Lúc sinh thời, cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gọi nữ văn sĩ Harriet Beecher Stowe, tác giả cuốn “Túp lều bác Tôm ” là “quý bà nhỏ bé châm ngòi cho cuộc chiến vĩ đại”.
Tuy nhiên ít ai biết giữa thế kỷ 19 có một “bác Tôm” thực sự, và cuộc đời ông có nhiều điểm trùng hợp kỳ lạ với nhân vật trong truyện.
“Bác Tôm” ở Canada
Ngày 5.6.1851, chương đầu tiên của loạt truyện dài kỳ Túp lều bác Tôm được đăng trên Kỷ nguyên Quốc gia, một tờ báo đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da màu tại Mỹ.
Ban biên tập lúc đầu chỉ dự định kéo dài truyện trong một vài số, nhưng họ lập tức thay đổi khi công chúng chuyền tay nhau đọc về cuộc sống nghèo khổ của bác Tôm dưới chế độ nô lệ. Ở nơi phát hành báo cả ngàn cây số, ông lão Josiah Henson biết tin. Ông đọc về bác Tôm mà thấy như đọc về chính cuộc đời mình, bởi cả hai giống nhau như một giọt nước.
Bác Tôm của bà Stowe sống cả cuộc đời trong cảnh nghèo hèn, không được đối xử như con người. Bác bị chủ nô hành hạ, đánh đập. Chúng ép bác rời bỏ vợ con, rồi bán bác xuống địa ngục trần gian ở miền Nam nước Mỹ.
Trong một lần vùng lên chống lại bọn chủ nô và giúp hai phụ nữ trốn lên phía Bắc, bác bị chúng đánh chết. Henson cũng chẳng khá hơn. Ông sinh ra vào khoảng năm 1789 tại Cảng Tobacco, bang Maryland. Ký ức đầu tiên Henson nhớ về cha mình là một người bị hành hạ như súc vật.
Josiah Henson, hình mẫu của nhân vật “bác Tôm”.
Ông Henson cha bị chủ nô trói vào cột, bị đánh roi, thậm chí bị cắt tai chỉ vì dám tấn công một người da trắng cưỡng bức vợ ông. Sau trận đòn thừa sống thiếu chết đó, cha con Henson không bao giờ nhìn thấy nhau nữa.
Chúng bán ông xuống phía Nam nước Mỹ và có lẽ ông đã chết ở một miền đất xa xôi hẻo lánh nào đó. Về phần Henson, lũ người buôn bán trẻ em tách ông khỏi mẹ mình từ lúc nhỏ. Ông trở thành một món hàng bị nhốt trong cũi, chở đi khắp nơi nhằm tìm khách mua hàng sộp.
Kế hoạch của đám buôn người phá sản nhanh chóng vì Henson mắc bệnh nặng, chỉ còn nằm thoi thóp. Chúng bán ông lại cho người chủ nô sở hữu mẹ con Henson, một phụ nữ da trắng nghiện rượu và mê cờ bạc có tên Isaac Riley với một giao kèo hời. Nếu Henson chết, tiền mua ông được tính miễn phí.
Ngược lại, nếu ông khỏi bệnh và khỏe mạnh trở lại, Riley phải trả cho đám buôn người vài chiếc móng ngựa coi như quà trao đổi. Henson sống sót kỳ diệu sau trận ốm đó, và mẹ con ông tiếp tục hứng chịu những trận đòn từ người chủ.
Riley thực hiện chính sách ngu dân tại trang trại của mụ. Người da màu không được phép biết đọc biết viết, những ai vi phạm sẽ phải ăn roi. Henson lén lút học bất chấp quy định đó, nhưng việc không có ai chỉ dẫn khiến khả năng đọc viết của ông chỉ dừng lại ở mức cơ bản.
Bù lại tài trí và đức độ giúp ông sớm chứng minh người da màu không phải đám súc vật ngu dốt. Trái lại, họ hoàn toàn có khả năng sánh ngang người da trắng về tài trí dù phải trưởng thành trong điều kiện khắc nghiệt hơn hẳn.
Sau khi nội chiến Mỹ kết thúc, “bác Tôm” Henson đến Anh diện kiến Nữ hoàng Victoria.
May mắn và lòng vị tha
Tại trang trại của Riley, Henson gần như đảm đương mọi việc. Ông làm quen với các thương gia, luật sư và cha xứ trong vùng để học hỏi từ họ. Trong một cuộc nói chuyện bình thường như mọi ngày, Henson “cảm hóa” thành công một giáo sĩ da trắng.
Người này bí mật dành dụm trong nhiều năm để tích cóp đủ 350 USD (tương đương 10.000 USD bây giờ) để chuộc Henson khỏi chốn địa ngục trần gian. Oái oăm thay, Riley một mực từ chối trả tự do cho nô lệ. Mụ tính bán Henson xuống miền Nam.
Henson suýt lâm vào cảnh tương tự bác Tôm trong tiểu thuyết nếu như không có một biến cố xảy ra. Riley giao nhiệm vụ đến bang New Orleans bán nô lệ cho người cháu Amos.
Cả hai vừa đặt chân đến miền đất mới thì Amos ngã gục vì bệnh sốt rét, và đó là lúc Henson thể hiện lòng vị tha của một con người. Thay vì trốn đi và để mặc tên chủ nô chết, ông đưa Amos lên tàu, trở lại miền Bắc chữa bệnh. Ông chấp nhận sống trong cảnh nô lệ một thời gian, lòng ngấm ngầm tìm cách bỏ trốn.
Phải đến khi đã ngoài 50 tuổi, Henson mới đào thoát thành công. Ông cùng vợ và hai đứa con nhỏ đi hơn 1000km dọc Bắc Mỹ để tìm đến chân trời tự do Canada. Những năm sau đó Henson liên tục bí mật về Mỹ giúp những nô lệ da đen làm điều tương tự như ông đã làm.
Lẽ ra Henson có thể sống êm ấm cùng gia đình tại bang Ontario, nhưng ông chấp nhận hiểm nguy để giúp người khác thoát khỏi nước Mỹ. Kỳ tích giải phóng 118 nô lệ da màu giúp ông sau đó được tặng huân chương tri ân.
Năm 1849, Henson ra mắt cuốn truyện về cuộc đời ông với tựa đề “Josiah Henson, từng là nô lệ, nay trở thành công dân Canada”. Người giúp ông xuất bản truyện là một người bạn da trắng có tên Samuel Atkins Eliot, cựu Thị trưởng thành phố Boston.
Là một nhân vật mang tư tưởng cấp tiến, ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ, tầm ảnh hưởng của Eliot ngày càng gia tăng khi ông được bầu vào Hạ viện Mỹ. Dần dần, cuốn sách và cả Henson được một người phụ nữ có tên Harriet Beecher Stowe biết đến.
“Phu nhân Stowe rất tốt bụng và ham học hỏi”, Benson kể. “Bà nói mình đang viết một câu chuyện về cuộc sống của người nô lệ tại Mỹ nên muốn lắng nghe chia sẻ từ tôi.
Để không khí buổi nói chuyện thân mật và vui vẻ hơn, bà mời cả một ca sĩ có giọng hát tuyệt hay đến nhằm giúp tôi bớt buồn mỗi lần nhắc lại ký ức cũ. Bà đã nghe lời kể từ nhiều người nhưng đặc biệt quan tâm đến tôi vì những chi tiết cặn kẽ mà tôi nhớ được. Khi hoàn tất cuốn sách, bà nói đây chắc chắn là tác phẩm làm rung chuyển nhận thức của người Mỹ”.
Người hùng trong bóng tối
Tại Mỹ, Túp lều bác Tôm là ấn phẩm được đọc nhiều thứ nhì trong thế kỷ 20, chỉ sau Kinh thánh. Tròn một thập niên kể từ ngày cuốn sách được xuất bản, nội chiến bùng lên ở hai đầu nước Mỹ với nguyên nhân gốc rễ xuất phát từ bất đồng trong chế độ chiếm hữu nô lệ.
Những người thuộc phe ủng hộ duy trì quyền lợi cho các chủ nô nói Stowe hoàn toàn dựng lên một câu chuyện hư cấu đầy ủy mị về số phận của những người không có thật nhằm thực hiện những mưu đồ chính trị. Về phần mình, Stowe chẳng mấy để tâm đến những chỉ trích ác độc nhắm vào bản thân bà.
Là con của một mục sư, từ bé bà đã được dạy chế độ nô lệ là một điều sai trái và cần phải thay đổi. Mục đích truyền bá tư tưởng đó đã thành công ngoài mong đợi. Gần như mọi người Mỹ ở thế kỷ 19 đều đọc Túp lều bác Tôm hoặc từng nghe về nội dung của nó.
Cuốn sách giúp Lincoln có thêm tự tin để ban hành sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ, di sản lớn nhất ông để lại trong thời gian làm tổng thống. Tầm ảnh hưởng của cuốn sách sau đó còn vượt ra ngoài phạm vi nước Mỹ. Tác phẩm còn được chuyển thành kịch và phim nhằm giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn.
Vài năm sau khi Túp lều bác Tôm được xuất bản, Stowe dần tiết lộ về những con người có thật ngoài đời trở thành hình tượng cho nhân vật trong truyện. Tuy nhiên danh tính của “bác Tôm” vẫn được giữ kín suốt một thời gian dài sau đó, và tác giả cũng chỉ nhắc tên ông đúng một lần nhằm giúp người này tiếp tục có một cuộc sống bình yên như trước: “Bác Tôm là một nhân vật hư cấu, nhưng câu chuyện về bác được tập hợp từ số phận của nhiều người nô lệ da đen khác nhau. Người có cuộc đời gần giống với bác Tôm nhất là Josiah Henson, một công dân Canada”.
Nhờ có phu nhân Stowe, Henson không phải chịu sự chú ý không đáng có khi đã ở tuổi gần đất xa trời. Tuy nhiên câu chuyện Henson là “bác Tôm” vẫn liên tục được truyền miệng trong cộng đồng người da màu tại Mỹ. Đó là sự ghi nhận tuyệt vời nhất dành cho một con người truyền cảm hứng khiến cả một đất nước phải thay đổi.
“Bác Tôm” Henson khiến những người khác chủng tộc từng coi ông như hàng hóa phải thay đổi với câu chuyện về một nô lệ thấp kém có lòng tử tế và vị tha. Ông chính là hình mẫu cho những vĩ nhân sau này như Martin Luther King hay Nelson Mandela, dù có thể chính họ cũng không biết “bác Tôm” có thật trên đời.
HẢI SƠN/VNCA
Trích nguồn: Vanvn.vn
Bài viết liên quan: