Tuổi thơ với cánh đồng làng – Tản văn của Dương Phượng Toại

Nắng chiều ngả thấp hắt màu vàng xuộm trên cánh đồng. Hai đứa lại bảo: Chiều mai lại ra chơi ngoài cánh đồng ông nhé!

Nhà văn Dương Phượng Toại

Mùa hè năm nay những ngày này nóng quá. Gió thổi vào làng, vào vườn cây, vào những hiên nhà từng cơn nóng hầm hập. Quạt điện chạy vù vù dường như không nghỉ, vẫn không xua bớt nổi cái nóng. Chợt nhớ bóng cây xanh, nhớ chiếc quạt mo, quạt nan thuở ông bà, cha mẹ thời xa ấy lấy gió nhè nhẹ từ những bàn tay, tuy nhỏ nhoi mà vẫn mát lành, không đến nỗi nóng ghê gớm như bây giờ…

Chiều, không gian dịu nhẹ đi đôi chút. Tôi đưa hai đứa cháu nội và ngoại đang học mẫu giáo ra chơi ngoài cánh đồng, đi dọc bờ kênh hóng mát. Cánh đồng đang mùa gặt. Thảm vàng chẳng khác gì tấm hoàng bào đem phơi, khô giòn lên, khiến người ta quên cả vẻ đẹp ánh ngời của nó. Kênh mương đang tháo đầy nước, như một dải lụa xanh xao động long lanh dưới trời chiều. Mặt nước làm dịu hẳn cái nóng. Bọn trẻ chạy lăng xăng đằng trước, bước chân thoăn thoắt trên lối mòn giữa hai vạ cỏ.

Hai chị em rất thích thú, xòe đôi bàn tay non nớt ra đón những ngọn gió. Thỉnh thoảng chúng nhặt những viên sỏi, viên đá dăm ném xuống kênh. Tiếng tum tũm vỡ trên mặt nước với những vòng sóng lăn tăn. Tiếng cười trẻ thơ cũng vỡ theo. Đang chạy tung tăng, hai chị em như hai chú thỏ con sà xuống vạt cỏ xanh rờn, mượt như nhung, đua nhau vặt những bông hoa cỏ tí xíu. Sau cơn mưa cách đây bốn, năm hôm, cỏ non lên mươn mướt đến vô tư…

Đứa cháu ngoại kéo tay tôi: Ông ngoại ơi ngồi xuống đây! Êm lắm! Êm ơi là êm!… Ừ, ba ông cháu ta cùng ngồi! Mát thế! Cháu có thích cỏ không? Thích lắm ông ạ. Như cái chăn mẹ cháu mới mua… Qua một cây cầu, tôi cõng cháu ngoại lên lưng. Đứa cháu nội liền lấy điện thoại của ông, tự trượt, tự bấm chụp ảnh tanh tách. Ông nội ơi! Đẹp chưa? Đẹp ơi là đẹp!

Thỉnh thoảng gặp những đống lúa mới gặt xếp cạnh lối đi, rồi những đống rơm mới tuốt xong dưới vạ bờ kênh, hai chị em chúng ùa đến, bốc rơm ném nhau, lăn xả vào đùa dỡn. Tôi phải ngăn chúng lại kẻo rặm đầu tóc, quần áo, chân tay. Cháu nội tỏ ra luyến tiếc, bắt ông chụp ảnh cho hai chị em nó bên đống lúa: Không rặm đâu, thơm lắm ông ạ! Nghe cháu nói, tôi chợt nghĩ: Đúng là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phát hiện ra cái ý giỏi thật: Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm! Ừ! Rơm còn thơm thật, rõ mùi ngai ngái, dịu ngọt của cánh đồng! Đến nỗi đứa trẻ cũng cảm nhận được!

Hai chị em còn làm dáng nữa chứ, cứ như nông dân tí hon vừa đi gặt về ấy. Tôi lại nhớ ngày xưa mình tuổi các cháu cũng tinh nghịch lắm. Anh em tôi thường theo mẹ ra đồng giất đòng đòng, chộp cào cào chấu chấu, rồi vày nước, mò cua bắt cá… Tuổi học trò trường làng thì cắt cỏ chăn trâu, bơi sông, tắm táp suốt ngày. Chúng tôi thường lội ruộng chọn những gốc rạ to ống, lấy liềm vát một đoạn làm còi thổi rông rài cả buổi.

Mùa gặt lại đi mót, đi giất những bông lúa rài góp vào thành từng túm đem đổi kẹo kéo, gọi là “đổi đồng”. Ông già bán kẹo kéo và mấy bà chèo thuyền bán quà trên sông thường đến bờ ruộng rao “đổi đồng đây…” với người gặt và đám trẻ con. Họ lấy lúa, còn chúng tôi lấy kẹo hoặc những chiếc bút chì, chiếc khăn tay, những xấp nhãn vở… Cánh đồng đầy nắng gió là xứ sở của đàn trâu, là sân vui chơi của đám trẻ chúng tôi, không biết chán. Lúc bấy giờ cánh đồng sao mà rộng lớn thế, cứ ngợp mắt trẻ thơ, hấp dẫn tới vô cùng…

Đến một đoạn kênh, chỗ có âu nước chảy tràn trề thành cái thác nhỏ, thấy bọn trẻ tắm nhảy ùm ùm hai đứa cháu lại sà xuống đòi tắm. Tôi vội kéo lại: Các cháu còn bé, không bơi được nơi nước sâu thế này. Lớn lên tập bơi, ông sẽ cho đi bơi như các cô chú vận động viên bơi lội…

Nhưng không cưỡng nổi bốn bàn tay xinh xắn túm lại lôi kéo, tôi buộc phải cho chúng xuống một bậc đá, ngồi đạp quẫy nước. Hai chị em thả sức vốc nước lên mặt, reo hò ầm ĩ, muốn lao vào dòng nước trong xanh. Nước bắn tung tóe. chúng vòi vĩnh: Ông ơi! Mát hơn cả nước đá trong tủ lạnh nhà mình! Ông cho cháu bơi đi! Không được! Tôi nghiêm khắc: Dưới đấy có Hà Bá hay bắt trẻ con! Sao mấy anh chị kia không bị bắt? Có mà trời cũng không trả lời nổi bao câu hỏi sau đó của các cháu. Nào nồi cơm bà nấu lấy ở chỗ nào trên cánh đồng? Sao ông không đem kênh mương về cạnh nhà mình để chúng cháu ra chơi? Con mương này hứng nước ở đâu mà nhiều thế?

Trong mắt trẻ thơ có lẽ dòng kênh mương chỉ nông như cái vũng nước trên sân nhà. Tôi phải vừa vít tay hai đứa vừa để cho chúng quẫy chân rối rít. Cả dòng kênh dài dặc muốn đổ dốc vào ba ông cháu. Nắng chiều ngả thấp hắt màu vàng xuộm trên cánh đồng. Hai đứa lại bảo: Chiều mai lại ra chơi ngoài cánh đồng ông nhé! Cháu sẽ ăn nhiều cơm, cho khỏe để mai được đi… Ừ… Vụ chiêm được mùa, nhiều thóc, các cháu thi nhau ăn cho khỏe vào… Ông cháu mình lại đi thăm cánh đồng…

 

Ôi! Cái êm đềm, thoáng đãng của cảnh quê được thổi vào lũ trẻ. Bây giờ thì chúng vô tư, háo hức được ông đưa đi chơi. Khi lớn lên, nhớ lại những giờ phút này, chắc chúng sẽ thèm trở lại tuổi thơ ấm áp hạnh phúc nhường nào, dẫu chiều nay chúng chưa cảm nhận được điều ấy. Đây sẽ là những kỷ niệm trong hành trang cuộc đời chúng được hưởng một cách hào phóng và vô tư không gian đầm ấm, mát lành nơi thôn dã! Nghĩ vậy, tôi lại để cho hai đứa trẻ tha hồ đùa nghịch với nước.

Nhưng tình thật, nhìn người lớn giặt giũ, tắm táp, nhìn đám trẻ bơi lội và hai đứa cháu khỏa nước trên dòng kênh, tôi không khỏi băn khoăn. Đây là kênh mương từ hồ Thủy nông Yên Lập chảy về cung cấp nước ngọt cho đồng ruộng và đời sống dân sinh. Cả vùng quê Quảng Yên đều nhờ vào nguồn nước này. Trong cuộc sống mới, làng quê hiện nay đang phát triển mạnh mẽ với diện mạo mới, cây trồng, lúa màu năng suất cao, đường sá, nhà cao tầng, đời sống nhiều tiện nghi hiện đại…

Nhưng đằng sau sự phát triển ấy là môi trường đang ô nhiễm nặng nề, nhất là hệ thống sông ngòi, ao hồ đang thu hẹp, mất đi, hầu như không còn trong sạch, trong lành như xưa. Đi làm đồng về, người lớn cũng chẳng dám xuống các dòng sông, bến nước, ao hồ để tắm rửa. Trẻ con ở làng mà như ở phố, đã thiếu sân chơi, lại thiếu cả nơi bơi lội.

Sao người ta đua nhau đầu tư quá nhiều chợ búa, siêu thị. Nơi nào cũng nhan nhản, ế thừa hàng hóa… mà không nghĩ tới việc đầu tư sân chơi giải trí cho con trẻ. Giá những khu đất dự án làm chợ đó người ta xây dựng các bể bơi, hồ bơi làm dịch vụ hẳn hoi cho thanh thiếu niên, nhi đồng, cho người lớn đến bơi tắm những ngày hè nóng bức như thế này có phải tốt đẹp biết bao nhiêu?

Để khỏi phải chiều chiều, mọi người ra đẵm dưới các con kênh đưa nước ngọt về các cánh đồng, vào các công trình Nước sạch nông thôn! Gọi là nước sạch, thực ra chả còn sạch chút nào, khi dọc tuyến kênh hơn 20 km, hàng ngàn người xuống tắm, kỳ cọ trong dòng nước đó! Để rồi dòng nước đó lại vào hệ thống nước dân dụng, không qua một hệ xử lý vệ sinh nào!

Nghĩ vậy, tôi kéo bọn trẻ đứng dậy: Về nhà tắm nước bể nhà mình thôi các cháu! Cần phải giữ sạch sẽ kênh nước này cho bao nhiêu hộ dân dưới kia!.

DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI