được bao lăm. Thành giếng có con số 1959, năm sinh của em tôi, cái giếng nhỏ hơn tôi hai tuổi. Và cái thành giếng đó, cái thành giếng nơi chị Hòa tìm về lột nón lá ngồi khóc. Chị có nhớ những mùa xuân…
Lần này chúng tôi không gặp nó, cái giếng của tuổi thơ tôi. Buồn lắm. Buồn nên nghĩ lan man nhiều lắm. Mẹ bảo xưa nay người mình không ai lấp đi một cái giếng. Tôi tin như thế. Cả mấy chị em đều tin như thế. Ừ, ai mà nở lấp đi. Nó tươi mát thế kia, trong trẻo thế kia, hồn nhiên thế kia… Qua bao thăng trầm đổ nát nó vẫn còn đó, ngóng chờ những bước chân xa xứ tìm về. Vâng, cái giếng vẫn còn đó. Chỉ là nó khép mình vào một góc khuất, khép lại một bầu trời, khép lại một vùng ký ức, nhưng trong lòng nó những mạch ngầm tươi mát vẫn tràn trề…
Chúng tôi cho xe chạy qua cầu Hiền Lương. Đi qua để có cảm giác mình đã đi qua vì con đường trước mắt thênh thang quá và bầu trời thì rộng quá. Tôi lại nhìn trời xanh chớp mắt, chớp mắt… Mai về lại Huế rồi. Huế là quê nội của tôi, quá nhiều tình thân, quá nhiều gắn bó. Mỗi lần xa Huế lòng tôi lại dấy lên những ngậm ngùi, lưu luyến nhưng còn Quảng Trị… Quảng Trị ơi, sao mỗi lần rời xa Quảng Trị tôi cứ phải cắn môi trào nước mắt.
NGÔ THỊ Ý NHI
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: