Từ khi biết suy nghĩ độc lập, Tủn Văn Mủn luôn khẳng định cái họ Tủn hiếm hoi của mình là nguồn gốc của nhiều dòng họ nước Việt. Ở xã này, chỉ vài nhà họ Tủn, các xã lân cận không thấy, và lý sự của Tủn Văn Mủn là do lịch sử dằng dặc chiến tranh loạn lạc, gốc gác họ Tủn phải đổi sang họ khác để tránh họa tru di, xa xưa dùng chữ Tàu cứ thêm hay bớt một nét là ra họ khác. Nhưng chữ Tủn có gốc chữ Tàu như thế nào thì Tủn Văn Mủn không biết vì học trường làng theo quốc ngữ, nửa chữ Tàu không biết, cha của Tủn Văn Mủn mù chữ càng không biết.
Cha Tủn Văn Mủn nói rằng nghe ông bà truyền vậy, ông bà thì nghe cố can truyền vậy. Truyền miệng là chân lý không cần chứng minh, một nét điển hình của người Việt nông dân lạc hậu. “Nhìn tôi là hiểu được người Việt”, nên Tủn Văn Mủn hãnh diện tuyên bố giữa chợ, hôm được bầu làm đội trưởng đội chống rượu lậu của xã. Có đông người họ khác đứng quanh cười ồ, nể Tủn Văn Mủn vừa trở thành quan chức xã. Cười ồ cũng có nghĩa không thèm chấp, tán thưởng cho vui, cuộc sống nghèo khổ cười ồ cho đỡ khổ. Thấy xung quanh cười ồ, Tủn Văn Mủn càng tự tin mình là điển hình người Việt.
Hồi đó còn bao cấp, cả xã đói vì cày cấy không ra lúa gạo, chính quyền cấm dùng gạo nấu rượu. Một số người thèm rượu, bớt ăn dành gạo nhà mình để nấu rượu, gọi là rượu lậu. Tủn Văn Mủn trời cho cái mũi thính, đi qua cửa nhà nào đang nấu rượu đánh hơi biết liền, ra hiệu cho mấy người trong đội phục sẵn, chờ chủ nhà nấu xong, lúi húi dỡ nồi thì ập vào. Chủ nhà đứng trời trồng hoặc bỏ chạy, rượu lậu bị tịch thu. Nấu rượu, nước chảy ra trước có nồng độ cao là rượu gốc, nước ra sau nhạt hơn, nấu xong trộn hai thứ lại là vừa uống. Rượu lậu bắt được chưa trộn, Tủn Văn Mủn hay bớt rượu gốc, đem về nhà pha thêm nước đun sôi để nguội, một lít thành hai hay ba để uống. Thế rồi Tủn Văn Mủn trở thành điển hình tiên tiến, được dự hội nghị biểu dương trên huyện và quen một anh điển hình tiên tiến thu mua heo ở xã bên. Khi đó, dân nuôi heo phải bán cho chính quyền qua đội thu mua và anh điển hình tiên tiến ở đội thu mua heo đã tốt nghiệp cấp hai, tính nhanh nên làm kế toán. Anh này kể trở thành điển hình tiên tiến nhờ gian lận, nhà dân nuôi ba con heo thì chỉ thống kê hai, còn một con làm ngơ cho dân mổ lậu và biếu anh cái chân giò hay bộ lòng, thế là đội thu mua heo luôn hoàn thành chỉ tiêu, còn anh luôn có ăn. Tủn Văn Mủn thán phục nhưng băn khoăn “trong đội không ai có ý kiến gì sao?”. Anh ta cười “có ai rành tính toán mà biết, lâu lâu có đứa nghi ngờ thì chia cho nó một ít là hết ý kiến ý cò”. “He he he, ý kiến ý cò”, Tủn Văn Mủn nghe thấu và học ngay, không nhăm nhăm bắt bớ để bớt xén rượu gốc nữa, mà làm ngơ cho người nấu rượu lậu có bã hèm nuôi heo, lấy đút lót chai rượu hoặc chân giò, bộ lòng heo. Luôn có rượu ngon với chân giò, lòng heo giữa dân quê xác xơ, cha của Tủn Văn Mủn cũng sướng lắm. Gần tết, xoa xoa đập đập đôi chân dính đất, co lên chiếu, ông nói “không trộm vặt lấy c. mà ăn!”. Tủn Văn Mủn chưa hiểu, cha giải thích “dân làng xì xầm nhà ta trộm vặt nhưng kệ chúng nó, nhà ta luôn có rượu với chân giò, lòng heo là được” và cười rổn rảng:
– Đời vậy mới sướng.
Tủn Văn Mủn cười he he, cúi gục xuống đĩa lòng heo gắp nhai ngấu nghiến. Nết ăn của Tủn Văn Mủn khi phấn khích, vội vội vàng vàng như sợ ai giành mất. Đĩa lòng heo vơi, Tủn Văn Mủn chạy lon ton vào bếp lấy thêm; hai chân bước nhặt, đầu gối không duỗi khoan thai mà gấp lại mổ cổ; đầu chúi lao đi. Đó cũng là bữa đắc ý cuối cùng của cha con Tủn Văn Mủn, vì hết thời bao cấp, dân được tự do làm ăn. Gia đình Tủn Văn Mủn không biết làm ăn, cày cấy không ra lúa gạo, nuôi heo không lớn nên trở về nghèo túng.
Buổi sáng, Tủn Văn Mủn lơ ngơ ra chợ, qua quầy bán thịt heo của bà trước đây nấu rượu lậu và đút lót. Thấy Tủn Văn Mủn từ xa, bà cầm con dao bầu sắc lẻm, khi Tủn Văn Mủn tới gần, bà chém phập dao xuống phản, hét lên:
– Tủn Văn Mủn, mày còn sống mà đi ra đây à?
Tủn Văn Mủn đứng đực ra mất hồn y hệt mấy người đang nấu rượu lậu bị tiếng hô vang. Một tay bà hàng thịt heo nắm cán dao, một tay chỉ thẳng mặt Tủn Văn Mủn.
– Tao nói cho mày biết, lần này tao cảnh cáo và mày phải cút cho khuất mắt tao, lần sau còn lảng vảng ra đây hòng kiếm ăn là tao chém.
Sang xã bên thì anh điển hình tiên tiến thu mua heo đã đi học trung cấp vì có bằng tốt nghiệp cấp hai, Tủn Văn Mủn chẳng biết làm gì thì biết được đường dây trốn ra nước ngoài làm việc, liền theo. Mấy tháng chui bụi lủi bờ, vượt nhiều biên giới quốc gia, tới được một nước châu Âu.
Cũng may, đồng hương người Việt ở đó cưu mang nhau. Cuộc sống xứ hiện đại đề cao minh bạch, tôn trọng lời hứa nên nhiều phần dễ dàng hơn nơi có sự tự hào nuốt lời hứa. Tủn Văn Mủn qua bước làm quen khá nhanh, mầm mống gieo trồng hồi “không trộm vặt lấy c. gì ăn” tìm được môi trường nảy nở. Đi xe buýt hay tàu hỏa có vé tuần, vé tháng và vé năm, Tủn Văn Mủn mua vé tuần cạo sửa thành vé năm để đi quanh năm. Điện sinh hoạt Tủn Văn Mủn gim dây ăn cắp ngoài đồng hồ, nước sinh hoạt thì có cách làm cho kim đồng hồ quay chậm khiến quản lý khu nhà cứ băn khoăn “anh chàng người Việt này sống kiểu gì?”. Tủn Văn Mủn gãi đầu gãi tai “xứ chúng tôi quen không điện, không nước”, làm quản lý khu nhà động lòng trắc ẩn, thỉnh thoảng còn cho Tủn Văn Mủn thức ăn thừa, áo quần cũ.
Nghề kiếm tiền chính của Tủn Văn Mủn là buôn bán thuốc lá và rượu lậu. Hai món này trong cửa hàng chịu thuế cao nên đắt, Tủn Văn Mủn mua thuốc lá lậu giá thấp, và nấu rượu lậu, phát triển kinh nghiệm thuở bắt rượu lậu “lên tầm cao mới”! Đâu cũng vậy, người nghiện đa phần lười biếng, ham rẻ và Tủn Văn Mủn phát hiện số người nghiện không hề ít, có thể phục vụ tận nhà. Chẳng bao lâu, Tủn Văn Mủn trở thành một ông trùm thị trường hàng lậu béo bở, còn mua cồn ở chợ pha vào, lợi nhuận càng cao.
Thị trường hàng lậu cũng tự phát triển chân rết, đến lúc Tủn Văn Mủn chỉ ngồi một chỗ đếm tiền chảy về. Rung đùi, Tủn Văn Mủn bất giác nhắc lại câu nói hồi nào của cha:
– Đời vậy mới sướng!
Nhưng đó cũng là điểm tới hạn. Một hôm, Tủn Văn Mủn lâng lâng ngồi nhìn ánh nắng nô đùa trên lá cây, đường phố đông đúc người qua lại, đếm tiền và đắc chí thấy mình hơn thiên hạ thì chốt cảnh báo của xã hội đã bật lên, do sự tăng bất thường tội phạm liên quan đến rượu và thuốc lá lậu. Hệ thống bảo vệ xã hội văn minh được kích hoạt, nhanh chóng tìm ra Tủn Văn Mủn và trục xuất lập tức, dù lạy lục van xin, may còn giữ được túi tiền. Tủn Văn Mủn bị áp giải lên máy bay, đến cửa muốn nhìn lại xứ người nên ngoái đầu, lập tức bị viên cảnh sát dúi về trước, trán cụng vào khung sắt đau điếng. Đưa tay vuốt thấy trán rịn máu, Tủn Văn Mủn vô cùng tủi thân, nước mắt tuôn lã chã cả khi đã ngồi vào ghế. Qua nước mắt, Tủn Văn Mủn lấm lét nhìn đôi chân giày chắc nịch của viên cảnh sát, thắt lưng to bản với nhiều móc sắt lỉnh kỉnh có cả còng số tám sáng loáng thì không dám nhìn nữa, bụng thầm đe dọa: “Mày mà sang nước tao hãy nhớ mặt tao”. Rồi lơ mơ ngủ.
Về quê, điều Tủn Văn Mủn lo sợ nhất không xảy ra, không ai quan tâm chuyện Tủn Văn Mủn bị trục xuất khỏi xứ người, hơn thế còn coi như một chiến công tương tự vượt chiến hào. Ngoại quốc giàu có với xứ nghèo thường mang nặng quá khứ hận thù, hiện tại chia rẽ, còn tương lai mơ ước luôn thấy xa xôi ngăn cách; nên rời ngoại quốc xa lạ trở về mà vẫn nghèo thì cũng bình thường, trở về mà giàu có thì đã thành công, dù bị trục xuất thì bóng tối lờ mờ ấy không che được ánh kim tiền chói lọi. Người nghèo hèn nói chung rất mơ ước đồng tiền dù ngoài miệng hay đề cao những thứ ngoài đồng tiền, trong những thứ đề cao ấy lại ít có giá trị liêm sỉ tập thể như uy tín quê hương, quốc thể. Nỗi nhục quốc thể là một khái niệm quá lớn với người nghèo hèn, đến mức như không tồn tại. Tủn Văn Mủn về quê với túi tiền căng phồng, được đon đả chào đón, không ai nghĩ đến nỗi nhục bị trục xuất, như không có nỗi nhục ấy, chỉ có thành công vẻ vang.
Cha của Tủn Văn Mủn và bà bán thịt heo dọa chém Tủn Văn Mủn giữa chợ đều đã qua đời. Tủn Văn Mủn thấy quê nhà không gần gũi thân thiết như lúc ở xa nhớ về, khi có tiền còn hay nghi ngại bị xin vỏ, nhờ vả. Ý định mở việc kinh doanh ở quê nhà nhanh chóng tắt ngúm vì Tủn Văn Mủn thấy nơi chôn rau cắt rốn nguy hiểm! Nghèo thì sợ ra xứ lạ, giàu thì nghi kỵ quê nhà thân thích. Nhìn quanh, cũng chưa thấy ai ở nước ngoài về có tiền mà mở việc kinh doanh tại quê nhà. Bất chợt, Tủn Văn Mủn gặp lại anh điển hình tiên tiến thu mua heo ở xã bên hồi nào, đang phụ trách một ngành của huyện và đã có nhiều tiền.
– Kinh doanh ở làng quê khó lắm, như vợ tôi trồng được đám rau xanh tốt, láng giềng và thân thích đến khen, không biếu người ta sẽ bị chê trách, biếu thì không còn mà ăn. Không dám trồng trọt gì nữa, thèm thì chạy ra chợ mua. Rời xã lên huyện làm hay hơn và nếu làm ở huyện bây giờ thì ngon nhất là đầu tư khu di tích tâm linh – Bạn cũ là quan huyện nói.
– Tâm linh? – Tủn Văn Mủn ngạc nhiên.
Một đồi hoang với con suối trong xanh, thuở chiến tranh có ba cô du kích hy sinh vì bom rơi trúng hầm, mất xác, từ đó gọi “Đồi Ba Cô”, nổi tiếng linh thiêng. Người dân dựng miếu, khói hương cầu cúng quanh năm. Huyện muốn xây dựng khu di tích tâm linh hoành tráng để thu hút khách du lịch nhưng chưa có vốn. Ông bạn nói:
– Nếu đầu tư được khu di tích hoành tráng sẽ thu hút bá tánh nườm nượp quanh năm, bán vé thu tiền sướng tay, mà chẳng thuế má gì sất.
Tủn Văn Mủn chợt hiểu ra quê nhà sản xuất kém phát triển nhưng cầu cúng thần thánh rầm rộ khắp nơi. Cuộc sống phải hy vọng, còn thiếu ở mặt đất thì tìm trên trời. Ông bạn quan huyện giới thiệu cho Tủn Văn Mủn một kỹ sư xây dựng tốt nghiệp trường đại học lớn nhất nước ta. Anh kỹ sư trải sơ đồ dự án khu di tích tâm linh rộng mấy héc ta, bao nửa quả đồi cả con suối và cái hố bom suối. Một ngôi chùa có cổng đặt lưng chừng đồi, hố bom cũ xây thành hồ lớn nối con suối dẫn nước vào ra.
– Cổng đặt lưng chừng đồi, trên cao để phô thế hoành tráng; cái hố bom làm thành hồ nước lớn để đáp ứng xu hướng sinh thái bây giờ – Anh kỹ sư giải thích và nhấn mạnh – Đặc biệt, ngôi chùa và cổng cần có những hàng cột gỗ to cao nhất vùng này.
– Vì sao vậy?
– Thời nay đang chuộng những cái to nhất, cao nhất; di tích thờ cúng phải cột gỗ to cao mới được truyền thông ca tụng, dân gian truyền miệng rầm rộ để thu hút bá tánh gần xa. Mà cột gỗ to cao có tiền là có. Nên không làm thì thôi, đã làm là phải cột gỗ to cao nhất vùng cho thiên hạ đồn thổi, kéo đến để thu tiền sướng tay.
Anh kỹ sư nhắc lại lời ông bạn quan huyện việc thu tiền sướng tay, đã thuyết phục Tủn Văn Mủn đầu tư kinh doanh khu du lịch tâm linh ở “Đồi Ba Cô”. Khi mở ra, có nhiều quan chức địa phương góp vốn và Tủn Văn Mủn cử anh kỹ sư xây dựng làm Trưởng ban quản lý công trình, thỏa sức thi thố kiến thức thời thượng to nhất và cao nhất cóp nhặt mỗi nơi một tý.
Ngôi chùa thờ Ba Cô có góc mái uốn cong, trong khi truyền thống mái chùa Việt uốn cong mềm mại thì ở đây vuốt thẳng như lưỡi đao chỉa lên trời cao. Mái chùa lợp ngói nhưng đoạn giữa lại đổ bê tông nóc tròn nhô lên bóng loáng. Các bức tường lồi lõm nhiều màu sắc lạ mắt. Anh kỹ sư giải thích, chùa thời hội nhập nên trường phái kiến trúc quốc tế, đủ Việt, Tàu, Ấn Độ và cả Trung Đông. Công nhân xây dựng bảo chùa Liên Hợp Quốc, người dân gọi chùa quốc doanh. Trong bán kính vài trăm cây số chưa có ngôi chùa nào như thế, vừa xây xong đã xôn xao dư luận, từ những cột gỗ to cao nhất vùng đến kiến trúc “thời hội nhập”. Tủn Văn Mủn đặt tên Khu du lịch Di tích Lịch sử Tâm linh Sinh thái thời Hội nhập.
Lễ khánh thành, ông bạn quan huyện tư vấn Tủn Văn Mủn tổ chức thành sự kiện văn hóa của huyện, có trồng cây lưu niệm. Tủn Văn Mủn gọi chủ doanh nghiệp thi công cùng lên tỉnh, đặt bao thư tiền, được hai vị đồng ý trồng cây bồ đề sống lâu. Đến hai vị quan huyện yêu cầu trồng lộc vừng để nở hoa quanh năm. Tủn Văn Mủn cho người mua, vận chuyển, trồng sẵn hai cây bồ đề và hai cây lộc vừng; sau đó, mời một số cán bộ khác trồng cây với điều kiện tự mua cây chở đến.
Lễ khai trương, sau phần giới thiệu quan khách và đọc diễn văn, đến phần “Trồng Cây Linh Thiêng”, đội nhạc tấu bản hùng tráng. Các vị tham gia trồng cây, áo vét với giày đen nghiêm trang đứng bên những cây cổ thụ đã trồng sẵn, cầm xẻng có buộc giải vải đỏ xúc ít đất trong thùng gỗ bên cạnh rải vào gốc cây, rồi cầm thùng gương sen đựng sẵn nước vẩy tiếp. Xung quanh có đông phóng viên báo chí quay phim, chụp ảnh.
Diễn xúc đất, tưới nước xong, hai vị quan tỉnh được hướng dẫn cầm góc tấm vải đỏ bên gốc cây bồ đề, từ từ kéo xuống để lộ ra một tảng đá. Mặt tảng đá phẳng lỳ có khắc mấy hàng chữ, cô dẫn chương trình khẽ vén tà áo dài, cúi xuống đọc, giọng oanh vàng thánh thót vang lên họ tên và chức vụ người trồng cây. Xung quanh rầm rộ vỗ tay cùng khúc nhạc rộn ràng. Hai vị quan tỉnh mặt sáng ngời, vòng ra phía sau tảng đá khắc sẵn những dòng chữ. Cô dẫn chương trình lại cất giọng oanh vàng, đó là tên cây. Một cây bồ đề có tên Thành Đạt, cây còn lại là Thành Công. Dưới tên cây là câu ca dao, cô gái lùi ra để hai vị quan tỉnh đọc.
Ở cây Thành Đạt, vị quan tỉnh sang sảng “Con người có tổ có tông/Như cây có gốc, như sông có nguồn”, rồi rút trong túi áo mảnh giấy, mỉm cười nhìn quanh, trang trọng:
– Địa điểm “Đồi Ba Cô” từ hôm nay đã trở thành Khu du lịch Di tích Lịch sử Tâm linh Sinh thái thời Hội nhập để ghi nhớ công ơn của những người ngã xuống cho cuộc sống hôm nay và chúng ta sẽ không ngừng trồng cây cho gốc lịch sử mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Tiếng vỗ tay vang dội.
Ở cây Thành Công, vị quan tỉnh còn lại tiếp tục “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, rồi cũng rút túi áo mảnh giấy, mỉm cười nhìn quanh, trang trọng:
– Dân ta có truyền thống đoàn kết muôn người như một vượt qua mọi khó khăn thách thức, như “Đồi Ba Cô” vượt qua sự hy sinh to lớn để trở thành khu du lịch tầm cỡ. Chính lẽ đó, lễ trồng cây mang ý nghĩa cao cả và nhân văn, từ hai cây bồ đề này sẽ có cả rừng cây và “Đồi Ba Cô” thành biểu tượng tinh thần đoàn kết của dân ta.
Tiếp tục vỗ tay vang dội.
Việc ghi tên người trồng cây ở nhiều nơi đã làm nhưng khắc đá thêm ca dao là sáng tạo của Tủn Văn Mủn. Loại cây và tên cây do từng vị quan chọn; câu ca dao và lời phát biểu được Tủn Văn Mủn nhờ các nhà văn trong huyện giúp.
Cây trồng quanh hồ, vị trí trang trọng nhất là hai cây bồ đề, tiếp xuống hai bờ trái và phải là hai cây lộc vừng. Hai vị quan huyện diễn trồng lộc vừng. Cây bên trái có tên May Mắn với câu khắc đá “Hoa lộc vừng cháy rực đêm thu”, vị quan huyện phát biểu:
– Hoa lộc vừng nở ban đêm, tỏa hương thơm ngát như tấm lòng nhân dân huyện ta thâm trầm, kín đáo mà làm nên lịch sử trường tồn, “Đồi Ba Cô” từ nay sẽ trường tồn trong hương thơm lộc vừng không dứt.
Cây bên phải có tên Hạnh Phúc với câu khắc đá “Xao xuyến lộc vừng trổ hoa/Rải sắc đỏ bên hồ xanh biếc”, vị quan huyện phát biểu:
– Hôm nay là một ngày không thể quên trong lịch sử huyện ta, đánh dấu sự đổi thay tuyệt vời, “Đồi Ba Cô” bốn mùa hồ nước trong xanh với sắc đỏ ấm áp hoa lộc vừng thu hút du khách bốn phương.
Những cây tiếp theo là đào tiên, xoài, mận, khế của các vị tự mua, cây nào cũng có tảng đá khắc họ tên, chức vụ người trồng, tên cây và ca dao. Lễ trồng cây diễn ra như vở ca kịch nhiều hồi, nối tiếp nhau hai bờ hồ. Truyền hình trực tiếp kéo dài.
Nhiều ngày sau, khắp huyện bàn tán xôn xao. Cây quen thuộc nhưng đứng ở “Đồi Ba Cô” trở nên linh thiêng, gắn với tên quan chức thêm ánh hào quang. Truyền hình phát liên tục với những góc quay phô bày tài nghệ cận cảnh nét mặt người trồng, tên cây và ca dao khắc đá thể hiện khát vọng cuộc sống. Khát vọng cao đẹp là chính đáng, có tác dụng nâng con người lên. Sự ma lanh của Tủn Văn Mủn là khi linh cảm được trào lưu ấy đã khuyếch trương sức hấp dẫn để trục lợi.
Khắp nơi đổ về Khu du lịch Di tích Lịch sử Tâm linh Sinh thái thời Hội nhập, ban đầu để chụp ảnh với những cây xanh và tảng đá, về sau nhiều người chỉ đến để sờ phiến đá với hy vọng Thành Đạt, Thành Công, May Mắn, Hạnh Phúc… Anh kỹ sư xây dựng ít nể phục ai cũng phải thốt lên:
– Quá kính nể tính toán siêu phàm của đại ca.
– Kinh doanh dịch vụ thì phải tìm cách đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội nghe.
– Tổ chức khai trương tài tình như đại ca, em chưa hề thấy nhưng tốn kém quá.
– Lớn thuyền lớn sóng, tốn cũng ráng chịu đựng cho mục đích lâu dài…
Câu này trở về bản tính xảo trá của Tủn Văn Mủn, bởi lễ khai trương đã cho Tủn Văn Mủn món hời lớn. Cây trồng của quan tỉnh và huyện do doanh nghiệp thi công lo, những người khác tự lo; tảng đá và khắc chữ cũng thế. Nhưng tất cả, Tủn Văn Mủn vẫn quyết toán vào vốn đầu tư để bỏ túi riêng, còn nâng giá lên. Chỉ tiền thù lao cho các nhà văn là không nâng giá, có ký nhận thực tế nhưng khoản này chẳng bao lăm và giá trị vô hình với Tủn Văn Mủn lại rất lớn như có lần buột miệng “muốn gì để tôi gọi mấy nhà văn đến làm, rẻ rề ấy mà”. Anh kỹ sư đi rồi, Tủn Văn Mủn còn sướng âm ỉ, vang bên tai lời người cha quá cố “không trộm vặt, lấy c. mà ăn”. Trộm của Tủn Văn Mủn không ở xã nữa, đã lên cao hơn, vài chữ bằng cả năm rình mò bắt rượu lậu hồi trước, vặt trên đầu quan chức là đã đạt đến mức siêu đẳng, cho nên tự mãn tài giỏi như anh kỹ sư xây dựng cũng phải nể phục. Có trường phái kinh doanh riêng mình, Tủn Văn Mủn càng tự đắc là người Việt điển hình, thốt ra niềm tự hào đã ngấm vào máu thịt:
– Đời vậy mới sướng!
Định hình được trường phái kinh doanh, chẳng bao lâu, Khu du lịch Di tích Lịch sử Tâm linh Sinh thái thời Hội nhập mở rộng cả quả đồi và bỏ bán vé vào cổng. Không còn bán vé vào cổng, thông tin loan ra như sấm nổ trời quang huyện nghèo!
Trước đây, chỉ nửa quả đồi phía sau, nay trùm cả nửa phía trước, đến sát đường liên huyện. Trước đây, du khách chạy xe lên cổng ở lưng chừng đồi, mua vé vào; nay đậu xe ở bãi rộng bên đường liên huyện, ngồi xe điện theo đường bộ hoặc ngồi thuyền chèo theo con suối, chừng hai cây số, để vào cổng. Vào cổng không vé nhưng ngồi xe điện hay xuồng chèo phải vé, những ai cuốc bộ cứ tự nhiên. Rất ít du khách cuốc bộ, nhất là đi đoàn; số ít cuốc bộ đi lên thì sau khi lòng vòng sờ đá mơ ước, trở ra hầu hết cũng ngồi xe điện hoặc thuyền chèo. Không bán vé vào cổng nhưng doanh thu không giảm. Còn thu thêm dịch vụ giữ xe của khách, người chạy xe điện và chèo xuồng phải hợp đồng nộp tỷ lệ. Tổng thu của Tủn Văn Mủn vẫn tăng cao và chưa dừng ở đó.
Ngồi ăn sáng, ông bạn quan huyện ngợi ca Tủn Văn Mủn đề cao đạo lý uống nước nhớ nguồn, không bán vé vô cổng để khu di tích lịch sử có thêm điều kiện giáo dục truyền thốn, nên huyện có chủ trương ưu tiên vốn đầu tư phát triển khu di tích. Tủn Văn Mủn đang cúi xuống tô phở, tay đũa tay thìa đột ngột gắp và múc tới tấp vào mồm. Phùng má nhai nuốt gấp gáp, như sợ người khác ăn mất là Tủn Văn Mủn vừa nghĩ ra chiêu mới trong trường phái kinh doanh của mình: Kinh doanh đi vệ sinh. Ba nơi du khách dừng chân lâu là bến xe điện và bến xuồng chèo, cổng chính, chùa chính đã có nhà vệ sinh nhưng làm từ lâu đã cũ, bốc mùi hôi thối, cần đầu tư nâng cấp. Nay có vốn ưu đãi, mời luôn ông bạn quan huyện đầu tư. Tủn Văn Mủn tính toán, một lần vệ sinh mấy nghìn đồng, mỗi ngày có hàng nghìn người, lễ tết hàng chục nghìn người mà mỗi người ít nhất phải một lần, chỉ thời gian ngắn thu hồi vốn và khoản đầu tư này dành cho bạn bè. Ông bạn quan huyện hào hứng:
– Hay, lĩnh vực kinh doanh này chắc chắn không bị xin miễn giảm, không rớt mất một đồng. Giá mỗi lần đi vệ sinh cần quy định thống nhất để xây dựng bản sắc văn hóa cho khu du lịch. Tỷ lệ nộp cho khu du lịch bao nhiêu?
– Không, không nộp. Sao lại có chuyện đó cơ chứ, được anh tham gia đầu tư là niềm vinh dự cho chúng tôi và anh còn giữ giá đi vệ sinh, tiên phong xây dựng bản sắc văn hóa khu du lịch thì chúng tôi biết ơn lắm rồi.
Có vốn ưu đãi, Tủn Văn Mủn cũng nâng cấp văn phòng làm việc, dựng ngôi nhà cột gỗ to cao theo bản sắc khu du lịch, gian chính giữa là phòng của Tủn Văn Mủn trổ cửa ra đường liên huyện nổi bật tấm bảng nền đỏ chữ vàng: “Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tủn Văn Mủn”. Trong phòng đặt hai bộ bàn ghế gỗ đồ sộ, bộ sa lông giữa phòng và bộ bàn chữ nhật sát tường.
Bàn chữ nhật mặt gỗ nguyên tấm dài hai mét rưỡi, rộng mét sáu, dày hai tấc, vân tự nhiên cực đẹp. Sau bàn là ghế của Tủn Văn Mủn, gỗ súc nguyên khối chạm trổ hai con rồng châu đầu trên cao, bờm tủa ra, có những cặp chân móng nhọn. Hai tay vịn là đuôi rồng uốn kỳ vĩ. Trước bàn có hai ghế chạm trổ nhỏ và thấp. Bộ bàn ghế có tên Rồng Chầu.
Bộ sa lông giữa phòng cũng gỗ súc, gồm một ghế dài, ba ghế ngắn và cái bàn xẻ đúng nửa cây cổ thụ, mặt trên đánh bóng, phía dưới để sù sì tự nhiên. Các ghế có tựa và tay vịn chạm trổ thân rồng uốn lượn, nhấp nhô san sát tạo nên một đàn rồng. Nên có tên Rồng Cuộn.
Tủn Văn Mủn đang ngồi ở bộ Rồng Cuộn thì ngoài cửa xuất hiện hai phụ nữ còm nhom. Choáng ngợp vì những bộ bàn ghế gỗ, họ sững lại, miệng chào lý nhí, trong lúc Tủn Văn Mủn oai vệ đứng dậy, bước nhanh lên ngồi bộ Rồng Chầu, hất hàm.
– Việc gì?
Hai phụ nữ lúng túng tội nghiệp. Hồi lâu, họ rụt rè ghé nửa mông vô hai cái ghế thấp nhỏ ở bộ Rồng Chầu. Tủn Văn Mủn nhắc lại câu hỏi. Một phụ nữ ấp úng thưa, họ là hai chị em con của bà bán thịt heo ngoài chợ hồi nào, đang không việc làm thì có người chỉ vô đây xin. Tiếng nói lí nhí mà như sét đánh giữa phòng. Tủn Văn Mủn bật ngửa người, trố mắt. Giây phút bất động khiến Tủn Văn Mủn như cũng tạc bằng gỗ, thêm vào cặp rồng châu đầu cao lớn, dữ dằn, đầy đe dọa. Hai người phụ nữ cúi gằm xuống đôi bàn tay đen đúa vặn xoắn trong lòng. Phút lặng phắc, hai người phụ nữ sợ sệt nhìn lên thì Tủn Văn Mủn chợt mỉm cười và cầm điện thoại, bấm số gọi cho ông bạn quan huyện, vừa nói vừa lắc lư người. Lúc này, lưng Tủn Văn Mủn đã tách khỏi ghế, cặp rồng chầu cao lớn dữ dằn vẫn chết cứng, còn Tủn Văn Mủn ngọ nguậy sống động. Thả cạch cái điện thoại xuống bàn làm hai người phụ nữ giật nẩy mình, và Tủn Văn Mủn nói một câu thì hai phụ nữ co rúm:
– Thu tiền ở nhà vệ sinh được không?
– Dạ, việc gì chị em tui cũng làm được ạ – Hiểu câu hỏi, họ trả lời ngay.
Tủn Văn Mủn giơ cánh tay phải ra phía trước như tượng vĩ nhân:
– Tuần sau đến làm việc.
– Dạ, ở đâu ạ? – Hai phụ nữ tròn mắt, chưa dám tin vào tai mình.
– Sang phòng bên có người chỉ.
Tủn Văn Mủn xé tờ lịch trên bàn, nghệch ngoạc mấy chữ, huơ tay trên cao trước khi hạ xuống trao cho hai chị em tội nghiệp.
– Dạ, đội ơn anh ạ – Hai chị em đứng dậy cúi gập người chào, khép nép lùi ra.
Tủn Văn Mủn vừa gọi điện thúc ông bạn quan huyện làm thêm hai nhà vệ sinh ở hai bờ hồ giữa đoạn đường từ cổng chính lên chùa. Bờ hồ dài, nhiều du khách đến đoạn giữa muốn đi vệ sinh cứ phải bước nhanh lên trên hoặc quay trở lại, đã phàn nàn. Cần thêm nhà vệ sinh ở đó để khai thác nhu cầu, nhưng ông bạn quan huyện đang lo doanh thu thấp, không có người chịu làm việc. Xuất hiện hai chị em đói nghèo, nếu bình thường chắc Tủn Văn Mủn bỏ qua nhưng con bà bán thịt heo không thể quên, số phận chênh lệch gây ấn tượng mạnh đến mức qua phút choáng váng, Tủn Văn Mủn nhớ ngay tới mối bận tâm của ông bạn quan huyện nên gọi điện báo đã tìm được người chịu làm việc nơi thu nhập thấp. Từ đó, Tủn Văn Mủn còn được tiếng giúp đỡ người nghèo, lại giúp con của người từng dọa chém giữa chợ, thêm ánh hào quang rực rỡ hiếm có.
Và ánh hào quang cá nhân người đang có tiền bao giờ cũng nhuốm vẻ huyền bí như đoạn đường ma mị, thỉnh thoảng còn chớp lóe loằng ngoằng chói mắt của truyền thông. Chuyện hai chị em con của người dọa chém Tủn Văn Mủn giữa chợ được lo việc làm là một tia chớp lóe loằng ngoằng như thế, cho trí tưởng tượng thêu dệt tình tiết ly kỳ hào quang thêm ma mị. Đến mức, nhiều cơ quan huyện hay xin tài trợ cho các hoạt động vui vẻ của họ đã đề nghị phong Tủn Văn Mủn danh hiệu Anh hùng thời hội nhập. Kiến trúc ngôi chùa được đưa ra làm minh chứng giá trị đỉnh cao hội nhập. Từng có nhà thơ lấy ý thơ nước ngoài làm sáng tác của mình, có nhà viết câu đối lấy câu đối nước ngoài dịch sang tiếng Việt đề tên mình, có nhà nghiên cứu bê nguyên xi công trình nước ngoài thêm thắt chút ít để thành của mình, lại có người ca ngợi những việc trên với lý thuyết tiếp biến thô thiển, mà nhiều người trong số đó đã được phong anh hùng. Tủn Văn Mủn hơn họ, tại sao không thể là Anh hùng? Câu hỏi cấm cửa phản đối.
Tủn Văn Mủn đang ngồi ở bộ Rồng Chầu thì ông bạn quan huyện bước vào, vừa đi vừa nói “cứ làm việc, tôi nói chuyện này tý thôi”. Nhưng Tủn Văn Mủn đã rời bộ Rồng Chầu, chạy xuống bộ Rồng Cuộn, lúi húi pha trà, điệu bộ cung cúc hèn mọn như hồi nào chưa thay đổi và có lẽ không bao giờ thay đổi. Ông bạn cho biết, hồ sơ đề nghị phong Anh hùng thời hội nhập cho Tủn Văn Mủn đã được huyện gửi đi. Tức thì, Tủn Văn Mủn ngừng pha trà, nghển cổ nghe. Ông bạn ngâm nga “nhìn lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống thì cũng chẳng ai bằng mình”.
– Gia thế anh thì nhất huyện này rồi – Tủn Văn Mủn đưa đầy.
– Tôi muốn nói Anh hùng thời hội nhập là tầm quốc gia đã vươn ra quốc tế.
Tủn Văn Mủn vội vội vàng vàng làm trà đổ ra bàn, đưa bàn tay chùi rồi lau tay vào quần, xong bưng chén trà mời ông bạn quan huyện.
– Hoạt động kinh doanh ở đây của anh đang phát triển không ngừng phải không ạ? – Tủn Văn Mủn hỏi việc thu tiền nhà vệ sinh nhưng đẩy đưa với ngôn từ trang trọng.
– Đỡ lắm, mấy tháng nay đã vượt lương vợ con tôi làm ở doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Ồ, trà thơm quá – Ông bạn quan huyện thành thật trả lời.
Tủn Văn Mủn không kìm được niềm phấn khích trong lòng, vung tay đập mạnh xuống vòng lượn Rồng Cuộn, cười he he rổn rảng vang khắp phòng:
– Đời vậy mới sướng!
Sáu Nghệ
Đánh giá bài viết
Bài viết liên quan: