Emile Zola là nhà văn lớn của nước Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Cùng với Guy de Maupassant, ông là một trong hai tác giả được công chúng Pháp tìm đọc nhiều nhất thời bấy giờ. Sách của ông đa phần đều thuộc loại ăn khách.
Chân dung Emile Zola (1840-1902)
Các cuốn “Nảy mầm” và “Quán rượu” của ông từng được in tới 300 ngàn bản – một con số đặc biệt ấn tượng. Cuộc đời ông diễn ra hết sức sôi nổi, với các hoạt động xã hội gây sự chú ý của hàng triệu người. Từng có lúc ông bị hiểu lầm, bị cáo buộc là “phản quốc” rồi lại được xóa án và được tôn vinh. Ở tuổi 62, ông qua đời vì sự cố ngộ độc khí carbon monodixe. Sáu năm sau, hài cốt ông được đưa vào an táng tại Điện Pantheon, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng dành cho các vĩ nhân của nước Pháp, trở thành nhà văn thứ tư (sau Voltaire, Jean Jacques Rousseau và Victor Hugo) được an táng tại đây. Đọc lời điếu trong lễ tang Emile Zola, văn hào Annatole France đã ca ngợi ông là “lương tâm của nhân loại”…
Tên đầy đủ của ông là Emile Edouard Charles Antoine Zola. Ông sinh ngày 2 tháng 4 năm 1840 tại Paris nhưng thuở ấu thơ chủ yếu sống tại vùng Aix-en-Provence, phía Nam nước Pháp. Bố ông là một sĩ quan Ý nhập quốc tịch Pháp, đã mất năm Zola mới lên 7 tuổi. Zola là con trai duy nhất trong nhà. Bởi hoàn cảnh gia đình túng bấn nên ít năm sau, hai mẹ con Zola phải rời quê lên Paris tìm kế sinh nhai. Sau này, Zola đã ghi lại nỗi vất vả, cơ cực của hai mẹ con ông trong các cuốn “Vui sống” và “Bác sĩ Pascal”.
Thuở trung học, Zola theo học tại trường Saint Louis (Paris). Năm 1860, ông trượt tốt nghiệp vì thi hỏng môn văn. Rời mái trường không một mảnh bằng, Zola quay sang kiếm sống bằng nghề thư ký cho Nhà xuất bản Hachette. Tại đây, vừa làm ông vừa tranh thủ viết bài cho một số tạp chí về cả mảng chính trị lẫn văn học. Sau khi được lãnh đạo nhà xuất bản khuyến cáo không nên tham gia viết bài về những đề tài khiến giới cảnh sát cũng như triều đình phải “để mắt tới”, Zola đã xin thôi việc để được viết tự do theo sở thích. Cũng trong thời kỳ này, cây bút trẻ đã làm quen được với nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, trí thức, trong đó có Hippolyte Taine, người sau này có nhiều ảnh hưởng tới thế giới quan của ông. Qua việc viết báo, Zola còn làm thân với họa sĩ Edouard Manet và trở thành một trong những cây bút tiên phong trong việc đấu tranh cho sự thắng thế của trường phái hội họa Ấn tượng.
Năm 1864, Emile Zola cho xuất bản tập truyện ngắn đầu tay có tên gọi “Chuyện kể cho Ninon”. Một năm sau, ông cho xuất bản tiểu thuyết “Lời thú tội của Claude”. Cả hai cuốn sách đều không được công luận chú ý. Năm 1867, Zola cho xuất bản tiếp tác phẩm “Thiếu phụ đam mê”. Lần này, ông đã được người đời “để mắt” tới, nhưng không phải vì giá trị thực của cuốn sách mà bởi nó bị mang tiếng là đi sâu vào khai thác các yếu tố dâm ô và bạo lực. Nhiều bài công kích cuốn sách xuất hiện trên báo chí khiến trong suốt các năm từ 1868 tới 1870, Zola phải bỏ ra nhiều công sức để viết bài “gỡ gạc”…
Vốn rất mê bộ “Tấn trò đời” của Honore de Balzac, ngay sau khi cuộc chiến tranh Pháp – Phổ kết thúc (năm 1870), Emile Zola bắt tay vào viết một loạt tác phẩm mà ông dự định sẽ gộp lại thành bộ tiểu thuyết “Gia đình Rougon – Macquart”. Là người ảnh hưởng đậm “tinh thần thời đại” qua các học thuyết của nhà triết học Pháp Hippolyte, nhà sinh học người Anh Charles Darwin và nhà khoa học người Pháp Prosper Lucas, Zola muốn thông qua bộ sách của mình chứng minh rằng, các hành vi của con người vừa do di truyền vừa do hoàn cảnh môi trường tạo nên.
Dĩ nhiên, trong số 20 cuốn của bộ sách, không phải cuốn nào cũng gây được tiếng vang lớn trong dư luận, song thực tế đã có những cuốn, như cuốn “Quán rượu” được công chúng chào đón đến độ số lượng in trong năm đầu tiên đã lên tới 300 ngàn bản. Mặc dù còn trẻ song với số lượng bản in như vậy, Zola đã trở nên một nhà văn có cuộc sống rất sung túc so với các nhà văn khác ở thời đại mình. Trong số các bức thư của nhà văn hào còn lưu giữ được tới nay, người ta đọc thấy có đoạn ông cho biết ông không thể tham dự một cuộc họp của Hội đồng thành phố vì bận đi… du lịch, và ở một bức thư khác, ông hứa sẽ hỗ trợ kinh phí trong việc tu bổ một nhà thờ.
Zola là nhà văn tôn thờ hiện thực. Ông từng nói với Maupassant rằng, nhiệm vụ của nhà văn chỉ là ghi lại trung thực những gì mình nhìn thấy, không cần đến trí tưởng tượng. Với bộ “Gia đình Rougon – Macquart”, ông muốn nó trở thành một bộ bách khoa toàn thư về muôn mặt đời sống của nước Pháp thời Đế chế thứ hai (tức thời Napoleon Đệ Tam). Có những cuốn, ông bỏ ra cả mấy tháng trời để đi thực tế các nông trại, hầm lò. Có cuốn ông phải đi sâu tìm hiểu hoạt động của thị trường chứng khoán. Không được xem là nhà văn giỏi phân tích tâm lý nhân vật như Flaubert, song Zola rất có biệt tài miêu tả ngoại hình, khiến trong số lượng nhân vật đông đảo của ông, các nhân vật hiếm khi có sự trùng lắp nhau về mặt hình thức.
Mặc dù từng được xem là một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn đàn Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, song tên tuổi của Emile Zola còn “nổi như cồn” kể từ khi ông tham gia minh oan cho một nhân vật trong “vụ án Dreyfus” – một “vụ án thế kỷ” mà lịch sử ngành Tòa án Pháp không thể không nhắc tới.
Có thể tóm tắt vụ việc như sau:
Năm 1894, Đại úy Alfred Dreyfus, một sĩ quan gốc Do Thái làm việc trong Bộ Tổng tham mưu Pháp bị kết án tù vì tội làm gián điệp cho Đức.
Lúc ấy tại Pháp, người dân vẫn còn căm hận việc nước Pháp thất trận, phải nhượng vùng Alsace cho Đức, cho nên vụ cáo buộc Dreyfus (vốn đã bị kỳ thị vì là người Do Thái) làm gián điệp cho Đức càng khiến người này rơi vào thế vô cùng bất lợi.
Thoạt đầu, Emile Zola không hay biết gì về vụ Dreyfus, nhưng sau khi cất công điều tra, ông nhận thấy có nhiều oan trái trong vụ án này.
Ngày 10.1.1898, sau khi kẻ đích thực phản bội Tổ quốc là Esterhazy bị đưa ra xét xử tại Tòa án binh ở Paris và được miễn tố, Zola thấy không thể làm ngơ được nữa. Ông lập tức viết bài “Tôi tố cáo” – hiện được xem là bài viết hay nhất trong lịch sử báo chí thế giới – và cho đăng tải trên tờ Bình minh số ra ngày 13.1.1898. Lượng báo phát hành hôm ấy lên tới 300.000 bản, gấp 10 thường ngày.
Sau bài báo, Zola đã bị một số tướng lĩnh quân đội kiện là đã “xúc phạm” họ. Và tòa án, dù không đưa ra được bằng chứng kết tội song vẫn kết án Zola một năm tù giam kèm mức tiền phạt là 3.000 franc.
Linh cảm chuyện chẳng lành, ngày 18 tháng bảy năm đó, Zola bí mật đáp tàu hỏa, rồi chuyển sang tàu thủy đi London (Anh). Từ đây, ông tạm sống trong một khách sạn với tên giả: Ông Pascal.
Tin về vụ bỏ trốn nhanh chóng loang ra khắp nước Pháp. Báo chí xem đấy như sự thừa nhận tội lỗi. Tài sản của Zola bị tịch thu để thi hành án. Một lệnh truy nã được ban bố nhằm bắt thật nhanh “tên tội phạm nguy hiểm”.
Trong khi đó, tại London, Zola vẫn bình an vô sự trong sự che chở của bạn hữu. Thậm chí, dịch giả Ernest Vizetelly còn cho con gái tới trợ giúp ông trong giao tiếp (làm phiên dịch) và quán xuyến một số việc vặt.
Cuối cùng thì vụ án Dreyfus cũng được xét lại. Năm 1899, bản án năm 1894 bị tuyên hủy. Ngay sau đó, Emile Zola đã có mặt tại Paris, kết thúc gần một năm ăn nhờ ở đậu nơi đất khách quê người.
Tuy được xét xử lại, song thoạt đầu, Dreyfus chỉ được giảm án từ chung thân khổ sai xuống 10 năm khổ sai. Phải đến năm 1906, tức là 7 năm sau đó, anh mới được phục hồi danh dự theo lệnh của Tổng thống.
Vì tham gia gỡ án cho Dreyfus, sinh thời, Zola đã phải chịu nhiều thiệt thòi, cay đắng. Từng được tặng thưởng đệ ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh năm 1888, nhưng khi tham gia “vụ án Dreyfus”, tên nhà văn đã bị loại khỏi danh sách. Không ít lần ứng cử vào Viện hàn lâm Pháp, song ông không một lần vượt được “cửa ải”. Những lời đả kích, tranh biếm họa, ca từ chế nhạo… đổ về ông như thác lũ. Thậm chí có người còn gọi thẳng Zola là “tên phản bội Tổ quốc”.
Văn hào Emile Zola qua đời đột ngột tại nhà riêng ở Paris vào ngày 29.9.1902. Theo nhà chức trách thì nhà văn đã tử vong do bị ngộ độc thán khí ống khói lò sưởi (có giả thuyết còn cho là ông bị ám sát). Cư dân thành phố Paris đã lưu luyến đứng dọc hai bên đường tiễn đưa nhà văn yêu quý của mình về nơi an nghỉ cuối cùng.
Năm 1906, ngay sau khi Deyfus được hoàn toàn phục hồi danh dự, Quốc hội Pháp đã biểu quyết thông qua việc đưa hài cốt Emile Zola vào thờ tại Điện Pantheon sau một trận tranh cãi nảy lửa.
Và ngày 4.6.1908, việc di chuyển đó đã được tiến hành. Trong buổi lễ này, bất chấp sự hiện diện của Tổng thống Pháp, một nhóm phần tử bài Do Thái và bài ngoại (bố Emile Zola là người Ý) đã gào lên: “Hãy quẳng Zola vào hố phân”. Dreyfus khi ấy đứng cúi đầu trên bậc thềm Pantheon khi linh cữu nhà văn mà anh yêu quý được đưa qua cũng đã bị một nhà báo bắn bị thương nhẹ ở tay.
Năm 2008, Quốc hội Pháp và Ban quản lý Điện Pantheon đã đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày di hài của văn hào Emile Zola được đưa về an táng tại đây. Trong buổi lễ giàu ý nghĩa này, trong số khách mời có Brigitte Emile Zola – chắt gái của nhà văn Emile Zola và Charles Dreyfus – chắt trai của Đại úy Alfred Dreyfus
TRẦN TRỌNG NGHĨA
Trích nguồn:mVanvn.vn
Bài viết liên quan: