Truyện ngắn dự thi – Trăng mật một mình

Đó là một tín hiệu. Luôn là vậy. Ngay khi Kim muốn làm gì đó cho bản thân cô lại nhận một tín hiệu.

Sân bay Zaventem năm giờ chiều ngày đầu tiên của kỳ nghỉ trăng mật. Tin nhắn chết tiệt của hãng hàng không liệu có làm hỏng chuyến đi không nhỉ: Chúng tôi đang tìm hành khách chuyến bay SN 2907 sẵn sàng đổi vé khởi hành chuyến ngày mai. Để đền bù, chúng tôi xin tặng 250 EUR và một đêm khách sạn. Quý khách nào quan tâm đề nghị này, làm ơn đến quầy gần nhất đổi vé.

Ai đó cần chuyến đi này ngay lúc này hơn cô. Có thể một người đàn ông cần bay gấp đến Vienna để cầu hôn cô gái mà anh chợt nhận ra không thể sống thiếu. Có thể một cô gái quyết định bỏ tất cả để bay ngay về với chàng trai cô tin là lẽ sống đời mình. Là ai đi chăng nữa, lý do gì đi chăng nữa, cô cũng tin người đó xứng đáng bay chuyến này hơn cô. Kim càng muốn tin điều này hơn khi tin nhắn của chồng hiện ra “Chúc em chuyến trăng mật vui vẻ! Anh luôn yêu em hơn em yêu anh!”

Loa gọi, hành khách rục rịch xếp hàng làm thủ tục lên chuyến bay SN 2907 tới Vienna. Kim chỉ nghe tiếng chồng vẳng bên tai “Em đang không là chính em. Trầm cảm khi mới bước vào hôn nhân thôi mà. Cứ đi trăng mật một mình cho thoải mái. Anh chờ em về.” Đề nghị ấy buột ra sau một loạt cãi vã những ngày đầu chính thức thành vợ chồng. “Hãy là người đàn bà tự do nhất có thể trong bảy ngày trăng mật này. Nhưng xin em nhớ rằng không điều gì xảy ra trong bảy ngày đó có chỗ trong cuộc sống thực cả đâu.” Lời cuối của chồng khi dừng xe ở biển Kiss and Ride vang lên khiến cô bật phắt dậy, kéo vali nhập hàng người trước mặt.

 

Kim ngồi sát cửa sổ trông ra cánh máy bay. Hai ghế bên ngoài trống. Tốt. Có thể khóc, ngủ thoải mái mà không lo bị nhìn, bị đánh giá. Thân cô rung lên khi máy bay bắt đầu chuyển động. Xóc. Căng. Nặng. Hẫng. Tay quờ quạng, lòng bàn tay trống trải, các ngón tay lóng ngóng tìm bám víu. Nếu chồng ngồi cạnh, thế nào anh cũng chủ động nắm tay cô khi máy bay vừa cất cánh. Cô thực sự nhận ra anh đang không ở đây. Mình dám làm điều này sao? Đôi bàn tay run rẩy mãi cho đến khi các ngón đan vào nhau vỗ về khuôn ngực phập phồng căng thẳng và thổn thức. Mình sẽ ổn thôi. Mình đang bay và không thể quay lại được nữa. Ngoài ô cửa cuộn lên từng búi mây xốp như những chiếc gối bọc lụa trắng gắng đuổi theo cánh máy bay, cố không tuột khỏi tầm mắt cô. Chết tiệt! Lẽ ra phải mang theo chiếc gối đó. Nó là thứ dụ dỗ giấc ngủ đến và được cô nâng niu khiến chồng phát hờn “em ôm nó còn nhiều hơn ôm anh.” Thế mà cô bỏ nó lại nhà.

 

Xăng và khói xộc vào mũi. Ngọn lửa bùng lên như muốn thè lưỡi liếm mặt cô, đốt tóc cô. Từ vai cô trở lên biến dạng, rồi biến mất. Rõ ràng một người không đầu. Mặc. Cô quăng chiếc gối thứ hai vào lửa. Nếu kí ức như những sợi tóc mọc ra trên đầu, cô cũng sẵn sàng giật, cắt cả mớ tóc ấy đi quăng vào lửa. Xóa sổ đi. Hãy tan biến đi cái cảnh cô bất ngờ thấy lưng mẹ chồng lén vào phòng ngủ của vợ chồng cô, lôi cái gối bên trong ra, đặt xuống, ngồi lên, di đi di lại một lúc mới trả về chỗ cũ. Cô vừa bị yểm bùa? Cô vừa lọt vào gia đình của quỷ sứ? Không, rõ ràng cô đang ở Bỉ, cô vừa trở thành con dâu một gia đình gốc Việt định cư ở đây hơn năm mươi năm cơ mà. Nửa thế kỷ cơ đấy. Hay suốt mười năm du học và làm việc ở xứ người, cô đã quên gốc rễ, đã sợ hãi phong tục xứ sở mình? Một thập kỷ cơ đấy. “Hủ tục chứ tục lệ gì,” giọng mẹ cô vang lên đầy cảm thông qua điện thoại, “Mẹ cũng đến lạ là bà thông gia sống bao năm ở nước ngoài rồi, tưởng đầu óc tân tiến hiện đại chứ sao lại cổ hủ thế. Bây giờ mẹ chồng ở quê chẳng ai còn làm phép như thế đâu.” “Tà phép quỷ ma gì thế hả trời?” Kim gào lên, cố gắng tìm đồng minh giúp bình tĩnh lại. “Ngày xưa thôi, mẹ nhấn mạnh là ngày xưa thôi nhé, khi còn phải chung nhà với bố mẹ chồng, có tục lệ mẹ chồng trải giường cưới cho con trai con dâu để chào đón và chúc phúc đôi trẻ. Mẹ là người giữ lửa hạnh phúc trong gia đình nên chính tay mẹ chồng trải giường cho con dâu là có ý nghĩa truyền may mắn, hạnh phúc và tình yêu cho thế hệ tiếp theo. Ý nghĩa thì đẹp như vậy, nhưng sau này mẹ nghe kể ở một số vùng quê các mẹ chồng rỉ tai nhau muốn trị con dâu, muốn con dâu không phản chồng thì mẹ chồng phải ngồi lên được cái gối của nó, coi như phép đè đầu cưỡi cổ nó…” Mẹ càng say sưa kể, càng xoa dịu, Kim càng ghê rợn như thấy chiếc gối tuột khỏi gáy, từ từ trôi lên mặt, bịt mũi cô, ngực cứ thế nặng dần.

“Em đốt gối á? Đúng là chuyện bé xé ra to,” chồng cô sửng sốt. “Em đốt hộ cả gối cho anh rồi,” cô tuyên bố. “Chẳng qua mẹ chỉ muốn con trai hạnh phúc thôi, em nghĩ thế đi có phải nhẹ lòng hơn không nào,” cái cách cố làm nhẹ chuyện của chồng khiến Kim thêm khó hiểu, thấy xa lạ với con người anh. “Bình tĩnh, uống cốc nước này đi, nghe anh nói. Em cũng thấy rõ mẹ ngồi nhầm lên cái gối của anh mà. Có mẹ chồng nào lại nghĩ con dâu nằm bên ngoài cơ chứ,” chồng cô tiếp tục thanh minh một cách hài hước, không, một cách lố bịch. “Gối trong hay gối ngoài cũng thối cả rồi. Không thể ngủ trên cái giường ấy được nữa,” Kim hãi hùng đáp trả. Đó là một tín hiệu bùng ra. Có thể trước hôn nhân những tín hiệu kiểu này đã chực chờ Kim để mắt nhưng cô cứ luôn tránh không cho chúng đến.

 

“Chào cô. Đây là nước của cô,” tiếp viên nam có mái tóc màu cam đồng rực lửa hiện ra làm cô phải giụi mắt. Cô đang trên chuyến bay từ Brussels tới Vienna. Có gọi nước đâu nhỉ. Sao lại uống nước. Cô đang bình tĩnh cơ mà. Đợi Kim uống hết cốc nước mát lạnh người tiếp viên mới mỉm cười một cách tinh quái và rời đi. Kim hơi nghển cổ nhìn theo thân hình phía sau của anh ta bó trong chiếc sơ mi trắng và quần âu đen. Cô không để ý sự cuốn hút của hình thể đó mà băn khoăn tại sao lại thấy sự tinh quái trong nụ cười ấy. Có thể anh ta cười xã giao như với bao hành khách khác, mỗi cô suy diễn ra ý tinh quái. Bên ngoài, không gian đã tối lại, phía dưới là những quầng đen sẫm của biển và xam xám của núi. Máy bay hạ độ cao. Ting. Tiếng kêu nhỏ trên đầu và màu đèn vàng nhắc cài khóa an toàn. Cô nhìn xuống bụng. Từ lúc lên máy bay cô chưa tháo dây an toàn lần nào. Ánh đèn vàng và những chiếc xe nhỏ như móng tay lặng lẽ bò trên các dải đường chằng chịt phía dưới nhắc nhớ cô hạ cánh trở lại đời sống hiện thực.

Tiếng mở khóa an toàn lách tách. Những băng ghế vốn trật tự trước đó bắt đầu lộn xộn, rung bật, lô nhô đầu người. Sau hai giờ ngồi bây giờ là lúc người ta cố đứng thẳng để lấy hành lý, hối hả gọi điện cho ai đó. Ai cũng bận rộn như thể cả thế giới cần họ, chờ họ và muốn được nghe tiếng họ sau hai giờ câm lặng. Kim không mở điện thoại, cũng không đứng lên mà ngả lưng ra ghế, duỗi dài chân về phía trước. Cô giang hai tay đón lấy cảm giác tự do đầu tiên: bên cạnh không có ai đi cùng thúc giục lấy hành lý, cũng không ai đợi cô ở phía trước. Cô mỉm cười đắc thắng với một ý nghĩ hân hoan vừa tràn ra trong đầu. Khi cả thế giới đưa ra tín hiệu cô không có lý do để đi chuyến này một mình thì đó chính là động lực để cô đi.

Nhầm. Vừa xềnh xệch kéo vali đến cửa máy bay cô vấp phải người tiếp viên có mái tóc màu cam đồng rực lửa. Anh ta cùng nữ đồng nghiệp đang chờ hành khách cuối cùng rời máy bay. Cô tiếp viên cúi chào bằng gương mặt lạnh lùng, Kim lề mề quá làm cô ta phải đợi lâu. Còn anh tiếp viên nhấc bổng cái vali đang khựng lại giữa cửa máy bay và cầu thang sắt, đặt nhẹ sang bên kia rồi mới cúi đầu “Cảm ơn cô đã bay cùng tôi.”

Cái gì? Có nhầm không. Phải là bay cùng hãng hàng không chúng tôi chứ, sao lại cảm ơn bay cùng anh ta? Kim đưa ánh mắt thắc mắc phủ lên gương mặt anh ta, nhưng người tiếp viên chỉ mỉm cười và mất hút trong máy bay. Kim cố gắng lắc lắc đầu cho mọi ý nghĩ mơ hồ rơi ra trước khi bước đi.

 

Từ Hauptbahnhof lấy tàu Railjet đi Bregenz Bahnhof. Tàu chạy khoảng hai giờ sẽ tới ga Attang- Puchheim. Nhớ phải chuyển tàu Regional Express đi Steinach Irdning nhé. Đó mới là hướng đến làng cổ Hallstatt. Cô muốn đi chuyến sớm thế thì đừng ngủ gật kẻo tàu đưa sang Thụy Sĩ đấy.”

Kim nhìn điện thoại. Mới bảy rưỡi sáng. Lời dặn của lễ tân khách sạn làm cô chập chờn chợp mắt, lo muộn tàu rồi lại lo ngủ gật trên tàu. Kế hoạch là phải thay đổi kế hoạch làm cô háo hức trở lại. Và bây giờ cô đang trên tàu đi Steinach Irdning với một chiếc túi xách tay. Vali đã để lại khách sạn cũng là nhà của cô trong bảy ngày trăng mật, đó là kế hoạch cũ. Tay lễ tân khách sạn có lý, gần mười hai giờ đêm qua cô mới phờ phạc mò tới khách sạn sau mấy lần lên nhầm tàu xe công cộng ở Vienna, thế mà đặt vali xuống đã hỏi ngay sớm mai đi thế nào đến Hallstatt. Có chồng bên cạnh cô chẳng phải bận tâm cần bắt chuyến xe nào, đi bao trạm thì tới nơi. Chồng cô đã làm hỏng cô từ khi yêu nhau. Bây giờ phải học lại thói quen hỏi đường, đọc Google map. Đã thế Kim sẽ tháo rời cái hành trình chồng cô sắp đặt trước cho kỳ nghỉ trăng mật. Cô không ở lại Vienna mà đi ngay làng cổ Hallstatt. Nghe nói nơi này bình yên và đẹp lắm.

Còn một việc khiến Kim không thể ngủ gật trên chuyến tàu Regional Express đi Steinach Irdning. Cô phải tính toán lại chi phí. Tài khoản chung có sáu nghìn EUR cho chuyến trăng mật. Để công bằng, cô quyết định bấm chuyển ba nghìn EUR vào tài khoản riêng của chồng. Không ở lại Vienna mà đùng đùng đi Hallstatt thế này buộc cô phải mở sổ ra ghi chép tỉ mỉ từng khoản chi phí phát sinh.

 

Cứ ba mươi phút có một chuyến phà đưa khách du lịch từ ga đổ bộ vào làng Hallstatt. Chín giờ sáng. Kim ngỡ mình là một trong những khách đầu tiên vào làng hôm nay. Lại nhầm. Trục đường chính đã vật vờ mấy đám khách du lịch quét ánh nhìn tò mò vào các ô cửa sổ khép kín. Tiếng cười như rú của nhóm thanh niên sột soạt áo phao màu bạc dài tới gót chân đang giơ điện thoại xoay tròn như bị quáng gà. Họ thách nhau chụp được tư thế đứng ngang tháp chuông nhà thờ, ngang cả dãy Alps đang ôm trọn làng Hallstatt và hồ Hallstättersee phẳng lặng như gương vào lòng.

Mới đầu tháng mười một mà Hallstatt đã cóng và nặng sương buổi sáng. Kéo cổ áo che nửa mặt, Kim tìm con đường vắng hơn vào làng. Các tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ và gốm bày rải rác dọc đường đi nhưng bên trên những ô cửa sổ vẫn đóng kín. Bụi hồng gai trong bãi cỏ vườn sau nhà ai đó rung rung. Không phải gió. Nhô lên hai cái đầu tóc muối tiêu của vợ chồng trung niên người Á. Thấy Kim họ vội khúc khích kéo nhau đi nhanh. Phất phơ mấy mẩu giấy vệ sinh trăng trắng vương hiện trường. Cô cúi đầu, đi nhanh về phía những chiếc chong chóng xanh đỏ đang tít gió. Lên cao hơn, Kim chậm lại ở một góc kê băng ghế gỗ đặt chậu hoa cẩm tú mai màu tím hồng, đối diện hàng rào nhìn xuống mặt hồ Hallstättersee. Cách ghế gỗ khoảng hai mét là cây thông treo đèn lồng, tác phẩm điêu khắc gỗ mẹ bồng con đặt dưới gốc. Mùi nến thảo dược tỏa ra từ một căn nhà nhỏ xíu, đúng hơn là một lều gỗ dựng bên sườn núi đá. Kim thò mặt ra khỏi cổ áo để hít hương thơm ấy cho ấm người, bước tiếp. Mới đi thêm chừng mười mét, mắt cô vấp phải những tấm biển “Hãy lặng yên ngắm cảnh”, “Xin đừng ồn ào ảnh hưởng đời sống người dân”. Một cây bonsai bị tròng cổ tấm biển in lời thỉnh cầu “Không chụp ảnh khu vực riêng tư” giương những chiếc lá pha màu nâu đỏ như đôi mắt buồn bã nhìn Kim. Cô không dám đi sâu nữa mà ngoặt đường tắt để tìm Nhà thờ xứ.

 

Từ nghĩa trang trong Nhà thờ Giáo xứ Công giáo La Mã thế kỷ 15 ở Hallstatt có thể ngắm quang cảnh tuyệt đẹp của thị trấn và hồ Hallstättersee. Đó là thông tin cô lướt nhanh trên Google khi ngồi tàu tới đây. Khi người sống trong làng chưa muốn mở cửa thì Kim chỉ còn cách đến thăm người chết. Hi vọng được đón tiếp niềm nở hơn.

Cho phải phép, cô hơi cúi người và rón rén đi qua những hàng mộ thẳng tắp, mỗi cây thánh giá trên mộ đều được lợp một mái gỗ hình chóp. Không khách du lịch nào ở đó, trừ Kim. Cô tì ngực vào tường đá dài như ban công lớn nhìn ra Hallstatt. Mặt trời vừa vất vả leo tới đỉnh Alps, cố rọi một dải sáng non và mỏng vào mặt hồ. Màn sương đặc như thạch trên mặt Hallstättersee khẽ rùng mình. Từng lớp khói mỏng bay lên, vạ vật vách núi, ẩn nấp vào những mái nhà nhấp nhô bên hồ tạo thành màu xám xanh kì lạ. Màu của sự run rẩy trước khi chấp nhận và tan biến. Màu của mơ hồ. Kim rớm nước mắt. Bay một chặng dài rồi rơi tọt vào đây. Phía sau cô là người chết. Phía trước cô đầy mơ hồ. Càng vùng vẫy càng bị kéo về điểm xuất phát. Trong sương ảo, gương mặt một phụ nữ gốc Việt hiện ra, trông giống cô, nhưng là chị dâu của chồng cô ghé tai thì thào “Chào mừng cô về với gia đình này. Sau trăng mật cô sẽ phải chia sẻ chồng với mẹ chồng đấy.” “Chuyện quái gở gì thế?” miệng Kim phả ra làn khói xanh xám. “Ban đầu tôi cũng thấy lạ như cô. Mãi phải quen. Tôi thà để chồng cuối tuần về với mẹ còn hơn là chính tôi cũng phải đến đó ngủ.” “Tôi không hiểu.” “Rồi cô sẽ thấm đòn. Sau khi bố chồng chết thì mẹ chồng chúng ta ra cái luật ấy. Hai đứa con trai thay nhau về nhà với mẹ hai ngày mỗi tuần. Con dâu không muốn chung nhà với mẹ chồng phải chấp nhận chia chồng.” “Không ai phản đối?” “Thách cả loại đàn bà đi làm có lương sống độc lập như cô đấy. Tôi sống phụ thuộc, cứ nhịn cho yên cửa ấm nhà. Tôi có lần chứng kiến chồng cô đề nghị sau khi kết hôn sẽ không về nhà ngủ với mẹ nữa trừ khi mẹ đau ốm, thì mẹ chồng chúng ta nói rằng: Mẹ ước gì đã không sinh ra con. Nếu có kiếp sau mẹ cũng không muốn con là con của mẹ nữa. Tôi đã thấy chồng cô bật khóc. Hãi chưa!”

 

Lời chị dâu dội lại làm Kim nghẹt thở. Trước đây cô không mấy tin chị dâu, kiểu đàn bà thích kiếm chuyện làm quà. Cô và chị ta ngồi cùng mâm nhưng không cùng hệ tư tưởng. Sau vụ cái gối cô bắt đầu thấy chuyện của chị dâu có căn cứ. Cô dám đi trăng mật một mình liệu mẹ chồng còn câu nào đau đớn hơn để dằn vặt chồng cô không? Anh có khóc không? Từ khi chia tay ở biển Kiss and Ride, đây là lần đầu tiên cô muốn biết anh đang làm gì. Ngón tay cô băn khoăn trên bàn phím điện thoại kiếm từ thích hợp. “Anh đang khóc đấy à?” Phút sau chồng cô nhắn lại “Ngốc ơi, anh không yếu đuối thế đâu.” “Không nhớ em chút nào?” “Nhớ. Nhưng không khóc.” “Chỉ mẹ anh mới có thể làm anh khóc?” Điện thoại im bặt. Cô vừa xúc phạm anh chăng. Có nên gọi xin lỗi. Hoặc nhắn tin khác vờ như không có chuyện gì xảy ra. Sự im lặng như tra tấn. Sự im lặng như đột ngột mất hơi thở. Thật sai lầm. Lúc đi đã giao hẹn không cần nhắn cho nhau, không nhận tin nhắn có nghĩa là ổn, là để cho nhau yên trong bảy ngày cơ mà.

Phía dưới, trên cầu gỗ sát mặt hồ, một nhóm rối rít chạy quanh đôi uyên ương châu Á đang chụp ảnh cưới. Người cầm máy ảnh cố chỉnh đôi uyên ương đứng sao cho lấy được hậu cảnh cặp thiên nga trắng muốt đang bơi. Nên thầm chúc phúc cho họ cô lại thương hại họ, thậm chí thấy lố bịch.  Hallstatt hắt hủi cô rồi lại giễu cợt cô. Kim không thể đứng mãi trong nghĩa trang với những người chỉ cần ngủ. Cô cần xuống núi để ăn.

 

Sương đã tan nắng đã tràn. Kim đang ở quảng trường chính của làng. Những ngôi nhà bây giờ trông thực hơn trong màu cam, xanh nhạt, nâu đất. Các ô cửa sổ gỗ đã niềm nở giang cả hai cánh. Nhưng món ăn bày ra trong thực đơn và trên bàn lại hắt hủi Kim một lần nữa. Wiener Schnitzel, Wiener Würstel, Tafelspitz và bánh bao Knödel trông thật khô khan khó nuốt.

Chọn nhà hàng nhỏ nhất, ngồi cạnh cái bàn kê hai ghế ở góc khuất, giở đi giở lại thực đơn Kim vẫn chưa biết ăn gì. “Mời cô uống nước trước khi chọn món,” tiếng người phục vụ vang lên. Mái tóc màu cam đồng rực lửa của người tiếp viên chuyến bay SN 2907 hiện ra. Mệt, đói, buồn, Kim không đủ sức ngạc nhiên mà chỉ hỏi mang tính chấp nhận “Thế ra anh có đến hai việc?” Như đã thân quen, tóc màu cam đồng chìa tay ra “Tôi tên Max Wober, cứ gọi Max. Đây là nhà hàng của bố mẹ tôi còn tôi thỉnh thoảng giúp việc trong kỳ nghỉ phép. Hân hạnh được phục vụ cô, Kim.” Cô định hỏi sao anh biết tên cô nhưng chợt nhớ mình là hành khách trên chuyến bay của anh ta nên cô tập trung chuyện quan trọng hơn “Tôi vẫn chưa biết ăn gì. Anh có gợi ý nào không?” “Tôi đoán cô cần một món có nước. Đợi chút nhé.”

Max bê ra một khay gỗ. Trên khay gỗ có đĩa sứ trắng sâu lòng đang sóng sánh thứ xúp màu nâu vàng lấm tấm lá mùi xanh. “Món này là Kärntner kirchtagssuppe. Còn tôi gọi là xúp của mẹ Carina, tên mẹ tôi. Công thức là ninh xương bò lấy nước dùng rồi cho bột khoai, hành tây, nguyệt quế, quả bách xù, gừng và đinh hương. Tôi thích xúp mẹ Carina nhất vì mẹ nướng gừng, đinh hương và hành tây thơm phức lên rồi mới nấu. Món này không có trong thực đơn nhà hàng, mẹ nấu riêng cho tôi trước khi bố mẹ đi Thụy Sĩ nghỉ dưỡng sáng nay. Mời cô!” Kim xúc một thìa xúp. Cô múc thêm thìa nữa. Thìa nữa. Thứ mùi bùng lên làm tan rã mọi mơ hồ nghi ngại. Vị ngọt ấm và thấm thía cảm giác vỗ về của gừng, hành nướng xông lên tất cả các giác quan này chỉ có thể là ở Brussels ba năm về trước. Khi ấy, chồng đưa cô về ra mắt mẹ. Mẹ chồng nấu phở. Và ngay lúc đưa miếng phở ấm vị ngọt gừng, hồi, quế, hạt mùi nướng thuần hương ấy vào miệng, Kim thấy mình được về nhà. Lúc đó cô sẵn sàng trở thành một phần của cái gia đình ấy ở xứ hàn đới này.

 

“Thế nào?” giọng Max vang lên. “Bát xúp này là thứ có thật nhất hôm nay ở Hallstatt,” Kim mỉm cười. Bụng ấm lên, tươi tỉnh hơn, cô hỏi “Max, tối nay tôi muốn ở lại Hallstatt. Làng còn phòng trống không?” Max lắc đầu “Chỉ có nhà bố mẹ tôi. Ngay tầng trên nhà hàng này. Hơn một năm trước mẹ tôi bắt đầu hết hi vọng tôi sẽ nghỉ bay để thay họ tiếp quản nhà hàng này. Mẹ chấp nhận cho khách thay đổi kế hoạch kiểu như cô vào trọ phòng tôi, thu nhập bổ sung này bố mẹ thuê thêm quản lý và đi nghỉ dưỡng dài ngày hơn ở Thụy Sĩ. Thế lại hay, tôi cũng cảm thấy đỡ áy náy.” “Tôi trọ phòng anh thì anh ngủ phòng bố mẹ à?” hỏi xong mặt cô tự nhiên ửng lên như vừa uống một li vang. “Bố tôi có một cái lều gỗ trên núi kia. Tối nay tôi lên đó vài ngày vì có việc phải làm ngay và cần tĩnh lặng. Cần thêm gì cô trao đổi với cậu quản lý trong quầy kia kìa.” Kim chưa gật Max đã nói tiếp “Lên nhà, vào bếp gia đình cô sẽ thấy nồi xúp mẹ tôi nấu sẵn ở đó. Cứ dùng thoải mái.” Kim ra điều kiện “Tôi trả tiền cả nồi xúp đấy nhé.” Max cười cười, chợt nhìn xuống “Vali đâu?” “Để lại Vienna rồi.” “Vậy cần thêm quần áo để ở lại đây nhỉ.” Anh chỉ tay sang cửa hàng đối diện treo đầy những bộ trang phục truyền thống Kärntner Tracht của Hallstatt “Cũng là chị tên Carina, chị họ tôi. Carina có cả thường phục đấy, nếu cần cô cứ sang hỏi.”

 

Như hiện ra chỉ để sắp đặt một kế hoạch ngẫu hứng cho Kim ở Hallstatt rồi Max biến mất. Người quản lý nhà hàng và chị họ Carina chưa đủ gần để Kim trò chuyện thêm gì ngoài những trao đổi thiết yếu. Ngày thứ hai ở Hallstatt cô lên kế hoạch như một khách du lịch bình thường, thăm mỏ muối, vào nhà xương Hallstatt Ossuary. Hôm sau cô chui Hang Băng, leo đài quan sát Skywalk. Xúp mẹ Carina đã hết. Kim ăn bánh bao Knödel, xúc xích Wiener Würstel bắt đầu thấy ngon.

Cô ép mình tuần tự đến các điểm đã vạch ra, cố gắng không nhắn tin cho chồng trong khi anh vẫn hoàn toàn im lặng. Sự im lặng của anh đã sang đến ngày thứ tư của kỳ nghỉ trăng mật. Thêm chuyện bứt rứt, anh đã biết cô chuyển cho anh ba nghìn EUR. Sao anh không nhắn đại loại “Em cứ giữ mà tiêu cho thoải mái.” Hoặc cứ làm động thái chuyển lại tiền cho cô cũng là gửi kèm ý rồi. Đằng này anh im lặng trong cả chuyện tình cảm lẫn tiền bạc.

 

Vừa đặt một chân xuống thuyền đi tour quanh hồ Hallstättersee, Kim bỗng do dự. Khoảng cách gần người thế này dội lên sự cô đơn khủng khiếp. Rụt phắt chân lại, Kim bỏ đi. Điện thoại báo có thư điện tử. Anh chăng. Kim mở hộp thư. Chị dâu chồng. Thất vọng chồm lên như thể Kim vừa bị đẩy lại thuyền và đám hành khách xa lạ đang đốt cháy cô bằng những đôi mắt giận giữ vì bắt họ chờ đợi. Chưa đọc thư cũng chắc một điều chị dâu thay mặt gia đình chồng lên án cô đây. Cứ cố mà đi rồi trở về sẽ chỉ toàn cay đắng. Cô ngửi ra mùi hả hê phủ phê trong từng con chữ. Chồng không hồi âm. Mẹ chồng khinh không thèm trách móc. Đến mẹ cô họ cũng chẳng thiết mách chuyện đứa con dâu ngỗ ngược. Nhưng họ cử chị dâu gửi thư dạy dỗ cô. Thế mới bẽ bàng. Thế mới đau mãi về sau. Các người khá lắm. Đã vậy xóa ngay không thèm đọc. Quá đủ rồi những bổn phận, những chịu đựng, những dính líu.

 

Người quản lý nhà hàng đang nhíu mày tính toán bên bàn phím nên Kim sang phố xin Carina điện thoại của Max. Carina còn bận hơn. Chị thậm chí không nói được vì miệng ngậm đầy kim băng, tay đang cố chiết lại eo chiếc Kärntner Tracht trên người một cô gái châu Á. Khi Carina nhả được kim băng ra, bật vội vài từ cây thông treo đèn lồng, mẹ bồng con trong khúc gỗ thì Kim gật lia lịa, lập tức rời cửa hàng. Cô đi qua một nhà chờ xe buýt thơm mùi gỗ, những mặt ghế tròn cắt ra từ thân cây lớn đặt trên bờ cỏ xanh non phủ sát mặt nước trong vắt. Từ giữa làng Kim lần theo các bậc đá nhỏ dẫn lên Salzbergweg – cung đường đi bộ thuộc dãy Alps. Hallstatt càng đẹp khi chịu khó đi dần lên cao. Và phải đi đường bộ. Một cảnh quen quen hiện ra. Góc nhỏ có băng ghế gỗ đặt chậu hoa cẩm tú mai rực sắc tím hồng trông ra mặt hồ. Cây thông treo đèn lồng, hình mẹ bồng con trong khúc gỗ lớn. Mùi nến thảo dược. Lều gỗ dựng bên sườn núi đá.

Cửa lều bật mở. Max bước ra. Mái tóc màu cam đồng rối tung dính đầy vụn gỗ li ti. Trông anh hơi kiệt sức nhưng ánh mắt cực kỳ phấn chấn. “Hôm nay cô mới chịu lên đây cơ đấy,” anh cười, lau tay vào chiếc khăn nỉ màu xám. Không để cô kịp trả lời, anh giơ tay ra ý mời ngồi xuống băng ghế gỗ. “Kỳ lạ thật, tôi đã đến đây rồi dừng lại. Tôi đã chui xuống mỏ muối, leo lên Skywalk để rồi lại về đây,” Kim lẩm bẩm ngồi xuống ghế. Ở cạnh Max cô có cảm giác thoải mái nói ra cả những suy nghĩ của mình. Max vắt khăn lên vai, đứng chống nạnh, mắt sáng rực nhìn Hallstättersee lúc này đang ở dưới chân họ “Thỉnh thoảng tôi ra đây nhìn xuống những đốm khách dưới kia và tự hỏi cô đang ở đâu, sao mãi chưa thấy lên đây.” “Anh biết trước tôi sẽ lên đây?” “Vì thế nào cô cũng cần tôi.” Kim không khó chịu trước lời đáp đầy kiêu ngạo. Cô nhìn sang trái, hỏi “Hôm trước tôi dừng ở đây. Thế đi tiếp có gì?” “Đợi tôi vào tắt nến rồi chúng ta đi.”

 

Trời ngả màu chiều muộn. Vào sâu Salzbergweg càng tĩnh lặng. Dần không còn bóng khách du lịch nào nữa, chỉ có Max và Kim. Nắng yếu đi, các làn hơi xanh xám lạnh từ núi tỏa ra, từ hồ bốc dần lên âm ỉ nấu thạch. Họ tiếp tục đi. Kim lên trước vài bước. Bỗng Max nhẹ nhàng nắm lấy khuỷu tay cô kéo lại. Anh muốn cô thấy điều gì đó.

Từ lưng chừng Salzbergweg, một bóng đỏ bật dậy, phát sáng hơn cả nắng. Dáng người khổng lồ cuồn cuộn cơ bắp đỏ rực đang bước đi giữa hai vách núi. Gần như thành kính, Max đan các ngón tay vào nhau, cuộn hai tay lại như thắt khóa an toàn trước bụng, tiến đến hàng rào tì ngực vào đó, tĩnh lặng nhìn theo hướng người khổng lồ đỏ bước đi. Kim không dám nói gì hỏi gì. Cô lại gần tấm bảng gắn ở vách núi: Tác phẩm điêu khắc mang tên Lửa của Maria Christine Brecsik, trưng bày từ 2008. Lửa thiên đường xuống trái đất theo hai cách: phá hủy và kiến tạo. Tác phẩm điêu khắc hình người đỏ rực đang chuyển động này cũng là thông điệp nhắc nhở về hỏa hoạn năm 1750 gần như thiêu trụi trung tâm thị trấn Hallstatt.

Kim tiến đến hàng rào, đứng cách Max một mét để tôn trọng sự im lặng của anh. Những dây thường xuân bền bỉ mạnh mẽ leo cao, chạm được vào tác phẩm điêu khắc bằng thép dựng lưng chừng núi này. Từ đây nhìn rõ các dải xanh lùa vào khoảng trống thân thể của người Lửa như sự sống bắt đầu lên màu da non. Leo được đến vai thì các dây xanh dừng lại, ngơ ngác. Người khổng lồ đỏ không có cổ và đầu.

“Hầu hết khách du lịch đến Hallstatt đều xuống mỏ muối và lên Skywalk, ít ai vào đây gặp anh bạn này của tôi,” giọng Max vang lên. Đã xong một nghi thức riêng tư và thiêng liêng nào đó, anh linh hoạt trở lại “Khi tôi còn nhỏ bố mẹ hay hỏi lớn lên thích làm gì, thích vào lều làm việc cùng bố không, muốn tiếp quản nhà hàng của mẹ không. Tôi không trả lời được. Bất lực. Tôi không tài nào tìm ra điều khiến mình vỡ òa vì mê say và hạnh phúc. Lúc buồn tôi hay ra đây với anh bạn khổng lồ. Tôi tập nói chuyện với anh ta trong im lặng. Rồi tôi nghe được tiếng anh ta trong gió. Tôi lớn lên anh ta bắt đầu hỏi tôi những câu khó. Tôi không trả lời được thì anh ta chuyển sang yêu cầu, thậm chí kì vọng. Có một thỉnh cầu rất hợp lý với anh ta nhưng quá áp lực với tôi. Anh ta khiến tôi có cảm giác mắc nợ, anh ta buộc tôi phải chạy khỏi nơi này bằng cách bay đi thật xa và bay thật dày đặc.” Kim cố nói nhỏ như sợ người khổng lồ đỏ cũng nghe thấy “Trời ơi, tôi nghĩ tôi biết thỉnh cầu của người ấy là gì.” Max quay sang cô, ánh mắt tràn dịu dàng tha thiết biết ơn “Tôi đã bay hàng trăm chuyến, tôi đã thấy hàng ngàn hành khách ngủ trên máy bay,” Max đột ngột dừng lại, không nhìn cô nữa mà xoay theo hướng người khổng lồ để dễ nói hơn “Cho đến khi thấy gương mặt cô đang thiếp đi trên chuyến bay ấy. Cô đừng giận vì tôi đường đột quá, gương mặt cô rất đẹp và vì cô ngủ nên tôi tự cho phép ngắm cô lâu hơn. Tôi bàng hoàng nhận ra tôi nhập được vào giấc mơ của cô. Xin lỗi cô vì sự thô bạo này một lần nữa. Tôi cảm được sự hoang mang, cô độc, đau đớn và buồn bã. Tôi còn ngửi được mùi khói, tôi thấy lửa, tôi chứng kiến cô sắp tan biến trong giấc mơ đỏ rực đó. Tôi liều rót một cốc nước để đánh thức cô dậy…” Kim quay ngoắt lại, chằm chằm nhìn Max. Anh không dám động đậy, nhưng vẫn cố nói ra cho hết, cho nhẹ lòng “Cùng lúc đó tôi nhận ra điều cần làm cho anh bạn khổng lồ đỏ này. Cùng lúc đó trong tôi tràn ngập niềm hân hoan hạnh phúc. Lúc đó tôi mới thật sự cất cánh. Đó là cảm xúc kiếm tìm bấy lâu nay. Tôi đã cảm ơn cô bay cùng tôi. Hôm sau lại được gặp cô ở nhà hàng, tín hiệu thực sự bảo tôi phải làm ngay điều mình vừa thấu suốt. Đến lúc rồi. Không thể trì hoãn nữa. Tôi vội vã lên lều gỗ của bố. Sự xuất hiện của cô là có thực và vô cùng quý giá đối với tôi.”

Đến lượt Max ngạc nhiên quay hẳn người về phía Kim vì thấy cô nở nụ cười rạng rỡ nhất kể từ lần đầu gặp gỡ. Phải rồi. Lúc này, khi mà màu sắc mơ hồ đang phủ tràn khung cảnh trước mặt thì cô lại thấy tất cả đều là thật và có chỗ trong đời thực. Vai cô nhẹ bẫng, cơ thể hào hứng đón làn khí tươi mát tràn trong từng tế bào. “Cô ở lại đây lâu hơn chứ?” Max tha thiết. Kim nhớ ra lí do tìm Max “Đêm nay tôi quay lại Vienna. Có hòa nhạc ở Mozart House, cạnh nhà thờ Stephen lúc sáu giờ tối mai. Tôi mua vé lâu rồi (cô không muốn nói là chồng cô đã đặt vé). Tôi muốn quay lại Vienna xem hòa nhạc và trả phòng sớm để về Hallstatt ở thêm…” Kim ngừng lại trước khi định nói cô muốn ở đây trong bao lâu nữa. Thời hạn trăng mật chỉ còn đủ để cô về Vienna, ngày mai thăm cung điện Schönbrunn và tối xem hòa nhạc. Kế hoạch cũ thì thế. Nhưng bây giờ ai mà biết được. “Cô ở lại đây bao lâu cũng được, đừng trả phí trọ, tôi xin cô đấy. Mẹ tôi sẽ rất vui nếu cô trợ giúp một tay,” giọng Max vẫn tha thiết “Kim, tôi muốn đi Vienna nghe hòa nhạc với cô tối mai, tôi có thể xoay được vé đứng. Dĩ nhiên cô cứ từ chối nếu cô muốn một mình.” Kim có hai vé xem hòa nhạc, và chồng cô không ở đây. Cô vẫn lắc đầu “Anh nên ở lại đây lúc này. Anh cũng hiểu rõ điều đó. Tôi đoán được anh đang làm gì trong lều gỗ kia và anh đang gặp chút bế tắc mới nào. Nếu cùng tôi đi Vienna có thể điều anh đang tập trung sẽ bị xáo động. Mà tôi thì không muốn cảm xúc đó đứt mạch.” Max tiến lại, xúc động cầm cả hai tay cô giữ chặt trong tay anh một lúc. Kim để anh nắm tay, đồng cảm và tự do trong ý nghĩ mình đang làm điều mong muốn một cách chân thành nhất. Cô nhìn sâu vào đôi mắt đang mềm đi vì xúc động và chan chứa si mê của Max “Tôi xin đưa gợi ý cho bế tắc mới của anh được không? Gợi ý nằm ngay trên đầu anh đấy.” Max buông tay Kim, xục hai tay vào mái tóc cam đồng rực lửa đang rối lên của mình, sực tỉnh. Kim ân cần chạm vào khuỷu tay Max giục “Tối rồi, xuống núi thôi.” “Nhưng cô sẽ quay lại chứ,” Max ngoan ngoãn đi theo. “Tôi sẽ gửi tin nhắn ngay sau buổi xem hòa nhạc.”

 

Kim bấm ngón chân trong đôi giày cao gót, cố chịu đau nện bước trên mặt đường đá cổ gồ ghề tìm Mozart House. Cô đến sớm hẳn một tiếng cho lịch sự. Buổi diễn bất ngờ báo hủy, nhân viên trực tha thiết mời cô tới vào tối hôm sau. Nhưng cô đã báo khách sạn mai trả phòng để quay lại Hallstatt rồi. Max chờ cô ở đó. Lại một tín hiệu. Sốc. Hẫng. Chân phải cô bật ra khỏi giày, vung lên như đá vào không trung. Cô nhìn xuống, gót giày nhọn mắc kẹt giữa khe đá. Kim thụp xuống, giật, kéo, chiếc giày vẫn mắc kẹt. Nếu có chồng bên cạnh anh đã gỡ giày cho cô rồi. Nếu Max cùng đi, chắc anh cũng làm như chồng cô. Và nếu không về lại Vienna, tình huống lố bịch này đã không xảy ra. Dùng hai tay giật lần nữa, cái giày mới bật ra, nhưng mất gót. Bước thấp bước cao Kim tìm ghế đá bên đường ngồi xuống. Tê tái. Ai đẩy mình vào tình huống này. Cô không muốn về Brussels trong tình trạng thảm hại thế này nữa. Chỉ Hallstatt mới cho cô sinh khí mới và sự tự tin trở lại. Nhưng vẫn cần một lý do thuyết phục hơn để quyết định. Kim mở điện thoại, tìm thùng rác và bấm phục hồi thư của chị dâu. Được rồi, đã sẵn sàng nghe những lời mỉa mai chì chiết để có động lực tiếp tục trăng mật một mình.

Kim ơi,

Tôi viết để cảm ơn cô đã cho tôi động lực làm điều suốt mấy năm nay không dám quyết. Cảm ơn cô giúp tôi dám nhận ra những tín hiệu cho thấy hôn nhân của tôi rất bất ổn.

Ba ngày sau khi cô đi, tôi cũng quyết định li thân. Tôi phải ra khỏi nhà mà không được mang con theo. Chồng tôi cười khẩy muốn xem tôi trụ một mình bao lâu. Tôi vừa rời đi, mẹ chồng lập tức vào nhà thay tôi chăm sóc con trai tôi. Tôi thấy ngay cay đắng phải trả nếu không quay lại xin lỗi và đóng tiếp vai vợ hiền dâu thảo.

Tôi phải thừa nhận vợ chồng tôi không có tình yêu, lòng thương hại cũng không. Giữa chúng tôi chỉ là cam kết dựng một gia đình trên danh nghĩa. Rồi cứ sống bằng danh nghĩa ấy, vì danh nghĩa ấy. Nhưng từ nay tôi không muốn danh nghĩa ấy có chỗ trong đời thực của tôi nữa. Tôi nhường gia đình danh nghĩa ấy cho mẹ chồng. Hi vọng bà ấy sẽ buông tha vợ chồng cô. Tất nhiên tôi không nhường con trai của tôi cho họ đâu. Tôi sẽ chiến đấu để đón con. Con trai tôi phải chờ đợi. Thật đau lòng. Nhưng tôi cần tìm lại mình và cứu vớt chính mình trước rồi mới cứu được con trai. Một nhân viên xã hội đang giúp tìm việc làm cho tôi, hi vọng đang tăng lên.

Ngoài con trai, điều day dứt còn lại với gia đình ấy là em chồng tôi, tức là chồng cô. Tôi thấy mình có nghĩa vụ phải nói điều này với cô. Chồng cô không giống chồng tôi. Lúc tôi rời đi, thấy cậu ấy đứng chờ ở cuối phố. Ánh mắt cậu ấy chỉ thuần nỗi xót xa, bất lực nhìn tôi. Không biết cậu ấy có nhìn cô như vậy khi cô bay sang Vienna? Cậu ấy khổ sở nói lời xin lỗi. Tôi bảo cậu ấy không phải là chồng tôi, không phải xin lỗi. Cậu ấy nắm tay tôi rất chặt và bảo “Chị ơi, nếu chị không ghét em xin chị hãy nhận món quà này như quà của một người bạn, được không?” Cậu ấy khóc. Trời ơi lần thứ hai tôi thấy cậu ấy khóc. Cậu ấy giúi tay tôi một phong bì.

Kim ơi, chồng cô đã tặng tôi ba nghìn EUR. Món tiền chồng tôi chưa bao giờ cho tôi. Tôi đang cần tiền nên đã nhận. Món tiền ấy cho tôi thêm sức trụ vững giai đoạn này. Vì đó cũng là tiền của cô nên cô có quyền biết chuyện này để không dằn vặt cậu ấy. Ngay khi được đi làm, lĩnh tháng lương đầu tiên tôi sẽ trả dần vợ chồng cô.

Tôi chúc cô may mắn hơn tôi và chúc cô hạnh phúc!

 

Sân bay Flughafen Wien tám giờ tối trước hai ngày cuối kỳ nghỉ trăng mật của Kim. Một tin nhắn phát đi: Chúng tôi đang tìm hành khách chuyến bay OS359 từ Vienna đi Zaventem sẵn sàng đặt lại vé khởi hành chuyến ngày mai. Để đền bù, chúng tôi xin tặng 250 EUR và một đêm khách sạn. Quý khách nào quan tâm đề nghị này, làm ơn đến quầy gần nhất đổi vé.

Người nhờ hãng hàng không gửi đi tin nhắn này đang soạn thêm tin khác gửi về hướng Hallstatt “Chào Max. Tôi không quay lại Hallstatt mà về Brussels đêm nay. Cầu trời cho tôi có vé bay ngay. Tôi biết anh sẽ hiểu và không chất vấn gì thêm. Nếu có dịp trở lại Hallstatt, tôi mong sẽ được ngắm bức điêu khắc bán thân có gương mặt và mái tóc như tôi hình dung. Quà tặng người khổng lồ đỏ của anh. Tôi mạo muội đoán như vậy trước khi có diễm phúc chiêm ngưỡng nó. Hoặc sẽ là tác phẩm mang hình dáng khác, sắc thái khác. Tự do sáng tạo bao giờ cũng quan trọng nhất. Với riêng tôi, tác phẩm ấy chính là ý chí tự do để đón nhận hạnh phúc tôi đã có được ở Hallstatt. Tôi sẽ trân trọng cảm xúc ấy, khoảnh khắc ấy như một báu vật đời mình. Chúc anh giữ được ngọn lửa đam mê vừa nhóm lên. Kim.”

Kiều Bích Hương

Rotselaar 23 tháng 2 năm 2025