Về một bản dịch thơ Nhật ký trong tù

Đọc Nhật ký trong tù, chúng ta được tiếp xúc với một con người vĩ đại mà vẫn rất đỗi bình thường, giản dị, được tiếp xúc với một tâm hồn thi sĩ rất thanh cao, trong sáng và cũng rất dễ hoà đồng, dễ xúc động trước niềm vui nỗi buồn của con người, trước cái đẹp của thiên nhiên tạo vật.

1. Thơ ca là lĩnh vực nổi bật trong giá trị sáng tạo văn chương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Người, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng, là công cụ hữu hiệu trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”. Câu thơ nổi tiếng của Người trong bài Cảm tưởng đọc thiên gia thi “Nay ở trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong” đã khẳng định nhiệm vụ cao cả của văn học nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng trong sự nghiệp cách mạng. Thơ Hồ Chí Minh hết sức phong phú, đa dạng, sáng tác ở nhiều thời điểm và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, với nhiều bút pháp khác nhau, được viết bằng cả chữ quốc ngữ và chữ Hán.

Trong số các tác phẩm thơ trữ tình của Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù* chiếm một vị trí đặc biệt. Tập nhật ký – thơ sáng tác bằng chữ Hán trong thời kỳ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm ở Quảng Tây (Trung Quốc) khoảng 1942-1943 đã ra đời như một “hành động ngẫu nhiên”, một sự “vạn bất đắc dĩ” (lời Đặng Thai Mai) của một người tù cộng sản vĩ đại xem ngục tù chỉ là chốn dừng chân, nghỉ ngơi trên con đường cách mạng đầy chông gai, gian khổ.

Tập nhật ký gồm 133 bài thơ, phần lớn là tứ tuyệt, vừa giàu ý nghĩa tả thực, đã ghi lại trung thành một chặng đường gian nan, cực khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa giàu chất trữ tình, đã thể hiện chân thực “chân dung tinh thần” của một bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng” (lời Viên Ưng – nhà thơ Trung Quốc). Đọc Nhật ký trong tù, chúng ta được tiếp xúc với một con người vĩ đại mà vẫn rất đỗi bình thường, giản dị, được tiếp xúc với một tâm hồn thi sĩ rất thanh cao, trong sáng và cũng rất dễ hoà đồng, dễ xúc động trước niềm vui nỗi buồn của con người, trước cái đẹp của thiên nhiên tạo vật.

Ra đời từ 1942-1943, sau một thời gian khá dài lưu lạc, đến tháng 5 năm 1960, Nhật ký trong tù được Viện Văn học tổ chức dịch và xuất bản gồm 114 bài. Đến năm 1983, tái bản có chỉnh lý và bổ sung với số lượng 127 bài. Nhân dịp 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm mới được công bố trọn vẹn  là 133 bài. Cho đến nay, Nhật ký trong tù được tái bản nhiều lần, tham gia dịch thuật có nhiều bậc túc nho, các nhà thơ, nhà nghiên cứu nổi tiếng: Xuân Thủy, Nam Trân, Huệ Chi, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Sĩ Lâm, Băng Thanh, Đỗ Văn Hỷ, Vũ Huy Động, Văn Trực, Trần Đắc Thọ…

2. Do tính chất ngắn gọn, súc tích, “ý tại ngôn ngoại” của nhiều bài thơ trong Nhật ký trong tù nên dù cố gắng đến đâu, các dịch giả cũng khó chuyển tải hết nội dung và nghệ thuật của thơ Bác. Nhiều bài thơ xuất hiện hai hoặc ba bản dịch khác nhau, nhưng bạn đọc vẫn chưa thỏa mãn. Vì thế quá trình dịch thuật Nhật ký trong tù vẫn đang tiếp diễn. Gần đây, xuất hiện một bản dịch Nhật ký trong tù của Hoàng Bá Vy (Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, nạp lưu chiểu Quý 4/2020).

Bản dịch Nhật ký trong tù của Hoàng Bá Vy chỉ sử dụng lại 4 bản dịch đã có của Nam Trân (Tẩu lộ – Đi đường, Tự miễn -Tự khuyên mình, Nhất cá đổ phạm “ngạnh” liễu – Một người bạn tù cờ bạc chết cứng, Đáo Quế Lâm – Đến Quế Lâm). Phần còn lại (128 bài – do bài số 100 là Liễu Châu ngục chỉ có tên bài mà không có thơ kèm theo) tác giả tự dịch (trong đó 106 bài dịch bằng lục bát, 19 bài dịch bằng song thất lục bát, 01 bài song thất lục bát biến thể, 1 bài 5 chữ, một bài 7 chữ). Người dịch cũng đã nói rõ quan điểm là muốn sử dụng các thể thơ dân tộc để dịch Nhật ký trong tù.

Nhìn trên tổng thể, có thể thấy bản dịch của Hoàng Bá Vy thể hiện sự am hiểu, nắm vững văn bản chữ Hán và có những nỗ lực, sáng tạo trong dịch thuật. Ông đã nghiên cứu rất kỹ các bản dịch trước đó, tìm cách khắc phục các hạn chế, vì thế một số bài thơ do Hoàng Bá Vy dịch vừa sát đúng hơn với nguyên tác, vừa giữ được sự trong sáng, thanh thoát (Khai quyển, Vấn thoại, Vãn cảnh, Khán thiên gia thi hữu cảm, Ngọ, Trung thuĐổĐổ phạmSơ đáo thiên Bảo ngục, Lai Tân… Lấy bài thơ Khai quyển làm ví dụ:

Lão phu nguyên bất ái ngâm thi,

Nhân vị tù trung vô sở vi;

Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật,

Thả ngâm thả đãi tự do thì.

Bản dịch của Nam Trân:

Ngâm thơ ta vốn không ham,

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây;

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

Bản dịch của Hoàng Bá Vy:

Già này chẳng chuộng ngâm thơ,

Trong tù không việc thì giờ uổng thay;

Mượn thơ ngâm vợi hôm mai

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

Trong bài thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng từ 老夫 “Lão phu” (già này) là đại từ nhân xưng thân mật, khiêm nhường, Nam Trân dịch thành “ta” không thật phù hợp. Bản dịch của Hoàng Bá Vy dịch thành “già này” sát đúng hơn với nguyên tác và văn phong tác giả. Câu thứ ba trong bản dịch của Nam Trân cũng dịch thoát mà bỏ qua chữ  聊  “liêu tá” (đành mượn, tạm mượn), Hoàng Bá Vy dịch thành “Mượn thơ ngâm vợi hôm mai” sát đúng hơn với nguyên tác.

Hay bài Nạn hữu xuy địch (Người bạn tù thổi sáo), 2 câu đầu: Ngục trung hốt thính tư hương khúc/ Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu, bản dịch của Nam Trân là: “Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu/Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu”. 思鄉曲 “Tư hương khúc” (khúc nhạc nhớ quê) được dịch thành “sáo vi vu” không thực hợp với văn cảnh. Hoàng Bá Vy dịch: “Trong tù vẳng khúc tình quê/ Thê lương âm điệu não nề tâm can”. Cũng với tinh thần bám sát văn bản, Hoàng Bá Vy đã dịch sát hơn 2 câu thơ cuối trong bài bài Sơ đáo Thiên Bảo ngụcTriệt hạ hựu vô an thụy xứ/ xí khanh thượng tọa đãi triêu lai là: “Không chỗ nằm thức suốt đêm/ Mong trời mau sáng ngồi trên bồn cầu”…

Cũng có trường hợp, bản dịch trước đó giữ nguyên các thành ngữ tiếng Hán, Hoàng Bá Vy dịch lại cho thuần việt hơn, chẳng hạn 2 câu cuối bài Tảo II (Buổi sáng): Khuyến quân thả ngật nhất cá bãoBỉ cực chi thì tất thái lai được Nam Trân – Xuân Thủy dịch là: “Khuyên anh hãy gắng ăn no bụng/ Bỉ cực rồi ra ắt thái lai; Hoàng Bá Vy dịch như sau: “Ăn no xin nhớ nghe anh/ Tận cùng cực khổ ắt thành sướng vui”.

Có một vài trường hợp tác giả sáng tạo dịch đảo ý các câu thơ trong nguyên tác, nhưng ý nghĩa toàn bài vẫn hợp lý, chẳng hạn bài Lộ thượng (Trên đường đi). Nguyên tác bài thơ là:

Hĩnh tí tuy nhiên bị khẩn bang

Mãn sơn điểu ngữ dữ hoa hương

Tự do lãm thưởng vô nhân cấm

Lại thử chinh đồ giảm tịch lương

Hoàng Bá Vy dịch đảo ý các câu 2 và 3:

Mặc dù bị trói chân tay

Tự do thưởng ngoạn đố ai cấm dừng

Chim ca hương ngát hoa rừng

Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hưu

Một bài khác là Văn thung mễ thanh

(Nghe tiếng giã gạo),

Hoàng Bá Vy đã dịch đảo ý 2 câu thơ: Nhân sinh tại thế dã giá dạng/ Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên là “Gian nan rèn luyện thành công/ Con người cũng vậy sống trong cõi đời”.

Có một số trường hợp, Hoàng Bá Vy dịch tiêu đề bài thơ khác với người đi trước: Vấn thoại (Lời hỏi) được dịch là “Chất vấn và đối thoại”; Phân thủy (Chia nước) được dịch là “Khẩu phần nước”; Tảo giải (Giải đi sớm) được dịch là “Giải đi lúc nửa đêm); Cảnh binh đảm trư đồng hành (Lính gác khiêng lợn cùng đi) được dịch là “Bị giải đi cùng lính khiêng lợn); Tứ cá nguyệt liễu (Bốn tháng rồi) được dịch là “Vừa trải qua bốn tháng”; Nạp muộn (buồn bực) được dịch là “Buồn nẫu ruột”, Khán thiên gia thi hữu cảm (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi) được dịch là “Đọc Thiên gia thi cảm tác”.

Có 1 trường hợp, Hoàng Bá Vy có cách hiểu khác với những người dịch trước đó, đó là chữ 本 “bản” (có thể đọc là “bổn”) hay 夲 “bổn” trong bài Vấn thoại (Lời hỏi). Hoàng Bá Vy đã có hẳn một bài viết (đăng cuối sách) nói rõ hơn điều này. Phần lớn người đọc hiểu “bản” là “gốc”, “vốn có”, do đó Huệ Chi – Nguyễn Sĩ Lâm dịch là: “Quan tòa tính vốn thiện/Vờ làm bộ dữ dằn”. Hoàng Bá Vy hiểu “bổn” là “tiến thủ”, “hai mặt”, “nước đôi” nên dịch như sau: “Quan tòa trở mặt giở bài/ Hầm hầm mặt ác, ra oai pháp tòa”. Hai cách hiểu khác nhau này rất cần thiết được trao đổi, xem xét thêm.

3. Tất nhiên cũng có thể nhận thấy một số hạn chế trong các bản dịch của Hoàng Bá Vy. Một số bài thơ dịch chưa thoát ý và câu thơ dịch còn gượng ép (Thế lộ nan II, Ngọ hậuVãn, Nạn hữu nguyên chủ nhiệm L…). Có trường hợp Hoàng Bá Vy cố gắng khắc phục lỗi của người dịch trước để bám sát hơn nguyên tác, nhưng chữa được chỗ này lại tạo ra sự bất ổn mới. Đó là bài Vãn cảnh (Cảnh chiều hôm) đã từng được đưa vào chương trình trung học phổ thông. Bài thơ đa nghĩa, 2 câu đầu trong nguyên tác: Mai khôi hoa khôi hoa hựu tạ/ Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình; bản dịch phổ biến nhất là của Nam Trân: “Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng/ Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình”. Do áp lực của thanh, Nam Trân đã đảo ý từ “hoa khai hoa tạ” (hoa nở hoa tàn) thành “hoa tàn hoa nở”, vô tình làm mất đi ý nghĩa tuần hoàn của thời gian.

Để khắc phục, Hoàng Bá Vy dịch lại như sau: Hoa hồng nở hoa hồng tàn/Nở tàn quy luật tuần hoàn thời gian. Người dịch khắc phục được lỗi đảo ý của câu 2, nhưng dịch “lưỡng vô tình” ( cả 2 (sự ấy) đều là vô tình) thành “quy luật tuần hoàn thời gian” thì đã đi quá xa ý nghĩa trong nguyên bản. Hay trong bài Vọng nguyệt (Ngắm trăng) việc dịch đảo ý các câu thơ 3 và 4 đã làm mất đi ý nghĩa chủ động của nhân vật trữ tình trong việc ngắm trăng trong ngục: “Ngoài song trăng ngắm nhà thơ/ Ngắm trăng người ghé song thưa trước phòng”.

4. Dịch giả Hoàng Bá Vy quê quán huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, thường trú tại Quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, có phẩm chất của một ông đồ xứ Nghệ. Ông tự nhận mình là người “nghiên cứu Hán Nôm không chuyên”, nhưng đam mê dịch thuật với mục đích “bảo tồn di sản văn hóa, báu vật quốc gia” như ông từng quan niệm 1.

Cho đến nay, ngoài các tác phẩm thơ văn, Hoàng Bá Vy đã cho xuất bản 2 công trình dịch thuật và đối chiếu dịch thuật: Ngục trung nhật ký và Đoạn trường tân thanh, nỗi đau đứt ruột cất lời (Truyện Kiều song hành đối chiếu chữ Nôm và quốc ngữ). Ông cũng đã cùng một số dịch giả khác tham gia dịch Tổng tập Chí đình Nguyễn Văn Lý (1795-1868) do Băng Thanh chủ biên. Đây là những nỗ lực thể hiện tâm huyết đối với nền văn học Hán – Nôm của dân tộc. Với Nhật ký trong tù, Hoàng Bá Vy “đã rất cố gắng trong nhiều năm để hoàn thành bản dịch” và tác giả “coi đây là một cách thể nghiệm nhằm giúp bạn đọc tiếp cận nguyên tác theo hướng thơ truyền thống dân tộc Việt Nam”2. Mặc dù không thể tránh khỏi những khiếm khuyết, nhưng những gì mà Hoàng Bá Vy đã làm với Nhật ký trong tù rất đáng được trân trọng và ghi nhận.

ĐINH TRÍ DŨNG

Trích nguồn: Vanvn.vn